ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2010/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 24 tháng 12 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND ngày 16-12-2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2151/TTr- SKHĐT ngày 22-12-2010 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và Danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Kon Tum.
1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2011 - 2015 đã được phê duyệt, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm bằng kế hoạch cụ thể hàng năm trình UBND tỉnh.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Khung theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 theo kết quả đầu ra. Tổ chức đánh giá và có báo cáo kết quả thực hiện giữa kỳ vào năm 2013, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để thực hiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 2011-2015. Tham mưu UBND tỉnh tổng kết, đánh giá vào cuối kỳ kế hoạch theo đúng quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu xác định danh mục công trình sử dụng vốn ngân sách địa phương theo thứ tự ưu tiên; đề xuất các giải pháp tích cực và hiệu quả nhằm huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
2. Giao các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, trên cơ sở Kế hoạch này, tiến hành hoàn thiện Kế hoạch 5 năm của ngành, lĩnh vực và địa phương mình; đồng thời xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
3. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:
Tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động thực hiện Kế hoạch, cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015. Đồng thời thường xuyên theo dõi, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tham gia giám sát và phản biện xã hội việc triển khai thực hiện Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Kon Tum và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM 5 NĂM
(Kèm theo Quyết định số 45 /2010/QĐ-UBND ngày 24 -12-2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Giai đoạn 2011-2015: Tập trung đầu tư hoàn thành các công trình từ nguồn ngân sách địa phương các công trình sau:
Kè chống sạt lở sông Đăk Bla (đoạn qua làng Plei Đôn và Kon Rờ Bàng thành phố Kon Tum).
Nhà làm việc và Trung tâm sản xuất chương trình thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kon Tum.
Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Sân vận động tỉnh.
Đường từ trung tâm huyện đến xã Đăk Xú huyện Ngọc Hồi (đường trục chính của huyện).
Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.
Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen:
Cấp nước sinh hoạt Trung tâm huyện Kon Plông (giai đoạn 2)
Đường vào thác Đăk Ke
Tỉnh lộ 676 (đoạn Km0-Km 2+500)
Đầu tư, phục hồi làng văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum
Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh.
Đường Nam Quảng Nam giai đoạn II (phân đoạn Km 160+944 - Km165 và Km 192+507 - Km 209).
Đường Nam Quảng Nam qua tỉnh Kon Tum (đoạn tránh đèo Văn Rơi): Lý trình KM 173+427,6 - Km 192+500.
Đường Sa Thầy - Ya Ly - Thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - làng Rẽ (Mo Ray), huyện Sa Thầy (Tỉnh lộ 674).
Đường từ Sê San 3- Quốc lộ 14C.
Đường giao thông khu vực biên giới vào Đồn biên phòng Hồ Le (703) đến cửa khẩu phụ Hồ đá.
Đường giao thông khu vực biên giới từ xã Đăk Man đến Đăk Blô
Dự án tôn tạo Ngục Đăk Glei.
Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum.
Đề nghị Trung ương đầu tư vào các công trình sau:
Phân hiệu Đại học Đà nẵng tại Kon Tum.
Quốc lộ 14 C (giai đoạn 2).
Đường Đông trường Sơn.
Trung tâm đào tạo vận động viên quốc gia.
Cơ sở điều dưỡng người có công khu vực Tây nguyên.
Đường Hồ chí Minh (QL 14-Đoạn từ Đăk tô đến giáp Gia Lai).
Quốc lộ 24.
Kêu gọi, thu hút đầu tư vào các công trình sau:
Dự án xây dựng CSHT Khu công nghiệp Sao Mai.
Dự án xây dựng CSHT Khu công nghiệp Hòa bình (giai đoạn 2).
Khu đô thị mới Nam cầu Đăk Bla.
Dự án khu dân cư phía tây bắc phường Duy Tân.
Đường giao thông đi dọc phía Tây Thành phố Kon Tum.
Sân bay Kon Tum (Ngọc Bay).
Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khu công nghiệp Khu kinh cửa khẩu quốc tế Bờ y (giai đoạn 1).
Thủy điện Thượng Kon Tum.
Thủy điện Đăk Ring.
Sân Golf tại Măng Đen.
Các dự án du lịch đầu tư tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Các dự án trồng và chăm sóc cao su.
Các dự án trồng rừng nguyên liệu giấy.
Nhà máy bột giấy Tân Mai.
Các nhà máy chế biến mủ cao su.
Nhà máy sản xuất săm lốp xe và các sản phẩm cao su.
Các nhà máy sản xuất đá Granit.
Dự án khai thác, chế biến Dolomit.
Dự án xây dựng CSHT Khu công nghiệp Đăk Tô.
Dự án xây dựng CSHT Cụm công nghiệp Đăk La.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45 2010/QĐ-UBND ngày 24-12-2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
MỞ ĐẦU
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở cực bắc Tây Nguyên, được thành lập lại vào tháng 8/1991. Kon Tum có đường biên giới giáp với Lào và Cam Pu Chia, là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 969.046,3 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 827.043 ha; đất chưa sử dụng 106.928 ha([1]). Dân số trung bình năm 2010 ước đạt 446.203 người, dân tộc ít người chiếm trên 53%.
Tỉnh Kon Tum là đơn vị hành chính loại II; toàn tỉnh hiện có 8 huyện, 1 thành phố (Thành phố Kon Tum), 97 xã, phường, thị trấn, trong đó có 10 xã biên giới giáp Lào và Cam Pu Chia với chiều dài biên giới là 280,7km. Tỉnh Kon Tum có 19 phường, thị trấn, xã thuộc khu vực I; 32 thị trấn, xã thuộc khu vực II; 46 xã thuộc khu vực III; có 51 xã và 36 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II được hưởng chương trình 135 - giai đoạn II; có 8 xã và 40 thôn, làng trọng điểm đặc biệt khó khăn được ngân sách tỉnh hỗ trợ, đầu tư.
Bằng nhiều giải pháp tích cực của tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, cơ quan Trung ương, sự phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, trong 5 năm qua, tỉnh ta đã tiến hành lập, xây dựng và đầu tư một số chương trình, dự án, đề án quan trọng như: Danh mục các công trình trọng điểm; Danh mục các công trình kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập tỉnh; Đề án xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh; Quy hoạch phát triển các cây công nghiệp chủ yếu; Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Đề án phát triển nguồn nhân lực; Đề án quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững… nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh về vị trí, đất đai, rừng và đất rừng, thuỷ điện, khoáng sản, góp phần nâng cao dần mức sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong những năm qua, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm ở các cấp, các ngành chủ yếu tập trung vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhu cầu vốn vượt khả năng cân đối của tỉnh; định hướng huy động vốn đầu tư từ nhiều nguồn vốn đã có nhiều tiến bộ so với giai đoạn trước, những vẫn còn nhiều hạn chế, khả năng cân đối vốn hàng năm cho các mục tiêu, nhiệm vụ trọng điểm gặp rất nhiều khó khăn; các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch chưa hiệu quả, thiết thực…
Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011 - 2015) của tỉnh được xây dựng là bước cụ thể hóa các nội dung văn kiện Đại hội XIV của tỉnh, cụ thể quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025; kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015) thể hiện tinh thần đổi mới, trong từng ngành, lĩnh vực đã xác định được các sản phẩm chủ lực, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp mang tính chủ yếu. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch 5 năm và chương trình hành động để thực hiện.
1.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
a) Tăng trưởng kinh tế
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 14,71%/năm, trong đó: Nhóm ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 7,52%, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 25,7%, nhóm ngành dịch vụ tăng 16,49%; ngành dịch vụ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chiếm tỷ trọng cao([2]), đây là điểm khác biệt so với giai đoạn trước([3]). Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, cao hơn giai đoạn trước.
b) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,53% năm 2005 lên 24,41% năm 2010 (bình quân mỗi năm tăng 1,14%).
c) Thu nhập bình quân đầu người
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,8 triệu đồng năm 2005 lên 13,34 triệu đồng (702 USD) năm 2010.
1.2. Tình hình phát triển các ngành kinh tế
a) Nông lâm thủy sản
- Nông nghiệp
Diện tích lúa, ngô năm 2008 tăng so với năm 2005, tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (năm 2009), diện tích lúa, ngô bị thu hẹp, năm 2010 diện tích lúa giảm 860 ha so với năm 2005, diện tích lúa cả năm không tăng lên, nhưng nhờ tập trung đầu tư phát triển sản xuất lúa hai vụ, đồng thời giảm diện tích lúa rẫy, đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng lúa tăng bình quân 1,63%/năm. Đến nay, diện tích ngô lai chiếm 85% diện tích ngô toàn tỉnh.
Các ngành, các cấp đã nổ lực chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân trồng sắn theo hướng ổn định, giảm dần diện tích. Sắn là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn so với các cây trồng khác, phù hợp với trình độ, điều kiện sản xuất của đa số hộ gia đình nghèo, giá sắn tiêu thụ cao nên diện tích sắn toàn tỉnh tăng mạnh, đến nay có 37.190 ha, tăng 9.400 ha so với năm 2005, trong đó sắn cao sản chiếm 90% tổng diện tích sắn.
Một số vùng chuyên canh nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến (cà phê, cao su...) tiếp tục được mở rộng. Bằng việc huy động các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, đã trồng mới được 2.088 ha cà phê (bình quân 417ha/năm) tại các xã vùng Đông trường Sơn, đưa diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 11.670 ha năm 2010. Với nhiều giải pháp như cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi đất lâm nghiệp và rừng nghèo sang trồng cao su, triển khai thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ kinh phí cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trồng cao su trong vùng quy hoạch... diện tích cao su toàn tỉnh trong thời gian qua tăng lên đáng kể, tăng 23.260 ha, vượt mục tiêu đề ra, bình quân tăng 4.650 ha/năm, đưa cao su toàn tỉnh lên 43.280 ha. Hiện nay, các giống cao su có năng suất cao, kháng bệnh tốt như: PB260, RRIW4 (chiếm tỷ lệ khoảng 20-30%) đã thay thế dần cơ cấu bộ giống cũ.
Đã hình thành các trang trại chăn nuôi như: lợn giống, lợn thịt tại Đăk Hà, Kon Rẫy, bò tại Đăk Tô, Sa Thầy... một số tổ chức, cá nhân đưa vào thử nghiệm nuôi dưỡng động vật hoang dã, bước đầu đạt kết quả.
- Lâm nghiệp
Công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp được chú trọng đạt tỷ lệ cao([4]). Đã tiến hành rà soát, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng với diện tích 33.742,16 ha đất lâm nghiệp sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội([5]). Ngoài ra, thu hồi đất từ các Công ty lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ giao về địa phương quản lý 62.235 ha để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân.
Trong giai đoạn này, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành Đề án quản lý sử dụng rừng bền vững tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, Đề án phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2008-2015 và tiếp tục triển khai dự án 5 triệu ha rừng. Đã thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng 91.263 ha; trồng 14.490 ha rừng, trong đó 12.350 ha rừng sản xuất, bình quân trồng 2.470 ha/năm. Kết quả đạt được của công tác lâm sinh đã góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, thu hút đồng bào sống gần rừng vào sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm thu nhập, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý bảo vệ rừng, củng cố an ninh chính trị, trật tự xã hội và quốc phòng - an ninh. Độ che phủ của rừng tăng từ 65,5% năm 2005 lên 66,6% năm 2010 góp phần tăng cường khả năng phòng hộ đầu nguồn cho các thủy điện như Ia ly, Sê san 3, Sê san 3 A, Sê san 4, Plei Krông và một số thủy điện, thủy lợi khác. Bình quân khai thác 16.940 m3/năm gỗ khai thác tận dụng trên các công trình; khai thác tỉa thưa rừng trồng 9.750 m3/năm.
- Thuỷ sản: Triển khai thực hiện đầu tư Dự án Trung tâm giống thuỷ sản nước ngọt để cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng cho nhân dân phát triển nuôi trồng thuỷ sản; đã phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển nghề nuôi cá hồ chứa trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 2.100 ha, tăng 1.030 ha so với năm 2005. Ngoài một số loại cá nuôi truyền thống như trắm, chép, mè, rô phi đơn tính,... đã phát triển một số mô hình nuôi thủy sản có giá trị kinh tế, mang tính hàng hoá như: Cá Bống tượng ở Đăk Tô, Ba Ba ở Sa Thầy, cá Lăng ở Đăk Hà, cá Tầm, cá Hồi ở Kon Plông.
- Phát triển nông thôn
+ Bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư: Trong giai đoạn 2006-2009, tỉnh đã triển khai thực hiện 05 dự án đầu tư([6]) tổ chức ổn định cho 2.019 hộ dân di cư tự do, di dân đến vùng biên giới; năm 2010, đầu tư sắp xếp ổn định cho khoảng 300 hộ dân vùng thiên tai, sạt lở và dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong số đó đã thực hiện di dời, tái định cư cho 44 hộ dân di cư tự do Lào đến nơi ở mới và 24 hộ thanh niên di dân trong tỉnh định cư, lập nghiệp ở vùng biên giới xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
+ Vệ sinh môi trường nông thôn: Công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã được tăng cường, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, nhận thức của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn và các trường học đã được nâng lên tương đối rõ nét. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên từ 24% năm 2007 lên 30,7% năm 2010.
- Công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra:
Về khôi phục sản xuất nông nghiệp: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại là 11.834,8 ha, đến nay đã khôi phục được 9.825,4 ha (trong đó người dân tự khôi phục 8.057,3 ha; diện tích khôi phục bằng nguồn vốn khắc phục hậu quả bão lũ 1.768 ha) với tổng kinh phí thực hiện là 8,26 tỷ đồng, còn 2.009 ha đất sản xuất chưa phục hồi được, trong đó có trên 500 ha ruộng lúa nước không có khả năng khắc phục.
Về khắc phục các công trình bị hỏng: Tổng kinh phí để khắc phục 420 công trình([7]) bị hỏng là 239,34 tỷ đồng([8]). Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 414 công trình([9]) (98,57% số công trình) với tổng kinh phí 223,19 tỷ đồng, số công trình còn lại đang triển khai thực hiện. Tổng số cầu treo bị hỏng, cuốn trôi là 170 cái, đã sửa chữa đưa vào sử dụng 47 cầu treo, đang triển khai xây dựng 5 cầu, còn lại 118 cầu chưa có nguồn vốn để đầu tư.
Xây dựng nhà cho các hộ dân sau bão: Tổng số căn nhà thuộc diện di dời là 2.986 căn.Đến nay, đã di dời đến nơi an toàn 1.611 căn, trong đó số nhà đã được hỗ trợ xây xong 1.036 căn, số còn lại hiện đang triển khai và chờ kinh phí để thực hiện theo đề án, nhu cầu vốn khắc phục hậu quả lũ bão đối với nhiệm vụ này là 24,141 tỷ đồng.
b) Công nghiệp, xây dựng:
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 (giá cố định 1994) đạt 828,27 tỷ đồng([10]), tăng bình quân 16,8%/năm. Trong cơ cấu ngành, công nghiệp chế biến vẫn đóng vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 91%. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 3.050 cơ sở công ngiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 674 cơ sở so với năm 2005. Thủy điện thượng Kon Tum, Nhà máy chế biến bột giấy và giấy Tân Mai, nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đang được triển khai thi công. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn sử dụng lao động tăng gấp 2,5 lần so với năm 2005. Đã quy hoạch, hình thành và đang đầu tư xây dựng 03 Khu công nghiệp với tổng diện tích là 360ha([11]); 03 cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích khoảng 136 ha([12]); 03 điểm sản xuất tập trung với 140 ha([13]); các làng nghề([14]) đang được quy hoạch và đầu tư.
c) Thương mại - du lịch
- Nội Thương: Hoạt động thương mại đã từng bước phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế, mạng lưới phân phối được phân bổ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt một số loại hình phân phối mới được hình thành tại các đô thị. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 29,14%/năm.
Đối với thị trường nông thôn, đã chú trọng phát triển, hình thành mạng lưới cơ sở vật chất trung tâm thương mại cấp huyện, chợ cụm xã, cửa hàng thương mại ở các xã khu vực II, III. Đã hoàn thành quy hoạch chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và hệ thống chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2025.
Các chính sách thương mại miền núi, vùng đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước đã thực hiện đạt kế hoạch; chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ giữa doanh nghiệp với nhà sản xuất đã đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động quản lý thị trường được thường xuyên tăng cường, kiểm tra, kiểm soát, nhằm ổn định giá, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ trong điều hành giá cả, kiềm chế lạm phát tăng cao; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 12,6% năm.
Dịch vụ bưu chính, viễn thông, bảo hiểm, nhà hàng, khách sạn... phát triển mạnh. Nhiều ngân hàng thương mại đã có chi nhánh, phòng giao dịch tại thành phố Kon Tum và một số huyện, góp phần đảm bảo nhu cầu về vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân.
- Ngoại thương: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 40,3%/năm; giá trị xuất khẩu năm 2010 đạt 59,15 triệu USD, gần gấp đôi mục tiêu kế hoạch đề ra. Các sản phẩm chủ yếu gồm: Mộc tinh chế, bàn ghế gỗ các loại, cà phê, sắn lát khô, tinh bột sắn.... Giá trị nhập khẩu năm 2010 ước đạt 8,8 triệu USD, sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của tỉnh là: Gỗ tròn, gỗ xẻ, phân bón...
- Du lịch: Các tuyến, điểm, khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử đã từng bước được khai thác([15]); bình quân hàng năm khách du lịch đến tỉnh tăng 24,47%, đã có khách du lịch từ 39 quốc gia đến tỉnh; tổng doanh thu của hoạt động du lịch năm 2010 ước đạt 60 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu trung tâm huyện lỵ Kon Plông gắn với phát triển du lịch Măng Đen với tổng diện tích cắm mốc ngoài thực địa 720ha; đã hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến 2020. UBND tỉnh đang phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch sinh thái Măng Đen và vùng phụ cận huyện Kon Plông.
1.3. Tài chính - tín dụng tiền tệ - Đầu tư phát triển - thu hút đầu tư
a) Thu chi ngân sách
Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn năm 2010 đạt 1.246,4 tỷ đồng([16]), đạt mục tiêu kế hoạch, bình quân tăng 29,5%/năm, bằng 19,83% DP, 29,71% tổng chi ngân sách địa phương và bằng 64,8% mức chi thường xuyên. Thu từ DNNN tăng 34,75% năm([17]); đã có khoản thu từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Nhà máy liên doanh tinh bột sắn). Thu từ khu vực đầu tư ngoài quốc doanh tăng bình quân 36,49%, tương đối cao và tăng đều qua các năm([18]).
- Chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương bình quân 2.347 tỷ đồng/năm, tăng 28,3%/năm; chi đầu tư phát triển bình quân hàng năm 1.230 tỷ đồng, tăng 23,7%/năm. Chi đầu tư phát triển đảm bảo tỷ trọng cho khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo theo quy định. Chi thường xuyên([19]) bình quân tăng 19,9%/năm.
b) Tín dụng ngân hàng
- Tín dụng thương mại: Số dư huy động vốn tại chỗ đến 31/12/2010 ước đạt 2,775 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so với 31/12/2009, vốn huy động tại địa bàn chiếm khoảng 44% trong tổng dư nợ tín dụng. Tổng dư nợ ước đạt 6,35 ngàn tỷ đồng, tăng 38% so với 31/12/2009. Về chất lượng tín dụng, ước tính số dư nợ xấu đến 31/12/2010 khoảng 128 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,2% trên tổng dư nợ cho vay và giảm so với năm 2005 là 8,54%. Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, tình hình hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn do phải giảm hạn mức tín dụng để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
- Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Tổng đầu tư tín dụng phát triển của Nhà nước đạt 4.843 tỷ đồng, trong đó tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng chính sách([20]) thông qua các Tổ tiết kiệm - vay vốn và uỷ thác cho vay qua các tổ chức đoàn thể, với tổng vốn hỗ trợ đầu tư phát triển bình quân 493 tỷ/năm. Vốn tín dụng đã góp phần vào việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, khuyến khích phát triển các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh; giúp cho một số lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập và tạo cơ hội cho thanh niên nông thôn, vùng khó khăn được học nghề.
- Lưu thông tiền tệ: Thu tiền mặt qua quỹ ngân hàng năm 2010 đạt 17 ngàn tỷ đồng, tổng chi tiền mặt đạt 18,5 ngàn tỷ đồng, bội chi tiền mặt 1,5 ngàn tỷ đồng. Các ngân hàng đã tích cực khởi tăng các nguồn thu tại chỗ như: huy động tiền gửi tiết kiệm, bán hàng, thu nợ và làm tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt nên tình hình bội chi tiền mặt giảm đáng kể. Đã chủ động cân đối, đảm bảo cơ cấu các loại tiền trong lưu thông.
c) Đầu tư phát triển
Nhờ triển khai các giải pháp huy động vốn của các thành phần kinh tế, thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư của Chính phủ, tranh thủ nguồn vốn ngân sách, bao gồm ứng trước kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của các năm sau, được bổ sung thêm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm trên địa bàn tỉnh là 18,59 ngàn tỷ đồng, đạt 99,16% kế hoạch và tăng bình quân 21,34%/năm; giai đoạn này gấp 3,08 lần so với giai đoạn 2001-2005([21]);
Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tăng 27,28%/năm; vốn có nguồn gốc từ ngân sách của nhà nước chủ yếu tập trung cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, hoặc thời gian thu hồi vốn dài, hoặc đầu tư cho mục tiêu (chính sách). Vốn đầu tư tín dụng nhà nước, chủ yếu tập trung phát triển đàn bò, trồng cây cao su, kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn và kết cấu hạ tầng làng nghề. Vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước tăng bình quân 42,11%/năm; việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm... đã phát huy tác dụng tốt trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Vốn tự có của các doanh nghiệp Nhà nước: Vốn đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm khoảng 8,5% tổng vốn đầu tư xã hội. Trong giai đoạn này, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư 01 dự án FDI với vốn đăng ký 1.072 tỷ đồng (67 triệu USD) trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu.
Phát triển các vùng kinh tế động lực:
- Vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum gắn với khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai và các khu đô thị mới được xúc tiến triển khai; thị xã Kon Tum đã được Chính phủ công nhận là Thành phố trực thuộc tỉnh; đang triển khai đầu tư một số dự án phát triển hạ tầng, các khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư thành phố ([22]); đã thực hiện di dời các lò gạch ngói thủ công ra khỏi khu vực nội thành vào khu sản xuất tập trung thôn 5 xã Hòa Bình và tiến hành quy hoạch, cắm mốc ranh giới khu quy hoạch sản xuất gạch ngói tại thôn 8 xã Vinh Quang.
- Vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Đã hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng phía Nam thị trấn Plei Kần, đang triển khai đầu tư phát triển khu đô thị phía Tây thị trấn và trung tâm hành chính mới của huyện Ngọc Hồi. Đã thành lập Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum trên cơ sở hợp nhất Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Ban quản lý các khu cụm công nghiệp tỉnh. Đang triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu.
- Vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen: Đang được đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; cùng với các dự án lớn trên địa bàn huyện đang triển khai thi công như: Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện ĐắkHring, đường Đông Trường sơn và đường từ Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 24, sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã - hội gắn với du lịch sinh thái Măng Đen.
d) Thu hút đầu tư
Môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã tăng từ vị trí 61/64 (năm 2006) lên 51/63 (năm 2009), là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc nhóm khá so với cả nước.
UBND tỉnh đã thành lập và kiện toàn cơ quan làm nhiệm vụ đầu mối về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; ban hành các quy định về trình tự giải quyết thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực (khoáng sản, thuê rừng, thủ tục đầu tư…); triển khai thực hiện “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký mẫu dấu; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... nhờ đó góp phần giảm thời gian và chi phí gia nhập thị trường của nhà đầu tư.
Đã tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá bổ sung tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thực hiện rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực([23]). Đang lập một số quy hoạch ngành, lĩnh vực giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến 2025([24]).
Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể nên công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng. UBND tỉnh đã cho chủ trương để các nhà đầu tư, khảo sát, lập thủ tục đầu tư 201 dự án, trong đó có 46 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (tại khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp là 15 dự án), đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của ba dự án([25]).
1.4. Đầu tư kết cấu hạ tầng và đô thị
a) Giao thông
Trong những năm gần đây, mạng lưới giao thông của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực; các tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 24, đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 14C; Tỉnh lộ 676; đường Đăk Tả - Ngọc Linh; đường Nam Quảng Nam; đường Đăk Kôi - Đăk Psy... được đầu tư khá đồng bộ, đã giảm thời gian đi lại của nhân dân. Một số tuyến đường giao thông tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch sinh thái Măng Đen, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và cửa khẩu Bờ Y được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện giao lưu hàng hóa và hợp tác phát triển. Phong trào "toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn" được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đã xây dựng mới nhiều công trình giao thông nông thôn, các đường, ngỏ nhỏ của đô thị và các tuyến đường liên xã, đã đem lại hiệu quả thiết thực.
b) Thủy lợi
Với việc tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới một số công trình thủy lợi có quy mô lớn và thực hiện kiên cố hóa kênh mương... Cùng với các công trình do Trung ương quản lý, góp phần cung cấp nước cho sản xuất lúa hai vụ và cây công nghiệp. Năng lực tưới thực tế hiện nay đạt khoảng 5.500-6.000 ha lúa đông xuân, 2.500 ha lúa mùa và 650 ha cây công nghiệp.
c) Điện
Tiềm năng thủy điện từng bước được đưa vào khai thác. Đã có 61 công trình thủy điện vừa và nhỏ có chủ trương đầu tư với tổng công suất 558 MW, trong đó có 13 công trình đang trong quá trình đầu tư xây dựng, 5 công trình đã hòa vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất 80 MW([26]). Một số nhà máy thủy điện có công suất lớn như Sê San 3, Sê San 3A, Plei Krông đã hòa vào lưới điện quốc gia; thủy điện Thượng Kon Tum đã khởi công xây dựng. Điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 125 triệu KWh. Điện thương phẩm bình quân đầu người khoảng 309 kwh/người/năm. Đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới; gần 100% số thôn, làng được đầu tư lưới điện và trên 98% số hộ được sử dụng điện.
d) Cấp nước sinh hoạt
Hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum đã được cải tạo và nâng công suất lên 12.000m3/ngày, đêm. Các công trình cấp nước tại thị trấn một số huyện đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Đã xây dựng trạm bơm và hệ thống chứa nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân 5 xã (Ngọc Bay, Đăk Cấm, Kroong, Kon Đào và Đăk Dục).
Thực hiện lồng ghép từ các chương trình, dự án đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 8.767 công trình nước sinh hoạt([27]). Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 58% năm 2005 lên 72% năm 2010.
e) Kết cấu hạ tầng đô thị
Từ khi thị xã Kon Tum được công nhận là đô thị loại III và được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh đến nay, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư, từng bước hoàn thiện([28]). Huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông do mới được chia tách, đang trong giai đoạn đầu tư kết cấu hạ tầng khu trung tâm huyện; hạ tầng phía Nam thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đã đầu tư cơ bản hoàn thành. Hiện nay, tỷ lệ hạ tầng đô thị được đầu tư cao nhất là thành phố Kon Tum (61,5%); trung bình là các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô; thấp nhất là Sa Thầy.
1.5. Phát triển các thành phần kinh tế
Trong giai đoạn 2006-2010, các thành phần kinh tế của tỉnh có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, bước đầu đã phát huy được nguồn lực nội tại để phát triển, nhất là thành phần kinh tế tư nhân. Toàn tỉnh có trên 1.000 lượt doanh nghiệp đăng ký thành lập mới([29]), với số vốn đăng ký trên 6.200 tỷ đồng; bình quân hàng năm tăng 37% về số lượng doanh nghiệp và 94% về số vốn đăng ký mới. Sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp của tỉnh đã góp phần tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đóng góp lớn vào thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.
Công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh cơ bản đảm bảo đúng tiến độ đề ra([30]). Đã hoàn thành việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp Nhà nước, lâm trường quốc doanh thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước .Các doanh nghiệp hoàn tất việc chuyển đổi, đến nay cơ bản đã ổn định sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Kết quả và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bước đầu chuyển biến tích cực, doanh thu, lợi nhuận tại các doanh nghiệp sau chuyển đổi phần lớn tăng trưởng, đã giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập ổn định cho các lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp.
Từ ngày 01/10/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum thực hiện việc cấp mã số doanh nghiệp qua hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo đúng quy định.
Có khoảng 80 hợp tác xã đang hoạt động, tăng 26 hợp tác xã so với năm 2005; có 1.130 nhóm hộ và 70 tổ hợp tác đang hoạt động. Nhìn chung các hợp tác xã tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, có đầu tư phát triển, mở rộng quy mô và địa bàn kinh doanh; các tổ hợp tác và nhóm hộ đã tạo việc làm, thu hút khoảng 15.000 lao động; phần lớn các nhóm hộ và tổ hợp tác đã giúp nhau trong sản xuất và đời sống, bước đầu xóa đói giảm nghèo có hiệu quả.
2.1. Giáo dục - đào tạo
Quy mô và mạng lưới trường học tiếp tục được mở rộng từ tỉnh đến cơ sở, các ngành học, bậc học từng bước hoàn thiện dần, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Năm 2010 có 70 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là 35%; đã tổ chức triển khai xây dựng trường bán trú thí điểm tại 15 xã đặc biệt khó khăn/50 điểm bán trú dân nuôi xã, liên xã và từng bước nhân rộng.
Đã triển khai thực hiện có hiệu quả 03 cuộc vận động và 01 phong trào của ngành giáo dục - đào tạo([31]); thực hiện dạy học bằng tiếng địa phương cho học sinh dân tộc thiểu số; chất lượng dạy, học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến([32]); kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được nâng cao; phổ cập giáo dục trung học cơ sở được chú trọng, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, đạt mục tiêu đề ra.
Đã đầu tư xây mới 2.021 phòng học kiên cố([33]), nâng tổng số phòng học lên 5.980 phòng. Trung tâm giáo dục thường xuyên được thành lập ở 7/9 huyện, thành phố, gấp 3,5 lần so với năm 2005. Công tác xã hội hóa giáo dục có bước tiến bộ, đã thu hút sự quan tâm, tham gia sự nghiệp giáo dục của toàn xã hội.
Đội ngũ giáo viên có sự chuyển biến đáng kể về chuyên môn và về nhận thức trong đổi mới phương pháp dạy học; hầu hết giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn, nắm vững nội dung chương trình, sách giáo khoa.
2.2. Dân số và y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Dân số trung bình năm 2010 là 446.203 người, tốc độ tăng bình quân là 2,94%/năm, trong đó tăng tự nhiên 2%. Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình có hiệu quả… góp phần giảm tỷ lệ tăng tự nhiên dân số từ 23,33%0 năm 2005 xuống còn 18,8%0 năm 2010; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm từ 31% năm 2005 xuống 19% năm 2010.
Bệnh viện đa khoa tỉnh, các Trung tâm y tế được đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng một số thiết bị kỹ thuật y học tiên tiến; Bệnh viên đa khoa khu vực Ngọc Hồi đã được hoàn thành; toàn tỉnh có 17 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế([34]); hiện có 81 xã có Bác sỹ luân phiên khám chữa bệnh, chiếm tỷ lệ 83,5%. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được duy trì; các dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi, không để xảy ra trên diện rộng; thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; y tế dự phòng được triển khai tích cực.
2.3. Văn hóa - thể thao
Các hoạt động văn hóa đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển cả về số lượng và chất lượng([35]). Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá tiếp tục phát triển.
Một số công trình văn hóa, phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng([36]); lễ hội văn hóa tiêu biểu của 6 dân tộc bản địa được phục dựng([37]). Đã đầu tư xây dựng và sửa chữa 530 nhà rông/820 làng đồng bào dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 64,63% số làng có nhà rông. Đã phối hợp, triển khai thực hiện dự án điều tra sưu tầm về sử thi các dân tộc thiểu số; xuất bản hệ thống sử thi liên hoàn rất có giá trị của dân tộc Ba Na, Rơ Ngao, Xơ Đăng… Cùng với việc phát hiện, công tác tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã được tăng cường đầu tư.
Công tác phát hiện, tuyển chọn và đào tạo vận động viên được duy trì thường xuyên; hoạt động thể thao thành tích cao được duy trì, phát triển và đạt được một số kết quả; xã hội hóa thể dục thể thao có bước phát triển, hình thành được một số cơ sở tập luyện thể thao ngoài công lập.
2.4. Thông tin và truyền thông
Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin: Đã xây dựng một Trung tâm tích hợp dữ liệu, 01 Website (cổng thông tin điện tử) của tỉnh tại địa chỉ http://www.kontum.gov.vn phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và thông tin đến người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước đang tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử để trao đổi thông tin; đã thực hiện thí điểm tiến tới nhân rộng sử dụng phần mềm văn phòng điện tử.
Bưu chính - viễn thông: Mạng Bưu chính công cộng đang phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với chất lượng ngày càng cao; 90% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính; toàn tỉnh có 201.210 thuê bao điện thoại, mật độ 48,44 thuê bao/100 dân; internet đạt 2,16 thuê bao/100dân.
Báo chí - xuất bản: Có 2 cơ quan được phép hoạt động báo in là Báo Kon Tum (thuộc Tỉnh ủy) và Tạp chí Văn hóa, thể thao và Du lịch (thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Báo Kon Tum hiện xuất bản 3 số/tuần (vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu) và 02 tờ tin ảnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số xuất bản 01 tháng 01 số.
Phát thanh - truyền hình: Toàn tỉnh có 36 trạm truyền thanh không dây phát sóng FM có công suất từ 100w đến 1.000w; 22 trạm truyền thanh có dây. Các huyện, thành phố đều có máy phát hình công suất 150w đến 1.000w. Đã xây dựng lắp đặt 27 trạm phát lại truyền hình; cấp 771 ti vi cho các hộ không có điều kiện mua sắm; lắp đặt 170 bộ DTH cho các làng không thu được sóng truyền hình và 10 trạm TVRO cho 10 đồn biên phòng… đáp ứng một phần nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, nhân dân, các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
2.5. Lao động, việc làm, đời sống nhân dân và các vấn đề xã hội:
Lao động và việc làm: Có nhiều chuyển biến, cơ cấu lao động đang thay đổi theo mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 4.200 lao động([38]). Mạng lưới và số lượng trường, lớp dạy nghề được mở rộng đến một số huyện với nhiều hình thức đào tạo đa dạng; tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh hàng năm tăng đáng kể từ 20,74% năm 2005 lên 33% năm 2010.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Chương trình hành động vì trẻ em tiếp tục được triển khai có hiệu quả theo tinh thần chỉ thị 55-CT/TW ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị. Quyền trẻ em cần được bảo vệ đã được thực hiện tốt qua triển khai có hiệu quả của các chương trình theo Quyết định 19/2004/QĐ-TTg, 65/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ; đã hình thành các mô hình, câu lạc bộ: “Bảo vệ trẻ em”, “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, “Mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng”, “điểm tham vấn cộng đồng”... Đã có 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc và bảo vệ.
Xóa đói giảm nghèo: Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch sinh hoạt, vốn sản xuất cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo, góp phần xoá hết hộ đói kinh niên, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo([39]), đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh khoảng 16,48%.
Công tác chăm sóc người có công với cách mạng, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn luôn được coi trọng thực hiện, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đoàn thể… Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, mẹ liệt sĩ sống cô đơn và thương binh nặng đã được các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh nhận phụng dưỡng và chăm sóc.
Công tác bình đẳng giới: Đã tiến hành xây dựng và thực hiện 5 mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới với kết quả: Tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới chiếm 40% trong tổng số việc làm mới; tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề chung đạt 9%; có khoảng 78% hội viên phụ nữ được vay vốn tín dụng; tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các cơ quan chính quyền, Hội đồng nhân dân các cấp tăng từ 15% năm 2006 lên khoảng 20% năm 2010.
Đã triển khai các hoạt động của chiến lược truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010 - 2020; tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Chỉ thị 49-CT/TW về việc “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa - Hiện đại hóa”; chiến lược xây dựng gia đình đến năm 2010.
2.6 Khoa học và công nghệ
Một số đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng có hiệu quả, phục vụ quản lý nhà nước, sản xuất và đời sống, đặc biệt là các thành tựu khoa học, công nghệ trực tiếp phục vụ cho việc mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và bảo vệ môi trường, sinh thái([40]). Tăng cường khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà khoa học triển khai nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ. Dự án "tăng cường cơ sở vật chất cho phát triển công nghệ sinh học” hiện đang triển khai thực hiện; hỗ trợ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp được đẩy mạnh. Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân, chú trọng hơn đến công tác nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý.
3. Quản lý tài nguyên, môi trường
- Công tác quản lý, sử dụng đất đai ngày càng chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đạt trên 84% diện tích đủ điều kiện cấp giấy([41]); hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai từng bước được cập nhật; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được lập, điều chỉnh kịp thời, bố trí hợp lý quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường; nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành, các tổ chức và của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chú trọng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất.
- Đã thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; công tác điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, tích hợp dữ liệu về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường được triển khai thực hiện.
4. Quốc phòng - an ninh, đối ngoại
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra biểu tình bạo loạn, vượt biên đông người. Khu vực phòng thủ của tỉnh tiếp tục được củng cố và tăng cường về mọi mặt. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được hình thành và phát huy tác dụng tốt. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, tạo được sức mạnh tổng hợp phục vụ tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chính trị, nghiệp vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang được chú trọng. Năm 2007 đã triển khai diễn tập vận hành cơ chế cấp tỉnh, kết quả đạt loại khá.
Đã chủ động củng cố và phát triển có chiều sâu mối quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên giới của nước Công hoà dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, nhất là trong vấn đề chống xâm nhập, chống vượt biên trái phép, chống xâm canh…Việc phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới với tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và tôn tạo, tăng dày cột mốc với tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào) cơ bản được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Việc nâng cấp cửa khẩu quốc tế Bờ Y-Phu Cưa; mở cửa khẩu phụ ĐăkBlô - Đăk Ba, Đăk Long - Văng Tắt góp phần tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh hai bên biên giới.
Tốc độ tăng trưởng không đạt mục tiêu kế hoạch; chất lượng thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao([42]); chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, không đạt mục tiêu kế hoạch. Tại một số khu vực vùng núi cao, biên giới, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân chung của tỉnh.
Cơ cấu nông nghiệp chưa phát huy được yếu tố lợi thế và gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ([43]). Công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và quản lý khai thác gỗ nói riêng còn yếu kém; quy hoạch và quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa còn thấp; chưa có sản phẩm chủ lực với thương hiệu mạnh. Hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; chưa làm tốt vai trò hỗ trợ, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Tiềm năng, lợi thế về du lịch chưa được khai thác đúng mức.
Ba vùng kinh tế động lực phát triển chậm; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm không đảm bảo tiến độ; giải ngân vốn xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu quốc gia nhiều năm đạt kết quả còn thấp. Công tác thu hút đầu tư còn hạn chế; dự án đầu tư được thực hiện so với số dự án được cấp phép còn ít([44]); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009 có cải thiện nhưng số điểm vẫn còn thấp so với cả nước. Việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế còn chung chung, chưa xác định rõ nguồn lực thực hiện.
- Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Trang thiết bị dạy và học còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa mạnh; nhận thức của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học tập để nâng cao dân trí chưa cao, còn xem giáo dục là trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô giáo; tại những vùng khó khăn chưa thể hiện được sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong việc giáo dục con em. Đội ngũ giáo viên còn thiếu.
- Chất lượng khám chữa bệnh và y đức của của một bộ phận y, bác sĩ chưa tốt; một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; xã hội hóa lĩnh vực y tế còn chậm; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, số con bình quân của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm chậm, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại còn thấp và chưa vững chắc.
- Thiết chế văn hoá cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân chậm được nâng lên và không đều giữa các vùng. Các di tích lịch sử, văn hóa chậm được khôi phục, tôn tạo. Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số chậm được khai thác và phát huy. Phong trào thể dục thể thao quần chúng chưa đều khắp, thể thao thành tích cao còn kém phát triển. Trạm truyền thanh không dây phát sóng FM, trạm truyền thanh có dây hiệu quả hoạt động còn thấp.
- Mạng Internet vẫn chưa được triển khai rộng khắp; dịch vụ Internet còn kém phát triển, hiệu quả sử dụng chưa cao. Các dịch vụ liên quan đến ứng dụng Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, trợ giúp sản xuất nông nghiệp, đào tạo qua mạng chưa được người dân tiếp cận nhiều; người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ứng dụng ở mức hạn chế, khoảng cách về số người sử dụng dịch vụ ở nông thôn miền núi và thành thị còn khá lớn.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung không đạt kế hoạch; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn lúng túng, chưa gắn với giải quyết việc làm. Việc đầu tư các cơ sở đào tạo nghề chưa được hoàn chỉnh; số lượng người lao động được đào tạo chưa tăng nhiều; chất lượng lao động thấp, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề còn mỏng; khả năng thu hút “chất xám” từ các nơi khác đến tỉnh làm việc còn thấp.
- Công tác giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng xa, vùng khó khăn còn cao so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch về mức sống giữa các khu vực dân cư có xu hướng ngày càng tăng. Chưa có biện pháp hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng sâu, vùng xa với khu vực thành phố, thị trấn. Một số mô hình tốt, cách làm mới về xóa đói giảm nghèo chưa được tổng kết, nhân rộng.
- Việc chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống còn rất chậm, hiệu quả không rõ nét. Tình trạng thiếu đất sản xuất đối với nhân dân khu vực tái định cư của hai công trình thuỷ điện Plei Krông, Ya Ly chưa được giải quyết dứt điểm. Việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ cho nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời.
- Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ; sự phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, việc bố trí cán bộ tại bộ phận "một cửa" chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở có lúc, có nơi còn yếu kém nhưng chậm khắc phục, nhất là khâu tổ chức thực hiện. Năng lực cán bộ cơ sở còn yếu; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng cán bộ chưa theo kịp yêu cầu đổi mới…
Tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật còn diễn ra, chưa được xử lý dứt điểm. Việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn chưa ngăn chặn có hiệu quả. Các khu, cụm công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất, chế biến hàng nông sản chưa xử lý môi trường triệt để, hệ thống thoát nước ở đô thị triển khai đầu tư xây dựng chưa đạt yêu cầu...
An ninh chính trị còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi diễn biến phức tạp. Hoạt động tôn giáo trái pháp luật còn xảy ra; Tà đạo Hà Mòn chưa được xóa bỏ. Tệ nạn xã hội và tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật xảy ra nhiều, có vụ đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, nhất là phá rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ trái phép còn xảy ra, có vụ phức tạp nhưng chậm được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
An ninh trật tự ở cơ sở có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân, giữa nhân dân với các nông trường, và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp, khiếu kiện, tranh chấp trong quá trình giải tỏa, đền bù để triển khai xây dựng một số công trình, dự án có chiều hướng gia tăng, phức tạp.
III. NGUYÊN NHÂN CỦA HẠN CHẾ, TỒN TẠI
Do địa bàn rộng và chia cắt, phức tạp; hạ tầng thấp kém và không đồng bộ đã tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư bên ngoài, cũng như đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển, thực hiện cơ chế, chính sách; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; một số chương trình, dự án của Trung ương, và của tỉnh được phê duyệt nhưng thiếu nguồn lực thực hiện.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; sự bất ổn của kinh tế vĩ mô trong nước; tình hình khí hậu, thời tiết không thuận lợi, bão số 9 (năm 2009) gây thiệt hại lớn; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra. Trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Các thế lực thù địch ráo riết lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” để hoạt động chống phá.
Một số sở, ngành, chính quyền địa phương và một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, chưa năng động vận dụng và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát thực và phù hợp với nguồn lực. Chất lượng tham mưu và khả năng triển khai, tổ chức thực hiện của một số sở, ban, ngành còn yếu, hiệu quả kém. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa tốt. Việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới chưa thường xuyên; chưa chủ động kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các yếu kém, khuyến điểm, sai phạm. Chưa huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài tỉnh vào phát triển kinh tế, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp. Cải cách hành chính, nhất là vấn đề công chức, công vụ, thủ tục hành chính hiệu quả chưa cao. Tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên của một số hộ gia đình chưa cao, chưa có khát vọng làm giàu.
Công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa tốt, nhiều dự án chậm được đầu tư hoặc đầu tư kéo dài. Việc hướng dẫn, tuyên truyền vận động để nhân dân quản lý, bảo vệ và sửa chữa các công trình công cộng chưa kịp thời. Nhận thức của chính quyền cấp cơ sở các xã vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ về mục đích xoá đói giảm nghèo. Một một phận hộ nghèo chưa tiếp cận được với nguồn vốn xoá đói giảm nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa tự vươn lên…
PHẦN THỨ HAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI - QUỐC PHÒNG -
AN NINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
- Nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang có xu hướng phục hồi; kinh tế vĩ mô trong nước tương đối ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thị trường trong nước có dấu hiệu khởi sắc; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao; hợp tác ASEAN với các đối tác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu.
- Kon Tum là một tỉnh có thế mạnh về tài nguyên đất đai, rừng và đất rừng, nước, khoáng sản, phát triển chăn nuôi đại gia súc; lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, các công trình thủy điện lớn trên địa bàn.
- Các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với Tây Nguyên tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả tích cực. Quan hệ hợp tác phát triển giữa tỉnh Kon Tum với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong nước ngày càng mở rộng. Hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam sẽ được củng cố, tăng cường.
- Nhiều dự án đầu tư quan trọng có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội đang triển khai; hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư được quan tâm, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được cải thiện... sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trưởng thành về mọi mặt, có phẩm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và có tinh thần đoàn kết cao.
- Việt Nam bước vào ngưỡng phát triển của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, viện trợ ODA bắt đầu có hướng chuyển dịch, hỗ trợ ODA đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng sẽ giảm.
- Hạ tầng yếu kém, địa hình chia cắt; quy mô dân số ít và sinh sống phân tán, trình độ dân trí chưa cao; các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến còn gặp nhiều khó khăn; nguồn vốn đầu tư phát triển hạn chế.
- Năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương còn hạn chế; một số nơi còn lúng túng, thiếu trách nhiệm, không sát công việc. Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi còn yếu.
- Nhiều cam kết gia nhập WTO đến thời hạn thực thi, nhất là cam kết về mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
- Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về giảm nghèo chưa chuyển biến mạnh, chậm tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy, tình trạng thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông... đang là thách thức đối với tỉnh.
- Cơn bão số 9 năm 2009 đã để lại hậu quả nặng nề phải mất thời gian và nguồn lực để khắc phục; nguy cơ dịch bệnh, thời tiết, khí hậu có thể diễn biến phức tạp, khó lường...
- Âm mưu, hoạt động “diễn biến hoàn bình”, “bạo loạn lật đổ”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.
- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Phát triển tỉnh Kon Tum đặt trong mối quan hệ phát triển liên vùng trong nước, liên vùng quốc tế trong tam giác phát triển thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
- Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, đối tượng hướng đến là nông dân, tầng lớp có mức thu nhập thấp và chịu thiệt thòi nhất.
Khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững với cơ cấu hợp lý. Nâng cao rõ rệt chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân; quyết tâm xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, cơ bản thoát nghèo vào năm 2015.
(1) Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.
(2) Tăng cường năng lực khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực.
(3) Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
(4) Tiếp tục tập trung phát triển ba vùng kinh tế động lực.
(5) Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
(6) Phát triển các sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế so sánh của từng vùng, từng ngành của tỉnh.
(7) Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh trong mọi tình huống.
- Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trên 15%/năm, trong đó: Nông - lâm -thủy sản tăng từ 8%/năm trở lên, công nghiệp - xây dựng tăng từ 20%/năm trở lên, nhóm ngành dịch vụ tăng từ 16%/năm trở lên.
* Đến năm 2015:
- Cơ cấu kinh tế theo GDP với tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản 33-34%; nhóm ngành công nghiệp-xây dựng 31-32%; nhóm ngành dịch vụ 35-36%.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 28 triệu đồng, tương đương khoảng 1.350 USD.
- Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.000 tỷ đồng, cơ bản bảo đảm cho chi thường xuyên.
- Tổng giá trị xuất khẩu trên 130 triệu USD.
* Đến năm 2015:
- Dân số đạt quy mô 510.000 người; tỷ lệ tăng tự nhiên dưới 15%o.
- Tuổi thọ trung bình của người dân đạt trên 68,5 tuổi.
- Hàng năm giảm 4-5% số hộ nghèo, tỉnh cơ bản thoát nghèo vào năm 2015.
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 20%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 45%, trong đó đào tạo nghề trên 33%.
- Hàng năm giải quyết việc làm cho 6.000 lao động([45]).
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 40%.
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Tiểu học trên 45%; trung học cơ sở trên 20%; trung học phổ thông trên 30%.
- Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên 25% và tỉnh được công nhận hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
- Tỷ lệ trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia trên 50%.
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thông tin trên 45%.
- Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 100%.
- Tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn tiên tiến trên 90%.
- Thành phố Kon Tum đạt 70% mức tiêu chuẩn của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới); thị xã Ngọc Hồi được thành lập vào cuối năm 2015.
* Đến năm 2015:
- Tỷ lệ độ che phủ của rừng trên 68%.
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên 90%.
- Tỷ lệ cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường trên 90%.
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý ở đô thị trên 90%
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường 100%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.
- Tỷ lệ xã, phường vững mạnh về quốc phòng, an ninh đạt trên 70%.
- Tỷ lệ huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn khu vực phòng thủ vững chắc là 100%.
VI. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC
1.1. Phát triển các ngành kinh tế
a) Nông lâm thuỷ sản: Giá trị gia tăng của nhóm ngành nông - lâm - thuỷ sản (giá cố định 94) năm 2015 khoảng 1.334 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 8,8%/năm. Đến năm 2015, ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ lệ 33%-34% trong cơ cấu kinh tế.
a1) Mục tiêu
- Nông nghiệp
+ Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm chủ lực gồm: cao su, cà phê, mía đường, tinh bột sắn, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, rau, hoa xứ lạnh, các sản phẩm gia súc...
+ Mở rộng diện tích cây cao su theo quy hoạch, phấn đấu trồng mới 5.500 ha/năm, để đến năm 2015 đạt quy mô 70.000 ha cao su; nghiên cứu đưa vào trồng thử nghiệm cao su xứ lạnh ở địa bàn đất dốc tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông. Tiếp tục ổn định diện tích cà phê vối hiện có, mở rộng diện tích cà phê chè vùng Đông Trường Sơn (huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông). Tập trung chuyển đổi diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su, trồng rừng nguyên liệu. Khuyến kích các thành phần kinh tế trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, rau, hoa xứ lạnh ở Kon Plông... hình thành vùng chuyên canh các cây dược liệu (sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm...) gắn với công nghiệp chế biến ở Tu Mơ Rông, nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm và một số dược liệu khác trồng, phát triển tại huyện Kon Plông. Đầu tư phát triển một số loại rau, hoa xứ lạnh ở Kon Plông và rau hoa ở thành phố Kon Tum. Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển chăn nuôi các loại gia súc theo hướng bán công nghiệp theo quy mô gia đình, trang trại...
+ Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi ruộng đất ở những vùng manh mún phân tán, dồn điền đổi thửa (những nơi có điều kiện) để tạo điều kiện thích hợp cho canh tác theo phương thức sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại; nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
- Lâm nghiệp
Tổ chức lại sản xuất để phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững và tiến tới làm giàu từ rừng, phát huy giá trị nhiều mặt của rừng, cải thiện một cách căn bản đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng; phát triển vốn rừng; khai thác sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng.
- Thủy sản
Khai thác các ao hồ, mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tổng kết và nhân rộng mô hình nuôi các hồi, cá tầm... ở Măng Đen. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông, Sê San. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.400 ha. Từng bước xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản. Đầu tư nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức thâm canh cao theo mô hình cá lồng, cá bè; từng bước nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh tại các ao, hồ nhỏ của hộ gia đình.
- Xây dựng Chương trình nông thôn mới
Xây dựng Chương trình nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới các xã trong năm 2010 và năm 2011. Từng bước hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư, chú trọng xây dựng 22 xã đã chọn đủ điều kiện nông thôn mới vào năm 2015([46]), cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống và phòng chống thiên tai.
a2) Biện pháp triển khai
- Nông nghiệp
+ Điều chỉnh và triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ kinh phí cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phát triển cao su tiểu điền trong vùng quy hoạch; Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng II, III vay vốn lãi suất 0% đủ một chu kỳ sản xuất của một số loại cây trồng để có điều kiện sản xuất hàng hóa, tối thiểu mỗi hộ vay từ 15 đến 20 triệu đồng và tùy loại sản phẩm, thời hạn vay vốn là 5 năm hoặc hết thời kỳ xây dựng cơ bản.
+ Xây dựng các chuyên đề, tổ chức hội thảo bàn về mô hình hợp tác kiểu mới để tìm ra mô hình liên kết, hợp tác giữa 4 nhà nhằm huy động các nguồn lực (vốn, lao động, đất đai, khoa học – công nghệ...) vào sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
+ Rà soát, xác định những loại cây dược liệu quý hiện có trên địa bàn để có giải pháp bảo tồn, nhân rộng, khai thác, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Tiến hành nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như: rau hoa xứ lạnh; nuôi cá hồi; cá tầm; gây, nuôi động vật hoang dã... trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu và xây dựng các mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc nhằm hạn chế xói mòn đất.
+ Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cao su cho nhân dân bằng nhiều hình thức. Có cơ chế phù hợp để nhân dân cho thuê đất, góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất với các nhà đầu tư. Tăng cường hỗ trợ trực tiếp giống cho nhân dân để phát triển cao su tiểu điền.
+ Đánh giá tình hình thực hiện chính sách khuyến khích việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo mô hình liên kết bốn nhà "Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học"; rút kinh nghiệm để áp dụng cho việc tiêu thụ các sản phẩm mía đường, tinh bột sắn.
+ Có chính sách hỗ trợ cải tạo các vườn cà phê già cỗi; khuyến khích, kêu gọi đầu tư dự án phát triển cà phê chè vùng Đông Trường Sơn. Xây dựng cơ chế chính sách về hỗ trợ giống cho nhân dân thay đổi cơ cấu giống để nâng cao năng suất mía. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là phát triển đàn bò; rà soát, bổ sung quy hoạch đồng cỏ chăn thả.
+ Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và khả thi đối với các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông lâm sản như: mía, cà phê, cao su, sắn... Quy hoạch khu dân cư và đường giao thông tại khu vực chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su trên địa bàn phía nam xã Mô Rai - huyện Sa Thầy.
- Lâm nghiệp
+ Điều chỉnh quy mô diện tích cho các chủ rừng một cách hợp lý, phù hợp với trình độ và năng lực tổ chức quản lý, dễ nhận biết trên bản đồ và trên thực địa.
+ Đẩy mạnh trồng rừng trên toàn bộ diện tích đất chưa có rừng theo quy hoạch, chú trọng đầu tư trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhà máy giấy và bột giấy Tân Mai.
+ Các chủ rừng trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định hiện hành. Tập trung nghiên cứu, cụ thể hoá và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ.
+ Nhà nước tiếp tục đầu tư giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền cấp xã và cơ quan kiểm lâm. Kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê rừng và sử dụng đất trên địa bàn, trên cơ sở đó có kế hoạch sử dụng đất hợp lý.
+ Khoanh nuôi bảo vệ phục hồi đất rừng phòng hộ và đặc dụng; trồng rừng nguyên liệu sản xuất bột giấy, ván sợi trên diện tích đất rừng sản xuất. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ trồng rừng; cho chủ rừng vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng rừng suốt chu kỳ kinh doanh và liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến trồng rừng kết hợp tiêu thụ sản phẩm.
+ Tiếp tục nghiên cứu và áp dụng chính sách hỗ trợ lương thực cho người dân trồng rừng thay thế kết hợp biện pháp luân canh rừng rẫy trên diện tích canh tác nương rẫy của hộ gia đình.
+ Tiến hành cải tạo rừng trên đối tượng rừng tự nhiên là rừng tre nứa, rừng gỗ nghèo kiệt hỗn giao tre nứa kém giá trị và rừng trồng từ các dự án trước đây không có khả năng thành rừng. Đầu tư phát triển trồng cây phân tán trong dân, tập trung các loài cây gỗ lớn, gỗ quý.
+ Xúc tiến thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ.
+ Về quản lý tài nguyên rừng: Đối với diện tích giao cho các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp, giao rừng và đất rừng sản xuất theo hình thức có thu tiền sử dụng rừng. Cho phép công ty chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh rừng và đất rừng được giao theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng và Luật doanh nghiệp. Đối với diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng, giao các Ban quản lý rừng quản lý, bảo vệ và sử dụng theo quy chế quản lý rừng của Chính phủ. Đối với diện tích rừng và đất rừng sản xuất giao UBND xã quản lý, tiến hành giao, cho thuê rộng rãi để mọi thành phần kinh tế được tham gia sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích kinh doanh lâm nghiệp. Xây dựng chính sách hỗ trợ đối với hộ gia đình và cộng đồng dân cư sống gần rừng được nhận đất, nhận rừng để kinh doanh lâm nghiệp.
- Thủy sản
+ Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng và dịch vụ nghề cá cần thiết như: Trung tâm giống thủy sản và các cơ sở ươm, sản xuất giống, xây dựng các bến cá và khu neo đậu tàu thuyền trên các hồ chứa… Thực hiện tốt công tác thu dọn lòng hồ thủy điện, thủy lợi, phục vụ đánh bắt, khai thác thủy sản.
+ Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sinh sống ở khu vực lòng hồ về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt cá mang tính chất huỷ diệt như dùng chất nổ, xung điện... Xây dựng các điểm mô hình trình diễn, mở rộng quy mô sản xuất như: nuôi tôm càng xanh thâm canh, nuôi thuỷ sản lồng trên sông, hồ chứa, nuôi xen-luân canh cá ruộng và nuôi cá rô phi cao sản, cá rô phi đơn tính, các diêu hồng, cá lóc, ba ba, ếch....
- Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới
+ Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn bị ảnh hưởng của bão số 9 (năm 2009); triển khai thực hiện các dự án bố trí sắp xếp dân cư tái định cư nội vùng tại các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, Đăk Hà. Tập trung chỉ đạo 22 xã đã lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2015 có ít nhất 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tập trung xây dựng hoàn thành đồ án quy hoạch và đề án nông thôn mới đối với 81 xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy vai trò, nâng cao năng lực chủ thể điều hành chương trình phát triển nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền xã, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, thôn, bản.
+ Tổ chức quán triệt và tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trên toàn tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thường xuyên cập nhập, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiêm hay về nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng; phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.
+ Tập trung điều tra, rà soát, đánh giá tình hình thực trạng về nông thôn mới cấp xã, từ đó xác định thứ tự ưu tiên các tiêu chí để triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo và học nghề.
+ Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu cụ thể trên địa bàn; huy động nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã), vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư... để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
+ Phát triển sản xuất hàng hóa và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, có hiệu quả để tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Hướng dẫn, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn mô hình, phương án sản xuất có hiệu quả.
+ Quy hoạch sắp xếp lại các điểm dân cư hợp lý, khoa học thuận lợi cho việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Huy động các nguồn vốn để từng bước đầu tư xây dựng các khu dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nhẹ thiên tai, lũ lụt...; chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, các công trình chống xói mòn và sạt lở đất. Thực hiện phương án dãn dân và đón dân kinh tế mới nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến đường giao thông mới được đầu tư.
b) Công nghiệp - xây dựng:
Giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (giá cố định 1994) năm 2015 khoảng 1.774 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 20%/năm. Đến năm 2015, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 31% - 32% trong cơ cấu kinh tế.
b1) Mục tiêu
Phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, phục vụ nhu cầu xây dựng cơ bản trên cơ sở quy hoạch và khai thác hợp lý (chế biến đá Granít, đôlômit, điatomít, wolfram,...); chế biến nông, lâm sản, dược liệu gắn với phát triển nguồn nguyên liệu bền vững (sản phẩm cao su, bột giấy, giấy, đồ gỗ cao cấp, thảo quả, sâm dây Ngọc Linh, hồng đẳng sâm...); Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm gỗ, lâm sản dưới tán rừng (như tre, nứa…), sản xuất điện năng. Phát triển các làng nghề thủ công, truyền thống đã được quy hoạch...
- Đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng, đưa các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu của các khu, cụm công nghiệp vào sử dụng. Hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng và xây dựng mới một số dự án kêu gọi đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế.
b2) Biện pháp triển khai
- Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư nhằm đưa một số công trình, dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ như: Nhà máy chế biến bột giấy và giấy Tân Mai, thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Re, thủy điện Đăk My 1, thủy điện Đăk Ring, các công trình giao thông, thủy lợi...
- Huy động, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy cán thép với quy mô phù hợp, các nhà máy chế biến cao su công nghiệp từ sản phẩm mủ cao su, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy giết mổ, chế biến thịt, nhà máy sản xuất cồn... Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thành việc khảo sát, thăm dò, xây dựng các nhà máy khai thác và chế biến volfram, vàng, chế biến đá Granit, chế biến Dolomit, Diatomit… theo quy hoạch. Thực hiện thí điểm đấu thầu khai thác khoáng sản, tiến tới áp dụng rộng rãi việc đấu thầu khai thác khoáng sản.
- Phát triển các vùng cây nguyên liệu (giấy, mía, sắn, cà phê, cao su...) góp phần chủ động nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tập trung nghiên cứu thị trường nguyên liệu của các địa phương lân cận, tăng cường liên kết, liên doanh để mở rộng vùng nguyên liệu, đặc biệt là thị trường nguyên liệu tại Lào và Campuchia để cung cấp cho các nhà máy chế biến hiện có.
- Nghiên cứu, có chính sách ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư máy móc, trang thiết bị có công nghệ cao vào chế biến, nâng cao số lượng và chất lượng các mặt hàng nông sản sau chế biến.
- Tăng cường đầu tư hơn nữa công nghệ chế biến lâm sản nhằm nâng cao tỷ lệ sản phẩm qua tinh chế có chất lượng và phong phú về chủng loại để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng... Xây dựng cơ chế chính sách kinh tế, tài chính để tạo ra môi trường thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp. Kiến nghị Trung ương có cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các nhà đầu tư hoạt động đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
c) Thương mại, du lịch
c1) Mục tiêu
Giá trị gia tăng của nhóm thương mại - dịch vụ (giá cố định 1994) năm 2015 khoảng 1.926 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 16-17%/năm. Đến năm 2015, ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ 35%-36% trong cơ cấu kinh tế.
- Thương mại
+ Nâng cấp cửa khẩu phụ Đăk Blô thành cửa khẩu chính; mở rộng giao lưu hàng hóa qua cửa khẩu phụ Đăk Long; hình thành chợ phiên tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y; mở cửa khẩu với tỉnh Natanakiri (Vương quốc Campuchia).
+ Phát triển mạnh hệ thống phân phối từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đẩy mạnh phát triển hệ thống siêu thị ở thành phố, thị trấn; xây dựng chợ đầu mối nông sản tại thành phố Kon Tum. Xây dựng thêm chợ ở thành phố và huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi. Xây dựng và phát triển chợ biên giới ở Xã Đăk Blô, Đăk Nhoong ở huyện Đăk Glei; xã Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Sú, Bờ Y, Sa Loong của huyện Ngọc Hồi; xã Mô Rai, Rờ Kơi của huyện Sa Thầy. Hình thành các chợ phiên tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Du lịch
+ Phát triển du lịch trở thành một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chú trọng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử và nghỉ dưỡng. Phát triển các thôn, làng người dân tộc thiểu số theo hướng kết hợp du lịch văn hóa bản địa và phát triển ngành nghề truyền thống. Xây dựng cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia thành một địa điểm thu hút khách tham quan.
+ Khai thác các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa bản địa tại Măng Đen. Nghiên cứu, khảo sát khả năng để mở các tuyến du lịch giữa ba quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia); có kế hoạch thu hút khách Carnavan qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
c2) Biện pháp triển khai
- Thương mại
+ Có kế hoạch xây dựng một số sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường như: Giấy Kon Tum, sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, cà phê Đăk Hà...
+ Huy động các nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các cửa khẩu, xây dựng chợ biên giới, chợ đầu mối nông sản... tổ chức, khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ, chợ đầu mối, các trung tâm giao dịch hàng hóa, kho dự trữ.
+ Rà soát và tập trung đầu tư xây dựng một số chợ nông thôn, cửa hàng thương mại; hình thành mô hình thương mại - dịch vụ nông thôn, gắn với sản xuất, chế biến với lưu thông hàng hóa.
+ Xây dựng kế hoạch để tham gia và tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, liên kết độc quyền nhằm thao túng thị trường và giá cả; bảo đảm cân đối và cung ứng kịp thời các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các loại vật tư phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
- Du lịch
+ Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên thông thạo tiếng Lào, tiếng Thái Lan, tiếng Anh để phục vụ cho nhu cầu khách du lịch trong thời gian đến.
+ Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo chương trình liên kết các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Lào - Thái Lan, khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, trục hành lang kinh tế Đông Tây.
+ Huy động đầu tư trạm dừng chân du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Kon Tum, đặc biệt là các trạm dừng chân dọc con đường xanh Tây Nguyên; đường di sản Việt Nam và đường hữu nghị qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Ngọc Hồi.
1.2. Tài chính, tiền tệ, đầu tư, thu hút đầu tư
a) Tài chính - tiền tệ
a1) Tài chính
- Mục tiêu
+ Tích cực khai thác tốt nguồn thu trên địa bàn, đặc biệt là nguồn thu từ tài nguyên đất đai, rừng, tiềm năng thủy điện, khoáng sản, các lợi thế về du lịch sinh thái... phấn đấu đến năm 2015, thu ngân sách tại địa bàn đạt khoảng 2.000 tỷ đồng cơ bản đảm bảo cho chi thường xuyên. Tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu ngân sách trên địa bàn; chú trọng khai thác các nguồn thu mới.
+ Chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ vệ sinh môi trường… tiếp tục rà soát lại mạng lưới trường, lớp học, việc bố trí biên chế giáo viên một cách hợp lý; xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tài chính, đặc biệt là tiêu chí sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm, giảm dần mức chi từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này.
- Biện pháp triển khai
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; tăng cường quản lý chặt chẽ và đầy đủ các trường hợp phải kê khai thuế. Tổ chức tốt công tác thông tin để nắm kết quả thu trên địa bàn; thực hiện tốt các biện pháp thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế.
a2) Tín dụng, tiền tệ
- Mục tiêu
+ Tích cực đẩy mạnh công tác huy động vốn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân từ 20-25%/năm; phát triển đa dạng các dịch vụ ngân hàng, tăng cường mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng, tập trung vốn cho vay sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, các ngành có lợi thế của tỉnh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân từ 25-30%/năm.
+ Chú trọng phát triển mạng lưới chi nhánh ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn, gắn mục tiêu và hoạt động kinh doanh của chi nhánh với việc phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro trong điều kiện mở cửa hội nhập.
- Biện pháp triển khai
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, thực hiện cho vay đối với các dự án đầu tư có hiệu quả nhằm kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn của toàn hệ thống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng (rửa tiền, tiêu thụ tiền giả...).
b) Đầu tư phát triển
b1) Nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
Nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 15%, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 khoảng 52 ngàn tỷ đồng([47]), gấp 2,8 lần so với giai đoạn 2006-2010, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội như trên, thì nội lực của tỉnh khó có thể đáp ứng được; tỉnh cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Trung ương từ cơ chế, chính sách, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong thu hút đầu tư.
Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Khoảng 24,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 47,9%; trong đó vốn do địa phương quản lý 19,6 ngàn tỷ đồng (vốn cân đối ngân sách địa phương: 2,3 ngàn tỷ; bổ sung mục tiêu từ Trung ương: 8,8 ngàn tỷ; vốn trái phiếu chính phủ: 7,8 ngàn tỷ, nguồn ODA: 0,75 ngàn tỷ....), tốc độ tăng bình quân 22,3%/năm; còn lại 5,3 ngàn tỷ đồng phải huy động thông qua kênh vốn Bộ, ngành Trung ương, bình quân 1,06 ngàn tỷ đồng/năm (do Bộ, ngành Trung ương quản lý).
Đối với vốn tín dụng, vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư: Khoảng 18,2 ngàn tỷ đồng, trong đó tín dụng nhà nước 8,5 ngàn tỷ; vốn doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước 1,54 ngàn tỷ đồng; vốn tín dụng thương mại và vốn doanh nghiệp, nhà đầu tư 8,15 ngàn tỷ đồng.
Đối với vốn FDI, NGO, vốn của các tổ chức quốc tế (WB, IMF, UNFPA, UNDP, ADB...): Xây dựng các chương trình, dự án để xúc tiến, huy động vốn phù hợp với đặc thù của địa phương... khoảng 130 tỷ/năm.
b2) Đầu tư phát triển ba vùng kinh tế động lực của tỉnh
Đẩy mạnh liên kết trục hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với ba vùng kinh tế động lực của tỉnh (từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đến Nam Lào đến ba vùng kinh tế động lực của tỉnh đến Quãng Ngãi, Đà Nẵng). Cửa khẩu Bờ Y là cửa ngõ để phát triển du lịch theo các tour sang Lào và Thái Lan; Kon Plông là cửa ngõ liên kết với các tỉnh duyên hải Miền trung.
- Phát triển vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum gắn với các Khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai và các Khu đô thị mới.
+ Phát triển các thôn, làng người dân tộc thiểu số trong nội thành theo hướng kết hợp du lịch văn hóa bản địa và phát triển ngành nghề truyền thống; từng bước hình thành các vùng trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, rau an toàn, mô hình thanh long ruột đỏ; đưa vào khai thác và sử dụng khu làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp Hnor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum.
+ Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với yêu cầu phát triển; xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, ưu tiên các lĩnh vực: Xử lý thoát nước bẩn và nước mưa, rác thải sinh hoạt. Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
+ Thực hiện rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Kon Tum.
+ Tập trung đầu tư một số công trình, dự án lớn: Kè chống sạt lở bờ sông Đăk Bla (đoạn qua làng Plei Đôn và Kon Rơ Bàng thành phố Kon Tum), Sân vận động tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Huy động vốn của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai; kêu gọi đầu tư phát triển Khu đô thị mới Nam Đăk Bla...
+ Thực hiện quy hoạch và xây dựng khu hành chính của tỉnh và của thành phố Kon Tum theo hướng tập trung, hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ tốt việc cung cấp dịch vụ công cho tổ chức và công dân; hình thành các khu đô thị mới trên cơ sở mở rộng không gian đô thị dọc sông Đăk Bla, quốc lộ 14 và quốc lộ 24. Tăng cường nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng ở những xã vùng ven, các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
- Phát triển vùng kinh tế động lực Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với thị trấn Plei Kần:
+ Xây dựng cột mốc 3 biên giới nước Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia thành một địa điểm thu hút khách tham quan; hình thành chợ phiên tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y để giao lưu hàng hóa của hai bên.
+ Tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương và các thành phần kinh tế để xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế theo quy hoạch. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ nội biên và buôn bán quá cảnh.
- Phát triển vùng kinh tế động lực Trung tâm huyện lỵ Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen:
+ Khai thác các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa bản địa tại Măng Đen. Sản xuất thực phẩm sạch, chất lượng cao tại Măng Đen (rau và hoa xứ lạnh, cá hồi, cá tầm, nuôi thú rừng kết hợp săn bắn...).
+ Phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch sinh thái Măng Đen và các khu phụ cận, tổ chức hội thảo kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đưa Khu du lịch sinh thái Măng Đen vào quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam; tạo cơ chế để các doanh nghiệp tham gia quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung được duyệt.
+ Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên quốc gia khảo sát, xây dựng đề án thành lập Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên quốc gia tại Măng Đen. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và triển khai thực hiện tốt Đề án đầu tư, tôn tạo và phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Kon Plông.
+ Huy động đầu tư hệ thống cáp treo; chòi ngắm thiên văn; hình thành các khu vui chơi giải trí như: sân golf, công viên, khu thể thao; xây dựng đền thờ các vị tiền bối, chùa chiền, sân bay taxi để phục vụ khách tham quan du lịch... Đầu tư các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước, hạ tầng tại trung tâm, các điểm du lịch của huyện như: đường vào thác Đăk Ke, di tích lịch sử chiến thắng Măng Đen; đầu tư, phục hồi làng văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum...
c) Thu hút đầu tư
c1) Mục tiêu
- Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút đầu tư, quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng.
- Cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số thấp trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh).
c2) Biện pháp triển khai
- Rà soát các quy định về thủ tục hành chính trong cấp và cho thuê đất, kết hợp giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp vướng mắc. Xây dựng quy trình liên thông trong thu hút đầu tư để giải quyết những khó khăn, ách tắc hiện nay.
- Tăng cường phối hợp giữa cơ quan cấp tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường trong việc giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê đất...
- Rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đầu mối trong tất cả các lĩnh vực cho phù hợp hơn, tránh chồng chéo, dẫn đến tham mưu chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Phát huy vai trò điều hành, quyết định của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp khi các ngành tham mưu còn có ý kiến khác nhau. Đồng thời, nghiêm túc chấn chỉnh đối với các cơ quan tham mưu gây khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư.
- Kiểm tra, rà soát và xử lý đối với các dự án đầu tư vi phạm tiến độ theo quy định. Tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nắm bắt và xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn, nhất là các dự án thủy điện vừa và nhỏ, trồng rừng, trồng cao su, nhà máy giấy, khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản...
- Có cơ chế, chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo chương trình liên kết các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Lào - Thái Lan, khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, trục hành lang kinh tế Đông Tây, nhất là khu vực du lịch sinh thái Măng Đen... Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham gia và tổ chức hội chợ, triễm lãm trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu. Thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường quảng bá hình ảnh Kon Tum trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Rà soát, đánh giá bổ sung những tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư...
1.3. Kết cấu hạ tầng
a) Giao thông
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan đầu tư hoàn thành Quốc lộ 14 - Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14C và đường Nam Quảng Nam (đoạn Tắc Pỏ - Đăk Tô); hệ thống đường tuần tra biên giới; đường Đông trường Sơn đoạn qua tỉnh Kon Tum. Hoàn thành dự án Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; đường Sa Thầy - Ya Ly - Thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - Làng Rẽ (Mô Rai); phối hợp nâng cấp quốc lộ 40 đoạn km13-km21, Quốc lộ 24; đầu tư Tỉnh lộ 677 đoạn nối Quốc lộ 24 đến xã Đăk Côi; hoàn thành các tuyến đường khai thác các tiềm năng, các tuyến đường kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng; Đường Đăk Ruồng - Đăk Kôi - ĐăkPsi; đường liên xã Đăk Long - Đăk Nhoong - ĐăkBlô; phối hợp triển khai xây dựng sân bay dân dụng tại xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum. Xây dựng đường giao thông nông thôn, liên thôn, liên xã ở vùng CT229; hoàn thiện các tuyến đường trong các khu cụm công nghiệp, khu du lịch Măng Đen, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
b) Thủy lợi
Đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất và đời sống. Tập trung huy động vốn để triển khai đầu tư xây dựng một số công trình như: Cụm công trình thủy lợi Đăk Krong, Đăk Hà; Đăk Long - Đăk Trui, Đăk Glei; Ya Mô - Ya Tri; thủy lợi Kon Rẫy...
- Tăng cường kiểm tra các công trình thuỷ lợi để có kế hoạch tu sửa, nâng cấp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, chống tổn thất nước, bảo đảm đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức quản lý khai thác tốt các công trình thuỷ lợi kết hợp tổ chức khai hoang đồng ruộng, mở rộng diện tích canh tác để phát huy hết khả năng tưới của các công trình.
- Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng mới các công trình thuỷ lợi đã được quy hoạch; đồng thời, hỗ trợ vật tư để nhóm hộ, hợp tác xã xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ, đập thời vụ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng nhanh diện tích lúa hai vụ.
c) Điện
Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới điện trên toàn tỉnh, đặc biệt là đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đầu tư nâng công suất trạm 110/2kV Kon Tum từ (16+25) MVA thành 2x25MVA; xây dựng mới 3 trạm biến áp 110kV: Trạm Kon Tum 2, Trạm Đăk Glei, Trạm 110kV Bờ Y (Ngọc Hồi). Xây dựng tuyến đường dây 110KV Đăk Tô - Bờ Y - ĐăkGlei - Phước Sơn, khép kín mạch vòng lưới 110KV giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, xây dựng nhánh rẽ vào trạm Kon Tum; cải tạo, xây mới các lưới trung thế, hạ thế trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh.
d) Cấp nước, thoát nước và thu gom xử lý chất thải rắn
d1) Cấp nước: Thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án... để đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm tăng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp về sinh lên trên 90% vào năm 2015. Mở rộng, nâng cấp hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum; đầu tư hệ thống cấp nước Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; nâng cấp hệ thống cấp thoát nước tại các thị trấn.
d2) Thoát nước: Huy động vốn ODA hoặc nguồn vốn khác đầu tư hệ thống thoát nước thải thành phố Kon Tum; đầu tư hệ thống và trạm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp và từng bước đầu tư tại các thị trấn huyện lỵ.
d3) Xử lý và thu gom chất thải rắn: Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh có diện tích phù hợp (khoảng 1,5 - 2 ha) đối với khu kinh tế cửa khẩu, thị trấn và các điểm dân cư; huy động nguồn vốn xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà.
e) Kết cấu hạ tầng đô thị
Tập trung đầu tư, xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện Ngọc Hồi theo đúng kế hoạch, tiến độ đã xác định, phấn đấu đưa huyện Ngọc Hồi lên thị xã cuối năm 2015. Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố Kon Tum, phấn đấu đến năm 2015, thành phố Kon Tum đạt 70% mức tiêu chuẩn của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới); đầu tư kết cấu hạ tầng huyện lỵ Tu Mơ Rông, Kon Plông và huyện lỵ mới Kon Rẫy tại Đăk Ruồng - Tân lập... Xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước, hạ tầng trung tâm, các điểm du lịch huyện Kon Plông.
1.4. Phát triển các thành phần kinh tế, hợp tác phát triển
a) Mục tiêu
- Xây dựng lực lượng doanh nghiệp trong tỉnh có sức cạnh tranh với nhiều thương hiệu mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
- Đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, nhóm hộ ở những nơi có điều kiện, nhất là những vùng có nông sản hàng hóa, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương.
- Khuyến khích phát triển các hình thức liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình.
b) Biện pháp triển khai
- Tạo môi trường phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng II, vùng III để tạo đà phát triển những vùng khó khăn. Củng cố đổi mới hoạt động của các hợp tác xã đúng tính chất của một tổ chức kinh tế tập thể theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi, hợp tác và phát triển cộng đồng; đổi mới cả về tổ chức, cán bộ, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và phương thức phân phối...
- Hỗ trợ hợp tác xã về đào tạo, dạy nghề đầu tư công nghệ, vốn thực hiện các dự án khả thi. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách tiền lương, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ, xã viên và người lao động.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc đưa đón khách du lịch tại các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển; hợp tác trong trồng cây công nghiệp, xây dựng các cơ sở chế biến, đưa lao động sang làm việc theo các hợp đồng của các doanh nghiệp...
2.1. Giáo dục- đào tạo
- Mục tiêu
+ Duy trì sĩ số học sinh và tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng toàn diện giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đối với học sinh các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Tăng cường đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở mầm non, tiểu học. Làm tốt công tác cử tuyển đối với học sinh là con, em đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú; tăng cường trang thiết bị dạy và học cho các cấp học, bậc học. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để phân hiệu Đại học Đà Nẵng phát triển sớm trở thành trường Đại học tại Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Cơ cấu lại các trường chuyên nghiệp; tăng cường chất lượng, hiệu quả giáo dục chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác tác khuyến học. Phát triển trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường; mở rộng hệ thống giáo dục mầm non, nhà trẻ ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác khuyến học.
+ Xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú (theo Thông tư số 24/2010/TT-BGD&ĐT ngày 2/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trên nền tảng các trường tiểu học, trung học cơ sở hiện có, chỉ phát triển thêm phần bán trú; đối với cấp trung học phổ thông, xây dựng ký túc xá ở các trung tâm huyện để học sinh trung học phổ thông vùng sâu, vùng xa có nơi ăn, ở để học tập.
+ Quản lý đội ngũ giáo viên theo chuẩn; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp.
- Biện pháp triển khai
+ Thực hiện tốt các giải pháp duy trì sĩ số học sinh, chú trọng giải pháp tăng cường, đẩy mạnh tổ chức dạy 2 buổi/ ngày; triển khai thực hiện giảng dạy bằng song ngữ đối với bậc tiểu học ở những vùng đông học sinh dân tộc thiểu số.
+ Huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng kiên cố, đồng bộ và hiện đại([48]).Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 4 trường gồm: Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành và 03 trường thực hành sư phạm (mầm non thực hành sư phạm, tiểu học thực hành sư phạm, trung học cơ sở thực hành sư phạm Lý Tự trọng), đây là 4 trường “kiểu mẫu” đào tạo chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục([49]); đẩy mạnh công tác khuyến học.
+ Quan tâm đúng mức đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
2.2. Dân số và y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Mục tiêu
+ Tăng cường thu hút, tăng dân số cơ học có chất lượng để sớm thành lập thị trấn huyện lỵ Kon Plông, huyện lỵ mới khu vực Mô Rai, huyện Sa Thầy. Đến năm 2015, quy mô dân số khoảng 510.000 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn dưới 15‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 16%.
+ Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Đến năm 2015 có 50% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 100% xã có bác sỹ.
+ Hoàn thành việc xây dựng và đưa Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh đi vào hoạt động. Nâng cấp Trường Trung học Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cán bộ y tế. Đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật gây ra.
- Biện pháp triển khai
+ Tiếp tục có giải pháp duy trì xu thế giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên để quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
+ Đầu tư, sắp xếp lại mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng theo hướng: Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư không phân biệt địa giới hành chính, bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến; bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.
+ Từng bước thực hiện việc di chuyển các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ra khu vực thích hợp. Các bệnh viện xây dựng mới phải phù hợp quy hoạch. Bảo đảm đủ điều kiện xử lý chất thải y tế và khả năng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện để hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không ảnh hưởng tới người dân và môi trường sống.
+ Quy hoạch và phát triển các vùng dược liệu thế mạnh của tỉnh. Củng cố và phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để chủ động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
2.3 Văn hóa - thể thao
- Mục tiêu
+ Tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế, các công trình văn hóa, thể thao và du lịch, ưu tiên đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đánh giá tiềm năng về di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể) của đồng bào các dân tộc bản địa của tỉnh. Thể hiện được bản đồ về trữ lượng, thực trạng, phân bổ, dự báo do tác động có thể bị ảnh hưởng.
+ Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường công tác phát hiện tài năng thể thao; tập trung đào tạo lực lượng vận động viên kế cận, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên các môn thể thao duy trì và phát triển một số môn có thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển thể dục, thể thao ở xã, phường, thị trấn.
+ Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để khảo sát, xây dựng đề án thành lập Trung tâm đào tạo, huấn luyện cho vận động viên quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện tốt đề án đầu tư, tôn tạo và phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện KonPlông.
- Biện pháp triển khai
+ Tôn vinh, biểu dương các cộng đồng, nghệ nhân có thành tích giữ gìn, bảo vệ vốn di sản văn hóa của dân tộc. Xác định những địa danh để bảo tồn tại chỗ bằng phương pháp truyền dạy, lưu giữ, khôi phục, mô hình cộng đồng đến từng nhóm dân tộc địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
+ Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế bằng những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa xã, huyện.
2.4. Thông tin và truyền thông
- Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin: Khuyến khích đầu tư đồng bộ thiết bị hiện đại để nâng tốc độ truy nhập nhanh, dung lượng lớn, đáp ứng yêu cầu băng thông các dịch vụ mới, dịch vụ giải trí và truyền hình. Xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông đủ mạnh đáp ứng tốt việc triển khai các ứng dụng tích hợp, quản trị an ninh hệ thống thông tin của tỉnh.
- Bưu chính viễn thông: Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính - viễn thông tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn, tin cậy, đảm bảo công tác an ninh quốc phòng. Mở rộng điểm phục vụ bưu chính - viễn thông; Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hoá xã, phát triển bưu chính theo hướng hoàn thiện chất lượng dịch vụ. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp về ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao năng lực của cán bộ công chức quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.
- Báo chí - Xuất bản: Đầu tư cho việc phát hành các loại báo chí theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Phát thanh - truyền hình: Tăng thời lượng và nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số, Phấn đấu đến năm 2015 có thêm 1-2 chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số, các huyện đều có hệ thống truyền thanh không dây kỹ thuật số đến 100% số xã. Duy trì thường xuyên và tăng thêm một số chuyên mục; huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất([50]). Đào tạo, nâng cao trình độ và bổ sung đội ngũ phóng viên, biên tập viên... của tỉnh và huyện. Tiếp tục đầu tư và khai thác trang thiết bị truyền hình để phát thêm kênh sóng mới song song với các kênh đã có.
Xây dựng kênh riêng phát sóng chương trình dân tộc thiểu số và chương trình VTV5; có chính sách hỗ trợ kinh phí (thông qua chương trình mục tiêu) cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đủ điều kiện mua sắm phương tiện nghe nhìn. Hoàn thành việc đầu tư xây dựng, nâng cấp Trung tâm sản xuất chương trình truyền hình tỉnh và đầu tư hiện đại hóa dần một số thiết bị tại Đài tỉnh. Phấn đấu phủ sóng truyền hình đến tất cả các huyện, xã trong tỉnh; tiếp tục số hóa hệ thống phát thanh - truyền hình tại Đài tỉnh.
2.5. Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội
a) Lao động, việc làm
- Mục tiêu
+ Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; dạy nghề phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động, đặc biệt quan tâm lao động thuộc 2 huyện nghèo. Tăng cường việc tuyển dụng và giải quyết việc làm cho con em là đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp.
+ Triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ([51]) để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ sở, nhà máy chế biến.... Chăm lo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, chú ý thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm tại chỗ. Tập trung hỗ trợ người thất nghiệp, người thiếu việc làm, các đối tượng khó khăn vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm bằng cho vay Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, giải quyết việc.
+ Phát triển mạnh trung tâm giáo dục thường xuyên; đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề và trung tâm giới thiệu việc làm; cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 103/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Biện pháp triển khai
+ Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về công tác dạy nghề; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, xã hội tham gia dạy nghề.
+ Đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm để tư vấn, tuyển chọn, giới thiệu việc làm cho lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Tìm kiếm các thị trường lao động trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, các nước Trung Đông.....)
+ Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương thông qua “Dự án tăng cường nâng cao năng lực dạy nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục-đào tạo để nâng cấp, mở rộng các cơ sở đào tạo nghề, thành lập thêm một số cơ sở dạy nghề.
+ Triển khai thực hiện, quản lý tốt nguồn vốn giải quyết việc làm Trung ương bố trí hàng năm, đồng thời phối hợp với các Ngân hàng ưu tiên nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho vay tạo thêm việc làm mới. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho vay vốn đối với người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài.
b) Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu vì trẻ em. chiến lược bảo vệ trẻ em và các chương trình về chăm sóc trẻ em; thực hiện vận động xã hội thông qua hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em; tăng cường công tác truyền thông, duy trì và nhân rộng những mô hình truyền thông về bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; nâng cao năng lực bảo lý cho cán bộ làm công tác trẻ em; cung cấp hệ thống dịch vụ có chất lượng nhằm bảo vệ, ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ xâm hạn trẻ em, xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em tỉnh có cơ hội được bình đẳng phát triển toàn diện về mọi mặt, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tập trung huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chính sách có liên quan đến bảo vệ, chăn sóc trẻ em ở từng cấp, từng ngành; kiện toàn và phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng theo Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành truyền thông vận động xã hội phòng ngừa nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại, ngược đãi, lạm dụng trẻ em; buôn bán, bắt cóc trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trong trẻ em...; giảm đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em lang thang, tham gia lao động sớm.
c) Giảm nghèo
- Mục tiêu
Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả chương trình giảm nghèo; cải thiện đời sống của nhóm hộ nghèo nhằm hạn chế gia tăng khoảng cách chênh lệch thu nhập, mức sống.
- Biện pháp triển khai
Xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, trình độ kinh tế - xã hội và phong tục tập quán canh tác của từng địa phương; kịp thời tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình tiên tiến, có hiệu quả đã được xây dựng thí điểm. Ngoài việc sử dụng hợp lý nguồn lực đầu tư trực tiếp từ chương trình giảm nghèo, tiếp tục huy động các nguồn lực khác nhằm lồng ghép thực hiện mục tiêu giảm nghèo cho giai đoạn 2011-2015. Thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo kết hợp với các chính sách đối với huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết 30a của Chính phủ.
d) Công tác chăm sóc người có công, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn
Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, góp phần nâng cao mức sống gia đình người có công. Tập trung mọi nguồn lực, phát triển mạng lưới an sinh theo hướng xã hội hóa để tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc đời sống người có công với cách mạng.
e) Công tác bình đẳng giới
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục sâu rộng đến các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và cá nhân về Luật Bình Đẳng giới và Nghị định số 70/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới, kế hoạch vì sự tiến bộ của phụ nữ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hạn của các ngành, đoàn thể, địa phương.
Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo cán bộ nữ gắn với quy hoạch. Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên. Chú trọng công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số và các lĩnh vực có tỷ lệ cán bộ nữ thấp...
3 Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai
3.1. Mục tiêu
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng hiểu biết và chấp hành.
- Chú trọng bảo vệ môi trường trong các khu dân cư, đô thị, công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật về môi trường để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và hệ thống bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn.
- Quản lý việc cấp phép khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ các hoạt động thăm dò, khai thác và cấp phép khai thác khoáng sản theo đúng quy hoạch, kế hoạch.
- Triển khai khoanh vùng khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản; tăng cường quản lý các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, xây dựng cơ sở dữ liệu mỏ. Khuyến kích các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng vào sản xuất các công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm.
3.2. Biện pháp triển khai
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
- Tiến hành điều tra, kiểm kê, đánh giá tiềm năng về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; chuẩn hóa và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, xây dựng đường truyền và kết nối cơ sở dữ liệu qua hệ thống mạng thông tin điện tử từ tỉnh đến huyện.
- Đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường; kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý môi trường. Hoàn thiện mạng lưới và nâng cao năng lực quan trắc môi trường; đầu tư trang thiết bị công nghệ, chú trọng trang thiết bị công nghệ quan trắc về môi trường nước, không khí, nhất là tại các khu vực dân cư, đô thị, công nghiệp và những khu vực nhạy cảm khác, nhằm giám sát chặt chẽ diễn biến môi trường, để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các sự cố môi trường.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, kiểm tra sau thanh tra; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm. Chú trọng việc tăng cường các nguồn thu từ lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tái đầu tư, hiện đại hóa ngành tài nguyên và môi trường.
4. Quốc phòng - An ninh, đối ngoại
- Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong mọi tình huấn; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; chú trọng tăng cường các tiềm lực quốc phòng, an ninh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, xây dựng các lực lượng vũ trang, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, thôn vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là đối với các xã biên giới, các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia để nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ và nhân dân vùng biên giới, vận động quần chúng chấp hành nghiêm pháp luật, quy chế khu vực biên giới.
- Tăng cường quan hệ đối ngoại với các tỉnh tiếp giáp của Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, duy trì các cuộc gặp cấp cao song phương, đa phương, kiến nghị thống nhất mở cửa khẩu phụ Hồ Đá (Kon Tum) - ÔZa Xát (Rattanakiri); hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - CampuChia; tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Phân bổ dân cư khu vực biên giới cho phù hợp với đặc điểm tình hình khu vực biên giới tỉnh.
- Khi triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh (nhất là khu vực biên giới) phải gắn chặt với yếu tố bảo đảm cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự và tác chiến phòng thủ. Xây dựng Kon Tum thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc trong tình hình mới và khảo sát công trình kinh tế phục vụ dân sinh bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến phòng thủ giai đoạn 2009-2020. Khi cấp phép đầu tư dự án cho các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, cần xem xét kỹ địa điểm, khu vực triển khai dự án (đặc biệt là các địa điểm nằm trong khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh).
PHẦN THỨ BA MỘT SỐ NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính. Tiếp tục thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch và phân cấp quản lý cán bộ.
- Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là trong công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh, hộ tịch, hộ khẩu và trong giải quyết các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời.
- Đánh giá và củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức quản lý ở các cấp, các ngành, đảm bảo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Thực hiện tốt công tác giáo dục, nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là những cán bộ, công chức có quan hệ trực tiếp với người dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ trong giải quyết công việc. Tiếp tục kiện toàn các cơn quan chuyên môn của UBND các cấp theo hướng tinh gọn hơn.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, thiết lập hệ cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Sử dụng hiệu quả thông tin điện tử trong chỉ đạo, điều hành trao đổi thông tin ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Việc áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO phải gắn với quy trình thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
- Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và các nhà đầu tư, để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả, đúng tiến độ, đúng tiến độ.
- Xây dựng chương trình tôn vinh doanh nhân và doanh nghiệp, xây dựng một số giải thưởng cho doanh nghiệp của tỉnh. Tích cực tham gia giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tăng cường vai trò và trách nhiệm của Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, trung tâm giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý… để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin định hướng phục vụ cho chiến lược kinh doanh. UBND các huyện, thành phố, câu lạc bộ doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã cần thường xuyên có chương trình, kế hoạch hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp, đào tạo kỹ thuật, tay nghề cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp. Chú trọng và chủ động phổ biến những kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến các hiệp định kinh tế - thương mại - đầu tư mà Việt Nam đã ký kết, các khó khăn đối với doanh nghiệp khi tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO).
- Định hướng và hỗ trợ một số doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng của địa phương xây dựng và quảng bá thương hiệu để có thể mở rộng thị trường trong và ngoài nước (giấy Kon Tum, Cà phê Đăk Hà, Sâm Ngọc Linh...). Hỗ trợ công tác dự báo thị trường và trong quá trình hợp tác, liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đổi mới công nghệ.
- Tăng cường giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận vay vốn sản xuất và quản lý, sử dụng đất đúng mục đích.
- Phối hợp với các trường nghiệp vụ, các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh mở các lớp nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về xúc tiến đầu tư, thương mại, tư vấn lập kế hoạch maketing, ưu tiên là doanh nghiệp, hợp tác xã... Nghiên cứu xây dựng chương trình hợp tác, liên kết các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội trên địa bàn hỗ trợ nhau sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất.
- Đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước
+ Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để đăng ký các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương như: trái phiếu Chính phủ, nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, nguồn tăng thu, kết dư,…Lập danh mục các dự án huy động từ nguồn vốn vay, từ các nguồn tài chính hợp pháp khác; huy động nguồn vốn vay nhàn rỗi Kho bạc Trung ương….
+ Bám sát các quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cả nước... để đề nghị Trung ương đầu tư trên địa bàn đúng tiến độ đề ra. Phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các công trình trọng điểm của quốc gia đầu tư trên địa bàn.
+ Rà soát việc quản lý và sử dụng đất đai để có biện pháp khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Xây dựng và công bố bảng giá đất hàng năm sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, đảm bảo việc áp dụng giá đất công bằng.
+ Quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới trên cơ sở lập các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, các trung tâm thương mại, các công trình công cộng. Thí điểm đầu tư xây dựng khu đô thị Nam cầu ĐăkBla.
+ Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để đăng ký các nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn của mạng lưới giao thông, thủy lợi, bệnh viện, cơ sở đào tạo... có tính chất liên vùng, liên tỉnh trên địa bàn tỉnh.
- Đối với vốn ODA, FDI
+ Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để tranh thủ nguồn tài trợ ODA, xây dựng chiến lược thu hút, kế hoạch vận động và sử dụng vốn ODA tập trung vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các trung tâm kinh tế và các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các công trình bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, xóa đói giảm nghèo... Chú trọng thu hút nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản và các nhà tài trợ khác vào khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
+ Tiếp tục chủ động, hợp tác với các mục tiêu ưu tiên và tiêu chí của nhà tài trợ. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động nguồn vốn ODA đối với các nhà tài trợ đa phương, đồng thời chủ động vận động tài trợ thông qua kênh vốn của các tổ chức phi chính phủ và một số khoản hỗ trợ song phương.
+ Tập trung kêu gọi vốn FDI cho các cụm ngành công nghiệp, du lịch, lâm nghiệp. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh hợp tác, liên doanh, liên kết để sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
- Đối với vốn tín dụng của Nhà nước
Triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các doanh nghiệp có các dự án thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; hỗ trợ tín dụng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng và hướng đến xuất khẩu.
- Nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh và dân cư
+ Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng danh mục dự án ưu tiên thực hiện hình thức đầu tư BOT, BTO, BT để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng.
+ Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu hút làn sóng đầu tư mới từ các quốc gia và các vùng khác vào tỉnh, chú trọng thu hút nguồn từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia khác vào Việt Nam...
+ Động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, tiểu điền; đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản, khôi phục các làng nghề truyền thống của địa phương.
+ Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội thông qua các chính sách khuyến kích hỗ trợ cụ thể từng lĩnh vực y tế, dạy nghề, giáo dục, văn hóa và thể thao.
- Huy động các nguồn vốn NGOs, vốn của các tổ chức đa quốc gia (WB, IMF, UNFPA, UNDP, ADB...) phù hợp với đặc thù của địa phương.
- Xây dựng chương trình hợp tác với các tỉnh, thành như: Thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,… để huy động các nguồn lực khai thác các lợi thế so sánh của tỉnh. Từng bước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoạt động kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư với một số tỉnh của một số nước phát triển có tiềm năng về thị trường và trình độ khoa học công nghệ phát triển.
- Ngoài việc hợp tác trong các vấn đề về kinh tế - xã hội cần phải thực hiện tốt việc hợp tác trong lĩnh vực thông tin, dự báo. Đảm bảo các thông tin cũng như dự báo về kinh tế - xã hội của các tỉnh cũng như vùng, thường xuyên được trao đổi, cập nhật.
- Tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, trước hết là: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, huyện, thành phố; Quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực; Quy hoạch sản phẩm để đáp ứng yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tiến hành rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015.
- Các quy hoạch ngành, lĩnh vực với quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo tính đồng bộ, tương thích lẫn nhau; lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Tăng cường năng lực công tác lập và quản lý quy hoạch. Thực hiện công bố rộng rãi, công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt bằng các hình thức và biện pháp thích hợp, đồng thời duy trì việc công khai để mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu có điều kiện tiếp cận. Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
- Tiếp tục phát huy nội lực và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để triển khai thực hiện tốt các đề án đã được UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Có chính sách cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm và đào tạo ở nước ngoài đối với một số ngành, lĩnh vực cần thiết. Rà soát lại số con em là đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp theo chế độ cử tuyển để có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho phù hợp. Có giải pháp nhằm hạn chế nguồn nhân lực chất lượng cao đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của nhà nước trên địa bàn tỉnh chuyển công tác đến các địa phương khác.
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông.. Thông qua liên kết và hợp tác thực hiện các đề tài, dự án nhằm huy động các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà quản lý có kinh nghiêm.
- Tăng cường mở rộng liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề trong cả nước có uy tín để mở các lớp đào tạo tại tỉnh phù hợp với thực tế của địa phương và phù hợp với khả năng trình độ của người dân từng vùng.
- Quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp. Huy động các nhà quản lý, các chuyên gia tham gia đề tài, dự án của địa phương để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà.
- Phát hiện, bồi dưỡng học sinh, sinh viên ưu tú định hướng phân luồng đào tạo ở một số chuyên ngành (bằng hình thức đào tạo nước ngoài hoặc các trường đại học chất lượng cao trong nước) để chuẩn bị nguồn nhân lực.
- Khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo. Thực hiện tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, có chính sách khuyến khích nguồn lao động có kỹ thuật cao từ các nơi khác đến.
- Hình thành trung tâm dự báo nhu cầu lao động để phân tích, dự báo và định hướng nghề nghiệp cho người dân trong tỉnh; nghiên cứu hàng năm công bố danh mục các ngành nghề đang bị thu hẹp, các ngành nghề đang mở rộng, các ngành nghề cung đang vượt cầu. Hoạch định chính sách đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo theo hệ cử tuyển một kế hoạch đồng bộ.
- Tiến hành khảo sát và có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Mở rộng hình thức dạy nghề theo địa chỉ và trong doanh nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống dạy nghề, phát triển các làng nghề truyền thống. Đào tạo nghề cung cấp cho các nhà đầu tư phải ưu tiên cho lực lượng lao động tại chỗ, nhất là lao động trong các hộ gia đình bị thu hồi đất, lao động là thanh niên người dân tộc thiểu số.
5. Tăng cường năng lực khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ. Thực hiện có hiệu quả việc liên kết nghiên cứu, đặt hàng các sản phẩm công nghệ phục vụ sản xuất trực tiếp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trên cơ sở các mô hình đã triển khai và có hiệu quả, tiến hành nhân rộng mô hình gắn đào tạo ngắn hạn cho nông dân với từng địa bàn cụ thể. Nghiên cứu xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với tập huấn, đào tạo ngắn ngày và theo từng nhóm nhỏ tại làng bản. Ứng dụng các giải pháp công nghệ về sinh học để sản xuất giống nhằm nâng cao năng suất và đảm bảo chất lựơng cho xuất khẩu.
- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án... và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh.
- Củng cố và tăng cường đầu tư chiều sâu hệ thống các trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học trên địa bàn theo hướng cơ cấu lại hệ thống ngành nghề đào tạo, nghiên cứu. Phối hợp với các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.
- Tăng cường tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, thực hiện bảo hộ sở hữu công nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm tạo đà phát triển và cạnh tranh thương mại trong quá trình hội nhập; xây dựng cơ chế, quy định cụ thể đối với doanh nghiệp để đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ.
- Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Có biện pháp ngăn ngừa xử lý các hành vi hủy hoại hoặc gây ô nhiễm môi trường, nhất là đối với thành phố, thị trấn, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, bến xe...
- Tăng cường năng lực cho người dân để phát triển sản xuất, tiếp cận các cơ hội để phát triển kinh tế: Đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức phát triển sản xuất cho người dân; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ.
- Tăng cường khả năng tiếp cận người dân với dịch vụ xã hội: Bảo đảm người dân tiếp cận được các dịch vụ cơ bản; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho giáo dục và y tế ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch đầu tư các công trình thiết yếu, phù hợp với yêu cầu ưu tiên cho từng xã có sự tham gia của người dân; tăng cường công tác giám sát đầu tư có sự tham gia của cộng đồng.
PHẦN THỨ TƯ CHỈ ĐẠO HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2011 - 2015 là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, các dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp, toàn quân và các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đây là khâu có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm và phấn đầu hoàn thành các mục tiêu của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2025.
1. Nhiệm vụ các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh:
Các đồng chí thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo, hành việc triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm trên từng ngành, lĩnh vực cụ thể theo sự phân công của Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Căn cứ Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm bằng kế hoạch cụ thể hàng năm.
- Trên cơ sở kế hoạch 5 năm 2011-2015, tham mưu UBND tỉnh ban hành khung theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm theo kết quả đầu ra. Tổ chức đánh giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và có báo cáo đánh giá giữa kỳ vào năm 2013, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (2011-2015).
- Trên cơ sở khả năng vốn ngân sách địa phương cân đối hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài chính tham mưu xác định danh mục công trình sử dụng vốn ngân sách địa phương theo thứ tự ưu tiên; tìm các giải pháp tích cực và hữu hiệu huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đạt mục tiêu đề ra.
3. Nhiệm vụ của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố
- Trên cơ sở kế hoạch này, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố hoàn thiện kế hoạch 5 năm của ngành, lĩnh vực mình và cụ thể hóa vào kế hoạch 5 năm nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
- UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố xây dựng một số đề án, báo cáo trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch.
II. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ , giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra, UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động cụ thể và chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra, trong đó:
Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố xây dựng một số đề án, báo cáo trọng tâm dự kiến như: (1) Đề án xây dựng và phát triển một số ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực; (2) Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum; (3) Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững; (4) Chương trình xây dựng nông thôn mới; (5) Đánh giá kết quả đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian đến; (6) Đánh giá việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo… để tập trung triển khai thực hiện./.
([4]): Đến cuối năm 2009, toàn bộ 747.168 ha rừng và đất lâm nghiệp, tỉnh đã giao cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là 80% và 20% tạm thời giao cho UBND xã quản lý.
([5]): Bao gồm xây dựng các công trình giao thông, điện, thủy điện, khai khoáng: 10.198,1 ha và chuyển đổi diện tích rừng nghèo kém hiệu quả sang trồng cao su: 23.544 ha.
([6]): Dự án ổn định dân di cư tự do Thành phố Kon Tum; Dự án ổn định dân di cư tự do huyện Sa Thầy; Dự án ổn định dân di cư tự do Huyện Đăk Hà; Dự án ổn định dân di cư tự do Lào; Dự án Làng thanh niên lập nghiệp tại xã Mo Ray, huyện Sa Thầy (Tỉnh đoàn Kon Tum quản lý và thực hiện).
([7]): 145 công trình giao thông, 98 công trình thủy lợi, 57 công trình nước sinh hoạt, 120 công trình khác.
([8]): Giao thông: 121,382 tỷ đồng; thủy lợi: 40,58 tỷ đồng; nước sinh hoạt 36,257 tỷ đồng, các công trình khác 41,116 tỷ đồng.
([9]): 140 công trình giao thông, 97 công trình thủy lợi, 57 công trình nước sinh hoạt, 120 công trình khác.
([10]): Không tính giá trị nguyên vật liệu của khách hàng đưa đến gia công của một số ngành như: may mặc, xay xát, giết mổ…
([11]): Khu Công nghiệp Hoà Bình Diện tích gần 60 ha (giai đoạn 1) đã lấp đầy 100% diện tích cho thuê, đang có kế hoạch đầu tư mở rộng thêm 70 Ha; Khu Công nghiệp Sao Mai đã thực hiện xong công tác đền bù GPMB 79/150ha.; Khu Công nghiệp Đăk Tô diện tích 150 ha đã thực hiện xong công tác đền bù GPMB và san ủi, hiện tại đã cho công ty cổ phần Tân Mai thuê 70 ha để xây dựng nhà máy bột giấy và giấy.
([12]): Cụm công nghiệp ĐăkLa (huyện Đăk Hà) diện tích 101 ha đang đầu tư xây dựng CSHT và kêu gọi, thu hút đầu tư (đang chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ Công thương);, hiện có 04 đơn vị đăng ký lấp đầy khoảng 30%. Cụm công nghiệp làng nghề PleiKần (huyện Ngọc Hồi) diện tích 10 ha, hiện tại đã xây dựng xong qui hoạch chi tiết và kêu goi thu hút đầu tư. Cụm công nghiệp dịch vụ 24/4 (huyện Đăk Tô) diện tích 25 ha, đã xây dựng xong qui hoạch chi tiết.
([13]): Khu sản xuất gạch ngói Hòa Bình (80 ha) đã lấp đầy; Khu sản xuất gạch ngói xã Vinh Quang (50 ha) lấp đầy trên 50%; Điểm sản xuất CN-TTCN Đăk Hà (10ha) đã lấp đầy trên 60%.
([14]): Làng nghề KonKlo-ĐăkRơVa (Thành phố Kon Tum); Làng nghề YaChim (Thành phố Kon Tum); Làng nghề PleiĐôn (Thành phố Kon Tum); Làng nghề Kon Klốc (huyện Đăk Hà); Làng nghề Kon Năng (huyện Kon Plông); Làng nghề Kon Bring (huyện Kon Plông);
([15]): Trên địa bàn thành phố có 32 điểm du lịch về văn hóa, di tích lịch sử, 03 điểm du lịch về lịch sử cách mạng và một điểm du lịch sinh thái. Tuyến huyện có 36 điểm du lịch về văn hóa di tích lịch sử, 07 điểm du lịch tham quan về lịch sử cách mạng và 19 điểm du lịch về sinh thái nghỉ dưỡng.
([17]): Do địa phương đề nghị Trung ương đã phân cấp bổ sung khoảng thuế giá trị gia tăng từ hoạt động các nhà máy thủy điện đã làm gia tăng số thu lớn trên địa bàn; phát sinh khoản thu thuế tài nguyên từ tận thu lòng hồ các công trình thủy điện.
([18]): Do thực hiện tốt các biện pháp quản lý thu nợ, tập trung thu thuế phát sinh, đặc biệt là thuế đối với hoạt động XDCB; một số DNNN thực hiện cổ phần hóa nên nguồn thu chuyển ra khu vực ngoài quốc doanh.
([20]): Chương trình cho vay hộ nghèo; chương trình cho vay giải quyết việc làm; chương trình cho vay xuất khẩu lao động; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình cho vay học sinh, sinh viên; chương trình cho vay mua trả chậm nhà ở; chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.
([22]): Đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 24 đoạn qua thành phố, Tỉnh lộ 671, khu dân cư thương mại Sân Vận động đường Lê Hồng Phong, phân lô chi tiết toàn bộ quỹ đất tại khu vực quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư mới phía Tây Bắc phường Duy Tân, Khu vực nhà máy bia cũ-phường Trường Chinh, Khu quy hoạch sân bay cũ đường Bà Triệu-phường Thắng Lợi, Khu quy hoạch làng nghề Hnor-phường Lê Lợi...
([23]): Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2025, đã được Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (hiện nay đang hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt); hoàn thành Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và xét đến năm 2020; Quy hoạch bố trí dân cư theo các Quyết định 193, 1178 và 1179 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến năm 2015…
([24]): Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa; Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh; Quy hoạch đường gom các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể mạng lưới đô thị tỉnh. Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công thương; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh; Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Quy hoạch phát triển giáo dục – đào tạo; Quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ SKND; Quy hoạch bảo vệ môi trường; Quy hoạch Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum và các huyện KonPlông; Kon Rẫy; Đăk Hà; Đăk Glei; Sa Thầy; Ngọc Hồi.…
(36): Dự án Thủy điện ĐăkGlây của Công ty cổ phần Nam Hải, Dự án đầu tư trồng cao su trên đất lâm nghiệp do Công ty ĐTPT NLCN và DV huyện Sa Thầy quản lý, Dự án Trung tâm sát hạch lái xe cơ gới đường bộ tỉnh Kon Tum của Ttường lái xe tỉnh Gia Lai.
([27]): Trong đó: 194 hệ tự chảy, 1.426 giếng đào, 07 giếng khoan, 5.431 bồn, bể chứa nước và 1.709 hộ gia đình được vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình.
([28]): Đường giao thông đô thị, quảng trường 16-3, bảo tàng tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh, công viên 2 tháng 9, hệ thống điện công lộ, trường học, bệnh viện, siêu thị, chợ. Trường cao đẳngTrường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật tổng hợp tỉnh, đầu tư xây dựng Trường trung cấp nghề được hoàn thiện ...
([30]): Cổ phần hóa đảm bảo tiến độ 9/10 DN; Chuyển đổi thành công ty TNHH 01 TV và giải thể DNNN không đảm bảo tiến độ 3/3DN.
[31] “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
[32] Tỷ lệ bỏ học đối với đối với học sinh phổ thông khoảng 1,4%, trong đó tiểu học khoảng 0,56%, THCS khoảng 1,36%, THPT khoảng 7,49%
[33] Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên là 689 phòng học
[34] Thống Nhất, Quyết Thắng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Thắng Lợi, Hoà Bình, Đoàn Kết, Đăk Rơ Wa, Duy Tân, Trường Chinh, Vinh Quang - Thành phố Kon Tum; Đăk Long - huyện Kon Plông; Đăk La, Hà Mòn - huyện Đăk Hà; Ya Ly, Sa Nhơn và Hơ Moong - huyện Sa Thầy.
[35] Toàn tỉnh hiện có 402 làng văn hóa, tăng 123 làng so với năm 2005; có 67.447 hộ được công nhận là gia đình văn hóa, tăng 17.875 hộ so với đầu nhiệm kỳ.
[36] Bảo tàng tổng hợp, thư viện, công viên; nhà văn hóa Công đoàn; Nhà văn hóa thanh thiếu nhi; Quảng trường 16/3
[37] Đã khôi phục và phục dựng 11 loại hình lễ hội văn hóa cổ truyền tiêu biểu của 6 dân tộc bản địa, các loại hình sinh hoạt cồng chiêng - nhạc cụ dân tộc, hát dân cư dân vũ, diễn xướng dân gian.
([38]) : Thông qua chương trình xuất khẩu lao động, chương trình giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm.
([39]) : Trong giai đoạn 2006-2010, đã giảm 19.013 hộ nghèo (trong đó giai đoạn 2006-2009 giảm 16.514 hộ, năm 2010 dự kiến giảm 2.500 hộ), bình quân mỗi năm giảm 3,5% hộ nghèo.
([40]): Giai đoạn 2006-2009 đã có 43 đề tài, dự án nghiên cứu triển khai và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ cấp tỉnh (trong đó phân theo lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn 11; Nông lâm nghiệp, thủy sản 16; Công nghiệp xây dựng 5; Y tế, Giáo dục và Đào tạo 4; Các lĩnh vực khác 7)
([41]): Tỷ lệ cấp GCNQSD đất cho các hộ gia đình, cá nhân: đất nông nghiệp 85,82%; đất ở đô thị 77,7%; đất ở nông thôn 90,4%
([42]): Hệ số ICOR mặc dù có giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn cao; giai đoạn 2006-2010: 6,65; giai đoạn 2001-2005: 9,14; tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào yếu tố vốn (tăng trưởng theo chiều rộng).
([43]): Tỷ trọng chăn nuôi thấp, sản phẩm nông nghiệp qua chế biến ít; sâm Ngọc Linh chưa được quan tâm phát triển.
([45]): Thông qua chương trình xuất khẩu lao động; chương trình dạy nghề; chương trình vay vốn giải quyết việc làm; tư vấn giới thiệu việc làm…
([46]): Xã Đoàn kết, Hòa Bình, Đăk Năng, Ya Chim, ĐăkBlà thuộc thành phố Kon Tum; xã Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk La thuộc huyện Đăk Hà; Pờ Ê, Măng Cành thuộc huyện KonPlong; Đăk Ruồng, Đăk Tà Lùng huyện Kon Rẫy; Đăk Môn, Đăk Koong huyện ĐăkGlei; Diên Bình, Kon Đào huyện Đăk Tô; Sa Nghĩa, Sa Sơn huyện Sa Thầy; Ngọc Lây, ĐăkRơ ông huyện TuMơRông, Đăk Kan, Đăk Nông huyện ĐăkGlei.
([48]) : Tiếp tục thực hiện tốt chương trình KCH trường, lớp học; huy động các nguồn đầu tư, các dự án, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân…
([49]) Phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, nhất là ngành giáo dục mần non; huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn để chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục và nâng cao dân trí.
- 1 Quyết định 44/2013/QĐ-UBND điều chỉnh danh mục dự án đầu tư thuộc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2 Quyết định 974/QĐ-UBND năm 2012 bổ sung danh mục dự án đầu tư thuộc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 3 Quyết định 974/QĐ-UBND năm 2012 bổ sung danh mục dự án đầu tư thuộc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 1 Nghị quyết 16/2012/NQ-HĐND điều chỉnh Nghị quyết 32/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011-2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa X, kỳ họp thứ 4 ban hành
- 2 Nghị quyết 18/2011/NQ-HĐND phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 3 Nghị quyết 170/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 do tỉnh Phú Yên ban hành
- 4 Nghị quyết 22/2010/NQ-HĐND về kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển năm 2011; kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 5 Nghị quyết 261/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2011
- 6 Nghị quyết 32/2010/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011-2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa IX, kỳ họp thứ 15 ban hành
- 7 Nghị quyết 07/2010/NQ-HĐND thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 8 Quyết định 101/2010/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015
- 9 Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10 Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Quyết định 103/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Nghị định 70/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bình đẳng giới
- 14 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007
- 15 Quyết định 93/2007/QĐ-TTg Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 16 Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 17 Luật Bình đẳng giới 2006
- 18 Quyết định 65/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19 Quyết định 19/2004/QĐ-TTg phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dụng và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 20 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 101/2010/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015
- 2 Nghị quyết 16/2012/NQ-HĐND điều chỉnh Nghị quyết 32/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011-2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa X, kỳ họp thứ 4 ban hành
- 3 Nghị quyết 18/2011/NQ-HĐND phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 4 Nghị quyết 170/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 do tỉnh Phú Yên ban hành
- 5 Nghị quyết 22/2010/NQ-HĐND về kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển năm 2011; kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 6 Nghị quyết 261/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2011
- 7 Nghị quyết 07/2010/NQ-HĐND thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Bình Phước ban hành