Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2003/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 31 tháng 12 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỦ TỤC, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CƠ CHẾ"MỘT CỬA"ĐỐI VỚI LĨNH VỰC BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số: 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "Một cửa" tại cơ quan nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Nghị định số: 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách Bảo trợ xã hội;

Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo

Căn cứ Thông tư số: 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16/12/2002 của Bộ Y tế và bộ Tài chính, hướng dẫn tổ chức khám chữa bệnh và lập, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại tờ trình số: 1004 TT/LĐ-TB&XH ngày 19 tháng 12 năm 2003;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thủ tục, trình tự thực hiện cơ chế "Một cửa" đối với lĩnh vực Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao đông-Thương binh và xã hội hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 1 năm 2004.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận: 
- Như điều 4,
- V.P Chính phủ,
- Bộ Nội vụ,
- Bộ LĐ-TB và XH
- Bộ Tư pháp ,
- TT Tỉnh uỷ,
- T.T HĐND tỉnh,
- CT, PCT UBND tỉnh,
- TT BCĐ CCHC
- PVP, các tổ chuyên viên
- Lưu VT 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH





Đoàn Bá Nhiên

 

QUY ĐỊNH

THỦ TỤC, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CƠ CHẾ "MỘT CỬA" ĐỐI VỚI LĨNH VỰC BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
( Ban hành kèm theo Quyết dịnh số: 44 /2003/QĐ-UB ngày 31 tháng 12 năm 2003 )

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Chính sách Bảo trợ xã hội tại Quy định này áp dụng cho tất cả những người thuộc đối tượng Cứu trợ xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng Cứu trợ xã hội được hưởng chính sách Bảo trợ xã hội tại Quy định này gồm:

1.Trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, không có nguồn nuôi dưỡng.

2. Người già cô đơn không nơi nương tựa, không có nguồn nuôi dưỡng.

3. Người tàn tật nặng không còn khả năng lao động, không có nơi nương tựa, không có nguồn nuôi dưỡng.

4. Người lang thang xin ăn.

5. Những người hoặc hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác.

6. Người thuộc diện hộ nghèo.

7. Nhân dân thuộc 106 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

8. Người già từ 90 tuổi trở lên.

Điều 3. Chính sách Bảo trợ xã hội tại Quy định này được áp dụng thực hiện theo cơ chế " một cửa " gồm:

1. Trợ cấp cứu trợ xã hội, bao gồm: Trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trợ cấp cứu trợ xã hội đột xuất, trợ cấp cứu đói giáp hạt.

2. Cấp thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định 139/CP ( gọi tắt là Cấp thẻ khám chữa bệnh 139 )

Điều 4. Chính sách Bảo trợ xã hội được phân cấp quản lý và thuộc thẩm quyền giải quyết theo cơ chế " một cửa " như sau:

1. Các huyện và thành phố: Quản lý và giải quyết chế độ chính sách trợ cấp cứu trợ xã hội ( gồm trợ cấp Cứu trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trợ cấp cứu trợ xã hội đột xuất, trợ cấp cứu đói giáp hạt ).

2. Cấp tỉnh: Quản lý và giải quyết các chế độ chính sách về cấp thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định 139 và xem xét đưa đối tượng cứu trợ xã hội vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Chương II

 THỦ TỤC, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH BẢO TRỢ XÃ HỘI

 Điều 5. Hồ sơ xét hưởng chính sách Bảo trợ xã hội

1. Chế độ trợ cấp Cứu trợ xã hội:

Chế độ trợ cấp Cứu trợ xã hội vận dụng thực hiện cho các đối tượng quy định tại khoản 1,2,3,4,5,6 - Điều 2 của Quy định này. Hồ sơ gồm:

1.1. Đơn trình bày hoàn cảnh của đối tượng cứu trợ xã hội - Theo mẫu só 02/LĐTBXH-CTXH.

1.2. Những người hoặc hộ gia đình gặp khó khăn do thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng gây ra như: Hộ gia đình có người bị chết, mất tích; Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng; Hộ gia đình mất phương tiện sản xuất lâm vào cảnh thiếu đói; Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú mà bị thương nặng hoặc bị chết gia đình không biết để chăm sóc, mai táng; Người thiếu đói do giáp hạt thì cấp xã tổng hợp danh sách theo mẫu số 11/LĐTBXH-CT

1.3. Biên bản họp xác nhận đối tượng thuộc diện cứu trợ xã hội của UBND xã, phường, thị trấn theo mẫu số 03/LĐTBXH-CTXH.

1.4. Công văn của phòng Tổ chức - LĐTB & XH huyện, thành phố đề nghị UBND huyện, thành phố xem xét phê duyệt đối tượng hưởng chế độ trợ cấp Cứu trợ xã hội.

1.5. Quyết định của UBND huyện, thành phố về phê duyệt đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp cứu trợ xã hội theo mẫu số 04/LĐTBXH-CTXH

1.6. Trường hợp đối tượng thuộc diện Cứu trợ xã hội thường xuyên không có khả năng nuôi dưỡng tại cộng đồng cần đưa vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo tợ xã hội tỉnh thì ngoài các thủ tục trên cần kèm theo:

a) Bản sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác có liên quan và 3 ảnh mầu 4x6.

b) Công văn đề nghị của phòng Tổ chức LĐTB & XH huyện, thành phố đề nghị sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa vào nuôi dưỡng tập trung theo mẫu số 06/LĐTBXH-CTXH.

c) Sau khi xem xét, nếu đủ điều kiện, sở LĐTB & XH ra Quyết định đưa đối tượng cứu trợ xã hội vào nuôi dưỡng tập trung theo mẫu số 07/LĐTBXH-CTXH.

2. Chính sách cấp Thẻ khám chữa bệnh 139:

Hồ sơ cấp Thẻ khám chữa bệnh 139 gồm:

2.1. Biểu tổng hợp danh sách người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh 139 (Theo mẫu số 01a và mẫu số 01b)

2.2. Biểu tổng hợp số người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh 139 của xã (Mẫu số 02a và mẫu số 02b)

2.3. Biểu tổng hợp số người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh 139 của huyện, thành phố (Mẫu số 03a và mẫu số 03b)

2.4. Công văn đề nghị cấp thẻ khám chữa bệnh 139 của UBND huyện, thành phố.

2.5. Biểu tổng hợp số người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh 139 của tỉnh (Mẫu số 04a và 04b)

2.6.T ờ trình của sở LĐTB & XH đề nghị UBND tỉnh phê duyệt số người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh 139.

2.7. Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt số lượng người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh 139.

Điều 6. Trình tự, thời gian giải quyết các chính sách Bảo trợ xã hội:

1. Chế độ trợ cấp cứu trợ xã hội:

a) Cấp xã, phường, thị trấn ( gọi chung là cấp xã ):

Sau 5 ngày nhận được đơn của đối tượng, xã triệu tập cuộc họp gồm: đại diện lãnh đạo UBND, Công an, cán bộ phụ trách văn hoá- xã hội, đại diện các đoàn thể xã ( gọi chung là cấp xã ) để bàn và thống nhất việc xét hưởng chế độ Cứu trợ xã hội. Nội dung và kết quả cuộc họp được ghi theo mẫu số 02/LĐTBXH-CTXH đã quy định. Đơn của đối tượng và Biên bản họp xét duyệt của xã gửi về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, thành phố.

b) Các huyện và thành phố:

 Sau 10 ngày nhận hồ sơ, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, thành phố, tiến hành thẩm định, họp Hội đồng xét duyệt chế độ trợ cấp xã hội huyện, thành, hoàn thiện thủ tục và trả lời kết quả cho đối tượng ( như đã quy định tại khoản 1, Điều 5 bản Quy định này ). Nếu đối tượng đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ trợ cấp, tiến hành chi trả chế độ trợ cấp cho đối tượng theo quy định Nhà nước hiện hành.

2. Trường hợp đối tượng Cứu trợ xã hội cần đưa vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh:

a) Cấp xã:

Sau 10 ngày nhận đơn của đối tượng, xã triệu tập cuộc họp. Kết quả cuộc họp xét thấy đối tượng không đủ điều kiện nuôi dưỡng tại cộng đồng cần đưa vào nuôi dưỡng tập trung thì hướng dẫn đối tượng lập Bản sơ yếu lý lịch tự thuật, các giấy tờ khác có liên quan và nộp 3 ảnh mầu cỡ 4x6. Hồ sơ gửi về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, thành phố.

b) Các huyện và thành phố:

Sau 7 ngày nhận được hồ sơ, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, thành phố tiến hành thẩm định, kết luận, trả lời kết quả cho đối tượng. Trường hợp đối tượng cần đưa vào nuôi dưỡng tập trung thì lập công văn đề nghị Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Tỉnh xem xét giải quyết.

c) Cấp tỉnh:

Sau 7 ngày nhận được hồ sơ, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tỉnh hành thẩm định lại, trả lời kết quả cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, thành phố.

3. Chính sách Cấp thẻ khám chữa bệnh 139:

3.1 Cấp xã: 15 ngày

a) Xã triển khai, hướng dẫn đến Thôn, Bản, Khối phố: 1 ngày

b)Trưởng Thôn, Bản, Khối phố lập danh sách người nghèo: 9 ngày

c) Xã tổng hợp số lượng người nghèo: 3 ngày

d) Thời gian gửi - nhận hồ sơ từ xã đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, thành phố: 2 ngày

3.2 Cấp huyện: 9 ngày

a) Tồng hợp số lượng người nghèo toàn huyện: 5 ngày

b) Hoàn thiện thủ tục hồ sơ ( công văn đề nghị của UBND huyện, thành phố, đóng gói hồ sơ ): 2 ngày

c) Thời gian gửi - giao hồ sơ: 2 ngày

3.3 Cấp tỉnh: 35 ngày

a) Tổng hợp số lượng người nghèo toàn tỉnh: 2 ngày

b) Lập tờ trình, trình UBND tỉnh phê duyệt: 2 ngày

c) Nhập tin và bắn tên người nghèo vào thẻ khám chữa bệnh: 20 ngày

d) Trả lại kết quả: 11 ngày ( mỗi huyện, thành phố 1 ngày ).

Chương III

THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI CƠ CHẾ "MỘT CỬA" ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH BẢO TRỢ XÃ HỘI

Điều 7. Quy trình tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký và trả kết quả cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

 Thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết việc tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký và trả kết quả cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được quy định cụ thể như sau:

1. Cấp xã:

a) Nhận nhiệm vụ từ cấp trên và trực tiếp triển khai nhiệm vụ đến các Trưởng thôn, bản, khối phố và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được giao đảm bảo đầy đủ, chính xác, đúng thời gian quy định. Cụ thể:

+ Tiếp nhận đơn, hồ sơ của đối tượng cứu trợ xã hội phải xử lý theo đúng thời gian quy định tại Khoản 1, 2 Điều 6 của Quy định này.

+ Đôn đốc Trưởng thôn, bản, khối phố lập danh sách người nghèo theo mẫu, đúng thời gian quy định tại khoản 3 điều 6 của Quy định này.

b) Trước khi nhận và chuyển hồ sơ phải kiểm tra, đảm bảo hồ sơ đầy đủ thủ tục giấy tờ, số lượng biểu mẫu và đầy đủ tính pháp lý. Hồ sơ chuyển về cấp huyện theo đúng thời gian quy định tại khoản 1,2,3 điều 6 của Quy định này.

c) Tuyên truyền phổ biến cho toàn dân biết và hiểu rõ chế độ chính sách của Nhà nước về chính sách cứu trợ xã hội và cấp thẻ khám chữa bệnh 139.

d) Tiếp nhận đầy đủ kết quả và trả kết quả đến tận tay đối tượng.

1.2 Cấp huyện:

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đặt tại đặt tại huyện, thành phố có trách nhiệm:

 a) Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính và thời gian giải quyết các công việc thực hiện theo cơ chế " một cửa " tại phòng tiếp nhận và trả kết quả.

b) Hướng dẫn cấp xã triển khai công tác thống kê, lập danh sách danh sách đối tượng cứu trợ xã hội, danh sách người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh 139 theo các văn bản hướng dẫn của sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản pháp lý khác có liên quan.

c) Rà soát, xử lý, tổng hợp và giải quyết công việc cho đối tượng theo đúng thẩm quyền, đúng quy trình thủ tục, đúng thời gian đã hẹn hoặc đã quy định.

d) Trường hợp công việc ( Đưa đối tượng vào nuôi dưng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và cấp thẻ khám chữa bệnh 139 ) do thẩm quyền cấp tỉnh giải quyết, hồ sơ phải gửi đầy đủ và đúng thời gian như đã quy định.

đ) Tiếp nhận và cấp phát Thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo đến các xã, phường, thị trấn.

1.3 Cấp tỉnh:

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đặt tại Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm:

a) Tham mưu giúp lãnh đạo Sở và UBND tỉnh giải quyết những công việc theo đúng thẩm quyền, đúng quy trình thủ tục, đúng thời gian theo quy định. Cụ thể:

a.1) Nhận hồ sơ, hoàn thiện thủ tục hồ sơ và trả kết quả chuyển đến đối với đối tượng cần đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

a.2) Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai phương án cấp Thẻ khám chữa bệnh 139.

a.3) In và cấp phát Thẻ khám chữa bệnh 139 theo đúng mẫu và thời gian quy định.

a.4) Xử lý và gia hạn sử dụng Thẻ khám chữa bệnh 139 theo quy định.

b) Giải quyết những trường hợp hồ sơ không đúng thời gian như đã hẹn và có trách nhiệm thông báo cho đối tượng hoặc tổ chức biết lý do và hẹn thời gian trả kết quả.

c) Kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện các công việc, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tuyền truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách Bảo trợ xã hội và hướng dẫn đối tượng làm thủ tục hồ sơ:

1. Đối với đối tượng là trẻ em mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật nặng không còn khả năng lao động muốn được huởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên thì bản thân hoặc người thân thích phải làm đơn trình bày rõ hoàn cảnh và đề nghị Uỷ ban nhân dân xã xem xét đề nghị UBND cấp huyện giải quyết.

2. Đối với những người thuộc diện Cứu trợ xã hội thường xuyên thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống thì bản thân hoặc người thân thích phải làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

3. Đối với những người thuộc diện hộ nghèo và nhân dân thuộc 106 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt " chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa " có trách nhiệm kê khai, cung cấp thông tin cho cán bộ xã, thôn (theo mẫu 01a và mẫu 01b).

Điều 9. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

1. Lập danh sách đối tượng Cứu trợ xã hội theo mẫu quy định tại mục 1,2,3 điều 6 tại Quy định này; Thông qua Hội đồng xét duyệt xã và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

2. Thành lập Hội đồng xét duyệt gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng gồm đại diện: Mặt trận Tổ quốc, Công an, cán bộ văn hoá -xã hội phụ trách công tác Lao động-Thương binh và Xã hội là uỷ viên thường trực. Hội đồng kết luận bằng Biên bản và danh sách kèm theo (theo mẫu 03).

3. Lập sổ quản lý và theo dõi sự biến động của đối tượng Cứu trợ xã hội trên địa bàn.

4. Tổ chức thực hiện tốt công tác Cứu trợ xã hội và cấp phát Thẻ khám chữa bệnh 139 đến tận tay người nghèo theo quy định.

Điều 10. Phòng Tổ chức Lao động xã hội các huyện, thành phố có trách nhiệm:

1. Tham mưu giúp UBND huyện, thành phố thành lập Hội đồng xét duyệt. Thành phần gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch Hội đồng. Phòng Tổ chức Lao động xã hội làm Phó ban thường trực. Đại diện các ngành, Đoàn thể: Nông nghiệp, Tài chính, Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Uỷ ban Dân số - Gia đình & trẻ em là uỷ viên.

2. Tổng hợp danh sách các đối tượng Cứu trợ xã hội thường xuyên và Cứu trợ xã hội đột xuất do xã đề nghị. Căn cứ khả năng nguồn kinh phí của huyện, thành phố và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tham mưu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thành phố xem xét quyết định.

3. Tổng hợp danh sách người nghèo theo Quyết định 139 và công văn đề nghị sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cấp Thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo ( thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu theo quy định tại điều 5, điều 6 Quy định này).

4. Hướng dẫn xã tổ chức thực hiện công tác Cứu trợ xã hội và cấp Thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo.

Điều 11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Hàng năm căn cứ số lượng đối tượng Cứu trợ xã hội lập kế hoạch kinh phí để chi trả trợ cấp và chi cho việc cấp Thẻ khám chữa bệnh 139 gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Y tế trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức thực hiện công tác Cứu trợ xã hội và lập danh sách cấp Thẻ khám chữa bệnh 139.

3. Ra Quyết định tiếp nhận đối tượng thuộc diện Cứu trợ xã hội thường xuyên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Điều 12. Trách nhiệm các ngành có liên quan:

1. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định và cấp kinh phí từ Ngân sách địa phương để đảm bảo công tác Cứu trợ xã hội thực hiện theo cơ chế " một cửa" đạt hiệu quả, đúng pháp luật.

2. Sở Y tế là cơ quan Thường trực " Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo " tỉnh, hàng năm phối hợp cùng sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí cấp Thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét , quyết định; đồng thời cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí tỉnh đã phê duyệt, đảm bảo công tác cấp Thẻ khám chữa bệnh 139 đáp ứng yêu cầu của cơ chế " một cửa".

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Sở Lao động Thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung hoặc sửa đổi Quy định cho phù hợp.