Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 65/2011/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 28 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ Ở THÔN, TỔ DÂN PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004; Căn cứ Luật Dân quân tự vệ năm 2009;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của liên Bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 40/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh Bắc Giang về việc quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 21/TTr-SNV ngày 14/02/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 04/2005/QĐ-UB ngày 21/01/2005 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy định tiêu chuẩn, chức danh, số lượng và mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, tổ dân phố

Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hải

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ Ở THÔN, TỔ DÂN PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2011 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và ở thôn, tổ dân phố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị quyết số 40/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh Bắc Giang.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tiêu chuẩn chung những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố

1. Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Giang; có tinh thần yêu nước, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thạo việc, tận tụy với nhân dân.

2. Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có tác phong, lối sống trong sáng, giản dị, lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh.

3. Có lý lịch rõ ràng; có đầy đủ văn bằng chứng chỉ đáp ứng yêu cầu; có đơn xin làm hoặc được tổ chức lựa chọn giới thiệu bầu giữ chức danh những người hoạt động không chuyên trách.

4. Có đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, có năng lực công tác đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao và được nhân dân tín nhiệm.

5. Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Điều 4. Tiêu chuẩn cụ thể những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Tuổi đời.

a) Đối với người công tác thuộc khối Đảng: Không quá 45 tuổi khi tham gia lần đầu;

b) Đối với người công tác thuộc khối chính quyền: Không quá 35 tuổi khi tham gia lần đầu;

c) Đối với người công tác thuộc khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và hội:

Không quá 65 tuổi khi tham gia lần đầu giữ các chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc - Chủ tịch Hội người cao tuổi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc - Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi;

Không quá 50 tuổi đối với nam và không quá 45 tuổi đối với nữ khi tham gia lần đầu giữ các chức danh Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ;

Không quá 28 tuổi khi tham gia lần đầu giữ chức danh Phó Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

2. Trình độ học vấn.

Tốt nghiệp trung học phổ thông. Ở các xã đặc biệt khó khăn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

3. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

a) Đối với người công tác thuộc khối Đảng; khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và hội: Tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên khi tham gia lần đầu, ưu tiên những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có chuyên ngành phù hợp. Trường hợp ở các xã miền núi không có người đủ tiêu chuẩn trên mà có năng lực đảm nhiệm chức danh, thì sau khi bố trí công tác phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh đảm nhiệm.

b) Đối với người công tác thuộc khối chính quyền: Tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên khi tham gia lần đầu, ưu tiên những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có chuyên ngành phù hợp. Trường hợp ở các xã đặc biệt khó khăn không có người đủ tiêu chuẩn trên mà có năng lực đảm nhiệm chức danh, thì sau khi bố trí công tác phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh đảm nhiệm.

4. Trình độ lý luận chính trị.

Có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên. Trường hợp không có người đủ tiêu chuẩn trên, thì sau khi được bố trí công tác phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

Điều 5. Tiêu chuẩn cụ thể những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

1. Tuổi đời:

a) Đủ 18 tuổi trở lên khi tham gia lần đầu giữ chức danh Bí thư chi bộ;

b) Đủ 21 tuổi trở lên khi tham gia lần đầu giữ chức danh Trưởng thôn, Phó thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố;

c) Không quá 35 tuổi khi tham gia lần đầu giữ chức danh Công an viên và Thôn đội trưởng.

2. Trình độ học vấn: Tốt nghiệp Trung học cơ sở trở lên.

3. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên khi tham gia lần đầu, ưu tiên những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có chuyên ngành phù hợp. Trường hợp không có người đủ tiêu chuẩn trên mà có năng lực đảm nhiệm chức danh, thì sau khi bố trí công tác phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh đảm nhiệm.

4. Trình độ lý luận chính trị: Có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên đối với Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố. Trường hợp không có người đủ tiêu chuẩn trên, thì sau khi được bố trí công tác phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

Điều 6. Quy trình tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố

1. Quy trình tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách thông qua bầu cử;

Việc lựa chọn nhân sự để giữ các chức danh phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định này; quy trình nhân sự, bầu cử được thực hiện theo các quy định của Trung ương và của tỉnh, Điều lệ của tổ chức đối với từng chức danh.

2. Quy trình tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách không thông qua bầu cử.

a) Thành lập Hội đồng tuyển chọn:

Bí thư Đảng uỷ cấp xã quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách thuộc khối Đảng do Bí thư Đảng uỷ cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng tuyển chọn có từ 5 đến 9 người, gồm: Bí thư Đảng uỷ; Phó Bí thư Đảng uỷ hoặc Thường trực Đảng uỷ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng lựa chọn.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách thuộc khối Chính quyền do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng tuyển chọn có từ 5 đến 9 người, gồm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; Bí thư Đảng uỷ hoặc Phó Bí thư Đảng uỷ hoặc Thường trực Đảng uỷ; Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng lựa chọn.

b) Hội đồng tuyển chọn thực hiện tiếp nhận hồ sơ của người dự tuyển, hồ sơ phải đảm bảo đủ các thành phần sau:

Đơn xin làm việc hoạt động không chuyên trách; sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã; bản sao giấy khai sinh có chứng thực; giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ; bản sao các văn bằng, chứng chỉ đáp ứng yêu cầu của từng chức danh.

c) Hội đồng tuyển chọn đối chiếu với tiêu chuẩn quy định tại Quyết định này để lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ các chức danh và có biên bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

d) Căn cứ biên bản của Hội đồng tuyển chọn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện ký hợp đồng lao động đối với người giữ chức danh Công an viên thường trực và Công an viên sau khi đã xin ý kiến của Trưởng Công an huyện, thành phố.

đ) Căn cứ biên bản của Hội đồng tuyển chọn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có văn bản:

Đề nghị Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định bổ nhiệm người giữ chức danh Thôn đội trưởng và gửi quyết định đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Thời gian thẩm định và ban hành quyết định là 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) quyết định bổ nhiệm người giữ chức danh Phó Trưởng Công an, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã sau khi thống nhất với Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và gửi kết quả đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Thời gian thẩm định và ban hành quyết định là 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) thẩm định số lượng, tiêu chuẩn của các chức danh còn lại và gửi kết quả thẩm định đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Thời gian thẩm định và ban hành văn bản là 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

e) Căn cứ văn bản thẩm định, quyết định, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện ký hợp đồng lao động đối với những người hoạt động không chuyên trách.

g) Việc ký kết, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết tranh chấp giữa các bên thực hiện theo các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Quyết định này.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này ở cấp xã trong phạm vi huyện, thành phố và tổng hợp báo cáo về Sở Nội vụ theo quy định.

3. Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định này; tổng hợp, báo cáo cấp trên trực tiếp theo quy định.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.