Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 15 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TINH GIẢN BIÊN CHẾ VÀ CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC VÀ TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH; TỔ CHỨC HỘI CẤP TỈNH ĐƯỢC GIAO SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC; ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2022-2026

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026;

Căn cứ Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026;

Căn cứ Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 và Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị;

Căn cứ Quy định số 08-QĐ/TU ngày 10/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý biên chế của hệ thống chính trị tỉnh Tuyên Quang;

Căn cứ Kết luận số 1116-KL/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026;

Căn cứ Quyết định số 705-QĐ/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt các Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; khối chính quyền địa phương tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2022-2026); Đề án số 10-ĐA/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2022-2026);

Căn cứ Thông báo số 06-TB/BCSĐ ngày 13/02/2023 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về kết luận của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giai đoạn 2022-2026;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 28/TTr-SNV ngày 08/02/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giai đoạn 2022-2026 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; người đứng đầu các tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Ban Pháp chế của HĐND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh;
- Báo Tuyên Quang;
- Như Điều 2;
- Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- TP Nội chính;
- Lưu: VT, NC (Thg).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

ĐỀ ÁN

TINH GIẢN BIÊN CHẾ VÀ CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC VÀ TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH; TỔ CHỨC HỘI CẤP TỈNH ĐƯỢC GIAO SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC; ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2022-2026

Phần I.

PHẦN MỞ ĐẦU

I. Căn cứ xây dựng Đề án

1. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản biên chế đạt được những kết quả rõ rệt; chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã từng bước được nâng cao, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn một số hạn chế: Biên chế chủ yếu giảm cơ học, chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ; chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự giảm được những người cần tinh giản; chưa khắc phục được tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu” biên chế trong các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn chậm, hiệu quả chưa cao,...

2. Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định mục tiêu đến năm 2025: “Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”.

3. Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chỉ đạo: “Giai đoạn 2022-2026 cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”.

4. Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 xác định: “Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022-2026.

5. Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026 (theo Phụ lục số 03): Đến năm 2026 khối chính quyền địa phương của tỉnh có 1.666 biên chế công chức, giảm 88 biên chế công chức so với năm 2021, chiếm 5,01%; 13.548 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, giảm 1.505 người so với năm 2021, chiếm 10%.

6. Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 và Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

7. Văn bản số 4208-CV/BTCTW ngày 04/10/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về việc quản lý biên chế, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng: “Xây dựng Kế hoạch quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026; kế hoạch sử dụng biên chế từng năm (từ năm 2023 đến năm 2026), xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình tinh giản biên chế[1] bảo đảm số lượng biên chế đến năm 2026 ít nhất bằng số lượng biên chế theo Quyết định số 72-QĐ/TW và Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị)”.

8. Công văn số 1571-CV/TU ngày 12/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị về quản lý biên chế, yêu cầu:... xây dựng đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền địa phương giai đoạn 2022-2026 theo lộ trình cụ thể, đảm bảo đạt tỷ lệ tinh giản biên chế theo quy định...”.

9. Kết luận số 1116-KL/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026 giao nhiệm vụ: Giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện: Rà soát, bổ sung hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giai đoạn 2022-2026; đảm bảo số lượng tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức theo đúng Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 34-QĐ/BTCTW ngày 28/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

10. Quyết định số 705-QĐ/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt các Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; khối chính quyền địa phương tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2022-2026); Đề án số 10-ĐA/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2022-2026) xác định khối chính quyền địa phương phải giảm 88 biên chế công chức, 1.505 biên chế viên chức và chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị khối chính quyền địa phương giai đoạn 2022-2026, đảm bảo giảm đủ số biên chế công chức, viên chức theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã giao và kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý biên chế, việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giai đoạn 2022-2026 (sau đây gọi chung là Đề án) là cần thiết.

PHẦN II.

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ ÁN

I. Thực trạng cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức và người lao động.

1. Cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị (thời điểm tháng 10/2022)

- Cấp tỉnh:

+ Cơ quan, tổ chức hành chính: 20 cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Đơn vị sự nghiệp công lập: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: 10 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: 93 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh: 01 đơn vị.

- Cấp huyện:

+ 84 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện.

+ Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện: 469 đơn vị.

2. Biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động của các cơ quan, đơn vị

a) Tổng số biên chế công chức, viên chức và chỉ tiêu hợp đồng lao động được Bộ Nội vụ giao, thẩm định năm 2022: 17.702 biên chế. Trong đó:

- Công chức: 1.754 biên chế.

- Viên chức: 15.948 người (14.782 người hưởng lương từ NSNN, 1.166 người hưởng lương từ NTSN).

- Hợp đồng lao động: 257 chỉ tiêu (Hành chính: 132 chỉ tiêu; sự nghiệp: 125 chỉ tiêu).

b) Tổng số biên chế công chức, viên chức và chỉ tiêu hợp đồng lao động được Hội đồng nhân dân phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị năm 2022: 17.181 biên chế. Trong đó:

- Công chức: 1.754 biên chế.

- Viên chức: 15.204 người (14.816 người hưởng lương từ NSNN, 388 người hưởng lương từ NTSN) [2].

- Hợp đồng lao động: 260 chỉ tiêu.

c) Số biên chế và hợp đồng lao động có mặt tại thời điểm tháng 10/2022: 15.958 người[3]. Trong đó:

- Công chức: 1.634 người.

- Viên chức: 14.074 người.

- Hợp đồng lao động: 250 người.

3. Bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo vị trí việc làm[4]

a) Số vị trí việc làm:

- Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý: 1.595 vị trí (Công chức: 268; viên chức: 1.327).

- Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành: 619 vị trí.

- Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành: 3.783 vị trí.

- Vị trí việc làm chuyên môn dùng chung: 170 vị trí.

- Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung: 2.132 vị trí.

- Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ: 2.644 vị trí.

b) Phân tích cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức:

- Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ 63 người; Thạc sỹ 1.024 người; Đại học 9.245 người; Cao đẳng 3.883 người; Trung cấp 1.449 người; Sơ cấp 14 người; trình độ khác 02 người.

- Ngạch công chức/hạng viên chức theo chức danh nghề nghiệp: Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương 27 người; ngạch chuyên viên chính và tương đương 1.321 người; ngạch chuyên viên và tương đương 9.158 người; ngạch cán sự và tương đương 3.742 người; nhân viên và tương đương 1.117 người.

- Độ tuổi: Từ 30 tuổi trở xuống 1.712 người; từ 31 - 40 tuổi 5.602 người; từ 41 - 50 tuổi 6.520 người; từ 51 - 60 tuổi 1.839 người; trên 60 tuổi 07 người.

- Giới tính: Nữ 10.932 người; nam 4.748 người.

- Dân tộc: thiểu số: 6.308 người.

c) Bố trí số công chức, viên chức theo từng vị trí việc làm:

- Công chức:

+ Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý: 656 người.

+ Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành: 828 người.

+ Vị trí việc làm chuyên môn dùng chung: 225 người.

+ Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ: 45 người.

- Viên chức:

+ Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý: 2.113 người.

+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành: 12.327 người.

+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung: 349 người.

+ Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ: 381 người.

4. Kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021

4.1. Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 04 kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh[5]. Theo Kế hoạch, giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh phải giảm 267 biên chế công chức, bằng 13,29% số biên chế được giao năm 2015 và 1.946 biên chế sự nghiệp, bằng 11,9% số biên chế được giao năm 2015.

4.2. Tổng số biên chế đã tinh giản giai đoạn 2015-2021 là: 1.966/18.773 người (cán bộ, công chức 259 người; viên chức 1.707 người), đạt tỷ lệ 10,47% (công chức đạt 12,86%; viên chức đạt 10,18%). Cụ thể:

a) Số biên chế công chức của tỉnh giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã thực hiện giảm 259/2.013 biên chế đạt tỷ lệ 12,86%.

+ Năm 2016: Giảm 35 biên chế.

+ Năm 2017: Giảm 30 biên chế.

+ Năm 2018: Giảm 29 biên chế.

+ Năm 2019: Giảm 87 biên chế.

+ Năm 2020: Giảm 39 biên chế.

+ Năm 2021: Giảm 39 biên chế.

b) Số lượng người làm việc giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã thực hiện giảm 1.707/16.760 người, tỷ lệ 10,18%.

+ Năm 2017: Giảm 424 người.

+ Năm 2018: Giảm 435 người.

+ Năm 2019: Giảm 238 người.

+ Năm 2020: Giảm 305 người.

+ Năm 2021: Giảm 305 người.

5. Đánh giá chung

a) Thuận lợi

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm theo các quy định của Trung ương, của tỉnh về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng công chức, viên chức có nhiều đổi mới; ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm; đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; ban hành quy định đánh giá, xếp loại đối với cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các tổ chức hội cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, các quy định về tinh giản biên chế gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và vị trí việc làm được phê duyệt, căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc rà soát, bố trí sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và năng lực sở trường của cán bộ, công chức, viên chức và chức năng, nhiệm vụ. Việc bố trí, sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo cơ cấu phù hợp về tỷ lệ nữ (chiếm 69,70% tổng số cán bộ, công chức, viên chức) và người dân tộc thiểu số (chiếm 39,54% tổng số cán bộ, công chức, viên chức).

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực làm việc đối với vị trí việc làm được bố trí.

- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã nhận thức rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Việc tinh giản biên chế đảm bảo tỷ lệ tinh giản theo mục tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Hạn chế, khó khăn, vướng mắc

- Một số cơ quan, đơn vị còn bố trí công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ của vị trí hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

- Việc thực hiện tinh giản biên chế mới đang dừng ở việc cắt giảm về số lượng biên chế; việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Hiện nay, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước của tỉnh được giao thấp (Bộ Nội vụ thẩm định năm 2022 là 14.782 người), trong đó chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giáo dục (11.931 người, chiếm 80,71 %), y tế (1.438 người, chiếm 9,72%), trong khi đó, lĩnh vực giáo dục đang thiếu người làm việc theo định mức do số lớp, số học sinh tăng, số lượng người làm việc được giao chưa đảm bảo theo định mức; lĩnh vực y tế số giường bệnh tăng, tình hình dịch bệnh phức tạp. Việc tinh giản số lượng người làm việc sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng biên chế, người làm việc, việc tiếp tục tinh giản sẽ làm thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy vừa sắp xếp lại, ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ công chức, viên chức, người làm việc.

- Một số cơ quan, đơn vị từ năm 2022-2026 không có người nghỉ hưu, nghỉ tinh giản, chưa sử dụng..., mức độ tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thấp hoặc có dưới 15 người làm việc, nếu tinh giản đúng 10% so với số giao năm 2021 sẽ giảm số lượng người có mặt của đơn vị nên không thể hoặc rất khó khăn khi thực hiện, vì vậy, một số đơn vị khác phải tinh giản số lượng cao hơn tỷ lệ bình quân để đảm bảo số lượng phải giảm của tỉnh.

- Việc giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp sẽ khuyến khích đơn vị chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tăng nguồn thu, không bị giảm người làm việc được giao, tuy nhiên, trước mắt sẽ làm giảm mức độ tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

c) Nguyên nhân

- Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, khả năng xã hội hóa một số dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Việc bố trí công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ của vị trí hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là do tồn tại từ giai đoạn trước để lại.

- Số lớp, số học sinh, số giường bệnh tăng hằng năm trong khi số lượng người làm việc được giao thấp.

- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết, kế hoạch của một số cơ quan, đơn vị có lúc, có việc chưa thực sự chủ động, tập trung và quyết liệt.

d) Bài học kinh nghiệm

- Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là một trong các yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện.

- Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục tạo được sự đồng thuận về chủ trương từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện, chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp lý, phù hợp với năng lực, sở trường, đúng người, đúng việc.

- Ba là, coi trọng xây dựng nội bộ đoàn kết; phải có quyết tâm chính trị cao, có phương pháp tổ chức sáng tạo, khoa học, người đứng đầu tổ chức phải quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và biết cách làm, tạo động lực để sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh giản biên chế.

- Bốn là, phải kiên trì, không nóng vội, có lộ trình thực hiện phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời vừa điều chỉnh để từng bước hoàn thiện, những việc khó chưa có tiền lệ. Xây dựng đề án một cách cụ thể, chi tiết, dự báo những khó khăn, vướng mắc và chủ động đưa ra được các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập, quan tâm đến công tác cán bộ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

- Năm là, chú trọng hoàn thiện các quy chế, quy định; xây dựng và ban hành kịp thời hệ thống văn bản để lãnh đạo, quản lý và điều hành các quyết định về tổ chức, cán bộ, quy chế làm việc, vị trí việc làm, nội quy, quy chế trong cơ quan, các quy chế phối hợp, chương trình, kế hoạch công tác, ... và kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp là căn cứ pháp lý, cơ sở để tổ chức thực hiện.

II. Đối tượng, phạm vi của Đề án

1. Đối tượng của Đề án

- Cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh: Cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

- Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

- Tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc.

2. Phạm vi nghiên cứu của Đề án

Việc quản lý, sử dụng và tinh giản biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc trên địa bàn tỉnh.

PHẦN III.

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC, HÌNH THỨC TINH GIẢN

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

a) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện; thực hiện tinh giản biên chế, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

b) Gắn tinh giản biên chế với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị nhằm đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

c) Thực hiện tinh giản biên chế có trọng tâm, trọng điểm, không cào bằng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý để xác định biên chế phù hợp. Một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

d) Tỷ lệ tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 được xác định theo từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với thực trạng quản lý, sử dụng số lượng biên chế được giao, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và tỷ lệ tinh giản biên chế đã thực hiện giai đoạn 2015-2021; bảo đảm số lượng, mục tiêu tinh giản biên chế theo quy định.

2. Mục tiêu

a) Về tinh giản biên chế công chức: Giai đoạn 2022-2026, thực hiện tinh giản tối thiểu 88 biên chế công chức.

b) Về tinh giản biên chế viên chức: Giai đoạn 2022-2026, thực hiện tinh giản tối thiểu 1.539 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước[6].

II. Nguyên tắc, hình thức thực hiện tinh giản

1. Nguyên tắc

a) Đối với tinh giản biên chế công chức:

- Thực hiện tinh giản biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung những cơ quan, đơn vị được giao nhiều biên chế, trong những năm qua còn số dư chưa sử dụng hết số biên chế được giao.

- Tinh giản đối với các trường hợp làm các công việc phục vụ, thừa hành theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (lái xe, tạp vụ, bảo vệ…) đang là công chức, trong giai đoạn 2022-2026 nghỉ hưu, thôi việc hoặc nghỉ tinh giản theo quy định.

b) Đối với tinh giản số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước:

- Về cơ bản thực hiện theo Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh tinh giản số lượng người làm việc và chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2025 (được Ban Thường vụ thông qua tại Kết luận số 332-KL/TU ngày 22/11/2021 kết luận hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kỳ họp thứ 15, nhiệm kỳ 2020-2025)[7].

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung số lượng người làm việc tinh giản phù hợp với thực tiễn và đề xuất của các cơ quan, đơn vị, trong đó:

+ Điều chỉnh số lượng người làm việc tinh giản từng năm phù hợp giai đoạn thực hiện đến năm 2026.

+ Điều chỉnh hình thức, số lượng tinh giản ở một số đơn vị phù hợp với mức độ tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2026 được phê duyệt.

+ Tinh giản đối với các trường hợp làm các công việc phục vụ, thừa hành theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (lái xe, tạp vụ, bảo vệ…) đang là viên chức, trong giai đoạn 2022-2026 nghỉ hưu, thôi việc hoặc nghỉ tinh giản.

+ Tiếp tục rà soát các đơn vị dự kiến sáp nhập, hợp nhất trong giai đoạn 2022-2026 để ưu tiên cắt giảm ít hơn ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

+ Bổ sung số lượng tinh giản để đảm bảo số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm người làm việc trong các tổ chức hội đến năm 2026 bằng số lượng được Bộ Chính trị giao cho tỉnh.

2. Hình thức

- Tinh giản người nghỉ hưu đúng tuổi; nghỉ thôi việc; nghỉ chế độ, chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

- Tinh giản biên chế bố trí chưa phù hợp với vị trí việc làm.

- Tinh giản người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

- Tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự.

- Tinh giản biên chế chưa sử dụng của cơ quan, đơn vị.

Phần IV.

SỐ LƯỢNG, LỘ TRÌNH TINH GIẢN VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. Số lượng, lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026

1. Căn cứ quy định, chủ trương của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, số lượng tinh giản biên chế công chức, người làm việc khối Nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2026 như sau:

1.1. Về tinh giản biên chế công chức

- Số lượng biên chế công chức để tính làm căn cứ tinh giản:

+ Giai đoạn 2015-2021: Biên chế công chức để làm căn cứ tính tinh giản giải là 2.013 người gồm 2.008 người được giao năm 2015 và 05 người được bổ sung năm 2021 để thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

+ Giai đoạn 2022-2026: Biên chế công chức để làm căn cứ tính tinh giản là 1.754 người (bằng biên chế công chức giao năm 2021).

- Số phải tinh giản theo quy định: Giai đoạn 2016-2021 là 202/2.013 người (tỷ lệ 10,03%); giai đoạn 2022-2026 là 88/1.754 người (tỷ lệ 5,01%).

- Tại Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 705-QĐ/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang phê duyệt các đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; khối chính quyền địa phương tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2022-2026) và Đề án số 10-QĐ/TU ngày 30/11/2022 của Tỉnh ủy Tuyên Quang về tinh gin biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2022-2026) xác định giai đoạn 2022-2026, thực hiện giảm 88 biên chế công chức khối chính quyền địa phương, đến năm 2026 tổng biên chế công chức của tỉnh còn 1.666 biên chế[8].

Do đó, Đề án xác định số lượng tinh giản biên chế công chức giai đoạn 2022-2026 là 88 người bằng với số Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định.

1.2. Về tinh giản số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước

- Về số lượng người làm việc để tính làm căn cứ tinh giản giai đoạn 2022-2026:

+ Giai đoạn 2015-2021: Số lượng người làm việc để tính làm căn cứ tinh giản là 16.760 người gồm 16.388 người đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2015 và 372 người đã được Bộ Nội vụ thẩm định bổ sung năm 2018 do tăng lớp, tăng học sinh;

+ Giai đoạn 2022-2026: Số lượng người làm việc để tính làm căn cứ tinh giản là 1.505 người, bằng với số lượng người làm việc được phê duyệt năm 2021[9].

- Số phải tinh giản theo quy định: Giai đoạn 2016-2021 là 1.676/16.760 người (tỷ lệ 10%); giai đoạn 2022-2026 là 1.505/15.053 người (tỷ lệ 10%).

Tại Đề án xác định tổng số lượng tinh giản 1.539 người làm việc giai đoạn 2022-2026, trong đó:

+ Giảm 1.505 người theo đúng Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

+ Giảm thêm 34 người làm việc để tính vào số lượng người tăng thêm đang giao cho các tổ chức hội hằng năm nhưng không nằm trong tổng số lượng người làm việc mà Bộ Chính trị đang xác định tại Quyết định số 72-QĐ/TW[10]. Trường hợp giai đoạn 2023-2026 đã có các quy định khác của Trung ương liên quan đến số lượng người làm việc giao cho tổ chức hội hoặc khoán kinh phí theo biên chế giao... thì thực hiện điều chỉnh, bổ sung số lượng tinh giản của các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp. Nguồn giảm: 27 người từ nguồn giảm của Văn phòng Đăng ký đất đai sau khi được giao tự bảo đảm chi thường xuyên và 07 người của 02 tổ chức hội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

* Số lượng tinh giản trên không tính đối với số lượng giáo viên bổ sung giai đoạn 2022-2026, cụ thể:

- Theo Quyết định số 72-QĐ/TW, giai đoạn 2022-2026 tỉnh thiếu 2.402 biên chế giáo viên tính theo định mức trong tổng số 65.980 biên chế thiếu của cả nước được bổ sung và phải thực hiện tinh giản 10% sau khi được bổ sung, tương đương 240 người.

- Năm học 2022-2023 tỉnh đã được bổ sung 1.246/2.402 người thiếu theo định mức, còn 1.156 người chưa giao bổ sung. Do số lượng giáo viên năm 2022-2023 đang thiếu nhiều nên chưa thực hiện giảm 10% đã được giao bổ sung; số tinh giản 240 người sẽ xác định trong số lượng được giao bổ sung các năm học từ năm học 2023-2024 theo yêu cầu của Trung ương.

2. Số lượng, lộ trình tinh giản

Tổng số biên chế công chức, số lượng người làm việc tinh giản giai đoạn 2022-2026 là 1.627 người, cụ thể:

2.1. Chia theo khối và theo lĩnh vực

a) Biên chế công chức: Tinh giản 88 người. Trong đó, 06 người làm vị trí phục vụ, thừa hành theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là công chức; 82 người nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ tinh giản, thôi việc, chưa sử dụng....

b) Biên chế sự nghiệp: Tinh giản 1.539 người, cụ thể:

- Số tinh giản: 1.637 người, cụ thể:

+ Lĩnh vực giáo dục: 616 người, chiếm 5,16% người làm việc giao cho lĩnh vực giáo dục năm 2021[11] (giảm 15 người so với Kế hoạch số 231/KH-UBND[12]). Trong đó: 51 người chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp; 565 người nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ tinh giản, thôi việc, chưa sử dụng...

+ Lĩnh vực y tế: 744 người (tăng 05 người so với Kế hoạch số 231/KH-UBND), chiếm 41,11% người làm việc giao cho ngành y tế năm 2021, trong đó: 686 người chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp; 01 người vị trí phục vụ, thừa hành theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là viên chức; 04 người do sắp xếp tổ chức bộ máy; 53 người nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ tinh giản, thôi việc, chưa sử dụng...

+ Lĩnh vực khác: 275 người (tăng 37 người so với Kế hoạch số 231/KH-UBND). Trong đó: 220 người chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (trong đó tinh giản 225 người nhưng 05 người bổ sung cho Cơ sở Cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); 55 người nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ tinh giản, thôi việc, chưa sử dụng...

+ Tổ chức Hội được giao người làm việc: 02 người. Trong đó: 01 người nghỉ hưu trước tuổi, 01 người chưa sử dụng.

- Số tinh giản thực hiện bổ sung cho các cơ quan, đơn vị:

+ Số giảm năm 2022 đã bổ sung cho các cơ quan, đơn vị khác: 98 người.

94 người đã giao cho cấp học mầm non để hợp đồng lao động, không thực hiện tuyển dụng (từ nguồn đã tinh giản của sự nghiệp y tế năm 2022)[13].

04 người đã giao cho các cơ quan, đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ[14].

+ Giai đoạn 2023-2026, dự kiến bổ sung 05 người cho Cơ sở Cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội để đảm bảo định mức người làm việc thực hiện những nhiệm vụ mang tính chất đặc thù theo yêu cầu[15].

c) Như vậy, tổng số lượng người tinh giản giai đoạn 2022-2026 là 1.539 người.

2.2. Chia theo lý do tinh giản[16]

- Do nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ hưu trước tuổi, do sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, chưa sử dụng: 761 người.

- Tinh giản công chức, viên chức làm các công việc thừa hành, phục vụ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 07 người[17].

- Chuyển sang hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước sang hưởng lương và phụ cấp từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị: 962 người.

2.3. Chia theo từng năm

- Năm 2022: 271 người (viên chức 271 người)[18].

- Năm 2023: 276 người (công chức 07 người, viên chức 269 người[19]).

- Năm 2024: 196 người (công chức 08 người, viên chức 188 người).

- Năm 2025: 291 người (công chức 07 người, viên chức 284 người).

- Năm 2026: 593 người (công chức 66 người, viên chức 527 người[20]).

II. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm v, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị

- Rà soát, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và thực tiễn yêu cầu quản lý.

- Rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các đầu mối bên trong; mối quan hệ công tác giữa các đơn vị bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp; một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, thực hiện.

3. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành Công ty cổ phần theo kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành.

b) Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của từng đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian.

c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành trung ương.

d) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tập trung ở những ngành, lĩnh vực có khả năng như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải,...

4. Rà soát, xây dựng Đề án vị trí việc làm và trình phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và bộ quản lý ngành, lĩnh vực, làm cơ sở để xác định biên chế; quản lý biên chế theo vị trí việc làm.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, góp phần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.

6. Thực hiện các quy định về đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chặt chẽ, khách quan, công bằng, khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm, thực hiện tinh giản biên chế đối với những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

7. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế đối với những cơ quan, đơn vị còn biên chế nhưng nhiều năm không tổ chức tuyển dụng, tiếp nhận để bổ sung cho các cơ quan, đơn vị khác.

8. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu.

Phần V.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

I. Tổ chức thực hiện

1. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Tuyên truyền, quán triệt, triển khai Đề án đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án; chủ động giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc Đề án này (riêng đối với s lượng tinh giản biên chế, cụ thể số lượng tinh giản của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý và lộ trình thực hiện); chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện tinh giản biên chế là một trong những căn cứ để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Năm 2026, tiếp tục xây dựng Kế hoạch tinh giản biên chế sự nghiệp giai đoạn 2027-2030 trình Ủy ban nhân dân tỉnh, đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.

- Phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện nội dung của Đề án theo quy định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Tuyên Quang; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đăng tải các tin, bài, văn bản liên quan đến việc triển khai, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

3. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị; hướng dẫn về trình tự, thủ tục lập dự toán kinh phí và thẩm định kinh phí có liên quan đến việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc tinh giản biên chế.

4. Sở Nội vụ:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 hoặc số lượng tinh giản từng năm (nếu có) phù hợp với thực trạng quản lý, sử dụng biên chế của tỉnh.

- Thẩm định, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tinh giản biên chế và giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hằng năm.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả Đề án; chủ động giải quyết, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Tham mưu công tác khen thưởng thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án, đồng thời tham mưu xem xét xử lý tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Đề án theo quy định.

II. Tác động của Đề án

1. Đề án được ban hành góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về quản lý biên chế và tinh giản biên chế trong giai đoạn 2022-2026 trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Đề án là căn cứ để các cơ quan, tổ chức, đơn vị thống nhất, chủ động thực hiện tinh giản biên chế để có phương án quản lý, sử dụng biên chế hiệu quả, khoa học hơn, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực.

3. Đề án tinh giản biên chế góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

III. Kiến nghị

1. Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy:

Lãnh đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện tinh giản 01 biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh theo lộ trình tại Đề án để bảo đảm giai đoạn 2022-2026 khối chính quyền địa phương của tỉnh tinh giản đủ 88 biên chế công chức, số lượng biên chế công chức khối chính quyền đến năm 2026 là 1.666 biên chế.

2. Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh:

Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện tinh giản 01 biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh giai đoạn 2022-2026 theo lộ trình xác định tại Đề án để bảo đảm giai đoạn 2022-2026 khối chính quyền địa phương của tỉnh tinh giản đủ 88 biên chế công chức.

Trên đây là Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức hội cấp tỉnh được giao số lượng người làm việc; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giai đoạn 2022-2026; các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả; trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị báo cáo bằng văn bản và đề xuất giải pháp với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp, tham mưu) để xem xét, giải quyết theo quy định./.

 

 

 



[1] Đối với những nơi đã thực hiện vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022-2026.

[2] - Hiện nay, Sở Nội vụ đã thẩm định giao bổ sung số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo mức độ tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2026 đã được phê duyệt của các đơn vị.

- Tăng 34 người làm việc của 06 Hội cấp tỉnh so với số giao của Bộ Nội vụ.

[3] Đã bao gồm số trúng tuyển công chức, viên chức kỳ tuyển dụng công chức, viên chức năm 2021.

[4] Không báo gồm các tổ chức Hội

[5] Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tinh giản biên chế công chức hành chính giai đoạn 2015-2021; Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tinh giản biên chế sự nghiệp giai đoạn 2015-2021; Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 28/12/2018 bổ sung tinh giản biên chế công chức hành chính giai đoạn 2019-2021; Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 28/12/2018 bổ sung tinh giản biên chế sự nghiệp giai đoạn 2019-2021.

[6] Gồm cả 34 người đang giao cho tổ chức hội để đến năm 2026 còn 13.548 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

[7] Số lượng tinh giản theo Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh là 1.506 người, đang cao hơn số Trung ương giao tinh giản cho tỉnh Tuyên Quang 01 người (1.505 người) theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

[8] Bao gồm cả số giao cho lãnh đạo HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

[9] Chưa tính số giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022-2026 do chưa phân bổ cụ thể về các đơn vị.

[10] - Từ năm 2017, số lượng người làm việc của các tổ chức hội được giao biên chế và của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy đã được Bộ Nội vụ[10] tách ra khỏi số lượng người làm việc hằng năm của khối Nhà nước, không thực hiện thẩm định hằng năm.

- Từ năm 2022, số lượng người làm việc của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy đã được Bộ Chính trị giao nằm trong số lượng người làm việc khối Đảng, đoàn thể của tỉnh. Tuy nhiên, 34 người làm việc của tổ chức Hội, tỉnh đang giao hằng năm không nằm trong biên chế được Bộ Chính trị giao cho tỉnh.

Do đó,việc thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Tuyên Quang sẽ phải giảm cao hơn 34 người so với chỉ tiêu tối thiểu giảm 10% (1.505 người)

[11] Chỉ tính các cấp học không tính giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

[12] Nếu tính cả số bổ sung 94 người trong nguồn tinh giản, giáo dục giảm 631 người.

[13] Theo Kế hoạch 231/KH-UBND, số lượng 94 người nằm trong số tinh giản các năm tiếp theo của giai đoạn 2022-2025 để đảm bảo tỷ lệ 10%.

[14] Theo Kế hoạch 231/KH-UBND, số lượng 04 người sau khi giao cho các đơn vị không nằm trong số tinh giản giai đoạn 2022-2025.

[15] Cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay đang quản lý, cai nghiện cho trên 100 người nghiện, trong khi đó số lượng người làm việc được giao là 10 người (09 người làm việc, 01 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP). Theo quy định tại Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc, xác định: Cơ sở cai nghiện ma túy có từ 100 đến 500 học viên: 01 người quản lý ít nhất 07 học viên bắt buộc và 01 người quản lý ít nhất 09 học viên tự nguyện. Do đó, tối thiểu Cơ sở cai nghiện ma túy phải có 14 người làm việc (chưa kể vị trí lãnh đạo, quản lý)

[16] Chia theo lý do tăng giảm tổng là 1.730 người, chênh lệch so với tổng số tinh giản 1.627 là 103 người do năm 2022 có 98 người tinh giản khi chuyển sang hưởng lương từ NTSN sự nghiệp y tế, trong đó giao cho cấp học mầm non 94 người để HĐLĐ (giai đoạn 2023-2026 cấp học mầm non phải tinh giản 94 người lý do chưa sử dụng này), 04 người đã giao cho các đơn vị khác; 05 người chuyển sang hưởng lương từ NTSN của Văn phòng ĐKĐĐ tinh giản và chuyển cho Cơ sở cai nghiện quản lý, sử dụng.

[17] Giai đoạn 2022-2026 có 09 trường hợp HĐLĐ theo NĐ số 68/2000/NĐ-CP là công chức đến tuổi nghỉ hưu, trong đó có 01 trường hợp đến tháng 10/2026 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) mới nghỉ hưu nên không cắt giảm từ đầu năm 2026; trường hợp lái xe thuộc Văn phòng UBND tỉnh là công chức tháng 4/2026 nghỉ hưu, thực hiện tinh giản từ tháng 5/2026.

[18] Năm 2022, giảm 271 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong tổng số 365 người tinh giản gồm:

- Đã cắt giảm 271 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo đúng số lượng Bộ Nội vụ thực hiện tinh giản.

- 94 người còn lại là nguồn tinh giản những năm tiếp theo của giai đoạn: Để sử dụng hiệu quả số lượng người làm việc đã giao khi chưa thực hiện tinh giản đã giao cho cấp học mầm non để hợp đồng lao động, không thực hiện tuyển dụng.

[19] Cao hơn Đề án Ban Thường vụ Tỉnh ủy duyệt 01 người tinh giản của tổ chức hội (Hội Đông Y)

[20] Cao hơn Đề án Ban Thường vụ Tỉnh ủy duyệt 01 người để đảm bảo số lượng tinh giản đến năm 2026 còn 13.548 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.