Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 58/2005/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 08 tháng 03 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG, BẢO VỆ THỰC VẬT, THÚ Y TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÃM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND&UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQHII ngày 29/4/2004; Pháp lệnh Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 và Quy định về công tác khuyến nông ban hành theo Nghị định số 13/CP ngày 02/3/1 993 của Thủ tướng Chính phủ;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bảo vệ thực vật, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông; Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

T/M. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG, BẢO VỆ THỰC VẬT, THÚ Y TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2005/QĐ-UB ngày 08/03/2005 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng )

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Qui chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị sau:

1/ - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng.

2/- Trung tâm Khuyến Nông, Chi cục Bảo vệ Thực vật, Chi cục Thú y ( gọi chung là cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh).

3/- uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (gọi chung là UBND cấp huyện ).

4/- Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoặc Phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp các huyện, TX Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt ( gọi chung là phòng Nông nghiệp cấp huyện).

5/- Trung tâm Nông nghiệp huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (gọi chung là trung tâm Nông nghiệp huyện).

Điều 2: Việc phối hợp hoạt động được tiến hành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế trong từng thời gian, lĩnh vực cụ thể.

Điều 3: Mục đích của Quy chế:

1/- Đảm bảo hoạt động thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị quy định tại điều 1 quy chế này, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y theo quy định của pháp luật.

2/- Tăng cường sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND cấp huyện về lĩnh vực khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Chương II

MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 4: Mối quan hệ phối hợp hoạt động công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y được xác lập căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị:

1/- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm:

1 1/ - Chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực ngành đối với các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh; chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các phòng Nông nghiệp cấp huyện, các trung tâm Nông nghiệp huyện, các trạm huyện.

1 2/- Tổ chức thẩm định, kiểm tra nghiệm thu, đánh giá các dự án, chương trình trọng tâm từ nguồn vốn ngân sách (Trung ương, tỉnh) hoặc vốn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực khuyến nông, thú y, báo vệ thực vật do các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh trực tiếp triển khai trên địa bàn tỉnh.

1 3/- Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh động vật, thực vật tại địa phương.

2/- UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

2. 1/- Chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực ngành đối với phòng Nông nghiệp.

2.2/- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện qui chế phối hợp này đối với phòng Nông nghiệp, trung tâm Nông nghiệp.

2.3/- Chỉ đạo phòng Nông nghiệp huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông tại địa phương.

2.4/- Chỉ đạo trung tâm Nông nghiệp huyện tham gia, phối hợp với Thanh tra viên chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo pháp lệnh Thú y Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn.

3/- Các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh có trách nhiệm:

3.1/- Chỉ đạo chuyên môn đối với các Trung tâm Nông nghiệp huyện. Phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thú y, bảo vệ thực vật tại địa phương.

3.2/- Triển khai các chương trình, dự án, các đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật tại các địa phương. Việc tổ chức thực hiện, nghiệm thu đánh giá chương trình, dự án phải thông báo cho Chủ tịch UBND cấp huyện biết; đồng thời chủ trì, phối hợp với phòng Nông nghiệp cấp huyện, các trung tâm Nông nghiệp huyện để triển khai thực hiện. Đơn vị tham gia có trách nhiệm phối hợp, thảo luận và cung cấp số liệu để phục vụ cho dự án, đề tài nghiên cứu khoa học.

3.3/- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề có liên quan: Đơn vị chủ trì tổ chức có yêu cầu phối hợp thì chủ động mời các đơn vị liên quan tham gia.

4/- Phòng Nông nghiệp cấp huyện có trách nhiệm:

4.1/- Tham mưu giúp UBND cấp huyện trong công tác quản lý Nhà nước và giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với trung tâm Nông nghiệp huyện về công tác khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật tại địa phương.

4.2/- Thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu đánh giá việc thực hiện kế hoạch hàng năm, phương án, chương trình, dự án, mô hình trình diễn trong lĩnh vực khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật do trung tâm Nông nghiệp huyện triển khai tại địa phương.

4.3/- Phối hợp với Thanh tra chuyên ngành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại địa phương về lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật, với các nội dung trọng tâm về quản lý cây con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; phòng chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi; kiểm dịch động vật, thực vật; kiểm soát giết mổ).

5/- Các trung tâm Nông nghiệp huyện có trách nhiệm:

5.1/- Triển khai các chương trình công tác ở các xã, phường, thị trấn theo kế hoạch hoặc đột xuất; việc tổ chức thực hiện, nghiệm thu đánh giá chương trình, mô hình, dự án phải thông báo cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó biết, đồng thời phối hợp với phòng Nông nghiệp cấp huyện để triển khai tổ chức thực hiện.

5.2/- Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh triển khai các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện.

5.3/- Phối hợp với Thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ theo Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

5.4/- Việc triển khai tổ chức thực hiện các mô hình trình diễn, các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề tại địa phương phải có ý kiến thống nhất của Phòng Nông nghiệp cấp huyện về nội dung, địa điểm.

5.5/- Đối với hội thảo, tập huấn về nông dược, giống mới do cơ quan, đơn vị cấp huyện tổ chức triển khai tại địa phương, thì phải báo cáo và được cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh thống nhất nội dung trước khi thực hiện.

Điều 5: Chế độ báo cáo:

1/ Các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình. hoạt động và kế hoạch công tác; định kỳ vào cuối tháng, quý, năm.

2/- Các phòng Nông nghiệp cập huyện báo cáo UBND cấp huyện sở tại và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình chỉ đạo hoạt động trong lĩnh vực khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật trên địa bàn; định kỳ vào cuối quý năm.

3/- Các trung tâm Nông nghiệp huyện báo cáo uỷ ban Nhân dân, phòng Nông nghiệp cấp huyện về tình hình hoạt động và kế hoạch công tác định kỳ vào cuối tháng, quý, năm. Báo cáo với các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh định kỳ vào cuối quý, năm.

4/- Riêng các báo cáo chuyên môn khác như báo cáo điều tra dự tính, dự báo dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; báo cáo tình hình triển khai IPM... thực hiện theo qui định chuyên ngành.

5/- Đối với những trường hợp phát sinh dịch bệnh hoặc những tình huống đột xuất khác thì phải báo cáo ngay với uỷ ban Nhân dân, phòng Nông nghiệp cấp huyện và cho các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Điều 6: Chế độ họp giao ban:

1/- Họp giao ban với các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì. Thành phần gồm các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, các phòng Nông nghiệp cấp huyện, các trung tâm Nông nghiệp huyện. Thời gian theo định kỳ vào cuối quí, năm.

2/- Họp giao ban theo chuyên ngành cấp tỉnh với các trung tâm Nông nghiệp huyện do cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh chủ trì. Thời gian theo định kỳ vào cuối quí, năm.

3/- Họp giao ban các cơ quan, đơn vị cấp huyện uỷ ban Nhân dân cấp huyện chủ trì. Thành phần gồm phòng Nông nghiệp cấp huyện, các trung tâm Nông nghiệp huyện. Thời gian theo định kỳ vào cuối tháng, quí, năm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Chủ tịch UBND cấp huyện triển khai thực hiện, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì chưa phù hợp hoặc phát sinh mới thì các cơ quan, đơn vị kịp thời kiến nghị thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.