Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 63/2009/QĐ-UBND

Phan thiết, ngày 18 tháng 9 ngăm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG DÂY TRUNG, HẠ THẾ VÀ TRẠM BIẾN ÁP PHỤC VỤ THẮP SÁNG THANH LONG CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1232/TTr-SCT ngày 18 tháng 8 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định điều kiện và trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, Giám đốc Điện lực Bình Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận và các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG DÂY TRUNG, HẠ THẾ  VÀ TRẠM BIẾN ÁP PHỤC VỤ THẮP SÁNG THANH LONG CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy định này nhằm quản lý việc đầu tư xây dựng các công trình điện phục vụ thắp sáng thanh long của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch phát triển cây thanh long đến năm 2015.

2. Các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch phát triển cây thanh long đến năm 2015 theo thẩm quyền và các nội dung theo quy định của Chính phủ và theo phân công tại Quy định này.

3. Các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thiết kế, thi công, đầu tư xây dựng, sở hữu đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải thực hiện quy định về đầu tư xây dựng và các nội dung theo Quy định này.

Chương II

ĐIỀU KIỆN VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC

Điều 2. Điều kiện để đầu tư xây dựng đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long

Để xây dựng đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Mức độ ưu tiên cấp điện cho thắp sáng thanh long theo thứ tự sau:

a) Thanh long trồng trong khu vực quy hoạch và đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và những tiêu chuẩn khác tương đương như GlobalGAP, EurepGAP;

b) Khu vực khác trong quy hoạch trồng thanh long của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Những khu vực khác, tùy theo từng thời điểm do Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể.

2. Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long (sau đây gọi tắt là chủ đầu tư) phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

3. Đầu tư xây dựng công trình điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực huyện, thị xã, thành phố theo các giai đoạn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Phải có phương án cấp điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật và phải được Điện lực Bình Thuận thỏa thuận đấu nối cấp điện cho công trình.

5. Công trình điện lực phải sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ phù hợp với các quy phạm, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định bao gồm:

a) Quy phạm trang bị điện ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BCN ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương): Quy phạm trang bị điện 11 TCN-18-2006 về Quy định chung; Quy phạm trang bị điện 11 TCN-19-2006 về Hệ thống đường dẫn điện; Quy phạm trang bị điện 11 TCN-20-2006 về Trang bị phân phối và trạm biến áp; Quy phạm trang bị điện 11 TCN-21-2006 về Bảo vệ và tự động;

b) Quy định kỹ thuật lưới điện nông thôn (QĐKT.ĐNT-2006) ban hành kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BCN ngày 08 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương);

c) Quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương);

d) Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp;

đ) Thông tư số 06/2006/TT-BCN ngày 26 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;

e) Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan khác.

6. Công trình xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

a) Bảo đảm xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế; bảo vệ môi trường, bảo đảm mỹ quan và cảnh quan chung; phù hợp với điều kiện tự nhiên kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và các quy định khác của pháp luật;

b) Tuân thủ các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng;

c) Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng con người và tài sản, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường;

d) Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình, tiết kiệm tài nguyên đất, có hiệu quả, chống lãng phí và các tiêu cực khác trong xây dựng.

7. Các đơn vị thực hiện khảo sát, lập thiết kế công trình điện phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng và Giấy phép hoạt động điện lực phù hợp theo quy định.

8. Phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện tại địa điểm đầu tư thỏa thuận hướng tuyến, xác nhận phù hợp quy hoạch xây dựng và cấp Giấy phép xây dựng (nếu có) theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009.

Đối với trường hợp chưa có quy hoạch xây dựng thì xác nhận hướng tuyến không trùng lắp quy hoạch dự án khác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với công trình đầu tư xây dựng trạm biến áp riêng lẻ gắn độc lập trên đường dây trung thế hiện hữu thì không phải thỏa thuận hướng tuyến.

Điều 3. Trình tự, thủ tục để xây dựng đường dây trung thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long

Để xây dựng đường dây trung thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long phải thực hiện trình tự theo các bước như sau:

1. Chủ đầu tư nhận đơn và hồ sơ đề nghị cấp điện theo mẫu tại Điện lực Bình Thuận.

2. Chủ đầu tư tập hợp hồ sơ liên quan đến phần đất trồng thanh long của mình, kèm theo đơn đề nghị cấp điện gửi đến cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) đề nghị xác nhận trực tiếp vào đơn sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với các quy định về đất đai (mục đích sử dụng đất) và quy định pháp luật khác (nếu có).

3. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận phần đất trồng thanh long của chủ đầu tư là hoàn toàn phù hợp theo quy định, chủ đầu tư gửi đơn đề nghị cấp điện, kèm theo bản sao chứng thực (của một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, quyết định giao đất, hồ sơ đất đai đã được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) và Bảng liệt kê công suất và chế độ làm việc của thiết bị dùng điện, đặc tính kỹ thuật của hệ thống đèn chiếu sáng: công suất bóng đèn, số lượng bóng đèn, thời gian sử dụng, ... gửi đến Điện lực Bình Thuận. Đối với khách hàng đăng ký sử dụng công suất từ 80 kW trở lên hoặc trạm biến áp có dung lượng từ 100 KVA trở lên phải đăng ký biểu đồ phụ tải.

4. Lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật - thiết kế bản vẽ thi công:

a) Chủ đầu tư hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế có chức năng, có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề phù hợp, có giấy phép hoạt động điện lực theo quy định; tổ chức khảo sát, xác định vị trí đấu nối, hướng tuyến, lập phương án cung cấp điện sơ bộ để Điện lực Bình Thuận tính toán thông số kỹ thuật, lập và quyết định phê duyệt phương án cấp điện, thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia cho công trình;

b) Chủ đầu tư có đơn, kèm theo hồ sơ khảo sát, bản vẽ mặt bằng, hướng tuyến do đơn vị tư vấn thiết kế lập, gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có công trình xây dựng để được cấp văn bản thỏa thuận hướng tuyến và xác nhận phù hợp quy hoạch xây dựng theo quy định tại khoản 8, Điều 2 của Quy định này;

c) Sau khi hoàn chỉnh các thủ tục thỏa thuận hướng tuyến và xác nhận phù hợp quy hoạch xây dựng, lập thiết kế công trình điện theo quy định.

5. Chủ đầu tư phải có bản cam kết với Điện lực Bình Thuận cho phép các chủ đầu tư khác được đấu nối vào lưới điện của mình hoặc dùng chung trụ hiện hữu để không xảy ra tình trạng có nhiều đường dây trên cùng một tuyến, trừ trường hợp không đảm bảo về kỹ thuật hoặc phải thực hiện theo các quy định khác của Nhà nước.

6. Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư có đơn, kèm theo hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có công trình xây dựng để được hướng dẫn thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 4. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Thực hiện đầy đủ các bước trình tự, thủ tục được quy định tại khoản 2, Điều 3 của Quy định này.

2. Công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế và phạm vi xây dựng đã được cấp giấy phép hoặc thỏa thuận hướng tuyến.

3. Đối với công trình bị ảnh hưởng với các chủ sở hữu khác (hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, hướng tuyến, vị trí móng trụ, ...), chủ đầu tư phải có thỏa thuận với các chủ sở hữu đó trước khi thiết kế hoặc thực hiện đầu tư xây dựng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xâm phạm các quyền hợp pháp của các chủ sở hữu này.

Đối với việc đấu nối vào tuyến đường dây hiện hữu của chủ đầu tư khác đã xây dựng trước đó, yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận với chủ sở hữu đường dây hiện hữu trước khi phê duyệt phương án cấp điện, thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia và lập hồ sơ thiết kế.

4. Thông báo ngày khởi công và xuất trình văn bản thỏa thuận hướng tuyến cho chính quyền địa phương trước khi khởi công xây dựng theo quy định.

5. Xây dựng lưới điện hạ thế (sau trạm biến áp) phải theo đúng các quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

6. Thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm phụ tải khi có thông báo của bên bán điện.

7. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật hiện hành.

8. Thực hiện các cam kết về việc thỏa thuận đấu nối, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả và các quy định về quản lý nhu cầu sử dụng điện; khuyến khích sử dụng đèn compact và các thiết bị tiết kiệm điện để chong đèn thanh long.

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng điện thiếu an toàn gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết

1. Phân công và chỉ đạo, quy định trách nhiệm của các phòng, ban có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn: căn cứ đơn đề nghị và hồ sơ liên quan đến phần đất trồng thanh long của chủ đầu tư, xác nhận sự phù hợp theo quy hoạch, phù hợp với các quy định về đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan theo đúng thời gian quy định; giải quyết các khiếu nại có liên quan đến việc thỏa thuận đấu nối vào tuyến hiện hữu hoặc dùng chung trụ hiện hữu.

2. Phân công, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hướng dẫn và cấp văn bản thỏa thuận hướng tuyến và xác nhận phù hợp quy hoạch xây dựng theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 và Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ, Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Bộ Xây dựng theo đúng thời gian quy định.

3. Quản lý việc đầu tư xây dựng các công trình điện phục vụ thắp sáng thanh long trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo quy hoạch và các quy định hiện hành. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của Điện lực Bình Thuận

1. Căn cứ đơn và hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp điện của chủ đầu tư (theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 3 của Quy định này), kết hợp với quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc các văn bản liên quan khác của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho phép đầu tư phát triển lưới điện, xem xét sự đảm bảo các điều kiện để cấp điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và cấp huyện; khảo sát, kiểm tra, quyết định phê duyệt phương án cấp điện và thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia cho khách hàng bằng văn bản để chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế; đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo; trường hợp phải bổ sung các thủ tục cần thiết, phải thông báo cho chủ đầu tư biết để bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp điện.

2. Đối với các công trình không đủ điều kiện để cung cấp điện, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp điện phải có văn bản trả lời cho chủ đầu tư, trong đó nêu rõ nguyên nhân, đồng thời có văn bản trình Sở Công thương để được xác nhận không đủ điều kiện để cung cấp điện.

3. Trường hợp công trình không phù hợp quy hoạch phát triển điện lực, có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư trình Sở Công thương xem xét, thỏa thuận trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch.

4. Thực hiện đấu nối công trình điện của khách hàng vào lưới điện quốc gia, ký hợp đồng mua bán điện, cấp điện và bán điện sau khi chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được quy định trong Quy định này và các quy định hiện hành khác. Thời gian thực hiện theo quy định về thủ tục một cửa được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

5. Tham gia nghiệm thu công trình: phải kiểm tra các hồ sơ đảm bảo đúng các quy định của Quy định này, tư cách pháp nhân và năng lực của đơn vị thi công; quá trình nghiệm thu, đóng điện theo đúng các quy định hiện hành.

6. Cung cấp tài liệu, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế (sau trạm biến áp) và sử dụng điện đúng theo các quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện trung, hạ thế. Phối hợp tuyên truyền và đề nghị khách hàng thực hiện các cam kết về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả theo quy định.

7. Thực hiện nghiêm nội dung Quyết định số 39/2005/QĐ-BCN ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) về điều kiện, trình tự, thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện.

8. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng điện an toàn đối với các khách hàng chong đèn thanh long; nếu vi phạm phải lập biên bản nhắc nhở; trường hợp tái phạm, lập thủ tục ngừng cung cấp điện theo quy định hiện hành.

9. Định kỳ hàng tháng báo cáo Sở Công thương về: tình hình cung cấp điện, danh sách khách hàng được thỏa thuận đấu nối, quyết định cấp phụ tải, nghiệm thu đóng điện các đường dây trung thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long và các phụ tải khác trên từng phát tuyến trung thế và từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, định kỳ hàng quý có báo cáo đánh giá chung về tình hình cung cấp điện của tỉnh để có đề xuất biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Công thương

1. Theo dõi, kiểm tra, quản lý việc đầu tư xây dựng các công trình lưới điện phục vụ thắp sáng thanh long trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch phát triển điện lực và các quy định khác về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

2. Xác nhận chưa đủ điều kiện cung cấp điện theo quy định.

3. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch đối với trường hợp không phù hợp quy hoạch phát triển điện lực.

4. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn an toàn và tiết kiệm điện cho các tổ chức, cá nhân sử dụng điện trong sản xuất thanh long khi có yêu cầu.

5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.

6. Xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực huyện, thị xã, thành phố hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh khi có nhu cầu cần thiết.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Xử lý chuyển tiếp

1. Các hồ sơ và đơn đề nghị cấp điện đã gửi Điện lực Bình Thuận trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa thực hiện phê duyệt phương án cấp điện và thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia do lưới điện quá tải và chưa đủ điều kiện cung cấp điện thì phải bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng Quy định này.

2. Chủ đầu tư các công trình điện hiện hữu phải có trách nhiệm thỏa thuận đấu nối vào lưới điện hiện hữu của mình với chủ đầu tư xây dựng công trình điện mới trên cơ sở thoả thuận giữa các bên và trong phạm vi quy định của pháp luật.

Điều 9. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền

Đối với việc đầu tư đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 22 kV trở xuống, Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thỏa thuận hướng tuyến theo đề nghị của Trưởng Phòng Công thương hoặc Trưởng Phòng Kinh tế.

Điều 10. Điều khoản cấm

1. Xây dựng công trình không có phương án cấp điện và thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia được phê duyệt, hồ sơ thiết kế, văn bản thỏa thuận hướng tuyến và xác nhận phù hợp quy hoạch xây dựng của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thiết kế, xây dựng từ hai (02) tuyến đường dây trung thế trở lên trên cùng một tuyến đường giao thông, trừ trường hợp không đảm bảo về kỹ thuật hoặc phải thực hiện theo các quy định khác của Nhà nước.

3. Sử dụng điện để chong đèn thanh long trong giờ cao điểm tối (từ 17 giờ đến 20 giờ).

4. Sử dụng điện sinh hoạt tại các trạm biến áp công cộng phục vụ mục đích sinh hoạt để chong đèn thanh long.

5. Bán điện trái phép cho tổ chức, cá nhân khác. Ngoài thời gian sử dụng để chong đèn cho chính khu vực trồng thanh long của chủ đầu tư lưới điện (chủ sở hữu trạm biến áp) thì chủ đầu tư có thể bán điện cho tổ chức, cá nhân trồng thanh long khác qua trạm biến áp này nhưng phải đăng ký kinh doanh. Nếu trạm biến áp công suất từ 50 KVA trở lên phải lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực gửi Sở Công thương giải quyết.

6. Gây khó khăn, cản trở việc thỏa thuận đấu nối vào lưới điện hiện hữu.

Điều 11. Hình thức xử lý

Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy định này bị xử lý theo quy định tại Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện; bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo quy định tại Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và các quy định hiện hành khác của pháp luật.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thiết kế, thi công, đầu tư xây dựng, sở hữu đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp phục vụ thắp sáng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải thực hiện đúng Luật Điện lực, Luật Xây dựng, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực và Luật Xây dựng, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và các nội dung theo Quy định này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Hội Nông dân tỉnh và Hiệp hội Thanh long Bình Thuận phổ biến triển khai nội dung Quy định này đến các địa phương và các hộ dân trồng thanh long.

3. Quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn vướng mắc, đề nghị có ý kiến về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Công thương để kịp thời xem xét, giải quyết./.