Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 449/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 28 tháng 06 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2017 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;

Căn cứ Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

Căn cứ Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;

Căn cứ Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;

Thực hiện Kết luận số 184-KL/TU ngày 11/10/2016 và Kết luận số 278-KL/TU ngày 26/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 1140/SNV- TCBC&TCPCP ngày 21/6/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: Nội vụ, Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh;
- Trường Chính trị tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh;
- VPUB: PCVP, các phòng N/cứu,
HC-TC, CBTH;
- Lưu: VT, NClmc578.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2017 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Đổi mới cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị, đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng: “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 khẳng định, đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của khu vực sự nghiệp công là khâu đột phá và là điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện Đề án cải cách tiền lương, đồng thời yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và cơ chế tiền lương của khu vực sự nghiệp công gồm cơ chế tính giá, phí dịch vụ và lộ trình thực hiện; phương thức đầu tư, cấp phát ngân sách Nhà nước...

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các kế hoạch, chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi thu hút các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Ngày 09/8/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đã có một số điểm mới khi quy định giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, đổi mới phương thức bố trí dự toán ngân sách, cho phép đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập... Các đơn vị sự nghiệp công được hạch toán đầy đủ các chi phí cần thiết sẽ có động lực chuyển sang tự chủ ở mức cao hơn, từ đó nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công và cạnh tranh minh bạch, bình đẳng được với đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Định hướng trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, từng bước giảm sự bao cấp của Nhà nước, thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội, đòi hỏi các đơn vị sự nghiệp phải đảm bảo nguồn lực, năng động, hiệu quả trong hoạt động. Do đó việc xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là hết sức cần thiết nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế trong đội ngũ viên chức, tăng dần tự chủ kinh phí trong các đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách Nhà nước.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

- Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;

- Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;

- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;

- Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

- Nghị định số 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

- Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;

- Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

- Kết luận số 05-KL/TU ngày 03/12/2015 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ hai (khóa XIX) về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2016;

- Quyết định số 105/QĐ-UBND ngày 22/4/2013 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ;

- Kết luận số 184-KL/TU ngày 11/10/2016 và Kết luận số 278-KL/TU ngày 26/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025.

II. PHẠM VI CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi chỉnh

Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, số lượng người làm việc, tự chủ tài chính trong tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (trừ sự nghiệp công lập thuộc UBND các huyện, thành phố).

2. Đối tượng áp dụng

- Các sở, ban, ngành (có đơn vị sự nghiệp công lập) và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh;

- Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi;

- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, gồm: Tỉnh đoàn, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Phần II

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ, CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC VÀ TÀI CHÍNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

I. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ

1. Kết quả đạt được

1.1. Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp:

Các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của từng ngành, lĩnh vực, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ được giao; tổ chức bộ máy của các đơn vị dần được kiện toàn, sắp xếp theo quy định của Trung ương và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn địa phương.

1.2. Số lượng tổ chức đơn vị sự nghiệp:

Tính đến thời điểm hiện nay, có 333 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có 183 trạm y tế cấp xã) thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể (kể cả Trường Chính trị tnh), gồm:

- Sự nghiệp giáo dục có 54 đơn vị;

- Sự nghiệp y tế có 233 đơn vị (tuyến tỉnh 15, tuyến huyện 35 và tuyến xã 183);

- Sự nghiệp văn hóa có 10 đơn vị;

- Sự nghiệp khác có 36 đơn vị.

1.3. S lượng biên chế:

- Tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao là 8.832 biên chế; trong đó: Sự nghiệp giáo dục 3.543 biên chế; sự nghiệp y tế 4.341 biên chế (kể cả định mức y tế xã theo Quyết định số 185 của UBND tỉnh); sự nghiệp văn hóa 273 biên chế; sự nghiệp khác 675 biên chế.

- Tổng số biên chế thực hiện là 8.614 biên chế, trong đó:

+ Đã thực hiện tuyển dụng là 8.024 biên chế, gồm: Sự nghiệp giáo dục 3.143 biên chế; sự nghiệp y tế 4.075 biên chế; sự nghiệp văn hóa 231 biên chế; sự nghiệp khác 575 biên chế.

+ Hợp đồng trong biên chế có 590 người.

- Lao động hợp đồng có 1.863 người, cụ thể:

+ Hợp đồng từ nguồn thu của đơn vị: Có 1.430 người;

+ Hợp đồng theo Nghị định 68: Có 433 người.

(Có Phụ lục 01 kèm theo)

- Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế và nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định.

Tổng số viên chức sự nghiệp thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ và nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của Nhà nước trong năm 2015 và 2016 là: 328 người, trong đó:

+ Thực hiện chính sách tinh giản biên chế là 96 người (viên chức sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước);

+ Nghỉ hưu đúng tuổi và thôi việc ngay theo quy định là 232 người.

(Có Phụ lục 02 kèm theo).

2. Tồn ti, hạn chế

- Số lượng đơn vị sự nghiệp nhiều, quy mô nhỏ, khả năng tự chủ thấp, chủ yếu là dựa vào ngân sách Nhà nước.

- Chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công của một số đơn vị sự nghiệp không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay của tỉnh (như Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa Thể thao trực thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi...);

- Có sự tương đồng, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, chưa tận dụng được tối đa cơ sở vật chất, nguồn lực hoạt động (như Trường trung cấp nghề tỉnh, Trường trung cấp nghề Đức Phổ trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm dạy nghề Phụ nữ, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Trung tâm dạy nghề Nông dân, trực thuộc Hi Nông dân tỉnh; Trung tâm Bảo trợ Xã hội và Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội, trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý Rừng phòng hộ môi trường, cảnh quan Dung Quất, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất và Ban Quản lý phát triển đô thị Dung Quất, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi...).

- Một số đơn vị sự nghiệp y tế có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh); Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải, trong khi bệnh viện tuyến huyện tại một số địa phương lưu lượng bệnh nhân ít, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân chưa cao.

- Biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc) tăng dần qua các năm, chủ yếu là từ 2013 trở về trước; thừa thiếu cục bộ về số lượng người làm việc vẫn tồn tại, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục; nhiều đơn vị chưa sử dụng hết biên chế do cấp có thẩm quyền giao (s biên chế chưa thực hiện còn 814), trong khi đó hợp đồng lao động làm việc chuyên môn nhiều (2.020 người).

- Đa số các đơn vị sự nghiệp chưa thật sự năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; phương thức hoạt động của các đơn vị chưa được đổi mới, công tác xã hội hóa các dịch vụ công chậm.

3. Nguyên nhân

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế các đơn vị sự nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động các đơn vị sự nghiệp chưa được thường xuyên.

- Phần lớn các đơn vị sự nghiệp vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, vào cơ quan cấp trên để hoạt động.

- Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao chỉ tiêu biên chế chưa tính hết khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

II. VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC

1. Kết quả đạt được

1.1. Số lượng, chất lượng:

Tổng số viên chức sự nghiệp là 8.024 người (tính đến ngày 01/6/2016); trong đó có 206 chuyên viên chính và tương đương (chiếm 2,6%), 4.641 chuyên viên và tương đương (chiếm 57,8%), 2.962 cán sự và tương đương (chiếm 36,9%) và 215 nhân viên (chiếm 2,7%).

- Về trình độ chuyên môn: Có 21 tiến sĩ (chiếm 0,3 %), 33 chuyên khoa II (chiếm 0,4%), 518 thạc sĩ (chiếm 6,5%), 259 chuyên khoa I (chiếm 3,2%), 3.897 đại học (chiếm 48,6%), 357 cao đẳng (chiếm 4,4%), 2.825 trung cấp (chiếm 35,2%), 114 sơ cấp (chiếm 1,4%).

- Trình độ lý luận chính trị: có 23 cử nhân (chiếm 0,29%), 207 cao cấp (chiếm 2,58%), 427 trung cấp (chiếm 5,32%), sơ cấp 2.815 (chiếm 35,1%).

Nhìn chung, số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức của tỉnh được nâng lên rõ rệt trong những năm qua, số viên chức có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên là 5.300 người (chiếm 66,1%).

(Có Phụ lục 03 kèm theo)

1.2. Công tác tuyển dụng viên chức; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác tại tnh:

- Đối với việc tuyển dụng viên chức, thẩm quyền tuyển dụng được phân cấp cho Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo đúng Luật Viên chức. Việc tuyển dụng được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển, xét tuyển, xét tuyển đặc cách. Kết quả các cơ quan, đơn vị đã tuyển dụng được 748 viên chức.

- Xác định thu hút người có tài năng trong hoạt động của cơ quan nhà nước là một nội dung quan trọng trong cải cách hành chính, đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ, năng lực phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi hệ chính quy đến làm việc tại tỉnh.

Giai đoạn 2013-2016, tỉnh đã thu hút được 197 người, trong đó: Tiến sĩ 02; Thạc sĩ 01; bác sĩ 168; đại học Dược sĩ trở lên 26 người. Đây là nguồn nhân lực có trình độ cao bổ sung cho đội ngũ viên chức của tỉnh, nhất là đội ngũ y bác sỹ, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

1.3. Về đào tạo, bồi dưỡng; nhận xét, đánh giá viên chức:

- Từ năm 2013 đến 2016, đã cử đi đào tạo 27 tiến sĩ, 190 thạc sỹ, chuyên khoa II là 24 người và chuyên khoa I là 95 người.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức cũng được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng và được xây dựng lồng ghép vào chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chung của tỉnh; trong những năm qua, tỉnh đã thường xuyên tổ chức mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 1.000 lượt viên chức, gồm các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, kiến thức về xây dựng, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ văn thư lưu trữ, bồi dưỡng cập nhập kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp hàng năm.

- Đánh giá viên chức là việc làm khó, nhạy cảm vì ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động cũng như giúp viên chức phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và hiệu quả công tác.

Trong những năm qua, công tác đánh giá viên chức đã có chuyển biến cả về nhận thức và cách làm, có những mặt tiến bộ nhất định, nhìn chung đã thực hiện đúng quy trình theo quy định của Nhà nước. Kết quả đánh giá, phân loại viên chức năm 2016 như sau: Tổng số viên chức là 8.024 người, trong đó: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 2.142 người, tỷ lệ: 26,69%; hoàn thành tốt nhiệm vụ: 5.404 người, tỷ lệ: 67,35%; hoàn thành nhiệm vụ: 451 người, tỷ lệ: 5,62%; không hoàn thành nhiệm vụ: 27 người, tỷ lệ: 0,34%.

(Có Phụ lục 04 kèm theo)

1.4. Về chuyển đổi vị trí công tác:

Thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007, Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí đối với viên chức và thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.

Từ năm 2009 đến năm 2016, đã có 267 viên chức thuộc các đơn vị cấp tỉnh được chuyển đổi vị trí công tác. Những chức danh, vị trí công tác được chuyển đổi phần lớn phù hợp với danh mục, vị trí cần chuyển đổi theo quy định, như: Đăng kiểm viên; kế toán; tuyển sinh, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ học sinh. Trong đó, những chức danh được chuyển đổi nhiều nhất là kế toán.

1.5. Về xây dựng Đề án vị trí việc làm:

Thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ; UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình và gửi về UBND tỉnh để tổ chức thẩm định, tổng hợp xây dựng Đề án vị trí việc làm của tỉnh gửi Bộ Nội vụ. Đến nay, Bộ Nội vụ chưa phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2012/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn thực hiện; trong đó, sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chú trọng cử đi đào tạo chuyên sâu các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; có trường hợp viên chức sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhưng trong thực tế không thể hiện được năng lực công tác. Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, sợ tốn kém, thiếu người làm việc, chưa mạnh dạn cử đi đào tạo những ngành nghề mà ngành, cấp mình cần, còn có hiện tượng đào tạo để đạt chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy.

- Trong công tác nhận xét, đánh giá viên chức nhiều cơ quan, đơn vị chưa bám sát yêu cầu, đánh giá còn chung chung, chưa căn cứ vào hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng xuê xoa, nể nang, thiếu khách quan. Một số nơi đánh giá viên chức theo cảm tính, không đúng thực chất, chưa nghiêm túc, làm triệt tiêu động lực phấn đấu của viên chức. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc chưa nghiêm, ý thức trách nhiệm chưa cao, có trường hợp còn sa sút về phẩm chất, đạo đức.

- Việc bố trí viên chức vào vị trí việc làm có nơi thực hiện chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

3. Nguyên nhân

- Người đứng đầu ở một số đơn vị nhận thức về mục đích, nhiệm vụ, yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức chưa thật sự toàn diện và sâu sắc.

- Các Bộ quản lý chuyên ngành chậm ban hành các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng ngành, lĩnh vực quản lý, do đó việc đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp còn hạn chế.

- Các quy định về thi tuyển viên chức chậm được đổi mới, chưa thu hút nhân tài thực sự, chưa có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát vào quy trình tuyển dụng.

- Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp chưa được phê duyệt; đồng thời đây là công việc mới, phức tạp, các sở, ngành, đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng Đề án.

- Chưa xây dựng được hệ thống các tiêu chí đánh giá viên chức một cách cụ thể, khách quan, chính xác; chế độ chính sách tiền lương, tiền thưởng chưa gắn với hiệu quả công việc, tiêu chí sa thải chưa rõ ràng làm triệt tiêu động lực phấn đấu, mất tính cạnh tranh.

- Thiếu các quy định, quy chuẩn để thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra; chế tài xử lý những vi phạm chưa đủ sức răn đe để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả trong công việc.

III. VỀ TÀI CHÍNH

1. Kết quả đạt được

1.1. Loại đơn vị sự nghiệp công theo mức tự chủ về tài chính:

(1) Sự nghiệp giáo dục: (54 đơn vị)

- Loại đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Có 47 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo 100%: Có 09 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo dưới 10%: Có 38 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên 07 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30%: Có 06 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 30% đến 50%: Có 01 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ trên 50% đến dưới 100%: Không có.

- Loại đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Không có.

(2) Sự nghiệp y tế: (233 đơn vị)

* Tuyến tỉnh: Có 15 đơn vị, cụ thể:

- Loại đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Có 05 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo 100%: Có 03 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo dưới 10%: Có 02 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên 10 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30%: Có 06 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 30% đến 50%: Có 01 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ trên 50% đến dưới 100%: Có 03 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Không có.

* Tuyến huyện: Có 35 đơn vị, cụ thể:

- Loại đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Có 21 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo 100%: Có 14 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo dưới 10%: Có 07 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên 14 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30%: Có 07 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 30% đến 50%: Không có;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ trên 50% đến dưới 100%: Có 07 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Không có.

* Tuyến xã: Có 183 đơn vị, tất cả do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (100%).

(3) Sự nghiệp văn hóa: (10 đơn vị)

- Loại đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Có 08 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị do ngân sách đảm bảo 100%: Có 04 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo dưới 10%: Có 04 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên 02 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30%: Có 01 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 30% đến 50%: Có 01 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ trên 50% đến dưới 100%: Không có.

- Loại đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Không có.

(4) Sự nghiệp khác: (36 đơn vị)

- Loại đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Có 18 đơn vị, trong đó:

+ Đơn vị do ngân sách đảm bảo 100%: Có 09 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo dưới 10%: Có 09 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên 11 đơn vị, trong

đó:

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30%: Có 06 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ 30% đến 50%: Có 03 đơn vị;

+ Đơn vị tự đảm bảo từ trên 50% đến dưới 100%: Có 02 đơn vị.

- Loại đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Có 07 đơn vị.

1.2. Dự toán giao năm 2016

(1) Cơ sở xây dựng dự toán:

Căn cứ Quyết định số 33/2010/QĐ-UBND ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011 đến năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới và các chế độ, chính sách tiền lương bổ sung sau thời điểm ban hành Quyết định 33/2010/QĐ-UBND và đến thời điểm 31/12/2015 như Nghị định của Chính phủ: số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; chế độ phụ cấp thâm niên giáo dục,...

(2) Mức lương cơ sở giao dự toán theo mức lương là 1.150 ngàn đồng, cụ thể:

- Từ NSNN cấp (đã bao gồm tiết kiệm 23%) là 881.969 triệu đồng.

- Từ nguồn thu được để lại 479.847 triệu đồng.

(Có Phụ lục 01 kèm theo)

Đến nay, hầu hết các đơn vị sự nghiệp đều được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Qua thời gian triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành sử dụng biên chế và kinh phí ở các cơ quan, đơn vị. Viên chức, người lao động đều tham gia gián tiếp hoặc trực tiếp quản lý, điều hành nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị mình thông qua việc tham gia xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; theo dõi, giám sát việc điều hành kinh phí hoạt động của đơn vị. Qua đó, đã tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, xây dựng ý thức tiết kiệm về kinh phí hoạt động trong mỗi viên chức và người lao động. Hầu hết các đơn vị sự nghiệp hàng năm đều tiết kiệm được kinh phí để hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống cho đội ngũ viên chức và người lao động.

2. Tồn tại, hạn chế

- Định mức kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị còn mang tính bình quân (chủ yếu theo chỉ tiêu biên chế, chỉ tiêu học sinh, chỉ tiêu giường bệnh) chưa tính đến nhiệm vụ, đặc điểm cụ thể của từng đơn vị.

- Nhiều đơn vị sự nghiệp của tỉnh có nguồn thu không lớn, không có khả năng phát triển các hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, có một số ít đơn vị có hoạt động dịch vụ nhưng chủ yếu phải hợp đồng thuê, khoán đối tượng bên ngoài. Nguồn thu hoạt động dịch vụ này phải thanh toán lại cho các đối tượng thuê ngoài; mặt khác các đơn vị còn phải tiết kiệm 10% kinh phí hoạt động thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương nên kinh phí tiết kiệm còn lại ít, không có tác động tích cực đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho viên chức và trích lập các quỹ theo quy định.

- Chưa chủ động trong việc mở rộng các loại hình dịch vụ, chưa thực hiện liên doanh liên kết, xã hội hóa các loại hình dịch vụ công.

- Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn còn thiếu, chưa được ban hành; giá các loại hình dịch vụ chưa có căn cứ cơ sở để xây dựng.

- Hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đổi mới một cách đồng bộ; tiêu chí kết hợp việc đánh giá kết quả sử dụng kinh phí với kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng hoạt động sự nghiệp công khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể. Bên cạnh đó, một số chính sách là tiền đề, điều kiện quan trọng của việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập (như hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của từng ngành, lĩnh vực sự nghiệp, chính sách viện phí, học phí...) còn chậm ban hành hoặc mới được ban hành.

3. Nguyên nhân

- Một số đơn vị và viên chức nhận thức chưa đúng về cơ chế khoán, giao quyền tự chủ, chỉ đơn thuần là nhằm để tăng thu nhập cho người lao động mà chưa chú trọng đúng mức đến các yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm cho đơn vị trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc.

- Với định mức phân bổ như trên đồng nghĩa với chỉ tiêu càng cao thì tỷ lệ thuận với kinh phí càng được phân bổ tăng theo tương ứng. Vì vậy, một số đơn vị còn có tư tưởng trông chờ, dựa dẫm vào ngân sách nhà nước.

- Theo quy định của Luật Ngân sách, các địa phương ban hành quyết định giao định mức phân bổ dự toán năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách (5 năm) nên những năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách các đơn vị gặp khó khăn trong điều hành nguồn kinh phí tự chủ, nhất là các đơn vị có số lượng biên chế được giao thấp hoặc số biên chế thực hiện bằng số biên chế được giao.

- Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề phức tạp, văn bản pháp lý chưa đầy đủ, chưa có tiền lệ.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Trong những năm qua, nhìn chung các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực, đáp ứng chức năng cơ bản trong quá trình phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Các tổ chức sự nghiệp từng bước được kiện toàn theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp bước đầu đã xác định. Chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền quan tâm và phê duyệt đảm bảo số lượng, định mức, cũng như ngân sách nhà nước cấp đảm bảo để vận hành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Những biện pháp để tăng cường tính hiệu quả trong việc sử dụng biên chế được triển khai, áp dụng; việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, cũng như quản lý tài chính được đi vào nề nếp. Một số ít đơn vị hoạt động thông qua phương thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong hoạt động tổ chức, tài chính của mình, nâng cao được hiệu quả hoạt động và tạo được nguồn thu, góp phần quan trọng cho việc tăng thu nhập tiền công, tiền lương và nâng cao mức sống của viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như sau:

- Việc phân cấp quản lý nhà nước về đơn vị sự nghiệp chưa thống nhất, vẫn còn tồn tại đơn vị sự nghiệp nhiều đầu mối, cồng kềnh, quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao...

- Đơn vị sự nghiệp công lập ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

- Công tác phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp theo phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, có những nơi chưa sát với thực tiễn chức năng nhiệm vụ, với nhu cầu vị trí việc làm; chất lượng, hiệu quả công việc của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa cao.

- Thừa thiếu cục bộ về số lượng người làm việc vẫn tồn tại, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục; nhiều đơn vị chưa sử dụng hết biên chế do cấp có thẩm quyền giao.

- Các đơn vị sự nghiệp chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, trong tổng số 333 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, có 282 đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, chiếm 84,68% với tỷ lệ quá cao; có 44 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, chiếm 13,2% (trong đó: Đơn vị tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30% có 26 đơn vị, chiếm 59,1%; đơn vị tự đảm bảo từ 30% đến 50% có 06 đơn vị, chiếm 13,6%; đơn vị tự đảm bảo từ trên 50% đến dưới 100% có 12 đơn vị, chiếm 27,3%) và có 07 đơn vị (sự nghiệp khác) sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, chiếm 2,1%.

- Một số lĩnh vực đơn vị sự nghiệp có xu hướng còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xin tăng thêm về số lượng biên chế, không có ý thức cắt giảm chi phí, chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ.

- Việc rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tài chính các đơn vị sự nghiệp chưa được người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động các đơn vị sự nghiệp chưa được thường xuyên.

- Chất lượng dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp, nhìn chung còn hạn chế.

3. Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tài chính của các đơn vị sự nghiệp trong thời gian qua, song tập trung vào những nguyên nhân chính sau:

- Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính các đơn vị sự nghiệp chưa được các cấp, các ngành thực hiện một cách thường xuyên trong thời gian qua.

- Phần lớn nhận thức của người dân, xã hội về đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ công và xã hội hóa trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, vào cơ quan cấp trên để hoạt động.

- Do chưa phê duyệt phân loại cụ thể loại dịch vụ công nào được sử dụng từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, loại dịch vụ công nào sử dụng từ nguồn thu được để lại của đơn vị.

- Việc giao dự toán cho các đơn vị sự nghiệp công chủ yếu là dựa vào chỉ tiêu biên chế nhà nước giao (trừ hệ điều trị và hệ đào tạo dài hạn), giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, chưa được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ (trừ hệ đào tạo dài hạn đối với các đơn vị đào tạo không phải là đơn vị do tỉnh quản lý và một số ít lĩnh vực khác).

- Hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đổi mới một cách đồng bộ; tiêu chí kết hợp việc đánh giá kết quả sử dụng kinh phí với kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng hoạt động sự nghiệp công khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể. Bên cạnh đó, một số chính sách là tiền đề, điều kiện quan trọng của việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập (như hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của từng ngành, lĩnh vực sự nghiệp, chính sách viện phí, học phí...) còn chậm ban hành hoặc mới được ban hành.

- Chậm phát hiện và đổi mới để khắc phục những hạn chế, yếu kém về quản lý tổ chức, biên chế, tài chính, ngân sách.

- Sự cứng nhắc trong các ràng buộc về cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập làm cho các dịch vụ mới phát sinh không được đáp ứng kịp thời; các dịch vụ có xu hướng bị đào thải cũng không được giải quyết một cách hiệu quả như giải thể hoặc chuyển đổi ngành nghề nhằm giảm kinh phí cho ngân sách nhà nước và toàn xã hội.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, PHƯƠNG ÁN VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

A. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

I. QUAN ĐIỂM

1. Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là nhằm đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; đơn vị tự chủ cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đụng chạm tới lợi ích cục bộ của từng cơ quan, đơn vị và người lao động. Vì vậy cần phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

2. Việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập hướng tới mục tiêu chất lượng, công bằng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công phù hợp với lộ trình cải cách hành chính nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương.

3. Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; nhà nước giữ vai trò kiến tạo môi trường cho đầu tư, phát triển, không thực hiện cung cấp những dịch vụ mà doanh nghiệp, nhân dân làm được; đẩy mạnh xã hội hóa trên một số lĩnh vực, cương quyết tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước.

4. Kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế vừa phải căn cứ vào quy định của Trung ương, vừa xem xét tính đặc thù của địa phương; bố trí, sử dụng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức cần chú trọng theo hướng giỏi một việc, biết nhiều việc.

5. Đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng bộ, khoa học. Không cầu toàn, không làm qua loa, chiếu lệ mà vừa làm vừa hoàn thiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017 - 2025 và những năm tiếp theo phải đạt mục tiêu: sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng tính tự chủ về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa, tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; giảm số lượng đơn vị sự nghiệp hợp lý và giảm biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021 ít nhất 10% theo định mức biên chế được giao; tổng số chi sự nghiệp thuộc ngân sách cấp tỉnh giảm từ 22,5% năm 2016 xuống dưới 16% so với tổng chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh vào năm 2021.

2. Môt số chỉ tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, giảm tối thiểu 19 đơn vị sự nghiệp (trong đó, năm 2017 giảm 17 đơn vị).

- Năm 2017, thực hiện chuyển tối thiểu 10 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Thực hiện xác định giá trị tài sản nhà nước tại 10 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư này để chuyển sang loại hình công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

- Năm 2018, 100% đơn vị sự nghiệp triển khai cơ cấu viên chức theo đúng đề án vị trí việc làm được phê duyệt.

- Đến năm 2020, chuyển ít nhất 10 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang loại hình tự đảm bảo chi thường xuyên (trong đó sự nghiệp y tế ít nhất 01 đơn vị).

- Đến năm 2021 thực hiện tinh giản tối thiểu 10% biên chế được giao.

- Từ năm 2021 đến năm 2025, tiếp tục chuyển ít nhất 18 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang loại hình tự đảm bảo chi thường xuyên (trong đó sự nghiệp y tế ít nhất 07 đơn vị).

B. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

I. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY

Thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được tiến hành đồng bộ, toàn diện từ rà soát cơ sở pháp lý thành lập, chức năng, nhiệm vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ... Những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau thì đề xuất sáp nhập, hợp nhất; đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp thì đề xuất giải thể, chuyển giao nhiệm vụ cho đơn vị khác thực hiện hiệu quả hơn; đơn vị sự nghiệp có khả năng khai thác nguồn thu thì chuyển sang mô hình tự trang trải kinh phí; những nhiệm vụ mà doanh nghiệp hoặc thành phần kinh tế khác có thể thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả hơn thì đề xuất chuyển giao. Hạn chế chia nhỏ, phân tán chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức.

1. Lộ trình sắp xếp

1.1. Năm 2017

Sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, từ 333 đơn vị thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, sắp xếp giảm 17 đơn vị. Trong đó:

(1) Sự nghiệp Giáo dục: Giảm 03 đơn vị, cụ thể:

- Sáp nhập Trường Trung cấp nghề Đức Phổ, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Đào tạo và cung ứng nguồn lao động Dung Quất, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi vào Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Sáp nhập Trung tâm dạy nghề Phụ nữ, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vào Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, thuộc Hội Nông dân tỉnh thành Trung tâm Dạy nghề Nông dân và Phụ nữ tỉnh, thuộc Hội Nông dân tỉnh.

(2) Sự nghiệp y tế: Giảm 09 đơn vị, cụ thể:

* Tuyến tỉnh: Giảm 03 đơn vị, cụ thể:

- Hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trực thuộc Sở Y tế.

- Sáp nhập Bệnh viện Đa khoa Dung Quất vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh (thành các cơ sở trực thuộc).

* Tuyến huyện: Giảm 06 đơn vị, cụ thể:

- Sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh và Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trực thuộc Sở Y tế.

- Hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Sơn và Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Sơn thành Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, trực thuộc Sở Y tế.

- Hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mộ Đức và Bệnh viện Đa khoa huyện Mộ Đức thành Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức, trực thuộc Sở Y tế.

- Hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa và Bệnh viện Đa khoa huyện Tư Nghĩa thành Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, trực thuộc Sở Y tế.

- Hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghĩa Hành và Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hành thành Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành, trực thuộc Sở Y tế.

* Thành lập Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm, trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm (thành bệnh viện tuyến tỉnh).

* Đổi tên 03 trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện:

- Đổi tên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Phổ thành Trung tâm Y tế huyện Đức Phổ (chỉ thực hiện chức năng dự phòng).

- Đổi tên Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Quảng Ngãi thành Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi (chỉ thực hiện chức năng dự phòng).

- Đổi tên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sơn Tịnh thành Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh (chỉ thực hiện chức năng dự phòng).

* Tuyến xã: Giữ nguyên tổ chức

(3) Sự nghiệp Văn hóa: Giảm 01 đơn vị, cụ thể:

Hợp nhất 02 đơn vị: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (riêng 07 Đội chiếu bóng tại 06 huyện miền núi và Lý Sơn thuộc Trung tâm chuyển giao nguyên trạng về Đài Phát thanh - Phát lại truyền hình của 06 huyện miền núi và Đài truyền thanh huyện Lý Sơn quản lý), thành Trung tâm Văn hóa và Chiếu bóng tỉnh Quảng Ngãi, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

(4) Sự nghiệp khác: Giảm 04 đơn vị, cụ thể:

- Hợp nhất Trung tâm Bảo trợ Xã hội và Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội thành Trung tâm Công tác xã hội, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Hợp nhất Ban Quản lý Rừng phòng hộ môi trường, cảnh quan Dung Quất và Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất thành Trung tâm kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất, thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

- Giải thể Ban Quản lý phát triển đô thị Dung Quất. Theo đó, chuyển nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị Dung Quất, các dịch vụ sự nghiệp công về các phòng, đơn vị chức năng có liên quan thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cho phù hợp.

- Sắp xếp hợp lý để tiến đến thực hiện việc giải thể Nhà khách UBND tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh sau khi thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh.

1.2. Đến năm 2020

Tiếp tục thực hiện đánh giá, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; trong đó, sẽ tiến hành hợp nhất hoặc giải thể các đơn vị đào tạo nghề hoạt động kém hiệu quả để tiến đến chỉ còn 01 đầu mối đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh vào năm 2020 (các đơn vị, gồm: Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi; Trường trung cấp nghề Quảng Ngãi; Trung tâm dạy nghề Nông dân và Phụ nữ tỉnh).

(Có phương án cụ thể theo Phụ lục số 05 kèm theo)

2. Kết quả sau sắp xếp tổ chức theo lộ trình đến năm 2020:

Tổng số giảm là 29 đơn vị, trong đó:

2.1. Giảm từ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể: 19 đơn vị;

2.2. Giảm từ chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần: 10 đơn vị.

II. VỀ BIÊN CHẾ VÀ THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Thực hiện chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014; theo đó, việc sắp xếp lại biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế tài chính, gắn với việc thực hiện bố trí viên chức, người lao động tại các đơn vị theo vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

1. Biên chế:

1.1. Biên chế giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy (từ năm 2018): Tổng số 213 biên chế, trong đó:

- Sự nghiệp Giáo dục: Giảm 75 biên chế.

- Sự nghiệp y tế: Giảm 35 biên chế.

- Sự nghiệp Văn hóa: Giảm 11 biên chế.

- Sự nghiệp khác: Giảm 92 biên chế.

1.2. Biên chế giảm từ chuyển loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên giai đoạn 2018 - 2025 là 1.019 biên chế (trong đó, từ 2018 đến năm 2020 là 318 biên chế; từ năm 2021 đến 2025 là 701 biên chế).

1.3. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ:

Từ năm 2018 - 2021, số lượng đăng ký tinh giản biên chế là 601 người (trong đó sự nghiệp giáo dục là 144 người, sự nghiệp y tế 386, sự nghiệp văn hóa là 21 người và sự nghiệp khác là 50 người).

(Có phương án cụ thể theo Phụ lục số 05 kèm theo)

2. Kết quả sau sắp xếp theo lộ trình đến năm 2025

Tổng số biên chế giảm khoản 1.532 biên chế; trong đó:

(1) Giảm từ sắp xếp tổ chức: 213 biên chế;

(2) Giảm từ tăng tự chủ tài chính: 1.019 biên chế;

(3) Giảm từ tinh giản biên chế khoản 300 biên chế.

III. VỀ TÀI CHÍNH

Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, phương án sắp xếp, đổi mới về tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; theo đó, tập trung giảm chi từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của đơn vị; sắp xếp, đổi mới cơ chế tài chính để giảm số lượng loại hình đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, tăng số lượng loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, hướng đến tự đảm bảo chi thường xuyên; đẩy mạnh loại hình đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và loại hình đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, cũng như chuyển sang loại hình công ty cổ phần.

1. Về phương án tự chủ tài chính và dự toán năm 2017:

1.1. Phương án tự chủ tài chính và dự toán năm 2017 của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:

Tổng kinh phí giao quyền tự chủ về tài chính năm 2017 là 735.197 triệu đồng, giảm so với kinh phí giao quyền tự chủ năm 2016 là 191.170 triệu đồng, giảm so với dự toán tạm giao đầu năm 2017 là 95.526 triệu đồng.

1.2. Việc sắp xếp loại hình đơn vị sự nghiệp công lập:

Chuyển 10 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Triển khai các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục 10 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư này để chuyển sang loại hình công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

(1) Trung tâm dịch vụ việc làm, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

(2) Trung tâm Quy hoạch và kiểm định chất lượng công trình xây dựng, trực thuộc Sở Xây dựng;

(3) Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, trực thuộc Sở Giao thông vận tải;

(4) Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe, trực thuộc Sở Giao thông vận tải;

(5) Ban Quản lý Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa, trực thuộc Sở Giao thông vận tải;

(6) Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc môi trường, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi;

(7) Trung tâm tư vấn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

(8) Trung tâm Giống, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh;

(9) Ban Quản lý các cảng cá, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh;

(10) Trung tâm Trắc địa và quan trắc môi trường, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

1.3. Chuyển Phòng công chứng số 1, trực thuộc Sở Tư pháp sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

2. Về phương án tự chủ tài chính và dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 - 2025:

Trong thời gian các quy định của Trung ương về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực chưa được ban hành, các sở, ban, ngành, đơn vị (đơn vị dự toán cấp 1) chưa xây dựng phương án tự chủ về tài chính giai đoạn 2018 - 2025, theo mục tiêu và định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 184-KL/TU ngày 11/10/2016, dự toán ngân sách nhà nước giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo không vượt so với dự toán năm 2017; theo đó, lộ trình tự chủ về tài chính, cụ thể như sau:

2.1. Đối với lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, văn hóa, sự nghiệp khác

2.1.1. Đến năm 2018:

Chuyển 03 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên), cụ thể:

(1) Trung tâm Dịch thuật, trực thuộc Sở Ngoại vụ;

(2) Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, trực thuộc Sở Tư pháp;

(3) Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.

2.1.2. Đến năm 2020:

Chuyển 07 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên), cụ thể:

- Trung tâm phát triển quỹ đất, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng;

- Trung tâm kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi (trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Rừng phòng hộ môi trường, cảnh quan Dung Quất và Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Dung Quất);

- Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi;

- Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi (trên cơ sở sáp nhập Trường Trung cấp nghề Đức Phổ, Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nguồn lao động Dung Quất vào Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi), trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Trung tâm Dạy nghề Nông dân và Phụ nữ tỉnh, trực thuộc Hội Nông dân tỉnh (trên cơ sở hợp nhất Trung tâm dạy nghề Phụ nữ, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, trực thuộc Hội Nông dân tỉnh);

Đối với Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi, Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi, Trung tâm Dạy nghề Nông dân và Phụ nữ tỉnh sẽ thực hiện đánh giá tổ chức và hoạt động để hợp nhất hoặc giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, tiến đến chỉ còn 01 đầu mối đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh.

2.1.3. Đến năm 2022:

Tiếp tục chuyển 04 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên), cụ thể:

(1) Trường Đại học Phạm Văn Đồng;

(2) Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm;

(3) Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Diên Hồng, trực thuộc Tỉnh đoàn;

(4) Văn phòng đăng ký đất đai, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

2.1.4. Đến năm 2025:

(1) Tăng tỷ lệ % tự đảm bảo chi thường xuyên của 07 đơn vị (đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên) lên 70%, cụ thể:

- Trường Chính trị tỉnh;

- Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, trực thuộc Sở Tư pháp;

- Trung tâm Khuyến nông, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Kho Lưu trữ chuyên dụng, trực thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ, Sở Nội vụ;

- Trung tâm Công báo và tin học, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh;

- Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

(2) Chuyển 07 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên), cụ thể:

- Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi;

- Trung tâm Văn hóa và Chiếu bóng tỉnh, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng);

- Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Tạp chí Cẩm Thành, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Ban Quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể dục thể thao, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

2.2. Đối với lĩnh vực y tế

Từ năm 2017 trở đi, đối với hệ điều trị thực hiện cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT- BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để tăng tỷ lệ % tự đảm bảo chi thường xuyên của các bệnh viện và trung tâm y tế, phấn đấu đến 2025 đối với các Trung tâm y tế huyện đồng bằng và bệnh viện tuyến tỉnh tự đảm bảo chi thường xuyên.

(Có phương án cụ thể theo Phụ lục số 6 kèm theo)

3. Kết quả sau sắp xếp theo lộ trình đến năm 2025

3.1. Về giao dự toán năm 2017: Ngân sách Nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp giảm so với kinh phí giao quyền tự chủ năm 2016 là 191.170 triệu đồng, giảm so với dự toán tạm giao đầu năm 2017 là 95.526 triệu đồng.

3.2. Về sắp xếp loại hình các đơn vị sự nghiệp:

3.2.1. Chuyển sang loại hình Công ty cổ phần: 10 đơn vị (tăng 10 đơn vị).

3.2.2. Loại hình đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: 01 đơn vị (tăng 01 đơn vị).

3.2.3. Loại hình đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: 30 đơn vị (giáo dục 05 đơn vị, y tế 08 đơn vị, văn hóa 06 đơn vị, khác 11 đơn vị), tăng 7,76% so với năm 2016.

3.2.4. Loại hình đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: 61 đơn vị (giáo dục 37 đơn vị, y tế 16 đơn vị, khác 08 đơn vị), tăng 6,9% so với năm 2016. Trong đó:

(1) Tự đảm bảo từ 50% đến dưới 100%: 13 đơn vị, tăng 0,7% so với năm 2016.

(2) Tự đảm bảo từ 30% đến dưới 50%: 07 đơn vị, tăng 0,5% so với năm 2016.

(3) Tự đảm bảo từ 10% đến dưới 30%: 15 đơn vị, giảm 2,8% so với năm 2016.

(4) Tự đảm bảo dưới 10%: 26 đơn vị, giảm 9,46% so với năm 2016.

3.2.5. Loại hình đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (100%): Còn 212 đơn vị, giảm 14,95% so với năm 2016.

C. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

I. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ BIÊN CHẾ VÀ TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Tổ chức bộ máy:

- Chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của đơn vị theo quy định báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện (đối với đơn vị sự nghiệp không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước) hoặc báo cáo cơ quan cấp trên để phê duyệt và quyết định phương thức giao kế hoạch cho đơn vị thực hiện (đối với đơn vị sự nghiệp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước).

- Đơn vị sự nghiệp quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan cấp trên, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

- Tham dự đấu thầu cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật.

- Kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có liên quan.

- Sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho viên chức, người lao động đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tuyệt đối không phân công viên chức vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ chuyên môn khác.

- Tổ chức đánh giá về tổ chức bộ máy đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trước và sau khi sắp xếp để có lộ trình thực hiện có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Trong đó có phương án sắp xếp, kiện toàn các phòng, ban chuyên môn trong cùng một đơn vị; phương án sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp trực thuộc có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau để giảm đầu mối, thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị.

- Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị sự nghiệp cho phù hợp để tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện cung cấp các dịch vụ công hiệu quả, nhằm thực hiện thành công lộ trình tự chủ tài chính, thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý biên chế và tinh giản biên chế

- Xây dựng có hiệu quả Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập làm căn cứ tổ chức thực hiện.

- Phân công, phân cấp hợp lý cho các cơ quan, đơn vị trong việc sắp xếp, bố trí, thực hiện quản lý biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

- Thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế; rà soát, cắt giảm 50% số biên chế đã thực hiện chính sách tinh giản biên chế và thực hiện chế độ nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định, tuy nhiên cần chú ý đến yếu tố định biên nhà nước quy định theo số trường, số lớp, số học sinh của đơn vị sự nghiệp giáo dục để đảm bảo các cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ giao.

- Rà soát, đẩy mạnh tinh giản biên chế đối với từng đơn vị theo hướng phấn đấu đến năm 2021 thực hiện tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với định mức được giao.

- Giải quyết tốt các chính sách đối với viên chức, người lao động dôi dư sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là thực hiện tốt Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên và có chính sách hỗ trợ đối với số lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, tài chính.

II. VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC

1. Công tác tuyển dụng:

- Đổi mới phương thức tuyển dụng viên chức (bao gồm việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý). Tuyển dụng viên chức phải đáp ứng nhu cầu cấp thiết, phù hợp với yêu cầu bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao và những ngành nghề tỉnh cần, nhất là tuyển dụng viên chức đối với ngành y tế phải có trình độ chuyên môn cao, sinh viên tốt nghiệp từ loại khá trở lên; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ viên chức.

- Nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong công tác thi tuyển dụng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; có các hình thức lưu giữ, công khai thông tin tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia giám sát.

- Thí điểm chế độ tiến cử, giới thiệu những người có tài năng để tuyển dụng vào các vị trí trong các đơn vị.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên có thẩm quyền đối với công tác tuyển dụng viên chức.

2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao:

- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; đào tạo phải gắn với quy hoạch và nhu cầu sử dụng viên chức; sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đào tạo chuyên sâu các ngành nghề tỉnh thực sự có nhu cầu cho cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, thực hiện tốt nhiệm vụ để trở thành cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành; không sử dụng ngân sách nhà nước cho việc đào tạo để chuẩn hóa bằng cấp và đào tạo sau đại học đối với viên chức tốt nghiệp đại học hệ tại chức, chuyên tu, từ xa, hệ vừa học, vừa làm (trường hợp đặc biệt sử dụng ngân sách nhà nước để đào tạo cn có quy định riêng). Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo quản lý, cập nhật thông tin, kiến thức hội nhập và những vấn đề thực tiễn cần giải quyết cho đội ngũ viên chức.

- Xác định ngành, nghề ưu tiên đào tạo để tuyển chọn học sinh giỏi, xuất sắc tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh và sinh viên giỏi, xuất sắc ở các trường đại học có uy tín để cử đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước. Chú trọng cử những viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, triển vọng đi đào tạo trong và ngoài nước, nhất là đối với ngành y tế để nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ cho công tác.

- Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước; đổi mới chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng gắn với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; đào tạo phải gắn với quy hoạch và nhu cầu sử dụng viên chức.

3. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại viên chức lãnh đạo quản lý:

- Cải tiến phương thức, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại viên chức lãnh đạo quản lý theo hướng đề cao trách nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện và kết quả thực hiện nhiệm vụ.

- Thí điểm thực hiện chế độ tiến cử, giới thiệu những người có tài năng để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp.

- Thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo quản lý cho đội ngũ viên chức trẻ, thực sự có năng lực, phẩm chất đạo đức; quy định cụ thể về thời gian tập sự, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của viên chức sau bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách sau khi hoàn thành thời gian tập sự.

4. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá viên chức:

- Xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá viên chức trên cơ sở lượng hóa cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả rèn luyện phẩm chất đạo đức hàng năm gắn với trách nhiệm người đứng đầu, lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá, khích lệ tính chủ động, sáng tạo, đổi mới; gắn hiệu quả công việc với chế độ khen thưởng, kỷ luật.

- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá viên chức một cách thực chất đảm bảo khách quan, công bằng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đánh giá viên chức, đồng thời coi trọng kênh thông tin phản hồi về mức độ hài lòng của các đối tượng thụ hưởng các “sản phẩm” do viên chức tạo ra.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, theo chuyên đề và khi cần thiết. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với viên chức; ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, công dân và doanh nghiệp.

6. Nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập:

- Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị. Bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý theo quy định. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định. Tổ chức, thực hiện quản lý, sử dụng viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức.

- Quản lý, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước giao, thực hiện chế độ hạch toán kế toán, thống kê, thông tin, báo cáo hoạt động, kiểm toán theo quy định. Thực hiện quy định công khai, trách nhiệm giải trình hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật.

III. VỀ TÀI CHÍNH

1. Đi mới công tác quản lý, sử dụng ngân sách:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên các đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:

a) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đối với dịch vụ sự nghiệp công nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền ban hành và theo giá do cơ quan có thẩm quyền quy định theo pháp luật về giá.

b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí): Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền ban hành và theo giá, phí do cơ quan có thẩm quyền quy định chưa tính đủ chi phí.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ của từng lĩnh vực và khả năng tự đảm bảo chi hoạt động từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

c) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp): Thực hiện theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên hàng năm và được điều chỉnh khi Nhà nước thay đổi nhiệm vụ, cơ chế chính sách theo quy định. Trên cơ sở quỹ tiền lương, phụ cấp, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đặc thù và chi hoạt động thường xuyên được vận dụng tối đa bằng định mức phân bổ chi quản lý hành chính của đơn vị cùng quy mô biên chế, các đơn vị xác định mức ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên.

d) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm công khai, minh bạch kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

2. Tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Đi đối với việc phân bổ dự toán ngân sách nói trên, cần phải đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, làm cho đơn vị sự nghiệp hoạt động thật sự có hiệu quả, cung ứng tốt dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho viên chức và người lao động, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

3. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công:

Thực hiện theo Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

4. Xây dựng chính sách thực hiện xã hội hóa:

a) Rà soát lại quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, chú ý quy hoạch phát triển các dịch vụ ngoài công lập, đáp ứng quy mô định hướng phát triển, phù hợp với yêu cầu xã hội; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư của nước ngoài. Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển các đơn vị dịch vụ công lập và dịch vụ ngoài công lập.

b) Cùng với các chính sách đầu tư có hiệu quả cho các loại hình dịch vụ công lập, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu và đầu tư khuyến khích các cơ sở ngoài công lập, đa dạng các hình thức như: tư nhân góp vốn, liên doanh, vốn đầu tư nước ngoài; BOT, BT, BTO; Đối với những đơn vị sự nghiệp công không đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao, thực hiện việc chuyển đổi cho tư nhân hoặc các cơ sở ngoài công lập thuê cơ sở hạ tầng dài hạn với giá ưu đãi (bằng hình thức tiếp nhận nguyên trạng con người và cơ sở hạ tầng...). Có quy hoạch về đất, dành quỹ đất để xây dựng và phát triển các cơ sở ngoài công lập phù hợp với định hướng phát triển xã hội hóa.

c) Tiếp tục thông tin, tuyên truyền trong toàn xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có các nội dung xã hội hóa dịch vụ công một cách thường xuyên, sinh động, đa dạng và hiệu quả trên các phương tiện truyền thông.

d) Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở ngoài công lập. Quy định chế độ thông tin, báo cáo và trách nhiệm giải trình của các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời xử lý những hiện tượng tiêu cực, tùy tiện. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công.

đ) Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ mọi nguồn viện trợ để tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ; có chính sách động viên, thu hút đội ngũ trí thức tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh, hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Năm 2017:

- Triển khai thực hiện Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 20/7/2017.

- Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế các đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh:

+ Sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp, trong đó xây dựng Đề án sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp theo Phương án tại điểm 1 Khoản I Mục B Phần III của Đề án này, thực hiện trước ngày 31/10/2017.

+ Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc đối tượng sáp nhập, hợp nhất và thông báo sắp xếp biên chế (tăng, giảm, điều chuyển) của các đơn vị theo Phương án nêu trên trước ngày 30/11/2017.

+ Hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Cơ chế tài chính của các đơn vị được xác định tại thời điểm Quyết định phê duyệt Đề án có hiệu lực (đơn vị ngân sách đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị ngân sách đảm bảo một phần chi thường xuyên,...).

- Hoàn thành Quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Triển khai các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục 10 đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trước ngày 31/12/2017.

2. Từ năm 2018 đến 2025:

- Thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Thực hiện việc phê duyệt giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước của từng ngành, lĩnh vực theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Thực hiện đánh giá tổ chức và hoạt động các cơ sở đào tạo nghề để tiến hành hợp nhất hoặc giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, tiến đến chỉ còn 01 đầu mối đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/12/2019.

- Hàng năm thực hiện việc rà soát, sắp xếp về tổ chức bộ máy, biên chế theo phương án đã phê duyệt; rà soát sắp xếp, đổi mới về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công đảm bảo hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa hoặc chuyển sang công ty cổ phần.

- Hoàn thành việc xác định giá trị tài sản để giao cho các đơn vị đủ điều kiện quản lý theo cơ chế giao vốn như doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập (UBND tỉnh sẽ quyết định phê duyệt cho từng đơn vị cụ thể).

- Tiếp tục thực hiện việc phê duyệt giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước và thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của từng ngành, lĩnh vực và hoàn thiện phương án tự chủ về tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành (có đơn vị sự nghiệp công lập), đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh:

Căn cứ vào Đề án này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành (có đơn vị sự nghiệp công lập nêu trong Đề án), đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ như sau:

1.1. Căn cứ Phương án, lộ trình thực hiện trong Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, xây dựng chức năng nhiệm vụ, quy chế chi tiêu nội bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền đảm bảo đúng thời gian theo lộ trình quy định nêu trên.

1.2. Xây dựng Đề án tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giải quyết chế độ đối với viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định và đảm bảo thời gian theo lộ trình đã phê duyệt.

1.3. Các nhiệm vụ triển khai trong năm 2017:

- Xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp tự xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện); xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp không xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật thì xây dựng định mức chi phí); xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ), gửi Sở Tài chính có ý kiến bằng văn bản trước khi trình UBND tỉnh quyết định ban hành.

- Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Sở ngành, có trách nhiệm lập phương án tự chủ năm 2017 phù hợp với Đề án được duyệt, báo cáo Sở ngành chủ quản, gửi Sở Tài chính. Sau khi Sở Tài chính có ý kiến bằng văn bản, Sở ngành chủ quản phê duyệt và ban hành quyết định giao quyền tự chủ về tài chính theo quy định. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, có trách nhiệm xây dựng phương án tự chủ năm 2017 phù hợp với Đề án được duyệt, gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt và ban hành quyết định giao quyền tự chủ về tài chính theo quy định (thời gian trước 05/7/2017) để giao dự toán theo quy định.

- Tiếp tục xác định đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp gửi Sở Tài chính và cấp có thẩm quyền theo quy định.

- Đối với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp thuộc quyền quản lý của mình và được sắp xếp theo Đề án này, thì chủ động xây dựng và hoàn thành Đề án sắp xếp tổ chức, chuyển đổi cơ chế tài chính, trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ và Sở Tài chính) trước ngày 30/8/2017; cụ thể như sau:

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi hoàn thành đề án sáp nhập Trường Trung cấp nghề Đức Phổ, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Đào tạo và cung ứng nguồn lao động Dung Quất, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi vào Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các huyện có liên quan hoàn thành đề án hợp nhất Trung tâm văn hóa và Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thành Trung tâm Văn hóa và Chiếu bóng tỉnh Quảng Ngãi, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

+ Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hoàn thành đề án sáp nhập Trung tâm dạy nghề Phụ nữ, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vào Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, thuộc Hội Nông dân tỉnh thành Trung tâm Dạy nghề Nông dân và Phụ nữ tỉnh, thuộc Hội Nông dân tỉnh.

+ Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Văn phòng UBND tỉnh hoàn thành việc xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc của ngành mình trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) phê duyệt theo quy định.

1.4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi, Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành liên quan, thực hiện đánh giá tổ chức và hoạt động các cơ sở đào tạo nghề, xây dựng Đề án hợp nhất hoặc giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, tiến đến chỉ còn 01 đầu mối đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ và Sở Tài chính) trước ngày 31/12/2019.

2. Sở Ni v:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thẩm định Đề án sáp nhập, hợp nhất, giải thể của các đơn vị sự nghiệp công lập; Danh mục vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp; Đề án tinh giản biên chế; thẩm định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; xác định số lượng người làm việc (biên chế) theo Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thông báo biên chế theo quy định.

- Theo dõi, báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình tổ chức thực hiện Đề án; hàng năm đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu biên chế sự nghiệp đối với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính:

3.1. Hằng năm, căn cứ vào phương án, lộ trình và giai đoạn thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được UBND tỉnh phê duyệt và trên cơ sở đề nghị của các Sở ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, Sở Tài chính có ý kiến bằng văn bản để các sở ngành quyết định giao quyền tự chủ về cho các đơn vị sự nghiệp công lập (đối với đơn vị trực thuộc Sở ngành), UBND tỉnh quyết định giao quyền tự chủ (đối với các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh).

3.2. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động về tài chính của các đơn vị để đổi mới chính sách và phương thức quản lý tài chính, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ công có khả năng xã hội hóa cao.

3.3. Các nhiệm vụ triển khai trong năm 2017:

- Căn cứ Phương án tự chủ về tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt tại Đề án này (Phụ lục 6), Sở Tài chính tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh dự toán của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

- Trên cơ sở danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp tự xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện); định mức kinh tế - kỹ thuật của từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp không xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật thì xây dựng định mức chi phí); giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ) của các cơ quan đơn vị gửi, Sở Tài chính có ý kiến bằng văn bản để các Sở ngành tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Trên cơ sở phương án tự chủ năm 2017 của các cơ quan, đơn vị gửi, Sở Tài chính có ý kiến bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền quyết định giao quyền tự chủ theo quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ đối với 10 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư tại điểm 1.2 khoản 1 Mục III Phần III.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh xác định đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập để triển khai công tác chuyển đổi theo quy định”.

Trên đây là Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017 - 2025. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, vượt quá thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ và Sở Tài chính) để chỉ đạo, giải quyết./.