Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 526/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH “CÔNG BỐ TÀI LIỆU LƯU TRỮ QUỐC GIA PHỤC VỤ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC”

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Luật Lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg. Vũ Đức Đam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Nội vụ;
- Vụ KH-TC, VP. Bộ Nội vụ;
- TTTT Bộ Nội vụ;
- Lưu: VT, CVTLTNN (05).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Thăng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “CÔNG BỐ TÀI LIỆU LƯU TRỮ QUỐC GIA PHỤC VỤ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC”
(Kèm theo Quyết định số 526/QĐ-BNV ngày 30 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

I. MỤC ĐÍCH

1. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

2. Làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm về Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” (sau đây gọi tắt là Chương trình).

II. PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Phạm vi thời gian: Từ năm 2022 đến năm 2030.

2. Phạm vi không gian: Công bố tài liệu lưu trữ trong nước và nước ngoài, chú trọng ở các quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập; các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

3. Phạm vi tài liệu đưa ra công bố: Tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại 04 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ).

III. CÁC NHIỆM VỤ

1. Xác định nội dung tài liệu đưa ra công bố

Tài liệu lưu trữ đưa ra công bố theo các chủ đề sau:

a) Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử;

b) Quan hệ quốc tế của Việt Nam;

c) Tổ chức đơn vị hành chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử;

d) Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng và quyền con người ở Việt Nam;

đ) Vấn đề phát triển nông thôn, nông nghiệp và nông dân ở Việt Nam;

e) Vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam;

g) Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

h) Vấn đề phát triển giáo dục đào tạo ở Việt Nam;

i) Chính sách và kết quả thực hiện các chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;

k) Các phong trào đấu tranh, các cuộc kháng chiến giành chính quyền và bảo vệ độc lập dân tộc;

l) Danh nhân, nhân vật và di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam;

m) Lịch sử phát triển các ngành nghề, lĩnh vực.

2. Biên dịch tài liệu Hán - Nôm, tài liệu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để phục vụ công bố

a) Tổ chức biên dịch toàn văn tài liệu Châu bản triều Nguyễn, tài liệu, tư liệu Hán - Nôm theo các chủ đề công bố;

b) Biên dịch các bộ sách được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn chưa được biên dịch và xuất bản;

c) Dịch tiêu đề hồ sơ các phông tài liệu tiếng Pháp; biên dịch tiêu đề văn bản pháp quy đăng trên Công báo thời Pháp thuộc;

d) Biên dịch toàn văn sưu tập tài liệu về Mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Paris do Lưu trữ quốc gia Cộng hòa Pháp tặng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

3. Xử lý khối tài liệu ảnh bị sai sót, thiếu thông tin trước khi đưa ra công bố

Xử lý các khối tài liệu ảnh sau:

a) Ảnh giai đoạn từ năm 1930 đến trước Cách mạng tháng Tám;

b) Ảnh từ năm 1945 và xây dựng Chính quyền Dân chủ nhân dân;

c) Ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ năm 1945 - 1975;

d) Ảnh về kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946 - 1954;

đ) Ảnh giai đoạn 1954 đến nay;

e) Ảnh các hoạt động ngoại giao từ năm 1945 đến nay;

f) Ảnh về các hoạt động của Quốc hội;

g) Ảnh về Khu Tự trị Việt Bắc và các khu, liên khu.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác công bố tài liệu

a) Tổ chức, tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền, thuyết trình, biên tập bài viết, xây dựng kịch bản nội dung; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công bố tài liệu...;

b) Tổ chức các hội thảo, hội nghị; khảo sát, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước về công bố tài liệu lưu trữ.

5. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công bố tài liệu tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia

Cải tạo khu trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ; đầu tư trang thiết bị phù hợp với các hình thức, mục đích công bố ; xây dựng Trung tâm Lưu trữ quốc gia trở thành điểm đến văn hóa của công chúng.

6. Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia

Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia nhằm quản lý, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan Lưu trữ lịch sử phục vụ nhu cầu sử dụng của xã hội, phục vụ các cơ quan, tổ chức, công chúng.

 (Chi tiết các nhiệm vụ theo Phụ lục đính kèm)

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Ngân sách Trung ương bảo đảm chi cho các hoạt động công bố tài liệu tại Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước

Giao Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước là cơ quan thường trực, giúp Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”:

a) Xây dựng kế hoạch, dự toán chi tiết hằng năm và tổ chức thực hiện Chương trình trên cơ sở Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt theo thẩm quyền.

b) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế hợp tác trong việc khai thác giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ hoạt động của các bộ, ngành và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước, cụ thể:

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình hợp tác lồng ghép nội dung phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong các sự kiện hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và các nước; ngày Văn hóa Việt Nam tại các nước; các hoạt động quảng bá về đất nước, con người, di sản văn hóa của Việt Nam với bạn bè thế giới; chỉ đạo các Bảo tàng, Khu Di tích, các Viện nghiên cứu… tăng cường phối hợp với các cơ quan Lưu trữ khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ để phục vụ các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, hội nghị.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng, đặt hàng và hỗ trợ báo chí khai thác, phát huy giá trị từ nguồn tài liệu lưu trữ quốc gia để tuyên truyền đối nội, đối ngoại về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, định hướng chính trị, dư luận xã hội; tổ chức các sự kiện truyền thông trong nước và quốc tế dưới nhiều hình thức, ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại, truyền thông trên các nền tảng số để khai thác và lan tỏa giá trị của các tài liệu lưu trữ quốc gia; xây dựng Chương trình Sách quốc gia để xuất bản các tác phẩm tiêu biểu chọn lọc từ tài liệu lưu trữ quốc gia, nhằm tạo nền tảng tri thức phục vụ sự phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổ chức biên soạn và xuất bản các bộ sách công bố tài liệu lưu trữ quốc gia.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các sự kiện, diễn đàn giao lưu với học sinh, sinh viên trên toàn quốc như: Di sản với học đường, Tìm về nguồn cội…; nghiên cứu sản xuất các bộ giáo cụ trực quan, xuất bản các sách tham khảo về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam… từ tài liệu lưu trữ để phục vụ học sinh, sinh viên học tập.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao khai thác các giá trị của tài liệu lưu trữ phục vụ hoạt động ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và các nước; phục vụ các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đặt hàng các sản phẩm lưu niệm quảng bá tài liệu lưu trữ làm quà tặng cấp nhà nước.

- Phối hợp với các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Quyết định phê duyệt Chương trình.

c) Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình.

2. Vụ Kế hoạch Tài chính

a) Thẩm định dự toán, bố trí kinh phí thực hiện Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ

quyền đất nước” từ năm 2022 đến năm 2030 do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước xây dựng.

b) Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách hằng năm để bố trí kinh phí thực hiện Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” từ năm 2022 đến năm 2030 do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước xây dựng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành.

3. Trung tâm Thông tin

Phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tuyên truyền, quảng bá nội dung và các hoạt động triển khai Chương trình qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.

4. Văn phòng Bộ Nội vụ

Phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thực hiện báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình và phối hợp trong công tác truyền thông về các nội dung, kết quả thực hiện Chương trình cho các cơ quan thông tấn, báo chí./.

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ CỦA KẾ HOẠCH CÔNG BỐ TÀI LIỆU LƯU TRỮ QUỐC GIA PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC
(Phụ lục đính kèm Quyết định số 256/QĐ-BNV ngày 30 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

STT

Nội dung công việc

Đơn vị thực hiện

I

Công bố tài liệu lưu trữ

 

1

Tổ chức trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ ở trong và ngoài nước

Các TTLTQG

2

Biên soạn, xuất bản ấn phẩm từ tài liệu lưu trữ

Các TTLTQG

3

Viết bài công bố tài liệu lưu trữ

Các TTLTQG

4

Xây dựng phim, video clip

Các TTLTQG

5

Thiết kế, sản xuất quà tặng lưu niệm

Các TTLTQG

6

Xây dựng các chương trình phục vụ việc giảng dạy, học tập ở các trường phổ thông

Các TTLTQG

7

Các hình thức công bố khác khác

Các TTLTQG

II

Xử lý thông tin tài liệu lưu trữ trước khi đưa ra công bố

 

1

Tổ chức biên dịch tài liệu Hán - Nôm, tài liệu tiếng Pháp sang tiếng Việt để phục vụ công bố

 

a

Biên dịch tài liệu Hán - Nôm

 

 

Biên soạn, biên dịch, xây dựng bộ Từ điển về dòng họ Việt Nam từ nguồn Địa bạ triều Nguyễn

TTLTQGI

 

Biên soạn, biên dịch, xây dựng bộ Từ điển chức quan và bộ máy chính quyền triều Nguyễn từ nguồn Châu bản triều Nguyễn

TTLTQGI

 

Biên dịch trích yếu nội dung khối tài liệu Hán - Nôm của Nha Kinh lược Bắc kỳ và Nha huyện Thọ Xương

TTLTQGI

 

Biên dịch các bộ sách Mộc bản

TTLTQGIV

 

Biên dịch khối Sổ bộ

TTLTQGII

 

Biên dịch nội dung theo chuyên đề công bố

Các TTLTQG

b

Biên dịch tài liệu tiếng Pháp

 

 

Biên mục và dịch tiêu đề các văn bản pháp quy đăng trên Công báo Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ thời Pháp thuộc

TTLTQGI, TTLTQGII, TTLTQGIV

 

Biên dịch tiêu đề hồ sơ của các phông tiếng Pháp đã chỉnh lý

Các TTLTQG

 

Biên dịch tài liệu theo chuyên đề công bố

Các TTLTQG

 

Biên dịch sách chỉ dẫn phông lưu trữ (Việt, Anh, Pháp)

Các TTLTQG

 

Biên dịch toàn văn sưu tập tài liệu về Mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Paris do Lưu trữ quốc gia Cộng hòa Pháp tặng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước

TTLTQGI

2

Xử lý khối tài liệu ảnh bị sai sót, thiếu thông tin

 

 

Xác minh, đính chính, bổ sung thông tin tài liệu ảnh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ tra cứu

Các TTLTQG

III

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác công bố tài liệu

 

1

Tổ chức, cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, đào tạo kỹ năng: truyền thông, thuyết minh, biên tập bài viết, xây dựng kịch bản nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia...;

Các TTLTQG

2

Tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước

Các TTLTQG

3

Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế

Các TTLTQG

IV

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công bố tài liệu tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia

 

1

Xây dựng, cải tạo khu trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ; mua sắm trang bị thiết bị phù hợp với các hình thức, mục đích công bố

Các TTLTQG

2

Nâng cấp phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng tài liệu

Các TTLTQG

3

Xây dựng phần mềm quản lý tích hợp giữa bản gốc và bản scan tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

TTLTQGIV

4

Nghiên cứu, sử dụng công nghệ AI để phục hồi Châu bản, Mộc bản, Sổ bộ Hán nôm bị mất nét

TTLTQGI, TTLTQGII, TTLTQGIV

V

Xây dựng cổng thông tin dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia

 

 

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo các chuyên đề công bố

Các TTLTQG