Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2008/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 22 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MỨC THU PHÍ TRÔNG GIỮ ĐỐI VỚI CÁC PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐNĐ và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Thông tư số 15/2003/TT-BTC ngày 07/3/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông;
Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2008/NQ-HĐND ngày 29/7/2008 của HĐND tỉnh về việc quy định mức thu phí trông giữ đối với các phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1180/STC-NS ngày 15/8/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành mức thu, tỉ lệ trích nộp khoản thu phí trông giữ đối với các phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước, cụ thể như sau:

1. Về đối tượng thu: Là người sử dụng phương tiện giao thông vi phạm pháp luật bị tạm giữ phương tiện giao thông chờ xử lý. Trường hợp phương tiện giao thông bị tạm giữ nhưng sau đó xác định người sử dụng phương tiện giao thông không có lỗi trong việc vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông thì người sử dụng phương tiện giao thông không phải nộp phí trông giữ phương tiện. Nếu người sử dụng phương tiện đã nộp phí thì đơn vị thu phải hoàn trả lại tiền phí cho người sử dụng phương tiện. Trường hợp đơn vị thu là đơn vị chuyên doanh trông giữ phương tiện thì đơn vị ra quyết định tạm giữ phải chi trả cho đơn vị chuyên doanh trông giữ phương tiện khoản phí này từ khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ mà đơn vị được sử dụng.

2. Về mức thu phí:

- Xe đạp :  2.000 đồng/ngày, đêm/xe;

- Xe máy: 4.000 đồng/ngày, đêm/xe;

- Ô tô 04 chỗ ngồi : 15.000 đồng/ngày, đêm/xe;

- Ô tô từ trên 04 chỗ đến 24 chỗ : 20.000 đồng/ngày, đêm/xe;

- Ô tô trên 24 chỗ, xe tải dưới 10 tấn: 25.000 đồng/ngày, đêm/xe;

- Xe tải từ 10 tấn trở lên : 30.000 đồng/ngày, đêm/xe.

3. Về chứng từ thu phí:

- Đối với trường hợp phương tiện đưa vào các bãi trông giữ của các đơn vị chuyên doanh trông giữ phương tiện, khi thu phí đơn vị phải giao hóa đơn hoặc vé in sẵn mức thu cho đối tượng nộp phí (theo quy định tại Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính về in, phát hành, quản lý hóa đơn);

- Đối với trường hợp bị tạm giữ đưa vào các kho, bãi của đơn vị ra quyết định tạm giữ phương tiện, khi thu phí đơn vị phải lập và cấp biên lai thu hoặc tem, vé in sẵn mức thu cho đối tượng nộp phí. Biên lai hoặc tem, vé thu phí đơn vị thu nhận tại cơ quan Thuế địa phương nơi đơn vị thu đóng trụ sở chính. Việc sử dụng, quyết toán biên lai, tem, vé thu phí được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

4. Về quản lý, sử dụng tiền phí thu được:

a) Đối với phí do đơn vị chuyên doanh trông giữ phương tiện thu là phí không thuộc ngân sách nhà nước, tiền phí thu được là doanh thu của đơn vị thu phí. Đơn vị thu có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định.

b) Đối với phí do đơn vị ra quyết định tạm giữ phương tiện thu là phí thuộc ngân sách nhà nước. Đơn vị thu phí được để lại 30% tiền phí thu được để trang trải chi phí như: Chi sửa chữa nhà trông giữ phương tiện, chi thù lao cho người trông giữ và một số khoản chi nghiệp vụ phí liên quan đến công tác thu phí trông giữ phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông khác. Đơn vị thu phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại vào ngân sách nhà nước theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 2. Giao Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện cụ thể.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 40/2003/QĐ-UB ngày 21/4/2003 của UBND tỉnh về việc mức thu phí trông giữ đối với các phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông và Quyết định số 2482/QĐ-UBND ngày 06/12/2007 của UBND tỉnh về việc tạm thời điều chỉnh mức thu phí trông giữ đối với các phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài chính, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Ban An toàn giao thông tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu