Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 734-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 38/CP, ngày 11 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp;
Để trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Cục Trợ giúp pháp lý có tư cách pháp nhân, có con dấu, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, Trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Cục Trợ giúp pháp lý có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:

1. Xây dựng, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách để Bộ trình Chính phủ hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật đó.

2. Trình Bộ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền của Cục các quy định về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ đối với công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách, và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đó.

3. Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong trường hợp cần thiết.

4. Thực hiện việc hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý và quản lý quỹ trợ giúp pháp lý theo phân công của Bộ Tư pháp.

5. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý và cộng tác viên.

6. Tham gia việc phổ biến và giáo dục pháp luật cho người nghèo và đối tượng chính sách.

7. Quản lý cán bộ, tài chính và cơ sở vật chất của Cục theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy tổ chức cụ thể và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo của Cục Trợ giúp pháp lý.

Điều 4. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách trực thuộc Sở Tư pháp.

Tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp là tổ chức sự nghiệp, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp. Việc bổ nhiệm nhân sự của Tổ chức Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Điều 5. Cục Trợ giúp pháp lý và tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp được sử dụng cộng tác viên.

Điều 6. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan khác hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định này.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)