Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7982/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 02 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG ĐÁNH BẮT HẢI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020"

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 8329/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản thành phố đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 13-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng và Quyết định số 9763/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1067/TTr-SNN ngày 31 tháng 8 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung: Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân thành phố Đà Nẵng, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi, giải quyết việc làm nâng cao đời sống của ngư dân; gắn khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015:

+ Phát triển đội tàu 90cv trở lên đạt khoảng 300 chiếc, trong đó tàu dịch vụ hậu cần 10 chiếc.

+ Sản lượng đánh bắt hải sản tăng bình quân hằng năm ở mức 5-7%/năm.

+ 100% thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo.

+ 30% tàu cá từ 400cv trở lên được trang bị thiết bị hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm sau khai thác.

- Đến năm 2020:

+ Phát triển đội tàu công suất từ 90cv trở lên khoảng 400 chiếc, trong đó, có 3-5% số tàu công suất từ 90cv trở lên làm dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa bờ;

+ Sản lượng đánh bắt hải sản tăng bình quân hằng năm ở mức 7-10%;

+ Nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch đạt từ 10-20% so với năm 2012;

+ 70% tàu cá công suất từ 400cv trở lên được trang bị thiết bị hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm như: máy dò ngang, tời thu lưới, máy định vị vệ tinh...

II. Nội dung nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản

1. Đóng mới, cải hoán tàu thuyền và giảm tàu ven bờ

Ưu tiên đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn (đặc biệt đối với tàu có công suất 400cv trở lên) nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ; giảm dần tàu đánh bắt ven bờ.

2. Chuyển đổi nghề khai thác

Cơ cấu nghề chuyển đổi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiềm năng nguồn lợi thủy sản, ưu tiên một số nghề như: lưới rê, nghề câu, lưới vây; tiến đến không còn nghề cấm hoạt động trên các vùng biển.

3. Nâng cao năng lực lao động

- Nâng cao nhận thức của ngư dân về trang bị những điều kiện đảm bảo an toàn cho người, tàu cá khi tham gia đánh bắt hải sản;

- Nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, an ninh quốc gia trên các vùng biển;

- Đào tạo nghề, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề và các quy định liên quan đến lao động đánh bắt hải sản.

4. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đánh bắt hải sản

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các mô hình sử dụng trang thiết bị kỹ thuật cho ngư dân trong đó đặc biệt chú trọng bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

5. Phát triển dịch vụ hỗ trợ đánh bắt hải sản xa bờ

- Hình thành các đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển;

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá gồm cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, chợ cá...;

- Tổ chức liên kết trong các tổ, đội để tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

6. Tăng cường quản lý nhà nước về đánh bắt hải sản

- Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản ở các phường nghề cá;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đánh bắt hải sản tại các cơ quan quản lý nhà nước;

- Xây dựng và triển khai công tác phối hợp của các ngành đối với quản lý đánh bắt hải sản;

- Ban hành các văn bản quản lý nhà nước về đánh bắt hải sản trên địa bàn thành phố.

III. Giải pháp thực hiện

1. Ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân nhằm nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản

Một số chính sách từ năm 2012 gồm:

- Hỗ trợ đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 400cv theo Quyết định số: 7068/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2012.

- Hỗ trợ phí mua bảo hiểm thuyền viên cho chủ phương tiện tàu cá có tổng công suất máy chính từ 50cv trở lên.

- Tùy tình hình ngân sách các năm đến, UBND thành phố sẽ xem xét ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ cho từng thời kỳ phù hợp với định hướng phát triển thủy sản của thành phố.

2. Giải pháp tuyên truyền, phổ biến

- Tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác hải sản trên các vùng biển.

- Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể.

3. Giải pháp kỹ thuật

- Lựa chọn giải pháp kỹ thuật cho đóng mới tàu cá bao gồm vật liệu, trang bị kỹ thuật (hàng hải, an toàn, hầm bảo quản sản phẩm, máy móc thiết bị...), cơ khí hóa nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả lao động, đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa đội tàu khai thác.

- Từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản, đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện tại, đảm bảo an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển như vỏ tàu bằng sắt, vật liệu mới...

- Nghiên cứu các nghề khai thác có hiệu quả trong nước và các nước trong khu vực để phổ biến, hướng dẫn ngư dân tổ chức sản xuất.

- Vận động ngư dân chuyển nghề khai thác đối với các nghề làm ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

- Xây dựng và chuẩn hóa đội tàu đánh bắt xa bờ theo đúng quy định về vỏ tàu, máy và các trang bị ngư cụ, trang thiết bị hàng hải phù hợp với từng loại nghề, đối tượng khai thác vùng biển xa bờ.

4. Giải pháp về lao động

- Hằng năm tổ chức đào tạo, tập huấn cho ngư dân; chuyển giao công nghệ, nghề khai thác mới có hiệu quả cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân có khả năng tiếp cận, sử dụng thành thạo các công nghệ mới, các trang thiết bị hiện đại đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

- Ban hành chính sách hỗ trợ lao động phát triển như: hỗ trợ phí mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm y tế.

- Ban hành cơ chế quản lý lao động trên biển.

5. Giải pháp tổ chức sản xuất (liên kết, cung ứng, dịch vụ hậu cần, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm)

- Tổ chức sản xuất theo tổ, đội (tổ hợp tác); trao đổi kinh nghiệm, tạo cơ hội để ngư dân học hỏi lẫn nhau; xây dựng cầu nối giữa ngư dân các phường, các quận với nhau.

- Xây dựng đồng bộ dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá, động viên phát triển tàu dịch vụ hậu cần trên biển, tiến tới thành lập các doanh nghiệp phát triển khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển.

- Tổ chức liên kết giữa nhà máy chế biến, chủ nậu và chủ tàu cá để cải thiện giá bán sản phẩm.

- Từng bước đưa chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang hoạt động theo hình thức đấu giá sản phẩm khai thác.

- Hỗ trợ, khuyến khích phát triển các Hội nghề nghiệp theo từng lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Xây dựng cầu cảng tại các Trạm kiểm soát của biên phòng tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

6. Giải pháp quản lý Nhà nước

- Tăng cường quản lý hoạt động đánh bắt hải sản; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác thủy sản trái phép ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái.

- Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến quản lý nhà nước về khai thác thủy sản.

- Đảm bảo số lượng cán bộ quản lý thủy sản tại các phường nghề cá.

7. Giải pháp về vốn

- Vốn tự có: huy động vốn của ngư dân, huy động vốn góp của lao động,...

- Vốn vay: ngư dân vay vốn trực tiếp tại các ngân hàng.

- Vốn ngân sách: Ngân sách hỗ trợ thông qua các chính sách hỗ trợ ngư dân.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. Dự kiến kinh phí thực hiện

(Đính kèm Phụ lục)

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với UBND các quận ven biển và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đề án;

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương dự trù kinh phí thực hiện hàng năm trình UBND thành phố thông qua Sở Tài chính;

- Theo dõi, tổng kết tình hình thực hiện đề án báo cáo UBND thành phố.

2. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố

Theo dõi, chỉ đạo kịp thời công tác cứu nạn, cứu hộ đối với tàu thuyền;

Đề xuất hỗ trợ ngư dân trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu khai thác, dịch vụ khai thác hải sản.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập các dự án đầu tư, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng nghề cá trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá, đề xuất bố trí vốn chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện đào tạo chuyển đổi nghề khai thác có hiệu quả cho ngư dân.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố cân đối, bố trí kinh phí thực hiện đề án.

5. Sở Khoa học Công nghệ

Ưu tiên vốn thuộc chương, trình KHCN, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương để ứng dụng kịp thời công nghệ mới vào khai thác, bảo quản sản phẩm.

6. Đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố

Kết nối thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu đang hoạt động trên biển; tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi xuất bến đi khai thác;

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý tàu thuyền, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển;

Tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành quy định của pháp luật, chủ trương của UBND thành phố nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản và thực hiện bảo vệ chủ quyền quốc gia.

7. Đề nghị Hội Nông dân thành phố

- Tổ chức tuyên truyền cho các hội viên nông dân thực hiện các nội dung của đề án được phê duyệt; ưu tiên kinh phí từ các nguồn để ngư dân vay mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán tàu cá,…;

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho ngư dân.

8. Ủy ban nhân dân các quận ven biển

- Phối hợp với các Sở chuyên ngành xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực đánh bắt hải sản trên địa bàn quản lý;

- Tăng cường cán bộ quản lý nghề cá tại các phường để theo dõi và hỗ trợ ngư dân thực hiện các nội dung của đề án;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và phát triển tàu cá tại địa phương; hằng năm tổ chức tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện đề án gửi về UBND thành phố thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các quận: Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và Thủ trưởng các tổ chức, các cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch và các PCT;
- BCH Bộ đội BP Tp;
- Hội Nông dân Tp;
- Lưu: VT, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phùng Tấn Viết

 

PHỤ LỤC –

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN
(Ban kèm theo Quyết định số: 7982/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2012 của UBND thành phố Đà Nẵng)

ĐVT: Tỷ đồng

STT

Nội dung

Vốn thực hiện đề án

Tổng số

Phân nguồn

Giai đoạn 2012-2015

Giai đoạn 2016-2020

Tự có, vay

NS

Tự có, vay

NS

Tự có, vay

NS

1

Đóng mới, cải hoán tàu thuyền

588,00

512,50

75,50

177,50

29,25

335,00

46,25

2

Chuyển đổi nghề khai thác

245,00

245,00

 

95,00

 

150,00

 

3

Nâng cao năng lực lao động (hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, đào tạo, tập huấn...)

64,00

59,00

5,00

20,00

2,00

39,00

3,00

4

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác hải sản (Thông qua các mô hình khuyến ngư, ứng dụng tiến bộ KHKT...)

74,00

64,00

10,00

14,00

3,00

50,00

7,00

5

Phát triển dịch vụ hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm (Nâng cấp Âu thuyền và CC Thọ Quang, đầu tư hạ tầng nghề cá, tổ chức liên kết...)

139,00

89,00

50,00

19,00

20,00

70,00

30,00

6

Quản lý nhà nước về đánh bắt hải sản (kiện toàn hệ thống quản lý cấp phường, ứng dụng công nghệ thông tin,...)

2,2

 

2,2

 

1,0

 

1,2

 

Tổng cộng

1.112,2

969,5

142,7

248,05

55,25

644

87,45