ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 692/QĐ-UB | Tuyên Quang, ngày 28 tháng 8 năm 1997 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 07/CP ngày 5-2-1996 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng và thông tư số 02/NN-KNKL-TT ngày 01-3-1997 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Căn cứ Nghị định số 14/CP ngày 19-3-1996 của Chính phủ về quản lý giống-vật nuôi và thông tư số 09/NN-KNKL-TT ngày 17-9-1996 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 19-3-1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và thông tư số 08/NN-KNKL-TT ngày 17-9-1996 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 8-12-1995 của Chính phủ về quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa và các thông tư hướng dẫn như: Thông tư số 560/TT-KGM ngày 21-6-1996 của Bộ Khoa học công nghệ và môi trường; thông tư liên Bộ số 153/KCM-NN&PTNT ngày 15-7-1996 của Liên Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; thông tư liên Bộ số 02/TT-LB ngày 24-5-1996 của Bộ Khoa học-công nghệ và môi trường và Bộ Thủy sản. Công văn số 3943/NN-KCN-CV ngày 19-11-1996 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về quản lý chất lượng các loại phân bón.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG |
VỀ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG - VẬT NUÔI-QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN GIA SÚC, QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA NÔNG-LÂM-NGƯ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 692/QĐ-UB ngày 28 tháng 8 năm 1997)
A. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG:
I - Khảo nghiệm giống
1. Tất cả các giống cây trồng mới được nhập vào tỉnh trước khi đưa ra sản xuất đại trà phải qua khảo nghiệm hoặc sản xuất thử.
2. Các tổ chức, cá nhân có giống khảo nghiệm hoặc sản xuất thử phải đăng ký với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về: Tên giống, nguồn gốc, đặc tính của giống, địa điểm sản xuất thử, qui trình sản xuất và phải báo cáo kết quả với Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
II - Sản xuất kinh doanh giống:
1. Tổ chức và cá nhân muốn sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh phải có giấy phép do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định và cấp giấy phép.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
2.1) Có cán bộ chuyên môn am hiểu về kỹ thuật sản xuất giống cây trồng.
2.2) Có đủ điều kiện sản xuất giống
2.3) Chỉ được sản xuất các loại giống đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận và được UBND tỉnh cho phép.
2.4) Sản xuất đúng qui trình kỹ thuật quy định cho mỗi cấp giống và mỗi loại giống.
3. Tổ chức và cá nhân kinh doanh giống phải đảm bảo các điều kiện sau:
3.1) Có cán bộ chuyên môn am hiểu về giống
3.2) Có kho bảo quản, có thiết bị kiểm tra, xác định chất lượng giống.
4. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sản xuất kinh doanh giống phải hoạt động đúng quy định của giấy phép và hàng năm phải có báo cáo cho đơn vị cấp giấy phép về tình hình sản xuất kinh doanh giống cây NLN.
5. Các loại giống cây trồng NLN lưu hành trên thị trường phải qua kiểm tra chất lượng và kèm theo phiếu chứng chỉ chất lượng giống, có nhãn hàng hóa và bao đóng gói đúng như qui cách đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Tổ chức cá nhân buôn bán giống cây phải chịu trách nhiệm về chất lượng giống đối với người sử dụng giống, phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng giống, nếu thiệt hại đó do giống không đảm bảo chất lượng gây ra.
III - Kiểm định, kiểm nghiệm, cấp chứng chỉ giống.
1. Giống cây trồng NLN khi đưa vào sản xuất kinh doanh phải có chứng chỉ xác nhận là đã qua kiểm định đồng ruộng và kiểm nghiệm chất lượng giống.
2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Tổ chức bộ phận kiểm định, kiểm nghiệm giống cây NLN trực thuộc Sở
- Tiến hành kiểm định, kiểm nghiệm và cấp giấy chứng chỉ chất lượng giống cây nông lâm nghiệp của các tổ chức và cá nhân sản xuất về kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh.
3. Phí tổn kiểm định, kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ chất lượng giống do tổ chức, cá nhân có giống phải nộp trả theo quy định hiện hành của Nhà nước về kiểm nghiệm, kiểm định và cấp chứng chỉ chất lượng giống.
4. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm kiểm định, kiểm nghiệm giống xác định sai chất lượng giống cây thiệt hại cho người sử dụng thì phải bồi thường thiệt hại.
IV- Quản lý Nhà nước về giống cây trồng:
1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giống cây trồng trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giống cây trồng trong phạm vi địa bàn huyện, thị, xã.
3. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm những điều quy định này tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc trong trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, ghi trong quy định này và pháp lệnh chất lượng hàng hóa và quy định của Nhà nước về kiểm tra, xử lý việc sản xuất buôn bán hàng giả.
B. NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT KINH DOANH GIỐNG VẬT NUÔI:
I - Những quy định chung
1. Giống vật nuôi được quy định gồm giống gia súc, gia cầm, thủy sản, Ong, Tằm, bao gồm đàn gia súc gốc, đàn giống ông, bà, đàn hạt nhân, đàn nhân giống và các sản phẩm của chúng như trứng giống, tinh dịch, phôi, đàn giống bố, mẹ do các cơ sở sản xuất giống trong nước sản xuất ra hoặc nhập từ nước ngoài vào đã được công nhận là giống để sản xuất ra con giống hậu bị thay thế đàn giống hoặc sản xuất ra con giống thương phẩm.
2. Đối tượng thực hiện nghị định 14/CP của Chính phủ về quản lý giống -vật nuôi là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực bảo tồn bồi dục, nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm công nhận giống mới, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu giống và quản lý chất lượng giống vật nuôi.
II - Những quy định cụ thể
1. Điều kiện sản xuất kinh doanh giống vật nuôi:
1.1) Cơ sở sản xuất giống vật nuôi phải là cơ sở chọn lọc nhân thuần chủng những giống vật nuôi hoặc tạo con lai có định hướng phù hợp với mục tiêu chọn lọc và tránh ảnh hưởng xấu của nhân giống đồng huyết để không ngừng nâng cao phẩm chất giống.
1.2) Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi chỉ được phép sản xuất kinh doanh các giống vật nuôi do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố hàng năm.
1.3) Cơ sở sản xuất kinh doanh giống vật nuôi phải chịu sự quản lý Nhà nước của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải có giấy phép kinh doanh và phải đảm bảo các điều kiện về thức ăn, chuồng trại, vệ sinh chăn nuôi thú y, môi trường (như điều 9 trong pháp lệnh thú y ban hành ngày 15-2-1993) và phải có cán bộ kỹ thuật am hiểu về chăn nuôi, thú y.
1.4) Sản phẩm của các cơ sở sản xuất giống gốc, giống ông, bà, đàn hạt nhân, đàn nhân giống gồm con giống hậu bị, trứng giống, tinh dịch, phôi nhằm cung cấp cho các cơ sở nhân giống, các trạm truyền tinh nhân tạo và các cơ sở nuôi giống bố mẹ.
1.5) Một cơ sở sản xuất giống gốc, giống ông bà, không được nuôi quá 3 giống (trừ các trạm truyền tinh nhân tạo và đối với giống tằm không được quá 8 giống) và phải theo dõi năng suất cá thể (trừ các trạm truyền tinh nhân tạo và đối với gia cầm có thể theo dõi quần thể).
1.6) Cơ sở sản xuất giống phải thực hiện theo dõi các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và ghi chép đầy đủ, chính xác đúng quy định theo biểu mẫu về quản lý giống do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành.
1.7) Cơ sở giống vật nuôi phải tổ chức giám định hoặc phân cấp đánh giá chất lượng hàng năm theo các tiêu chuẩn cấp Nhà nước tiêu chuẩn VN) và cấp ngành đã ban hành Hội đồng giám định đàn giống của cơ sở phải có thành viên của cơ quan cấp trên có thẩm quyền tham gia.
1.8) Lợn đực giống khai thác tinh để truyền tinh nhân tạo phải qua kiểm tra năng suất cá thể, phải đăng ký chất lượng, phải có giấy phép của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Riêng trâu, bò đực giống khai thác tinh để truyền tinh nhân tạo phải qua kiểm tra năng suất cá thể và phải đăng ký chất lượng, phải có giấy chứng nhận chất lượng con giống của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đực giống trong thời gian khai thác tinh phải theo dõi các chỉ tiêu phẩm chất tinh dịch, kết quả sinh sản, bệnh theo quy định. Nếu đực giống không đạt các chỉ tiêu quy định phải loại thải kịp thời. Riêng bò thịt, bò sữa từng bước tiến hành kiểm tra năng suất: đời sau của con đực giống.
Lợn đực giống, bò đực giống dùng để phối trực tiếp cũng phải qua kiểm tra và đăng ký chất lượng giống với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
1.9) Đực giống hậu bị đưa vào kiểm tra năng suất phải là những đực giống sản xuất ra từ những cá thể giống ông bà, đàn hạt nhân, đàn nhân giống đạt tiêu chuẩn chọn giống và có lý lịch giống rõ ràng.
2. Quản lý Nhà nước về giống vật nuôi:
2.1) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan quản lý Nhà nước về giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
2.2) Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giống vật nuôi trong phạm vi địa bàn huyện, thị xã.
2.3) Các giống vật nuôi ở các cơ sở giống gốc, giống ông bà trên địa bàn tỉnh đều phải được theo dõi, đánh giá, phân cấp chất lượng theo tiêu chuẩn cấp Nhà nước (TCVN) hoặc cấp ngành và theo dõi cùng biểu mẫu như các cơ sở giống của Trung ương do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định.
3. Chế độ kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác quản lý vật nuôi.
3.1) Hàng năm Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất hoặc định kỳ việc thực hiện nghị định 14/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý giống-vật nuôi. Nội dung kiểm tra bao gồm các việc xem xét đánh giá lại chất lượng đàn giống, việc thực hiện các quy định, qui trình và định mức kinh tế-kỹ thuật, thực hiện các chủ trương chính sách của ngành và địa phương về công tác quản lý giống vật nuôi.
3.2) Kết quả kiểm tra, thanh tra phải có biên bản. Biên bản kiểm tra phải được gửi tới các cơ sở được kiểm tra, cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở và các cơ quan có liên quan.
3.3) Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Nghị định 14/CP ngày 19-3-1996 của Chính phủ về quản lý giống vật nuôi sẽ được khen thưởng theo chế độ.
3.4) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Nghị định 14/CP của Chính phủ về quản lý giống vật nuôi tùy theo mức độ gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức và cá nhân, sẽ bị xử phạt hành chính và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
C. NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI
I - Sản xuất kinh doanh
1. Đăng ký sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi:
1.1) Tổ chức, cá nhân đăng ký xin giấy phép sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có địa điểm, nhà xưởng, trang thiết bị, qui trình công nghệ để sản xuất thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh chăn nuôi thú y và vệ sinh môi trường.
- Có điều kiện hoặc phương tiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu và sản phẩm trước khi xuất xưởng.
- Có nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất và kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi.
1.2) Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn phải tuân theo các quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp Nhà nước và các loại hình cơ sở sản xuất, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý ngành là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
1.3) Các loại thức ăn chăn nuôi phải đăng ký sản xuất
- Thức ăn đăng ký sản xuất lần đầu
- Thức ăn đã được cấp đăng ký sản xuất nhưng có thay đổi về tên gọi, hàm lượng các chất dinh dưỡng, công thức, dạng sản phẩm, bao bì, nhãn hiệu.
- Thức ăn đã sản xuất ở nước ngoài nhưng nay đăng ký sản xuất ở Việt Nam.
- Thức ăn được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép dùng thử.
1.4) Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sản xuất và lưu hành tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố hàng năm.
2. Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc.
2.1) Tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có giấy phép hành nghề do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp.
2.2) Tổ chức, cá nhân sản xuất các loại thức ăn hàng hóa phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định của Bộ Khoa học công nghệ-môi trường tại Chi cục tiêu chuẩn- đo lường- chất lượng (TĐC) tỉnh.
2.3) Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm báo cáo thống kê tình hình sản xuất hàng quí, hàng năm với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp
2.4) Nghiêm cấm sản xuất thức ăn chăn nuôi không có giấy phép, sai trong quy định của giấy phép.
2.5) Địa điểm sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biển đề tên doanh nghiệp như đăng ký. Nơi đặt địa điểm phải thuận tiện dễ nhìn để mọi người biết.
2.6) Thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường phải qua kiểm tra xuất xưởng và lưu mẫu. Phiếu kiểm tra xuất xưởng phải lưu giữ tối thiểu 3 năm.
2.7) Các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa đều phải có bao bì và có nhãn. Trường hợp giao hàng rời không cần có nhãn thì phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.
2.8) Các nguyên liệu quí hiếm dùng làm thức ăn chăn nuôi phải đựng trong bao bì và phải có nhãn.
2.9) Việc trình bày tên nhãn, mác phải viết bằng chữ Việt nhưng cũng có thể viết thêm chữ nước ngoài - nội dung nhãn- mác của các loại thức ăn viết như sau:
Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh:
- Tên thương mại của thức ăn chăn nuôi
- Số đăng ký được phép sản xuất
- Tổ chức, cá nhân sản xuất
- Nơi sản xuất
- Khối lượng tịnh
- Tên và tỷ lệ thành phần dinh dưỡng chủ yếu trong hỗn hợp (độ ẩm, Prôtêin, năng lượng trao đổi, xơ thô, can xi, phốt pho, muối)
- Dùng cho loại gia súc gia cầm nào- cách sử dụng
- Ngày tháng năm sản xuất và hạn dùng.
Thức ăn đậm đặc:
- Tên thương mại của thức ăn đậm đặc
- Số đăng ký được phép sản xuất
- Tên tổ chức, cá nhân sản xuất
- Nơi sản xuất
- Khối lượng tịnh
- Tên và tỷ lệ thành phần dinh dưỡng chủ yếu (độ ẩm, Prôtêin, thô, xơ thô, năng lượng trao đổi, can xi, phốt pho vi ta min và amônôacid chủ yếu).
- Dùng cho loại gia súc gia cầm nào, cách sử dụng
- Ngày tháng năm sản xuất và hạn dùng.
Thức ăn bổ sung:
- Tên thương mại của thức ăn bổ sung
- Số đăng ký được phép sản xuất
- Tên tổ chức, cá nhân sản xuất
- Nơi sản xuất
- Khối lượng tịnh
- Tên và tỷ lệ thành phần các chất bổ sung (ghi rõ tên các chất bổ sung)
- Dùng cho loại gia súc gia cầm nào, cách sử dụng (nếu đặc chủng cần lưu ý cách dùng)
- Ngày tháng năm sản xuất và hạn dùng.
3. Lưu thông thức ăn chăn nuôi
3.1) Việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm an toàn, không bị nhiễm các chất độc hại, nhiễm khuẩn, không gây biến đổi chất làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn.
3.2) Tổ chức, cá nhân lưu giữ thức ăn chăn nuôi phải có kho chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đảm bảo chất lượng thức ăn vệ sinh chăn nuôi thú y, môi trường.
3.3) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy phép hành nghề dịch vụ thức ăn chăn nuôi do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tuyên Quang cấp.
- Có giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp
- Có cửa hàng, kho chứa, trang bị cần thiết
- Có cán bộ có trình độ sơ cấp chăn nuôi thú y trở lên.
3.4) Phạm vi kinh doanh thức ăn chăn nuôi:
- Chỉ được phép bán các loại thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng và lưu hành ở Việt Nam
- Không được bán thức ăn quá hạn sử dụng, thức ăn kém phẩm chất, thức ăn không rõ nguồn gốc, thức ăn không đúng nhãn hiệu đăng ký, không có dấu kiểm tra xuất xưởng.
Trong gian hàng chứa thức ăn chăn nuôi không được chứa bất cứ một loại vật phẩm nào như phân hoá học, thuốc trừ sâu, xăng dầu... có thể làm hư hỏng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn chăn nuôi.
3.5) Bao bì chứa thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường phải nguyên đai, nguyên kiện không được bán thức ăn chăn nuôi chứa trong bao bì rách, hỏng.
3.6) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có biển đề tên cửa hàng đăng ký. Nơi đặt biển phải thuận tiện, dễ nhìn để mọi người biết.
II- Thức ăn chăn nuôi cấm sản xuất kinh doanh:
Tổ chức, cá nhân không được sản xuất kinh doanh hoặc nhập khẩu để bán các loại thức ăn chăn nuôi sau đây:
1. Thức ăn chăn nuôi kém phẩm chất hoặc quá hạn.
2. Thức ăn chăn nuôi không đăng ký hoặc đã bị đình chỉ thu hồi đăng ký.
3. Thức ăn chăn nuôi đựng trong bao bì không đúng qui cách không có nhãn, mác.
4. Thức ăn chăn nuôi có trong danh mục không được phép sản xuất kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định.
5. Thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có hàm lượng độc tố và các chất có hại trên mức quy định.
III - Quản lý Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi:
1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn huyện, thị xã.
Việc theo dõi, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất và lưu thông trên địa bàn thực hiện như sau:
- Tổ chức lấy mẫu phân tích kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi 2 lần trong một năm.
- Kiểm tra hồ sơ chất lượng hàng hoá xuất xưởng và xuất xứ
- Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi đúng thủ tục quy định để gửi đi phân tích chất lượng.
- Kiểm tra vệ sinh thức ăn chăn nuôi vệ sinh môi trường sản xuất và bảo quản thức ăn chăn nuôi.
- Khi kiểm tra phải lập biên bản, bên kiểm tra và bên được kiểm tra phải ký vào biên bản, biên bản được lập thành 4 bản trong đó 1 bản gửi về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Cục khuyến nông và khuyến lâm).
- Kết quả phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở đã kiểm tra.
3. Tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết và phải được sự đồng ý của UBND tỉnh.
4. Thu lệ phí, phí tổn trong quá trình kiểm tra, khiếu nại, đăng ký theo mức quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.
IV - Khen thưởng - xử lý vi phạm
- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Nghị định 15/CP ngày 19-3-1996 của Chính phủ sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.
- Tổ chức, cá nhân, viên chức Nhà nước khi có hành vi vi phạm Nghị định 15/CP ngày 19-3-1996 của Chính phủ tùy theo mức độ gây hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
D. NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA
I - Trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hoá.
1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý chất lượng các mặt hàng: Phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV, giống cây, giống con, các sản phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi gia súc trên địa bàn toàn tỉnh
2. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị chịu trách nhiệm quản lý các mặt hàng: Phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV, giống cây, giống con và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và các loại thức ăn gia súc trên địa bàn các huyện, thị
II - Thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký chất lượng hàng hóa:
1. Về giống cây trồng, vật nuôi do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp đăng ký chất lượng theo danh mục được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép.
2. Thuốc bảo vệ thực vật: Do Chi cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng tỉnh cấp giấy đăng ký chất lượng theo danh mục do Bộ Khoa học-công nghệ và môi trường công bố.
3. Thuốc thú y: Do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy phép đăng ký chất lượng theo danh mục do Cục thú y quy định.
4. Phân bón: Các loại phân bón sản xuất công nghiệp phải đăng ký chất lượng tại Chi Cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng tỉnh.
Các loại phân bón sản xuất trong nước phải qua khảo nghiệm trước khi đăng ký chất lượng sản xuất hàng loạt và đưa vào sử dụng thực hiện theo QĐ 32/NN-QL-CV-QD ngày 17/11/1995 của Bộ Nông nghiệp&PTNT.
5. Việc cấp giấy phép hành nghề thú y và bảo vệ thực vật thực hiện theo pháp lệnh thú y và pháp lệnh bảo vệ thực vật.
6. Thức ăn cho chăn nuôi: Tất cả các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi đều phải đăng ký chất lượng tại Chi Cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng tỉnh. Chi cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng tỉnh chỉ cấp đăng ký chất lượng cho những thức ăn chăn nuôi theo mức chất lượng và kết quả khảo nghiệm và quyết định cho phép sản xuất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
7. Sản phẩm thủy sản: Các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến công nghiệp kinh doanh trên thị trường phải đăng ký chất lượng tại Chi cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng tỉnh theo đúng danh mục hàng hóa bắt buộc đăng ký chất lượng.
III. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Đối với các loại giống cây, giống con, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn cho chăn nuôi, vệ sinh thú y. Việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, cụ thể phân công như sau:
1. Thanh tra, kiểm tra giống cây, giống con, phân bón, thức ăn chăn nuôi do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện.
2. Thanh tra về thuốc bảo vệ thực vật do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục bảo vệ thực vật thực hiện.
3. Thanh tra về thuốc thú y và vệ sinh thú y do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo Chi Cục thú y thực hiện.
IV. Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Nghị định 86/CP ngày 8-12-1995 của Chính phủ sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân, viên chức Nhà nước khi có hành vi vi phạm Nghị định 15/CP ngày 19-3-1996 của Chính phủ tùy theo mức độ gây hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những quy định quản lý Nhà nước về giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi quản lý chất lượng hàng hóa nông lâm-ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Những quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Khoa học-công nghệ và môi trường theo chức năng quyền hạn của mình hướng dẫn đôn đốc kiểm tra thực hiện những quy định trên. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc cần sửa đổi bổ sung báo cáo về UBND tỉnh.
- 1 Quyết định 85/2006/QĐ-UBND công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành liên quan đến lĩnh vực dân sự và đầu tư xây dựng đã hết hiệu lực pháp luật
- 2 Quyết định 667/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 3 Quyết định 667/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 1 Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 2 Quyết định 1206/2004/QĐ-UB về Quy định quản lý giống cây trồng, vật nuôi trong tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 3 Quyết định 79/2002/QĐ-UB về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Thông tư 2-NN/KNKL/TT-1997 thi hành Nghị định 07/CP về quản lý giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 5 Thông tư 08/NN-KNKL/TT hướng dẫn Nghị định 15/CP về quản lý thức ăn chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6 Thông tư liên bộ 1537/KCM-NN&PTNN năm 1996 hướng dẫn Nghị định 86/CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa do Bộ Khoa Học công Nghệ Và Môi Trường - Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn ban hành
- 7 Thông tư liên bộ 02TT/LB năm 1996 hướng dẫn Nghị định 86/CP về phân công quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa do Bộ Khoa học công nghệ môi trường - Thủy sản ban hành
- 8 Thông tư 560-KCM/TT-1996 hướng dẫn thi hành Nghị định 86/CP-1995 quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
- 9 Nghị định 14-CP năm 1996 về việc quản lý giống vật nuôi
- 10 Nghị định 15-CP năm 1996 về việc quản lý thức ăn chăn nuôi
- 11 Nghị định 07-CP năm 1996 về quản lý giống cây trồng
- 12 Nghị định 86-CP quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá
- 13 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 14 Pháp lệnh Thú y năm 1993
- 15 Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993
- 16 Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 1 Quyết định 79/2002/QĐ-UB về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 1206/2004/QĐ-UB về Quy định quản lý giống cây trồng, vật nuôi trong tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 3 Quyết định 85/2006/QĐ-UBND công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành liên quan đến lĩnh vực dân sự và đầu tư xây dựng đã hết hiệu lực pháp luật
- 4 Quyết định 667/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 5 Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai