Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 596/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 10 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ LỘ TRÌNH XÓA BỎ LÒ GẠCH THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Căn cứ Quyết định số 2895/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Vật liệu xây dựng tỉnh Cao Bằng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 286/TTr-SXD ngày 04 tháng 5 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, Thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như điều 3;
- Bộ XD (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Huyện ủy các huyện;
- VP: các PCVP, các CV, TT Công báo;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD (Hxd).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Anh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ LỘ TRÌNH XÓA BỎ LÒ GẠCH THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, như sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) để thay thế gạch đất sét nung nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển sản xuất và sử dụng loại VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 25-30% vào năm 2015 và 35-40% vào năm 2020.

- Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ra khỏi các khu vực Thị xã, thị trấn năm 2013 và hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2015.

II. Định hướng phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây đến năm 2020:

- Dự báo nhu cầu vật liệu xây tỉnh Cao Bằng đến năm 2020 (Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Cao Bằng đến năm 2020):

 

Đơn vị

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

- Vật liệu xây

Nhu cầu trung bình

tr. Viên

122 - 130

126

210 - 226

218

264 - 280

272

- Dự kiến sản lượng vật liệu xây trên địa bàn tỉnh đến năm 2020:

Đơn vị tính: triệu viên

Giai đoạn

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

Vật liệu xây

Sản lượng

Tỷ lệ

Sản Iượng

Tỷ lệ

Sản lượng

Tỷ lệ

121

100%

218

100%

272

100%

Gạch Tuynel+gạch lò đứng liên tục

61,3

51%

153

70%

171

63%

Gạch thủ công

25,7

21%

-

-

-

-

Gạch không nung

34

28%

65

30%

101

37%

1. Đối với vật liệu xây bằng gạch không nung:

a) Về chủng loại sản phẩm:

Phát triển sản xuất gạch xi măng - cốt liệu, gạch nhẹ (Bê tông bọt + Chưng khí áp AAC) và các gạch xây không nung khác như: đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát... sản lượng và tỷ lệ theo bảng sau:

- Dự kiến sản lượng gạch không nung:

Đơn vị tính: triệu viên

Giai đoạn

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

Vật liệu xây

Sản lượng

Tỷ lệ

Sản lượng

Tỷ lệ

Sản lượng

Tỷ lệ

34

100%

65

100%

101

100%

Gạch xi măng - cốt liệu

34

100%

47

72%

71

70%

Gạch nhẹ

-

-

8

13%

15

15%

Gạch khác

-

-

10

15%

15

15%

- Dự kiến số dây chuyền sản xuất gạch không nung:

Đơn vị tính: dây chuyền

STT

Loại dây chuyền

Giai đoạn

2011-2015

2016-2020

1

Gạch xi măng - cốt liệu

70-80

80-90

2

Gạch nhẹ

1-2

1-3

3

Gạch khác

1-2

2-3

b) Về công nghệ và quy mô công suất:

Phát triển sản xuất VLXKN từ các nguyên liệu như xi măng, đá mạt, cát tự nhiên, cát nhân tạo,... theo hướng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương.

c) Sử dụng vật liệu xây dựng không nung:

- Các công trình sử dụng vốn Nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học,... bắt buộc phải sử dụng VLXKN.

- Từ năm 2013, các công trình nhà cao tầng (từ 7 tầng trở lên) không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng VLXKN, đặc biệt là gạch không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3) phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây.

2. Đối với Vật liệu xây bằng gạch đất sét nung:

- Đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường; Phát triển sản xuất gạch tuynen quy mô lớn nên tập trung ở những mỏ sét lớn, đủ tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung.

- Đối với các huyện ở vùng sâu, vùng xa, nhu cầu gạch xây không tăng đột biến, trữ lượng sét không lớn, sẽ chuyển đổi từ lò nung thủ công sang lò đứng nung liên tục, hoặc các lò tuynen công suất nhỏ hơn.

3. Lộ trình xóa bỏ gạch thủ công:

Rà soát và tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch thủ công hiện nay để chuyển sang công nghệ lò tuynen, hoặc các công nghệ tiên tiến khác bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường của Việt Nam. Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ra khỏi các khu vực:

- Thị xã, thị trấn vào năm 2013.

- Trên địa bàn tỉnh vào năm 2015.

III. Giải pháp thực hiện:

1. Các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế: nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp và các hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành (Quyết định số 1498/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2007 của UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Thông tư 201/2010/TT-BTC ngày 13 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để phục vụ dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên;…).

2. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở sản xuất với quy mô công suất hợp lý, công nghệ tiên tiến; đa dạng hóa về kích thước sản phẩm phù hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng với đáp ứng yêu cầu về chất lượng, khuyến khích sử dụng VLXKN vào công trình.

3. Nghiêm cấm sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói, tăng thuế tài nguyên đất sét làm VLXD.

4. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ thể trong hoạt động xây dựng và mọi người dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN, đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung trong tỉnh. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

- Tổ chức quản lý, thực hiện, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Cao Bằng đến năm 2020 phù hợp với Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng việc phát triển VLXKN từng bước thay thế gạch đất sét nung.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vật liệu xây không nung trong xây dựng các công trình có sử dụng ngân sách nhà nước ngay từ khâu lập dự án đầu tư và thiết kế. Đôn đốc, nhắc nhở, giám sát việc thực hiện, phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì cùng các ngành liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định.

- Định kỳ đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch ngói đất sét nung.

- Xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm diện tích khu vực phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có các vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có gạch thủ công, phải căn cứ theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và các quy định có liên quan khác của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Sở Tài chính:

- Kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm Quyết định số 2311/2010/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2010 ban hành quy định kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

- Rà soát trình HĐND tỉnh quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch lên mức tối đa.

5. Sở Công Thương:

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xử lý các vi phạm kinh doanh, mua bán đất làm gạch không có chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, không phù hợp với quy hoạch được duyệt.

- Không sử dụng kinh phí khuyến nông hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Hướng dẫn việc triển khai chính sách đầu tư đổi mới công nghệ và các cơ chế ưu đãi về khoa học và công nghệ đối với các tổ chức các nhân thực hiện đầu tư sản xuất VLXKN. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

- Không sử dụng vốn khoa học hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng.

7. Công an Tỉnh:

Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát trật tự, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng, Quản lý thị trường, các huyện, Thị xã kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc kinh doanh vật liệu xây dựng và các quy định có liên quan khác của Ủy ban nhân dân tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, Thị xã:

8.1 Xây dựng lộ trình thực hiện xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn, đề xuất phương án xử lý, giải tỏa lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế giải tỏa lò gạch thủ công theo đúng lộ trình đã quy định.

8.2 Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, trong đó có gạch thủ công, phải căn cứ theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và các quy định có liên quan khác của Ủy ban nhân dân tỉnh.

8.3 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thay thế dần gạch nung bằng vật liệu xây không nung. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn.

8.4 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

8.5 Căn cứ Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương:

- Nghiên cứu, đề xuất, xác định các vùng dự kiến quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel ứng dụng công nghệ xử lý khói thải để đáp ứng nhu cầu gạch xây thay thế gạch thủ công và tạo việc làm cho người lao động.

- Dự kiến quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có vật liệu xây không nung thay thế vật liệu nung. Xây dựng, đưa vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng trong đó có các vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói.

9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- Nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát thực tế và tổng hợp, báo cáo UBND các huyện, Thị xã về tình hình sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công trên địa bàn.

- Không cho phép ký hợp đồng mới, gia hạn hợp đồng về sản xuất gạch bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường tại địa phương; Nghiêm cấm sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch, ngói.

- Căn cứ vào Kế hoạch này, UBND các huyện, Thị xã xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng./.