Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2006/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 20 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM ĐỊA PHƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ v/v cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 34/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 09/12/2005 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn một số Điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm;

Căn cứ Thông tư số 107/2005/TT-BTC ngày 07/12/2005 của Bộ Tài chính v/v hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 04/5/2006 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quyết định số 2258/QĐ-UB ngày 18/7/2000 của UBND tỉnh v/v thành lập Quỹ Giải quyết việc làm địa phương;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 698/TTr-STC ngày 20/4/2006 v/v ban hành Quy định Quản lý và sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm địa phương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định lập, quản lý và sử dụng Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 83/2000/QĐ-UB ngày 21/9/2000 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Quy định trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm địa phương; bãi bỏ Quyết định số 146/QĐ-UB ngày 17/01/2002 của UBND tỉnh Bình Định về việc phân phối tiền lãi từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm và Quỹ Giải quyết việc làm địa phương.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Bình

 

QUY ĐỊNH

LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương (gọi tắt là Quỹ) là một bộ phận của Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, được trích từ ngân sách địa phương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác dành cho lĩnh vực việc làm. Quỹ cho vay giải quyết việc làm được đặt tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định.

Điều 2.

a) Giao Giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tài khoản Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương, điều hành Quỹ theo quy định hiện hành;

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chương trình việc làm và Quỹ cho vay giải quyết việc làm.

Chương II

QUY ĐỊNH LẬP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Điều 3. Lập Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương

1. Quỹ Giải quyết việc làm địa phương được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định;

b) Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực giải quyết việc làm;

c) Các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

2. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào khả năng ngân sách và nhu cầu giải quyết việc làm, bố trí một phần kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để lập Quỹ Giải quyết việc làm địa phương trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

3. Căn cứ vào mức trích Quỹ được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, Sở Tài chính chuyển vốn qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định để sử dụng vào mục đích cho vay giải quyết việc làm.

Điều 4. Sử dụng Quỹ

Quỹ Giải quyết việc làm địa phương được sử dụng làm vốn cho vay giải quyết việc làm theo đúng mục tiêu của chương trình giải quyết việc làm của tỉnh. Việc sử dụng Quỹ được thực hiện như sau:

1. Về đối tượng cho vay: Thực hiện theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm và tình hình thực tế địa phương, UBND tỉnh quyết định đối tượng cho vay của Quỹ phù hợp với mục tiêu của chương trình giải quyết việc làm của tỉnh.

2. Về điều kiện được vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, mức vốn, thời hạn và lãi suất vay, xây dựng dự án, quy trình thẩm định, phân cấp thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn và xử lý nợ quá hạn áp dụng theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg của các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện hành.

3. Về xử lý rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng: Đối tượng được xem xét xử lý nợ rủi ro; nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng; biện pháp xử lý; hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro áp dụng theo quy định tại Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 06/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội và Thông tư số 65/2005/TT-BTC ngày 16/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg. Thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro của tỉnh.

4. Việc phân phối và sử dụng số tiền lãi thực thu được từ cho vay Quỹ việc làm tỉnh được thực hiện như sau:

a) Trích 40% để chi trả phí ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện công tác quản lý, cho vay, thu nợ của Ngân hàng. Việc sử dụng phí ủy thác theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

b) Trích 30% để chi cho công tác hướng dẫn, thẩm định, tổ chức thực hiện và quản lý dự án tại địa bàn từ cấp cơ sở (xã, phường, chủ dự án) đến Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh; chi trả cho các cơ quan tham gia thu hồi nợ khó đòi.

Trong đó:

+ Trích 5% cho Ban chỉ đạo tỉnh;

+ Trích 5% cho Ban chỉ đạo huyện;

+ Trích 15% cho chủ quản dự án (hội, đoàn thể thuộc tỉnh và huyện);

+ Trích 5 % cho chủ dự án.

Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm 3, mục II Thông tư số 107/2005/TT-BTC ngày 07/12/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm.

c) Trích 30% lập Quỹ dự phòng rủi ro tỉnh để bù đắp các khoản vốn vay từ Quỹ việc làm địa phương bị tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xóa nợ và để bổ sung Quỹ Giải quyết việc làm địa phương.

Điều 5. Quản lý Quỹ

1. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh:

a) Chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định các dự án vay vốn thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt;

b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định các dự án vay vốn được phân cấp trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định;

c) Chịu trách nhiệm chính về phương án tài chính và phương án trả nợ vay của khách hàng, thực hiện giải ngân dự án, thu hồi nợ, xử lý nợ theo quy định của pháp luật;

d) Định kỳ 6 tháng, năm, căn cứ kết quả cho vay, lãi cho vay, thu nợ từ nguồn vốn của Quỹ báo cáo Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

e) Thực hiện trích chuyển lãi cho vay của Quỹ cho các cơ quan thực hiện chương trình sau khi có quyết định phân phối lãi cho vay của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội :

a) Lập dự toán bổ sung ngân sách cho Quỹ việc làm địa phương gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

b) Quản lý nguồn ngân sách bổ sung hàng năm cho Quỹ;

c) Thực hiện thu các khoản hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân hỗ trợ cho Quỹ; đồng thời chuyển vào tài khoản của Sở Tài chính để Sở Tài chính chuyển qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bổ sung cho Quỹ;

d) Quản lý nguồn vốn đã tập trung tại Ngân hàng chính sách xã hội và tiền lãi thu được từ việc cho vay Quỹ Giải quyết việc làm địa phương;

e) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch phân bổ kinh phí giải quyết việc làm, nguồn vốn mới và vốn thu hồi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định để cho các cơ quan thực hiện;

g) Chủ trì phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định các dự án cho vay vốn được phân cấp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định; trong đó chịu trách nhiệm chính về đối tượng vay vốn, tính khả thi của dự án, mục tiêu giải quyết việc làm;

h) Căn cứ tiền lãi thu được, tỷ lệ được trích, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân phối cho các đơn vị được hưởng;

i) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan phúc tra các dự án bị rủi ro theo quy định để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;

k) Kiểm tra đánh giá kết quả cho vay của Quỹ;

l) Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xem xét việc thu hồi vốn và sử dụng nguồn vốn;

m) Tổng hợp kết quả cho vay các dự án do địa phương quản lý, gửi báo cáo định kỳ 6 tháng, năm về Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính xây dựng kế hoạch bổ sung ngân sách cho Quỹ; phân bổ vốn giải quyết việc làm và vốn vay trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả cho vay vốn từ Quỹ.

4. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán ngân sách địa phương hàng năm bổ sung cho Quỹ việc làm địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định;

b) Mở Tài khoản riêng theo dõi Quỹ dự phòng rủi ro tỉnh;

c) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch phân bổ vốn giải quyết việc làm và kế hoạch vốn vay cho các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể cấp tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định;

d) Kiểm tra, giám sát việc sử dụng, điều hành Quỹ;

e) Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan định giá tài sản thế chấp của đối tượng vay vốn.

5. Các cơ quan thực hiện chương trình có trách nhiệm sử dụng kinh phí được hưởng trích lãi cho vay để hướng dẫn, quản lý, thẩm định dự án… theo đúng quy định của Nhà nước và hàng năm tổng hợp vào nguồn kinh phí khác báo cáo quyết toán với cơ quan tài chính đồng cấp theo quy định. Kết thúc năm, nếu chưa sử dụng hết khoản kinh phí này thì các đơn vị được kết chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Quy định này là căn cứ để lập, quản lý và sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm địa phương và được thực hiện đồng thời với các chế độ tài chính kế toán hiện hành của Nhà nước.

Điều 7. Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm địa phương trái Quy định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện vấn đề chưa phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.