Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 523/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh Kon Tum về Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 59/TTr-SKHĐT ngày 22/9/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm: Bảo tồn kết hợp với phát triển bền vững

- Kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ và các hình thức bảo tồn khác nhằm bảo đảm hiệu quả công tác bảo tồn, tính thống nhất và phù hợp với điều kiện của tỉnh Kon Tum so với cả nước, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

- Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan đa dạng sinh học.

- Thống nhất theo các tiêu chí của Luật Đa dạng sinh học trên cơ sở phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của hệ thống các khu bảo tồn, rừng đặc dụng, vùng nước hiện có.

- Bảo đảm an toàn đa dạng sinh học, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

- Tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt với các nước cùng chung biên giới. Quản lý đa dạng sinh học của tỉnh có sự gắn kết, hòa nhập với bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, khu vực và quốc tế, đặc biệt là kết hợp giữa các vùng lãnh thổ, các ngành, lĩnh vực không gian mở với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh của Lào và Campuchia có chung biên giới với Kon Tum.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và nâng cao được tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh bao gồm các hệ sinh thái, các loài, nguồn gen và các chức năng của chúng phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo đến mức cao nhất an ninh sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020

Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Kon Tum đến năm 2020 theo 3 đối tượng, bao gồm: Khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học. Cụ thể như sau:

- Đối với hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên:

+ Chuyển tiếp 02 khu bảo tồn hiện có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học bao gồm: Vườn Quốc gia Chư Mom Ray với diện tích 56.621 ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với diện tích 38.109,4 ha.

+ Nâng cấp rừng đặc dụng Đăk Uy thành Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Đăk Uy với diện tích 659,5 ha.

- Đối với các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: Thành lập mới 01 vườn thực vật (Ngọc Linh), vườn thuốc (Sâm ngọc linh và các “vườn mẫu thuốc nam” ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và các Trạm y tế tại các xã trong tỉnh).

b. Đến năm 2030

- Đối với hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên: Thành lập mới 02 khu bảo tồn là vườn Quốc gia Ngọc Linh và khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh Măng Đen.

- Đối với các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: Thành lập mới 01 vườn thực vật (Măng Đen). 02 vườn động vật (Ngọc Linh, Đăk Uy), 01 trung tâm cứu hộ động vật (Ngọc Linh).

- Đối với hành lang đa dạng sinh học: Thành lập mới hành lang Đa dạng sinh học Ngọc Linh - Ngọc Linh.

(Có Phụ lục các dự án kèm theo)

3. Nhu cầu vốn và nguồn vốn thực hiện:

Tổng nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch khoảng 104 tỷ đồng bao gồm: giai đoạn từ năm 2016-2020 là 23,5 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2030 là 80,5 tỷ đồng.

Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước (trong đó: Ngân sách Trung ương htrợ và ngân sách địa phương); vốn huy động cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

4.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện hệ thống Pháp luật về quản lý hệ thống khu bảo tồn của tỉnh; tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học đã được thực hiện trong các chương trình, dự án của tỉnh; thực thi nghiêm ngặt Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học trong tỉnh; giải quyết sinh kế đối với người dân tại chỗ.

4.2. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu đa dạng sinh học có trình độ, chuyên môn cao; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao khả năng quản lý trong lĩnh vực đa dạng sinh học; huy động sự tham gia của khối tư nhân, các tổ chức và toàn dân trong tỉnh.

4.3. Giải pháp về khoa học công nghệ: Xây dựng và triển khai các giải pháp khoa học công nghệ về đa dạng sinh học; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề tài/dự án điều tra cơ bản, các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học cho từng địa điểm, khu vực trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu, rà soát, kiểm định kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học đã có từ trước tới nay.

4.4. Giải pháp về vốn thực hiện quy hoạch: Tranh thủ các nguồn đầu tư từ các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước và các tổ chức phi Chính phủ; hợp tác với các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong việc triển khai các dự án đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, lập quy hoạch chi tiết cũng như các dự án bảo tồn giá trị đa dạng sinh học.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tổ chức công bố Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo quy định; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được phân công; phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì thực hiện trong Quy hoạch; hướng dẫn và hỗ trợ các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức đoàn thể xây dựng và thực hiện công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; là đơn vị đầu mối nhằm điều phối, tổng hợp chung các hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học và định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được phân công; phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quản lý và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch; điều phối các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học thuộc các đối tượng đang quản lý; hướng dẫn, giám sát và đánh giá thực hiện các giải pháp đã được đề ra.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Hoàn thành việc thiết kế và xây dựng khung cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của tỉnh; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong bảo tồn, khai thác nguồn gen sinh vật; khuyến khích, hỗ trợ và bảo trợ sở trí tuệ cho các nguồn gen có giá trị kinh tế, y dược, môi trường và khoa học; chủ trì phối hợp các ngành, địa phương xây dựng các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các đơn vị liên quan huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để bố trí thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả.

5. Sở Tài chính: Phân bổ nguồn vốn, điều phối ngân sách nhà nước hàng năm và các nguồn tài trợ, bao gồm việc điều phối kinh phí cho các dự án liên quan đến đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; bố trí kịp thời nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp môi trường cho các chủ đầu tư thực hiện các hoạt động ưu tiên của Quy hoạch; hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện nội dung hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

6. Sở Y tế: Chủ trì tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả đối với vườn thuốc tại các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý; định hướng, tuyên truyền người dân trong việc bảo vệ các loài dược liệu quý và các bài thuốc sử dụng dược liệu hiện có tại địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Kiểm tra, đánh giá các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh có thể xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động du lịch sinh thái. Đề xuất và thực hiện các giải pháp, biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng tác động tiêu cực của loại hình du lịch sinh thái đối với đa dạng sinh học.

8. UBND các huyện, thành phố: Phối hợp với các đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan được đề xuất trong quy hoạch; tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đa dạng sinh học; giám sát công tác thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn quản lý.

9. Các cơ quan, ban ngành khác có liên quan: Phối hợp thực hiện tốt các nội dung, chương trình, hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ giữa các cấp, ngành và sự tham gia của cộng đồng trong việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, bền vững; triển khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình liên quan đến đa dạng sinh học thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các Ban, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c):
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT. NNTN3.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hòa

 

PHỤ LỤC

CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH KON TUM TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 03/10/2016 của UBND tỉnh Kon Tum)

STT

Tên dự án

Thời gian thực hiện

Kinh phí
(tỷ đồng)

Cơ quan chủ trì

quan phối hợp

Nguồn vốn

1

Dự án quy hoạch nâng cấp bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng đặc dụng tỉnh Kon Tum. Trong đó gồm:

 

Ngân sách Nhà nước (trong đó: NSTW hỗ trợ và NSĐP); vốn huy động cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác

Dự án Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát triển bền vững vườn quốc gia Chư Mom Ray đến năm 2020 và 2030

2016 - 2020

5,0

Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở TN và MT;

- BQL cơ sở bảo tồn;

- UBND huyện, thành phố liên quan.

2020 - 2030

12,0

Dự án nâng cấp rừng đặc dụng thành Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Đăk Uy

2016- 2020

5,5

Dự án quy hoạch thành lập bảo tồn và phát triển bền vững hành lang đa dạng sinh học Ngọc Linh - Ngọc Linh

2020 - 2030

20,0

Dự án quy hoạch nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thành Vườn quốc gia Ngọc Linh

2020 - 2030

25,0

2

Dự án thành lập trung tâm cứu hộ động vật Vườn quốc gia Chư Mom Ray và Vườn quốc gia Ngọc Linh

2016 - 2020

5,0

Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Sở KH và CN;

- UBND huyện, thành phố có liên quan

2020 - 2030

10,0

3

Dự án đánh giá hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2016 - 2020

3,0

Sở TN và MT

- Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Sở KH và CN;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- UBND huyện, thành phố liên quan.

4

Dự án điều tra, đánh giá và đề xuất mô hình bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh Kon Tum

2016 - 2020

2,0

Sở TN và MT

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- BQL các cơ sở bảo tồn;

- UBND huyện, thành phố liên quan.

5

Đánh giá hiện trạng và xây dựng mô hình sử dụng bền vững có hiệu quả tài nguyên đa dạng sinh học tại các hộ sinh thái tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Kon Tum

2020 - 2030

3,5

Sở TN và MT

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- BQL cơ sở bảo tồn;

- UBND huyện, thành phố liên quan.

6

Nghiên cứu, xác định các tổn thương do diễn biến thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu với các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh nhằm đưa ra các giải pháp thích ứng phù hợp với nội lực của tỉnh Kon Tum

2020 - 2030

3,0

Sở TN và MT

- Sở Nông nghiệp và PTNT:

- BQL cơ sở bảo tồn;

- UBND huyện, thành phố liên quan.

7

Đào tạo, tăng cường năng lực thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

2016 - 2020

3,0

Sở TN và MT

- Sở KH và CN;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- UBND huyện, thành phố liên quan.

 

Tổng cộng

140