ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/2002/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 05 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2002 ĐẾN NĂM 2005.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Thực hiện Chỉ thị số 63 CT-TW ngày 28 tháng 02 năm 2001 của Bộ chính trị và Nghị quyết Hội nghị Thành Ủy lần thứ 5 (Khóa VII) về phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ năm 2002 đến năm 2005 ;
Căn cứ Chỉ thị số 19/2001/CT/UB ngày 20 tháng 7 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thành phố từ năm 2001 đến năm 2005 ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tại Tờ trình số 279 TT-NN ngày 05 tháng 4 năm 2002 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay phê duyệt đề án Chương trình mục tiêu phát triển ngành thủy sản thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2005 với mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng bình quân hàng năm như sau :
1.1. Tổng sản lượng tăng bình quân 6,2%/năm ;
1.2. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 7%/năm.
Điều 2.- Để đạt được các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện nhanh chóng triển khai thực hiện 7 (bảy) nhóm giải pháp (phụ lục kèm theo) và phân công thực hiện như sau :
I. NHÓM GIẢI PHÁP QUY HOẠCH VÙNG NUÔI :
1. Giao Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trại giống thủy sản nước ngọt và dự án trại giống thủy sản nước lợ, nước mặn.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở-ngành, quận-huyện có liên quan để thực hiện dự án thủy lợi nuôi tôm sú và chương trình phát triển tôm càng xanh.
3. Các dự án trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 7 năm 2002.
II. NHÓM GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ NGÀNH :
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở-ngành, quận-huyện và các cơ quan Trung ương có liên quan nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm nâng cao vai trò quản lý ngành và quy chế, điều lệ tổ chức hoạt động để xây dựng Hội Phát triển thủy sản thành phố và trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 7 năm 2002.
III.- NHÓM GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ KHAI THÁC THỦY SẢN :
Giao Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và các đơn vị có liên quan để nghiên cứu và lập phương án đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ với những mục tiêu cụ thể :
1. Đóng mới 10 tàu khai thác hải sản xa bờ với công suất từ 600 CV trở lên và 2 tàu dịch vụ ; đầu tư, nâng cấp 100 tàu đánh bắt ven bờ và chuyển đổi, cải hoán 50% tàu đánh bắt ven bờ hiện nay sang thành tàu đánh bắt xa bờ.
2. Xây dựng phương án đào tạo đội ngũ thuyền viên có tay nghề cao.
3. Các dự án trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 7 năm 2002.
IV.- NHÓM GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ HÓA CÁC KHÂU SẢN XUẤT - DỊCH VỤ :
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát nghiên cứu và đề xuất mô hình, phương án, các dự án hình thành :
1. Cảng cá, chợ cá, chợ tôm (bao gồm việc cải tạo, nâng cấp các Cảng cá hiện có).
2. Các dịch vụ hỗ trợ nuôi (dịch vụ giống, thức ăn, thú y,... ).
3. Các dự án trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 7 năm 2002.
V.- NHÓM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM MỚI VÀ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG :
1. Giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và các doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản nghiên cứu đề xuất các sản phẩm chế biến có giá trị cao và các sản phẩm có khả năng chế biến từ cá tạp ; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố về thị trường và giá cả thủy sản để phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh và đẩy mạnh tiếp thị đối với ngành thủy sản.
2. Các công việc nêu trên trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 7 năm 2002.
VI.- NHÓM GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ ĐỔI MỚI THIẾT BỊ-CÔNG NGHỆ :
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, đề xuất về nhu cầu đổi mới một số thiết bị thiết yếu và nguồn vốn để hỗ trợ nhu cầu đổi mới thiết bị ; trong đó, chú ý đến khả năng sản xuất thiết bị trong nước để thay thế các thiết bị nhập khẩu.
2. Các công việc nêu trên trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 7 năm 2002.
VII.- NHÓM GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HACCP (PHÂN TÍCH MỐI NGUY VÀ ĐIỂM KIỂM SOÁT TỚI HẠN) :
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường và các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Tiêu chuẩn ISO và HACCP cho 100% số doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố và hỗ trợ để có khoảng 20% doanh nghiệp đăng ký và triển khai thực hiện chương trình quản lý chất lượng ISO và chương trình HACCP mỗi năm, trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2005.
Điều 3.- Các đơn vị được giao nhiêm vụ ở Điều 2 chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính-Vật giá và các sở-ngành, quận - huyện có liên quan để lập phương án, kế hoạch và tiến độ thực hiện theo quy định.
Điều 4.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Công nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |