Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2016/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, XÃ THUỘC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 100/2005/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về tiêu chí, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, tổ dân phố.... (sau đây gọi chung là thôn) thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi;

b) Các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Điều 2. Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn

Thôn đặc biệt khó khăn là thôn có 1 trong 2 tiêu chí sau:

1. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

2. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có 2 trong 3 yếu tố sau (đối với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, cần có 1 trong 3 yếu tố):

a) Trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn chưa được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới;

b) Từ 60% trở lên số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố;

c) Chưa có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 3. Xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định theo ba khu vực: Xã khu vực III là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xã khu vực II là xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định; xã khu vực I là các xã còn lại.

1. Tiêu chí xã khu vực III:

Xã khu vực III là xã có ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau:

a) Số thôn đặc biệt khó khăn còn từ 35% trở lên (tiêu chí bắt buộc);

b) Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020;

c) Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có ít nhất 3 trong 6 điều kiện sau (đối với xã có số hộ dân tộc thiểu số từ 60% trở lên, cần có ít nhất 2 trong 6 điều kiện):

- Trục chính đường giao thông đến Ủy ban nhân dân xã hoặc đường liên xã chưa được nhựa hóa, bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới;

- Trường mầm non, trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở chưa đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Chưa đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ Y tế;

- Chưa có Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Còn từ 20% số hộ trở lên chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

- Còn từ 40% số hộ trở lên chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.

2. Tiêu chí xã khu vực II:

Xã khu vực II là xã có 1 trong 3 tiêu chí sau:

a) Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có không đủ 3 trong 6 điều kiện (đối với xã có số hộ dân tộc thiểu số từ 60% trở lên, có không đủ 2 trong 6 điều kiện) quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 của Quyết định này;

b) Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 15% đến dưới 55% (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 15% đến dưới 30%) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020;

c) Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dưới 15% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có ít nhất một thôn đặc biệt khó khăn.

3. Tiêu chí xã khu vực I:

Là các xã còn lại thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi không phải xã khu vực III và xã khu vực II.

Điều 4. Quy trình thủ tục và thời gian xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

1. Quy trình thủ tục:

Quy trình xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo trình tự sau:

a) Cấp xã: Căn cứ tiêu chí quy định tại Điều 2, Điều 3 của Quyết định này và các điều kiện cụ thể của xã, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các thôn tổ chức xác định thôn đặc biệt khó khăn; tổ chức xác định xã thuộc khu vực III, II, I; lập báo cáo gửi Ủy ban nhân dân huyện về kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi;

b) Cấp huyện: Sau khi nhận đủ hồ sơ của các xã, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tổng hợp và lập báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện;

c) Cấp tỉnh: Sau khi nhận đủ hồ sơ của các huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định (Cơ quan công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan thẩm định). Căn cứ kết quả thẩm định, Ủy ban nhân dân tỉnh lập Báo cáo thẩm định và đề nghị Ủy ban Dân tộc tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

d) Cấp Trung ương: Sau khi nhận đủ hồ sơ về kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Thời gian:

a) Cấp xã: Thời gian xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực III, II, I và hoàn thành các thủ tục, hồ sơ gửi cấp huyện không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành;

b) Cấp huyện: Thời gian tổng hợp và hoàn thành các thủ tục, hồ sơ gửi cấp tỉnh thẩm định không quá 10 ngày làm việc;

c) Cấp tỉnh: Thời gian thẩm định và hoàn thành các thủ tục, hồ sơ gửi cấp Trung ương không quá 15 ngày làm việc;

d) Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo quy định, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan nhận hồ sơ phải có văn bản trả lời và hướng dẫn để địa phương biết, thực hiện.

Điều 5. Hồ sơ xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

1. Hồ sơ cấp xã gửi cấp huyện: 2 bộ, gồm:

a) Bảng đánh giá của các thôn về mức độ đạt hoặc không đạt tiêu chí quy định tại Điều 2 của Quyết định này;

b) Danh sách thôn được xác định thuộc diện đặc biệt khó khăn và thôn không thuộc diện đặc biệt khó khăn;

c) Báo cáo về kết quả xác định xã thuộc khu vực III, II, I.

2. Hồ sơ cấp huyện gửi cấp tỉnh: 01 bộ, gồm:

a) Báo cáo đánh giá kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực III, II, I kèm: Bảng tổng hợp danh sách các xã thuộc khu vực III, II, I; bảng tổng hợp danh sách các thôn (bao gồm cả thôn đặc biệt khó khăn và thôn không thuộc diện đặc biệt khó khăn);

b) Văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi;

c) 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 5 của Quyết định này.

3. Hồ sơ cấp tỉnh gửi Ủy ban Dân tộc: 01 bộ, gồm:

a) Báo cáo kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kèm danh sách tổng hợp thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

b) Báo cáo thẩm định và các văn bản, tài liệu chứng minh kèm theo.

Điều 6. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thôn đặc biệt khó khăn và xã khu vực III, II, I vùng dân tộc thiểu số và miền núi đối với trường hợp chia tách, thành lập mới, sáp nhập, giải thể, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh (nếu có):

1. Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ các tiêu chí quy định tại Điều 2, Điều 3 của Quyết định này, chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ, tổ chức thẩm định gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn và xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Quy trình thủ tục, hồ sơ xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện theo quy định tại Điều 4Điều 5 của Quyết định này.

3. Thời gian gửi hồ sơ về Ủy ban Dân tộc trước ngày 01 tháng 6 hàng năm.

Điều 7. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí tổ chức thực hiện và lập hồ sơ, xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

1. Ủy ban Dân tộc: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện, tổng hợp, kiểm tra kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo đúng tiêu chí, quy trình thủ tục, thời gian và hồ sơ quy định tại Quyết định này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2016 và thay thế Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015.

Điều 10. Điều khoản thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT,V.III (3b).KN

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc