ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 771/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 21 tháng 4 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018;
Căn cứ Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 97/TTr-SNN ngày 11/4/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ” áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ
(Kèm theo Quyết định số: 771/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)
I. Phạm vi áp dụng: Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ được áp dụng để tổ chức sản xuất lúa hữu cơ theo: TCVN 11041-2: 2017 (Trồng trọt Hữu cơ) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
1. Duy trì và tăng độ phì của đất tự nhiên, sự ổn định và tơi xốp của đất, chống xói mòn đất và giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng chủ yếu qua hệ thống sinh thái đất;
2. Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc nông nghiệp;
3. Tái chế chất thải, các phụ phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật làm nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt;
4. Có tính cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất;
5. Duy trì sức khỏe cây trồng bằng các biện pháp phòng ngừa;
6. Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh;
7. Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ;
8. Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.
1. Vùng sản xuất lúa hữu cơ:
- Phải quy hoạch vùng sản xuất tập trung, có diện tích tối thiểu 05 ha; có bờ thửa, bờ giường, có đường giao thông nội đồng đảm bảo vận chuyển phân, giống/mạ hoặc máy móc cơ giới hóa;
- Chủ động tưới, tiêu;
- Phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ; cách xa khu dân cư; Riêng khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang phải cách vùng sản xuất tối thiểu 500 m.
2. Chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ
- Giai đoạn chuyển đổi sản xuất hữu cơ là 12 tháng cho đến khi gieo, cấy vụ mới;
- Thời điểm bắt đầu chuyển đổi là ngày ghi nhận việc quản lý sản xuất hữu cơ trong hồ sơ hoặc ngày mà tổ chức chứng nhận chấp nhận đơn đăng ký;
- Giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài khi trong hồ sơ ghi nhận có sử dụng các loại vật tư cấm trong sản xuất hữu cơ hoặc có thể rút ngắn khi trong hồ sơ ghi nhận trước đó đã sử dụng các loại vật tư phù hợp với sản xuất hữu cơ (thời gian rút ngắn không quá 6 tháng).
3. Đất sản xuất: Phải đáp ứng theo quy chuẩn quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng (QCVN 03-MT:2015/BTNMT) và quy chuẩn quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất (QCVN 15: 2008/BTNMT).
4. Nguồn nước tưới:
- Phải sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây lúa và tránh lãng phí;
- Nước sử dụng phải đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2018/BTNMT);
- Phải bảo vệ nguồn nước để tránh bị ô nhiễm.
5. Phân bón, thuốc BVTV:
- Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục (phân compost), phân vi sinh (trừ những phân vi sinh có chứa thành phần vô cơ), phân khoáng từ nguồn tự nhiên (tro thực vật, vôi, bột đá, ...); Các chất được quy định trong Bảng A.1 được dùng để bón cho lúa hữu cơ; Bảng A.2 - Các chất dùng để kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh hại cây trồng trong Phụ lục A tiêu chuẩn TCVN 11041-2: 2017; Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.
- Tuyệt đối không sử dụng phân tươi, phân ủ từ rác thải đô thị, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali, NPK...), thuốc BVTV hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gen (ngô, đậu tương... biến đổi gen) để ngâm ủ sử dụng trong sản xuất lúa hữu cơ; Các nguyên vật liệu làm chế phẩm để sản xuất lúa hữu cơ phải có nguồn gốc rõ ràng;
- Các thiết bị, dụng cụ dùng cho sản xuất hữu cơ, trước khi sử dụng phải được vệ sinh sạch, tránh tình trạng ô nhiễm chéo các hóa chất từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ. Dụng cụ, bình bơm phun thuốc được sử dụng trong canh tác thông thường không được sử dụng cho sản xuất lúa hữu cơ.
6. Giống lúa
- Sử dụng giống lúa có phẩm cấp (từ giống cấp xác nhận trở lên), có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, thị trường và nhu cầu người tiêu dùng;
- Không sử dụng giống biến đổi gen;
- Ưu tiên sử dụng giống lúa được sản xuất hữu cơ (giống hữu cơ).
7. Người trực tiếp sản xuất: Phải được tập huấn kỹ thuật và sản xuất theo quy trình trong thời gian sản xuất.
8. Ghi chép hồ sơ
Trong quá trình sản xuất lúa hữu cơ, cá nhân, tổ chức sản xuất cần tuân thủ đúng quy định về việc ghi chép nhật ký, hồ sơ và lưu giữ theo quy định.
9. Quản lý chất thải đồng ruộng
- Tuyệt đối không vứt vỏ bao bì thuốc BVTV, giống, phân bón ngoài đồng ruộng. Phải thu gom và bỏ vào bể chứa để có biện pháp xử lý;
- Sau khi thu hoạch, rơm, rạ nên được giữ lại trên đồng ruộng để làm phân hữu cơ vi sinh. Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học như Emina, Bioem, EM, Nấm đối kháng Trichoderma... để xử lý, ủ phân nhằm đảm bảo quá trình phân hủy tàn dư thực vật được nhanh và triệt để.
- Tùy theo đặt hàng của đơn vị liên kết thu mua hoặc nhu cầu sử dụng để lựa chọn giống lúa phù hợp đưa vào sản xuất;
- Giống lúa đưa vào sản xuất phải đảm bảo theo QCVN 01- 54:2011/BNNPTNT - Quy chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn kỹ thuật hạt giống lúa;
- Khuyến khích sử dụng các giống lúa thuần chất lượng cao, các giống đặc sản, không sử dụng giống biến đổi gen (GMO);
- Lượng giống sử dụng/ha tùy theo đặc tính từng giống, khuyến cáo mức bình quân: 70-80 kg/ha.
Trên cơ sở Thông báo lịch thời vụ hàng năm của Sở Nông nghiệp và PTNT, lịch thời vụ của UBND các huyện, thị xã, thành phố/Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng kinh tế để áp dụng phù hợp với thực tế của địa phương.
- Sau thu hoạch lúa cần cày vùi gốc rạ, kết hợp bón vôi để gốc rạ hoai mục, tiêu diệt cỏ dại, làm mất nơi cư trú của sâu bệnh và hạn chế sự lây lan nguồn bệnh từ vụ trước cho vụ sau;
- Đất phải được cày sâu hợp lý từ 20-25 cm, cày 2 lần (cày bệ và cày trở), bừa kỹ nhiều lượt để sạch cỏ, nhuyễn bùn để rễ ăn sâu, hạn chế đổ ngã, giúp cây lúa phát triển thuận lợi;
- Mặt ruộng phải san bằng phẳng, tránh nơi cao nơi thấp khó điều tiết nước tưới, ảnh hưởng đến cây lúa và khống chế cỏ dại. Bốn phía quanh bờ phải vét rảnh sâu để giữ nước giúp ruộng luôn luôn đủ ẩm.
- Phải tạo bờ lăn, đường bồ để giữ nước, dẫn nước và hạn chế mất nước.
- Nên tiến hành tạo băng, băng có chiều rộng khoảng 2-2,5 m để tạo rãnh thoát nước xung quanh ruộng.
IV. Ngâm, ủ và xử lý hạt giống:
- Trong quá trình bảo quản, giống sẽ hút nước từ trong không khí và làm tăng thêm thủy phần trong hạt giống; Trước khi ngâm ủ giống cần được phơi lại 1-2 nắng nhẹ, nhằm tăng khả năng hút nước, kích thích phôi mầm để tăng tỷ lệ và sức nảy mầm;
- Cần xử lý giống bằng nước ấm 54°C (3 sôi 2 lạnh) trong thời gian từ 15-20 phút để kích thích giống nảy mầm và phòng trừ nấm bệnh trên vỏ hạt; sau đó ngâm tiếp hạt giống bằng nước sạch từ 36- 48 giờ (tùy giống và mùa vụ) đến khi hạt hút no nước (Bẻ đôi hạt thóc kiểm tra thấy trong hoàn toàn), trong quá trình ngâm chú ý thay nước hàng ngày để tránh chua; khi ngâm cần loại bỏ những hạt lép lửng triệt để, nhằm đảm bảo sức sống cho cây mạ về sau;
- Sau khi hạt đã hút đủ nước, rữa sạch, để ráo, đem ủ. Tùy mùa vụ, phương thức gieo cấy để điều tiết, nhiệt độ đảm bảo hạt nảy mầm đều, chiều dài mầm và rễ phù hợp. Lưu ý trong quá trình ủ, cần kiểm tra đảo giống qua nước sạch để khỏi bị chua và khô, giúp hạt nảy mầm đều.
V. Phương thức gieo, cấy: Để quản lý cỏ dại trong sản xuất lúa hữu cơ, khuyến cáo các địa phương áp dụng phương thức cấy hoặc sạ cụm.
1. Phương pháp cấy bằng máy:
a. Chuẩn bị giá thể mạ khay;
Chọn đất sạch hoặc giá thể khác phù hợp, có nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu sản xuất hữu cơ.
b. Gieo mạ khay:
- Tuân thủ theo kỹ thuật của nhà sản xuất máy gieo hạt đảm bảo độ đồng đều trên khay;
- Tùy vào từng vụ để xác định tuổi mạ đưa ra cấy, đảm bảo mạ cao 12 -15cm và cây mạ đạt 2,5-3 lá.
c. Làm đất cho ruộng cấy:
Đất trước khi cấy cần được làm kỹ, nhuyễn, phẳng. Giữ nước trong ruộng khi cấy từ 1 -3 cm để đảm bảo tốc độ vận hành của máy, sau khi cấy xong khoảng 2 ngày đưa và giữ nước từ 3-5 cm trên mặt ruộng để tạo điều kiện cho lúa nhanh bén rễ hồi xanh và hạn chế cỏ dại.
d. Kỹ thuật cấy
- Cấy đạt 2-3 dảnh/khóm;
- Mật độ cấy: Tùy từng chân đất để bố trí mật độ cấy phù hợp. Khuyến cáo mật độ cấy từ 35-40 khóm/m2.
2. Phương pháp gieo sạ: Có thể sạ lan, sạ hàng hoặc sạ cụm. Ưu tiên sử dụng phương pháp sạ hàng, sạ cụm để thuận tiện cho công tác chăm sóc, làm cỏ, bón phân và tiết kiệm giống, nhân công chăm sóc.
1. Bón phân: Căn cứ hướng dẫn của nhà sản xuất, tính chất đất của các địa phương, đặc tính và tình hình sinh trưởng và phát triển các giống lúa để tính toán lượng phân bón và thời kỳ bón phù hợp, đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại.
2. Điều tiết nước: Áp dụng biện pháp kỹ thuật điều tiết nước trong canh tác lúa cải tiến SRI theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.
3. Quản lý cỏ dại và dịch hại
3.1. Quản lý cỏ dại: Cần làm đất kỹ và điều tiết nước trên ruộng phù hợp để khống chế cỏ dại. Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học để phun trên ruộng lúa sản xuất hữu cơ. Các biện pháp cụ thể như sau:
- Làm đất kỹ và tạo mặt ruộng bằng phẳng;
- Sau làm đất cần kịp thời cho nước vào ngâm ruộng từ 7-10 ngày để tiêu diệt mầm cỏ dại trong đất, mực nước đảm bảo tối thiểu 3-5cm; khi gieo/cấy điều tiết nước phù hợp;
- Thực hiện các biện pháp làm cỏ thủ công, làm cỏ sục bùn sớm để vừa khống chế cỏ dại, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển.
3.2. Quản lý dịch hại
Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) chặt chẽ trong từng khâu kỹ thuật, đảm bảo hạn chế sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại chính. Tùy theo tình hình và mức độ gây hại của sâu bệnh có thể dùng thuốc trừ dịch hại có trong Bảng A.2 - Các chất dùng để kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh hại cây trồng trong Phụ lục A tiêu chuẩn TCVN 11041-2: 2017 để phun trừ. Lưu ý sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng cách).
a) Chuột hại:
- Biện pháp canh tác: Gieo cấy đúng lịch thời vụ, tập trung; tiến hành vệ sinh, phát quang bờ bụi, hạn chế nơi ẩn náu, sinh sản của chuột;
- Biện pháp thủ công: Sử dụng các loại bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy lồng,... hoặc đào bắt thủ công; Sử dụng biện pháp đào bắt trước khi vào vụ sản xuất, và thường xuyên liên tục; tổ chức diệt chuột trong các đợt lũ lụt là biện pháp quan trọng để hạn chế chuột hại;
- Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch như mèo, rắn, chim cú,... hoặc biện pháp bẫy cây trồng (gieo cấy sớm một diện tích lúa để dẫn dụ chuột đến để bắt, tiêu diệt).
b) Ốc bươu vàng:
- Biện pháp thủ công: Đặt lưới quản lý nguồn nước đầu vào, bắt bằng tay ổ trứng và ốc. Có thể dùng lá cây, xơ mít, ... thả xuống ruộng dẫn dụ ốc tập trung để thu gom dễ dàng hơn;
- Biện pháp canh tác: Cày bừa kỹ, làm rãnh trên ruộng kết hợp với điều tiết nước để tập trung ốc, thuận tiện cho việc thu gom;
- Nếu mật độ ốc cao có thể sử dụng chế phẩm thảo mộc BOURBO 8.3 BR và TICTACK 13.2 BR để rắc. Liều lượng và cách sử dụng tuân thủ hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
c) Sâu đục thân:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ, cày lật gốc rạ, kèm theo ngâm nước (ngâm dầm) sớm để diệt nhộng;
- Biện pháp thủ công: Kiểm tra và ngắt bỏ ổ trứng của sâu, dùng bẫy đèn để bắt trưởng thành;
- Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển thiên địch như ong ký sinh đèn lồng, ong vàng bắt mồi,... có thể trồng các loại hoa có màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để thu hút và làm nơi trú ngụ cho các loại thiên địch;
- Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun trừ khi mật độ, tỷ lệ hại của sâu cao nên sử dụng các loại thuốc có trong Bảng A.2 để phòng trừ có thể dùng các thuốc được Chứng nhận OMRI để phòng trừ như: AZTron 35 WG (thuốc Vi sinh).
d) Sâu cuốn lá:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại. Gieo cấy tập trung, không cấy quá dày;
- Biện pháp thủ công: Dùng vợt bắt bướm;
- Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển thiên địch như ong ký sinh đèn lồng, ong vàng bắt mồi, các loại nhện, bọ rùa ... có thể trồng các loại hoa có màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để thu hút và làm nơi trú ngụ cho các loại thiên địch;
- Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc để phun trừ khi mật độ, tỷ lệ hại của sâu cao như Neem-Nim Xoan Xanh Green 0.3 EC (chiết xuất từ cây xoan neem), GC Mite 70 SL (Dầu đinh hương + dầu hạt bông + dầu tỏi), AZTron 35 WG (thuốc Vi sinh)...
e) Rầy nâu, rầy lưng trắng:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, sử dụng giống lúa kháng rầy, gieo cấy tập trung, né rầy;
- Biện pháp thủ công: Dùng bẫy đèn để dự báo cao điểm phát sinh rầy;
- Biện pháp sinh học: Bảo vệ và phát triển thiên địch như ong kiến ký sinh, bọ xít mù xanh, các loại nhện, bọ rùa ...;
- Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun trừ khi mật độ, tỷ lệ hại của sâu cao như Neem-Nim Xoan Xanh Green 0.3 EC (chiết xuất từ cây xoan neem), GC Mite 70 SL (Dầu đinh hương+ dầu hạt bông + dầu tỏi), AZTron 35 WG (thuốc Vi sinh)...
f) Bệnh đạo ôn
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại để diệt trừ mầm bệnh; sử dụng giống lúa kháng bệnh hoặc ít nhiễm;
- Biện pháp sinh học: Có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh dịch hại có trong Bảng A.2 các loại thuốc gốc đồng, nấm đối kháng Bacillus subtilis để phun trừ khi bệnh phát sinh, gây hại;
g) Bệnh khô vằn:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm đất sớm, làm sạch cỏ dại để diệt trừ mầm bệnh; sử dụng giống lúa kháng bệnh hoặc ít nhiễm;
- Biện pháp dùng thuốc trừ dịch hại: Có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh dịch hại có trong Bảng A.2 như các loại thuốc gốc đồng, nấm đối kháng Trichoderrma để phun trừ khi bệnh phát sinh, gây hại.
h) Bệnh bạc lá vi khuẩn:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại để diệt trừ mầm bệnh; chọn giống lúa kháng chịu bệnh, sạch bệnh, xử lý giống trước khi gieo cấy.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là sau những đợt mưa dông. Khi thay bệnh xuất hiện, luôn giữ đủ nước trong ruộng, có thể sử dụng thuốc trừ bệnh có trong Bảng A.2 như các loại thuốc gốc đồng để phun trừ.
VII. Thu hoạch, phơi (sấy), bảo quản
1. Thu hoạch:
- Thu hoạch đúng độ chín (lúa chín 90-95%) để hạn chế thất thoát rơi rụng;
- Cần vệ sinh máy móc trước khi thu hoạch, đảm bảo không có sự lẫn tạp giữa sản phẩm hữu cơ và không hữu cơ, đồng thời cần đảm bảo các máy móc, thiết bị phục vụ thu hoạch không gây rò rỉ nhiên liệu; Sử dụng bao bì mới hoặc bao bì sạch để đựng lúa;
- Phương tiện vận chuyển lúa từ nơi thu hoạch về bãi phơi/sấy: Vệ sinh phương tiện vận chuyển trước khi sử dụng, làm sạch thùng xe chở lúa. Kiểm soát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển, tránh lẫn lộn giữa lúa hữu cơ và các lúa phi hữu cơ.
2. Phơi (sấy)
- Phơi theo phương pháp truyền thống: Không phơi ở ngoài đồng, tuyệt đối không phơi lúa trên đường giao thông. Phải có sân phơi lúa hữu cơ chuyên biệt, ở nơi an toàn, sạch sẽ, có tấm lót bên dưới. Dụng cụ phơi phải được làm sạch, đảm bảo không gây ô nhiễm lên lúa trong quá trình phơi;
- Sấy: Lò sấy được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Lúa sau khi thu hoạch phải vận chuyển ngay về lò sấy và tiến hành sấy ở nhiệt độ không quá 45 độ C, trong thời gian từ 18 đến 24 giờ;
Lúa được phơi (sấy) xuống độ ẩm khoảng 14% và quạt sạch lúa lép, tạp chất, để đưa vào sử dụng, bảo quản.
3. Bảo quản hạt lúa:
Yêu cầu chung: Việc bảo quản lúa phải đảm bảo duy trì được chất lượng của lúa gạo, về độ ẩm, màu sắc, hương vị nhưng không được sử dụng các hóa chất bảo quản, hóa chất diệt côn trùng, chuột bọ. Cụ thể:
- Để lúa nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ phòng tốt nhất dưới 35 độ C;
- Dùng bao mới, bao sạch để đựng lúa; Vệ sinh thùng đựng, bồn chứa lúa sạch sẽ trước khi sử dụng;
- Khu vực bảo quản lúa phải được cách ly, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có diện tích phù hợp, vệ sinh sạch sẽ, thông gió và được bổ sung các biện pháp quản lý dịch hại cơ học như bầy chuột, bẫy côn trùng, keo dính...;
- Tuyệt đối không được sử dụng các chất bảo quản, phụ gia đối với lúa hữu cơ;
- Thường xuyên vệ sinh kho bãi, kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm lúa, màu sắc vỏ lúa, côn trùng, chuột bọ… trong kho lúa để có biện pháp xử lý phù hợp./.
- 1 Nghị quyết 01/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 2 Kế hoạch 109/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 3 Nghị quyết 72/NQ-HĐND về chấp thuận hủy bỏ công trình, dự án; điều chỉnh và bổ sung danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa sang mục đích khác năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định
- 4 Kế hoạch 127/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2023
- 5 Quyết định 2930/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt kết quả thực hiện nhiệm vụ “Xác định vùng sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
- 6 Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2024 tăng cường sự lãnh đạo và hợp tác trong liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị và xuất khẩu gạo bền vững trên địa bàn các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh do Thành phố Cần Thơ ban hành