Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4263/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 4189/SNN-CN ngày 07/12/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển ngành chăn nuôi Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu chung:

Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; chuyển dịch cơ cấu phù hợp với lợi thế từng vùng, từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm chăn nuôi hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 47% năm 2015 và 50% năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Tăng trưởng giá trị bình quân giai đoạn 2011 – 2015: 7 - 8%/năm; giai đoạn 2015 - 2020: 6 - 7%/năm.

b) Tổng đàn và sản phẩm chăn nuôi:

- Năm 2015: Tổng đàn: Trâu 112.000 con, bò 251.600 con, lợn 500,000 con, gia cầm 6.400 ngàn con, hươu 46.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 96.000 tấn, trong đó thịt lợn chiếm 74%, thịt gia cầm chiếm 10%, thịt trâu bò, dê chiếm 16%. Sản lượng trứng gia cầm 232 triệu quả, nhung hươu 12,24 tấn.

- Năm 2020: Trâu 121.000 con, bò 306.000 con, lợn 580.000 con, gia cầm 7.900 ngàn con, hươu: 65.000 con. Sản lượng thịt hơi đạt 126.000 tấn, trong đó: thịt lợn chiếm 70%, thịt gia cầm chiếm 12%, thịt trâu bò, dê chiếm 18%. Sản lượng trứng gia cầm 287 triệu quả, nhung hươu 17,9 tấn.

c) Chất lượng đàn: Zêbu hóa đàn bò đạt 45% trong tổng đàn năm 2015 và 50% năm 2020; lợn nái ngoại đạt 25% trong tổng đàn nái năm 2015 và trên 30% năm 2020.

d) Chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại, công nghiệp từ 10% (hiện nay) lên 20% năm 2015 và 30% năm 2020.

đ) Kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi, khống chế cơ bản các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: LMLM gia súc, Tai xanh và Dịch tả ở lợn, Cúm gia cầm...

e) Giết mổ, chế biến, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm: Đến năm 2015 có 50% số gia súc, gia cầm được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, 50% còn lại giết mổ tại các điểm giết mổ; 100% thịt gia sức, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Xây dựng các nhà máy chế biến súc sản bao gồm giết mổ, chế biến công nghiệp tạo các sản phẩm: thịt hộp, dăm bông, xúc xích... phục vụ trong các khu công nghiệp, thị trường trong và ngoài tỉnh.

II. Nội dung.

1. Chăn nuôi lợn:

Tổng đàn (số lượng có mặt thường xuyên) năm 2015 là 500.000 con và năm 2020: 580.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 71 ngàn tấn năm 2015 và 89 ngàn tấn năm 2020. Tăng tỷ lệ đàn nái trong tổng đàn lên từ 12% (hiện nay) lên 16% năm 2015 và 18% năm 2020; trong đó tỷ lệ nái ngoại đạt 25% năm 2015 và trên 30% năm 2020. Phấn đấu đến năm 2015 có 2.000 nái ngoại cấp ông bà để cung ứng 12.000 nái bố mẹ và năm 2020 có 3.200 nái cấp ông bà để cung ứng 20.000 nái bố mẹ.

Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, trong đó tăng tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp từ 12% (hiện nay) lên 40% năm 2015 và 60% năm 2020. Tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco và các doanh nghiệp khác; hình thành các Hiệp hội chăn nuôi, Hợp tác xã, Tổ hợp chăn nuôi; tiến tới xây dựng quỹ bảo hiểm vật nuôi.

2. Chăn nuôi bò:

Tổng đàn tăng bình quân 3%/năm, năm 2015 đạt 251.600 con và 306.000 con năm 2020. Số lượng bò xuất bán và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng bình quân 4,4%/năm, đạt 12.585 tấn vào năm 2015 và 15.306 tấn năm 2020; đẩy mạnh chương trình Zêbu hóa đàn bò, phấn đấu tỷ lệ bò lai Zê bu đạt 45% đến năm 2015 và 50% năm 2020.

Phát triển chăn nuôi bò thịt năng suất, chất lượng cao (75% máu ngoại) theo hướng thâm canh, bản thâm canh gắn với việc trồng cỏ, tận thu, bảo quản, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn; chăn nuôi bò sữa theo hướng trang trại, công nghiệp ở các huyện có tiềm năng và lợi thế.

3. Chăn nuôi trâu:

Duy trì và phát triển ổn định về số lượng và nâng cao chất lượng đàn; bình tuyển, chọn lọc 1.500 trâu đực giống có năng suất, chất lượng cao và luân chuyển giữa các vùng trong tỉnh; thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng tinh trâu Murrah đối với các vùng chăn nuôi trâu tập trung, tạo ra 5.000 con trâu lai Murrah năm 2015 và 10.000 con năm 2020. Hạn chế phương thức chăn nuôi quảng canh, thả rông sang chăn dắt có quản lý, nuôi nhốt, phát triển chăn nuôi trang trại thâm canh quy mô nhỏ (10 - 20 con/trang trại) ký kết hợp trồng cỏ và bảo quản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn.

4. Chăn nuôi gia cầm:

Tổng đàn tăng bình quân 4%/năm, đạt 6,4 triệu con năm 2015 và 7,9 triệu con năm 2020. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 4,7%/năm, đạt 8.844 tấn năm 2015 và 10,917 tấn năm 2020. Sản lượng trứng đạt 232 triệu quả năm 2015 và 287 triệu quả năm 2020.

Xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm thương phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh, cung cấp đủ con giống cho người chăn nuôi. Du nhập các giống gia cầm năng suất cao để phục vụ cho chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp; đồng thời chọn lọc các giống gia cầm địa phương chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, trang trại, chăn thả có kiểm soát và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi gà thả đồi kết hợp trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp tạo thương hiệu gà đồi Hà Tĩnh.

5. Phát triển chăn nuôi hươu, dê, ong:

- Đàn hươu: Giai đoạn 2011 - 2015, tăng 7,8%/năm, đạt 46.000 con năm 2015; giai đoạn 2015 - 2020, tăng 5,8%/năm, đạt 65.000 con năm 2020. Sản lượng nhung hươu đạt 12,24 tấn năm 2015 và 17,9 tấn năm 2020. Phát triển đàn hươu ở các vùng miền núi có điều kiện tự nhiên thích hợp như ở Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Kỳ Anh. Hình thành vùng chăn nuôi hươu theo hướng hàng hóa gắn với chế biến sản phẩm nhung hươu.

- Đàn dê: 20.000 con, sản lượng thịt dê 150 tấn, Phát triển chăn nuôi dê ở các vùng miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Du nhập một số giống để thịt phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương như dê Bách Thảo, dê Ấn Độ...

- Đàn ong: 10.000 tổ, sản lượng mật 12 tấn. Phát triển chăn nuôi ong tập trung, phát triển thương hiệu sản phẩm mật ong.

III. Một số giải pháp.

1. Quy hoạch:

Năm 2011 hoàn thành quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020 trên địa bàn tỉnh và năm 2012 hoàn thành quy hoạch phát triển trang trại chăn nuôi lợn tập trung, công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020. Quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng Nông thôn mới.

a) Phát triển các loại vật nuôi:

- Phát triển chăn nuôi lợn tập trung ở các vùng trà sơn, ven biển nơi có lợi thế về đất đai, dễ xử lý môi trường; chăn nuôi kết hợp với cải tạo đất chống sa mạc hóa.

- Phát triển chăn nuôi trâu bò tại các vùng trung du và miền núi thuộc các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh và các vùng đồi núi của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh. Chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng cao tập trung ở các vùng trà sơn, trồng màu, trồng ngô, vùng gò đồi, kết hợp trồng cỏ nuôi bò và một số vùng có kinh nghiệm chăn nuôi và khả năng đầu tư theo hướng nuôi thâm canh, nuôi nhốt.

- Gia cầm: Phát triển đàn gà công nghiệp ở đồng bằng, gà thả vườn tại các vùng trung du và miền núi như: Hương Khê, Thạch Hà, Vũ Quang..., nuôi vịt đàn ở các xã vùng trũng, vùng lúa trọng điểm, ven biển; phát triển các mô hình tổng hợp Cá - Lúa - Vịt, Cá - Vịt ở vùng đồng bằng sâu trũng, ven sông suối, hồ đập;

- Phát triển chăn nuôi hươu, dê, ong ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và một số vùng núi của huyện Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh.

b) Sản xuất giống:

- Quy hoạch các điểm cung ứng, truyền tinh nhân tạo trâu, bò để tăng tỷ lệ bò lai Zêbu và cải tiến, nâng cao chất lượng đàn trâu; phát triển các vùng chăn nuôi trâu, bò giống.

- Quy hoạch các cơ sở sản xuất giống lợn bố mẹ tại Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà; các cơ sở sản xuất giống thương phẩm tại các huyện, phấn đấu mỗi huyện có từ 2 - 4 cơ sở, Quy hoạch 02 cơ sở thụ tinh nhân tạo lợn tại Đức Thọ, Thạch Hà hoặc Cẩm Xuyên.

- Quy hoạch 5 - 6 cơ sở/huyện sản xuất giống gia cầm thương phẩm cung cấp con giống cho sản xuất.

c) Thức ăn chăn nuôi:

Phát triển diện tích cỏ trồng bằng các giống cỏ cho năng suất cao; đồng thời cải tạo đồng cỏ tự nhiên có sự quản lý trong chăn thả, thu hoạch cỏ và các loại cây làm thức ăn cho chăn nuôi theo hộ gia đình để chủ động nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Diện tích cây thức ăn sẽ tăng từ 1,350 ha năm 2011 lên 2.000 ha năm 2015 và 4.000 ha năm 2020.

d) Cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi;

- Ở thành phố, thị xã có từ 1 - 2 cơ sở; ở thị trấn, thị tứ và khu vực đông dân cư có ít nhất 1 cơ sở, hình thành các cơ sở giết mổ tập trung liên xã.

- Xây dựng 01 nhà máy chế biến súc sản ở khu kinh tế Vũng Áng.

2. Giống:

a) Giống lợn:

- Chú trọng phát triển đàn lợn giống (ông bà, bố mẹ) đủ số lượng, chất lượng cao. Đến năm 2015, có 80.000 nái trong đó 20.000 nái ngoại, 36.000 nái lai, năm 2020 có 104.000 nái trong đó 31.000 nái ngoại, 57.000 nái lai. Đối với nái ngoại: năm 2015 có 2.000 con cấp ông bà, 12.000 con cấp bố mẹ để sản xuất 270.000 lợn thương phẩm; năm 2020 có 3.200 con cấp ông bà, 20.000 con cấp bố mẹ, sản xuất 448.000 lợn thương phẩm, với nòng cốt chủ lực là Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; tạo ra dòng sản phẩm lớn, đồng nhất có chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm lợn Hà Tĩnh gắn với thương hiệu Thái Lan.

- Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý lợn đực giống, mua bổ sung lợn đực giống năng suất, chất lượng cao phục vụ công tác nạc hóa đàn lợn, đến năm 2015 có 420 đực giống và 620 con năm 2020.

b) Giống bò:

- Đẩy mạnh chương trình cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) hoặc phối giống trực tiếp với đực giống lai Zêbu tạo đàn bò lai có tỷ lệ máu ngoại trên 50%; tỷ lệ bò lai chiếm 45% vào năm 2015 và 50% năm 2020.

- Bình tuyển, chọn lọc đàn bò cái nền lai Zêbu (F1), sử dụng tinh của các giống bò thịt cao sản như Charolais, Shahiwal, Brahman... phối giống tạo đàn bò lai thịt có 75% máu ngoại trở lên. Nhân rộng mô hình bò lai hướng thịt năng suất, chất lượng cao (75% máu ngoại) ở Đức Thọ, Hương Sơn ra toàn tỉnh.

- Xây dựng, nâng cấp mạng lưới TTNT và dịch vụ kỹ thuật đến tận cơ sở nhằm cung cấp vật tư TTNT, chuyển giao kỹ thuật phối giống nhân tạo; đào tạo 60 dẫn tinh viên/năm phục vụ công tác TTNT bò.

- Cần chọn lọc khoảng 700 con đực lai Zêbu làm giống trong tổng đàn đực lai Zêbu (hiện có 7.000 con), trên 50% máu Zêbu để phối giống trực tiếp cho vùng sâu, vùng xa chưa triển khai được công tác TTNT.

c) Giống trâu:

- Chọn lọc, cải tạo nâng cao chất lượng, số lượng đàn trâu địa phương:

Bình tuyển, chọn đực giống tốt ở các vùng có truyền thống nuôi trâu như Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên... Chọn 1.500 trâu đực có khối lượng từ 450 kg trở lên, xếp cấp tổng hợp đạt cấp 1 trở lên, phấn đấu đưa tỷ lệ đực giống chiếm 10% tổng đàn, Thực hiện luân chuyển trâu đực giữa các địa phương trong tỉnh để tránh hiện tượng đồng huyết.

Chọn trâu cái có khối lượng từ 300 kg trở lên, xếp cấp tổng hợp đạt từ cấp 2 trở lên, tạo đàn cái nền phục vụ công tác cải tạo đàn trâu.

- Xây dựng các vùng giống trâu để cung cấp những con giống tốt cho người chăn nuôi; có chính sách hỗ trợ đối với người nuôi giữ trâu đực. Đầu tư mua trâu đực giống tốt từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An để nâng cao năng suất, tầm vóc đàn trâu địa phương.

- Thụ tinh nhân tạo trâu: Mỗi năm chọn 1.000 - 2.000 trâu cái để làm trâu cái nền phát hiện động dục và TTNT với tinh trâu Murrah, tạo đàn trâu lai 50% máu Murrah tầm vóc lớn (tăng 20% so với trâu địa phương), sinh trưởng, phát triển tốt.

- Thực hiện Dự án Phát triển giống trâu giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Giống gia cầm:

- Chọn lọc, cải tạo các giống gia cầm địa phương chất lượng cao như gà ri, vịt cỏ... nhằm giải quyết một phần nhu cầu con giống tại chỗ phục vụ chăn nuôi gia cầm bán chăn thả.

- Sử dụng các giống gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt như gà Ai cập, gà Lorgh, vịt Kakicapbell, vịt Super Meat, vịt CV 2000... để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm an toàn sinh học với quy mô vừa và lớn trong vùng quy hoạch trang trại tập trung.

đ) Giống hươu: Tiến bành bình tuyển, chọn lọc để từng bước nâng cao chất lượng đàn hươu. Xây dựng vùng giống nhân dân để sản xuất giống hươu tốt phục vụ nhu cầu phát triển đàn. Tiến tới làm thủ tục công nhận hươu là giống vật nuôi.

e) Quản lý giống; Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống theo Pháp lệnh Giống vật nuôi và các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất chất lượng giống vật nuôi theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

3. Kỹ thuật:

a) Chuồng trại: Sử dụng các kiểu chuồng thích nghi với biến đổi khí hậu như chống lũ lụt, chống rét, chống nắng nóng; áp dụng các công nghệ chuồng lồng, chuồng sàn, có hệ thống làm mát... đối với chăn nuôi lợn, gia cầm.

Đối với các trang trại chăn nuôi xây dựng chuồng trại cần đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 15/01/2010 về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Với chăn nuôi truyền thống trong nông hộ chuồng trại phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, có hệ thống xử lý chất thải bằng bể biogas hoặc hố xử lý phân, rác thải

b) Thức ăn:

- Thức ăn công nghiệp: Tăng sản lượng sản xuất thức ăn của nhà máy thức ăn gia súc Thiên Lộc, đảm bảo cung ứng trên 35% năm 2012 và năm 2015 là 75% thức ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết các hợp đồng cung ứng thức ăn từ nhà máy đến các cơ sở chăn nuôi để giảm các chi phí vận chuyển, bao bì, đóng gói và các chi phí tại các đại lý kinh doanh thức ăn. Tuyên truyền, khuyến cáo việc sử dụng thức ăn công nghiệp, tăng tỷ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp từ 37% năm 2012 lên 60% năm 2015 và 70 - 75% năm 2020 (đối với lợn); từ 20% năm 2012 lên 50% năm 2015 và 70% năm 2020 (đối với gia cầm).

- Tăng cường quản lý thức ăn công nghiệp từ các nhà sản xuất, cung ứng và dịch vụ thức ăn tiêu thụ trên thị trường theo Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và Nghị định số 08/2011/NĐ-CP ngày 25/01/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thức ăn chăn nuôi.

- Thức ăn thô xanh: Mở rộng diện tích trồng cây thức ăn xanh, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao như cỏ VA06, cỏ Voi, cỏ Sả...; phấn đấu đến năm 2015 có 2.000 ha và năm 2020 có 4.000 ha cỏ trồng. Khuyến cáo người chăn nuôi tận thu, sử dụng các biện pháp bảo quản, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Phát triển diện tích ngô gieo dày để chủ động thức ăn thô xanh trong vụ Đông Xuân.

Bố trí lại cơ cấu cây trồng, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, sắn, đậu... năng suất cao nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi,

c) Kỹ thuật chăn nuôi: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín, cùng vào - cùng ra. Đối với trâu, bò hạn chế thả rông, sử dụng kỹ thuật vỗ béo trước khi xuất chuồng. Các cơ sở sản xuất giống, trang trại ứng dụng phần mềm quản lý chuyên dụng.

4. Khuyến nông, thông tin tuyên truyền và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật:

a) Công tác khuyến nông:

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia trai, trang trại an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế cao.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng chống dịch bệnh. Coi trọng đào tạo về quản lý trang trại, quản lý doanh nghiệp cho người dân. Phát triển các hình thức sinh hoạt, câu lạc bộ trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau phát triển chăn nuôi.

b) Thông tin tuyên truyền:

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi trang trại tập trung, tách khỏi khu dân cư; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng dịch cho vật nuôi.

- Tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung của Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Thú y, Nghị định Quản lý thức ăn chăn nuôi, các quy định, hướng dẫn về quản lý giống và phòng chống dịch bệnh, các chính sách của Trung ương, Tỉnh về phát triển chăn nuôi.

5. Thú y:

- Kiện toàn hệ thống thú y từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, nâng cao năng lực và cơ sở vật chất. Chủ động nguồn kinh phí dự phòng mua vắc xin, hóa chất... trong công tác phòng, chống dịch.

- Đẩy mạnh công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc theo quy định cho đàn gia súc, gia cầm; phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% theo kế hoạch.

- Tổ chức hệ thống kiểm dịch tận cơ sở, kiểm soát chặt chẻ số lượng gia súc, gia cầm giống đưa về nuôi trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn nuôi cách ly và tiêm phòng bổ sung trước khi nhập đàn.

- Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y ở lò, điểm giết mổ, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật;

- Giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh, phát hiện sớm, bao vây kịp thời, khống chế có hiệu quả không để dịch lan rộng.

- Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các cơ sở sản xuất giống, vùng tái định cư và các xã xây dựng Nông thôn mới.

- Thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động hành nghề Thú y và kinh doanh thuốc Thú y theo Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 09/5/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chế hoạt động hành nghề Thú y.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh Thú y và các văn bản quy định về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của cơ quan có thẩm quyền, xử lý các vi phạm theo Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ,

6. Xử lý chất thải và môi trường chăn nuôi

- Quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo mô bình khép kín từ chuồng trại, giống, thức ăn, hệ thống xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh để sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thú y.

- Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô trên 1.000 con phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, các trang trại có quy mô 100 - 1.000 con phải có cam kết bảo vệ môi trường được Phòng Tài nguyên và Môi trường - Ủy ban nhân dân huyện xác nhận.

- Tiếp tục thực hiện Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam 2007 - 2011”, để người dân có thể tiếp cận tiện ích của công trình khí sinh học. Đưa các công nghệ mới, tiên tiến về xử lý môi trường chăn nuôi như công nghệ vi sinh, công nghệ lon hóa, công nghệ vật liệu mới...

- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa có thể áp dụng phương pháp xử lý bằng Biogas; quy mô lớn cần kết hợp với phương pháp ủ sinh học (EM) và các phương pháp khác; Chăn nuôi nông hộ cần ủ phân trước khi bón ruộng hoặc xả ra môi trường.

- Kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất chăn nuôi vi phạm về vệ sinh thú y và môi trường theo quy định của Nhà nước.

7. Hệ thống giết mổ, chế biến

- Nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế các điểm giết mổ phân tán tại các khu quy hoạch đô thị, khu tập trung đông dân cư, các chợ không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y. Phấn đấu có 17 cơ sở giết mổ tập trung năm 2015 và 33 cơ sở năm 2020.

- Các địa phương cần có chính sách, lồng ghép các dự án trên địa bàn để hỗ trợ một phần kinh phí triển khai xây dựng và nâng cấp hoàn chỉnh các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung phải theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.

- Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm đã qua giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm

a) Tổ chức sản xuất:

- Thành lập các Hiệp hội ngành nghề chăn nuôi, Hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất, dịch vụ chăn nuôi thông qua Hội Nông dân, các đoàn thể, câu lạc bộ chăn nuôi... để phổ biến kinh nghiệm, thông tin và giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới;

- Phát triển hình thức chăn nuôi liên doanh, liên kết theo hướng an toàn dịch bệnh, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu và liêu thụ sản phẩm.

- Hình thành các quỹ hỗ trợ rủi ro trong chăn nuôi do thiên tai, dịch bệnh; cần có chính sách phù hợp để duy trì và phát triển sản xuất, trong đó có một phần thuộc về Nhà nước.

b) Thị trường tiêu thụ sản phẩm;

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như: hội chợ, triển lãm về sản xuất chăn nuôi. Triển khai chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với các cơ sở tiêu thụ tin cậy trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ quảng bá, tiếp cận thị trường cho các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và chế biến.

- Xây dựng một số mô hình đăng ký thương hiệu sản phẩm gia súc, gia cầm để quảng bá sản phẩm chăn nuôi sạch bệnh và chất lượng cao, tạo ra địa chỉ tin cậy cho người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn.

- Tổ chức lại chuỗi thị trường từ khâu chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học đến các chợ buôn bán gia súc, gia cầm được kiểm dịch và đến các cơ sở giết mổ, chế biến công nghiệp đến bàn ăn.

9. Chính sách: Trước mắt, thực hiện theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 của Ủy ban nhân tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục nghiên cứu, có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu phát triển và các quy định hiện hành.

10. Đào tạo nguồn nhân lực và hệ thống tổ chức

a) Đào tạo nguồn nhân lực:

- Thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và công tác quản lý đối với đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, Ban Chăn nuôi - Thú y xã, phường, thị trấn.

- Tập huấn, đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho các dẫn tinh viên, xây dựng mạng lưới thụ tinh nhân tạo.

- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo kiến thức chăn nuôi, thú y, thị trường, quản lý trang trại cho người nông dân.

b) Hệ thống tổ chức:

Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi từ tỉnh đến huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) các huyện, thành phố, thị xã bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về chăn nuôi - thú y để theo dõi, chỉ đạo. Bổ sung cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã về lĩnh vực chăn nuôi thú y theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 và Nghị quyết số 131/2010/NQ-HĐND ngày 13/10/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chức danh, số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; số lượng, chức danh, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

IV, Một số dự án ưu tiên:

1. Dự án sản xuất giống lợn và lợn thương phẩm kết hợp nhà máy chế biến thịt gia súc xuất khẩu,

2. Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng đàn trâu bò.

3. Dự án nuôi và chế biến sản phẩm từ nhung hươu.

4. Dự án củng cố, nâng cấp các cơ sở truyền giống chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

5. Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

V. Nguồn vốn đầu tư và kinh phí thực hiện Đề án:

1. Nguồn vốn:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh hằng năm.

- Nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho chương trình giống cây trồng vật nuôi.

- Nguồn sự nghiệp ngành Nông nghiệp.

- Nguồn sự nghiệp khoa học ngành Khoa học.

- Nguồn sự nghiệp môi trường.

- Nguồn thực hiện Nông thôn mới.

- Nguồn vốn quy hoạch hàng năm.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Vốn huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư, vốn vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng trên địa bàn.

2. Kinh phí thực hiện Đề án:

- Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015: 365,43 tỷ đồng.

- Vốn ngân sách nhà nước: 115,43 tỷ đồng.

- Vốn của các doanh nghiệp, người chăn nuôi: 250,0 tỷ đồng.

VI. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện Đề án kịp thời, có hiệu quả thiết thực. Tổ chức giám sát tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án định kỳ hàng năm và 05 năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Chi cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường chăn nuôi

2, Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm, cân đối các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư và các nguồn vốn khác, tham mưu, đề xuất bố trí kinh phí để thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình phê duyệt các chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đề án.

b) Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự toán ngân sách cho việc thực hiện các chính sách phát triển chăn nuôi; ban hành, các văn bản hướng dẫn cấp phát và nghiệm thu thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.

c) Sở Tài nguyên Môi trường: Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến tập trung theo quy định; hướng dẫn việc đánh giá tác động môi trường; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

d) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 131/2010/NQ-HĐND ngày 13/10/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển chăn nuôi theo Đề án.

đ) Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chính sách, đề xuất các giải pháp ổn định, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

e) Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã và các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả.

g) Các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi.

h) Đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hà Tĩnh, các đoàn thể: UBMTTQ tỉnh, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn... phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và hội viên thực hiện tốt Đề án.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

Trên cơ sở Đề án phát triển ngành chăn nuôi được phê duyệt, các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào điều kiện thực tế để cụ thể hóa Đề án phù hợp với địa phương; tạo điều kiện thuận lợi giải quyết về đất đai, giải phóng mặt bằng kịp thời và có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Căn cứ vào thực tiễn nhu cầu phát triển của địa phương và Chính sách của tỉnh, hàng năm (thời điểm xây dựng dự toán ngân sách) lập dự toán gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, phối hợp với Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định bố trí kinh phí thực hiện. Định kỳ hàng năm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Công thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Chăn nuôi;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh;
- Tổng Công ty KS và TM Hà Tĩnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Các PVP/UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn