Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 43/2002/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2002 PHÊ DUYỆT BỔ SUNG ĐỀ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ CÁC KHU KINH TẾ - QUỐC PHÒNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Quốc phòng (công văn số 3859/BQP ngày 07 tháng 12 năm 2001), của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 201 BKH/QPAN ngày 10 tháng 01 năm 2002), của Bộ Tài chính (công văn số 1063 TC/ĐT ngày 31 tháng 01 năm 2002), về việc phê duyệt bổ sung Đề án quy hoạch tổng thể các Khu kinh tế - quốc phòng trong tình hình mới,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt bổ sung Đề án quy hoạch tổng thể các khu kinh tế - quốc phòng trong tình hình mới, với nội dung chủ yếu sau :

1. Tên Đề án : đề án quy hoạch tổng thể các Khu kinh tế - quốc phòng trong tình hình mới.

2. Mục tiêu : phát triển kinh tế - xã hội các vùng dự án góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng an ninh, hình thành các cụm làng xã biên giới, tạo nên vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

3. Nhiệm vụ :

a) Xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp tổ chức lại dân cư :

- Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu : đường, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm xá, chợ ...;

- Định canh định cư cho dân du canh du cư, chuẩn bị tái định cư dự án Thủy điện Sơn La;

- Ổn định cuộc sống cho đồng bào tại chỗ, kể cả dân di cư tự do đã đến sống trên địa bàn. Xây dựng địa bàn vững mạnh về quốc phòng an ninh và kinh tế - xã hội;

- Tạo điều kiện để đưa dân đồng bằng đến vùng dự án thực hiện hai mục tiêu là xoá đói giảm nghèo và quốc phòng an ninh, thay đổi cơ cấu dân cư vùng dự án.

b) Tạo nên những yếu tố bước đầu cho phát triển kinh tế hàng hoá :

- Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư;

- Tổ chức dịch vụ 2 đầu, tạo kinh tế hàng hoá trên nền kinh tế hợp tác;

- Chuyển giao công nghệ đến tận người dân;

- Tạo mô hình mẫu và tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ;

- Tạo điều kiện cho nhân dân địa phương tham gia xây dựng công trình để có thu nhập và tiếp xúc với kỹ thuật;

- Ở nơi có điều kiện sản xuất lớn và dân không đủ khả năng tự đầu tư sản xuất hàng hoá (như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc) quân đội trực tiếp tổ chức sản xuất để thu hút các hộ đồng bào dân tộc và dân nơi khác vào tổ chức kinh tế của Nhà nước.

c) Nâng cao đời sống vật chất văn hoá tinh thần cho nhân dân :

- Tuyên truyền vận động nhân dân nắm vững và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống lại các thủ đoạn xuyên tạc kích động của địch và các hành vi truyền đạo trái phép;

- Đưa phát thanh truyền hình, văn hoá, y tế về thôn bản;

- Tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc đến trường học, tham gia chương trình phổ cập tiểu học và xoá mù chữ;

- Chăm sóc y tế, tham gia chữa bệnh cho nhân dân;

- Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho địa phương;

- Trên cơ sở đời sống được cải thiện, phục hồi bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số.

4. Quy mô:

a) Tiếp tục đầu tư cho 12 Khu kinh tế - quốc phòng theo Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Bổ sung đầu tư mới 5 dự án Khu kinh tế - quốc phòng sau :

1- Khu kinh tế - quốc phòng Sông Mã, trên địa bàn 2 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Quân khu II;

2- Khu kinh tế - quốc phòng Xín Mần, tỉnh Hà Giang, Quân khu II;

3- Khu kinh tế - quốc phòng Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Quân khu II;

4- Khu kinh tế - quốc phòng Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Quân khu IV;

5- Khu kinh tế - quốc phòng Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, Quân khu IX.

c) Bổ sung đầu tư mở rộng 2 Khu kinh tế - quốc phòng sau :

1- Mở rộng Khu kinh tế - quốc phòng Nam Đắk Lắk - Bình Phước, Binh đoàn 16 thêm vùng Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

2- Mở rộng Khu kinh tế - quốc phòng Mường Chà, tỉnh Lai Châu thêm 3 xã Sín Thầu, Chung Chải, huyện Mường Nhé, Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Quân khu II.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các Chủ đầu tư lập dự án đầu tư cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng.

5. Nguồn vốn và cơ chế đầu tư :

a) Vốn ngân sách : hàng năm Nhà nước bố trí vốn ngân sách cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, cấp nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, chợ trung tâm; trại cây, con giống mang tính chất của cụm, vùng; cơ sở chuyển giao khoa học và công nghệ; huấn luyện khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; học tiếng dân tộc phục vụ công tác dân vận; mua sắm các trang bị thiết yếu công suất nhỏ cho các Đoàn Kinh tế - quốc phòng để giúp dân làm các công trình thủy lợi nhỏ, đường liên thôn, khai hoang đồng ruộng ...; xây dựng doanh trại cho Đoàn kinh tế - quốc phòng theo từng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của chương trình kinh tế mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Quốc phòng bố trí thêm một lượng vốn thích đáng để đầu tư các dự án, các công trình cụ thể cho phù hợp, ưu tiên một số dự án, công trình ở vùng xung yếu, vùng trọng điểm thực hiện trước.

b) Vốn tín dụng:

- Thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước;

- Đối với vùng dự án hoặc công trình đặc thù cần phải có hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định từng trường hợp cụ thể.

c) Có chính sách thích hợp để thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia các dự án hoặc công trình ở khu vực này.

d) Phối hợp với các địa phương để lồng ghép và sử dụng có hiệu quả vốn của dự án và vốn của chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

đ) Do yêu cầu bức xúc của nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, chuẩn bị tái định cư dự án Thủy điện Sơn La, cùng với yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ quốc phòng an ninh, các dự án cần được triển khai nhanh cùng một lúc trên các địa bàn, việc thực hiện các công trình theo khả năng bố trí vốn đầu tư hàng năm và có dành vốn ưu tiên đầu tư cho một số dự án trọng điểm do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định.

e) Các dự án đầu tư phải thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

g) Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp phát vốn ngân sách cho phù hợp với đặc thù của các loại dự án này, bảo đảm việc triển khai dự án thuận lợi và quản lý vốn chặt chẽ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ : Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong vùng dự án, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)