Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2017/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ DỰA VÀO NHÂN DÂN ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM AN TOÀN THỰC PHẨM, CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật tốo ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 10 năm 2012;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ văn bản hợp nhất số 47/VBHN-BTC, ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính;

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế dựa vào Nhân dân để phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm, chế độ khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 08/01/2018

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP;
- Các Bộ; Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế;
- Viện VSDT Tây Nguyên;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh;
- Công báo tỉnh:
- Lưu VT, KGVX1,3, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hòa

 

QUY CHẾ

DỰA VÀO NHÂN DÂN ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM AN TOÀN THỰC PHẨM, CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về cơ chế phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; việc chi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; chế độ khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. Các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chương II

CƠ CHẾ DỰA VÀO NHÂN DÂN ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 3. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm

1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm được quy định trong Luật An toàn thực phẩm. Nguyên nhân, cách nhận biết nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các biện pháp phòng, chống sự cố về an toàn thực phẩm.

2. Cung cấp kịp thời về nguy cơ mất an toàn tới Nhân dân, để nhận thức được đầy đủ tác hại tới sức khỏe của thực phẩm không đảm bảo an toàn. Phát động phong trào đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm.

3. Hướng dẫn và vận động Nhân dân tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát, phát hiện những tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn để thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của Nhân dân đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

1. Căn cứ tình hình thực tế, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công khai số điện thoại đường dây nóng để Nhân dân cung cấp thông tin phản ánh, kiến nghị, tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức.

2. Sau khi tiếp nhận thông tin về vi phạm an toàn thực phẩm, cơ quan tiếp nhận thông tin căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền có trách nhiệm xử lý thông tin, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật và thông báo kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin biết (nếu có yêu cầu).

3. Cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm bố trí địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin vi phạm an toàn thực phẩm được giữ bí mật và được yêu cầu bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù.

Điều 5. Hình thức cung cấp thông tin

1. Trực tiếp phản ánh, khai báo với cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền.

2. Bằng văn bản (qua bưu điện hoặc fax).

3. Bằng điện thoại: Qua đàm thoại hoặc tin nhắn.

4. Qua thư điện tử.

5. Qua hòm thư...

Điều 6. Tính chất thông tin

1. Thông tin phải kịp thời, rõ ràng, cụ thể. Tùy từng trường hợp cụ thể các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải cung cấp được các bằng chứng xác thực (hình ảnh, đoạn phim...).

2. Có độ chính xác, tin cậy cao.

Chương III

VIỆC CHI TRẢ TIỀN CHO CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CUNG CẤP THÔNG TIN ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 7. Thông tin được chi trả tiền

1. Thông tin được cung cấp bằng một trong các hình thức được quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

2. Thông tin phải được cơ quan có thẩm quyền kết luận có vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Thời điểm chi trả tiền cho người cung cấp thông tin

1. Việc chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin được thực hiện sau khi có kết luận, xử lý của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

2. Thời gian chi trả tiền không quá 20 ngày kể từ ngày có kết luận, xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Mức chi trả, nguồn kinh phí chi trả và thẩm quyền chi trả

1. Mức chi trả như hình thức mua tin được thực hiện trên khả năng nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được trích lại cho đơn vị đảm bảo chi trả nhưng không vượt quá mức theo quy định tại văn bản hợp nhất số 47/VBHN-BTC, ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

2. Nguồn kinh phí chi trả cho việc cung cấp thông tin được bố trí lại từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và dự toán chi ngân sách địa phương cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.

3. Cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được cung cấp thông tin có trách nhiệm chi trả tiền cho người cung cấp thông tin sau khi có kết luận thông tin được cung cấp là chính xác. Trường hợp nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm thì cơ quan đã thực hiện việc xử lý hoặc chủ trì tham mưu người có thẩm quyền thực hiện việc xử lý có trách nhiệm chi trả.

Chương IV

KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG VIỆC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 10. Khen thưởng

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.

2. Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm.

3. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng công nhận theo thẩm quyền.

Điều 11. Thẩm quyền và chế độ khen thưởng

1. Giám đốc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, căn cứ chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của đơn vị quyết định khen thưởng theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định khen thưởng theo trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên cơ sở đề nghị của các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; quyết định khen thưởng cho các sở, ban, ngành, địa phương có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

4. Hình thức khen và mức thưởng căn cứ theo quy định hiện hành của Luật Thi đua, khen thưởng.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm thực hiện

1. Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương trên cơ sở trách nhiệm được phân công theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; các văn bản quy định của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan đến chế độ khen thưởng; quy định tại Điều 9 và Khoản 1 Điều 10 của Quy chế này để thực hiện chi trả cho tổ chức, cá nhân phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm và khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cơ sở trách nhiệm được phân công theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; các văn bản quy định của Chính phủ, Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến chế độ khen thưởng và quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Quy chế này để thực hiện chi trả cho tổ chức, cá nhân phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm và khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình.

3. Sở Tài chính phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí lại từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, kết hợp cân đối bố trí từ nguồn chi ngân sách địa phương giao cho các đơn vị hàng năm để thực hiện theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phát hiện, khai báo kịp thời cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tăng cường công tác giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm; vận động người dân phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh ngăn chặn các vi phạm về an toàn thực phẩm, khai báo kịp thời khi phát hiện có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề mới, cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.