Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6273/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 16 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA- THỂ THAO PHƯỜNG, XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Công văn số 1570/SVHTT- NSVHGĐ ngày 07 tháng 9 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý và hoạt động của Trung tâm Văn hóa- Thể thao phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các sở Văn hóa và Thể thao,Nội Vụ, Kế hoạch và Đầu tư,Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đặng Việt Dũng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO PHƯỜNG, XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6273/QĐ-UBND ngày 16/9/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy định này quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của Trung tâm Văn hóa

- Thể thao tại phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bao gồm: chức năng và nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, quản lý, tổ chức và quy định liên kết tổ chức hoạt động.

b) Các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc trường học, thiết chế văn hóa - thể thao thuộc các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trên địa bàn phường, xã không thuộc đối tượng của Quy định này.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

Điều 2. Quy định chung

1. Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã là thiết chế văn hóa, thể thao cấp cơ sở do Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý về mặt Nhà nước; phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất cho người dân trên địa bàn.

2. Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cùng sự phối hợp của các ngành, đoàn thể cấp phường, xã.

3. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã phải được bảo vệ, khai thác, phát huy hiệu quả để phục vụ và thu hút nhân dân tham gia hoạt động.

Chương II

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC, BỘ MÁY, CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ, KINH PHÍ VÀ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Mục 1. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO PHƯỜNG, XÃ

Điều 3. Vị trí, chức năng

1. Vị trí

a) Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã là thiết chế văn hóa, thể thao nằm trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, do UBND quận, huyện thành lập trên cơ sở hợp nhất các thiết chế như: nhà văn hóa, khu thể thao, sân vận động, nhà truyền thống, các câu lạc bộ văn hóa - thể thao, khu vui chơi giải trí, công viên vườn dạo…

b) Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND phường, xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

c) Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của UBND phường, xã; chịu sự quản lý nhà nước của Phòng Văn hóa và Thông tin, sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện.

2. Chức năng

Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân tộc; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia mọi hoạt động văn hóa, thể thao; phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Nhiệm vụ

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch hàng tháng, hàng quý, hàng năm trình UBND phường, xã phê duyệt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

b) Tham mưu, đề xuất UBND phường, xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, hoàn thiện về cơ sở vật chất cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã; tổ chức các hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã; thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

c) Phối hợp với các ngành, đoàn thể ở phường, xã tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.

d) Hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao ở các khu dân cư trên địa bàn phường, xã.

e) Dành ít nhất 30% thời gian hoạt động trong năm để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em.

f) Tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao do cấp quận, huyện tổ chức.

g) Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, cộng tác viên.

h) Quản lý tài sản, tài chính được giao theo chế độ hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo quy định.

i) Sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm thực tiễn, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

2. Quyền hạn

a) Kiến nghị với UBND phường, xã và các cơ quan quản lý văn hóa cấp trên về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

b) Được ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; trợ cấp đối với cán bộ, cộng tác viên và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

c) Được cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn do cơ quan chuyên ngành cấp trên tổ chức.

d) Được mời những người có chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao để hướng dẫn hoặc dàn dựng các chương trình hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

e) Được liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn phường, xã.

Mục 2. TỔ CHỨC BỘ MÁY, CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ, KINH PHÍ

Điều 5. Tổ chức bộ máy

1. Ban Giám đốc

a) Giám đốc

- Giám đốc do 01 (một) Phó Chủ tịch UBND phường, xã phụ trách Văn hóa - Xã hội kiêm nhiệm; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường, xã về toàn bộ hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

- Giám đốc do Chủ tịch UBND phường, xã bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm một lần sau khi có ý kiến của Phòng Văn hóa - Thông tin và văn bản thỏa thuận của Phòng Nội vụ quận, huyện.

- Giám đốc phải được tập huấn về công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

b) Phó Giám đốc

- Phó Giám đốc do 01 (một) công chức phụ trách văn hóa - xã hội phường, xã kiêm nhiệm; do Chủ tịch UBND phường, xã bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã, nhiệm kỳ 05 năm một lần.

- Thực hiện những nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc giao và thực hiện nhiệm vụ khi được Giám đốc ủy quyền.

- Phó Giám đốc phải có bằng tốt nghiệp từ Trung cấp trở lên về chuyên ngành văn hóa - xã hội, thể dục thể thao hoặc các lĩnh vực phù hợp.

c) Cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ

- Do những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã kiêm nhiệm nhưng không quá 03 (ba) người.

- Thực hiện nhiệm vụ do Ban Giám đốc phân công.

- Đã qua đào tạo, tập huấn về: văn nghệ quần chúng; hướng dẫn viên thể dục thể thao; biên tập viên tuyên truyền; kẻ vẽ; thư viện, bảo tàng; kỹ thuật viên (âm thanh, ánh sáng, truyền thanh); phương pháp viên, công tác câu lạc bộ, công tác đội...

d) Kế toán, thủ quỹ là kế toán và thủ quỹ của UBND phường, xã kiêm nhiệm.

2. Cộng tác viên

Gồm những người tự nguyện, nhiệt tình, có khả năng tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; được hưởng chế độ bồi dưỡng, thù lao theo tính chất chuyên môn nghiệp vụ và khả năng cân đối tài chính của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

Điều 6. Cơ sở vật chất

1. Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã được Nhà nước giao đất để quản lý, sử dụng theo quy hoạch mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa cấp cơ sở đã được UBND thành phố phê duyệt.

2. Quy mô Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã theo quy hoạch tập trung tại trung tâm phường, xã gồm các thành phần, chức năng chính:

a) Hội trường/Nhà Văn hóa: là hội trường đa năng, dùng để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, triển lãm; phòng đọc sách báo, nhóm sinh hoạt câu lạc bộ sở thích và sân khấu ngoài trời.

b) Khu vui chơi giải trí cho trẻ em (nếu có).

c) Cụm các công trình thể dục thể thao: Có ít nhất một công trình thể dục thể thao như sân tập thể thao; nhà tập luyện thể thao; bể bơi hoặc hồ bơi và các công trình thể thao khác.

d) Các công trình phụ trợ: khu vệ sinh, bãi để xe, khu dịch vụ…

e) Thảm cỏ, cây xanh, điện chiếu sáng

Điều 7. Trang thiết bị

1. Trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa: Bàn, ghế hội trường; phông màn; thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, đạo cụ, phục trang chuyên dùng hoạt động văn nghệ, tủ giá sách, báo, tạp chí...

2. Trang thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao: Các dụng cụ thể dục thể thao chuyên dùng đảm bảo theo từng môn thể thao, phù hợp với phong trào thể thao quần chúng.

3. Trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

Điều 8. Kinh phí

1. Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã là đơn vị được ngân sách nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị và đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Ngoài kinh phí ngân sách đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã chủ động tạo nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, hội phí sinh hoạt các câu lạc bộ, nhóm sở thích và các khoản thu hợp pháp khác để nâng cao mức tự trang trải chi hoạt động của đơn vị, tiến tới là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên theo quy định.

3. Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định hiện hành và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

4. Cán bộ, công chức đảm nhận các chức danh tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm theo Điều 6 của Quy định về quản lý cán bộ, công chức phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành theo Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 16/12/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng, cụ thể là hưởng phụ cấp kiêm nhiệm 20% theo quy định của Chính phủ và được hỗ trợ 10% từ ngân sách thành phố so với mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Đối với người hoạt động không chuyên trách phụ trách công tác văn hóa - thể thao thì được hưởng phụ cấp theo Nghị quyết số 133/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Đề án sắp xếp, nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Mục 3. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Điều 9. Nội dung hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã

1. Hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động: tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền, gồm: panô, triển lãm, sinh hoạt chuyên đề, thông tin tại chỗ và thông tin lưu động ở các khu dân cư trên địa bàn, phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Hoạt động văn nghệ quần chúng: xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; tổ chức biểu diễn văn nghệ, các cuộc giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm; tổ chức đón các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về biểu diễn tại địa phương; sưu tầm, khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian truyền thống nhằm góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống địa phương; tổ chức hoạt động lễ hội, …

3. Hoạt động thể dục thể thao: xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tăng số lượng người, gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; khai thác, bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian ở địa phương, đưa vào hoạt động trong các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa - thể thao ở địa phương; tổ chức các giải thi đấu thể thao và đại hội thể dục thể thao định kỳ.

4. Hoạt động câu lạc bộ: xây dựng và phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên.

5. Hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa: tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngày giỗ, ngày tết và các hình thức sinh hoạt văn hóa - xã hội ở địa phương; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội.

6. Hoạt động văn hóa khác: tổ chức các hoạt động dịch vụ về văn hóa - thể thao; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở các tổ dân phố; xây dựng tủ sách, phong trào đọc sách báo. Tham gia các cuộc hội thi, hội diễn, thi đấu thể dục thể thao,… do ngành văn hóa, thông tin, thể dục thể thao cấp trên tổ chức; phối hợp với các ngành, đoàn thể cấp phường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

7. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em, đặc biệt là trong dịp hè.

Chương III

QUẢN LÝ TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO

Mục 1. NGUYÊN TẮC, NỘI DUNG QUẢN LÝ

Điều 10. Nguyên tắc quản lý

1. Toàn bộ hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cây xanh, thảm cỏ… được xác định là tài sản của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

2. Cơ quan nhà nước và nhân dân cùng có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cây xanh, thảm cỏ…của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

3. Việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã phải phù hợp với quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và những quy định hiện hành khác.

4. Việc lựa chọn chủng loại, mẫu mã trang thiết bị, cây xanh, thảm cỏ… tại các thiết chế của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã phải phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan, không gian kiến trúc đô thị; đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường đô thị, không làm hư hỏng hoặc ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên và dưới mặt đất, trên không và phải được sự thống nhất của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 11. Nội dung quản lý, vận hành

1. Giữ gìn, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức, phát triển hoạt động tại các thiết chế văn hóa - thể thao và phục vụ tốt nhất các tầng lớp nhân dân đến luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi, vui chơi.

2. Tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ nhằm khai thác tốt công năng của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

3. Hướng dẫn người dân đến luyện tập thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, vui chơi giải trí, sử dụng đúng công năng các trang thiết bị.

4. Bảo vệ, giữ gìn không để mất mát, hư hỏng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao.

5. Quản lý cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao.

6. Đảm bảo an ninh trật tự tại các thiết chế văn hóa - thể thao: bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát, bảo vệ thường xuyên; nhắc nhở và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nội quy sinh hoạt tại hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao.

7. Thu dọn rác, nạo vét mương rãnh, cống thoát nước tại các thiết chế văn hóa - thể thao, bảo đảm luôn sạch sẽ, không đọng nước.

8. Bảo trì, sửa chữa thường xuyên hệ thống hạ tầng, các trang thiết bị, điện chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, thảm hoa… không để hư hỏng xuống cấp.

9. Sử dụng mặt bằng các thiết chế đúng công năng xây dựng và chức năng, nhiệm vụ được UBND phường, xã quy định; mọi sự thay đổi phải được sự chấp thuận của UBND phường, xã và cơ quan quản lý có thẩm quyền.

10. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động tại các thiết chế thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã cho các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn chiếm, chiếm dụng, xây dựng, cư trú trái phép trong các thiết chế văn hóa - thể thao.

2. Chiếm dụng, phá hoại, sử dụng không đúng mục đích cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thiết chế văn hóa - thể thao.

3. Các hành vi làm mất mỹ quan, trật tự tại các thiết chế văn hóa - thể thao, như: nấu nướng, tắm giặt, phơi chăn màn, quần áo; hoạt động cờ bạc, mê tín dị đoan và các hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy.

4. Đậu xe trái phép trên vỉa hè, trên thảm hoa, thảm cỏ; buôn bán, tụ tập trái phép, điều khiển các phương tiện lưu thông vào khu vực thiết chế văn hóa - thể thao.

5. Chăn thả súc vật; mang, dắt thú nuôi gây nguy hiểm; để thú nuôi phóng uế trong các thiết chế văn hóa - thể thao.

6. Trèo lên cây xanh, giẫm đạp lên thảm hoa, thảm cỏ, làm hư hỏng bồn hoa, thảm cỏ và các công trình kiến trúc và công trình kỹ thuật hạ tầng các thiết chế văn hóa - thể thao.

7. Vứt xả rác bừa bãi, khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định.

8. Mang vũ khí, các vật dụng có thể gây thương tích như dao, kiếm, ống tuýp… các chất gây cháy và các hóa chất độc hại khác vào khu vực thiết chế văn hóa - thể thao.

9. Các hành vi trang trí, tuyên truyền, quảng cáo làm mất mỹ quan, gây hư hại cây xanh và các công trình kiến trúc thiết chế văn hóa - thể thao.

10. Sinh hoạt, hội họp trái phép tại các thiết chế văn hóa - thể thao.

11. Các hành vi khác vi phạm pháp luật và nội quy sinh hoạt tại thiết chế văn hóa - thể thao.

Mục 2. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC LIÊN KẾT TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO PHƯỜNG, XÃ

Điều 13. Phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc liên kết

1. Hình thức, phạm vi thực hiện

a) Cho tổ chức, cá nhân thuê không quá 60% cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã để liên kết tổ chức các hoạt động.

b) Tổ chức, cá nhân có thể thuê toàn bộ hoặc một phần của các thiết chế thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã (nhà văn hóa, khu thể thao, sân vận động, các câu lạc bộ văn hóa - thể thao, khu vui chơi giải trí, công viên vườn dạo…).

2. Đối tượng liên kết

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, tập luyện của người dân trên địa bàn.

3. Lĩnh vực tổ chức hoạt động

a) Văn hóa: múa, khiêu vũ, nhạc, họa…

b) Thể thao: sân bóng đá, sân cầu lông, tennis, câu lạc bộ võ thuật, Aerobic, yoga….

c) Hoạt động dịch vụ khác: các trò chơi cho trẻ em…

4. Nguyên tắc liên kết tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa - thể thao phường, xã

a) Việc liên kết tổ chức hoạt động tại các các thiết chế văn hóa - thể thao phường, xã nhằm mục đích phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân; phải được sự cho phép UBND phường, xã và sự quản lý của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã; không được ảnh hưởng đến công năng, thiết kế xây dựng của các thiết chế văn hóa - thể thao và thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước đối với từng loại hình hoạt động.

b) Khi địa phương có nhu cầu sử dụng thiết chế văn hóa - thể thao đã được liên kết tổ chức hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các nhiệm vụ phục vụ lợi ích chung của địa phương; tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết phải ưu tiên để địa phương sử dụng.

c) Việc thực hiện quảng cáo tại các thiết chế của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phải thực hiện theo quy hoạch quảng cáo của cấp thẩm quyền phê duyệt và các quy định về hoạt động quảng cáo của Nhà nước. Việc lắp đặt các bảng, biển, pa nô, băng rôn và các hình thức quảng cáo khác không được làm ảnh hưởng hoạt động của thiết chế văn hóa - thể thao.

d) Tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hội chợ, triển lãm, lễ hội…tại các thiết chế văn hóa - thể thao, ngoại trừ các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, phải đóng tiền sử dụng mặt bằng cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã; khoản tiền này được đóng góp sử dụng để duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

Điều 14. Quy định về việc liên kết

1. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất

a) Nhà nước đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ cơ sở hạ tầng hoặc sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có để cho các tổ chức, cá nhân thuê có thời hạn nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao.

b) Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất tại các thiết chế văn hóa xã, phường và khai thác có thời hạn. Khi hết thời hạn khai thác, tổ chức, cá nhân bàn giao lại cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho nhà nước quản lý, khai thác. Nhà nước ưu tiên cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư được tiếp tục thực hiện thuê lại cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đã đầu tư xây dựng.

2. Về chính sách thuê cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng

a) Giá cho thuê cơ sở hạ tầng của thiết chế được UBND quận, huyện quyết định sau khi thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê. Giá cho thuê được xác định không vì mục đích lợi nhuận mà chủ yếu nhằm bù đắp một phần chi phí bảo trí, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, chi phí quản lý nhưng phải bảo đảm việc bảo toàn chi phí hình thành nên tài sản thuê.

b) Thời gian khai thác cơ sở vật chất do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng tại các thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường do địa phương và tổ chức, cá nhân thỏa thuận theo quy mô đầu tư.

c) Thời hạn cho thuê cơ sở vật chất do địa phương và đơn vị, cá nhân thuê thỏa thuận.

d) Tổ chức, cá nhân thuê thiết chế văn hóa - thể thao được tự quyết định mức thu phí và phải công khai mức phí trên cơ sở đảm bảo trang trải chi phí cần thiết cho quá trình hoạt động và có tích lũy để sửa chữa, đầu tư phát triển. Tuy nhiên, giá dịch vụ phải tính đến quyền được hưởng lợi của người dân từ việc cho thuê thiết chế và phù hợp với mục đích phục vụ lợi ích công cộng của thiết chế văn hóa - thể thao.

Điều 15. Quy trình, thủ tục liên kết tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa - thể thao

1. Lập hồ sơ

Căn cứ vào tình hình thiết chế văn hóa - thể thao hiện có của địa phương, UBND phường, xã kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Sau khi có tổ chức, cá nhân đăng ký, UBND phường, xã phối hợp cùng tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ liên kết (thuê), gồm các nội dung:

- Chủ đầu tư;

- Địa điểm thực hiện;

- Mục tiêu thực hiện;

- Quy mô dự kiến (tóm tắt các thông số về kinh tế, kỹ thuật chủ yếu và các yêu cầu khác);

- Tổng vốn đầu tư dự kiến thực hiện;

- Tiến độ triển khai;

- Giá thuê cơ sở hạ tầng;

- Thời hạn thực hiện;

- Thông tin liên hệ.

2. Xin chủ trương thực hiện

Sau khi nhận đủ hồ sơ xin liên kết tổ chức hoạt động của tổ chức, cá nhân, UBND phường, xã lập hồ sơ để trình UBND quận, huyện thẩm định và cho chủ trương thực hiện.

3. Ký hợp đồng thực hiện

Sau khi được UBND quận, huyện đồng ý chủ trương, UBND xã, phường và tổ chức, cá nhân đăng ký liên kết ký hợp đồng thực hiện.

4. Tiến hành thực hiện dự án.

Điều 16. Trách nhiệm quản lý việc liên kết tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao phường, xã

1. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện

a) Khuyến khích UBND các phường, xã có thiết chế văn hóa, thể thao ban hành chủ trương, danh mục cụ thể cho việc liên kết tổ chức hoạt động tại các thiết chế của Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

b) Thẩm định và cho chủ trương thực hiện liên kết theo đề nghị của xã, phường.

c) Hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục thực hiện việc liên kết tại các thiết chế văn hóa, thể thao phường, xã.

d) Hướng dẫn các phường, xã có thiết chế thực hiện việc liên kết sử dụng kinh phí thu từ việc cho thuê đầu tư lại cho hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương.

d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết hoạt động tại các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở.

2. Trách nhiệm của UBND phường, xã

a) Ban hành chủ trương, danh mục cụ thể cho việc thực hiện liên kết tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn và công khai chủ trương này.

b) Ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết và tổ chức triển khai thực hiện.

c) Theo dõi, quản lý các thiết chế được thực hiện liên kết tổ chức hoạt động trên địa bàn. Xử lý hoặc tham mưu UBND quận, huyện xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

d) Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết tổ chức tốt hoạt động tại thiết chế văn hóa - thể thao của địa phương.

e) Sử dụng kinh phí thu lại từ việc cho thuê đúng mục đích và hiệu quả.

3. Trách nhiệm của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã

a) Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết tổ chức tốt hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao.

b) Kiểm tra việc tổ chức hoạt động của các thiết chế đã thực hiện liên kết.

4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức hoạt động

a) Lập thủ tục để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện theo quy định.

b) Tuân thủ theo điều lệ hoạt động, bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật để cung cấp cho xã hội các sản phẩm, dịch vụ đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về nội dung và chất lượng.

c) Đảm bảo các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng theo đề xuất cụ thể của địa phương.

d) Đăng ký nội dung hoạt động chuyên môn với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đăng ký hoạt động với cơ quan thuế để làm căn cứ ưu đãi hoặc tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

e) Đầu tư đúng mục đích, chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, không được tổ chức các hoạt động khác khi chưa có ý kiến của UBND quận, huyện.

f) Công khai mức thu theo từng dịch vụ, công khai hoạt động, công khai tài chính theo quy định của pháp luật, công khai mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có).

g) Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động và tài chính của cơ sở gửi cơ quan quản lý ngành, cơ quan tài chính và cơ quan thuế cùng cấp theo quy định của pháp luật.

h) Thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế, Tài chính và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp theo quy định của pháp luật.

i) Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hợp đồng thuê sử dụng địa điểm, tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết phải tiến hành tổ chức hoạt động tại thiết chế đã được cho thuê.

Điều 17. Thực hiện thí điểm

a) Tùy theo tình hình thực tiễn, mỗi quận, huyện chọn 01 (một) thiết chế thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã thí điểm thực hiện liên kết tổ chức hoạt động theo các quy định nêu trên.

b) Ngoài các thiết chế thực hiện thí điểm, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện liên kết tổ chức hoạt động tại các thiết chế khác, UBND các quận, huyện vẫn tiến hành cho thực hiện liên kết theo Quy định này.

c) Trong thời gian thực hiện thí điểm, các thiết chế hiện đang cho các tổ chức, cá nhân thuê để tổ chức hoạt động vẫn được tiếp tục thực hiện cho thuê đến hết thời hạn hợp đồng. Sau khi hết thời hạn hợp đồng hiện tại, nếu địa phương và tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện việc cho thuê các thiết chế văn hóa - thể thao để tổ chức hoạt động thì thực hiện theo Quy định này.

d) Thời gian thực hiện thí điểm: Sau 01 năm triển khai áp dụng Quy định liên kết tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường; UBND các quận, huyện đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở thiết chế thực hiện thí điểm, báo cáo UBND thành phố để xem xét hiệu quả và triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.

Mục 3. QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 18. Mối quan hệ công tác

1. Đối với UBND phường, xã

Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của UBND phường, xã về việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động.

2. Đối với Phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện

Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã chịu sự quản lý nhà nước của Phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện về các mặt hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể dục - thể thao.

3. Đối với Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện

Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện.

4. Đối với các ngành, đoàn thể thành phố, quận, huyện và các tổ chức xã hội

Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã phối hợp, hỗ trợ thực hiện nghiệp vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

5. Đối với tổ dân phố/thôn

Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, giúp đỡ, hướng dẫn tổ dân phố, thôn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa, thông tin tuyên truyền về đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Chương IV

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 19. Trách nhiệm Thủ trưởng các ngành chức năng của thành phố có liên quan

1. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

a) Phối hợp với các ngành chức năng liên quan theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn về phương pháp tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

b) Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức quản lý và hoạt động cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

c) Chủ trì tham mưu UBND thành phố giải quyết hoặc đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

d) Chủ trì tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã sau khi rút kinh nghiệm áp dụng Quy định tạm thời.

2. Giám đốc Sở Nội vụ

a) Chủ trì tham mưu UBND thành phố giải quyết hoặc đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc về tổ chức, bộ máy, chế độ chính sách trong quá trình triển khai tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

b) Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao theo dõi và rút kinh nghiệm chỉ đạo mô hình hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã để có sự hướng dẫn và điều chỉnh cho phù hợp, tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định chính thức.

3. Giám đốc Sở Tài chính: Hướng dẫn chế độ tài chính dành cho hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã theo quy định của Nhà nước.

4. Giám đốc Sở Xây dựng: Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo dưỡng, vận hành hệ thống cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ, hệ thống điện chiếu sáng tại hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao của Công ty Công viên cây xanh và Công ty Quản lý và vận hành điện chiếu sáng công cộng.

Điều 20. Trách nhiệm của Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh thành phố

1. Quản lý, bảo quản chuyên môn hệ thống cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ tại các thiết chế của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

2. Chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ tại các thiết chế văn hóa, thể thao.

3. Thay mới cây chết, cây sâu mục, cây nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao.

4. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã trong việc bảo quản, chăm sóc hệ thống cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ.

Điều 21. Trách nhiệm của Giám đốc Công ty Quản lý và vận hành điện chiếu sáng công cộng

1. Bố trí nguồn điện chiếu sáng, sinh hoạt phục vụ hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã, từ 18h đến 23h hàng ngày.

2. Quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện chiếu sáng tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

Điều 22. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng lộ trình, kế hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã theo quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt.

2. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cùng các đơn vị trực thuộc hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức hoạt động cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

3. Phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí duy tu, bảo dưỡng các trang thiết bị cho UBND phường, xã để phân bổ cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

4. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã cho Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

5. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND phường, xã thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong việc tổ chức, quản lý và tổ chức hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

6. Chọn 01 (một) thiết chế thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã thí điểm thực hiện liên kết tổ chức hoạt động theo các quy định về liên kết tổ chức hoạt động.

Điều 23. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường, xã

1. UBND phường, xã là đơn vị quản lý chung; khai thác, tổ chức hoạt động; chịu trách nhiệm bảo quản, vận hành cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về toàn bộ hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã. Bố trí cán bộ, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã tổ chức hoạt động có hiệu quả.

3. Căn cứ theo Quy định này, xây dựng, ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã trên địa bàn và tổ chức thực hiện.

4. Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở nhằm có đủ nguồn lực để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động.

5. Chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã xây dựng kế hoạch hoạt động, phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí để Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã tổ chức hoạt động.

6. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã cho UBND quận, huyện để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

7. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong việc tổ chức, quản lý và tổ chức hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

Điều 24. Trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã

1. Tổ chức thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã do UBND phường, xã ban hành.

2. Trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác, tổ chức hoạt động; chịu trách nhiệm bảo quản, vận hành cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

3. Đề xuất, tham mưu UBND phường, xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của phường, xã; thực hiện chủ trương liên kết tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương.

4. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí hàng năm, trình UBND phường, xã phê duyệt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

5. Tổ chức, hướng dẫn người dân đến luyện tập thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí sử dụng đúng công năng các trang thiết bị.

6. Chỉ đạo việc bảo vệ, giữ gìn tài sản, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã

7. Lập hồ sơ quản lý cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã.

8. Đảm bảo an ninh trật tự tại các thiết chế văn hóa - thể thao: bố trí người kiểm tra, giám sát, bảo vệ thường xuyên; nhắc nhở và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nội quy của Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

9. Chỉ đạo việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thu dọn rác, nạo vét mương rãnh, cống thoát nước trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao bảo đảm luôn sạch sẽ, không đọng nước.

10. Chỉ đạo việc bảo trì, sửa chữa thường xuyên hệ thống hạ tầng, các trang thiết bị… không để hư hỏng xuống cấp.

11. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã cho UBND phường, xã để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Khen thưởng

Tập thể, cá nhân có các thành tích trong việc quản lý và tổ chức hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, xã thì được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 26. Xử lý vi phạm

Những hành vi vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Điều 27. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các đơn vị, địa phương và các ngành liên quan phản ánh về UBND thành phố (qua Sở Văn hóa và Thể thao) để bổ sung, sửa đổi Quy định cho phù hợp./.