Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2006/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 22 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN LỢI VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁN BỘ PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 02 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 113/2006/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2006 của HĐND tỉnh Sơn La khoá XII về việc bố trí cán bộ phòng, chống ma tuý tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 551/TTr-SNV ngày 13 tháng 9 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi và việc quản lý cán bộ phòng, chống ma tuý ở xã phường, thị trấn” để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Chí Thức

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN LỢI VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁN BỘ PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2006/QĐ-UBND ngày 22/9/2006 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương II

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Phạm vi điều chỉnh của Quy định này là tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi và việc quản lý cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã, thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh là cán bộ giữ chức danh Cán bộ phòng, chống ma tuý ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), được quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 113/2006/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khoá XII.

Điều 3. Yêu cầu đối với cán bộ phòng, chống ma tuý

Cán bộ phòng, chống ma tuý có trách nhiệm tham mưu giúp Thường trực Đảng uỷ, HĐND, UBND và các Ban chỉ đạo 03 các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma tuý trên địa bàn theo kế hoạch và sự chỉ đạo cảu Ban chỉ đạo 03 cấp huyện, tỉnh. Phát huy tính tích cực, chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý để từng bước ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi tệ nạn ma tuý trên địa bàn toàn tỉnh.

Cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý cán bộ

Công tác quản lý cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ đảng, chính quyền, đảm bảo nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu.

Chương II

TIÊU CHUẨN, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN LỢI CỦA CÁN BỘ PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ

Điều 5. Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã

1. Là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có sức khoẻ, lý lịch rõ ràng; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có hộ khẩu thường trú trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi tham gia công tác.

2. Có năng lực công tác và hiểu biết nhất định về pháp luật, được nhân dân tín nhiệm.

3. Có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông; đối với cán bộ công tác ở các xã vùng 3, phải có học vấn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ

1. Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia công tác phòng, chống ma tuý.

2. Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ

- Thống kê, phân loại đối tượngnghiệm ma tuý; nắm chắc số người nghiện, các điểm và tụ điểm ma tuý.

- Xử lý tin báo, tố giác về ma tuý từ các hòm thư, chuyển đến cơ quan được phân công để giải quyết kịp thời.

- Thực hiện chế độ báo cáo các nội dung liên quan theo yêu cầu của Ban chỉ đạo 03 cấp xã.

- Phát hiện những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển tội phạm ma tuý, từ đó tham mưu, thực hiện các biện pháp làm giảm tình hình tội phạm về ma tuý.

3. Phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan

- Kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, triệt phá các điểm và tụ điểm buôn bán, tổ chức sử dụng chất ma tuý.

- Tổ chức các hình thức cai nghiện, mô hình cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai tại gia đình và cộng đồng.

- Cùng với gia đình người nghiện ma tuý kèm cặp, giáo dục, giúp đỡ người nghiện có điều kiện hoà nhập với gia đình và xã hội, không bị chi phối, lôi kéo tái nghiện.

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng, chống ma tuý chuyên trách các cấp để nâng cao hiệu quả đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm ma tuý trên địa bàn.

4. Cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã có trách nhiệm thực hiện Quy chế làm việc của UBND cấp xã, quy định đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Điều 7. Quyền lợi của Cán bộ phòng, chống ma tuý

1. Được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng theo quy định.

2. Được tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan đến công tác phòng, chống ma tuý, do cấp có thẩm quyền tổ chức.

3. Được đền bù thiệt hại khi thục hiện nhiệm vụ mà bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản.

4. Cán bộ phòng, chống ma tuý có thành tích xuất sắc trong công tác thì được xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

Chương III

QUẢN LÝ CÁN BỘ PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ

Điều 8. Tuyển dụng cán bộ

Chủ tịch UBND cấp xã sau khi xin ý kiến của Thường trực Đảng uỷ, HĐND, UBND cùng cấp về công tác nhân sự, lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc tuyển dụng cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã.

Điều 9. Cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã vi phạm pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao thì Chủ tịch UBND cấp xã xin ý kiến của Thường trực Đảng uỷ, HĐND, UBND cùng cấp, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cho thôi việc.

Điều 10. UBND cấp xã

1. Trực tiếp quản lý cán bộ phòng, chống ma tuý.

2. Thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ.

3. Thống kê số lượng, chất lượng và đánh giá hiệu quả công tác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Điều 11. UBND cấp huyện

1. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã trên địa bàn huyện, thị xã.

2. Quyết định tuyển dụng, cho thôi việc và quản lý hồ sơ đối với cán bộ

3. Định kỳ 06 tháng, hàng năm thực hiện việc tổng hợp số lượng, chất lượng và báo cáo đánh giá kết qảu công tác quản lý, sử dụng cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã theo quy định.

Điều 12. Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Quy định này.

Điều 14. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn Chủ tịch UBND cấp xã, tổ chức thực hiện đúng nội dung quy định của UBND tỉnh về cán bộ phòng, chống ma tuý cấp xã.

Điều 15. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét giải quyết./.