Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4162/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH KHU KINH TẾ - QUỐC PHÒNG MẪU SƠN, TỈNH LẠNG SƠN/QUÂN KHU 1 ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025.

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 44/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về xây dựng Khu KTQP;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/2/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 12/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1391/QĐ-TTg ngày 09/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 246/2010/TTLT-BQP-BKH ngày 23/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 44/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 3238/QĐ-BQP ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán công tác lập quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn/Quân khu 1;

Xét Tờ trình số 1082/TTr-BTL ngày 2/7/2013 của BTL Quân khu 1;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng tại báo cáo kết quả thẩm định số 1339/CKT-KHTH ngày 16/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Khu KTQP Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn/Quân khu 1 đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Nội dung dự án Quy hoạch:

a) Tên Quy hoạch: Quy hoạch Khu KTQP Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn/Quân khu 1 đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

b) Phạm vi vùng quy hoạch: Vùng quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn/Quân khu 1 trên địa bàn 20 xã: Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn, Thanh Lòa, thuộc huyện Cao Lộc; Mẫu Sơn, Tú Đoạn, Yên Khoái, Tú Mịch, Tĩnh Bắc, Tam Gia thuộc huyện Lộc Bình; Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa thuộc huyện Đình Lập; Trùng Khánh, Thanh Long, Thuỵ Hùng thuộc huyện Văn Lãng; Đội Cấn, Đào Viên, Tân Minh thuộc huyện Tràng Định.

Tổng diện tích tự nhiên của vùng quy hoạch là: 126.489,5 ha; có 118,9 km đường biên giới với Trung Quốc; dân số 11.221 hộ/47.691 khẩu; gồm 05 dân tộc: Tày (35,2%), Nùng (42,97%), Dao (3,5%), Kinh (15,2%), và các dân tộc khác là Hoa, Mông, Sán Chay (3,13%); tỷ lệ hộ nghèo là 27,49%.

c) Đơn vị quản lý & thực hiện quy hoạch: Đoàn KTQP 338/Quân khu 1.

d) Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Thái Nguyên.

đ) Hình thức quy hoạch: Quy hoạch mới.

2. Quan điểm:

a) Quy hoạch Khu KTQP Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn/Quân khu 1 phải tuân thủ Quyết định số 1391/QĐ-TTg ngày 9/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu KTQP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; phù hợp với Chương trình phát triển các xã tuyến biên giới, Chương trình ổn định dân cư biên giới Việt - Trung, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

b) Quy hoạch Khu KTQP Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn/Quân khu 1 phải gắn chặt với bố trí ổn định dân cư biên giới, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội khu vực biên giới, củng cố an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

c) Quy hoạch Khu KTQP Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn/Quân khu 1 dựa trên cơ sở phát huy các tiềm năng nội tại của vùng về tự nhiên, kinh tế, xã hội, phát huy nguồn lực tại chỗ là chính, Đoàn KTQP là nòng cốt chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, bao tiêu và chế biến một phần nông sản cho người dân.

Cần gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên cơ sở ổn định cuộc sống của người dân tại chỗ, phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo. Có sự phối hợp và lồng ghép các dự án trong vùng để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả, tránh sự đầu tư chồng chéo, trùng lặp.

3. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Phát triển kinh tế - xã hội Khu KTQP Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa bàn; trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh, hình thành các cụm làng xã biên giới, tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2013-2015:

Ổn định về chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh trong khu vực, tiếp tục xây dựng các cụm điểm dân cư để bố trí đỡ đầu, sắp xếp di dãn dân ra biên giới 16 hộ, thực hiện xóa đói giảm nghèo cho khoảng 12 hộ, khai hoang 33 ha, hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất 1.000 hộ.

Đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn góp phần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, trường học... đáp ứng yêu cầu cho việc sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

- Giai đoạn 2016-2020:

Tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội thông qua các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch và các Chương trình xóa đói giảm nghèo.

Hình thành mới cụm, điểm dân cư biên giới, đỡ đầu, sắp xếp ổn định cuộc sống tại chỗ 90 hộ, hỗ trợ hộ nghèo 79 hộ, thực hiện xóa đói giảm nghèo cho khoảng 2.000 hộ dân.

- Giai đoạn sau năm 2020:

Tiếp tục phối hợp với các huyện, xã để thực hiện việc lồng ghép các Chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 3-4%/năm, tỷ lệ lao động nông thôn trong khu KTQP qua đào tạo đạt trên 30%.

4. Nhiệm vụ:

a) Tổ chức bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống cho đồng bào tại chỗ, xây dựng các điểm dân cư mới:

- Ổn định cuộc sống cho 500 hộ đồng bào tại chỗ, xây dựng 18 điểm dân cư mới với 410 hộ; hỗ trợ cho dân tái định cư: 500 hộ.

- Hỗ trợ các hộ nghèo: 520 hộ.

- Đầu tư xây dựng bản biên giới: 18 bản.

b) Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm xá, doanh trại:

- Đường giao thông: 11 công trình (tổng số 37 km).

- Thủy lợi: 15 công trình (cung cấp nước tưới cho 650 ha ruộng lúa nước và hoa màu).

- Nước sinh hoạt: 15 công trình, cung cấp cho 1.625 hộ dân.

- Công trình điện: 6 công trình (tổng số 24 km).

- Xây dựng trường học: 6 trường (tổng số 34 phòng học).

- Xây dựng doanh trại: 9 công trình.

- Đầu tư xây dựng bản biên giới: 18 bản (tổng số 410 hộ).

c) Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình: Khai hoang, cải tạo ruộng lúa nước: 76 ha, khai hoang, cải tạo nương rẫy cố định: 748 ha, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất (giống cây trồng, vật nuôi): 3.085 hộ.

d) Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ biên giới quốc gia.

đ) Hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Góp phần xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí và định hướng của nhà nước:

Đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng: 25 công trình.

(Chi tiết có phụ lục kèm theo)

5. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch:

a) Giải pháp về vốn:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện quy hoạch là 528.840,1 triệu đồng. Bao gồm:

- Nhu cầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng Khu KTQP và đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia là 492.575,1 triệu đồng.

Trong đó:

+ Giai đoạn 2013 - 2015:

+ Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Giai đoạn sau năm 2020:

70.561,5 triệu đồng.

160.301,9 triệu đồng.

261.711,8 triệu đồng.

- Nhu cầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước lồng ghép qua địa phương là 36.265,0 triệu đồng.

Trong đó:

+ Giai đoạn 2013 - 2015:

+ Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Giai đoạn sau năm 2020:

920,0 triệu đồng.

5.290,0 triệu đồng.

30.055,0 triệu đồng.

(Chi tiết có phụ lục kèm theo)

b) Giải pháp về nguồn nhân lực:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ và nhân dân trong lĩnh vực quản lý, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Thông qua tổ chức các mô hình sản xuất để giúp bà con nhân dân từng bước thay đổi nhận thức và cách làm trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.

- Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; tổ chức các mô hình dạy nghề đa dạng, linh hoạt; hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác đối với học sinh dân tộc thiểu số học nghề nội trú, học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú theo các chính sách hiện hành.

- Tận dụng tối đa số cán bộ, nhất là cán bộ là người dân tộc trong đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện lên xây dựng các Khu KTQP để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ kỹ thuật của Đoàn KTQP.

c) Giải pháp về cơ chế chính sách:

Vận dụng và thực hiện tốt các chính sách hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về ưu đãi đối với Khu KTQP, đối với đồng bào dân tộc, đối với vùng biên giới; Chủ động đề xuất để các cơ quan chức năng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc trong việc tạo lập cuộc sống bền vững, đặc biệt là học nghề và chuyển đổi nghề nghiệp.

d) Giải pháp về chế biến, thu mua, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm:

Đầu tư xây dựng các chợ ở những nơi có điều kiện để thúc đẩy giao thương trao đổi hàng hóa nông sản,…;

Từng bước nghiên cứu để đầu tư các cơ sở chế biến nông - lâm sản giúp người dân nâng cao thu nhập;

Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện vào đầu tư và tổ chức sản xuất, chế biến, thu mua nông lâm sản cho người dân trong Khu KTQP.

đ) Về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững:

- Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất đai, rừng. Lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và địa phương.

- Thiết lập và củng cố hệ thống rừng phòng hộ ổn định, bền vững tại các Khu vực biên giới, đồng thời quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng, hạn chế chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang các mục đích khác; đẩy mạnh trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp để giữ đất, giữ nguồn nước.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho mọi tầng lớp dân cư trong các Khu KTQP và nhân dân các địa phương khác hoạt động phát triển kinh tế trong các Khu KTQP.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch.

a) Bộ Tư lệnh Quân khu 1:

- Chỉ đạo, kiểm tra Đoàn KTQP 338 triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định;

- Trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt hoặc thẩm định, phê duyệt các dự án được phân cấp, ủy quyền theo quy định hiện hành.

b) Đoàn KTQP 338/Quân khu 1:

- Phối hợp với địa phương tổ chức công bố quy hoạch được duyệt.

- Căn cứ vào khả năng đảm bảo vốn của Nhà nước, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vùng quy hoạch, theo thứ tự ưu tiên tiến hành xây dựng các dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đầu tư theo quy định.

- Rà soát điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

Điều 3. Tư lệnh Quân khu 1, Đoàn trưởng Đoàn KTQP 338, Cục trưởng Cục Kinh tế/BQP, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP, Cục trưởng Cục Tài chính/BQP và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:

- Bộ trưởng BQP (để báo cáo);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ NN&PTNT;
- UBND tỉnh Lạng Sơn;
- BTL Quân khu 1;
- Đoàn KTQP 338/QK1;
- Các Cục: K.tế, T.chính, KH&ĐT/BQP;
- Cục Tác chiến/BTTM;
- Lưu: VT, THBĐ, Ng13.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Hữu Đức