Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2001/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

- Căn cứ Luật Đất đai;

- Căn cứ Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 20/04/1998 của Chính Phủ quy định về viềc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đính quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;

- Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 13/07/2000 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá (XII) và Nghị quyết số 09/2000/NQ-HĐ ngày 21/07/2000 của HĐND Thành phố khoá (XII) về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố;

- Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định kinh tế - xã hội Thủ đô;

- Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố và Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất.

QUYẾT ĐỊNH

Điều1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định của UBND thành phố đã ban hành trước đây trái với quy định này, đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2001/QĐ-UB ngày 17/09/2001 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương I –

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản quy định này quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư và được áp dụng cho tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan khi Nhà nước thu hồi và giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư vì lợi ích phát triển kinh tế xã hội, không phân biệt nguồn vốn thực hiện, mục đích công trình và đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ; Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các đối tượng (các chủ thể) có liên quan khi thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư bao gồm:

1- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (gọi chung là người sử dụng đất), có quyết định thu hồi đất,

2- Chủ dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư,

3- Cơ quan Nhà nước (chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn) hướng dẫn thực hiện quyết định.

Điều 2: Việc bồi thường thiệt hại, tái định cư cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo chính sách hiện hành của Nhà nước và quy định của UBND Thành phố.

Chương II -

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 3: Thủ tục tổ chức Hội đồng Bồi thường thiệt hại, tái định cư cấp quận (huyện) (sau đây gọi là Hội đồng Giải phóng mặt bằng):

1/- Thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng (Bước 1)

Khi có quyết định thu hồi đất và giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm nộp hồ sơ tại UBND quận (huyện) nơi có đất thu hồi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; đồng thời báo cáo Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố để được chỉ đạo tổng hợp.

Sau khi nhận hồ sơ giải phóng mặt bằng của chủ dự án, Chủ tịch UBND quận (huyện) kiểm tra các điều kiện và thủ tục hồ sơ (nếu không đủ thì yêu cầu chủ đầu tư bổ sung), quyết định thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng trong thời gian không quá 7 ngày. Hồ sơ để thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng gồm:

- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền (bản sao),

- Văn bản đề nghị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng,

- Giải trình về phương án tái định cư các hộ dân (trường hợp dự án có di dân, tái định cư): dự kiến số hộ dân phải di chuyển, chuẩn bị nơi tái định cư, diện tích nhà, đất sử dụng,

- Bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500, Bản vẽ Quy hoạch mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và sở Sở Địa chính - Nhà đất xác nhận về diện tích và ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án.

Đối với dự án đầu tư trong nước không sử dụng vốn ngân sách, nếu hai bên tự thoả thuận về phương án bồi thường thiệt hại theo khuôn khổ chính sách Nhà nước quy định thì không nhất thiết phải thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng. Khi đó UBND quận (huyện) xác nhận và có văn bản chấp thuận việc bồi thường thiệt hại và việc bàn giao đất giữa hai bên.

Trường hợp đặc biệt cần phải sớm giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án thì UBND thành phố có văn bản chỉ đạo riêng về việc thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng trước khi có quyết định thu hồi đất.

2/- Thành phần Hội đồng Giải phóng mặt bằng:

- Phó Chủ tịch UBND quận (huyện): Chủ tịch Hội đồng;

- Trưởng phòng Tài chính-Vật giá: Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện Chủ dự án: Uỷ viên thường trực;

- Trưởng phòng Địa chính - Nhà đất: Uỷ viên;

- Đại diện Mặt trận Tổ quốc quận (huyện): Uỷ viên;

- Lãnh đạo UBND phường (xã, thị trấn) nơi có đất bị thu hồi: Uỷ viên;

- Đại diện các phòng ban chuyên môn, cơ quan, đoàn thể cần thiết khác do UBND quận (huyện) quyết định tham gia là Uỷ viên;

- Mời từ 1 đến 2 người là đại diện những người được bồi thường thiệt hại tham gia Hội đồng.

Hội đồng Giải phóng mặt bằng hoạt động đến khi kết thúc công tác bồi thường thiệt hại và tái định cư. Khi đó Chủ tịch UBND quận (huyện) ra quyết định giải tán Hội đồng.

3/- Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Giải phóng mặt bằng

a/- Hội đồng Giải phóng mặt bằng làm việc theo nguyên tắc tập thể. Các quyết định của Hội đồng phải được quá nửa số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau, thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Chủ dự án và người đại diện cho những người được bồi thường thiệt hại không tham gia biểu quyết.

b/- Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng quyết định thành lập Tổ công tác để giúp việc cho Hội đồng. Thành phần Tổ công tác gồm: đại diện chủ đầu tư (hoặc đơn vị tư vấn thay mặt chủ đầu tư), đại diện của Hội đồng và UBND phường (xã, thị trấn).

4/- Nhiệm vụ của Hội đồng Giải phóng mặt bằng:

a/- Tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra các thủ tục, điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng.

b/- Hướng dẫn chủ dự án (hoặc đơn vị tư vấn) về các chế độ chính sách và các đặc điểm của việc giải phóng mặt bằng của địa phương, trách nhiệm của chủ dự án khi nhận đất thực hiện dự án.

c/- Hướng dẫn các chế độ chính sách, quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi; giới thiệu chủ dự án với người đang sử dụng đất.

d/- Lập kế hoạch thực hiện trước, trong và sau khi bồi thường thiệt hại, tái định cư.

e/- Hướng dẫn người đang sử dụng đất kê khai diện tích đất, nguồn gốc, ranh giới, tài sản hiện có trong khu đất và đề bạt nguyện vọng khi Nhà nước thu hồi đất.

g/- Hướng dẫn, kiểm tra chủ dự án đo đạc, xác nhận những tài sản trên đất do người đang sử dụng đất đã kê khai; tổ chức đưa dân vào khu tái định cư.

h/- Xác nhận về mặt hành chính đất, nhà, tài sản mà hai bên đã kê khai và xác nhận để áp dụng bồi thường.

i/ Hướng dẫn khung giá đất do Nhà nước quy định và cách tính các loại tài sản khác; yêu cầu để cơ quan Thuế xác nhận hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp;

k/- Chỉ đạo chính quyền phường (xã, thị trấn) thông báo cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân biết để kê khai, thực hiện theo quy định; chỉ đạo chính quyền phường (xã, thị trấn) căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được các cơ quan Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp và hồ sơ, tài liệu lưu trữ quản lý tại địa phương để thẩm định, xác nhận bản kê khai của người đang sử dụng đất kê khai và lập hồ sơ báo cáo Hội đồng Giải phóng mặt bằng.

Điều 4: Xác lập số liệu, cơ sở pháp lý về đất đai, tài sản làm căn cứ lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư (Bước 2).

1/- Tổ chức kê khai, điều tra, xác nhận.

a/- Phát tờ khai cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản bị thu hồi.

b/- Hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi kê khai và tiếp nhận tờ khai:

Uỷ ban nhân dân phường (xã, thị trấn) nơi có đất thực hiện dự án có trách nhiệm thông báo, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất kê khai nguồn gốc, diện tích đất, tài sản trên đất và thu tờ khai, cụ thể:

b.1- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi thực hiện kê khai nguồn gốc, diện tích, loại đất, vị trí thửa đất, tài sản hiện có trên đất (theo mẫu kê khai). Sau 3 ngày nhận được tờ khai tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất có trách nhiệm phải kê khai đủ, chính xác về số lượng và nguồn gốc đất đai, tài sản thuộc phạm vi đất thu hồi; nhân khẩu, hộ khẩu đang sinh sống trên khu đất; đề xuất những kiến nghị (nếu có), ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung kê khai.

b.2- Tổ công tác có trách nhiệm tới từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để tiếp nhận tờ khai; tổ chức kiểm tra, đo đạc, xác nhận những tài khoản do người sử dụng đất kê khai, lập biên bản xác nhận và chuyển UBND phường (xã, thị trấn) xác nhận và báo cáo Hội đồng Giải phóng mặt bằng.

c/- Uỷ ban nhân dân phường (xã, thị trấn) thẩm định, xác nhận tính pháp lý về tài sản cho người đang sử dụng đất kê khai (nguồn gốc, thời gian sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất, nhà), báo cáo Hội đồng Giải phóng mặt bằng trong thời gian 7 ngày.

d/- Tổ chức công tác trình bày nội dung về tài sản, đất đai và nguyện vọng của người đang sử dụng đất, ý kiến của chủ dự án.

2/- Định giá tài sản để làm căn cứ bồi thường thiệt hại, tái định cư:

a/- Sau khi xem xét ý kiến đề nghị của Tổ công tác, trong 10 ngày, Hội đồng Giải phóng mặt bằng trình UBND quận (huyện) phương án giá đất làm căn cứ bồi thường thiệt hại; giá đất, giá bán nhà ở khi tái định cư trên cơ sở khung giá đất, giá bán nhà ở do Nhà nước và UBND thành phố quy định.

b/- Sau 7 ngày nhận được phương án giá đất bồi thường của UBND quận (huyện), Giám đốc sở Tài chính-Vật giá có trách nhiệm chủ trì cùng Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố và các ngành liên quan tổ chức thẩm định, trình UBND thành phố quyết định phê duyệt về các nội dung:

Giá bồi thường thiệt hại về đất theo thời điểm thu hồi đất tại khu vực thu hồi đất.

Giá nhà ở, đất ở tại nơi tái định cư phù với giá trị bồi thường thiệt hại.

Điều 5: Lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư (Bước 3).

Căn cứ biên bản xác nhận tài sản, phương án giá bồi thường thiệt hại, tái định cư được duyệt và chính sách quy định, chủ dự án có trách nhiệm xây dựng phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư; chủ dự án có thể tự làm hoặc thuê tư vấn lập kế hoạch và phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư báo cáo Hội đồng Giải phóng mặt bằng xem xét.

Phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư được chủ dự án và đại diện Hội đồng Giải phóng mặt bằng xác nhận, được chuyển tới người sử dụng đất để rà soát và thống nhất. Kết quả rà soát và thống nhất của hai bên được xử lý cụ thể theo hai trường hợp tại quy định tại Điều 6 bản quy định này.

Điều 6: Phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư (Bước 4)

1/- Trường hợp hai bên đạt được sự thống nhất về phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư:

a/- Căn cứ những tài liệu, hồ sơ kê khai và nguyện vọng của người đang sử dụng đất; biên bản kiểm kê thực tế của Tổ công tác, những tài liệu lưu trữ và văn bản hành chính đã được Hội đồng Giải phóng mặt bằng xem xét từng nội dung, tính pháp lý và thống nhất số liệu có xác nhận của UBND phường (xã, thị trấn); phương án giá đất đã được phê duyệt, Hội đồng Giải phóng mặt bằng tổ chức xem xét duyệt từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nào không thống nhất thì báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố để xin ý kiến chỉ đạo. Thời gian xem xét của Hội đồng Giải phóng mặt bằng không quá 20 ngày.

Trước khi trình UBND quận (huyện) quyết định phê duyệt, phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường (xã, thị trấn) để người bị thu hồi đất rà soát và có ý kiến lần cuối cùng trong thời gian 03 ngày.

b/- Căn cứ nguồn vốn và cơ quan quyết định đầu tư, phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư được phê duyệt như sau:

b.1- Chủ tịch UBND quận (huyện) trực tiếp quyết định phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại đối với các dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách được phân cấp quản lý; các dự án do Chủ tịch UBND quận (huyện) quyết định phê duyệt; các dự án của các tổ chức kinh tế không sử dụng vốn ngân sách mà diện tích đất thu hồi không phải là đất ở; các dự án thực hiện bằng nguồn vốn đóng góp, huy động của nhân dân.

b.2- Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền cho Chủ tịch UBND quận (huyện) quyết định phê duyệt các phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư sau khi có văn bản thoả thuận của Hội đồng thẩm định thành phố (do sở Tài chính-Vật giá thay mặt) đối với các trường hợp: Dự án được thực hiện bằng vốn ngân sách Trung ương và Thành phố, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn vay tín dụng dự án phát triển của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố quyết định phê duyệt; các dự án có di dân, tái định cư; các dự án thực hiện theo Luật đầu tư nước ngoài.

 Nếu có sự không thống nhất giữa Hội đồng Giải phóng mặt bằng và Hội đồng Thẩm định thành phố thì Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng tổng hợp, báo cáo UBND quyết định .

b.3- Sau khi phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư, UBND quận (huyện) chỉ đạo Hội đồng Giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND phường (xã, thị trấn) và các tổ chức đoàn thể vận động, giải thích để các chủ đang sử dụng đất thực hiện.

2/- Trường hợp hai bên không đạt được sự thống nhất về phương án bồi thường thiệt hại tái định cư:

a/- Về công tác kê khai: Sau khi đã vận động, thuyết phục nhưng chủ đang sử dụng đất không tự giác chấp hành kê khai; không cho Tổ công tác điều tra đất đai, tài sản trong phạm vi giải phóng mặt bằng, để đảm bảo tính pháp lý và khách quan, chủ dự án và UBND phường (xã, thị trấn) báo cáo UBND quận (huyện) để chỉ thị một tổ tư vấn bao gồm: đại diện các cơ quan chuyên môn và bảo vệ pháp luật của cấp quận (huyện), UBND phường (xã, thị trấn) và chủ dự án tiến hành một trong hai biện pháp sau:

- Sử dụng tài liệu hồ sơ quản lý tại phường (xã, thị trấn) về địa chính-nhà đất, hộ khẩu để lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư.

- Thực hiện biện pháp cưỡng chế để tổ chức đo đạc, lập biên bản kiểm kê đất đai, toàn bộ tài sản với sự giám sát và xác nhận của chính quyền phường (xã, thị trấn) về tính xác thực của đất đai, tài sản được kiểm kê. Các tài liệu này là căn cứ lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư.

b/- Về thủ tục xét duyệt: Hội đồng Giải phóng mặt bằng xét duyệt phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư do chủ dự án đề xuất, chuyển đến Hội đồng Thẩm định thành phố để thẩm định về tính pháp lý của hồ sơ bồi thường thiệt hại, giá bồi thường thiệt hại về đất đai và tài sản trên đất.

Sau khi giá trị tài sản được xác định theo luật một cách khách quan, Hội đồng Giải phóng mặt bằng tổ chức công bố công khai cho các bên liên quan và trình Chủ tịch UBND quận (huyện) phê duyệt theo quy định tại Mục b/ Khoản 1 Điều này.

c/- Trong vòng 15 ngày sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND quận (huyện) phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại, mỗi bên có thể trình bày kiến nghị của mình nếu cho rằng quyết định chưa hợp lý, chưa công bằng. Chủ tịch UBND quận (huyện) kiểm tra lần cuối cùng quyết định của mình, nếu quyết định đó là đúng mà mỗi bên còn có khiếu nại thì quyết định giải quyết theo hướng giữ nguyên phương án bồi thường đã phê duyệt.

Trường hợp các bên liên quan phát hiện những nội dung sai sót về số liệu hoặc áp dụng chính sách chưa hợp lý, chưa công bằng, Hội đồng Giải phóng mặt bằng yêu cầu các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn hoặc cá nhân báo cáo trung thực về trách nhiệm có liên quan đến những khiếu nại trên. Trên cơ sở đó Hội đồng Giải phóng mặt bằng thống nhất trình Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định phê duyệt bổ sung hoặc điều chỉnh; đồng thời xử lý tập thể một cách công khai đối với đơn vị, cá nhân vi phạm và yêu cầu các bên có nghĩa vụ thực hiện.

d/- Khi việc giải thích và kết luận, giải quyết đã hoàn toàn đúng đắn mà một bên nào đó cố tình không thực hiện thì Hội đồng Giải phóng mặt bằng báo cáo Chủ tịch UBND quận (huyện) và Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố để thống nhất chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 của Quy định này.

Điều 7: Thực hiện chi trả tiền bồi thường thiệt hại và tái định cư, tổ chức bàn giao đất cho chủ dự án (Bước 5).

1/- Trong thời gian 03 ngày sau khi phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư được phê duyệt, chủ dự án có trách nhiệm niêm yết công khai (trong suốt thời gian thực hiện) tại trụ sở UBND phường (xã, thị trấn) và gửi đến các tổ chức, đoàn thể địa phương, đồng thời thông báo thời gian nhận tiền, thời gian giao nhà, đất tái định cư.

2/- Chủ dự án phối hợp với Hội đồng Giải phóng mặt bằng và UBND phường (xã, thị trấn) tổ chức chi trả tiền bồi thường thiệt hại, hỗ trợ đến từng đối tượng. Người đang sử dụng đất có trách nhiệm ký biên bản xác định thời gian bàn giao mặt bằng cho chủ dự án.

Sau khi nhận tiền bồi thường thiệt hại, người sử dụng đất có trách nhiệm bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định cho chủ dự án để thực hiện dự án.

3/- Uỷ ban nhân dân phường (xã, thị trấn) nơi tái định cư có trách nhiệm giải quyết các thủ tục về hành chính để các đối tượng tái định cư ổn định đời sống và sinh hoạt.

Điều 8: Giải quyết khiếu nại, tố cáo

1/- Công dân có khiếu nại , tố cáo về phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư, phải có đơn gửi UBND quận (huyện) để được xem xét, giải quyết theo các quy định của luật khiếu, nại tố cáo.

2/- Trong thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo, công dân vẫn phải có trách nhiệm di chuyển, thực hiện phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư đã được Chủ tịch UBND quận (huyện) quyết định phê duyệt theo Điều 38 của Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 22/04/1998 của Chính phủ.

3/- Trường hợp sau khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND quận (huyện), nếu công dân không thống nhất và tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì chuyển Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố giao Thanh tra thành phố xem xét theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Quyết định giải quyết của UBND thành phố (hoặc của Chánh Thanh tra thành phố do UBND thành phố uỷ quyền) là quyết định giải quyết cuối cùng.

4/- Khi đã giải quyết đúng chính sách quy định và đươc đa số các hộ gia đình chấp thuận (từ 80% trở lên) mà một số hộ dân còn lại vẫn cố tình chống đối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Chủ tịch UBND quận (huyện) ra Quyết định hành chính, kiên quyết tổ chức di chuyển nhằm đảm bảo kỷ cương, pháp luật của Nhà nước và báo cáo Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố.

Khi Chủ tịch UBND quận (huyện) có quyết định cưỡng chế bằng lực lượng của chính quyền địa phương, Hội đồng Giải phóng mặt bằng có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát các lực lượng tiến hành cưỡng chế và xác nhận việc bàn giao giữa lực lượng tiến hành cưỡng chế với chủ dự án; nếu có vấn đề phát sinh, báo cáo để Chủ tịch UBND quận (huyện) xử lý.

Chương III –

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9: Trách nhiệm của chủ dự án.

1/- Tham gia Hội đồng Giải phóng mặt bằng để thực hiện theo chức năng của chủ dự án; cung cấp tài liệu về dự án đầu tư cho Hội đồng Giải phóng mặt bằng và Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố;

2/- Căn cứ dự án đầu tư được phê duyệt, chuẩn bị trước các khu tái định cư có đủ cơ sở hạ tầng để tổ chức di chuyển các hộ gia đình hoặc đề nghị được giải quyết tái định cư tại các khu tái định cư của Thành phố, chi trả phần kinh phí thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở tại các khu tái định cư theo quy định.

Trong phương án tái định cư, cần nêu rõ nhu cầu tái định cư, phương án bố trí các hộ dân vào khu tái định cư hoặc bố trí nhà ở sẵn có; thời gian di chuyển đến khu tái định cư và thực hiện các chính sách hỗ trợ, tái định cư.

3/- Lập các hồ sơ, tư liệu làm căn cứ để bàn bạc, thống nhất và phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư; lập kế hoạch tiến độ báo cáo Hội đồng Giải phóng mặt bằng để được giám sát; xác lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư trình Chủ tịch UBND quận (huyện) phê duyệt.

5/- Lập dự toán kinh phí phục vụ giải phóng mặt bằng và phân bổ cho các cấp, ngành sử dụng theo quy định.

Điều 10: Trách nhiệm của người sử dụng đất bị thu hồi đất.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất có trách nhiệm nhận tờ kê khai và khai đúng thực tế về nguồn gốc pháp lý, diện tích đất, hạng đất và tài sản trên đất; thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước; bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Trường hợp có khiếu nại, tố cáo phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Điều 11: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

1/- Thường trực ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố:

a/- Kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc áp dụng các chính sách khi lập phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư của chủ dự án, việc xét duyệt phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư của Hội đồng Giải phóng mặt bằng; chỉ đạo và phối hợp với UBND các quận (huyện) tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

b/- Tham gia Hội đồng Thẩm định thành phố để kiểm tra, giám sát việc thẩm định đúng chính sách, đúng chế độ; kịp thời báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

c/- Hướng dẫn việc sử dụng thống nhất biểu mẫu tờ khai, biên bản kiểm tra, phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư, kế hoạch, báo cáo.

2/- Hội đồng Thẩm định thành phố:

a/- Hội đồng Thẩm định thành phố do Giám đốc sở Tài chính-Vật giá là Chủ tịch; căn cứ chính sách, quy định của pháp luật, chủ trì với các ngành có liên quan kiểm tra, thẩm định về giá đất bồi thường, giá đất và giá nhà ở tái định cư, trình UBND thành phố phê duyệt; thẩm định phương án bồi thường thiệt hại tái định cư theo thẩm quyền.

Căn cứ nội dung phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư, Giám đốc sở Tài chính-Vật giá chủ động mời các ngành có chức năng liên quan để tổ chức thẩm định. Theo kết quả thẩm định, Giám đốc sở Tài chính-Vật giá thay mặt Hội đồng thoả thuận để Chủ tịch UBND quận (huyện) phê duyệt theo quy định.

b/- Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất là Uỷ viên của Hội đồng Thẩm định thành phố có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các chính sách về đất đai và tổ chức bàn giao mốc giớ khu đất trên bản đồ, ngoài thực địa cho Chủ dự án sau khi đã thực hiện xong việc bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định. Làm các thủ tục về đất ở, nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân khi tổ chức tái định cư.

c/- Các thành viên của Hội đồng Thẩm định có trách nhiệm thực hiện chức năng nhiệm vụ của phòng mình theo quy định.

3/- Chủ tịch UBND các quận (huyện) có trách nhiệm:

a/- Lập kế hoạch (6 tháng, hàng năm) và tổng hợp kết quả thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư trên địa bàn, báo cáo Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc.

b/- Chỉ đạo Hội đồng Giải phóng mặt bằng tổ chức kiểm tra và xác định tổng mức phải bồi thường thiệt hại cho toàn bộ diện tích đất thu hồi, toàn bộ tài sản hiện có trên đất và các khoản hỗ trợ khác; xác định mức bồi thường cho từng đối tượng, phương án tái định cư của các chủ đầu tư trên địa bàn; đồng thời gửi Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố để tổng hợp.

c/- Nếu có khiếu nại thì Chủ tịch UBND quận (huyện) kiểm tra thực tế lần cuối về quyết định của mình và có quyết định giải quyết theo quy định và trả lời khiếu nại.

Trường hợp UBND quận (huyện) đã có quyết định giải quyết mà các bên vẫn khiếu nại thì Chủ tịch UBND quận (huyện) chuyển toàn bộ hồ sơ tới Thường trực Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố để chỉ đạo, giải quyết.

Điều 12: Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố phối hợp với Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố đề xuất chế độ khen thưởng kịp thời.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các quy định tại bản Quy định này hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm sai, bao che cho người vi phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, các ngành, các cấp phải phản ánh kịp thời về Thường trực Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố đế tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND thành phố quyết định.