ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2008/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 02 tháng 5 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHIỆP TỊNH PHONG VÀ KHU CÔNG NGHIỆP QUẢNG PHÚ, TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về tiền thuê đất, thuê mặt nước;
Căn cứ Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn;
Xét đề nghị của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi tại các Tờ trình số: 02/TTr-BQL ngày 05/3/2008, 06/TTr-BQL ngày 04/4/2008 và trên cơ sở thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 211/BC-STP ngày 13/12/2007, số 59/BC-STP ngày 01/4/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách đầu tư vào Khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 13/2006/QĐ-UBND ngày 22/02/2006 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Giám đốc các Sở, Ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại vụ, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và xã hội, Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp Quảng Ngãi và thủ trưởng các Sở, Ban ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHIỆP TỊNH PHONG VÀ KHU CÔNG NGHIỆP QUẢNG PHÚ, TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2008/QĐ-UBND ngày 02/5/2008 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư (gọi tắt là nhà đầu tư) vào Khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Doanh nghiệp Khu công nghiệp: là doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong Khu công nghiệp, gồm doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ.
Tiền thuê lại đất có hạ tầng: Là khoản tiền Nhà đầu tư phải trả cho chủ đầu tư KCN khi thuê lại đất đã được đầu tư hạ tầng trong KCN.
Điều 3. Các tiêu chí mời gọi đầu tư
1. Hiệu quả kinh tế-xã hội:
- Giải quyết lao động người địa phương và tích cực đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội.
- Các dự án đầu tư phải gắn liền với việc nộp các khoản thuế tại tỉnh Quảng Ngãi.
- Ngoài ra, các dự án đầu tư vào các KCN Quảng Ngãi phải đảm bảo quy mô vốn đầu tư theo quy định:
STT | Lĩnh vực, ngành nghề | Suất đầu tư tối thiểu (tỷ đồng/01 hécta) |
I | Công nghiệp |
|
1 | Công nghiệp nhẹ, cơ khí chế tạo, sản xuất cấu kiện thép, khung tiền chế... | 20 |
2 | Chế biến nông lâm sản và thực phẩm | 16 |
3 | Sản xuất các loại vật liệu xây dựng, bê tông các loại | 16-20 |
4 | May mặc | 16 |
5 | Công nghiệp khác | 16 |
II | Dịch vụ |
|
| Dịch vụ công nghiệp | 16 |
2. Về môi trường, sinh thái: Dự án phải thực hiện các giải pháp triệt để đảm bảo các điều kiện về môi trường theo Qui định của Luật bảo vệ môi trường hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
Điều 4. Nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN của tỉnh được huy động từ các nguồn vốn sau:
- Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, được bố trí theo kế hoạch hàng năm.
- Vốn vay tín dụng ưu đãi.
- Vốn ứng trước của các doanh nghiệp Khu công nghiệp.
- Vốn đầu tư khác.
Chương II
CHO THUÊ ĐẤT VÀ CHO THUÊ LẠI ĐẤT CÓ HẠ TẦNG
Điều 5. Cho thuê đất và cho thuê lại đất có hạ tầng
1. UBND tỉnh cho chủ đầu tư KCN thuê đất để đầu tư kết cấu hạ tầng.
- Tiền cho thuê đất để đầu tư hạ tầng KCN theo đơn giá được UBND tỉnh quy định hàng năm.
2. Chủ đầu tư KCN cho thuê lại đất có hạ tầng đối với các Doanh nghiệp KCN.
- Tiền thuê lại đất có hạ tầng được tính cho 1m2 đất đã được đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chủ đầu tư KCN có trách nhiệm thu và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Điều 6. Đơn giá cho thuê lại đất có hạ tầng:
1. Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, dự án đặc biệt có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì việc miễn, giảm tiền thuê lại đất có hạ tầng được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định cho từng dự án cụ thể.
Tên Khu công nghiệp | Phương thức thanh toán | Tiền thuê lại đất có hạ tầng (VNĐ/m2/năm) | |
Quảng Phú | Trả từng năm | 7.500 | |
Trả 1 lần cho 10 năm | 6.600 | ||
Trả 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê lại đất (chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư nước ngoài) | 6.000 | ||
Tịnh Phong | Trả từng năm | 6.600 | |
Trả 1 lần cho 10 năm | 5.800 | ||
Trả 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê lại đất (chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư nước ngoài) | 5.000 | ||
|
|
|
|
Đối với dự án đầu tư nước ngoài tỷ giá thanh toán quy đổi bằng ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ký hợp đồng thuê lại đất.
3. Nhà đầu tư khi tiến hành làm thủ tục đăng ký đầu tư phải nộp một khoản tiền ký quỹ cam kết đầu tư, như sau:
Tiền ký quỹ cam kết đầu tư = (Tiền thuê lại đất có hạ tầng theo phương thức trả từng năm X diện tích đất X thời gian thuê đất) X 10%.
Sau khi ký hợp đồng thuê lại đất, số tiền ký quỹ cam kết đầu tư sẽ được khấu trừ vào tiền thuê lại đất có hạ tầng. Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư Nhà đầu tư không triển khai thực hiện việc đầu tư thì số tiền ký quỹ sẽ được sung vào công quỹ Nhà nước.
Chương III
HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO
Điều 7. Huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng KCN:
Khuyến khích Nhà đầu tư tự ứng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức san lấp mặt bằng diện tích đất được thuê. Việc san lấp mặt bằng phải thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt của cấp có thẩm quyền (trừ dự án công nghệ cao và dự án đặc biệt UBND tỉnh sẽ có chính sách riêng).
Chủ đầu tư KCN có nhiệm vụ phối hợp với địa phương lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trình phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán từng dự án san lấp mặt bằng trên cơ sở vị trí, diện tích theo Chứng chỉ quy hoạch đã cấp cho Nhà đầu tư, đồng thời tổ chức giám sát thi công từng dự án theo đúng quy định của Nhà nước.
Tổng giá trị khối lượng thi công của dự án san lấp mặt bằng được nghiệm thu là cơ sở để nhà đầu tư được khấu trừ vào tiền thuê đất có hạ tầng phải nộp và tính toán lại thời gian còn phải nộp tiền thuê đất của Nhà đầu tư.
Cơ chế áp dụng đối với Nhà đầu tư tự tổ chức san ủi mặt bằng được áp dụng đơn giá cho thuê lại đất có hạ tầng theo đơn giá: trả 1 lần cho 10 năm đối với nhà đầu tư trong nước; trả 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê lại đất đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều 8. Hỗ trợ đào tạo lao động
1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo ngắn hạn cho công nhân của các doanh nghiệp đầu tư tại các KCN Quảng Ngãi theo mức sau:
Đối với lao động có thời gian đào tạo từ 03 tháng đến dưới 6 tháng, mức hỗ trợ không quá 700.000 đồng/lao động/khoá.
Đối với lao động có thời gian đào tạo từ 06 tháng trở lên, mức hỗ trợ không quá 1.000.000 đồng/lao động/khoá.
2. Các dự án được hưởng hỗ trợ đào tạo lao động phải đủ các điều kiện theo Quy định này, cụ thể:
a) Đối tượng và điều kiện:
- Là người lao động có hộ khẩu tại Quảng Ngãi, thuộc vào diện đối tượng quy định tại Thông tư Liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2006 của liên Bộ Tài Chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Đã được doanh nghiệp tuyển dụng và đã được ký hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên;
- Đã được doanh nghiệp gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong, ngoài tỉnh hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo với thời hạn đào tạo từ 03 tháng trở lên. Trường hợp lao động do doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo, doanh nghiệp phải đăng ký và thống nhất kế hoạch đào tạo, chương trình đào tạo và phương thức tổ chức thực hiện, kiểm tra với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để phối hợp triển khai thực hiện.
b) Phương thức thực hiện:
- Các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lao động tự ứng trước kinh phí để chi trả và sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ thông qua Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi.
- Hàng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách theo Luật Ngân sách, Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí đào tạo trong năm đến, trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp gửi Sở Tài chính để Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán kinh phí hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí.
- Căn cứ Hồ sơ do Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi (viết tắt là Ban Quản lý) đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Quản lý rà soát các đối tượng theo quy định tại điểm a; gửi Sở Tài chính làm cơ sở thẩm tra dự toán. Trên cơ sở đó Ban Quản lý hỗ trợ trực tiếp cho Doanh nghiệp và chịu trách nhiệm quản lý, thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
c) Nguồn kinh phí hỗ trợ:
Nguồn kinh phí hỗ trợ được cân đối từ ngân sách tỉnh và kinh phí Chương trình mục tiêu dạy nghề ngắn hạn cho Lao động nông thôn và dân tộc thiểu số.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Những quy định khác liên quan đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong KCN Tịnh Phong và KCN Quảng Phú không quy định trong Quy định này thì thực hiện theo các điều khoản tương ứng của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, các văn bản pháp luật khác và các quy định có liên quan của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 10. Đối với các dự án đã được cấp Chứng nhận đầu tư hoặc đã được cấp Giấy Chứng nhận ưu đãi đầu tư theo quy định tại Quyết định số 03/2002/QĐ-UB ngày 04/01/2002 và Quyết định số 13/2006/QĐ-UBND ngày 22/02/2006 của UBND tỉnh, giao Ban Quản lý chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát lại. Với các dự án không đủ điều kiện hưởng ưu đãi, Ban Quản lý tham mưu trình UBND tỉnh quyết định hủy nội dung ưu đãi đầu tư và các dự án phải áp dụng theo nội dung của Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, có những vướng mắc phát sinh, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp KCN kịp thời phản ảnh về Ban Quản lý để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 13/2006/QĐ-UBND về Quy định cơ chế và chính sách hỗ trợ đầu tư vào Khu công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006- 2008 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Quyết định 43/2009/QĐ-UBN điều chỉnh quy định Chính sách đầu tư vào Khu công nghiệp Tịnh Phong và Quảng Phú kèm theo Quyết định 69/2008/QĐ-UBND do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 3 Quyết định 52/2013/QĐ-UBND Quy định Chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 4 Quyết định 192/QĐ-UBND năm 2014 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi hết hiệu lực toàn bộ và một phần năm 2013
- 5 Quyết định 192/QĐ-UBND năm 2014 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi hết hiệu lực toàn bộ và một phần năm 2013
- 1 Quyết định 16/2012/QĐ-UBND về Điều lệ Khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp Quảng phú, tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư
- 3 Thông tư liên tịch 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do Bộ Tài chính - Bội Nội vụ cùng ban hành
- 4 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 5 Luật Đầu tư 2005
- 6 Nghị định 142/2005/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
- 7 Luật Thương mại 2005
- 8 Quyết định 81/2005/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 10 Luật Đất đai 2003
- 11 Luật xây dựng 2003