Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2015/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 08 tháng 9 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ CÁN BỘ LÂM NGHIỆP CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 172/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về mức phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 2230/SNN-CCKL ngày 01/9/2015 sau khi có ý kiến của các Sở: Nội vụ (Công văn số 1318/SNV-XDCQ ngày 25/8/2015), Tài chính (Công văn số 2082/STC-NST ngày 24/8/2015), Tư pháp tại Báo cáo thẩm định dự thảo Quyết định về mức phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An số 1398/BCTĐ-STP ngày 31/8/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về tiêu chuẩn, thủ tục công nhận, quản lý sử dụng, nhiệm vụ, quyền hạn và mức phụ cấp của cán bộ lâm nghiệp tại các xã, phường, thị trấn có rừng (Sau đây gọi chung là xã) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Đối tượng áp dụng:

Cán bộ lâm nghiệp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Điều 2. Tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ lâm nghiệp xã

1. Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại xã.

2. Có hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; nắm vững chủ trương đường lối chính sách pháp luật của nhà nước; nắm vững tình hình cụ thể tại địa phương như: Tập quán, tình hình rừng, thông thạo địa hình đồi núi, giao thông;

3. Có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình trong công việc, có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, có đủ sức khỏe và thời gian hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

4. Có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông (ưu tiên những người có chuyên môn, có kinh nghiệm hiểu biết về lâm nghiệp).

Điều 3. Thủ tục công nhận cán bộ lâm nghiệp xã

1. UBND xã căn cứ tình hình thực tế rừng, đất lâm nghiệp của địa phương, tiêu chuẩn và chỉ tiêu của Hạt Kiểm lâm thông báo để chọn lựa những người có đủ năng lực phẩm chất, lập hồ sơ gửi về Hạt Kiểm lâm huyện.

2. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị, danh sách, lý lịch trích ngang và văn bằng, chứng chỉ (nếu có).

3. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm quyết định công nhận cán bộ lâm nghiệp xã.

Điều 4. Quản lý và sử dụng cán bộ lâm nghiệp xã

1. UBND xã chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện hoạt động của cán bộ lâm nghiệp xã.

2. Hạt Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng huyện, thành, thị (Gọi chung là huyện) có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan cho cán bộ lâm nghiệp xã và thực hiện chi trả phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp xã theo đúng chế độ quy định.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ lâm nghiệp xã

1. Nhiệm vụ:

a) Hỗ trợ cho kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý nương rẫy; xây dựng quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư thôn bản; tuần tra rừng đấu tranh các hành vi vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng; quản lý các cơ sở chế biến, nuôi nhốt động vật hoang dã; phối hợp triển khai các dự án bảo vệ phát triển rừng; thực thi các chính sách về lâm nghiệp có liên quan trên địa bàn xã;

b) Là cầu nối cung cấp thông tin thường xuyên về các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã với Hạt Kiểm lâm huyện;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hạt trưởng Kiểm lâm và Chủ tịch UBND xã phân công liên quan đến thực thi nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật;

d) Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả hoạt động của tháng trước và đề xuất kế hoạch hoạt động tháng tiếp theo về Hạt Kiểm lâm.

2. Quyền hạn:

a) Được cung cấp thông tin, văn bản pháp luật và tài liệu chuyên môn phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra được tham gia bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ định kỳ theo kế hoạch của Chi cục Kiểm lâm;

b) Kiến nghị, đề xuất với UBND xã, chủ rừng trên địa bàn về kế hoạch, biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, trồng rừng và sử dụng đất lâm nghiệp tại địa phương;

c) Cán bộ lâm nghiệp xã được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng theo chế độ quy định do Hạt Kiểm lâm huyện chi trả.

Điều 6. Mức phụ cấp hàng tháng

1. Đối với cán bộ lâm nghiệp hoạt động tại các xã, phường, thị trấn: Mức phụ cấp bằng 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng;

2. Đối với cán bộ lâm nghiệp hoạt động tại các xã biên giới và các xã đặc biệt khó khăn: Mức phụ cấp bằng 0,7 mức lương cơ sở/người/tháng;

Điều 7. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp xã do ngân sách Nhà nước đảm bảo, cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của Chi cục Kiểm lâm để chi trả cho các đối tượng.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính:

Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu kinh phí hỗ trợ cho lực lượng cán bộ lâm nghiệp xã do Chi cục Kiểm lâm đề xuất, Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí trong dự toán ngân sách của Chi cục Kiểm lâm để thực hiện chi trả cho đối tượng theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện:

a) Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn UBND các xã căn cứ vào tiêu chuẩn và chỉ tiêu cán bộ lâm nghiệp cấp xã do Hạt Kiểm lâm thông báo để lựa chọn những người có đủ điều kiện đề nghị Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện công nhận;

b) Hàng năm xây dựng kế hoạch kinh phí chi trả phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp xã gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính theo quy định hiện hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Phân bổ dự toán kinh phí chi trả phụ cấp cho cán bộ lâm nghiệp xã cho các hạt Kiểm lâm (Qua Chi cục Kiểm lâm); hướng dẫn các hạt Kiểm lâm trong việc quản lý, chi trả và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân các huyện: Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với UBND xã trong việc lựa chọn và công nhận cán bộ lâm nghiệp xã.

4. Ủy ban nhân dân các xã:

a) Đề xuất những người có đủ tiêu chuẩn làm cơ sở để Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện quyết định công nhận cán bộ lâm nghiệp xã;

b) Căn cứ nhiệm vụ của cán bộ lâm nghiệp xã, chịu trách nhiệm quản lý, đánh giá chất lượng, hiệu quả và thời gian làm việc của cán bộ lâm nghiệp xã để báo cáo về hạt Kiểm lâm theo đúng quy chế quy định.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 23/2000/QĐ-UB.NN ngày 27/3/2000 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng quản lý bảo vệ rừng cấp xã”.

Điều 10. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ, Tài chính; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chủ tịch UBND, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm các huyện, thành, thị; các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.  

 

Nơi nhận:
- Như Điều 10;
- Bộ NN và PTNT (để b/c);
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (để giám sát);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- PVP TC UBND tỉnh;
- Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có rừng (Giao Chi cục kiểm lâm sao gửi);
- TT tin học - Công báo;
- Lưu: VT.UB

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Viết Đường