BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2007/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2007 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 06 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về giới hạn xếp hàng của xe ôtô tải tham gia giao thông trên đường bộ và công bố tải trọng của đường bộ".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ: Quyết định số 2074/2003/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 07 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tải trọng và khổ giới hạn đường bộ các quốc lộ; Quyết định số 09/2004/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc quy định tạm thời tốc độ và chiều cao xe vận chuyển container.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
VỀ GIỚI HẠN XẾP HÀNG CỦA XE ÔTÔ TẢI THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ VÀ CÔNG BỐ TẢI TRỌNG CỦA ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60 /2007/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Quy định này quy định về giới hạn xếp hàng (chiều cao, chiều rộng, chiều dài, tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe) đối với xe ôtô tải (ôtô chở hàng) khi tham gia giao thông trên đường bộ và công bố tải trọng của một số tuyến, đoạn tuyến đường bộ đã được cải tạo nâng cấp, xây dựng mới.
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia giao thông trên đường bộ của xe ôtô. Trường hợp Điều ước quốc tế liên quan đến việc tham gia giao thông trên đường bộ của xe ôtô mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với Quy định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Xe ôtô tải (ôtô chở hàng): Là các loại ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng (được quy định tại TCVN 7271: 2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Ôtô - Phân loại theo mục đích sử dụng); tổ hợp ôtô với rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô vận chuyển hàng.
2. Tổ hợp ôtô với rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc: Là một ôtô kéo một rơ moóc hoặc là sự kết hợp của một ôtô đầu kéo với một sơ mi rơ moóc.
3. Tổng trọng lượng của xe (trọng lượng toàn bộ của xe): Gồm trọng lượng bản thân xe ôtô và trọng lượng của hàng hóa xếp trên xe ôtô (nếu có).
4. Tải trọng trục xe (trọng lượng trên trục xe): Là trọng lượng toàn bộ của xe phân bố trên mỗi trục xe (gồm trục đơn, trục kép, trục ba).
Người điều khiển xe ôtô tham gia giao thông trên đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ được ghi trên báo hiệu đường bộ và tuân thủ Quy định này.
GIỚI HẠN XẾP HÀNG CỦA XE ÔTÔ TẢI KHI THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ
Điều 5. Giới hạn xếp hàng của xe ôtô tải khi tham gia giao thông trên đường bộ
Việc xếp hàng trên xe ôtô tải (kể cả sơ mi rơ moóc và rơ moóc) khi tham gia giao thông trên đường bộ phải bảo đảm tuân thủ các quy định về tải trọng trục xe, tổng trọng lượng của xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng cho phép của xe (được quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Quy định này) và không vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe.
Điều 6. Tải trọng trục xe và tổng trọng lượng của xe
1. Tải trọng trục xe:
a) Trục đơn: Tải trọng trục xe ≤ 10 tấn/trục.
b) Trục kép, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục:
- Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng trục xe ≤ 11 tấn;
- Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng trục xe ≤ 16 tấn;
- Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng trục xe ≤ 18 tấn.
c) Trục ba, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề:
- Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng trục xe ≤ 21 tấn;
- Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng trục xe ≤ 24 tấn.
2. Tổng trọng lượng của xe:
a) Xe 02 trục, tổng trọng lượng của xe ≤ 16 tấn.
b) Xe 03 trục, tổng trọng lượng của xe ≤ 24 tấn.
c) Xe 04 trục, tổng trọng lượng của xe ≤ 30 tấn.
d) Tổ hợp ôtô với rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc: Tổng trọng lượng của xe (tổ hợp) gồm tổng trọng lượng của ôtô kéo hoặc ôtô đầu kéo (tương ứng với tổng trọng lượng của các xe được quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này) và tổng các tải trọng trục xe của rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo (tương ứng với các tải trọng trục xe được quy định tại khoản 1 Điều này).
Điều 7. Chiều cao xếp hàng cho phép của xe ôtô tải
1. Xe ôtô tải thùng kín (có mui): Chiều cao xếp hàng cho phép là trong phạm vi thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Xe ôtô tải thùng hở (không mui): Khi xếp hàng vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông và không vượt quá chiều cao (tính từ mặt đường bộ trở lên) như sau:
a) Xe có trọng tải thiết kế (được ghi trong Giấy đăng ký xe) từ 5 tấn trở lên: Chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 4,2 mét;
b) Xe có trọng tải thiết kế (được ghi trong Giấy đăng ký xe) từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn: Chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 mét;
c) Xe có trọng tải thiết kế (được ghi trong Giấy đăng ký xe) dưới 2,5 tấn: Chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn 1,75WT nhưng không quá 2,8 mét.
Trong đó: WT là khoảng cách giữa tâm vết tiếp xúc của hai bánh xe sau với mặt đường trường hợp trục sau lắp bánh đơn và là khoảng cách giữa tâm vết tiếp xúc của hai bánh xe sau phía ngoài với mặt đường, trường hợp trục sau lắp bánh kép.
3. Xe ôtô chuyên dùng chở container: Chiều cao xếp hàng cho phép (tính từ mặt đường bộ trở lên) thực hiện theo lộ trình sau:
a) Chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 4,35 mét: Áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2010, khi qua khu vực cầu chui, cầu vượt xe chỉ được phép chạy với tốc độ nhỏ hơn hoặc bằng 30 km/giờ;
b) Chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 4,2 mét: Áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
4. Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng mà không chằng buộc chắc chắn được (như: đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các loại hàng có tính chất tương tự): Chiều cao xếp hàng không quá chiều cao của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 8. Chiều rộng và chiều dài xếp hàng cho phép của xe ôtô tải
1. Chiều rộng xếp hàng cho phép của xe ôtô tải: Là chiều rộng của thùng xe ôtô theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Chiều dài xếp hàng cho phép của xe ôtô tải: Xe ôtô chở hàng được xếp hàng vượt phía trước và phía sau thùng xe 10% chiều dài toàn bộ xe khi chở loại hàng có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe nhưng phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.
CÔNG BỐ TẢI TRỌNG CỦA MỘT SỐ TUYẾN, ĐOẠN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ
Điều 9. Công bố tải trọng của một số tuyến, đoạn tuyến đường bộ
Công bố một số tuyến, đoạn tuyến đường bộ đã được cải tạo nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ với tải trọng thiết kế mặt đường đối với xe trục đơn 10 tấn/trục và tải trọng thiết kế cầu là H30-XB80 hoặc HL93 (Phụ lục kèm theo Quy định này).
Điều 10. Lưu hành của xe ôtô trên đường bộ
1. Xe ôtô tải thỏa mãn các quy định về giới hạn xếp hàng tại Chương II của Quy định này và các xe ôtô có thông số kỹ thuật cơ bản theo Quy định kiểu loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép tham gia giao thông (ban hành kèm theo Quyết định số 4597/2001/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), được lưu hành bình thường trên các tuyến, đoạn tuyến đường bộ quy định tại Điều 9 Quy định này. Trừ một số cầu trên Quốc lộ 1 từ Cầu Giẽ (Hà Tây) đến Cà Mau, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3, Quốc lộ 18, Quốc lộ 21, Quốc lộ 43, khi lưu hành phương tiện qua các cầu đó phải căn cứ vào biển báo về tải trọng, khổ giới hạn cho phép của cầu, tốc độ và khoảng cách của các phương tiện khi qua cầu.
2. Xe ôtô tải chở hàng vượt quá giới hạn xếp hàng quy định tại Chương II của Quy định này, khi lưu hành trên các tuyến, đoạn tuyến đường bộ quy định tại Điều 9 Quy định này phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành, phải tuân thủ các quy định được ghi trong giấy phép lưu hành và các hướng dẫn của cơ quan quản lý đường bộ.
3. Trên các tuyến, đoạn tuyến đường bộ khác ngoài danh mục được công bố tại Điều 9 Quy định này, chủ xe, chủ hàng, người điều khiển xe ôtô phải căn cứ vào biển báo về tải trọng, khổ giới hạn cho phép của đường bộ và các quy định về giới hạn xếp hàng (tại Chương II của Quy định này) để xếp hàng lên xe ôtô và lưu hành phương tiện. Trường hợp bất khả kháng bắt buộc phải vận chuyển hàng hoặc lưu hành phương tiện có trọng lượng, kích thước vượt quá tải trọng hoặc khổ giới hạn của đường bộ thì chủ xe, chủ hàng hoặc người điều khiển xe ôtô phải đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền để được hướng dẫn biện pháp vận chuyển và xem xét cấp giấy phép lưu hành trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và an toàn đường bộ.
4. Việc cấp giấy phép lưu hành cho các xe ôtô quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm Quy định này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý đường bộ
Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật thực tế của đường bộ, lắp đặt đầy đủ các báo hiệu về tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ theo quy định của Điều lệ Báo hiệu đường bộ; trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo kịp thời Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
CÁC TUYẾN, ĐOẠN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ ĐÃ ĐƯỢC CẢI TẠO NÂNG CẤP ĐỒNG BỘ
(Kèm theo Quy định về giới hạn xếp hàng của xe ôtô tải tham gia giao thông trên đường bộ và công bố tải trọng của đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 60 /2007/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TT | Tên đường bộ | Đoạn tuyến | Chiều dài (km) |
1 | Quốc lộ 1 | Hữu Nghị Quan đến ngã ba Km5+400 Quốc lộ 5 | 160 |
Quốc lộ 1 | Ngã ba Pháp Vân đến cầu Giẽ (đường tốc độ cao) | 32 | |
Quốc lộ 1 | Cầu Giẽ (Hà Tây) đến Năm Căn (Cà Mau) | 2.088,7 | |
2 | Quốc lộ 1B | Lạng Sơn đến thị trấn Bắc Sơn (Km0 ÷ Km68) | 68 |
3 | Quốc lộ 1D | Phú Tài đến Phú Yên (Km0 ÷ Km35) | 35 |
4 | Quốc lộ 2 | Ngã ba Phủ Lỗ đến Hà Giang (Km0 ÷ Km313) | 313 |
5 | Quốc lộ 3 | Ngã ba cầu Đuống đến Bắc Kạn (Km0 ÷ Km165) | 165 |
6 | Quốc lộ 5 | Ngã ba cầu Chui (Gia Lâm) đến cảng Chùa Vẽ (Km0 ÷ Km106) | 106 |
7 | Quốc lộ 6 | Hà Tây đến Sơn La (Km9+200 ÷ Km321) | 311,8 |
8 | Quốc lộ 8 | Bãi Vọt đến cửa khẩu Cầu Treo (Km0 ÷ Km85) | 85 |
9 | Quốc lộ 9 | Cảng Cửa Việt đến cửa khẩu Lao Bảo (Km0 ÷ Km99) | 99 |
Quốc lộ 9 | Quốc lộ 1 - Cảng Cửa Việt (Km0 ÷ Km13+800) | 13,8 | |
10 | Quốc lộ 10 | Ngã ba Bí Chợ đến thành phố Ninh Bình (Km0 ÷ Km141+760) | 141,76 |
11 | Quốc lộ 14 | Đoạn Ngọc Hồi (Buôn Ma Thuột) đến Chơn Thành (Km718 ÷ Km988) | 270 |
12 | Quốc lộ 14D | Cầu Giành đến cửa khẩu Nam Giang (Km0 ÷ Km74+307) | 74,307 |
13 | Quốc lộ 18 | TP. Bắc Ninh đến cửa khẩu Móng Cái (Km0 ÷ Km365) | 365 |
Đoạn Nội Bài đến Bắc Ninh | Giao Quốc lộ 2 đến thành phố Bắc Ninh | 41,5 | |
14 | Quốc lộ 19 | Ngã ba cầu Giành đến ngã ba Phù Đổng (Km15 ÷ Km152) | 137 |
15 | Quốc lộ 20 | Dầu Dây (Đồng Nai) đến thành phố Đà Lạt (Km0 ÷ Km268) | 268 |
16 | Quốc lộ 21 | Thị xã Sơn Tây (Hà Tây) đến cầu Sỏi (Hòa Bình) (Km0 ÷ Km74+300) | 74,3 |
Quốc lộ 21 | Dốc Bòng Bong (Hà Nam) đến Nam Trực (Nam Định) (Km98 ÷ Km155+600) | 57,6 | |
17 | Quốc lộ 21B | Ngã ba Ba La (TP. Hà Đông) đến thị trấn Vân Đình (Km0 ÷ Km26) | 26 |
18 | Quốc lộ 22 | Ngã tư An Sương đến cửa khẩu Mộc Bài (Km0 ÷ Km58+600) | 58,6 |
19 | Quốc lộ 25 | Xã Chi Ngọc đến thị trấn Chư Sê (Km69 ÷ Km180+810) | 111,81 |
20 | Quốc lộ 27 | Cầu KrôngNơ đến ngã ba Liên Khương (Lâm Đồng) (Km83 ÷ Km174) | 91 |
21 | Quốc lộ 32 | Thị xã Sơn Tây đến đèo Khế (Km41 ÷ Km146) | 105 |
22 | Quốc lộ 37 | Đèo Lũng Lô đến ngã ba Cò Nòi (Km365 ÷ Km464) | 99 |
Quốc lộ 37 (Quốc lộ 183 cũ) | Ngã ba Tiền Trung đến ngã ba Sao Đỏ (Km0 ÷ Km22+300) | 22,3 | |
23 | Quốc lộ 38 | Thành phố Bắc Ninh đền ngã ba Đồng Văn giao QL1 (Km0 ÷ Km84+500) | 84,5 |
24 | Quốc lộ 39 | Km8+350 đường tỉnh 196 đến Triều Dương (Km0 ÷ Km44) | 44 |
25 | Quốc lộ 43 | Ngã ba Gia Phù đến cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La) (Km0 ÷ Km105) | 105 |
26 | Quốc lộ 46 | Cửa Lò đến Đô Lương (Km0 ÷ Km73) | 73 |
27 | Quốc lộ 51 | Ngã ba Vũng Tàu đến Km73+600 (Km0 ÷ Km73+600) | 73,6 |
28 | Quốc lộ 279 | Huyện Bảo Yên đến Lai Châu (Km36 ÷ Km201) | 165 |
29 | Đường Láng - Hòa Lạc | Ngã tư Láng đến ngã ba Hòa Lạc (Km0 ÷ Km30+160) | 30,16 |
30 | Đường Dịch Vọng - Nội Bài | Ngã ba Dịch Vọng đến sân bay Nội Bài | 23 |
31 | Đường ra cảng Dung Quất | Km1028/QL1 đến cảng Dung Quất (Km0 ÷ Km8+800) | 8,8 |
32 | Đường Hồ Chí Minh | Nhánh Đông: Hòa Bình đến Cam Lộ Quảng Trị (Km106 ÷ Km680) | 574 |
Đường Hồ Chí Minh | Nhánh Tây: Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạch Mỹ (Km0 ÷ Km510) | 510 | |
Đường Hồ Chí Minh | Thạch Mỹ đến Ngọc Hồi (Km510 Nhánh Tây/Km243 Nhánh Đông ÷ Km420) | 177 |
- 1 Quyết định 2074/2003/QĐ-BGTVT về tải trọng và khổ giới hạn đường bộ các Quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 09/2004/QĐ-BGTVT quy định tạm thời tốc độ và chiều cao xe vận chuyển container do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4 Quyết định 494/QĐ-BGTVT năm 2010 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5 Quyết định 2594/QĐ-BGTVT năm 2010 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6 Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014
- 7 Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014
- 1 Nghị định 34/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 2 Quyết định 4597/2001/QĐ-BGTVT về kiểu loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép tham gia giao thông do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Luật Giao thông đường bộ 2001