Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 698/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 17 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008; Thông tư số 01/2012/TT-BKH ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 3696/TTr-SNN ngày 04/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 như sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

2. Cấp quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.

3. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định.

4. Đơn vị lập quy hoạch: Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp nông thôn - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định.

5. Mục tiêu quy hoạch:

Đến năm 2020 ngành Thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản toàn quốc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020.

6. Phạm vi quy hoạch:

+ Về không gian: Thực hiện trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 05 huyện và thành phố có hoạt động kinh tế biển.

+ Về nội dung: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 bao gồm các lĩnh vực: quy hoạch sử dụng đất, mặt nước phục vụ phát triển sản xuất; quy hoạch phát triển ngành Thủy sản; định hướng phát triển ngành thủy sản đến năm 2030 (Nội dung chi tiết như nhiệm vụ lập quy hoạch kèm theo Quyết định này).

7. Thời gian thực hiện: Năm 2013.

Điều 2.

- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT (chủ đầu tư) có trách nhiệm lập dự toán kinh phí quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch theo đúng các nội dung đã được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này và các quyết định hiện hành của Nhà nước, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Giao Sở Tài chính căn cứ Đề cương phê duyệt tại Quyết định này, thẩm định dự toán kinh phí lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trình duyệt theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thu Hà

 

ĐỀ CƯƠNG

LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 698/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2012 của UBND tỉnh)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bình Định là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có diện tích tự nhiên khoảng 6.051 km2 và dân số trung bình khoảng 1,5 triệu người. Với bờ biển dài 134 km và hàng chục ngàn ha mặt nước đầm phá, hồ chứa nước là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của ngành Thủy sản ở địa phương. Toàn tỉnh có 11 huyện thị, thành phố; trong đó 05 huyện, thành phố: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn có hoạt động kinh tế biển, với dân số chiếm khoảng 60% tổng số dân toàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 8.129 tàu thuyền khai thác thủy sản (trong đó 1.973 tàu đánh bắt xa bờ), với tổng công suất 629.000 cv, bình quân công suất 77 cv/chiếc. Sản lượng thủy sản có sự tăng mạnh trong giai đoạn 2000 - 2010, tốc độ tăng trưởng trung bình 6,36%/năm (tăng từ 77.825 tấn năm 2000 lên 144.224 tấn năm 2010). Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 132.000 tấn, tăng 1,8%; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 12.224 tấn, tăng 4,7% (riêng sản lượng tôm nuôi đạt 5.210 tấn, tăng 1,2%). Lĩnh vực chế biến thủy sản đã được quan tâm đầu tư phát triển; nhiều sản phẩm chế biến như tôm, cá, mực, nước mắm đã xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới. Đối tượng, hình thức nuôi ngày càng đa dạng, phong phú; nhiều giống loài mới có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất thử nghiệm và nhân rộng có hiệu quả; hoạt động khai thác thủy sản đã và đang áp dụng các mô hình quản lý cộng đồng để giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và suy thoái nguồn lợi thủy sản trong vùng.

Tuy nhiên, sản xuất thủy sản của Bình Định vẫn gặp không ít những tồn tại và hạn chế, bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành Thủy sản Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007, đến nay đã kết thúc kỳ quy hoạch, có nhiều chỉ tiêu dự báo không còn phù hợp, một số nội dung, số liệu, tình hình mới cần phải bổ sung, cập nhật... Vì vậy, việc nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong tình hình mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cần thiết. Từ đó tỉnh Bình Định có định hướng trong việc chỉ đạo khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện có để đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng bền vững, góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận nhân dân và đóng góp tích cực vào mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản làm cơ sở phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, tổ chức sản xuất ở từng địa phương.

- Đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm tiêu thụ trong tỉnh ổn định và hướng tới xuất khẩu với giá trị ngày càng cao.

- Góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của một bộ phận nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

2. Yêu cầu

- Trên cơ sở Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành Thủy sản Bình Định đến năm 2010, tầm nhìn 2020 và hiện trạng phát triển ngành Thủy sản, tiến hành xem xét, nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế

- xã hội của tỉnh và Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Xác định vị trí và khoanh vẽ bản đồ diện tích quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản (vùng nuôi trồng tập trung, hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản...). Bản đồ phải thể hiện rõ ràng theo địa bàn xã, huyện; trên cơ sở đó có sự thống nhất của từng huyện.

- Vùng quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản không chồng chéo với những quy hoạch khác và theo hướng bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường.

III. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ TÀI LIỆU SỬ DỤNG

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Thủy sản số 17/2003/QH11, đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua ngày 26/11/2003.

- Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11, đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua ngày 29/11/2005.

- Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, đã được Quốc hội Khóa 12 thông qua ngày 13/11/2008.

- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghị định số 99/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 của Chính phủ về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

- Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 23/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển giống thủy sản đến năm 2010.

- Quyết định số 131/2004/QĐ-TTg ngày 16/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010.

- Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg ngày 01/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy hải sản trên biển và hải đảo.

- Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng năm 2020.

- Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020.

- Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020.

- Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.

- Thông tư số 03/2006/TT-BTS ngày 12/4/2006 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ Bình Định lần thứ XVIII.

- Công văn số 3649/UBND-TH ngày 01/11/2011 của UBND tỉnh Bình Định về việc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản Bình Định đến năm 2020.

IV. PHẠM VI NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Loại quy hoạch

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản cấp tỉnh.

2. Lĩnh vực và phạm vi của quy hoạch

2.1. Các lĩnh vực quy hoạch

2.1.1. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2.1.2. Nuôi trồng thủy sản.

2.1.3. Chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

2.1.4. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thủy sản.

2.2. Phạm vi và giới hạn quy hoạch

- Toàn bộ các hoạt động thủy sản trên địa giới hành chính của tỉnh Bình Định.

- Quy hoạch cần xác định chỉ tiêu các năm mốc 2015, 2020, định hướng 2030.

- Đánh giá thực trạng ngành thủy sản tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2006 - 2010.

V. NỘI DUNG NHIỆM VỤ BÁO CÁO TỔNG HỢP QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Phần I: ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VỀ KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ XÃ - HỘI ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phần II: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phần III: QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

1. Quan điểm phát triển

2. Định hướng phát triển

3. Mục tiêu phát triển

4. Nội dung quy hoạch

4.1. Quy hoạch sử dụng đất, mặt nước phục vụ phát triển sản xuất

- Nhu cầu sử dụng đất, mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

- Nhu cầu sử dụng đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thủy sản.

4.2. Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản

4.2.1. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững

- Số lượng tàu thuyền khai thác, công suất.

- Cơ cấu nghề nghiệp.

- Cơ cấu sản lượng.

- Ngư trường đánh bắt,

- Mùa vụ khai thác.

- Nhu cầu lao động.

- Phân vùng khai thác (vùng gần bờ, vùng lộng, vùng khơi)

- Công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng.

- Tổ chức lực lượng Kiểm ngư các cấp, tổ đội đoàn kết, phát triển tàu dịch vụ.

4.2.2. Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững a. Nuôi trồng thủy sản nước mặn

- Quy hoạch diện tích, đối tượng, loại hình nuôi trồng tập trung theo vùng nuôi.

- Năng suất, sản lượng theo phương thức nuôi và theo nhóm nuôi trồng.

- Nhu cầu giống, thức ăn.

- Quản lý môi trường vùng nuôi.

- Nhu cầu lao động nuôi trồng thủy sản.

b. Nuôi trồng thủy sản nước lợ

- Quy hoạch diện tích, đối tượng, loại hình nuôi trồng tập trung theo vùng nuôi.

- Năng suất, sản lượng theo phương thức nuôi và theo nhóm nuôi trồng.

- Nhu cầu giống, thức ăn.

- Quản lý môi trường vùng nuôi.

- Nhu cầu lao động nuôi trồng thủy sản.

c. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt

- Quy hoạch diện tích, đối tượng, loại hình nuôi trồng tập trung theo vùng nuôi.

- Năng suất, sản lượng theo phương thức nuôi và theo nhóm nuôi trồng.

- Nhu cầu giống, thức ăn.

- Quản lý môi trường vùng nuôi.

- Nhu cầu lao động nuôi trồng thủy sản.

4.2.3. Chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản

- Cơ cấu nguồn nguyên liệu cho chế biến.

- Số cơ sở chế biến, quy mô công suất chế biến/cơ sở (định hướng theo quy hoạch của ngành Công Thương).

- Cơ cấu mặt hàng chế biến.

- Thị trường tiêu thụ: thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu.

- Nhu cầu lao động.

4.2.4. Phát triển nghề cá với khu du lịch biển

4.2.5. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ phát triển sản xuất thủy sản

* Cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, tiêu thụ sản phẩm thủy sản

- Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá, chợ cá.

- Quy hoạch hệ thống cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền.

- Quy hoạch khu chế biến hải sản.

- Quy hoạch nhà máy sản xuất nước đá chuyên cho bảo quản thủy sản

* Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung

- Quy hoạch hạ tầng giao thông, điện đến vùng nuôi trồng.

- Quy hoạch hệ thống cấp thoát nước, đê bao phục vụ nuôi trồng.

- Quy hoạch hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường vùng .

- Quy hoạch hệ thống sản xuất và cung cấp giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản.

* Hạ tầng phục vụ khác

- Hệ thống kiểm tra, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm khi nguyên liệu đưa về nhà máy chế biến hoặc nơi tiêu thụ (máy móc, phương tiện, thiết bị...).

- Hệ thống kiểm tra, quản lý chất lượng giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản (máy móc, phương tiện, thiết bị...).

- Hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh (máy móc, phương tiện, thiết bị...).

- Hệ thống dịch vụ kỹ thuật, khuyến ngư...

4.2.6. Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản

- Về khai thác thủy sản

- Về nuôi trồng thủy sản (nước ngọt, lợ, mặn).

- Về chế biến thủy sản

- Về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản

4.3. Định hướng phát triển ngành thủy sản đến năm 2030

- Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Nuôi trồng thủy sản.

- Chế biến và tiêu thụ thủy sản.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thủy sản.

- Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản.

5. Các chương trình, dự án ưu tiên

5.1. Các chương trình ưu tiên

- Nội dung chương trình.

- Mục tiêu của chương trình.

- Khái toán nhu cầu vốn đầu tư chương trình.

- Thời gian thực hiện chương trình.

- Cơ quan quản lý chương trình.

5.2. Các dự án ưu tiên

- Nội dung, địa bàn đầu tư.

- Quy mô dự án.

- Khái toán nhu cầu vốn đầu tư.

- Thời gian thực hiện dự án.

- Chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

6.1. Giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển.

6.2. Giải pháp về giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản.

6.3. Giải pháp về khoa học công nghệ.

6.4. Giải pháp quản lý và giám sát môi trường, dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

6.5. Giải pháp về hoạt động khuyến ngư, kiểm ngư.

6.6. Giải pháp về tổ chức sản xuất, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

6.7. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

6.8. Giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất và sắp xếp các khu dân cư nghề cá theo hình thức văn minh, hiện đại.

6.9. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư

6.10. Giải pháp về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

6.11. Tăng cường quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản.

6.12. Tổ chức thực hiện: Trách nhiệm các sở, ngành, và các địa phương có liên quan.

7. Nhu cầu vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư

7.1. Nhu cầu vốn đầu tư

7.1.1. Tổng vốn đầu tư

- Vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

- Vốn đầu tư phát triển sản xuất (khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản (ngọt, lợ, mặn), chế biến thủy sản.

- Vốn đầu tư khác.

7.1.2. Phân theo nguồn vốn cho từng hạng mục đầu tư

- Ngân sách nhà nước.

- Vốn vay tín dụng.

- Vốn huy động từ các thành phần kinh tế.

- Nguồn khác (tài trợ, viện trợ...).

7.1.3. Phân theo giai đoạn đầu tư

- Giai đoạn 2012 - 2015.

- Giai đoạn 2016 - 2020.

7.2. Hiệu quả đầu tư

7.2.1. Hiệu quả kinh tế

7.2.2. Hiệu quả xã hội

7.2.3. Hiệu quả về môi trường.

Phần IV: Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch.