UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7483/2005/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ VIỆC HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 86/2002/TT-BTC ngày 27/9/2002 của Bộ Tà chính Hướng dẫn chi hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu;
Căn cứ Quyết định số 51/2005/QĐ-UB ngày 20/4/2005 về việc thành lập Quỹ Xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội và ban hành Quy chế hoạt động và điều hành Quỹ Xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 7896/2004/QĐ-UB ngày 22/11/2004 của UBND Thành phố Hà Nội về việc Thành lập Ban chỉ đạo chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng, phát triển và quản lý thương hiệu”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội tại tờ trình số 3358/TTr-STM ngày 28/10/2005.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Du lịch, Y tế, Xây dựng, Giao thông công chính, Lao động và thương binh xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công nghiệp, Kế hoạch và đầu tư, Bưu chính viễn thông; Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Thành phố; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Tổng biên tập Báo Hà Nội mới và Báo Kinh tế đô thị; thành viên Ban chỉ đạo chương trình; Thủ trưởng các tổ chức và đơn vị có liên quan, Giám đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM/ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHÓ HÀ NỘI |
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2005 |
QUY CHẾ
HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 7483/QĐUB ngày 10/11/2005 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh của Quy chế.
Quy chế này quy định về đối tượng, nội dung, quy trình và cơ chế tài chính của UBND Thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều 2. Nguyên tắc và biện pháp hỗ trợ.
Thành phố hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu thông qua các dự án, các hoạt động triển khai các nội dung hỗ trợ được quy định chi tiết tại bản Quy chế này. Các doanh nghiệp được hỗ trợ dưới hình thức tham gia các dự án, các hoạt động triển khai các nội dung hỗ trợ và đóng góp một phần kinh phí. Việc hỗ trợ không được thực hiện dưới hình thức cấp kinh phí trực tiếp cho các doanh nghiệp.
Chương 2:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Đối tượng hỗ trợ.
Các doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX), các làng nghề truyền thống (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) 100% vốn trong nước, có trụ sở chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Pháp luật và nghĩa vụ nộp ngân sách. Ưu tiên các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp xuất khẩu, đã có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và có tiềm năng phát triển.
Điều 4. Nội dung hỗ trợ.
4.1. Biên soạn, in ấn các tài liệu và ấn phẩm về xây dựng và phát triển thương hiệu.
4.2. Đào tạo kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu.
4.3. Quảng bá thương hiệu của các sản phẩm và các doanh nghiệp điển hình trên Đài phát thanh-truyền hình Hà Nội và của các Báo của Hà Nội, Trung ương.
4.4. Tư vấn, tra cứu, xác định và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
4.5. Tư vấn và thiết kế thương hiệu cho các sản phẩm và các doanh nghiệp điển hình.
4.6. Xây dựng "Danh bạ các doanh nghiệp Thành phố Hà Nội" để quảng bá doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp.
4.7. Tham gia các Hội chợ - triển lãm chuyên ngành về thương hiệu.
Điều 5. Cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp
5.1. Mức hỗ trợ
Căn cứ vào tình hình thực tế và Quy định tại Quyết định số 51/2005/QĐ-UB ngày 20/4/2005 của UBND Thành phố về việc thành lập Quỹ xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội, ban hành kèm theo Quy chế hoạt động và điều hành Quỹ xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội, Thành phố sẽ xem xét hỗ trợ 50% - 70% kinh phí cho từng nội dung được quy định tại điều 4 của Quy chế này.
5.2. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Nguồn kinh phí thực hiện trích từ nguồn kinh phí Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của Thành phố thông qua Quỹ Xúc tiến thương mại của Thành phố, kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp tham gia chương trình và các nguồn khác (nếu có).
5.3. Cấp phát và quyết toán kinh phí hỗ trợ
Căn cứ danh sách các doanh nghiệp, sản phẩm đã được Ban Chỉ đạo Thành phố phê duyệt; Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, Ngành liên quan kiểm tra về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ kinh phí; xác định đơn vị được giao chủ trì thực hiện trình Ban chỉ đạo Thành phố phê duyệt.
Các đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm lập dự toán kinh phí theo nội dung công việc được giao và quyết toán chương trình theo quy định tại quyết định số 51/2005/QĐ-UB ngày 20/4/2005 và hướng dẫn liên ngành về việc thực hiện Quy chế hoạt động và điều hành của Quỹ xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội.
Điều 6: Quy trình thực hiện hỗ trợ
6.1. Khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp và lựa chọn các doanh nghiệp tham gia chương trình:
Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan tiến hành khảo sát nhu cầu hỗ trợ, thực throng xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, Kết quả khảo sát là danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu.
Căn cứ vài tiêu chí chung và các tiêu chí của từng ngành; kết quả khảo sát các doanh nghiệp, các Ngành sẽ lựa chọn các doanh nghiệp tham gia chương trình. Trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp do các Sở, Ngành đề xuất; Ban Chỉ đạo sẽ lựa chọn các doanh nghiệp điển hình thuộc các ngành để tố chức hỗ trợ theo các nội dung quy định tại điều 4 của Quy chế này.
6.2 Xác định các hoạt động hỗ trợ:
Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành Thành phố đề xuất các hoạt động hỗ trợ tương ứng với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trình Ban Chỉ đạo xem xét và phê duyệt.
6.3 Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ:
Trên cơ sở các nội dung hỗ trợ, Sở Thương mại phối hợp với các Sở, Ngành liên quan lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện các nội dung liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo phê duyệt. Đơn vị tư vấn được Ban Chỉ đạo lựa chọn thực hiện chương trình phải đảm bảo về tính pháp lý, có chuyên môn sâu về lĩnh vực tư vấn và phải thực hiện nghiêm túc các quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chương trình. Ban Chỉ đạo sẽ chọn và giao cho các đơn vị có khả năng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
6.4 Phê duyệt các kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ:
Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định nội dung cũng như kinh phí của kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ và trình Ban Chỉ đạo phê duyệt.
6.5 Triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ:
Căn cứ vào Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ của Ban Chỉ đạo, Sở Thương mại ký hợp đồng giao cho đơn vị thực hiện các hoạt động đó. Đơn vị được giao thực hiện hoạt động có trách nhiệm triển khai các nội dung hỗ trợ theo đúng yêu cầu, tiến độ trong kế hoạch đã được phê duyệt và giao thực hiện.
6.6 Thông báo và hướng dẫn quy trình hỗ trợ
Căn cứ vào các nội dung hỗ trợ và các doanh nghiệp, sản phẩm được phê duyệt, Ban Chỉ đạo Chương trình ra thông báo và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia các nội dung chương trình. Trên cơ sở thông báo, các doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ cho Sở thương mại (cơ quan thường trực của Chương trình) hoặc đơn vị tư vấn được Ban Chỉ đạo ủy quyền để thực hiện các nội dung hỗ trợ. Sở Thương mại sẽ tổng hợp các nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và phối hợp các Sở, Ngành, đơn vị tư vấn tổ chức thực hiện.
Chương 3:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7: Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Chương trình:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên đại bàn xây dựng và phát triển thương hiệu và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
- Phê duyệt danh sách các doanh nghiệp được hỗ trợ trên cơ sở các Sở, Ngành đề xuất; phê duyệt nội dung, mức hỗ trợ, đơn vị tư vấn.
Điều 8: Trách nhiệm của các Sở, Ngành Thành phố, các Báo- Đài, các đơn vị tư vấn và các doanh nghiệp được hỗ trợ:
8.1. Sở Thương mại (cơ quan thường trực) có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch và báo cáo Ban Chỉ đạo hàng quý, 6 tháng, một năm và đột xuất theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo chương trình; đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo và thanh quyết toán kinh phí
8.2. Các Sở, Ban ngành liên quan có trách nhiệm:
- Xây dựng tiêu chí xác định doanh nghiệp của ngành trên cơ sở tiêu chí chung của Ban chỉ đạo; tổ chức khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp tham gia chương trình. Kịp thời cung cấp các thông tin liên quan đến các doanh nghiệp theo yêu cầu của Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực và các đơn vị tư vấn; chịu trách nhiệm và đảm bảo về tiêu chuẩn của các doanh nghiệp do Sở, Ngành lựa chọn
- Phối hợp Sở Thương mại xây dựng các kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo sự phân công của Ban chỉ đạo; đề xuất, tham mưu với Ban chỉ đạo các vấn đề nhằm đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp thuộc ngành mình quản lý.
- Phối hợp với Sở Thương mại kiểm tra về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ kinh phí để báo cáo Ban chỉ đạo phê duyệt; tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp của ngành mình thực hiện các nội dung được Ban chỉ đạo phê duyệt.
- Các Sở, Ngành có trách nhiệm phối hợp các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các dự án, các hoạt động hỗ trợ; cụ thể như sau:
+ Sở Thương mại có trách nhiệm tổng hợp các kế hoạch triển khai các nội dung chương trình của các Sở, Ngành được giao tổ chức thực hiện, trình Ban Chỉ đạo phê duyệt. Trong đó, Sở Thương mại có trách nhiệm phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các đơn vị tư vấn xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung về tập huấn; hỗ trợ tư vấn, đăng ký bảo hộ và thiểt kế thương hiệu; in ấn danh bạ doanh nghiệp; tham gia triển lãm chuyên ngành.
+ Sở Khoa học công nghệ có trách nhiệm xay dựng kế hoạch in ấn các ấn phẩm giới thiệu về cơ sở pháp lý và các nội dung liên quan đến việc phổ biến, tuyên truyền về việc xây dựng, đăng ký và bảo hộ thương hiệu.
+ Đài Truyền hình Hà Nội, các báo của Hà Nội phối hợp Sở Thương mại và các doanh nghiệp được Ban chỉ đạo phê duyệt xây dựng các chuyên mục, nôi dung kịch bản để tổ chức tuyên truyền, quảng bá nội dung Chương trình và thương hiệu doanh nghiệp.
8.3. Tổ tư vấn có trách nhiệm:
- Là đầu mối tiếp nhận, cung cấp, xử lý thông tin liên quan đến Chương trình.
- Tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình.
- Theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chương trình, tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo kết quả với Ban chỉ đạo Thành phố theo quy định; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban chỉ đạo yêu cầu.
8.4. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có trách nhiệm:
- Đăng ký và nộp các tài liệu hồ sơ theo yêu cầu của Ban chỉ đạo, Sở Thương mại và đơn vị tư vấn khi tham gia chương trình.
- Tích cực phối hợp với Sở Thương mại và các Sở, Ngành, cơ quan thông tấn báo chí và các đơn vị tư vấn trong việc cung cấp thông tin và triển khai tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ.
8.5. Các đơn vị tư vấn có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung và chất lượng theo yêu cầu của Ban chỉ đạo, phối hợp với Sở Thương mại và các doanh nghiệp tham gia chương trình triển khai và có báo cáo kết quả thực hiện, những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện về Sở Thương mại để giải quyết hoặc đề xuất Ban Chỉ đạo xem xét quyết định. Đơn vị tư vấn được yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tư vấn.
Điều 9 : Điều khoản thi hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần sửa đổi bổ sung, các đơn vị kịp thời thông báo về Sở Thương mại để báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1 Quyết định 46/2015/QĐ-UBND Quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghê An xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016-2020
- 2 Quyết định 1746/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 3 Quyết định 31/2012/QĐ-UBND về Quy chế Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu
- 4 Quyết định 51/2005/QĐ-UB thành lập Quỹ xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội và ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động và điều hành Quỹ Xúc tiến thương mại Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 5 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6 Thông tư 59/2003/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 7 Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 8 Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 9 Thông tư 86/2002/TT-BTC hướng dẫn chi hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu do Bộ Tài chính ban hành
- 1 Quyết định 46/2015/QĐ-UBND Quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghê An xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016-2020
- 2 Quyết định 1746/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 3 Quyết định 31/2012/QĐ-UBND về Quy chế Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu