Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 620/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 09 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ LUẬT PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giám định Tư pháp;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;

Thực hiện Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 07/02/2012 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 trên địa bàn tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Văn bản số 746/STP ngày 05/11/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phổ biến Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

KẾ HOẠCH

PHỔ BIẾN LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ LUẬT PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 09/11/2012 của UBND tỉnh Bình Định)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật về Giám định Tư pháp và Phổ biến, giáo dục pháp luật; qua đó, giúp cho các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật ở các lĩnh vực này có hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

2. Phổ biến các văn bản pháp luật nêu trên phải đảm bảo tính đại chúng, khoa học, chuẩn xác, truyền đạt trung thực văn bản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng; hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội.

II. NỘI DUNG

1. Phổ biến Luật Giám định Tư pháp cần tập trung vào các vấn đề

- Sự cần thiết ban hành Luật.

- Mục đích ban hành và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.

- Nội dung cơ bản và chủ yếu của Luật.

2. Phổ biến Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung vào các vấn đề

- Sự cần thiết ban hành Luật.

- Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật.

- Nội dung cơ bản và chủ yếu của Luật.

3. Báo cáo viên: Có thể mời báo cáo viên của Trung ương; báo cáo viên của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

4. Tài liệu tuyên truyền, phổ biến

- Toàn văn Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Đề cương giới thiệu Luật do Bộ Tư pháp phát hành đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tại địa chỉ: http://www.moj.gov.vn.

- Các tài liệu tham khảo có liên quan.

III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN

Tùy theo từng đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; nhân dân...), địa bàn tuyên truyền để áp dụng các hình thức cho phù hợp như:

- Tuyên truyền miệng.

- Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài,…).

- Biên soạn tài liệu Hỏi - đáp pháp luật.

- Thông qua thực hiện “Ngày pháp luật”.

- Các hình thức khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các thành phần gồm: Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh; Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Thành viên Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trưởng phòng Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố; các Tổ chức Giám định và Giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: 01 ngày (trong khoảng ngày 25 - 30/11/ 2012).

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch cụ thể để phổ biến Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Thời gian thực hiện: Tháng 12/2012.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức phù hợp.

Thời gian thực hiện: Tháng 12/2012 và năm 2013.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí để thực hiện kế hoạch phổ biến Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 của UBND tỉnh ban hành Quy định về mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, cấp kinh phí và triển khai thực hiện phổ biến Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở Kế hoạch phổ biến các Luật này do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành.

* Giao Giám đốc Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Kế hoạch này và kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.

Trên đây là Kế hoạch phổ biến Luật Giám định Tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc, phát sinh các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.