Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 645/2002/QĐ-UB

Tân An, ngày 26 tháng 02 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2001-2005 VÀ ĐẾN 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị quyết số 34/2002/NQ.HĐND.K6 của HĐND tỉnh Long An khóa VI - kỳ họp thứ 7 (từ ngày 08 đến ngày 11/01/2002) về việc thông qua Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực của tỉnh Long An giai đoạn 2001-2005 và đến 2010;
Theo đề nghị của Ông Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh (kiêm Phó trưởng Ban điều hành chương trình) tại văn bản số 171/CV.BTCCQ ngày 20/02/2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực của tỉnh Long An giai đoạn 2001-2005 và đến 2010.

Điều 2. Tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng các Sở ngành và Chủ tịch UBND các huyện thị có trách nhiệm cụ thể hóa nội dung chương trình thành kế hoạch chi tiết, phù hợp để tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

Ban điều hành chương trình theo dõi kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả theo quy định.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở ngành và Chủ tịch UBND các huyện thị thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh.
- CT, các PCT.
- Như Điều 3.
- NC.UB.
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Văn Tiếp

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀO TẠO VÀ PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC (GIAI ĐOẠN 2001 -2005 VÀ ĐẾN NĂM 2010)
(Ban hành kèm theo quyết định số 645/QĐ-UB ngày 26/2/2002)

Tác động vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội có nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là động lực chủ yếu và quan trọng nhất. Do đó việc đào tạo và phát huy nguồn lực con người là yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay tuy có số lượng khá đông, nhưng còn bất cập về trình độ, về cơ cấu, vừa thừa, vừa thiếu, nhầt là cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, đầu đàn. Lực lượng lao động được đào tạo có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp, phần đông chưa được rèn luyện trong môi trường sản xuất công nghiệp, nên hiệu quả lao động, sản xuất thấp. Thực hiện 4 chương trình Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Tỉnh Đảng bộ Long An, UBND tỉnh xây dựng chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực giai đoạn 2001- 2005 và đến năm 2010.

Phần I.

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH

(giai đoạn 1996-2000)

Long An là tỉnh có nguồn lao động dồi dào, đa số người lao động có tinh thần chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động và tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ sản xuất. Trình độ học vấn người dân (trong độ tuổi đi học) từ tiểu học trở lên chiếm 90,1% (số liệu cục thống kê năm 1999), người lao động trong độ tuổi từ 15-34 tuổi chiếm tỷ lệ 61,13% (504.505 người) trong tổng số lực lượng lao động. Nguồn lao động bổ sung hàng năm là 4,5 % (khoảng 30.000 người). Đây là tiềm năng, cơ hội vể nguồn nhân lực và cũng là thách thức rất lớn về đào tạo và giải quyết việc làm.

Về công tác đào tạo và dạy nghề đã có những bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo giai đoạn 1996-2000 mỗi năm tăng bình quân 1% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng bình quân 0,8%. Số lượng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ chiếm tỷ lệ 1,56% trong lực lượng lao động; (trong đó nữ chiếm 0,75%, thạc sĩ chiếm tỷ lệ 0,007%, cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ dưới 40 tuổi chiếm 62,5%). Số cán bộ KHKT của ngành giáo dục chiếm tỷ lệ 45,2%, có 43,3% Xã, Phường, Thị trấn có bác sĩ. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm tiêu chuẩn hoá từng chức danh. Từ năm 1996-2000 đã đào tạo, bồi dưỡng 20.114 lượt cán bộ (trong đó đào tạo 4.004). Qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực lãnh đạo quản lý của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cán bộ KHKT được nâng lên đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong những năm qua.

Mạng lưới trường lớp ngày càng tăng về số lượng ở các cấp học, được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập (có cả Trường dạy nghề). Trình độ đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hoá. Từ đó đã góp phần tích cực vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo của tỉnh trong thời gian qua.

Nhìn chung nguồn nhân lực của tỉnh có những bước phát triển so với những năm trước đây. Tuy nhiên, nguồn nhân lực so với yêu cầu vẫn còn hạn chế và bất cập đó là:

- Về trình độ kiến thức, năng lực đội ngũ cán bộ tuy có nâng lên, nhưng chưa đồng bộ giữa kiến thức lý luận chính trị và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và chưa đồng đều giữa các cấp, các ngành. Trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng kịp yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Phần đông cán bộ yếu về ngoại ngữ tin học, kiến thức quản lý kinh tế. Một bộ phận các bộ chưa thật sự vươn lên, chưa nhiệt tình trong công việc; thiếu rèn luyện về phẩm chất đạo đức. Đội ngũ cán bộ vẫn ở trong tình trạng “vừa thùa, vừa thiếu”; Thiều cán bộ kế cận, cán bộ dự nguồn, cán bộ KHKT giỏi, đầu đàn, cán bộ quản lý kinh doanh (cán bộ KHKT ở cac ngành Nông Lâm Thủy sản chỉ chiếm 4,1%; Xây dựng 2%; Vận tải 0,49% trong tổng số cán bộ KHKT của Tỉnh v.v...). Riêng giáo viên THCS thiếu 653, giáo viên PTTH thiếu 645. Số cán bộ được đào tạo cơ bản chính quy còn ít, phần lớn vừa học vừa làm. chủ yếu qua các lớp tại chức, đào tạo từ xa, ngắn ngày nên chất lương không cao.

Trình độ dân trí của tỉnh có nâng lên nhưng vẫn còn ở mức thấp, trình độ học vấn PTTH chỉ chiếm 18,4%, người trong độ tuổi chưa đi học chiếm 8,4% (số liệu cục thống kê năm 1999) đại bộ phận xã, phường , thị trấn chưa đạt chuẩn phổ cập THCS. Tỷ lệ lao động được qua đào tạo còn ít (năm 2000 chỉ chiếm 14,13%) lao động được đào tạo giữa cao đẳng, đại học, trung học, công nhân kỹ thuật chưa hợp lý, thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật (tỷ lệ 1-1,2-0,8). Lực lượmg lao động ở nông thôn chủ yếu là lao động phổ thông (83,69%) lao động chưa qua đào tạo (541.650 người) . Tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm những năm qua dao động ở mức 5,30% so với tổng số lao động trong độ tuổi. Hệ thống cơ sở dạy nghề còn ít, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa kịp đáp ứng nhu cầu học nghề hiện nay. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Chưa có chính sách khuyến khích việc dạy nghề, học nghề. Chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy chậm đổi mới, không theo kịp công nghệ sản xuất, do đó chưa nâng cao được chất lượng trong công tác đào tạo nghề.

Việc quản lý, đào tạo không chặt chẽ, chất lượng đào tạo chưa cao, còn nặng về hợp thức hoá tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ và qui hoạch. Việc bố trí, sử dụng chưa đúng ngành nghề đào tạo. Chính sách đối với cán bộ, nhất là chính sách đối với cán bộ KHKT còn bất hợp lý, chưa động viên khuyến khích họ cống hiên nhiều hơn cũng như phấn đấu tự học tập để nâng cao trình độ.

Những hạn chế trên là do tỉnh chưa có một chiến lược cụ thể cho việc đào tạo và phát huy nguồn nhân lực; chưa có chính sách thu hút nhân tài, chưa có chiến lược nguồn nhân kực phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH. Do đó chưa phát huy được nguồn nhân lực sẳn có và nguồn nhân lực bên ngoài. Việc đào tạo còn phân tán, không đồng bộ trong cơ cấu chưa chú trọng đào tạo cán bộ KHKT có trình độ cao, chưa có qui hoạch nguồn nhân lực nên đào tạo thường bị động, chấp vá.

Phần II.

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC

(giai đoạn 2001- 2005 và đến 2010)

I. PHẠM VI CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2001-2005 và đến 2010.

- Đối tượng:

+ Trong giai đoạn 2001-2005 ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị; Chú trọng đào tạo cán bộ KHKT, cán bộ KH-XH nhân văn tập trung ở một số ngành trọng điểm.

+ Đào tạo nghề cho lực lượng lao động, phục vụ vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gắn với giải quyết việc làm. Sau 2005 mở rộng việc đào tạo nguồn nhân lực cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chú trọng đào tạo cán bộ dự nguồn và nâng cao trình độ dân trí.

- Đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo để nền tảng cho việc đào tạo và phát huy nguồn nhân lực giai đoạn 2006-2010

II. QUAN ĐIỂM:

- Trên cơ sở dử dụng và phát huy tốt nguồn nhân lực hiện có, xây dựng kế hoạch sàng lọc, gắn với việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí và sử dụng cán bộ hợp lý, đúng ngành nghề. Có kế hoạch qui hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ và tuyển mới để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tê xã hội của tỉnh giai đoạn 2001-2005 và đến năm 2010. Chú trọng cán bộ nữ, từng bước trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ trí thức, đảm bảo hài hoà độ tuổi nhằm tạo sự chuyển biến về “chất” trong đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, trong đội ngũ cán bộ KHKT và lực lượng lao động của tỉnh. Chú trọng việc giáo dục tinh thần trách nhiệm của cán bộ đối với công việc.

- Có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ KHKT giỏi của tỉnh, đồng thời có chính sach đãi ngộ, thu hút nhân tài từ bên ngoài vào làm việc tại Long An theo yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Xã hội hoá việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề cho người lao động, gắn với giải quyết việc làm. Xác định đào tạo và phát huy nguồn nhân lực là trách nhiệm của các cấp ủy và chủ trương các cơ quan, đơn vị. Chương trình này phải được xác định là động lực chủ yếu,quyết định cho các chương trình khác mà NQ Đại hội Tỉnh đảng bộ lần thứ VII đề ra.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng chiến lược cán bộ của hệ thống chính trị một cách toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2001-2005 và đế 2010. Trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành, các doanh nghiệp Nhà nước thật sự vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, quản lý. Đào tạo các nhà khoa học có trình độ cao trong một số lĩnh vực quan trọng. Tạo sự chuyển biến về trình độ tay nghề và cơ cấu lực lượng lao động của tỉnh phục vụ cho quá trình CNH-HĐH.

2. Mục tiêu cụ thể.

- Qui hoạch, đào tạo cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành đủ số lượng, đảm bảo chất lượng theo nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Tỉnh đảng bộ đề ra.

- Đào tạo cán bộ có trình độ cao ở một số ngành: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, Giao thông, Xây dựng, Tài chính, Quản lý doanh nghiệp. v.v... và lực lượng lao động có kỹ thuật, có chuyên môn, có sức khoẻ phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

- Xây dựng củng cố hệ thống trường lớp, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên ngành giáo dục - đào tạo; Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và dạy nghề làm cơ sở cho việc đào tạo và phát huy nguồn nhân lực giai đoạn 2001-2005 và đến 2010.

IV. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ:

Phấn đấu đến hết năm 2005 đạt các chỉ tiêu sau:

- Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt tỉnh, huyện cơ bản có trình độ đại học và cao cấp lý luận chính trị. Cán bộ chủ chốt cấp cơ sở xã, phường 90% tốt nghiệp phổ thông trung học, 100% có trình độ trung học chính trị (hoặc qua chương trình trung học chính trị). Phấn đấu cuối năm 2005 các chức danh chuyên môn của xã, phường, thị trấn như: Văn phòng, Tư pháp, Địa chính, Tài chính, Nông nghiệp, Xây dựng, Giao thông có 50%cán bộ đạt trình độ trung học chuyên nghiệp (hoặc qua chương trình THCN).

- 80% xã có bác sĩ.

- Có ít nhất 60% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục THCS.

- Đào tạo đủ giáo viên THCS và giải quyết cơ bản đủ giáo viên PTTH đảm bảo theo cơ cấu bộ môn.

- Đưa đi đào tạo sau đại học 150 (trong đó tiến sĩ 20).

- Lực lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 23% (171.887), trong đó đào tạo có tay nghề chiếm tỷ lệ 17% (127.050 gười).

V. NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị:

Từ cấp tỉnh đến cơ sở phải rà soát; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; đánh giá mặt mạnh, yếu của từng cán bộ và thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có; Đặc biệt là đội ngũ cán bộ KHKT để từ đó có kế hoạch sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp, đúng ngành nghề theo hướng tinh gọn, đảm bảo có hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Kiện toàn đầy đủ cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành.

2. Qui hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:

- Thực hiện công tác qui hoạch cán bộ ở các cấp, các ngành từ nay đến 2005 và từ 2006 - 2010. Tập trung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ KHKT, cán bộ quản lý kinh doanh, cán bộ nữ, cán bộ phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, chú trọng qui hoạch cán bộ dự nguồn.

- Tập trung đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có theo tiêu chuẩn chức danh, nhằm chuẩn hoá và nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đào tạo phải theo qui hoạch, theo yêu cầu cơ cấu từng ngành, có trọng tâm , trọng điểm và phải gắn với bố trí, sử dụng. Quan tâm đào tạo cán bộ sau đại học; cán bộ nữ; cán bộ dự nguồn nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát triển, ưu tiên đào tạo cán bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thông, nhất là kỹ sư nông nghiệp, thủy sản, bác sĩ dự phòng công tác cơ sở.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề:

Đầu tư phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh để tạo nền tảng cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ CNH-HĐH của địa phương. Có kế hoạch thực hiện tốt việc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục - đào tạo. Tập trung xây dựng trường, lớp đáp ứng cho công tác giáo dục. Phấn đấu đến năm 2005 có 20% trường đạt chuẩn Quốc gia (các cấp học phổ thông). Triển khai thực hiện tốt chương trình phổ cập Trung học cơ sở đảm bảo đến cuối năm 2005 có ít nhất 60% xã hoàn thành phổ cập THCS (đến cuối năm 2007 hoàn thành). Từng bước phổ cập PTTH ở thị xã và các thị trấn, thị tứ... Chú trọng giáo dục toàn diện, nhất là việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong học sinh.

Tiếp tục thực hiện liên kết với các trường đại học ngoài tỉnh để đào tạo giáo viên PTTH (phấn đấu đến cuối năm 2005 giải quyết cơ bản giáo viên PTTH theo cơ cấu bộ môn).

Đào tạo trình độ sau đại học cho cán bộ, giáo viên làm công tác quản lý, giảng dạy, nhất là giáo viên trường cao đẳng sư phạm, giáo viên Trường Chính trị.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên cho các Trường dạy nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm ngoại ngữ- tin học, các Trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị. Từng bước khôi phục ngành nghề truyền thống để có thêm việc làm tại chỗ và giảm thời gian nông nhàn của nông dân; kế hoạch đào tạo nghề gắn xuất khẩu lao động.

Phần III.

CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VÀ KINH PHÍ VẬN HÀNH

I. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tổ chức:

Đến hết quí I/2002, bộ máy tổ chưc của hệ thống chính trị cơ bản được sắp xếp ổn định. Trong năm 2002 rà soát đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị để có kế hoạch sắp xếp, bố trí đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao; cán bộ lãnh đạo chủ chốt đều được kiện toàn đầy đủ, có kế thừa và phát triển.

2. Về qui hoạch và đào tạo:

2.1 Công tác qui hoạch:Trong năm 2002 hoàn chỉnh công tác qui hoạch cán bộ trong hệ thống chính trị.

+ Tập trung qui hoạch cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở giai đoạn 2002- 2005 và giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt là qui hoạch cấp ủy, Ban Thường vụ các cấp nhiệm kỳ 2006-2010, chú trọng cán bộ nữ.

+ Qui hoạch đội ngũ cán bộ KHKT có số lượng và chất lượng theo yêu cầu cơ cấu từng ngành. Đặc biệt chú trọng lãnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học (chủ yếu là công nghệ ứng dụng).

+ Chọn con em gia đình có truyền thống cách mạng có công với nước, những học sinh hiếu học, học giỏi có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt để qui hoạch cán bộ dự nguồn.

2.2 Công tác đào tạo:

- Trên cơ sở qui hoạch, từng ngành, từng địa phương có kế hoạch cụ thể cho công tác đào tạo , bồi dưỡng cán bộ.

+ Trước mắt đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có để đảm bảo theo tiêu chuẩn chức danh nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ.Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để nâng cao hiệu quả trong công việc và làm cơ sở cho học tập cao hơn.

+ Có kế hoạch đào tạo cán bộ chiến lược cho nhiệm kỳ 2006-2010 và giai đoạn tiếp theo. Chú trọng đào tạo cán bộ lãnh đạo , cán bộ quản lý kinh doanh, cán bộ công nghệ thông tin, cán bộ sinh học, cán bộ ngàn nông nghiệp v.v...

+ Chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sỉ ở các ngành kinh tế- kỹ thuật; ở các đơn vị như y tế; Giáo dục; Trường Chính trị; Trường Cao đẳng sư phạm; ngành văn hoá- nghệ thuật.v.v...

+ Phương thức đào tạo: Tập trung, tại chức, từ xa, thông qua công việc, thông qua luân chuyể, thông qua hội nghị, hội thảo, tham quan, tự đào tạo, liên kết. Đối với cán bộ trẻ, dự nguồn thì phải đào tạo chính qui, tập trung. Ngoài ra có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ đưa cán bộ đi tham quan học tập kinh nghiệm và đào tạo nước ngoài.

- Chọn số con em của Long An, có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực học tập tốt đang học các Trường đại học để đầu tư (có cam kết) đào tạo tiếp tục có trình độ sau đại học sau về công tác tại tỉnh, đây cũng là nguồn cán bộ cho những năm về sau. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Chính quyền chịu trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan liên quan có kế hoạch chọn nguồn, tuyển sinh và có kế hoạch về kinh phí đưa đi đào tạo và quản lý cán bộ dự nguồn của tỉnh.

2.3 Công tác dạy nghề:

- Trong giai đoạn 2001-2005 qui hoạch đào tạo nghề theo hai hướng:

+ Đào tạo nghề mũi nhọn: Đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề, đủ khả năng tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật, công nghệ trung bình, tiên tiến đáp ứng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

+Đào tạo nghề diện rộng: Đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, các hình thức đào tạo, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề để tăng cơ hội học nghề, từng bước phổ cập nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động theo sự thay đổi công nghệ sản xuất.

- Qui hoạch các ngành nghề dạy ở các Trung tâm và Trường dạy nghề; Đổi mới phương thức, chương trình, nội dung và phương pháp dạy nghề; Có kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên bổ sung cho các Trung tâm dĩch vụ việc làm, Trường dạy nghề hiện có và Trung tâm dạy nghề Cần Giuộc, Trường dạy nghề Đồng tháp Mười (Mộc Hoá) v.v... để đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao phục vụ yêu cầu về lao động các vùnh kinh tế trong điểm trong và ngoài tỉnh gắn với giải quyết việc làm.

- Tiếp tục liên kết với các Trường dạy nghề ngoài tỉnh để đào tạo lực lượng lao động có tay nghề bậc cao.

- Sở LĐTB- XH kết hợp cùng các cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể đào tạo ngành, nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

- Giai đoạn 2006-2010: Phát triển thêm các Trung tâm dạy nghề ở các huyện có qui mô dân số trên 100.000 người để đáp ứng nhu cầu dạy nghề diện rộng và phổ cập nghề.

3. Qui hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống các trường đào tạo trong tỉnh:

- Xây dựng mới trường dạy nghề Đồng tháp Mười (Mộc Hoá)

- Xây dựng mới Trung tâm dạy nghề Cần Giuộc.

- Xây dựng mới Trường Trung học Kinh tế- Kỹ thuật tỉnh ở Bến Lức.

- Xây dựng mới Trường dạy nghề của tỉnh (di dời địa điểm mới).

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang bị cho Trung tâm dịch vụ việc làm Đức Hòa lên thành Trường dạy nghề Đức Hoà.

- Xây dựng mới Trường nghiệp vụ Thể dục thể thao.

- Đầu tư nâng cấp Trường Trung học Y tế.

- Xây dựng mới Trung tâm ngoại ngữ- tin học tỉnh.

- Đầu tư củng cố, nâng chất Trường chuyên Lê Quí Đôn..

- Xây dựng mới trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị.

- Xây dựng hoàn chỉnh Trường Chính trị (giai đoạn 2).

- Xây dựng mới Trường Đại học của tỉnh Long An trên cơ sở hộp tác với Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu mở được trường đại học tại tỉnh Long An thì hàng năm chúng ta có thể cử tuyển số lượng sinh viên của Long An học ở các ngành mà chúng ta còn thiếu như: Giao thông, Xây dựng, Thủy hải sản, nông lâm nghiệp, công nghệ thông tin.v.v.

- Xây dựng Trường THCS cho những xã mà điều kiện học sinh đi lại học tập khó khăn (hiện còn 75 xã chưa có trường THCS riêng).

- Xây dựng nhà nội trú cho trường PTTH ở các huyện Đồng Tháp mười; Đồng thời xây dựng khu ký túc xá cho sinh viên Long An tại trường Đại học Cần Thơ, để tạo điều kiện cho học sinh học tập thuận lợi.

Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng các cơ quan liên quan cân đối nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống các trường trong tỉnh, tập trung đầu tư cho vùng kinh tế trọng điểm, những vùng có yêu cầu bức xúc. Phấn đấu đến hết năm 2005, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh. Từng bước quy định rõ chức năng, những ngành nghề mà từng trường đảm nhiệm, tránh sự chồng chéo, trùng lấp.

4. Các chính sách đào tạo và phát huy nguồn nhân lực:

Hàng năm tỉnh đầu tư thỏa đáng ngân sách cho chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực để chi cho:

+ Đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức của hệ thống chính trị.

+ Chi cho giáo dục- đào tạo (chi cho đào tạo).

+ Đào tạo nghề.

+ Đào tạo dự nguồn.

+ Chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài.

Từng ngành, từng địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, hàng năm được cơ quan chức năng thẩm định (BTC Tỉnh ủy, BTC Chính quyền) và được UBND tỉnh duyệt, từ đó ngành Tài chánh mới phân bổ kinh phí đào tạo...

Xác định cán bộ dự nguồn:

- Lựa chọn con em nhân dân ở Long An là gia đình truyền thống Cách mạng, có công với nước; có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực học tập tốt, đã tốt nghiệp PTTH để đào tạo cán bộ dự nguồn cho xã, phường, thị trấn và huyện, thị.

- Lựa chọn số con em Long An có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực học tập tốt đang học ở các trường đại học đầu tư ngân sách cho các em học tập (có cam kết) để khi ra trường về phục vụ quê hương Long An.

 - Lựa chọn một số sinh viên ở Long An có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực học tập tốt và tốt nghiệp đại học từ loại khá, giỏi trở lên (các ngành của tỉnh có yêu cầu) để đầu tư cho đào tạo sau đại học sau này về bổ sung cho đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn của tỉnh.

- Có chính sách khuyến khích, đầu tư cho cán bộ học tập trình độ cao, khi tốt nghiệp có phụ cấp ưu đãi hàng tháng. Có chính sách đầu tư, đãi ngộ và khen thưởng những cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ KHKT có những công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả thiết thực. Có chế độ, chánh sách phù hợp cho giáo viên trường chính trị và các trường dạy nghề, cán bộ quản lý ngành giáo dục gốc là giáo viên. Có chánh sách khuyến khích cán bộ KHKT về cơ sở, nhất là kỹ sư nông nghiệp.

- Có kế hoạch xây dựng nhà công vụ để bố trí chỗ ở cho cán bộ, công chức ổn định, an tâm công tác.

- Ban hành chế chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là thu hút những người làm công tác KHKT có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi ở các lĩnh vực, ngành, nghề mà Long An còn thiếu, trước hết là những người quê ở Long An, những người ngoài tỉnh có tâm huyết với Long An (kể cả những người ở nước ngoài), phục vụ theo yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và được một Hội đồng xem xét quyết định.

- Có chủ trương hỗ trợ tiền ăn, ở (hoặc cho vay tín dụng) cho số sinh viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn (có cam kết) sau khi tốt nghiệp về phục vụ quê nhà.

- Có chính sách khuyến khích các cơ sở dạy nghề, chính sách khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS, PTTH học nghề, chính sách miễn, giảm học phí cho con em gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, gia đình nghèo.

5- Tăng cường công tác quản lý việc đào tạo: Giao Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chịu trách nhiệm quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị có trình độ từ THCN, đại học, sau đại học. Sở Lao động TB-XH quản lý đội ngũ công nhân kỹ thuật trong tỉnh. Chú trọng công tác giáo dục, , rèn luỵện phẩm chất đạo đức, lối sống, chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ.

II. KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH:

Nhu cầu kinh phí để thực hiện mục tiêu của chương trình giai đoạn 2001-2005 ước khoảng: 156,4 tỷ. Chi cho cấp tỉnh 130,5 tỷ (trong đó chi cho giáo dục đào tạo 27,5 tỷ, chi cho dạy nghề 15 tỷ); cấp huyện 15,7 tỷ; chi cho đào tạo cán bộ dự nguồn 6 tỷ, chi cho thu hút nhân tài 4,2 tỷ (không tính kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản).

Phân kỳ ra từng năm mhư sau:

- 2001 = 26 tỷ

- 2002 = 30,25 tỷ

- 2003 = 31,95 tỷ

- 2004 = 33,15 tỷ

- 2005 = 35,05 tỷ

Có phục lục chi kèm theo.

Sở Tài chánh chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực theo kế hoạch hàng năm được duyệt. Đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng theo dõi kiểm tra việc sử dụng kinh phí đào tạo đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả

(Kinh phí trên đều chi từ nguồn ngân sách của tỉnh)

Phần IV.

TỔ CHỨC THỤC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực giai đoạn 2001- 2005 và đến 2010. Thành lập Ban Điều hành để giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình.

2. Ban Điều hành chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực giúp UBND tỉnh xây dựng nội dung, chương trình để trình Tỉnh Ủy, HĐND tỉnh thông qua.

Tổ chức triển khai, điều hành chương trình, đồng thời theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện chương trình theo từng thời gian quí, năm. Kịp thời đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho phù hợp để hiệu quả chưiơng trình đạt được tốt nhất.

3. Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh: Các huyện, thị căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực mà xây dựng kế hoạch qui hoạch, đào tạo cán bộ cho giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2006-2010, có kế hoạch cụ thể chi tiết từng năm kèm theo dự trù kinh phí và được Ban Điều hành thẩm định (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh) để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Định kỳ quí, 6 tháng, năm báo cáo kết quả, tiến độ về Thường trực Ban Điều hành (Ban Tổ chức tỉnh ủy) để tổng hợp.