Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 770/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 53/TTr-SYT ngày 16/01/2014 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Phát triển hệ thống y tế Hà Tĩnh theo hướng hiện đại và bền vững trong đó gắn y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập, kết hợp hài hòa giữa phòng bệnh với khám, chữa bệnh - phục hồi chức năng, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm thực hiện chủ trương công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; đảm bảo tính khả thi với mục tiêu trọng tâm là bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

2. Phát triển hệ thống y tế gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền quốc gia.

3. Phát triển hệ thống y tế gắn liền với các cụm dân cư, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là đồng bào ở vùng núi và khu vực biên giới, ven biển.

4. Phát triển hệ thống y tế theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần y tế cùng tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó y tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

5. Phát triển hệ thống y tế Hà Tĩnh phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống y tế Việt Nam trong mỗi thời kỳ; từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong toàn tỉnh; phấn đấu trở thành tỉnh có các chỉ số dịch vụ y tế đạt ở mức trên trung bình trong vùng Bắc Trung Bộ.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống y tế tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng giám sát, phát hiện và khống chế kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật gây ra; đảm bảo công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu; đẩy mạnh công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm giảm số ca mắc, tử vong do ngộ độc thực phẩm và nhiễm các bệnh thông qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

b) Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại các đơn vị y tế, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Đảm bảo sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phổ cập và chuyên sâu, phù hợp mô hình bệnh tật và yêu cầu xã hội trong tình hình mới.

c) Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, từng bước xây dựng và phát triển mạng lưới phòng khám bác sỹ gia đình để quản lý và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng; nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

d) Phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc; chủ động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị trường thuốc phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.

e) Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH của tỉnh và của cả nước.

f) Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng đảm bảo đủ cơ cấu, từng bước khắc phục khó khăn về nhân lực cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở, nhất là vùng núi, khu vực biên giới, ven biển và các chuyên khoa đặc thù. Ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân lực y tế có chất lượng cao về công tác lâu dài tại địa phương.

g) Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, bảo đảm trang thiết bị thiết yếu và từng bước đầu tư trang thiết bị hiện đại cho hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh và phục hồi chức năng.

h) Phát triển hệ thống y tế ngoài công lập phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của địa phương.

3. Các chỉ tiêu cơ bản

Các chỉ tiêu

Năm 2013

2015

2020

2030

Hà Tĩnh

Toàn quốc

Hà Tĩnh

Toàn quốc

Hà Tĩnh

Toàn quốc

Chỉ tiêu đầu vào:

 

 

 

 

 

 

 

- Số bác sĩ/vạn dân

6,75

7,4

8

8,5

9

>10

>10

- Số dược sĩ đại học/vạn dân

0,39

0,5

1,8

1,0

22

>1,0

2,5

- Tỷ lệ thôn có NVYT hoạt động (%)

100

100

90

100

100

100

100

- Tỷ lệ TYT có bác sĩ (%)

69,8

80

80

100

90

100

100

- Tỷ lệ xã có NHS/YSN (%)

100

100

>95

100

100

100

100

- Số GB/vạn dân (không kể TYT)

18,6

19,5

23

22

25

>25

>30

Chỉ tiêu hoạt động:

 

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ TE < 1 tuổi được TC đầy đủ

97,6

>96

>90

>96

>90

>96

>90

- Tỷ lệ xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 (%)

48,1

> 65

60

>80

80

100

100

- Tỷ lệ dân số tham gia BHYT (%)

68

70

80

80

>80

>80

>80

- Tỷ lệ chất thải y tế được xử lí (%)

75

80

 

100

 

100

 

Chỉ tiêu đầu ra:

 

 

 

 

 

 

 

- Tuổi thọ trung bình

>72

73

74

73,5

75

>74,5

>75

- Tỷ suất chết mẹ (p. 100.000)

11,7

10,4

58,3

10,4

52

8

<52

- Tỷ suất chết TE < 1 tuổi (‰)

8,2

< 5,3

14

<5

11

<5

10

- Tỷ suất chết TE < 5 tuổi (‰)

8,5

8,0

19,3

6,0

16

<5

<15

- Quy mô dân số (triệu người)

1,268

1,390

-

1,570

-

-

-

- Tỷ suất sinh thô (‰)

16,38

15,65

15,9

12,5

14,2

12,4

12,4

- Tỉ lệ tăng dân số (%)

1,016

0,98

0,93

0,7

0,76

0,7

0,76

- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên

24,34

21,0

-

12,7

-

 

 

- Tổng tỷ suất sinh (số con/bàn mẹ)

2,3

2,2

1,9

2,1

1,8

2,1

1,8

- Tỉ lệ giới tính khi sinh (trai/100gái)

113,04

109,5

112

105

105

105

105

- Tỷ lệ TE < 5 tuổi SDD

15,4

<15

15

<13

12

<10

<12

- Tỷ lệ nhiễm HIV (%)

0,12

<0,15

<0,3

<0,2

<03

<0,2

<0,3

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch các cơ quan quản lý nhà nước về Y tế:

- Sở Y tế: Có các phòng chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn VSTP, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương tại mỗi thời kỳ. Xem xét thành lập mới một số phòng chức năng tại Sở Y tế (khi thật cần thiết và theo quy định) để tăng cường quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

- Phòng Y tế: Trực thuộc UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.

2. Quy hoạch mạng lưới DS - KHHGĐ

a) Các chỉ tiêu:

Phấn đấu giảm tỷ suất sinh thô đạt 15,65 vào năm 2015 và 12,5 vào năm 2020; tốc độ tăng dân số tự nhiên ở mức 0,98% vào năm 2015 và 0,7% vào năm 2020; tập trung giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 21,0% vào năm 2015 và 12,7% vào năm 2020; tổng tỷ suất sinh giảm còn 2,2 con và năm 2015 và 2,1 con vào năm 2020; tỷ số giới tính khi sinh đạt mức 109,5 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 105 sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020.

b) Mạng lưới DS-KHHGĐ

- Chi cục DS-KHHGĐ là đơn vị quản lý nhà nước thuộc Sở Y tế;

- Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện và chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh;

- Kiện toàn mạng lưới trung tâm DS - KHHGĐ tuyến huyện theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế và Quyết định số 1563/QDD-UBND ngày 16/6/2008 của UBND tỉnh.

- Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc và trang thiết bị cho Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh và trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện.

3. Lĩnh vực y tế dự phòng và các hoạt động chuyên ngành:

a) Các chỉ tiêu:

- Tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt từ 95% trở lên. Tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 90%;

- Giảm 5% số người bị sốt rét hàng năm so với năm trước và không để xảy ra tử vong do sốt rét. Giảm tỉ lệ mắc sốt rét dưới 1/1000 người dân;

- Khống chế tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới 0,2% dân số. Đảm bảo trên 80% người nhiễm HIV được quản lí và tham vấn tại địa phương;

- Giảm tỉ lệ mắc bệnh lao mới. Đảm bảo 100% bệnh nhân lao được quản lí và kiểm soát điều trị tại cộng đồng;

- Đảm bảo 100% bệnh nhân phong được quản lý, điều trị và chăm sóc tàn tật;

- Giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng bình quân mỗi năm từ 0,8% - 1%;

- Giảm tỉ suất chết TE < 5 tuổi xuống < 8 vào năm 2015 và 6 năm 2020;

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt tỉ lệ 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ y tế doanh nghiệp và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

- Giảm tỉ lệ người bị mắc, chết do ngộ độc thực phẩm. Trên 90% số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được quản lí; 100% bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng được kiểm soát và cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Mạng lưới:

- Tuyến tỉnh: Các trung tâm chuyên ngành: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Trung tâm Da liễu; định hướng sáp nhập và thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật theo lộ trình của Bộ Y tế. Giữ nguyên Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe; Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, Trung tâm Giám định Y khoa; Trung tâm Giám định Pháp y. Thành lập mới Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 trong giai đoạn 2016 - 2020.

Hoàn thành xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm trước năm 2015; tiếp tục triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn Quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng Trạm Kiểm dịch y tế quốc tế tại khu vực Vũng Áng (là cơ sở của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại khu vực Vũng Áng); xây dựng trụ sở làm việc: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Giám định Pháp y và cải tạo và nâng cấp các trung tâm khác (phụ lục 1).

- Tuyến huyện: Mỗi huyện, thành phố, thị xã có 01 trung tâm y tế dự phòng là đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế.

Giai đoạn 2013 - 2020, xây dựng hoàn thành trụ sở các trung tâm y tế dự phòng: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà; triển khai xây dựng tiếp trung tâm y tế dự phòng: Vũ Quang, Đức Thọ, TP. Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh; đầu tư xây dựng trung tâm y tế dự phòng đơn vị hành chính mới sau khi thành lập thị xã Hoành Sơn. Các trung tâm còn lại cần được sửa chữa, nâng cấp về hạ tầng và bổ sung trang thiết bị trong các giai đoạn (phụ lục 2).

5. Quy hoạch lĩnh vực khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và hệ thống cấp cứu

a) Các chỉ tiêu:

- Số giường bệnh công lập (không bao gồm giường bệnh tại trạm y tế) của tỉnh dự kiến sẽ tăng từ 2.290 giường bệnh năm 2012 lên 2.520 giường bệnh năm 2015 và 3.925 giường bệnh vào năm 2020;

- Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân (không tính giường bệnh trạm y tế) dự kiến tăng từ 18,6 giường bệnh năm 2013 lên 19,5 giường bệnh vào năm 2015 và 22 giường bệnh vào năm 2020;

b) Mạng lưới:

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 24 bệnh viện, trong đó có: 06 bệnh viện tuyến tỉnh, 13 bệnh viện tuyến huyện và Bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trên 01 bệnh viện đầu tư, hoạt động theo hình thức PPP và ít nhất 03 bệnh viện tư nhân.

- Tuyến tỉnh: Đến năm 2020: Bệnh viện đa khoa tỉnh duy trì quy mô 500 giường bệnh, nâng cấp khoa Ung bướu của Bệnh viện đa khoa tỉnh thành Trung tâm Ung bướu; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi duy trì quy mô 100 giường bệnh; Bệnh viện Y học cổ truyền có quy mô 150 giường bệnh; Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng đổi tên thành Bệnh viện Phục hồi chức năng và có quy mô 100 giường bệnh; Bệnh viện đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo duy trì quy mô 70 giường bệnh; Bệnh viện Tâm thần quy mô 100 giường bệnh; Bệnh viện Mắt được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Mắt với quy mô 50 giường bệnh (phụ lục 3);

- Tuyến huyện: Bệnh viện đa khoa tuyến huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế.

- Kiện toàn mạng lưới bệnh viện đa khoa tuyến huyện theo Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 về việc Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 và đầu tư theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ; từng bước giải thể một số phòng khám đa khoa khu vực, chỉ duy trì Phòng khám đa khoa khu vực Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang);

Năm 2014, tăng thêm 30 giường bệnh cho Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh lên thành 150 giường; các bệnh viện khác cơ bản giữ nguyên quy mô giường bệnh đến năm 2020, nghiên cứu điều chỉnh quy mô ở một số bệnh viện phù hợp với lưu vực phục vụ giữa các địa bàn dân cư. Thành lập bệnh viện đa khoa 100 giường bệnh của đơn vị hành chính mới khi thành lập thị xã Hoành Sơn (phụ lục 4);

c) Mạng lưới cấp cứu

- Cấp cứu ngoài bệnh viện: Giai đoạn 2016 - 2020, thành lập Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 trực thuộc Sở Y tế và củng cố các Tổ vận chuyển cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và huyện.

- Cấp cứu trong bệnh viện: Các bệnh viện đa khoa hạng II có các khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực - chống độc; Các bệnh viện đa khoa hạng III có khoa hồi sức cấp cứu. Các bệnh viện chuyên khoa: Tùy theo chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng chuyên khoa, các bệnh viện bố trí và xây dựng khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc cho phù hợp. Các bệnh viện tư nhân: Tùy thuộc vào phạm vi chuyên môn và đặc điểm của từng bệnh viện phải có hệ thống cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế. 100% cán bộ y tế xã được tập huấn các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu.

d) Bệnh viện ngoài công lập: Đến 2020 dự kiến có ít nhất 03 bệnh viện tư nhân và hơn 01 bệnh viện đầu tư theo hình thức PPP.

e) Các cơ sở y tế khác như: Phòng y tế tại các trường học, phòng y tế/trạm y tế tại các doanh nghiệp và các cơ sở y tế ngành đóng trên địa bàn tỉnh được thành lập theo các quy định và chịu sự quản lý, chỉ đạo về chuyên môn của Sở Y tế.

6. Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế cơ sở

a) Kiện toàn mô hình tổ chức y tế tuyến huyện.

- Tăng cường năng lực phòng y tế: Bảo đảm đủ nhân lực về số lượng, chất lượng và cơ cấu của phòng y tế theo Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ;

b) Củng cố và hoàn thiện y tế tuyến xã

- Củng cố và hoàn thiện 262 trạm y tế xã; duy trì mạng lưới nhân viên y tế tại 100% số thôn, bản, khối phố do trạm y tế quản lý. Mỗi xã, phường, thị trấn có 01 cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ. Phấn đấu trên 60% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020.

7. Quy hoạch mạng lưới sản xuất, kiểm nghiệm và phân phối thuốc

- Phát triển đội ngũ cán bộ dược cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý.

Đến năm 2015, 50% trạm y tế có cán bộ phụ trách dược. Năm 2020: 100% số trạm y tế có cán bộ dược và cán bộ y học cổ truyền. Tỷ lệ cán bộ quản lý về dược được đào tạo là 50% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020;

- Nâng cao năng lực sản xuất thuốc của công nghiệp dược địa phương, khai thác và phát triển có hiệu quả nguồn dược liệu tại chỗ; phấn đấu sản xuất và sử dụng thuốc nội đạt 70% tổng giá trị tiền thuốc vào 2015 và 80% vào 2020;

- Đến năm 2015, xây dựng mới labo kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm đạt chuẩn GLP; 100% thực hành tốt phân phối thuốc từ năm 2015 và duy trì đến năm 2020. 100% nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP vào năm 2013;

- Đạt tỷ lệ 70% các khoa dược bệnh viện đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế và 100% vào năm 2020. Các khoa dược có dược sỹ đại học chuyên trách về dược lâm sàng >50% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020; Tăng cường vai trò và hiệu quả của công tác dược bệnh viện;

- Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về dược trên địa bàn tỉnh và nâng cao chất lượng mọi mặt công tác quản lý nhà nước về dược. Đảm bảo giám sát thường xuyên chất lượng thuốc và mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh.

8. Quy hoạch lĩnh vực y học cổ truyền

a) Mục tiêu:

- Đến năm 2015, các bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền. Đến năm 2020, 100% các khoa y học cổ truyền tại bệnh viện đa khoa có bác sĩ chuyên khoa về y học cổ truyền, trong đó 50% bác sĩ y học cổ truyền có trình độ sau đại học, 100% trạm y tế tuyến xã có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền do lương y hoặc thầy thuốc có trình độ trung học y học cổ truyền trở lên hoạt động;

- Đến năm 2015, khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện 25%, tuyến xã 40% trong tổng số khám, chữa bệnh chung, tiếp tục nâng cao tỷ lệ và chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong những năm tiếp theo;

- Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh và 100% trạm y tế xã/phường/thị trấn có vườn cây thuốc nam;

- Tập trung triển khai Kế hoạch hành động về phát triển y học cổ truyền đến năm 2020. Phát triển y dược học cổ truyền theo hướng kết hợp với y học hiện đại, áp dụng các phương pháp điều trị các chứng, bệnh không dùng thuốc; khám, chữa bệnh bằng YHCT tại các Trạm Y tế xã. Phát huy lợi thế của tỉnh quy hoạch bảo tồn và nuôi trồng chế biến các loại thuốc y học cổ truyền.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, của nước ngoài đầu tư thành lập các loại hình khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

b) Mạng lưới:

- Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, duy trì quy mô 150 giường bệnh đến năm 2020; phát triển Khoa Đông y tại Bệnh viện đa khoa tỉnh/huyện phù hợp với hạng bệnh viện.

- Trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền theo quy định Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.

9. Quy hoạch phát triển nhân lực y tế (phụ lục 6)

a) Các chỉ tiêu:

- Tỉ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt 7,4 năm 2015, 8,5 năm 2020 và trên 10 vào năm 2030;

- Tỉ lệ dược sỹ đại học/10.000 dân đạt 0,5 năm 2015; trên 1,0 vào năm 2020 và trên 1,5 vào năm 2030;

b) Loại hình đào tạo

- Ưu tiên mở rộng chỉ tiêu đào tạo hàng năm với loại hình đào tạo theo địa chỉ, đào tạo cử tuyển;

- Đào tạo nâng cao trình độ: Đào tạo liên thông lên đại học (áp dụng trong giai đoạn 2013-2015), chú trọng đào tạo từ đại học lên sau đại học về các chuyên khoa sâu của các lĩnh vực; chuyển giao kỹ thuật tại chỗ do tuyến trên thực hiện;

- Tăng cường đào tạo về lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước, về ngoại ngữ, tin học cho CBYT nhất là đối với các đơn vị thuộc khối quản lý nhà nước;

- Đẩy mạnh đào tạo thường xuyên và đào tạo mới nhân viên y tế thôn bản.

10. Quy hoạch lĩnh vực trang thiết bị

- Từng bước hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế, đáp ứng triển khai kỹ thuật chuyên môn theo tuyến;

- Khuyến khích sản xuất các trang thiết bị y tế thông thường phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng phần mềm quản lí và trao đổi thông tin trang thiết bị y tế;

- Củng cố công tác mua sắm trang thiết bị y tế: Thiết lập quy trình chuẩn trong mua sắm trang thiết bị: Đề xuất nhu cầu, thẩm định,...đảm bảo tiết kiệm, chất lượng, đồng bộ.

11. Quy hoạch tài chính y tế

a) Các chỉ tiêu

- Đảm bảo tỷ lệ chi cho y tế trong tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh theo quy định; ngân sách cho y tế dự phòng đạt 30% vào năm 2015 và 35% đến năm 2020;

- Tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế phấn đấu đạt 70% vào năm 2015 và tăng lên 80% vào năm 2020.

b) Nội dung

- Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn tài chính y tế: Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị y tế trong tỉnh theo định hướng chung của toàn Ngành trên cơ sở phân tích những đặc thù tại địa phương;

- Tăng cường kiểm soát chi phí y tế: Thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát chi phí dịch vụ y tế, chi phí các dịch vụ phục vụ bệnh viện, giảm thiểu tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế; bảo đảm tiết kiệm thuốc, vật tư y tế.

12. Quy hoạch hệ thống thông tin y tế

a) Các chỉ tiêu

- Năm 2014, 100% các cơ sở y tế trên địa bàn xây dựng được kế hoạch củng cố, cải thiện hệ thống thông tin y tế gắn với việc triển khai công nghệ thông tin của đơn vị; các cơ sở y tế hạng I phải thành lập phòng công nghệ thông tin. Các đơn vị còn lại phải có tổ chuyên trách về công nghệ thông tin vào 2015 và nâng cấp phòng công nghệ thông tin vào năm 2020;

- Đến năm 2015, đảm bảo số cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của mỗi cơ sở y tế trên địa bàn tương ứng 1% tổng số cán bộ trong đơn vị.

b) Nội dung

- Hoàn thiện chính sách, kế hoạch phát triển hệ thống thông tin y tế: Thực hiện các chính sách về hệ thống thông tin quản lý y tế tạo nhằm đáp ứng hiệu quả khung pháp lý của nhà nước trong việc cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin y tế;

- Tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng số liệu: Hợp tác chặt chẽ trong trao đổi thông tin giữa các đơn vị y tế trên địa bàn và các ngành liên quan. Xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin y tế của tỉnh. Từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin y tế phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật và nhu cầu sử dụng của từng tuyến;

- Tăng cường phổ biến thông tin, phân tích số liệu thống kê: Rà soát và tuân thủ thực hiện hệ thống chỉ số, sổ sách ghi báo cáo thống kê y tế, tài liệu hướng dẫn về quản lý thông tin y tế, thông tin bệnh viện, thông tin về y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh, thông tin về đào tạo...

13. Quy hoạch quản trị hệ thống y tế

a) Mục tiêu: Tăng cường năng lực quản lý hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế của tỉnh trong giai đoạn mới.

b) Nội dung

- Nâng cao năng lực hoạch định chính sách và lập kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách y tế: Nâng cao năng lực xây dựng chính sách cho đội ngũ những người tham gia hoạch định chính sách y tế của địa phương. Xây dựng đề án tổng thể về đổi mới quản trị hệ thống y tế tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách y tế: Thiết lập và duy trì hệ thống chỉ tiêu và thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động thực hiện chính sách, kế hoạch y tế trên địa bàn. Kiện toàn mạng lưới thanh tra y tế các tuyến theo quy định, có đủ năng lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ.

- Kiện toàn mô hình tổ chức mạng lưới y tế các tuyến: Củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở.

- Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của các bên liên quan.

14. Định hướng đến năm 2030

- Các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng tiếp tục phát triển hợp lý về chuyên khoa, quy mô; phù hợp với đặc điểm về mô hình bệnh tật.

- Lĩnh vực y tế dự phòng: Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống y tế Việt Nam, phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo đủ khả năng giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, từng bước nâng cao toàn diện năng lực của hệ thống và các dịch vụ y tế dự phòng.

- Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức mạng lưới Dân số - KHHGĐ.

- Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo thực hiện được đầy đủ các kỹ thuật theo phân tuyến.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực y tế

a) Về tổ chức cán bộ: Bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức các tuyến, từng đơn vị, sắp xếp lại bộ máy bảo đảm phẩm chất, năng lực. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp, kỹ năng tham mưu, quản lý cho cán bộ chủ trì, đặc biệt là cán bộ các phòng, ban chức năng Sở Y tế.

b) Phát triển nguồn nhân lực y tế:

- Giải pháp về đổi mới công tác tổ chức cán bộ: Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế, cân đối nhu cầu nhân lực y tế phù hợp về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo các quy định về định biên tùy theo tuyến, lĩnh vực và điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Nâng cao trình độ cán bộ theo hướng hoàn thiện các tiêu chuẩn về xếp hạng đơn vị, có tính tới sự kế thừa phát triển của các giai đoạn.

- Giải pháp về chế độ, chính sách: Xây dựng đề án phát triển nhân lực y tế trong đó cần xác định rõ một số giải pháp mang tính đột phá nhằm chủ động tạo nguồn, thu hút và giữ chân cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi; xây dựng kế hoạch hàng năm về đào tạo liên tục, bồi dưỡng chuyên môn, trình độ quản lý nhà nước cho cán bộ y tế; phát huy khả năng của Trường Cao đẳng y tế Hà Tĩnh trong việc đào tạo nhân lực cho địa phương. Phát triển mô hình liên kết đào tạo giữa Trường với các trường đại học y dược khác để có kế hoạch đào tạo linh hoạt cho lực lượng cán bộ y tế tại tỉnh. Ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ y tế đặc biệt là đối với y tế cơ sở và vùng sâu, vùng xa. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế cũng như của các tỉnh lân cận đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

- Đa dạng hóa loại hình đào tạo: Đào tạo sau đại học và đào tạo nâng cao; đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học hệ chính quy; đào tạo bác sĩ, dược sĩ hệ chính quy theo địa chỉ; đào tạo bác sĩ, dược sĩ và cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên đại học hệ liên thông. Tập trung triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh và phát triển kỹ thuật cao tương đương với các bệnh viện trong vùng; đào tạo chuyển giao kỹ thuật và đào tạo tại chỗ (trong đó chú trọng đào tạo các ê kíp phù hợp).

- Đào tạo cán bộ cao đẳng, trung cấp y: Duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành.

- Đào tạo nhân viên y tế thôn bản: Hàng năm có kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số.

- Đào tạo nâng cao trình độ về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức bàng các hình thức đào tạo phù hợp.

2. Giải pháp đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư y tế

Tổng số kinh phí đầu tư thực hiện quy hoạch: 2.614,5 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 870,5 tỷ đồng;

- Ngân sách địa phương: 832 tỷ đồng;

- Vốn ODA và tài trợ nước ngoài: 519,2 tỷ đồng;

- Huy động xã hội hóa và nguồn khác: 392,8 tỷ đồng.

Phân ra: Giai đoạn 2014 - 2016: 831 tỷ đồng, giai đoạn 2017 - 2020: 1.783,5 tỷ đồng.

(Nhu cầu kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực, hoạt động tại phụ lục 5)

c) Các biện pháp huy động vốn đầu tư:

- Chủ động xây dựng các đề án phát triển từng lĩnh vực nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phát triển hệ thống y tế đến năm 2020. Lập dự toán tổng hợp nhu cầu đầu tư kinh phí trong đó xác định rõ các nguồn cần huy động;

- Đảm bảo cung cấp và giải ngân kịp thời các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước;

- Tăng cường vận động thu hút các nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước;

- Khuyến khích và ban hành các cơ chế thu hút đối với các thành phần kinh tế trong đầu tư cho hoạt động chăm sóc sức khỏe trên địa bàn, đặc biệt là Khu kinh tế Vũng Áng, thành phố Hà Tĩnh và các thị xã;

- Khuyến khích các đơn vị trong ngành thực hiện có hiệu quả về tự chủ tài chính theo lộ trình Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ;

- Triển khai các loại hình bảo hiểm y tế trong toàn tỉnh, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Tích cực vận động, thu hút các nguồn vốn quốc tế nhất là ODA và NGO;

- Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào phát triển y tế.

3. Tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ

- Từng bước hiện đại hóa kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hóa sinh, vi sinh, miễn dịch, di truyền và sinh học phân tử. Phát triển kỹ thuật can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật nội soi và ghép tạng…;

- Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống ngành;

- Áp dụng có hiệu quả các phương pháp khoa học công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải y tế.

4. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về y tế.

Hoàn thiện tổ chức hệ thống quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng kế hoạch hoạt động; bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra nhà nước về y tế và thanh tra chuyên ngành; tăng cường kiểm tra, kiểm soát của nhà nước trong hoạt động y tế.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật Bảo hiểm y tế trên địa bàn;

- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thu hút đầu tư, mở rộng liên doanh, liên kết để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở y tế trong tỉnh.

b) Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng cường, phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền - giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

- Tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền;

- Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua việc xây dựng cơ chế phối hợp và thực hiện hợp đồng trách nhiệm với từng ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội…;

c) Tăng cường hợp tác y tế với các địa phương trong vùng và quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, tăng cường quan hệ hợp tác y tế với các tổ chức quốc tế, các nước, các viện, các trường.

V. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giai đoạn 2014 - 2016

- Đối với mạng lưới y tế dự phòng và các trung tâm chuyên ngành: Hoàn thành xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm; cải tạo, nâng cấp Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; xây mới trụ sở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; cải tạo Trung tâm Da liễu. Hoàn thành xây dựng trụ sở cho 7 trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện và xây dựng mới trụ sở làm việc của trung tâm y tế dự phòng đơn vị hành chính mới khi thành lập thị xã Hoành Sơn.

- Đối với mạng lưới khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cấp cứu: Hoàn chỉnh dự án các bệnh viện chuyên khoa: Y học cổ truyền, Tâm thần, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; xây dựng bệnh viện đa khoa của đơn vị hành chính mới khi thành lập thị xã Hoành Sơn; tiếp tục triển khai các dự án, công trình xây dựng và nâng cấp bệnh viện tuyến huyện.

- Đối với mạng lưới y tế cơ sở: Xây mới và cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị thiết yếu cho trạm y tế trong lộ trình xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020 gắn với xây dựng đạt tiêu chí nông thôn mới.

- Đối với trang thiết bị và sản xuất thuốc: Mua sắm trang thiết bị đáp ứng các chỉ tiêu theo từng giai đoạn quy hoạch. Đầu tư dây truyền nhà máy sản xuất thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền.

- Trường Cao đẳng Y tế tỉnh: Tiếp tục hoàn thành dự án xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị.

- Nâng cấp trụ sở Chi cục DS - KHHGĐ và Trung tâm DS - KHHGĐ thành phố Hà Tĩnh và Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lộc Hà.

2. Giai đoạn 2017 - 2020

- Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh trụ sở cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Xây dựng mới trụ sở: Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115, Trung tâm Giám định Pháp y, Trạm Kiểm dịch Y tế quốc tế khu vực Vũng Áng; sửa chữa và nâng cấp cho các trung tâm khác.

- Nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh, nâng cấp Khoa Ung bướu của Bệnh viện đa khoa tỉnh thành Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Mắt lên Bệnh viện Mắt. Tiếp tục hoàn thành dự án xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh khác. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ cao và ô tô cứu thương. Khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi.

- Nâng cấp Chi cục DS-KHHGĐ và 12 trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện.

- Xây dựng và duy tu, sửa chữa các trạm y tế để đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.

- Đối với trang thiết bị và phát triển ngành dược: Mua sắm trang thiết bị đáp ứng các chỉ tiêu theo từng giai đoạn quy hoạch. Tiếp tục đầu tư nâng cấp và phát triển công nghiệp sản xuất các loại thuốc tân dược, đặc biệt là nuôi trồng, chế biến các loại thuốc y học cổ truyền, thuốc nam.

- Trường Cao đẳng Y tế tỉnh: Hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Y tế tỉnh để đáp ứng các nhiệm vụ trong giai đoạn.

3. Giai đoạn 2021 - 2030

Tiếp tục đầu tư bổ sung, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực cho toàn bộ các cơ sở y tế trong toàn tỉnh theo hướng nâng cao năng lực của hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển chuyên sâu các chuyên ngành; phát triển cụm ngành Y tế theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thành trung tâm y tế trong vùng Bắc Trung Bộ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã công bố công khai quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; căn cứ tình hình của từng giai đoạn và các lĩnh vực hoạt động, xây dựng các đề án, kế hoạch chi tiết thực hiện Quy hoạch; định kỳ kiểm tra, đánh giá và tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm bố trí và cân đối các nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho ngành y tế để thực hiện Quy hoạch theo đúng tiến độ; giám sát việc thực hiện Quy hoạch trong phạm vi toàn tỉnh.

3. Sở Tài chính: Có trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho ngành y tế theo kế hoạch hàng năm và 5 năm; phối hợp với Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách thực hiện Quy hoạch.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Y tế, lập quy hoạch sử dụng đất cho nhu cầu phát triển y tế đến năm 2020; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ, phòng chống ô nhiễm môi trường.

5. Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Y tế, lập quy hoạch xây dựng công trình y tế; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng công trình y tế.

6. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Y tế, tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức hệ thống y tế; thực hiện các nội dung có liên quan trong Quy hoạch.

7. Các Sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan khác: Phối hợp với Sở Y tế thực hiện Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch trên địa bàn và trong phạm vi quản lý.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (báo cáo);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Các Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX1
- Gửi văn bản giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thiện

 

PHỤ LỤC 1:

NHU CẦU ĐẦU TƯ KINH PHÍ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ TRANG THIẾT BỊ CỦA CÁC TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG VÀ TRUNG TÂM CHUYÊN NGÀNH TUYẾN TỈNH

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Tên đơn vị

Giai đoạn thực hiện 2014 - 2016

Giai đoạn thực hiện 2017 - 2020

Nguồn vốn (dự kiến)

Tổng số các nguồn vốn

Trong đó

Xây dựng

TTB

Cộng

Xây dựng

TTB

Cộng

NSTW

NS địa phương

ODA và nước ngoài

Xã hội hóa và khác

1

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

 

 

 

10000

7000

17000

17.000

10.000

7.000

 

 

2

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

25.000

5.000

30.000

10000

20000

40000

60.000

32.000

10.000

10.000

8.000

3

Trung tâm Phòng chống Sốt rét-KST-CT

3.000

3.000

6.000

 

 

 

6.000

6.000

 

 

 

4

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS

3.000

7.000

10.000

 

12000

12000

15.000

5.000

5.000

5.000

 

5

Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm-Mỹ phẩm-Thực phẩm

5.000

5.000

10.000

 

15000

15000

20.000

10.000

5.000

 

5.000

6

Trung tâm Giám định y khoa

5.000

3.000

8.000

 

8000

8000

8.000

4.000

4.000

 

 

7

Trung tâm Giám định pháp Y

 

 

 

5000

4000

9000

7.000

4.000

3.000

 

 

8

Trung tâm Mắt

15.000

5.000

20.000

 

 

 

20.000

5.000

5.000

10.000

 

9

Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe

 

3.000

3.000

10000

5000

15000

18.000

8.000

10.000

 

 

10

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản

5.000

7.000

12.000

10000

10000

20000

27.000

10.000

7.000

10.000

 

11

Trung tâm Da liễu

 

 

 

5000

10000

15000

7.000

4.000

3.000

 

 

12

Trung tâm Vận chuyển Cấp cứu 115

 

 

 

10000

12000

22000

15.000

8.000

7.000

 

 

13

Trạm Kiểm dịch y tế cảng Vũng Áng

 

 

 

10000

2000

120000

12.000

10.000

2.000

 

 

 

Tổng số

61.000

38.000

99.000

70000

105000

185000

232.000

116.000

68.000

35.000

13.000

 

PHỤ LỤC 2:

NHU CẦU ĐẦU TƯ KINH PHÍ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ TRANG THIẾT BỊ CỦA CÁC TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG TUYẾN HUYỆN

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Tên đơn vị Trung tâm Y tế dự phòng

Giai đoạn thực hiện 2014 - 2016

Giai đoạn thực hiện 2017 - 2020

Nguồn vốn (dự kiến)

 

Tổng số các nguồn vốn

Trong đó

 

NSTW

NS địa phương

ODA và nước ngoài

 

Xây dựng

TTB

Cộng

Xây dựng

TTB

Cộng

 

1

Thành phố Hà Tĩnh

 

2000

2000

 

2500

2500

4500

2500

2000

 

 

2

Thị xã Hồng Lĩnh

5000

 

5000

2000

2500

4500

9500

3000

2000

4500

 

3

Huyện Can Lộc

7000

3000

10000

1500

1500

3000

13000

5500

3000

4500

 

4

Huyện Lộc Hà

 

 

 

1000

4200

5200

5200

 

1000

4200

 

5

Huyện Thạch Hà

7000

2000

9000

2000

2500

4500

13500

5500

3000

5000

 

6

Huyện Hương Sơn

2000

 

2000

500

2000

2500

4500

 

2000

2500

 

7

Huyện Hương Khê

1500

 

1500

500

2000

2500

4000

 

1500

2500

 

8

Huyện Kỳ Anh

1500

 

1500

500

2000

2500

4000

 

1500

2500

 

9

Huyện Cẩm Xuyên

7000

 

7000

500

2500

3000

10000

5000

2500

3000

 

10

Huyện Nghi Xuân

1500

 

1500

500

2000

2500

4000

 

1500

2500

 

11

Huyện Đức Thọ

5000

2500

7500

2000

2000

4000

11500

5000

2000

4500

 

12

Huyện Vũ Quang

5000

2000

7000

2000

2000

4000

11000

5000

2000

4000

 

13

Thị xã Hoành Sơn (*)

3000

 

3000

4000

2000

6000

9000

5000

2000

2000

 

 

Tổng số

45.500

11.500

57.000

15.000

29.700

46.700

103.700

36.500

26.000

41.200

 

 

PHỤ LỤC 3:

NHU CẦU ĐẦU TƯ KINH PHÍ VÀ QUỸ ĐẤT CỦA CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN TỈNH

Đơn vị tính kinh phí: Tỷ đồng

TT

ĐƠN VỊ

Giường bệnh năm 2013

Quỹ đất (m2)

Giai đoạn thực hiện 2014 - 2016

Giai đoạn thực hiện 2017 - 2020

Nguồn vốn (dự kiến)

Tổng số

Trong đó

GB

Kinh phí

GB

Kinh phí

NSTW

NS địa phương

ODA và nước ngoài

Xã hội hóa, khác

1

Bệnh viện đa khoa tỉnh

500

51.680

500

145

500

60

205

45

35

110

15

2

Bệnh viện YHCT

150

27.470

150

6

150

60

66

20

20

20

6

3

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

100

35.000

100

5

100

30

35

15

10

10

 

4

Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN

100

30.000

100

5

100

20

25

5

10

5

5

5

Bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu QT Cầu Treo

70

20.140

70

 

70

20

20

5

5

8

2

6

Bệnh viện Mắt

-

20.000

-

5

50

20

25

5

5

10

5

7

Bệnh viện Tâm thần

-

30.490

100

20

100

49

69

39

10

20

 

 

Tổng GB

920

 

1.020

 

1.070

 

 

 

 

 

 

 

Tổng KP

 

 

 

186

 

259

445

134 (*)

95

183

33

 

 

 

 

 

 

 

 

788,8

424

88

185

91,8

(*) Tổng số Ngân sách Trung ương: 134, trong đó trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016: 29 tỷ đồng

 

PHỤ LỤC 4:

NHU CẦU ĐẦU TƯ CÁC BỆNH VIỆN ĐA KHOA TUYẾN HUYỆN ĐẾN NĂM 2020

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Số TT

Đơn vị Bệnh viện đa khoa (BVĐK)

Năm 2013

Giai đoạn thực hiện 2014 - 2016

Giai đoạn thực hiện 2017 - 2020

Nguồn vốn (Dự kiến)

 

Trong đó

Dân số

GB

Dân số

GB

Nguồn vốn

Dân số

GB

Nguồn vốn

Tổng số

NSTW

NS địa phương

ODA và nước ngoài

Xã hội hóa, khác

1

BVĐK huyện Cẩm Xuyên

141.221

120

145.291

120

10

149.948

120

20

30

10

5

10

5

2

BVĐK huyện Can Lộc

128.715

130

137.621

130

10

142.188

130

20

30

15

10

0

5

3

BVĐK huyện Đức Thọ

104.458

150

104.916

150

10

106.260

150

20

30

5

5

15

5

4

BVĐK huyện Hương Khê

101.151

120

109.440

120

17

112.892

120

20

37

10

5

5

17

5

BVĐK huyện Hương Sơn

115.541

100

119.175

100

15

122.148

100

14,8

29,8

10

10

5

4,8

6

BVĐK huyện Kỳ Anh

177.690

120

182379

150

24

120.000

150

15

39

25

0

10

4

7

BVĐK huyện Lộc Hà

80.813

100

88.455

100

40

91845

100

10

50

45

5

0

0

8

BVĐK huyện Nghi Xuân

96.062

100

95.181

100

10

98.324

100

20

30

5

10

10

5

9

BVĐK huyện Thạch Hà

130.287

150

137.936

150

18

141.983

150

20

38

16

10

5

7

10

BVĐK huyện Vũ Quang

30.058

70

32.346

70

10

33.165

70

15

25

5

13

5

2

11

BVĐK thành phố Hà Tĩnh

95.740

100

90.678

100

131

95.353

100

10

141

32

5

100

4

12

BVĐK thị xã Hồng Lĩnh

37.096

130

38.698

130

20

38.698

130

139

159

146

0

0

13

13

BVĐK thị xã Hoành Sơn

 

 

100.000

100

50

100.000

100

100

150

100

10

20

20

 

Tổng số giường bệnh

 

1.370

 

1.400

 

 

1.520

 

 

 

 

 

 

 

Tổng kinh phí

 

 

 

 

365

 

 

423,8

788,8

424 (*)

88

185

91,8

(*) Tổng số ngân sách Trung ương: 424 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2014 - 2016) là: 291 tỷ đồng

 

PHỤ LỤC 5:

TỔNG NHU CẦU KINH PHÍ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ ĐẾN NĂM 2020

Đơn vị: Tỷ đồng

STT

Nội dung

Giai đoạn thực hiện

Nhu cầu huy động vốn Giai đoạn 2014 - 2020

Ghi chú

Tổng số

Trong đó

2014 - 2016

2017 - 2020

NSTW

NS địa phương

ODA và nước ngoài

Xã hội hóa, khác

1

Đầu tư phát triển Dân số - KHHGĐ

17

29

46

20

26

 

 

 

2

Đầu tư phát triển YTDP tỉnh, huyện và Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115

156

231,7

335,7

152,5

94

76,2

13

 

3

Đầu tư phát triển bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực

551

682,8

1.233,8

558

183

368

124,8

 

4

Đầu tư phát triển y tế xã

200

552

752

100

352

50

250

 

6

Đầu tư cho đào tạo

7

5

12

5

7

 

 

 

7

Đầu tư lĩnh vực dược

20

20

40

15

20

5

 

 

8

Đầu tư cho lĩnh vực thông tin y tế

60

35

95

20

50

20

5

 

9

Xây mới trụ sở Sở Y tế

 

20

20

 

20

 

 

 

10

Dự kiến trích ngân sách tỉnh thu hút, đãi ngộ cán bộ chất lượng cao

20

60

80

 

80

 

 

 

 

Tổng cộng

831

1783,5

2.614,5

870,5(*)

832

519,2

392,8

 

(*) Tổng ngân sách Trung ương: 870,5 tỷ đồng, trong đó trái phiếu Chính phủ đầu tư nâng cấp, xây dựng bệnh viện tỉnh, huyện (giai đoạn 2014 - 2016): 320 tỷ đồng

 

PHỤ LỤC 6:

MỘT SỐ CHỈ TIÊU VỀ NHÂN LỰC Y TẾ TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020

STT

CHỈ SỐ

Năm 2013

Giai đoạn 2013 - 2015

Giai đoạn 2016 - 2020

Số lượng

Tỉ lệ

Kì vọng toàn quốc

Tỉ lệ kì vọng tới 2015

Tổng số cán bộ tới 2015

Số cán bộ các tuyến trong giai đoạn

Số cán bộ các tuyến thêm hàng năm

Kì vọng toàn quốc

Tỉ lệ kì vọng tới 2020

Tổng số cán bộ tới 2020

Số cán bộ các tuyến trong giai đoạn

Số cán bộ các tuyến thêm hàng năm

 

DÂN SỐ (người)

1.268.966

1.390.000

1.570.000

1

Số cán bộ y tế/10.000 dân

 

 

 

44

6.091

1.401

280

 

46

7.203

1.112

222

2

Tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân

807

6,75

7,0

7,39

1046

332

83

>8

8,50

1360

255

66

3

Tỷ lệ dược sỹ đại học/10.000 dân

50

0,39

1,0

0,50

73

39

10

2,5

1,00

160

88

21

4

Tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ trong các cơ sở điều trị

 

 

3,5

2,1

1404

645

160

3,5

2,2

2992

1589

108

5

Cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên, trong đó:

1113

 

 

28%

1693

760

190

 

35%

2512

819

164

5,1

Đại học

815

 

 

70,1%

1187

500

125

 

67,9%

1706

519

104

5,2

Sau đại học

298

 

 

29,9%

506

260

65

 

32,1%

806

300

60

 

Cán bộ CKI, ThS

266

 

 

92,2%

457

240

60

 

89,0%

717

260

52

 

Cán bộ CKII, TS

32

 

18%

9,7%

49

20

5

 

11,0%

89

40

8

6

Trạm y tế có bác sĩ

178

69,8

80%

90%

236

67

17

>80%

100%

262

26

5

7

Trạm y tế có Y sĩ sản nhi và NHS

262

100

100%

100%

262

 

 

100%

100%

262

0

 

8

Trạm y tế có cán bộ làm Y dược học CT

35

 

80%

80%

210

182

45

100%

100%

262

52

10

9

Trạm y tế có cán bộ dược

64

 

100%

80%

210

157

39

100%

100%

262

52

10

10

Xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế

89

34

60%

80%

210

52

13

80%

90%

236

26

5