ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/2010/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 30 tháng 6 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG, TIÊU CHUẨN, TUYỂN DỤNG, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁN BỘ KHUYẾN NÔNG CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 77/TTr-SNV ngày 11/6/2010,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Quy định về số lượng và quản lý đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở tỉnh Bắc Giang
1. Cán bộ khuyến nông cơ sở là người trực tiếp làm công tác khuyến nông ở xã, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ khuyến nông xã) và thôn, bản (sau đây gọi chung là cộng tác viên khuyến nông thôn).
Mỗi xã, thị trấn có 01 cán bộ khuyến nông; mỗi thôn có 01 cộng tác viên khuyến nông thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp và thuỷ sản.
2. Cán bộ khuyến nông xã chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Trạm Khuyến nông huyện, thành phố và UBND cấp xã; cộng tác viên khuyến nông thôn chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của cán bộ khuyến nông xã và trưởng thôn.
Điều 2. Tiêu chuẩn cán bộ khuyến nông cơ sở
1. Cán bộ khuyến nông xã:
a) Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Giang.
b) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy trở lên thuộc các ngành: khuyến nông, trồng trọt, nông học, bảo vệ thực vật, cây trồng, lâm nghiệp, lâm sinh, thuỷ sản.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn: Tuyển dụng người tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp hệ chính quy trở lên thuộc các ngành nêu ở trên; có hộ khẩu thường trú tại xã đặc biệt khó khăn và làm việc tại xã đó.
c) Độ tuổi tuyển dụng: Từ đủ 18 đến dưới 40 tuổi đối với nam; từ đủ 18 đến dưới 35 tuổi đối với nữ.
d) Có lý lịch rõ ràng, có đầy đủ văn bằng chứng chỉ đáp ứng yêu cầu, có đơn xin làm hợp đồng, có đủ sức khoẻ để đảm nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
đ) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
2. Cộng tác viên khuyến nông thôn:
a) Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Giang.
b) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông (lớp 12) hoặc chứng chỉ học nghề trở lên thuộc các ngành nêu trên, nhiệt tình công tác, có kinh nghiệm về sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp;
c) Tuổi đời từ đủ 18 đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 18 đến 50 tuổi đối với nữ; có lý lịch rõ ràng, có đơn xin làm cộng tác viên khuyến nông thôn;
d) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Điều 3. Chế độ, chính sách đối với cán bộ khuyến nông cơ sở và nguồn kinh phí chi trả
1. Chế độ, chính sách đối với cán bộ khuyến nông xã:
a) Chế độ tiền lương: Được hưởng lương theo trình độ chuyên môn đào tạo.
b) Chế độ hợp đồng thử việc: Thời gian thử việc 12 tháng đối với người có trình độ đại học, cao đẳng; 6 tháng đối với người có trình độ trung học chuyên nghiệp.
c) Sau thời gian thử việc, nếu đạt yêu cầu, cán bộ khuyến nông xã được ký hợp đồng dài hạn.
d) Được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được nâng bậc, ngạch lương như viên chức; được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan chức năng các cấp tổ chức và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật.
2. Chế độ, chính sách đối với cộng tác viên khuyến nông thôn:
Cộng tác viên khuyến nông thôn được hưởng phụ cấp hàng tháng, mức phụ cấp tối thiểu bằng mức phụ cấp của trưởng các đoàn thể ở thôn và được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan chức năng các cấp tổ chức và các chế độ chính sách khác được pháp luật quy định.
3. Nguồn kinh phí: Ngân sách cấp tỉnh cân đối để chi trả chế độ cho cán bộ khuyến nông xã; ngân sách huyện, thành phố cân đối để chi trả cho cộng tác viên khuyến nông thôn.
Điều 4. Quy trình tuyển dụng, ký hợp đồng cán bộ khuyến nông cơ sở và nâng ngạch lương cán bộ khuyến nông xã
1. Quy trình tuyển dụng, ký hợp đồng cán bộ khuyến nông xã:
a) UBND huyện, thành phố tiếp nhận hồ sơ, thực hiện sơ tuyển, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Sở Nội vụ thẩm định; Chủ tịch UBND huyện, thành phố ký hợp đồng với cán bộ khuyến nông xã sau khi có văn bản thẩm định của Giám đốc Sở Nội vụ.
b) Sở Nội vụ thẩm định về tiêu chuẩn, số lượng cán bộ khuyến nông xã và có văn bản thẩm định gửi Chủ tịch UBND huyện, thành phố. Thời gian thẩm định và ban hành văn bản là 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ưu tiên tuyển dụng theo thứ tự sau: Tuyển dụng người có trình độ đại học trước, sau lần lượt đến cao đẳng, trung cấp. Trong thứ tự ưu tiên, tuyển dụng trước người có hộ khẩu thường trú tại xã có nhu cầu tuyển dụng, đến người thuộc chính sách ưu tiên theo quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Cán bộ khuyến nông được điều động giữa các xã, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh. Việc điều động cán bộ khuyến nông do Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định; khi điều động ra ngoài huyện, thành phố phải gửi quyết định điều động đến Sở Nội vụ để theo dõi.
d) Việc ký kết, thực hiện, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết tranh chấp giữa các bên thực hiện theo các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động.
2. Quy trình tuyển chọn, ký hợp đồng cộng tác viên khuyến nông thôn:
UBND xã chủ trì, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, thành phố tuyển chọn, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND xã ký hợp đồng sau khi có ý kiến nhất trí của Chủ tịch UBND cấp huyện.
3. Quy trình nâng ngạch lương cán bộ khuyến nông xã:
a) Chủ tịch UBND huyện, thành phố lập 01 bộ hồ sơ gửi Sở Nội vụ thẩm định, gồm:
Công văn đề nghị nâng ngạch lương của Chủ tịch UBND huyện, thành phố;
Đơn đề nghị nâng ngạch lương;
Bản sao quyết định nâng lương gần nhất (có chứng thực);
Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (có chứng thực);
Đánh giá, nhận xét của cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý;
Bản sao bằng đại học hoặc cao đẳng có chuyên ngành phù hợp (có chứng thực).
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ thẩm định, ra quyết định nâng ngạch lương và gửi kết quả đến Chủ tịch UBND huyện, thành phố.
Điều 5. Trách nhiệm của các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố
1. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hoạt động của đội ngũ cán bộ, khuyến nông xã, cộng tác viên khuyến nông thôn trên địa bàn. Định kỳ hàng năm, UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở trên địa bàn mình quản lý; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở của toàn tỉnh.
3. Sở Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh cân đối nguồn ngân sách để cấp kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ khuyến nông xã.
4. UBND huyện, thành phố cân đối nguồn ngân sách để cấp kinh phí cho UBND xã, thị trấn chi trả chế độ phụ cấp đối với cộng tác viên khuyến nông thôn.
5. Sở Nội vụ tổng hợp những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ khuyến nông cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 6. Hiệu lực, trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 25/2003/QĐ-UB ngày 11/3/2003 của UBND tỉnh về chế độ, chính sách, tiêu chuẩn cán bộ khuyến nông cơ sở.
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |