Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 769/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 01 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG TỶ LỆ 1/500 CỤM CÔNG NGHIỆP MINH PHƯƠNG, HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Thông tư số 19/TT-BXD ngày 21/11/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp, khu kinh tế;

Căn cứ Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 24/9/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc V/v phê duyệt địa điểm lập QHCT Cụm công nghiệp-Làng nghề Minh Phương, tại xã Yên Phương và thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 2047/QĐ-UBND ngày 12/8/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc V/v phê duyệt nhiệm vụ thiết kế QHCT tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Minh Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1618/TTr-SXD ngày 30/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Minh Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Minh Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Chủ đầu tư lập quy hoạch: Sở Xây dựng Vĩnh Phúc.

3. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Viện Quy hoạch xây dựng Vĩnh Phúc.

4. Địa điểm và phạm vi nghiên cứu quy hoạch:

- Địa điểm: Theo Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 24/9/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

- Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: 23,909ha.

5. Nội dung quy hoạch chi tiết:

5.1. Tính chất, quy mô:

- Tính chất: Là Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương, được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.

- Quy mô đất quy hoạch: Tổng diện tích QHXD là: 23,909ha.

5.2. Quy hoạch sử dụng đất và định hướng kiến trúc cảnh quan:

5.2.1. Quy hoạch sử dụng đất: (Bản vẽ QHYL:04)

BẢNG TỔNG HỢP SỬ DỤNG ĐẤT QUY HOẠCH

TT

Loại đất

Diện tích (m2)

Tỷ lệ (%)

I

Đất dịch vụ

2.607

 

II

Đất Cụm công nghiệp

236.483

100

1

Đất phát triển công nghiệp

155.320

65,68

a

Đất công nghiệp C.ty CP giống thủy sản Yên Lạc

19.460

8,23

b

Đất phát triển công nghiệp

135.860

57,45

2

Đất xây dựng công trình công cộng

2.997

1,27

3

Đất giao thông

39.831

16,84

4

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật

3.844

1,63

a

Đất công trình đầu mối kỹ thuật

3.049

1,29

b

Đất rãnh thoát nước

795

0,34

5

Đất cây xanh-Mặt nước

30.084

12,72

6

Đất kênh mương thủy lợi

4.407

1,86

 

Tổng

239.090

 

Các lô đất chức năng được bố trí cụ thể như sau:

- Đất công nghiệp, làng nghề: Có tổng diện tích là 155.320m2; chia thành 11 lô đất có diện tích từ 8.639,0m2 đến 22.119,0m2; được bố trí tại các lô đất có ký hiệu thứ tự từ CN:01 đến CN:11 và lô đất của Công ty CP giống thủy sản Yên Lạc có ký hiệu CQ:01; mật độ xây dựng tối đa là 60%; tầng cao trung bình là 3 tầng.

- Đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng: Có tổng diện tích là 2.997m2; được bố trí tại lô đất có ký hiệu CC:01; mật độ xây dựng tối đa là 40%; tầng cao trung bình là 3 tầng.

- Đất cây xanh-Mặt nước: Có tổng diện tích là 30.084m2; được bố trí tại lô đất có ký hiệu CX:01, CX:02, CX:03, CX:04 và lô đất cây xanh kết hợp với bãi đỗ xe ký hiệu ĐX:01.

- Đất công trình đầu mối kỹ thuật: Có tổng diện tích là 3.049m2; được bố trí tại lô đất có ký hiệu ĐM:01; mật độ xây dựng tối đa là 40%; tầng cao trung bình là 3 tầng.

- Đất dịch vụ trả cho dân: Có tổng diện tích là 2.607m2; được bố trí tại lô đất có ký hiệu DV:01; mật độ xây dựng tối đa là 80%; tầng cao trung bình là 3 tầng.

5.2.2. Các yêu cầu về kiến trúc cảnh quan:

- Mật độ xây dựng: Các lô đất công nghiệp có mật độ xây dựng tối đa là 60%; lô đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng có mật độ xây dựng tối đa là 40%; lô đất hạ tầng kỹ thuật có mật độ xây dựng tối đa là 40%; lô đất ở dịch vụ trả cho dân có mật độ xây dựng tối đa là 80%.

- Chỉ giới xây dựng: Chỉ giới xây dựng của các lô đất công nghiệp, dịch vụ công cộng lùi so với chỉ giới đường đỏ 5,0m; của lô đất ở dịch vụ cho phép trùng với chỉ giới đường đỏ.

5.3. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:

5.3.1. Quy hoạch san nền: (Bản vẽ QHYL:05)

- Giải pháp san nền: Dựa trên địa hình tự nhiên, đảm bảo độ dốc dọc giao thông trong Cụm công nghiệp, hướng thoát nước chính của khu đất quy hoạch về phía Nam và đổ vào hệ thống kênh mương thoát nước xung quanh khu vực lập quy hoạch.

- Lựa chọn cao độ san nền:

+ Cao độ san nền cao nhất Hmax là: 9.35m.

+ Cao độ san nền thấp nhất Hmin là: 8.85m.

5.3.2. Quy hoạch giao thông: (Bản vẽ QHYL:06)

- Giải pháp thiết kế đường giao thông: Trên cơ sở tổng mặt bằng SDĐ, khớp nối với hệ thống giao thông xung quanh và tính toán nhu cầu giao thông cho Cụm công nghiệp, quy hoạch giao thông trong khu vực thiết kế có các loại mặt cắt như sau:

+ Mặt cắt 1-1 chiều rộng 19,5=4,5m+10,5m+4,5m.

+ Mặt cắt 2-2 chiều rộng 13,5=3,0m+7,5m+3,0m.

+ Mặt cắt 3-3 chiều rộng 10,5=7,5m+3,0m.

- Bó vỉa hè: Lát vỉa hè bằng gạch Block dày 6cm, bó vỉa dùng viên vỉa BTXM có kích thước 100x30x26cm trên các đoạn thẳng, dùng viên vỉa BTXM có kích thước 25x30x26cm trên các đoạn cong. Tại các nút giao bán kính bó vỉa tối thiểu R=12,0m.

5.3.4. Quy hoạch cấp điện: (Bản vẽ QHYL:07)

- Nguồn điện: Lấy từ trạm biến áp trung gian Tam Hồng thông qua hệ thống đường điện 22KV chạy qua khu vực lập quy hoạch; đề nghị di chuyển đường dây 22KV hiện trạng lên hè đường quy hoạch trong Cụm CN Minh Phương.

- Hệ thống mạng lưới điện:

+ Lưới điện trung thế 22KV: Được đi trên không trong khu vực lập quy hoạch để cấp điện cho các trạm biến áp của các nhà máy, xí nghiệp trong Cụm công nghiệp; các nhà máy, xí nghiệp sẽ được xây dựng trạm biến áp riêng với công suất tính toán theo nhu cầu thực tế.

+ Lưới điện hạ thế: Tại các nhà máy, xí nghiệp trong Cụm công nghiệp, mạng điện hạ thế được quy định đi ngầm trong các hào cáp và được bảo vệ bằng ống nhựa vặn xoắn.

- Hệ thống chiếu sáng đường giao thông: Nguồn điện cấp cho khu công cộng của Cụm công nghiệp và hệ thống chiếu sáng đường giao thông dự kiến xây dựng 01 trạm biến áp riêng với công suất là 180KVA; dùng đèn chiếu sáng 1 bên cho các đường giao thông trong Cụm công nghiệp; sử dụng cột thép bát giác, côn tráng kẽm, khoảng cách giữa các cột khoảng 25m đến 30m.

5.3.5. Quy hoạch cấp nước: (Bản vẽ QHYL:08)

- Nguồn nước: Dự kiến lấy từ trạm cấp nước thị trấn Yên Lạc và đề nghị nâng công suất của trạm cấp nước này lên cho phù hợp.

- Mạng lưới cấp nước: Được bố trí theo dạng mạng cụt; sử dụng ống thép mạ kẽm với các loại ống D100, D63 để cung cấp nước sạch cho các nhà máy, xí nghiệp trong Cụm công nghiệp.

- Hệ thống cứu hỏa: Được lựa chọn là hệ thống áp lực thấp; các họng cứu hỏa bố trí nổi, được đặt trên đường ống cấp nước D100, tại các ngã ba, ngã tư; khoảng cách trung bình của các họng cứu hỏa là 150m.

5.3.6. Quy hoạch thoát nước: (Bản vẽ QHYL:05 + QHYL:09)

- Hệ thống thoát nước: Sử dụng 02 hệ thống thoát nước riêng biệt, bao gồm hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải sản xuất và sinh hoạt.

- Mạng lưới thoát nước:

+ Mạng lưới thoát nước mưa: Dựa theo quy hoạch san nền, dọc theo các tuyến đường giao thông bố trí các tuyến rãnh thoát nước mưa, thu nước trên vỉa hè, mặt đường và nước mưa từ các lô đất để thoát ra hệ thống kênh mương thoát nước của khu vực. Trên các tuyến rãnh, bố trí các hố ga, hàm ếch thu nước mặt cách nhau 40m đến 50m. Hệ thống thoát nước là các rãnh xây gạch hoặc cống hộp; các tuyến rãnh chính B1000 và các tuyến nhánh B800, B600, B400.

+ Mạng lưới thoát nước thải: Nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trước khi dẫn vào hệ thống thoát nước thải phải được xử lý sơ bộ tại các nhà máy, xí nghiệp sau đó được dẫn về trạm xử lý nước thải phía Đông Cụm công nghiệp thông qua hệ thống cống BTCT D300 và rãnh xây gạch B400; nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn mới được thoát ra hệ thống thoát nước chung của khu vực.

5.3.7. Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc: (Bản vẽ QHYL:10)

- Nguồn cấp thuộc tổng đài điều khiển của các nhà dịch vụ mạng, nhu cầu sử dụng được tính toán phù hợp với quy mô phát triển của dự án.

- Hình thức đầu tư đồng bộ với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

6. Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường:

- Bảo vệ môi trường không khí thông qua các biện pháp sau:

+ Sử dụng các biện pháp che chắn khu vực thi công bằng rào che, trên các phương tiện vận chuyển sử dụng bạt che để hạn chế bụi thải phát sinh trong quá trình hoạt động.

+ Sử dụng nhiên liệu đốt cho các phương tiện, xe máy có lượng lưu huỳnh thấp.

+ Sử dụng các phương tiện xây dựng có lượng khí thải thấp, đảm bảo giới hạn cho phép; làm ẩm bề mặt đất khi san ủi.

+ Phải trồng hệ thống cây xanh cách ly để hạn chế tác động không khí trong Cụm công nghiệp đến khu vực xung quanh.

- Bảo vệ môi trường nước thông qua các biện pháp sau:

+ San nền thoát nước mặt ở khu vực quy hoạch được thiết kế đảm bảo không ảnh hưởng đến chế độ chảy trong khu vực xung quanh.

+ Trong quá trình san ủi mặt bằng, nước mưa được thu lại và xử lý tách đất bùn, dầu mỡ trước khi thải vào hệ thống mương thoát nước.

+ Trong quá trình hoạt động của các nhà máy, nước thải phải được xử lý sơ bộ sau đó dẫn về trạm xử lý nước thải để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thoát ra môi trường tự nhiên.

- Bảo vệ môi trường đất: Phải đảm bảo nước thải không chảy tự do ra vùng đất xung quanh Cụm công nghiệp làm ô nhiễm môi trường đất.

- Khống chế độ ồn, rung: Phân chia các khu vực sản xuất có độ ồn, rung khác nhau và có dải cây xanh làm không gian đệm; hiện đại hóa trang thiết bị nhằm giảm thiểu tiếng ồn và độ rung.

- Phòng, chống cháy nổ: Các nhà máy, xí nghiệp phải được đảm bảo phòng chống cháy nổ theo tiêu chuẩn; tổ chức huấn luyện, tuyên truyền, giáo dục và pháp chế các biện pháp phòng chống cháy nổ cho các nhà máy, xí nghiệp; cơ khí hóa, tự động hóa các khâu sản xuất nguy hiểm; đảm bảo các thiết bị không bị rò rỉ nguyên liệu; cách ly các công đoạn dễ cháy xa các khu vực khác; các thiết bị điện phải tính toán dây dẫn có tiết diện phù hợp.

- Kiểm soát chất thải rắn: Thu gom chất thải rắn tại các nhà máy, xí nghiệp một cách triệt để; phân loại rác thải để có biện pháp xử lý hợp lý như tái chế hay chôn lấp; rác thải của Cụm công nghiệp sẽ được vận chuyển đến bãi chứa phế thải của tỉnh để xử lý.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng trong khu vực quy hoạch chủ đầu tư phải tuân thủ theo QHCTXD TL 1/500 được phê duyệt tại quyết định này, chịu trách nhiệm toàn bộ về những thiệt hại do không thực hiện đúng quy hoạch được duyệt. Giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc và UBND xã Yên Phương tổ chức công bố công khai quy hoạch theo quy định.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các ngành: Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương; Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc; Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc; Chủ tịch UBND xã Yên Phương và Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Hòa Bình