Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI;BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH

Hà Nội , ngày 14 tháng 1 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TƯ PHÁP - BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH NGÀY 14 THÁNG 1 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 734/TTG NGÀY 6/9/1997 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH

Thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, Liên Bộ Tư pháp - Tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể một số vấn đề sau đây:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

1. Những đối tượng sau đây được hưởng giúp pháp lý miễn phí:

a. Người nghèo bao gồm người thuộc hộ đói, nghèo được xác định theo mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ/tháng được quy ra gạo và tiền tương ứng theo chuẩn mực do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố hàng năm;

b. Đối tượng chính sách bao gồm:

- Người có công với cách mạng: Người hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên; vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ, con liệt sỹ dưới 18 tuổi; người có công giúp đỡ cách mạng.

- Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, hải đảo;

- Các đối tượng được miễn án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 13, điểm a, b, khoản 1 Điều 26; điểm a, c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án.

2. Các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí khi yêu cầu trợ giúp phải xuất trình giấy chứng nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nơi làm việc (đối với người nghèo); xuất trình giấy chứng nhận hoặc thẻ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp hoặc chứng nhận (đối với người thuộc đối tượng chính sách). Trong trường hợp đặc biệt, khi đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý gặp khó khăn trong việc đi lại có thể uỷ quyền cho thân nhân yêu cầu việc trợ giúp.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC CỦA CÁC TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

A. CỤC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ THUỘC BỘ TƯ PHÁP:

Căn cứ quy định tại điểm 3 Điều 2 tại Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, Cục trợ giúp pháp lý trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách trong trường hợp cần thiết sau đây:

1. Các vụ việc mà tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp chuyển lên do có vướng mắc hoặc không thực hiện được;

2. Các vụ việc thuộc phạm vi được trợ giúp do các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan chuyển đến.

Cục được sử dụng cộng tác viên theo Quy chế cộng tác viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

B. TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ THUỘC SỞ TƯ PHÁP

Tên của tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp được thống nhất là:

"Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước" kèm theo tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm).

1. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm:

Trung tâm có chức năng trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.

Nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cụ thể của Trung tâm bao gồm tư vấn, đại diện, bào chữa miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách trong các vụ việc liên quan đến pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự; dân sự - hôn nhân gia đình và tố tụng; hành chính và khiếu nại, tố cáo; lao động, việc làm; đất đai, nhà ở và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của công dân không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Trung tâm được mời luật sư thực hiện đại diện và bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng này trong những trường hợp có yêu cầu của đối tượng hoặc của các cơ quan, tổ chức hữu quan; trợ giúp bào chữa trong các trường hợp người nghèo, đối tượng chính sách phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý.

2. Tổ chức, biên chế:

Trung tâm là tổ chức sự nghiệp có tư cách pháp nhân, tương đương cấp phòng thuộc Sở, có con dấu và tài khoản riêng.

Trung tâm chịu sự quản lý của Sở Tư pháp theo quy định đối với đơn vị thuộc Sở và đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục trợ giúp pháp lý.

Trung tâm có các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc, các chuyên viên trợ giúp pháp lý về các lĩnh vực pháp luật chủ yếu sau đây:

- Hình sự và Tố tụng hình sự;

- Dân sự - Hôn nhân gia đình và tố tụng;

- Hành chính và khiếu nại, tố cáo;

- Lao động, việc làm;

- Đất đai và nhà ở.

Giám đốc, Phó Giám đốc có thể đồng thời là chuyên viên trợ giúp pháp lý trong một lĩnh vực pháp luật; ngoài kế toán chuyên trách, công tác hành chính, văn thư do chuyên viên trợ giúp pháp lý kiêm nhiệm.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu trợ giúp pháp lý của địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí biên chế sự nghiệp cho Trung tâm, bảo đảm để Trung tâm hoạt động có hiệu quả.

Trung tâm được sử dụng cộng tác viên theo Quy chế Cộng tác viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

III. PHẠM VI VÀ PHƯƠNG THỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

1. Phạm vi trợ giúp pháp lý:

- Giải đáp pháp luật;

- Hướng dẫn, soạn thảo, góp ý kiến cho đơn từ, văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân;

- Hướng dẫn những thủ tục cần thiết và cung cấp địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc; cung cấp thông tin pháp lý;

- Đại diện hoặc tham gia trong các hoạt động thương lượng, ký kết, hoà giải trước cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình, lao động và các vấn đề pháp luật khác không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại;

- Trực tiếp kiến nghị hoặc đề xuất cơ quan quản lý cấp trên kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;

- Trực tiếp hoặc mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Toà án cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

2. Phương thức trợ giúp pháp lý:

- Tư vấn trực tiếp bằng miệng, bằng văn bản, bằng thư tín, bằng điện thoại;

- Tổ chức tư vấn lưu động ở các vùng xa Trung tâm;

- Mời cộng tác viên tư vấn, bào chữa hoặc đại diện;

- Các phương thức trợ giúp pháp lý khác.

IV. KINH DOANH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Các tổ chức trợ giúp pháp lý thực hiện hoạt động sự nghiệp không có thu, được Nhà nước cấp kinh phí sự nghiệp. Nguồn kinh phí hoạt động của tổ chức trợ giúp pháp lý gồm phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

1. Kinh phí của Cục trợ giúp pháp lý:

Cục trợ giúp pháp lý là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Hàng năm, căn cứ nội dung hoạt động và chế độ chính sách của Nhà nước, Cục trợ giúp pháp lý lập dự toán gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Bộ gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

2. Kinh phí hoạt động của Trung tâm.

Các Trung tâm trợ giúp pháp lý là tổ chức sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp. Hàng năm, căn cứ vào chế độ của Nhà nước, nội dung hoạt động, nhu cầu chi tiêu, Trung tâm lập dự toán gửi Sở Tư pháp, Sở Tư pháp tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Sở gửi Sở Tài chính trình uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương phê duyệt và thực hiện cấp phát.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm cơ sở vật chất cho Trung tâm hoạt động thuận lợi.

V. KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét, giải quyết.

Nguyễn Ngọc Híên

(Đã ký)

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

Tào Hữu Phùng

(Đã ký)