Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5887/2003/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2003 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH KIỂM DỊCH Y TẾ QUỐC TẾ ĐỐI VỚI KHÁCH NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH TRONG THỜI GIAN DIỄN RA ĐẠI HỘI THỂ THAO CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ 22 (SEA GAMES 22) VÀ ĐẠI HỘI THỂ THAO NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ 2 (ASEAN PARAGAMES 2) TẠI VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 41/1998/NĐ-CP ngày 11/6/1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ Kiểm dịch y tế biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Điều lệ Kiểm dịch y tế biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Chỉ thị số 10/2003/CT-TTg ngày 14/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chuẩn bị, phục vụ Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN Paragames 2);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy trình kiểm dịch y tế quốc tế đối với khách nhập cảnh, xuất cảnh trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN Paragames 2) tại Việt Nam”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3: Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng của các tỉnh có kiểm dịch y tế quốc tế, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế của các thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Trần Thị Trung Chiến

 

QUY TRÌNH

KIỂM DỊCH Y TẾ QUỐC TẾ ĐỐI VỚI KHÁCH NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH TRONG THỜI GIAN DIỄN RA ĐẠI HỘI THỂ THAO CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ 22 (SEA GAMES 22) VÀ ĐẠI HỘI THỂ THAO NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ 2 (ASEAN PARAGAMES 2) TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5887/2003/QĐ-BYT ngày 12/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Để tăng cường các họat động kiểm dịch y tế quốc tế trong thời gian diễn ra SEA Games 22, ASEAN Paragames 2 một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác, tránh ách tắc, văn minh và lịch sự. Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy trình kiểm dịch như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Công tác chuẩn bị:

1.1 Chuẩn bị về nhân lực:

- Tăng cường cán bộ làm trực tiếp công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu, phối hợp với các lực lượng tại các cửa khẩu chuẩn bị triển khai kiểm dịch y tế cho hành khách nhập, xuất cảnh.

- Phân công, phân ca trực kiểm dịch cụ thể cho các cán bộ kiểm dịch.

- Có kế hoạch chủ động tăng cường thêm ngay các bàn kiểm dịch ở cửa khẩu để đáp ứng khi lượng khách đến quá đông.

- Quán triệt tinh thần, thái độ cho cán bộ kiểm dịch khi thực hiện nhiệm vụ phải nghiêm túc, đảm bảo nhanh gọn, đầy đủ và chính xác, tránh ách tắc.

1.2 Chuẩn bị về chuyên môn – kỹ thuật;

- Lập kế hoạch bố trí các bàn kiểm dịch, các dãy phân luồng cho khách nhập cảnh qua các bàn làm thủ tục kiểm dịch.

- Huy động các phương tiện, thiết bị kỹ thuật giám sát, dụng cụ đo thân nhiệt, các kỹ năng giám sát các bệnh phải kiểm dịch, bệnh SARS.

- Chuẩn bị các phòng cách ly bệnh nhân tại cửa khẩu để cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải kiểm dịch, bệnh SARS tại cửa khẩu.

1.3 Chuẩn bị vật tư, thuốc. hóa chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển: Lập kế hoạch bố trí phương tiện vận chuyển cấp cứu tại cửa khẩu để đảm bảo việc vận chuyển bệnh nhân cần cách ly về các cơ sở điều trị đã được chuẩn bị.

1.4 Chuẩn bị sẵn sàng các máy phun, hóa chất tiệt trùng, phương tiện phòng hộ cá nhân để tiệt trùng kịp thời máy bay, tầu hỏa, tầu thủy, ôtô khi các phương tiện đó đã chuyên chở trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải kiểm dịch, bệnh SARS nhập cảnh Việt Nam.

2. Đảm bảo vệ sinh môi trường, nước và thực phẩm phục vụ khách nhập cảnh:

- Phun hóa chất diệt muỗi, bọ chét, diệt chuột tại các sân bay, cửa khẩu đường thủy, đường bộ, đường sắt.

- Kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt, kiểm tra vệ sinh các khu vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phục vụ cho hành khách tại các cửa khẩu.

3. Tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ kiểm dịch:

Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện ngay quy trình kiển dịch cho các các bộ kiểm dịch.

4. Thông tin báo cáo:

- Phân công cán bộ chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo các hoạt động kiểm dịch để các đơn vị liên quan tiện liên hệ.

- Chuẩn bị biểu mẫu thống kê, báo cáo theo quy định.

5. Thủ tục kiểm dịch và giải quyết các tình huống phải đảm bảo nguyên tắc nhanh, chính xác, đầy đủ, không gây ùn tắc và trở ngại cho khách nhập cảnh, xuất cảnh.

B. QUY TRÌNH VIỆC THỰC HIỆN KIỂM DỊCH Y TẾ BIÊN GIỚI

Phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 41/1998/NĐ-CP ngày 11/6/1998 của Chính phủ ban hành Điều lệ Kiểm dịch Y tế biên giới và Thông tư số 10/1998/TT-BYT ngày 10/8/1998 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Điều lệ Kiểm dịch y tế biên giới và phải thực hiện theo các quy định sau:

1. Đối với cửa khẩu hàng không:

- Hướng dẫn khách nhập cảnh đi thứ tự theo phân luồng đã được quy định để tiến hành làm các thủ tục kiểm dịch.

- Đo nhiệt độ cơ thể của khách nhập cảnh để phát hiện người có sốt.

- Đề nghị khách nhập cảnh thực hiện đầy đủ việc khai báo tờ khai kiểm dịch y tế đối với người nhập, xuất cảnh Việt Nam.

- Quan sát thể trạng người nhập cảnh để phát hiện người nghi ngờ mắc các bệnh cần phải kiểm dịch, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh SARS, hỏi bổ sung thông tin về bệnh nếu cần thiết.

- Nếu không phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, nhanh chóng cho khách nhập cảnh làm tiếp các thủ tục nhập cảnh khác. Phát tờ rơi cho khách nhập cảnh biết cách phát hiện một số bệnh cần phải cách ly như SARS, Cúm và các biện pháp phòng tránh, địa chỉ cơ sở y tế để được tư vấn và cách ly, điều trị khi có dấu hiệu nghi ngờ.

- Nếu phát hiện trường hợp sốt >=380C hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh phải kiểm dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh SARS thì thực hiện các biện pháp xử lý như sau:

+ Cách ly đối tượng tại phòng cách ly trong khu vực cửa khẩu, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế bằng phương tiện vận chuyển chuyên dụng để khám, chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời. Vào sổ theo dõi số khách cùng đoàn, cùng phương tiện.

+ Xử lý tầu bay chở đối tượng nghi ngờ, các chất thải của đối tượng, dụng cụ chứa đựng chất thải của đối tượng theo quy định hiện hành.

+ Thông tin, báo cáo cụ thể, kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế và báo cáo vượt cấp lên Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS), các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vệ sinh dịch Tễ Tây Nguyên, Pasteur Nha Trang, Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (bằng điện thoại, fax, e-mail).

2. Đối với cửa khẩu đường sắt:

- Các quy trình kiểm dịch thực hiện như quy trình kiểm dịch cửa khẩu hàng không.

- Xử lý tầu hỏa chở đối tượng nghi ngờ, các chất thải, dụng cụ chứa dựng chất thải của đối tượng, các trung gian truyền bệnh theo quy định hiện hành.

3. Đối với cửa khẩu đường bộ:

- Các quy trình kiểm dịch thực hiện như quy trình kiểm dịch ở cửa khẩu hàng không.

- Xử lý phương tiện chuyên chở đối tượng nghi ngờ, các chất thải, dụng cụ chứa dựng chất thải của đối tượng, trung gian truyền bệnh theo quy định hiện hành.

4. Đối với cửa khẩu đường thủy:

- Các quy trình kiểm dịch thực hiện như quy trình kiểm dịch cửa khẩu hàng không.

- Xử lý tầu thủy chở đối tượng nghi ngờ, các chất thải, dụng cụ chứa dựng chất thải của đối tượng, các trung gian truyền bệnh theo quy định hiện hành.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế biên giới có trách nhiệm tập huấn, thông tin tài liệu này tới các cán bộ kiểm dịch thực hiện Quy trình này. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiệm nghiêm chỉnh Quy trình này.

2. Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế biên giới trực tiếp làm việc với các đơn vị hữu quan tại cửa khẩu để phối hợp triển khai thực hiện Quy trình này.

3. Hàng ngày các đơn vị kiểm dịch ở các cửa khẩu báo cáo tình hình khách nhập cảnh vào Việt Nam về Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế của tỉnh, thành phố (số lượng khách phân theo nước xuất phát, và các hoạt động kiểm dịch đã triển khai). Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần phải kiểm dịch,  bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh SARS thì báo cáo cụ thể trường hợp mắc và các đối tượng tiếp xúc cho Sở Y tế, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS), các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vệ sinh dịch Tễ Tây Nguyên, Pasteur Nha Trang, Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (bằng điện thoại, fax, e-mail)./.