Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/2010/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 10 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHỨC DANH, SỐ LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN; SỐ LƯỢNG, CHỨC DANH, CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ, THÔN, TỔ DÂN PHỐ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP;

Sau khi xem xét Tờ trình số 233/TTr-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Chức danh, số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; số lượng, chức danh, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định về chức danh, số lượng cán bộ, công chức cấp xã; số lượng, chức danh, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; chế độ, chính sách và nguồn kinh phí chi trả:

1. Chức danh, số lượng cán bộ, công chức cấp xã: (Phụ lục số 01 kèm theo)

a) Chức danh cán bộ, công chức được bố trí ở cấp xã (kể cả cán bộ tăng cường, luân chuyển, điều động, biệt phái) thực hiện theo Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, gồm có 11 chức danh cán bộ chuyên trách và 7 chức danh công chức chuyên môn.

b) Số lượng cán bộ, công chức:

- Mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại 1: 23 biên chế.

- Mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại 2: 22 biên chế.

- Mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại 3: 21 biên chế.

2. Số lượng, chức danh, chế độ phụ cấp hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố: (Phụ lục số 02 kèm theo)

a) Số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã:

Mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại 1:17 người.

Mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại 2: 15 người.

Mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại 3: 14 người.

Tùy theo đặc điểm từng địa phương, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án bố trí số lượng, chức danh những người hoạt động không chuyên trách theo đặc thù của địa phương nhưng tổng số không vượt quá số lượng quy định cho một đơn vị cấp xã theo mức giao khoán; phải đảm bảo công việc nào cũng có người phụ trách, không chồng chéo, không bỏ sót, hiệu quả cao, khuyến khích bố trí kiêm nhiệm.

b) Chức danh những người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Tiểu ban Mặt trận; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Công an viên.

c) Số lượng những người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:

Mỗi thôn, tổ dân phố bố trí không quá 03 người.

d) Mức phụ cấp:

Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung.

Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,8 mức lương tối thiểu chung.

Cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố khi được phân công kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức phụ cấp của chức danh được kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh không chuyên trách thì cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.

Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi tuyển dụng mới phải đạt chuẩn theo quy định.

3. Chế độ chính sách và nguồn kinh phí chi trả cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố:

a) Chế độ lương, phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.

b) Phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được ngân sách Trung ương hỗ trợ theo mức bình quân bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu chung cho mỗi người hoạt động không chuyên trách, phần còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo, riêng năm 2010: Ngân sách tỉnh 65%, ngân sách cấp huyện 35%; Kể từ 01 tháng 01 năm 2011: Ngân sách tỉnh 60%, ngân sách cấp huyện 30%, ngân sách cấp xã 10%.

Nguồn kinh phí địa phương chi trả là nguồn tăng thu của các cấp ngân sách trong quá trình thực hiện sau khi sử dụng 50% để chi tiền lương theo quy định của Chính phủ.

c) Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Điều 2. Quy định chế độ phụ cấp đối với Bí thư Chi đoàn, trưởng các chi hội: Phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh ở thôn, tổ dân phố như sau:

Bí thư Chi đoàn, trưởng các chi hội: Phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,15 mức lương tối thiểu chung.

Nguồn chi trả phụ cấp hàng tháng cho các chức danh này do ngân sách địa phương đảm bảo 100% (cấp tỉnh 50%, cấp huyện 30%, Cấp xã 20%). Nguồn kinh phí địa phương chi trả là nguồn tăng thu của các cấp ngân sách trong quá trình thực hiện sau khi sử dụng 50% để chi tiền lương theo quy định của Chính phủ và các nguồn thu hợp pháp khác.

Chế độ, chính sách đối với các chức danh này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2010.

Điều 3: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh lập đề án quy hoạch lại mạng lưới thôn xóm, tổ dân phố trong toàn tỉnh, đảm bảo các thôn xóm, tổ dân phố có quy mô dân số, diện tích phù hợp; khắc phục tình trạng thôn xóm, tổ dân phố quá nhỏ cả về diện tích và dân số.

Điều 4. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện nếu cần điều chỉnh, bổ sung, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 06/2004/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XV, Kỳ họp thứ 3.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XV, Kỳ họp thứ 18 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Bộ Tư lệnh QK4;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, VP UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo, chuyên viên VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học VP UBND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VP.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình