Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5997/QĐ-UBND

TPHCM, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY, GIỐNG CON CHẤT LƯỢNG CAO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1737/TTr-SNN-NN ngày 17 tháng 11 năm 2011 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì và Thường trực của Chương trình để tham mưu, tổng hợp và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở - ngành, quận - huyện có liên quan triển khai thực hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sản xuất nông nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, các doanh nghiệp lập chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quận - huyện và Sở, ngành liên quan cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, dự toán chi ngân sách hàng năm đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015.

- Giao Sở Khoa học và Công nghệ xét duyệt, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp thành phố phục vụ Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp và nông thôn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở - ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; - Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: PVP/CNN, ĐTMT, VX, TM;
- Phòng CNN, ĐTMT, ĐT, VX,
TCTMDV, THKH;
- Lưu:VT; (CNN-M) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

CHƯƠNG TRÌNH

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY, GIỐNG CON CHẤT LƯỢNG CAO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5997 /QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY, GIỐNG CON CHẤT LƯỢNG CAO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY, GIỐNG CON CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Đối với giống vật nuôi:

- Giống heo: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ môn Di truyền giống Trường Đại học Nông Lâm ứng dụng phương pháp BLUP để cải thiện chất lượng đàn heo của thành phố trên các trại quốc doanh và một số trang trại, nhiều chỉ tiêu kỹ thuật đã được cải thiện như: số lứa đẻ/nái/năm tăng 10% so với năm 2005, trọng lượng heo từ sơ sinh đến xuất chuồng là 169 ngày (giảm 14 ngày so với năm 2005), giảm bề dày mỡ lưng xuống còn 10,98 mm (giảm 21,6% so với năm 2005), nâng sản lượng thịt lên 3.609 tấn, tương ứng với giá trị 230,5 tỷ đồng. Hàng năm, thành phố đã sản xuất và cung cấp ra thị trường bình quân trên 900.000 heo con giống các loại và gần 1.000.000 liều tinh heo giống cho thành phố và nhiều tỉnh, thành khác.

Giống bò sữa: Thường xuyên khuyến cáo người dân tái cải tạo đàn bò sữa, mạnh dạn loại thải, giữ lại những con có năng suất cao, tổ chức bình tuyển, lập lý lịch; thống nhất sử dụng chung mã số đánh dấu trên đàn bò sữa cho công tác quản lý giống và quản lý sức khỏe, dịch tễ và sử dụng các dòng tinh cao sản nhiệt đới có nguồn gốc từ Mỹ, Canada, Newzeland, Israel... Đến cuối năm 2010, đã tổ chức giám định bình tuyển 67.021 con, trong đó 80% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hàng năm cung cấp bình quân 5.000 - 5.500 con giống cho thị trường thành phố và các tỉnh.

Chất lượng con giống được cải thiện như: tuổi phối giống lần đầu là 486 ngày (giảm 40 ngày so với năm 2006); hệ số phối bình quân là 3,56 lần/con (giảm 0,68 lần phối so với năm 2006); khoảng cách 2 lứa đẻ là 444 ngày (giảm 46 ngày so với năm 2006); trọng lượng bê sơ sinh 32 - 34 kg; trọng lượng bê 12 tháng tuổi đạt 216 kg - 222 kg; năng suất sữa đạt 5.787 kg/con/năm. Tổng sản lượng sữa hàng hóa giai đoạn 2006 - 2010 là 978.876 tấn, với tổng giá trị là 6.630 tỷ đồng, góp phần nâng tỷ lệ tự cung ứng nguyên liệu trong nước lên 24,7%, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu sữa nguyên liệu 318.000.000 USD.

Giống vật nuôi khác:

+ Giống bò thịt: Trên cơ sở đàn giống bò thịt thuần của Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố với hơn 1.000 con giống Brahman và Drought Master, đã nhân giống và lai tạo với tổng đàn 2.540 con. Hiện nay, giống bò thịt có tỷ lệ thịt xẻ cao từ 59 - 64%, trọng lượng hơi từ 420 - 650 kg/con, đã thích nghi với khí hậu thành phố; cung ứng 756 con giống bò thịt cho người chăn nuôi ở thành phố, các tỉnh và Lào.

+ Giống dê: Có 2 đơn vị chính sản xuất và cung ứng con giống, con thương phẩm cho thị trường thành phố và các tỉnh là Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa thành phố và Trại dê giống Bình Hưng - Bình Chánh, với tổng đàn 2.534 con (Boer thuần, boer lai, bách thảo, bách thảo lai), đã thích nghi được với khí hậu tại thành phố, kháng bệnh tốt, trọng lượng trưởng thành đạt 90 - 130 kg ở con đực và 80 - 100 kg ở con cái.

Cá sấu: Tổng đàn cá sấu của thành phố đạt 158.255 con (đạt 201,5% so với cùng kỳ năm 2005), trong đó cá sấu bố mẹ chiếm 73,18% tổng đàn. Đã gắn trên 11.825 thẻ CITES phục vụ cho xuất khẩu. Có trên 60 doanh nghiệp và cơ sở đăng ký gây nuôi cá sấu hoạt động trên địa bàn thành phố.

2. Đối với giống cây trồng:

Thành phố có 37 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống (đính kèm Phụ lục 1), trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 97,73% (tăng 8,26% so với năm 2005).

Từ năm 2006 đến nay, các doanh nghiệp giống đã nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất 53 giống mới (đính kèm Phụ lục 4), trong đó có 35 giống rau; 6 giống bắp; 8 giống dưa hấu; 4 giống lúa. Những giống mới đưa vào sản xuất đều có sự cải thiện về năng suất, chất lượng, khả năng kháng sâu bệnh và nhiều đặc tính tiến bộ hơn so với các giống cũ. Hàng năm, thành phố sản xuất trên 8.000 tấn hạt giống các loại đáp ứng cho nhu cầu thị trường, riêng năm 2010 là 12.678 tấn, tăng 496% so với năm 2005, lượng hạt giống xuất khẩu cũng tăng 314,4% so với năm 2005, đặc biệt tăng đối với hạt giống rau. Từ năm 2006 - 2010, ước tính lượng giống do các công ty giống cung cấp cho thành phố và các tỉnh trong cả nước trên 4.000.000 ha gieo trồng. Đây là kết quả của nhiều năm chuẩn bị nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo và đưa vào sản xuất với sự tham gia của các doanh nghiệp, Viện, Trường.

Hoa lan: Chủng loại hoa lan trồng tại thành phố khá phong phú, gồm Mokara, Dendrobium, Catlleya, Vanda, Phalaenopsis, Oncidium, trong đó 2 giống lan chủ lực là Mokara, Dendrobium. Hàng năm, các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà vườn đã chủ động nhân một số giống hoa lan có giá trị kinh tế, để mở rộng diện tích hoa kiểng trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Lượng giống thành phố cung cấp khoảng 500.000 cây giống cấy mô và 430.000 - 450.000 cây giống lan nhân giống vô tính, đáp ứng 40% nhu cầu giống để phát triển sản xuất của thành phố. Giá trị sản xuất hoa, cây kiểng năm 2010 đạt 456,44 tỷ đồng (tăng 386,64% so với năm 2005).

Cùng với việc ứng dụng giống mới, thành phố cũng rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn những giống hoa kiểng bản địa, đã sưu tập 360 giống lan và hơn 100 giống lan rừng với nhiều giống quý hiếm.

- Rau: đã thử nghiệm tính thích nghi 107 giống rau và khuyến cáo, chuyển giao cho nông dân sử dụng 31 giống rau mới. Việc chuyển giao các giống rau mới, cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp, đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng rau. Diện tích sản xuất rau có sử dụng giống F1 tăng từ 2.748 ha (chiếm 32,2%) năm 2005, lên 9.785 ha (chiếm 75,3%) năm 2010; năng suất rau thương phẩm bình quân đạt 22 tấn/ha (tăng 17,04% so với năm 2005), nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng rau, thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm (tăng gấp 117% so với năm 2006).

3. Đối với giống cây lâm nghiệp:

Từ năm 2006 - 2010, số lượng cây giống lâm nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố trên 190 triệu cây, trong đó các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất chiếm 71,25%, số còn lại do các cá nhân và hộ gia đình sản xuất. Riêng Chi Cục Lâm nghiệp đã sản xuất 1.282.371 cây giống phục vụ cho nhu cầu trồng cây phân tán của các đơn vị trên địa bàn thành phố, nâng độ che phủ rừng và mảng cây xanh lên 39,2%. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 25 tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trong đó có 5 đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp với tổng diện tích vườn ươm là 5,85 ha và 20 hộ gia đình (giảm 30% so với năm 2005). Hàng năm các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã đưa nhiều giống cây lâm nghiệp cao sản, có giá trị kinh tế vào sản xuất như: Công ty cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Nam bộ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô 2 dòng bạch đàn nhập từ Trung Quốc (dòng U6 và congo) và các giống Keo lai (nguồn của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), các dòng: BV10, BV16, BV32, BV33, BV73, BV75; Keo lá tràm dòng BVlt84 và BVlt85.

4. Đối với giống thủy sản:

- Giống tôm: có 26 trại thuần dưỡng tôm thẻ giống và 01 cơ sở sản xuất tôm sú giống, đã sản xuất 110 triệu con và thuần dưỡng 800 triệu con.

- Giống cá: Trung tâm giống thủy sản nước ngọt ở Củ Chi và 24 trại sản xuất giống cá các loại, (tập trung sản xuất giống cá rô phi đỏ và rô phi dòng Gift) đã sản xuất và kinh doanh hơn 1.375 triệu con, cung cấp cho các hộ nuôi khu vực Củ Chi, Hốc Môn, Bình Chánh, Quận 9, khu vực miền Đông Nam Bộ….

- Nhập khẩu giống thủy sản đạt 10.293.310 con, gồm 48.344 con cá cảnh, 1.725.400 con cá nước lợ, mặn, 40.000 con cá nước ngọt; 8.190.000 con nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (sò huyết) và 289.566 con tôm (15.765 con tôm hùm giống, 220.000 con tôm giống và 53.801 con tôm bố mẹ).

- Cá cảnh: Trong năm 2010, sản xuất ước đạt 60 triệu con, tăng 13% so cùng kỳ 2009; số lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 7,765 triệu con (tăng 2,8 lần so với năm 2005), giá trị kim ngạch xuất khẩu cá cảnh ước đạt trên 10 triệu USD, với khoảng 60 loài. Thị trường xuất khẩu chủ yếu cá cảnh Việt Nam là thị trường xuất khẩu: Châu Âu 65 - 70%, kế đến là thị trường Mỹ 17 - 20%... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên cá chép, cá vàng; đến nay đã có 02 doanh nghiệp và 02 cơ sở sản xuất được Cục Thú y cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ. Trong năm 2010, các cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh đã xuất khẩu một số loại cá cảnh khác sang các thị trường Mỹ, Canada và tiếp tục nhận được được đơn đặt hàng vào năm 2011.

II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

- Chương trình giống cây, giống con chất lượng cao đã giúp cải thiện chất lượng đàn giống vật nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đưa vào ứng dụng nhiều giống cây trồng mới: Trong 5 năm qua đã có 31 giống rau mới và 28 giống hoa lan đã được đưa vào sản xuất trên địa bàn thành phố; đồng thời cung cấp giống cây, giống con chất lượng cao, đa dạng chủng loại cho thành phố và nhiều tỉnh trong cả nước, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả; tiếp tục duy trì thế mạnh của thành phố trong vai trò là trung tâm cung ứng giống cho thành phố và cả nước. Đây là khâu quan trọng, làm nền tảng giúp nâng cao hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010. Vì thế, tuy diện tích đất canh tác giảm nhưng lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá cao giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2010 đạt 155 triệu đồng/ha/năm (đạt 239,64% so với năm 2005); giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2010 (theo giá thực tế) đạt 8.906,5 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2006 - 2010, giá trị sản xuất tăng bình quân 6%/năm; GDP tăng bình quân 5%/năm.

- Hình thành hệ thống sản xuất, cung ứng giống hợp lý với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và chuyển giao giống mới. Các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao giống mới vào sản xuất. Đồng thời các doanh nghiệp còn đầu tư sản xuất giống trên địa bàn các tỉnh để đưa về thành phố sơ chế, đóng gói và phân phối.

- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống, đảm bảo kiểm soát chất lượng và an toàn dịch bệnh trên giống cây trồng, vật nuôi.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm công tác giống tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước yêu nghề, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cùng với sự hỗ trợ của các Trường Đại học, Viện nghiên cứu.

Phần II

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết:

- Thủ tướng Chính phủ đã có Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, là cơ sở cho việc xây dựng, triển khai, định hướng phát triển cho ngành giống tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, từ nay đến năm 2020 theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã xác định: “Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, hình thành trung tâm giống cây, giống con, dịch vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến của khu vực và vùng kinh tế trọng điểm”.

- Tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm cung cấp giống chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh thành trong cả nước.

2. Cơ sở pháp lý:

- Quyết định số 2194/QĐ-TTg , ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020.

- Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

- Quyết định số 5930/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

- Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

- Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

II. MỘT SỐ DỰ BÁO TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN GIỐNG CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

1. Những mặt thuận lợi:

- Là trung tâm khoa học, kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ lớn của cả nước, với các doanh nghiệp năng động, có nhiều kinh nghiệm, khả năng đầu tư cao trong nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống.

- Có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm công tác giống có trình độ cao, năng động, yêu nghề.

- Có nền tảng khoa học kỹ thuật với nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống; tiên phong trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ mới.

- Hệ thống dịch vụ cung ứng giống chất lượng cao rộng khắp trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

- Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ; Chính sách ưu tiên phục vụ nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó có chính sách phát triển ngành giống ngày càng được quan tâm.

2. Những khó khăn và hạn chế:

- Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, diện tích đất nông nghiệp của thành phố ngày càng thu hẹp.

- Lao động nông nghiệp giảm dần do chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, dẫn đến giá nhân công tăng cao.

- Trình độ quản lý, làm chủ khoa học công nghệ và trang thiết bị phục vụ cho ngành giống nhìn chung còn lạc hậu so với một số nước trong khu vực; hệ thống tổ chức và năng lực quản lý ngành giống chưa đáp ứng được với phát triển và hội nhập.

- Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, nhu cầu chủng loại giống đa dạng, khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất và cung cấp giống.

- Công tác quản lý nhà nước, khảo nghiệm, kiểm nghiệm chưa bắt kịp với tiến bộ kỹ thuật của ngành giống, mới chỉ dừng ở mức độ hình thái; vì thế mức độ chính xác chưa cao.

- Chuỗi liên kết sản xuất giữa thành phố và các tỉnh chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa tạo được hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

III. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm, định hướng:

- Giữ vững và tiếp tục xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm hàng đầu về sản xuất, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời liên kết với các tỉnh để xây dựng vùng sản xuất giống tập trung, ổn định.

- Tạo những sản phẩm mới theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, di truyền phân tử; áp dụng đồng bộ nghiên cứu, ứng dụng giống mới, các biện pháp thâm canh phù hợp và quản lý sản xuất hữu hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực.

2. Mục tiêu chung:

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng, quản lý, kiểm định giống cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại hoá để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất một cách bền vững.

- Thiết lập hệ thống quản lý giống đồng bộ từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến cơ quan quản lý giống của thành phố; chú trọng quyền tác giả giống, tạo môi trường lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh.

3. Mục tiêu cụ thể:

3.1. Giống vật nuôi chủ yếu:

- Giống heo: Tiếp tục duy trì tổng đàn heo đến năm 2015 là 300.000 con, trong đó heo nái sinh sản 50.000 - 60.000 con (tăng 25% so với giai đoạn 2006 - 2010), trong đó có 2.200 con giống cụ kỵ (GGP), 26.400 con giống ông bà (GP), 316.800 con giống cha mẹ (PS). Hàng năm cung cấp cho thị trường 1.000.000 - 1.200.000 heo con giống các loại.

Đến năm 2015, 100% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn thành phố được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành, trong đó chứng nhận 15 - 20% con giống thuần theo các phương pháp tiên tiến của thế giới (BLUP).

Duy trì thường xuyên việc nghiên cứu tạo dòng, chuẩn hóa các dòng trong hệ thống chọn lọc, xây dựng hệ thống tháp giống, nhân giống, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng con giống.

Phấn đấu, đàn heo đạt các chỉ tiêu kỹ thuật như sau: Tăng trọng bình quân là 750 g/ngày (từ 20 kg đến xuất chuồng); thời gian nuôi từ sơ sinh đến xuất chuồng là 157 - 160 ngày; độ dày mỡ lưng (khi đạt 100 kg thể trọng): 10 mm; tiêu tốn thức ăn: 2,67kg/ngày; số con/nái/năm: 23 con; số lứa đẻ/nái/năm: 2,3 con.

- Giống bò sữa:

Duy trì đàn bò sữa đến năm 2015 là 83.500 con, năng suất sữa đạt bình quân 6.500 kg/con/năm. Trong đó cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 70% và đàn cái vắt sữa chiếm 50% tổng đàn; trong đó xây dựng đàn hạt nhân mở chiếm 2 - 5% tổng đàn bò sữa thành phố có năng suất sữa trên 8.000 kg/con/năm. Hàng năm, cung cấp 1.000 con giống cho thị trường thành phố và các tỉnh.

Kiểm định và chứng nhận chất lượng con giống theo tiêu chuẩn hiện hành. Phấn đấu đến năm 2015, năng suất sữa đạt bình quân 6.200 - 6.500 kg/con/năm; tuổi phối giống lần đầu 15 - 16 tháng; tuổi đẻ lứa đầu 24 - 25 tháng; khoảng cách 2 lứa đẻ 400 - 425 ngày; hệ số phối 2,8 - 3 lần/con.

- Giống bò thịt và dê: Trên cơ sở đàn bò thịt và dê của Công ty TNHH 1TV Bò sữa, tiếp tục nhân đàn giống thuần, tạo các nhóm công thức lai bò thịt phù hợp với điều kiện khí hậu tại Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh.

+ Đối với giống bò thịt: Tạo các nhóm công thức lai phù hợp, trong đó tập trung vào các nhóm giống lai đối với đàn Brahman, Drought Master, 3B. Trọng lượng hơi 600 - 650 kg/con; tỷ lệ thịt xẻ 60 - 65%.

+ Đối với giống dê: tiếp tục nhân đàn giống thuần Boer, Bách Thảo hiện có tại Công ty Bò sữa thành phố. Duy trì tổng đàn khoảng 5.000 con.

- Giống gia cầm: Phát triển đàn gia cầm giống hướng trứng và hướng thịt, với tổng đàn giống gia cầm của thành phố và đầu tư nuôi tại các tỉnh là 137.000 con giống gà GP và PS, để tạo ra 16.000.000 con giống 1 ngày tuổi (trong đó giống hướng trứng là 2.000.000 con, giống hướng thịt lông trắng là 9.000.000 con, giống hướng thịt lông màu là 5.000.000 con)

- Cá sấu: Duy trì đàn giống cá sấu nước ngọt thuần chủng (tên khoa học là Crodylus siamensis), tổng đàn 190.000 con, trong đó con bố mẹ và hậu bị là 20.000 con.

3.2. Giống cây trồng chủ yếu:

Nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, giống xác nhận 80 - 90%. Năng suất cây trồng các loại tăng trên 10 - 15%.

Đưa vào ứng dụng có kiểm soát 2 - 3 giống cây trồng chuyển gen (GMO) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

- Giống rau:

Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo và cung ứng giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường.

Hàng năm, chuyển giao 4 - 5 giống rau mới chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố.

Phục tráng các giống rau địa phương đặc sản có giá trị cao.

Khuyến khích đầu tư mới và nâng cấp những cơ sở giống hiện có để đáp ứng nhu cầu cung cấp giống trên địa bàn thành phố, khu vực và xuất khẩu.

- Giống hoa, cây kiểng:

Tập trung phát triển giống hoa lan Dendrobium và Mokara.

Tiếp tục nhập nội, thuần hoá, đưa vào sản xuất hàng năm trung bình 2 - 3 giống hoa lan mới, 2 - 3 giống hoa nền mới phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời phù hợp cho phát triển đô thị.

Sản xuất giống lan tại chỗ cung ứng 50 - 80% nhu cầu phát triển diện tích hoa lan của thành phố.

Tiếp tục sưu tập, bảo tồn 5 - 10 giống lan/năm (trong đó: lan bản địa 30 - 40%; nhập nội 60 - 70%), giống hoa địa phương để làm nguyên liệu cho công tác chọn tạo giống.

3.3. Giống cây lâm nghiệp:

- Số lượng cây giống sản xuất hàng năm: 40 triệu cây giống.

- Hình thành hệ thống vườn, làng nghề gieo ươm cây giống lâm nghiệp, cung cấp hom giống của một số loài cây trồng rừng chủ yếu phục vụ cho yêu cầu phát triển mảng xanh đô thị Thành phố và các tỉnh.

- Thực hiện tốt quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp (Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

3.4. Giống thủy sản:

- Cá cảnh: 100 triệu con, trong đó phục vụ cho xuất khẩu 20 triệu con, bảo đảm chất lượng để cung cấp cho thành phố và các tỉnh khác.

Nghiên cứu khai thác, thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo một số loài cá tự nhiên dùng làm cá cảnh; nghiên cứu sinh sản nhân tạo một số loài cá cảnh thuộc loài quý hiếm, có giá trị cao (cá dĩa, còm, chạch, thái hổ, neon...)

- Giống thủy sản nước ngọt: Sản xuất giống trê lai, rô phi, rô đồng, tai tượng, ếch; ương các giống cá mè, cá trôi, trắm, chép... với số lượng 1,5-2 tỷ con giống (trong đó rô phi toàn đực: 500 triệu con).

- Giống thủy sản nước mặn lợ:

Hình thành các trung tâm sản xuất giống tôm tại huyện Cần Giờ phục vụ 30 - 50% phát triển sản xuất tại chỗ.

+ Giống tôm thẻ chân trắng: 1,1 tỷ con giống (ương và thuần dưỡng).

+ Giống tôm sú: 880 triệu con giống.

IV. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, sản xuất phát triển giống:

- Duy trì và mở rộng diện tích sản xuất giống cây trồng hiện hữu, ưu tiên áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới vào sản xuất.

- Tập trung xây dựng, mở rộng và đưa vào sử dụng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (diện tích hiện hữu: 88 ha, trong đó diện tích sản xuất giống là 22 ha; dự kiến mở rộng 2 - 3 Khu Nông nghiệp Công nghệ cao), Trung tâm Công nghệ Sinh học.

- Quy hoạch vùng sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao; di dời và xây dựng các trang trại, cơ sở sản xuất giống tập trung an toàn dịch bệnh, đáp ứng cho nhu cầu giống của thành phố và các tỉnh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống liên kết với các tỉnh xây dựng vùng sản xuất giống phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng loại cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả đất đai và lao động.

2. Giải pháp khoa học công nghệ:

Ưu tiên và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; tiếp tục ứng dụng phương pháp chọn tạo giống truyền thống kết hợp với phương pháp hiện đại và công nghệ sinh học (công nghệ tế bào, gen, đột biến,…) để tạo ra các giống cây trồng mới; ứng dụng quản lý giống vật nuôi theo các chương trình quản lý giống tiên tiến như đánh giá tiến bộ di truyền theo phương pháp BLUP và chương trình cải thiện chất lượng đàn bò sữa (DHI). Hình thành hệ thống tháp giống, đàn hạt nhân mở trên đàn heo và bò sữa giống gốc. Chuẩn hóa hệ thống giống, sử dụng thống nhất hệ thống ghi chép trong công tác quản lý giống phục vụ cho việc đánh giá chất lượng giống. Tiếp tục khai thác thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo nguồn cá tự nhiên và nhập nội giống cá cảnh mới để chọn lọc làm phong phú nguồn giống cá cảnh trong nước.

- Nhập khẩu giống chất lượng cao, giống mới (hạt giống, cây giống, hạt sinh học, phôi, tinh) cần thiết phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố, đồng thời tranh thủ tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới.

- Tăng cường công tác sưu tập, bảo tồn, phục tráng các giống địa phương, bảo tồn sự đa dạng sinh học, phục vụ cho công tác nghiên cứu và lai tạo giống mới.

3. Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống và dịch vụ về giống:

- Phát triển mạnh mạng lưới các cơ sở sản xuất, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và phát triển sản xuất.

- Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, nhân giống; khuyến khích thành lập các Hiệp hội sản xuất giống chuyên ngành (Hiệp hội sản xuất giống hoa lan, giống rau, giống cá cảnh, giống heo,...), giữ vững vị thế Trung tâm giống của cả nước.

- Khuyến khích đầu tư mới, nâng cấp trang thiết bị, hiện đại hóa những cơ sở sản xuất giống, phòng cấy mô để đáp ứng nhu cầu cung cấp giống trên địa bàn thành phố, khu vực và xuất khẩu.

- Liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ từ khâu giống - quy trình sản xuất - sơ chế (chế biến) - sản phẩm an toàn.

- Phối hợp với Viện, Trường, các doanh nghiệp sản xuất giống tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn, kỹ thuật ươm, nhân giống cho các tổ hợp tác, hợp tác xã.

4. Tăng cường công tác khuyến nông ứng dụng giống mới, chuyển giao kỹ thuật và xúc tiến thương mại về giống:

- Tổ chức đồng bộ và hiệu quả hệ thống sản xuất - cung ứng giống để chuyển giao giống mới đến nông dân nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý.

- Gắn kết giữa cơ quan kiểm định giống với các doanh nghiệp sản xuất giống; đa dạng hóa công tác thử nghiệm, chuyển giao giống mới (xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng giống mới, hội thi, hội chợ, thông tin tuyên truyền qua các website, các kênh truyền thông: Đài phát thanh, truyền hình, báo chí,…); áp dụng đồng bộ ứng dụng giống mới với quy trình canh tác phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của sản phẩm.

- Tổ chức định kỳ phiên chợ, hội chợ, hội thi, đấu xảo giống; tập trung tổ chức hội nghị, hội thảo giao lưu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống với nông dân, trang trại, hợp tác xã để nhanh chóng giới thiệu các giống mới đến nông dân trong và ngoài thành phố; khuyến khích nông dân sử dụng giống có nguồn gốc, nhãn hiệu.

5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống đảm bảo kiểm soát được giống cây trồng, giống vật nuôi cả về chủng loại và số lượng:

- Tiếp tục thực hiện tốt các công tác quản lý nhà nước: Tổ chức khảo nghiệm và kiểm nghiệm các loại giống theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức chứng nhận chất lượng giá trị giống trên heo, bò sữa theo các phương pháp tiên tiến (BLUP, gene - BLUP, DHI..); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất - kinh doanh giống để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời về chất lượng giống; Kiểm soát tốt dịch bệnh, phối giống trên đàn giống vật nuôi và giống cây trồng lưu thông trong sản xuất và chất lượng giống sau nhập khẩu (con giống, tinh, phôi, hạt giống, hom giống) theo phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khuyến cáo sử dụng giống cây trồng, vật nuôi phù hợp trong sản xuất tránh hiện tượng đồng huyết trên vật nuôi và thoái hóa giống cây trồng.

- Đẩy mạnh hoạt động công nhận, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp thông lệ quốc tế và phục vụ tốt các yêu cầu của quản lý nhà nước; hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước đăng ký bảo hộ bản quyền các giống nghiên cứu thành công trong nước theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý giống phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực: Nâng cao năng lực quản lý giống; tập trung đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Đào tạo, nâng cao nghiệp vụ sử dụng và quản lý giống bằng hệ thống phần mềm: BLUP, DHI,… cho đội ngũ kỹ thuật làm công tác giống và quản lý giống của Trung tâm và các cơ sở sản xuất giống nhằm xác định giá trị gây giống và phương pháp hạch toán chi phí sản xuất để tính giá trị kinh tế của các tính trạng được chọn lọc; đào tạo trong nước và nước ngoài về công tác khảo kiểm nghiệm giống, giống GMO, GMC (GMC: Genetic Modification Containment hay GMO: Genetically Modified Organism).

- Tăng cường và kiện toàn các phòng Khảo kiểm nghiệm; ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong kiểm tra quản lý chất lượng giống, kiểm nghiệm giống GMO và bảo hộ bản quyền tác giả về giống.

- Tuyên truyền, tập huấn các văn bản pháp quy giúp các doanh nghiệp hiểu đúng, đủ và thực hiện đúng các quy định Nhà nước; nâng cao nhận thức về giống cho nông dân.

- Thực hiện chế độ bảo mật thông tin và bảo vệ quyền tác giả về giống theo quy định.

6. Tăng cường hợp tác và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành giống:

Xây dựng các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giống để tranh thủ kiến thức về công nghệ, quản lý và xây dựng chính sách phát triển ngành giống.

- Đào tạo, tái đào đạo trong nước và ngoài nước lực lượng cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu, quản lý đáp ứng với nhu cầu phát triển của ngành. Đào tạo nhân lực có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ thông qua chương trình đào tạo chung của thành phố nhằm nâng cao năng lực sản xuất và kiểm định giống.

- Đào tạo về kỹ thuật sản xuất, kiểm định, kiểm nghiệm, bảo quản giống cho người sản xuất trong hệ thống nhân giống nông hộ, trang trại.

7. Giải pháp chính sách khuyến khích phát triển giống và nguồn vốn đầu tư:

7.1. Các nội dung phát triển Chương trình Giống được ngân sách Nhà nước ưu tiêu đầu tư và hỗ trợ:

- Nghiên cứu khoa học về giống, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo, nhân giống, chế biến, bảo quả nâng cao chất lượng, giá trị hạt giống

- Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, sản xuất, chế biến giống (bao gồm thủy lợi, giao thông nội đồng, xử lý nước thải), sưu tập bảo tồn giống.

- Nhập nội nguồn gen, giống mới có năng suất, chất lượng trong nước chưa có hoặc còn thiếu;

- Nhập nội, đổi mới công nghệ, thiết bị mới, tiên tiến phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất giống; mua bản quyền tác giả giống;

- Hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, quản lý chất lượng giống và xây dựng một số mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống;

- Lưu giữ nguồn gen: thu thập, nuôi giữ, duy trì phát triển các nguồn gen động vật, thực vật, thủy sản bản địa, quý hiếm, có giá trị khoa học, kinh tế;

- Xây dựng trại giống đầu dòng; Trung tâm giống thủy sản; trại giống cụ kỵ, ông bà, trại hạt nhân, giống gốc vật nuôi, trạm thụ tinh nhân tạo; Duy trì phát triển đàn giống gốc cây trồng, vật nuôi và thủy sản;

- Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giống (kể cả trong và ngoài nước); thuê mướn chuyên gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, kiểm định, kiểm nghiệm, quản lý chất lượng giống theo các phương pháp tiên tiến; tập huấn quy trình kỹ thuật; tăng cường quản lý chất lượng về giống;

- Tăng cường quản lý chất lượng về giống: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý về giống (Điều tra, khảo sát, đánh giá chất lượng giống,...);

- Cung cấp thông tin; hỗ trợ quảng bá thương hiệu giống; biên tập, xuất bản các ấn phẩm phục vụ ngành giống.

7.2. Về chính sách khuyến khích phát triển giống:

Triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, phát triển sản xuất giống theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 và Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

7.3. Về nguồn vốn đầu tư:

Để thực hiện Chương trình giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản giai đoạn 2010 - 2015 đạt hiệu quả cao và hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần huy động nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế như nguồn vốn từ ngân sách (Trung ương và địa phương, kể cả vốn sự nghiệp), vốn tín dụng đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và vốn đầu tư nước ngoài.

- Các Sở, ngành, địa phương ưu tiên quy hoạch, quỹ đất, có dự án ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất kinh doanh giống.

- Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các nông hộ, trang trại, hợp tác xã vay vốn đầu tư vào nghiên cứu sản xuất kinh doanh giống.

- Ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ cho việc triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, sản xuất, sản xuất thử, xây dựng quy trình sản xuất, canh tác giống mới cho nông dân thành phố.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho Chương trình là 53,04 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách sự nghiệp là 44,01 tỷ đồng, chiếm 82,9% tổng vốn, còn lại là nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia vào chương trình. Ngoài ra còn một lượng vốn rất lớn của các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ sản xuất, cải thiện chất lượng giống chưa được thể hiện trong Chương trình.

VI. CÁC NỘI DUNG ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH GIỐNG (đính kèm phụ lục)

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình:

Thành phần Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015 do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban và Lãnh đạo các sở: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ.

Ban Chỉ đạo Chương trình có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân thành phố điều hành chung và chỉ đạo triển khai thực hiện.

2. Phân công thực hiện:

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Tham mưu và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giống trên địa bàn thành phố;

Phối hợp với các ngành, các địa phương quản lý giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố theo quy định;

Thẩm định, phê duyệt các dự án giống theo phân cấp, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về giống thuộc phạm vi quản lý của Sở và đề xuất các đề tài, dự án của Sở, ngành có liên quan.

Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tiến độ thực hiện Chương trình; đề xuất và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư các dự án, cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển ngành giống.

- Cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết, bố trí kế hoạch vốn hàng năm, đảm bảo nhiệm vụ mục tiêu phát triển trong kế hoạch, tiến độ đầu tư các chương trình, dự án.

2.3. Sở Tài chính:

Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định hiện hành, khuyến khích phát triển giống phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết, bố trí ngân sách sự nghiệp hàng năm cho các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn, quản lý nhà nước về giống do Sở chuyên ngành phê duyệt.

2.4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thẩm định, phê duyệt và cấp kinh phí triển khai các đề tài, dự án cấp thành phố nghiên cứu, chọn tạo, phát triển giống mới và các công nghệ sản xuất giống tiên tiến.

2.5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ngành liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý giống theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xác định, duy trì diện tích đất nông nghiệp phục vụ sản xuất giống.

2.6. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thực hiện các quy định của nhà nước và của thành phố về giống và tham gia các đề tài nghiên cứu, hoạt động chuyển giao giống mới theo quy định, cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh trong liên kết đầu tư sản xuất giống./.

 

PHỤ LỤC 1

CÁC NỘI DUNG ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH GIỐNG
(Kèm theo Quyết định số 5997/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

1. Sưu tập, bảo tồn và phục tráng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn thành phố

- Mục tiêu:

+ Lưu giữ nguồn gien các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị khoa học trong nước và nhập nội (cây ăn trái, rau gia vị, rau địa phương, các loại hoa kiểng, cá kiểng, các loại vật nuôi, thủy sản,......) phục vụ cho việc nghiên cứu chọn tạo giống mới, nhân giống và phục vụ cho Thành phố và cả nước.

+ Nâng cao năng suất và chất lượng các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa được thị trường ưa chuộng.

+ Tăng cường trao đổi, hợp tác trong nước và quốc tế về quỹ gen thực vật và khai thác có hiệu quả nguồn gen bảo tồn thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin trên trang web.

- Nội dung:

+ Sưu tập, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản địa phương và nhập nội: 30 - 40 giống hoa lan; 5 - 10 giống cây ăn trái; 15 - 20 giống rau các loại và rau hoang dã; 01 - 02 giống vật nuôi; 03 - 05 giống thủy sản. Hình thức bảo tồn: in vitro, in situ, ex situ.

+ Phục tráng 4 - 5 giống rau, 2 - 3 giống hoa địa phương; 1 - 2 giống thủy sản.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu về nguồn vật liệu bảo tồn.

- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Công nghệ sinh học (giống hoa lan), Trung tâm Quản lý Kiểm định Giống cây trồng - vật nuôi (giống rau, hoa); Chi Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Khuyến nông, Chi Cục Bảo vệ thực vật, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Nghiên cứu thủy sản, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh giống.

Thời gian thực hiện: 2012 - 2015.

2. Nhập nội, cải thiện chất lượng đàn giống vật nuôi trên địa bàn thành phố

- Mục tiêu: Cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống gốc (heo, bò sữa, bò thịt, gia cầm); Cung cấp con giống cao sản phù hợp với điều kiện nóng ẩm nhiệt đới cho thành phố và các tỉnh; nghiên cứu, chọn tạo một số công thức lai giống bò sữa mới.

- Nội dung, kinh phí:

+ Về giống bò sữa:

Nhập nguồn tinh phân biệt giới tính cao sản để phối cho đàn bò sữa hạt nhân có năng suất trên 8.000 kg/năm: 12.000 liều (1.000 con x 4 liều/con x 3 năm).

Kinh phí12,78 tỷ đồng, trong đó:

Nguồn ngân sách cấp 6,42 tỷ đồng. Cụ thể:

Hỗ trợ 50% kinh phí nhập tinh: 6 tỷ đồng (12.000 liều x 1.000.000 đồng/liều x 50%);

Bảo quản tinh: 0,18 tỷ đồng (12.000 liều x 15.000 đồng/liều)

Hỗ trợ vật tư gieo tinh: 0,06 tỷ đồng (12.000 liều x 5.000 đồng/liều)

Chi phí theo dõi và báo cáo kết quả gieo tinh: 0,18 tỷ đồng (12.000 liều x 15.000 đồng/liều)

Nguồn từ các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi bò sữa: 6,36 tỷ đồng, gồm:

Chi phí mua tinh bò sữa giới tính (chi trả 50%): 6 tỷ đồng;

Chi phí gieo tinh: 0,36 tỷ đồng (12.000 liều x 30.000 đồng/liều)

Nhập dòng tinh cao sản nhiệt đới để cải thiện năng suất sữa và phối trên đàn bò vắt sữa hiện hữu có năng suất 7.000 - 8.000 kg/năm: 128.000 liều (8.000 con x 4 liều/con x 4 năm).

Kinh phí: 21,12 tỷ đồng, trong đó:

Nguồn ngân sách cấp 10,88 tỷ đồng. Cụ thể:

Hỗ trợ 50% kinh phí nhập tinh: 6,4 tỷ đồng (128.000 liều x 100.000 đồng/liều x 50%);

Bảo quản tinh: 1,92 tỷ đồng (128.000 liều x 15.000 đồng/liều)

Hỗ trợ vật tư gieo tinh: 0,64 tỷ đồng (128.000 liều x 5.000 đồng/liều)

Chi phí theo dõi và báo cáo kết quả gieo tinh: 1,92 tỷ đồng (12.000 liều x 15.000 đồng/liều)

Nguồn từ các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi bò sữa: 10,24 tỷ đồng, gồm:

Chi phí mua tinh bò sữa cao sản (50%): 6,4 tỷ đồng;

Chi phí gieo tinh: 3,84 tỷ đồng (128.000 liều x 30.000 đồng/liều)

+ Về giống heo:

Nhập 500 con heo giống gốc và 3.000 liều tinh giống heo thuần các dòng heo xuất sắc đã qua kiểm định.

* Nhập 3.000 liều tinh giống heo thuần các dòng heo xuất sắc đã qua kiểm định

Kinh phí: 9,4 tỷ đồng, trong đó:

Nguồn ngân sách cấp 4,7 tỷ đồng: Hỗ trợ 50% kinh phí nhập tinh: 4,7 tỷ đồng (3.000 liều x 3.150.000 đồng/liều x 50%);

Nguồn từ các doanh nghiệp sản xuất heo giống thuần: 4,7 tỷ đồng (50% chi phí mua tinh).

* Nhập 500 con heo giống gốc: Doanh nghiệp lập dự án vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo quy định.

- Thời gian thực hiện: 2013 - 2015

3. Chương trình Xây dựng hệ thống kiểm định giống heo theo phương pháp BLUP từ cơ quan kiểm định đến cơ sở để nâng cao tiến bộ di truyền bốn giống heo thuần trên địa bàn thành phố

- Mục tiêu: Nhằm quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng đàn heo thuần trên địa bàn thành phố thống nhất từ cơ sở chăn nuôi đến cơ quan quản lý.

- Đối tượng: Bốn giống heo thuần Yorshire, Landrace, Duroc, Piétrain

- Nội dung:

Xây dựng đàn hạt nhân;

+ Triển khai đăng ký sổ giống cho các cơ sở sản xuất kinh doanh heo giống

+ Thu thập, xử lý số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý.

+ Ứng dụng và hoàn chỉnh các quy trình quản lý (kể cả phần mềm quản lý giống, trang thiết bị liên quan).

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2015

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi.

- Đơn vị phối hợp thực hiện:

+ Bộ môn Di truyền giống - Trường Đại học Nông Lâm: Đào tạo, huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật, quản lý các phần mềm về giống...

+ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi.

4. Quản lý, đánh giá di truyền giống bò sữa theo phương pháp tiên tiến, phù hợp chuẩn mực quốc tế

- Mục tiêu:

+ Xây dựng chỉ số chọn lọc dùng trong hệ thống đánh giá di truyền giống bò sữa.

+ Xây dựng tiêu chuẩn giống bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

+ Chứng nhận giá trị con giống theo năng suất và chất lượng sữa.

- Nội dung:

+ Thu thập dữ liệu cá thể giống tại các trại chăn nuôi trong vùng và đánh giá chỉ số chọn lọc.

+ Xây dựng chỉ số chọn lọc.

+ Xây dựng tiêu chuẩn giống.

+ Xây dựng và hoàn chỉnh các quy trình quản lý (kể cả phần mềm quản lý giống, trang thiết bị liên quan) .

- Thời gian thực hiện: 2012 – 2015.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi.

- Đơn vị phối hợp thực hiện:

+ Bộ môn Di truyền giống - Trường Đại học Nông Lâm: Đào tạo, huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật, quản lý các phần mềm về giống...

+ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên; các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi bò sữa: thực hiện thu thập, ghi chép, cập nhật, xử lý, quản lý, lưu trữ số liệu, chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cá thể các giống, dòng... theo hệ thống công tác giống quy định.

5. Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giống cây, giống thủy sản

- Mục tiêu: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất cây giống rau, sinh sản nhân tạo các giống thủy sản tự nhiên như cá dứa, cá chìa vôi, nghêu.

- Nội dung:

Xây dựng mô hình và quy trình kỹ thuật sản xuất giống rau ươm sẵn trên ớt cay, cải bông, cà tím ghép để chuyển giao cho các hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất rau.

Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo các giống thủy sản tự nhiên như cá dứa, cá chìa vôi, nghêu để chủ động nguồn giống cung ứng cho sản xuất, tạo con giống sạch bệnh, xây dựng chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Cơ quan thực hiện: Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi, Chi Cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2015.

6. Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống mới, giống chất lượng

- Mục tiêu: Nhằm ứng dụng, chuyển giao kịp thời các giống mới chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Thành phố để nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng năm chuyển giao 5 - 6 giống mới.

- Nội dung:

+ Thử nghiệm tính thích nghi giống mới;

+ Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã thay thế giống cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao.

+ Xây dựng mô hình trình diễn, giới thiệu giống mới;

+ Tập huấn, chuyển giao cho nông dân.

- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Khuyến nông.

- Cơ quan phối hợp: Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi và các doanh nghiệp.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2015.

7. Chương trình xây dựng và quảng bá thương hiệu một số giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có nhiều ưu thế của thành phố

- Nội dung:

Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm và phát triển thương hiệu phù hợp với điều kiện cụ thể đối với một số giống cây con ưu thế của Thành phố như: bò sữa, heo giống, cá cảnh, cá sấu, trái cây, giống rau hoa kiểng,...

Tổ chức các hội thảo, hội nghị giao lưu giữa các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống với các hợp tác xã, trang trại, nông dân,...

Tổ chức hội chợ, phiên chợ, hội thi, đấu xảo giống, giới thiệu, quảng bá giống,...

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và các đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2015.

8. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý giống

- Mục tiêu: Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn về nghiên cứu, chọn tạo, quản lý Nhà nước về giống phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Nội dung:

+ Đào tạo và tái đào tạo trong và ngoài nước: 15 - 20 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên chuyên ngành giống.

+ Đầu tư bổ sung trang thiết bị, vận hành hệ thống quản lý kiểm định chất lượng, công nhận Phòng Kiểm nghiệm của Trung tâm Quản lý Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi.

+ Đào tạo Kiểm nghiệm viên, kiểm nghiệm giống GMO, giống cloning.

+ Tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý giống trong và ngoài nước.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Quản lý Kiểm định Giống cây trồng, vật nuôi.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2015.

9. Các chương trình nghiên cứu khoa học: Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu, đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện. Tập trung vào lĩnh vực chọn tạo các giống rau, hoa kiểng, cá cảnh.

10. Các dự án đầu tư: Di dời, xây dựng và nâng cấp các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi (Các đơn vị có nhu cầu, lập dự án để được vay vốn theo quy định):

- Mục tiêu: Quy hoạch vùng sản xuất giống vật nuôi tập trung; Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất, chế biến và bảo quản giống; Nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh.

- Nội dung: Di dời các cơ sở sản xuất giống vật nuôi trong nội thành; Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất, chế biến và bảo quản giống.

- Cơ quan thực hiện: Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

- Thời gian thực hiện: 2012 - 2015./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ