Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 750/2000/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 750 /2000/QĐ-BGTVT NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG CẬP NHẬT, THI VÀ CẤP CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN HOA TIÊU HÀNG HẢI)

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Điều 158 Bộ luật Hàng Hải Việt Nam ban hành ngày 30-6-1990 và Nghị quyết A.485(XII) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO);
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22-3-1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - lao động và Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1- Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế Huấn luyện, Bồi dưỡng cập nhật, Thi và cấp Chứng chỉ chuyên môn Hoa tiêu Hàng hải".

Điều 2- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký; các quy định trước đây liên quan đến tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật, thi và cấp chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải trái với những quy định ban hành kèm theo Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3- Các ông (bà): Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - lao động, Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Lã Ngọc Khuê

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG CẬP NHẬT, THI VÀ CẤP CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN HOA TIÊU HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 750/2000/QĐ-BGTVT ngày 30tháng 3 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế này quy định về huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật, tổ chức thi và cấp chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải cho hoa tiêu hàng hải Việt Nam.

Điều 2: Nguyên tắc chung

1. Mọi công việc huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật, tổ chức thi và cấp chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải đối với hoa tiêu hàng hải Việt Nam (sau đây gọi tắt là hoa tiêu hàng hải) phải tuân theo những quy định của Quy chế này.

2. Chỉ có những hoa tiêu hàng hải đã qua huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật, dự thi và được cấp chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải theo những quy định của Quy chế này mới được phép hành nghề hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam.

3. Hoa tiêu hàng hải quá 60 tuổi không được hành nghề hoa tiêu.

Trường hợp đặc biệt, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có thể căn cứ vào nhu cầu thực tế và đề nghị của Giám đốc tổ chức hoa tiêu hàng hải để xem xét từng trường hợp cụ thể cho phép hoa tiêu hàng hải ngoại hạng trên 60 tuổi dẫn tàu với điều kiện hoa tiêu đó phải có đủ sức khoẻ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ , tuổi không quá 62 và có đơn tình nguyện tiếp tục hành nghề hoa tiêu hàng hải.

4. Giám đốc tổ chức Hoa tiêu phải có Bằng Đại học Hàng hải và có thời gian hành nghề Hoa tiêu hàng hải ít nhất 5 năm; có năng lực tổ chức quản lý, am hiểu pháp luật hàng hải, pháp luật khác có liên quan của Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan về hàng hải mà Việt Nam đã ký kết hoặc công nhận.

5. Nghiêm cấm việc bố trí những người không có chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải, tuổi và sức khoẻ phù hợp để dẫn tàu hoạt động trong các vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc ở Việt Nam.

Chương 2

HỆ THỐNG CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN VÀ CHỨC DANH HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 3:

1. Hệ thống chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải bao gồm:

a) "Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải" (sau đây viết tắt là GCNKNCM HTHH): Là chứng chỉ cấp cho các hoa tiêu hàng hải có đủ khả năng chuyên môn đảm nhiệm các chức danh hoa tiêu hàng hải đáp ứng các quy định tại Chương III và Chương V của Quy chế này.

b) "Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải": Là chứng chỉ cấp cho các hoa tiêu hàng hải đã có GCNKNCM HTHH, đủ thời gian thực tập theo các quy định tại Chương VI của Quy chế này.

2. Mẫu các loại chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải:

Mẫu các loại chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức in, phân phối, quản lý và hướng dẫn việc cấp, đổi chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải trong phạm vi cả nước.

Điều 4: Quy định về chức danh hoa tiêu hàng hải

1. Chức danh hoa tiêu hàng hải bao gồm:

a) Hoa tiêu hàng hải hạng ba;

b) Hoa tiêu hàng hải hạng nhì;

c) Hoa tiêu hàng hải hạng nhất;

d) Hoa tiêu hàng hải ngoại hạng.

2. Phạm vi được phép hành nghề của các chức danh hoa tiêu hàng hải:

Hoa tiêu hàng hải được cấp GCNKNCM HTHH hạng nào thì chỉ được phép hành nghề hoa tiêu hàng hải trên các tàu biển trong giới hạn của hạng đó theo những quy định sau:

a) Hoa tiêu hàng hải hạng ba:

Hoa tiêu hàng hải hạng ba chỉ được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 4000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 115 m.

b) Hoa tiêu hàng hải hạng nhì:

Hoa tiêu hàng hải hạng nhì chỉ được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 10.000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 145m.

c) Hoa tiêu hàng hải hạng nhất:

Hoa tiêu hàng hải hạng nhất chỉ được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 20.000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 175m.

d) Hoa tiêu hàng hải ngoại hạng :

Hoa tiêu hàng hải ngoại hạng được phép dẫn tất cả các loại tàu biển không giới hạn tổng dung tích hoặc chiều dài của tàu.

Chương 3

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 5: Quy định về các điều kiện chung

Để được cấp GCNKNCM HTHH, phải có đầy đủ các điều kiện chung như sau:

1. Có giấy chứng nhận sức khỏe đáp ứng các tiêu chuẩn quy định hiện hành đối với hoa tiêu hàng hải;

2. Đã tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển ở các trường hàng hải từ bậc cao đẳng trở lên;

Nếu tốt nghiệp chuyên ngành trên ở các trường khác (như trường Hải quân, Thuỷ sản...) còn phải thoả mãn thêm điều kiện: Phải qua lớp bổ túc những môn chưa học hoặc học chưa đủ tại các Trường do Bộ Giao thông vận tải quy định và được trường đó cấp chứng chỉ hoàn thành khoá học.

3. Đã tốt nghiệp khoá huấn luyện nghiệp vụ hoa tiêu hàng hải;

4. Được bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với trình độ các hạng hoa tiêu hàng hải (trừ hoa tiêu hàng hải hạng ba);

5. Có đủ thời gian thực tập hoặc lượt dẫn tàu an toàn theo quy định cho từng hạng tại Điều 6 của Quy chế này;

6. Làm đầy đủ hồ sơ theo quy định của Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 6: Các tiêu chuẩn cụ thể

Ngoài các điều kiện chung được quy định tại Điều 5 của Quy chế này, phải thoả mãn các tiêu chuẩn cụ thể sau để được cấp GCNKNCM HTHH cho từng hạng:

1. Hoa tiêu hàng hải hạng ba:

Đã thực tập hoa tiêu hàng hải hạng ba dưới sự hướng dẫn của hoa tiêu đã có GCNKNCM HTHH với thời gian ít nhất là 36 tháng hoặc có thời gian thực tập dẫn tàu an toàn ít nhất là 300 lượt tàu và được đơn vị hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập xác nhận.

2. Hoa tiêu hàng hải hạng nhì:

a) Có GCNKNCM HTHH hạng ba, đã độc lập dẫn tàu an toàn ít nhất là 200 lượt tàu với cương vị hoa tiêu hàng hải hạng ba hoặc có thời gian đảm nhiệm tốt công việc của hoa tiêu hàng hải hạng ba ít nhất là 24 tháng.

b) Riêng đối với người có GCNKNCM thuyền trưởng tàu biển có tổng dung tích từ 500 GT trở lên và đã có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tương ứng ít nhất 36 tháng thì được dự thi để cấp GCNKNCM HTHH hạng nhì, nhưng phải thoả mãn đủ các điều kiện sau:

i) Đã tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển từ bậc cao đẳng trở lên;

ii) Đã tốt nghiệp khoá huấn luyện nghiệp vụ hoa tiêu hàng hải;

iii) Có thời gian dẫn tàu an toàn ít nhất 150 lượt tàu có tổng dung tích từ 4.000 GT trở lên với cương vị thực tập hoa tiêu hàng hải hạng nhì hoặc có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng nhì ít nhất 12 tháng và được đơn vị hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập xác nhận.

3. Hoa tiêu hàng hải hạng nhất:

Đã tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển bậc đại học; Có GCNKNCM HTHH hạng nhì, đã độc lập dẫn tàu an toàn ít nhất 200 lượt tàu với cương vị hoa tiêu hàng hải hạng nhì hoặc có thời gian đảm nhiệm tốt công việc của hoa tiêu hàng hải hạng nhì ít nhất 24 tháng; Ngoài ra phải có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng nhất ít nhất 6 tháng hoặc đã thực tập dẫn tàu an toàn ít nhất 30 lượt tàu có tổng dung tích từ 10.000 GT trở lên dưới sự hướng dẫn của hoa tiêu hàng hải có GCNKNCM HTHH từ hạng nhất trở lên và được đơn vị hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập xác nhận.

4. Hoa tiêu hàng hải ngoại hạng:

Đã tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển bậc đại học; Có GCNKNCM HTHH hạng nhất, đã độc lập dẫn tàu an toàn ít nhất 300 lượt tàu với cương vị hoa tiêu hàng hải hạng nhất hoặc có thời gian đảm nhiệm tốt công việc của hoa tiêu hàng hải hạng nhất ít nhất 36 tháng; Ngoài ra phải có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải ngoại hạng ít nhất 6 tháng hoặc đã thực tập dẫn tàu an toàn ít nhất 30 lượt tàu có tổng dung tích từ 20.000 GT trở lên dưới sự hướng dẫn của hoa tiêu hàng hải có GCNKNCM HTHH ngoại hạng và được đơn vị hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập xác nhận.

Chương 4

CHƯƠNG TRÌNH VÀ CƠ SỞ HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG CẬP NHẬT KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN CHO HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 7:Chương trình huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật

1. Để đáp ứng hệ thống chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải được quy định tại Điều 3 của Quy chế này, chương trình cho các khoá huấn luyện nghiệp vụ và bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn cho hoa tiêu hàng hải phải đáp ứng các nội dung được quy định tại Nghị quyết A.485(XII) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế và phù hợp điều kiện thực tế hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam.

2. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn chương trình huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn cho hoa tiêu hàng hải để trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Điều 8: Cơ sở huấn luyện bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho hoa tiêu hàng hải (gọi tắt là cơ sở huấn luyện)

1. Các khoá huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho hoa tiêu hàng hải được tổ chức tại các cơ sở huấn luyện làm cơ sở để cấp mới, chuyển đổi, gia hạn GCNKNCM HTHH cho từng hạng hoa tiêu hàng hải.

2. Cơ sở huấn luyện phải đảm bảo tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho hoa tiêu hàng hải theo đúng chương trình được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

3. Các cơ sở huấn luyện nêu trong Quy chế này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu và đội ngũ giảng viên và được Bộ Giao thông vận tải cho phép.

4. Định kỳ hàng năm, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiểm tra các cơ sở huấn luyện đã được Bộ cấp giấy phép. Bộ sẽ rút Giấy phép huấn luyện hoa tiêu hàng hải đối với những cơ sở không chấp hành những quy định của Bộ.

5. Các cơ sở được cấp Giấy phép huấn luyện hoa tiêu hàng hải có nghĩa vụ:

a) Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật theo chương trình đã được Bộ phê duyệt.

b) Theo dõi khoá huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật và đánh giá kết quả huấn luyện.

c) Quản lý việc huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật bằng hệ mạng tin học nối với Trung tâm quản lý chứng chỉ của Cục Hàng hải Việt Nam.

d) Sau mỗi khoá huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật báo cáo tình hình khoá học về Cục Hàng hải Việt nam.

Chương 5

QUY ĐỊNH VỀ THI VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 9:

Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo việc mở khoá huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật và tổ chức các kỳ thi để cấp GCNKNCM HTHH cho Hoa tiêu Hàng hải Việt Nam.

Điều 10:

1. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt nam ra quyết định thành lập Hội đồng thi Hoa tiêu Hàng hải cho mỗi kì thi tuỳ thuộc vào nội dung và quy mô của từng khoá bồi dưỡng.

Hội đồng thi Hoa tiêu Hàng hải gồm các thành viên: Chủ tịch Hội đồng là người được Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam uỷ quyền, các uỷ viên là đại diện Ban chức năng của Cục, thủ trưởng cơ sở huấn luyện, đại diện cơ quan quản lí đào tạo cấp Bộ và Trưởng Ban giám khảo kì thi.

2. Ban Giám khảo các khoá thi Hoa tiêu Hàng hải do Hội đồng thi Hoa tiêu Hàng hải lựa chọn và đề nghị Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định, bao gồm các thành viên có tiêu chuẩn chuyên môn sau:

a) Các Hoa tiêu Hàng hải có GCNKNCM HTHH trên một hạng của Hạng được tổ chức thi, hoặc cùng hạng đối với kỳ thi Hoa tiêu Hàng hải ngoại hạng, và đã có thâm niên đảm nhiệm chức danh Hoa tiêu Hàng hải tương ứng ít nhất là ba năm.

b) Các Thuyền trưởng Hạng nhất đã đảm nhiệm chức danh tương ứng ít nhất ba năm và các chuyên gia có uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài các tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ trên, các thành viên Ban Giám khảo phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt , nếp sống lành mạnh, trung thực; không cửa quyền, tham nhũng và phải có kiến thức sư phạm.

Điều 11:

Hội đồng thi để cấp GCNKNCM HTHH có nhiệm vụ làm tư vấn cho Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về tổ chức chỉ đạo, giám sát các kỳ thi Hoa tiêu hàng hải, cụ thể là:

1. Xét duyệt danh sách thí sinh của các khoá thi theo các điều kiện được quy định tại chương III của Quy chế này;

2. Chuẩn bị các đề thi;

3. Điều hành và kiểm tra các kì thi;

4. Xử lý các vụ việc xảy ra trong các kỳ thi (nếu có);

5. Tổ chức chấm thi;

6. Tổng hợp kết quả của kì thi, báo cáo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.

Điều 12:

1. Căn cứ biên bản của Hội đồng thi, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định công nhận trúng tuyển để cấp, đổi GCNKNCM HTHH cho Hoa tiêu Hàng hải.

2. Thí sinh dự thi đạt yêu cầu tất cả các môn thi theo quy định (Đạt điểm 5 trở lên trên thang điểm 10) thì được công nhận trúng tuyển kỳ thi.

3. Trường hợp thí sinh chỉ có 1/2 số môn đạt yêu cầu thì kết quả các môn này sẽ được bảo lưu trong thời gian một năm.

Điều 13

1. GCNKNCM HTHH cấp cho hoa tiêu tất cả các hạng chỉ có giá trị sử dụng trong 5 năm kể từ ngày cấp.

2. Khi hết hạn sử dụng, muốn được gia hạn hoặc đổi, xin cấp mới phải có đủ hai điều kiện sau:

a) Có tuổi và sức khoẻ phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 2 và Khoản 1 Điều 5 của Quy chế này;

b) Đã đảm nhiệm chức danh phù hợp với GCNKNCM HTHH được tổng cộng 24 tháng trở lên trong vòng 5 năm.

3. Người có GCNKNCM HTHH hết hạn sử dụng đã đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điểm a nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này muốn được gia hạn, hoặc đổi, xin cấp mới thì phải qua thời gian thực tập ít nhất 3 tháng.

Điều 14:

Trong trường hợp Hoa tiêu Hàng hải có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả thì tuỳ theo mức độ vi phạm, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có quyền tạm đình chỉ hành nghề Hoa tiêu hoặc thu hồi chứng chỉ chuyên môn của Hoa tiêu Hàng hải. Việc thu hồi chứng chỉ chuyên môn Hoa tiêu Hàng hải do Hội đồng thi Hoa tiêu Hàng hải đề nghị Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định.

Chương 6

QUY ĐỊNH VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN VÙNG HOẠT ĐỘNG HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 15:

Căn cứ vào GCNKNCM HTHH đã cấp, thời gian thực tập, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định cấp "Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải "theo những nguyên tắc sau:

1. Những người đã có GCNKNCM HTHH và đã qua thực tập điều động dẫn tàu an toàn theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này ở khu vực nào thì được cấp "Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải" cho khu vực đó.

2. Việc cấp "Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải" do Giám đốc tổ chức hoa tiêu hàng hải đề nghị và có xác nhận về khả năng thực tế dẫn tàu của hoa tiêu đó của giám đốc cảng vụ hàng hải tại khu vực dẫn tàu.

Điều 16:

"Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải" có thời gian sử dụng bằng thời hạn sử dụng của GCNKNCM HTHH được cấp và trong khoản thời gian GCNKNCM HTHH còn giá trị sử dụng thì:

1. Hoa tiêu hàng hải được cấp "Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải" cho khu vực hoa tiêu hàng hải nào thì chỉ được phép hành nghề hoa tiêu hàng hải tại khu vực đó.

2. Hoa tiêu hàng hải chuyển đến khu vực khác phải qua một thời gian thực tập ít nhất 06 tháng và chỉ sau khi được cấp "Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải" tại khu vực đó thì mới được phép hành nghề hoa tiêu.

Chương 7

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17:

1. Những quy định về tiêu chuẩn thi và cấp chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải ban hành kèm theo Quyết định số 2384/QĐ-PC ngày 17/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vẫn tiếp tục có hiệu lực cho tới khi Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức được khoá thứ nhất huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật và tổ chức thi, cấp các loại chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải theo những quy định của Quy chế này.

2. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chuẩn bị và trình Bộ Giao thông vận tải để phê duyệt dự thảo chương trình huấn luyện, bồi dưỡng cập nhật, đề án về cơ sở huấn luyện và mẫu chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải theo những quy định của Quy chế này trước ngày 01/02/2001.

Điều 18:

1. Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn cách thức, thủ tục và thực hiện chuyển đổi các loại chứng chỉ chuyên môn Hoa tiêu Hàng hải cũ sang chứng chỉ chuyên môn Hoa tiêu Hàng hải mới tương ứng.

2. Việc chuyển đổi Bằng Hoa tiêu Hàng hải và Giấy phép vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải đã được cấp theo những quy định kèm theo Quyết định số 2384/QĐ-PC ngày 17/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sang các GCNKNCM HTHH và Giấy Chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải mới tương ứng phải hoàn thành trước ngày 01/02/2005.

3. Các loại Bằng Hoa tiêu Hàng hải và Giấy phép vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải đã được cấp theo những quy định kèm theo Quyết định số 2384/QĐ-PC ngày 17/11/1994 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tiếp tục có giá trị sử dụng đến ngày 01/02/2005.

4. Sau ngày 01/02/2005, các loại Bằng Hoa tiêu Hàng hải và Giấy phép vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải nói tại Khoản 3 Điều này sẽ hết hiệu lực.

Điều 19:

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và lao động tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy chế này.