Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 66/2010/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 15 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP VÀ QUẢN LÝ VIỆC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP THUỘC TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/6/2008;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Quyết định 295-QĐ/TW ngày 23/3/2010 V/v Ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 117/SNgV-TTr ngày 14/7/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp và quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Ngoại vụ, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính; Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc các doanh nghiệp có vốn nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP VÀ QUẢN LÝ VIỆC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 66/2010/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh Bình Phước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định chung

Bản Quy định này quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, đối tượng, thẩm quyền quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; quyền và nghĩa vụ của người xuất cảnh, nhập cảnh; trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nguyên tắc

1. Công tác đối ngoại nói chung, công tác xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quản lý thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp có vốn Nhà nước (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức, viên chức) khi xuất cảnh, nhập cảnh phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động đối ngoại nói chung và công tác xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng. Chấp hành pháp luật của nước đến và những điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Mọi vi phạm tùy theo mức độ phải được xử lý theo quy định.

3. Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép xuất cảnh (kể cả việc công và việc riêng) khi được sự chấp thuận của cấp ủy quản lý cán bộ (theo phân cấp) và sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc của cơ quan quản lý Nhà nước được ủy quyền.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức (kể cả những người được ký kết hợp đồng dài hạn từ 01 năm trở lên) đang công tác tại các cơ quan, đơn vị sau đây:

1. Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh;

2. Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã;

3. Các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện;

4. Các cơ quan, tổ chức thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện;

5. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ;

6. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương quản lý đang công tác trên địa bàn tỉnh (phối hợp ngành dọc Trung ương quản lý);

7. Các tổ chức, hội được Nhà nước giao biên chế, quỹ lương;

8. Cán bộ quản lý, công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; cán bộ quản lý trong các Công ty cổ phần trong đó vốn nhà nước chiếm 51% trở lên; cán bộ quản lý được Nhà nước cử sang các Công ty cổ phần có vốn Nhà nước từ 49% trở xuống hoặc là người đại diện cho vốn Nhà nước ở các Công ty cổ phần, Công ty liên doanh.

Điều 4. Việc sử dụng hộ chiếu

1. Sử dụng hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao:

Cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, tham quan, học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về mục đích công, tùy theo đối tượng cụ thể sẽ được sử dụng hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ để xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Sử dụng hộ chiếu phổ thông:

Cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép xuất cảnh theo nguyện vọng riêng để tham quan du lịch, thăm thân nhân ở nước ngoài và cán bộ quản lý doanh nghiệp đi nước ngoài (việc công hoặc việc riêng), sẽ được sử dụng hộ chiếu phổ thông để xuất cảnh, nhập cảnh.

Điều 5. Quy định về xuất cảnh

1. Việc xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo đúng mục đích, đúng yêu cầu, đúng đối tượng và đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

2. Đối với cán bộ, viên chức đang công tác tại các Doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc tỉnh quy định tại khoản 8, Điều 3 Quy định này được phép xuất cảnh theo nhu cầu công tác của Doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của Doanh nghiệp.

3. Cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh về việc riêng phải được Thủ trưởng cơ quan nơi công tác đồng ý và phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

Thời gian xuất cảnh về việc riêng được tính vào thời gian nghỉ phép hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức. Nếu thời gian xuất cảnh vượt quá thời gian nghỉ phép hàng năm thì phải được sự chấp thuận của Thủ trưởng cấp trên trực tiếp.

4. Khi cán bộ, công chức, viên chức xin đi xuất cảnh vì mục đích định cư ở nước ngoài thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý phải lập thủ tục để trình cấp có thẩm quyền giải quyết cho thôi việc, nghỉ việc, giải quyết mọi chính sách có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức xin xuất cảnh. Đồng thời, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức xin xuất cảnh liên hệ Công an tỉnh (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh) để giải quyết thủ tục xuất cảnh theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương II

THẨM QUYỀN CHO PHÉP XUẤT CẢNH

Điều 6. Thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý cử hoặc cho phép đi nước ngoài các đối tượng sau:

1. Bí thư Tỉnh ủy, sau khi được sự chấp thuận của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị (hoặc Bí thư Trung ương Đảng) phụ trách đối ngoại.

2. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (không phải Bí thư Tỉnh ủy), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

3. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Bí thư, Phó bí thư các Đảng bộ trực thuộc; Bí thư, Phó Bí thư các huyện, thị xã; Trưởng phó các Ban Đảng; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Trưởng, phó các tổ chức chính trị - xã hội; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Giám đốc, Phó Giám đốc Đài phát thanh truyền hình tỉnh; Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Báo Bình Phước; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.

Điều 7. Thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cử hoặc cho phép đi nước ngoài các đối tượng sau:

Trưởng ban, Phó Trưởng ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng.

Điều 8. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

1. Lập thủ tục theo Quy định cho các đối tượng thuộc Điều 6, Điều 7 Quyết định này.

2. Quyết định cử hoặc cho phép đi nước ngoài đối với: Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch, phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các chức danh do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm chức vụ tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội do UBND tỉnh thành lập; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị; Giám đốc, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên, Công ty cổ phần trong đó vốn Nhà nước chiếm 51% trở lên.

3. Khi có sự chấp thuận của cơ quan ngành dọc cấp trên, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử hoặc cho phép các chức danh cán bộ sau đây được đi nước ngoài: Trưởng, Phó các cơ quan đơn vị ngành dọc công tác trên địa bàn tỉnh; đối với lực lượng vũ trang từ cấp hàm thượng tá trở lên.

Điều 9. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Ngoại vụ

Ngoài những chức danh cán bộ được quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quy định này Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Ngoại vụ xem xét quyết định việc cử hoặc cho phép đi nước ngoài đối với các cán bộ, công chức, viên chức còn lại theo quy định Điều 3, Chương I của Quy định này.

Riêng cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành dọc quản lý, nếu được lãnh đạo ngành cử hoặc cho phép đi nước ngoài (kể cả việc công hay việc riêng) thì gửi danh sách nhân sự về Sở Ngoại vụ, để Sở Ngoại vụ tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh (nếu có).

Chương III

SỬ DỤNG KINH PHÍ CHO MỤC ĐÍCH XUẤT CẢNH

Điều 10. Sử dụng ngân sách và quỹ công để xuất cảnh

1. Việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

2. Khi cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh vì việc công theo yêu cầu đột xuất hoặc theo chương trình, kế hoạch hàng năm của tỉnh, theo thư mời của cơ quan Bộ, ngành mà mục đích chuyến đi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thì được ngân sách Nhà nước đài thọ kinh phí theo quy định. Nếu kinh phí chuyến đi đã được phía mời đài thọ chi phí về ăn, ở, đi về…thì tùy từng trường hợp cụ thể, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét để hỗ trợ tiền tiêu vặt theo chế độ hiện hành.

3. Việc sử dụng kinh phí từ nguồn thu được trích lại của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để chi cho việc xuất cảnh vì việc công phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trước khi trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định, cơ quan trình phải thông qua ý kiến của ngành chủ quản và sự thẩm định của Sở Tài chính.

4. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, kinh phí xuất cảnh được chi trong dự toán kế hoạch tài chính hàng năm của đơn vị và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Đối với các Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, các Công ty cổ phần có vốn Nhà nước…kinh phí xuất cảnh được chi theo chế độ tài chính kế toán của Doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

6. Các cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý hồ sơ xuất cảnh có trách nhiệm xem xét cụ thể đối tượng xuất cảnh, mục đích chuyến đi và nguồn kinh phí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng quy định.

7. Cơ quan tài chính các cấp có liên quan chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm soát, thanh quyết toán các khoản chi xuất cảnh vì việc công theo đúng quy định, những trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương IV

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH

Điều 11. Quyền lợi của người được xuất cảnh

1. Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử hoặc cho phép xuất cảnh, tùy theo tính chất chuyến đi sẽ sử dụng 1 loại hộ chiếu phù hợp(hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông) hoặc các giấy tờ có giá trị xuất cảnh khác để xuất cảnh và nhập cảnh.

2. Khi cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị xuất cảnh để đi nước ngoài sẽ được Nhà nước bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và những điều ước hoặc thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Điều 12. Nghĩa vụ của người xuất cảnh, nhập cảnh

1. Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh khi xuất cảnh có nghĩa vụ và trách nhiệm:

a) Tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia về công tác xuất cảnh, nhập cảnh, về công tác lãnh sự và các hoạt động đối ngoại khác. Tôn trọng phong tục, tập quán và chấp hành nghiêm những quy định pháp luật của nước đến.

b) Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao khi đi công tác nước ngoài, trong giao tiếp, sinh hoạt phải văn minh, lịch sự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tư cách người công dân Việt Nam. Bảo đảm vừa mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển giữa nước ta với nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội, vừa đảm bảo tình hình an ninh quốc gia.

c) Đối với cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên khi ra nước ngoài vừa phải chấp hành đầy đủ những quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, vừa phải thực hiện nghiêm quy định của Đảng về nhiệm vụ của Đảng viên khi ra nước ngoài và các quy định khác liên quan đến công tác đối ngoại và bảo vệ chính trị nội bộ.

d) Nếu gặp sự cố ở nước ngoài (ốm đau, tai nạn, mất hộ chiếu,…), Trưởng đoàn (nếu đi thành đoàn) hay trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức (nếu đi lẻ hoặc đi ghép) phải báo cáo ngay với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại đồng thời báo cáo về Sở Ngoại vụ Bình Phước và cơ quan chủ quản để được hướng dẫn, giúp đỡ khắc phục hậu quả.

2. Khi về nước, cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ:

a) Trưởng đoàn phải có báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ về tình hình và kết quả chuyến đi, đề xuất hoặc kiến nghị những vấn đề mới (nếu có). Từng cá nhân phải có báo cáo tình hình kết quả chuyến đi bằng văn bản với thủ trưởng đơn vị và cơ quan quản lý cán bộ cùng cấp.

b) Các trường hợp đi riêng lẻ hoặc đi ghép với các đoàn khác, khi đi và về cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo cho cấp uỷ và Thủ trưởng cơ quan nơi công tác và cơ quan quản lý cán bộ theo phân cấp.

c) Nộp lại Hộ chiếu ngoại giao, Hộ chiếu công vụ cho cơ quan đơn vị nơi công tác để quản lý theo quy định.

Chương V

QUẢN LÝ NHÂN SỰ, QUẢN LÝ HỘ CHIẾU VÀ THỦ TỤC XIN XUẤT CẢNH

Điều 13. Quản lý nhân sự xuất cảnh, nhập cảnh

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh về việc công hoặc việc riêng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý nhân sự xuất cảnh. Việc mang tài liệu ra nước ngoài hoặc mang tài liệu từ nước ngoài về (nếu có) phải chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Cấp ủy cơ sở nơi có nhân sự xuất cảnh và cấp uỷ quản lý cán bộ (theo phân cấp) phải có trách nhiệm quản lý cán bộ Đảng viên theo đúng quy định của Đảng về nhiệm vụ Đảng viên khi ra nước ngoài và công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, những trường hợp vi phạm phải được xử lý theo đúng quy định.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm xem xét về mặt an ninh đối với tất cả các đối tượng xin xuất cảnh. Nếu phát hiện đương sự xin xuất cảnh (kể cả việc công và việc riêng) nằm trong diện chưa được xuất cảnh được quy định tại Điều 21, Chương IV Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ thì phải thông báo cho các cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý đương sự biết, đồng thời thực hiện các thủ tục đề nghị đình chỉ xuất cảnh của cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 14. Quản lý hộ chiếu

1. Hộ chiếu phổ thông

a) Hộ chiếu phổ thông được giao cho cán bộ, công chức, viên chức tự quản lý.

b) Khi được sự chấp thuận của cấp uỷ quản lý và sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức mới được dùng hộ chiếu phổ thông để xuất cảnh (kể cả việc công hoặc việc riêng).

2. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

a) Các cơ quan, đơn vị có nhân sự xuất cảnh có trách nhiệm quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình sau mỗi chuyến đi công tác nước ngoài.

b) Khi được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các cơ quan, đơn vị có nhân sự xuất cảnh mới được phép giao hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao cho cán bộ công chức, viên chức đi nước ngoài.

Điều 15. Quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị xuất cảnh

1. Xuất cảnh về việc công có sử dụng ngân sách Nhà nước

a) Đối với việc xuất cảnh về việc công có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước phải được xây dựng kế hoạch xuất cảnh hàng năm và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những trường hợp xuất cảnh về việc công có sử dụng ngân sách không nằm trong kế hoạch (do yêu cầu đột xuất) đều phải được sự phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Các cơ quan chức năng (Sở Tài chính, …) được phép từ chối các hồ sơ xin xuất cảnh về việc công có sử dụng ngân sách hay quỹ công, nếu hồ sơ không có kế hoạch trước hoặc chưa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Kế hoạch xuất cảnh có sử dụng ngân sách phải thể hiện đầy đủ mục đích, nội dung, chương trình, thành phần, thời gian và nguồn kinh phí. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định việc xuất cảnh về việc công có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan, đơn vị để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

2. Quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị xuất cảnh:

a) Sở Ngoại vụ là cơ quan trực tiếp tiếp nhận các hồ sơ xin xuất, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ gồm:

- Tờ trình đề nghị của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ công chức, viên chức xin xuất cảnh.

- Văn bản của các cơ quan chủ quản cấp trên cho phép cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh (nếu có).

- Đơn xin xuất cảnh của cá nhân về việc riêng đã được cấp ủy quản lý và Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý.

- Thư mời hoặc các văn bản khác có liên quan đến mục đích xuất cảnh (nếu thư mời hoặc các văn bản khác được viết bằng ngôn ngữ nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt).

- Văn bản thẩm định của Sở Tài chính và văn bản phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho những trường hợp xuất cảnh có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

b) Thời gian xử lý hồ sơ đề nghị xuất cảnh.

Khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị xuất cảnh đã nêu tại điểm a, khoản 2, Điều này, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo thời gian như sau:

Các hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Các hồ sơ do Giám đốc Sở Ngoại vụ được uỷ quyền ký không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Nếu hồ sơ không được chấp thuận, Sở Ngoại vụ phải có thông báo bằng văn bản cho cơ quan, đơn vị quản lý và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức xin xuất cảnh biết.

Chương VI

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành (Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang); Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Giám đốc các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp Nhà nước; người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh có trách nhiệm quán triệt Quy định này cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền.

2. Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện Quy định này.

3. Hàng năm, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy định này. Đồng thời tổng hợp các ý kiến đề xuất của các cơ quan, đơn vị để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./