ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/2010/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 12 năm 2010 |
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN, CỨU HỘ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương;
Căn cứ Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 118/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa;
Căn cứ Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương;
Căn cứ Thông tư số 92/2009/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa;
Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 44/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tại Tờ trình số 390/TTr-PCLB ngày 04 tháng 11 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN, CỨU HỘ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2010/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định hoạt động của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (chuyên trách và bán chuyên trách) tại thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động và làm việc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động ngoại giao hoặc những nước có điều ước riêng.
Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tìm kiếm là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn.
2. Cứu nạn là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, thực hiện các biện pháp y tế ban đầu và đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
3. Cứu hộ là các hoạt động cứu phương tiện, tài sản thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) phương tiện đang bị nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ là tổng hợp các biện pháp tổ chức chỉ huy, điều hành lực lượng, phương tiện để xử lý, ngăn chặn, khắc phục tình trạng nguy hiểm do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra.
5. Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng ngày là các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với những trường hợp sự cố tai nạn nguy hiểm xảy ra trong hoạt động sản xuất và đời sống xã hội hàng ngày.
6. Phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ là sự thống nhất hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
7. Thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, xả lũ, mưa lớn, mưa đá, triều cường, giông sét, lốc xoáy, vòi rồng, sạt lở, nước dâng, động đất, sóng thần.
8. Tai nạn, thảm họa bao gồm: tai nạn máy bay, tai nạn tàu thuyền trên biển, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hầm, sập đổ nhà cao tầng, công trình xây dựng, sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, sự cố bức xạ…
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ
1. Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành khẩn trương, kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư, kinh phí tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Sử dụng mọi nguồn lực (nhân lực, vật lực) để nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ưu tiên các hoạt động cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
2. Chủ động xây dựng các phương án, kịch bản chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thích ứng cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo từng tình huống thiên tai, tai nạn, thảm họa và thích hợp theo từng địa bàn khu vực xảy ra sự cố.
3. Đảm bảo sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện trong suốt quá trình tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
4. Khi sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ban đầu; đồng thời phải báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp trên để kịp thời chi viện ứng cứu.
5. Trong mọi trường hợp sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra thì người chỉ huy cao nhất hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường (là Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoặc thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp) được ủy quyền điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.
6. Trong trường hợp vượt quá khả năng của thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
7. Đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Điều 4. Hệ thống tổ chức chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ
1. Cấp thành phố:
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy, điều hành: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.
2. Cấp quận - huyện:
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn quận - huyện.
b) Cơ quan chỉ huy, điều hành: Ban Chỉ huy Quân sự quận - huyện, Công an quận - huyện, Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quận - huyện.
3. Cấp phường - xã, thị trấn:
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn phường - xã, thị trấn.
b) Cơ quan chỉ huy, điều hành: Ban Chỉ huy Quân sự phường - xã, thị trấn, Công an phường - xã, thị trấn.
CHỈ HUY, ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 5. Cơ quan chỉ huy, điều hành ứng phó tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống cơ bản
1. Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, xả lũ, mưa lớn, mưa đá, triều cường, giông sét, lốc xoáy, nước dâng, sạt lở, sự cố vỡ đê:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở - ngành có liên quan.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thanh niên xung phong, dân phòng, dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên, y tế, Chữ thập đỏ… và các lực lượng khác tại các đơn vị, địa phương.
c) Phương tiện, trang thiết bị: máy bay trực thăng, các loại ca nô, tàu, xuồng, xe chuyên dụng, áo phao, nhà bạt cứu sinh, phao cứu sinh các loại, cưa máy, máy đục, cắt bê tông…
2. Cháy rừng:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện có rừng.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn có rừng.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an, Quân đội, Kiểm lâm, y tế, dân phòng, dân quân tự vệ.
c) Phương tiện, trang thiết bị: xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, máy xúc, xe chuyên dùng, máy bay trực thăng.
3. Cháy lớn khu dân cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy, xí nghiệp, đường ống dẫn khí, kho xăng dầu:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Khu Công nghệ cao.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an, Quân đội, y tế, Chữ thập đỏ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng, dân quân tự vệ, Thanh niên xung phong.
c) Phương tiện, trang thiết bị: xe chữa cháy, xe cứu hộ, xe thang, máy bơm, máy hút khói, xe cấp cứu, các phương tiện thoát nạn.
4. Động đất, sóng thần, sập đổ nhà cao tầng, công trình ngầm, công trình xây dựng:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Quân đội, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, y tế, Chữ thập đỏ, dân quân tự vệ, Thanh niên xung phong.
c) Phương tiện, trang thiết bị: máy bay trực thăng, cầu phao, máy xúc, máy gạt, xe cẩu, xe cứu hộ, xe thang, xe nâng, kích, xe đầu kéo, tàu thuyền, máy đục, cắt bê tông, nhà bạt cứu sinh.
5. Sự cố tràn dầu:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Giao thông vận tải.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện nơi xảy ra sự cố tràn dầu.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi xảy ra sự cố tràn dầu.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, doanh nghiệp ứng cứu sự cố tràn dầu chuyên nghiệp.
c) Phương tiện, trang thiết bị: tàu, ca nô, phao quây dầu, thiết bị hút dầu.
6. Sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại và sự cố bức xạ:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Công Thương.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong.
c) Phương tiện, trang thiết bị: xe, máy đặc chủng, quần áo, mũ phòng hóa, các trang thiết bị chuyên dụng.
7. Tai nạn máy bay xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Quân đội, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong.
c) Phương tiện, trang thiết bị: máy bay trực thăng, xe cứu hộ, xe chữa cháy, các trang thiết bị chuyên dụng, phương tiện, thiết bị y tế cấp cứu.
8. Tai nạn tàu, thuyền trên biển:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.
- Huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ.
- Xã - thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn ven biển.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Bộ đội Biên phòng, Quân đội, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Thủy sản, huyện Cần Giờ.
c) Phương tiện, trang thiết bị: máy bay trực thăng, tàu chuyên dụng, ca nô, dụng cụ phương tiện cần thiết, phao cứu sinh.
9. Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt nội đô, đường sông, đường hầm:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Y tế, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện nơi xảy ra tai nạn.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi xảy ra tai nạn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Quân đội, Bộ đội Biên phòng Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong, các quận - huyện nơi địa bàn xảy ra sự cố.
c) Phương tiện, trang thiết bị: xe cấp cứu, xe cẩu, xe cứu hộ, xe nâng, ca nô, phao cứu sinh, máy cắt sắt.
10. Cháy nổ, đổ sập do các hoạt động khủng bố phá hoại:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, dân quân tự vệ, y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong.
c) Phương tiện, trang thiết bị: các phương tiện đặc chủng chống khủng bố, xe chữa cháy, xe cứu hộ, xe cứu thương…
11. Sự cố tai nạn nguy hiểm trong hoạt động sản xuất, đời sống hàng ngày (như người bị điện giật, sét đánh; người tâm thần đang trong tình trạng nguy hiểm; người đang trong tình trạng nguy hiểm dưới ao, hồ, giếng, sông, kênh, rạch…; người đang trong tình trạng nguy hiểm ở trên cao, trên mái nhà, trên cây, trên cột điện…; người bị chết đuối, tự tử; người ốm, bị bệnh, bị thương, người khuyết tật, người thiểu năng trí tuệ mà không tự thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc căn phòng, căn nhà, thang máy…).
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Y tế, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Hội Chữ thập đỏ thành phố.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an, Quân đội, y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong.
c) Phương tiện, trang thiết bị: xe cứu thương, xe cứu hộ, các thiết bị leo nhà cao tầng, thiết bị lặn, phao cứu sinh, thiết bị y tế, cấp cứu…
12. Sự cố cháy và thú nguy hiểm sổng chuồng tại các công viên, khu vui chơi giải trí và Thảo Cầm viên Sài Gòn:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Thành phố: Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y tế.
- Quận - huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Phường - xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn.
b) Lực lượng tham gia ứng cứu: Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an, Quân đội, thú y, y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong, Thảo Cầm viên Sài Gòn và các đơn vị quản lý các khu vui chơi, giải trí.
c) Phương tiện, trang thiết bị: xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, xe cứu hộ, xe cứu thương và các thiết bị chuyên dùng bắt thú…
Điều 6. Các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ
1. Công an: Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh; Công an các quận - huyện, phường - xã, thị trấn.
2. Quân sự: Trung đoàn Bộ binh 1, Đại đội Công binh, Đại đội Thông tin, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự, Đại đội 1, Phòng Tham mưu, Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật, Phòng Chính trị; Ban Chỉ huy Quân sự các quận - huyện, phường - xã, thị trấn.
3. Bộ đội Biên phòng: Hải đội 2, các Đồn Biên phòng 554, 558 và 562, lực lượng của Bộ Chỉ huy.
4. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy: Đội chữa cháy - Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quận - huyện, Đội cứu nạn cứu hộ - Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Đội cứu nạn cứu hộ - Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quận - huyện cùng Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy trên sông, Phòng cứu nạn cứu hộ - Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.
5. Giao thông vận tải: Công ty Quản lý công trình cầu phà, Công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn, Công ty Công viên cây xanh, Thảo Cầm viên Sài Gòn.
6. Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Giờ - Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hạt Kiểm lâm Cần Giờ - Chi cục Kiểm lâm.
7. Thanh niên xung phong: Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, Xí nghiệp phà Bình Khánh.
8. Y tế: các bệnh viện tuyến thành phố, quận - huyện, Trạm Y tế phường - xã, thị trấn.
9. Chữ thập đỏ: Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa, Hội Chữ thập đỏ quận - huyện, phường - xã, thị trấn.
10. Tài nguyên và Môi trường: Công ty Môi trường đô thị, Chi cục Bảo vệ môi trường.
11. Cảng vụ hàng hải Sài Gòn: các đơn vị, phòng - ban trực thuộc.
12. Hàng không: Ban Khẩn huy cứu nạn - Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam.
13. Dầu khí: Đội ứng cứu tràn dầu Cảng Cát Lái - Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh.
14. Dịch vụ công ích: các Công ty Dịch vụ công ích quận - huyện.
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỰ CỐ THIÊN TAI, TAI NẠN, THẢM HỌA
Điều 7. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện để tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người, tài sản, công trình, nhà ở ngay khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa. Ưu tiên cứu người bị nạn, thực hiện sơ cứu ban đầu và kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị. Chủ động phối hợp với các tỉnh giáp ranh, đặc biệt là các khu vực ven biển, ven sông tích cực tìm kiếm người mất tích.
Điều 8. Các sở - ngành, quận - huyện theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý, trong thời gian ngắn nhất thu dọn cây xanh, cột điện, công trình, thiết bị ngã đổ; đảm bảo giao thông, nước sạch, điện, viễn thông thông suốt; ngăn chặn lây lan hóa chất độc hại, khí độc, bức xạ hạt nhân; tiêu độc, khử trùng, phòng dịch, vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.
Điều 9. Tổ chức điều tra khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân xảy ra các sự cố tai nạn, thảm họa, đánh giá kết quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đúc kết kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả, phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra.
Điều 10. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá thiệt hại do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra theo quy định của Luật Thống kê và báo cáo cho cấp trên để chỉ đạo, quyết định các biện pháp xử lý cần thiết.
Điều 11. Các sở - ngành, quận - huyện tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống; hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ người bị nạn, nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa sớm ổn định đời sống. Tập trung lực lượng, kinh phí để nhanh chóng sửa chữa, khôi phục các công trình hạ tầng bị thiệt hại, hư hỏng, đảm bảo trong thời gian sớm nhất đưa mọi hoạt động trở lại bình thường.
CHẾ ĐỘ TRỰC BAN, THÔNG TIN BÁO CÁO
1. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các quận - huyện, phường - xã, thị trấn phân công thành viên thuộc các cơ quan: Quân sự, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thuộc địa bàn quản lý.
2. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các cơ quan chuyên trách tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thành phố thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.
3. Đối với các sở - ngành do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công cán bộ thực hiện chế độ trực ban kiêm nhiệm nhưng phải đảm bảo yêu cầu kịp thời xử lý ban đầu theo chức năng, thẩm quyền khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.
Điều 13. Chế độ thông tin báo cáo
1. Việc thông tin liên lạc giữa Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành được thực hiện bằng hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến và từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại thành phố.
2. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, sở - ngành, quận - huyện, phường - xã, thị trấn thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sơ kết, tổng kết), đột xuất về Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp trên đúng quy định.
3. Các thông tin liên quan đến sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa và hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi cấp nào thì cấp đó phải báo cáo ngay bằng điện thoại và không quá 24 giờ báo cáo bằng văn bản cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp trên.
4. Thiết lập “đường dây nóng” để cập nhật và xử lý thông tin về các sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra tại thành phố.
5. Việc thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng về sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa và kết quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo sự thống nhất và do Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp chịu trách nhiệm công bố.
Điều 14. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố
1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở - ban - ngành, quận - huyện tổ chức và triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.
2. Chủ trì cùng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố và các lực lượng khác của thành phố phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của các cơ quan, Bộ - ngành Trung ương chi viện, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Chấp hành mọi sự chỉ đạo, phân công, huy động của Bộ - ngành Trung ương khi ứng phó và khắc phục sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.
3. Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, quận - huyện thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các tình huống:
a) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở - ngành liên quan và quận - huyện tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai.
b) Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống cháy rừng thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố, các sở - ngành liên quan và quận - huyện có rừng tổ chức ứng phó khi xảy ra cháy rừng.
c) Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, các sở - ngành liên quan và quận - huyện tổ chức ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có xảy ra cháy lớn ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy, xí nghiệp…
d) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Xây dựng, các sở - ngành liên quan và quận - huyện tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi sập đổ nhà cao tầng, công trình ngầm, công trình xây dựng…
đ) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các sở - ngành liên quan và quận - huyện tổ chức ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu vùng ven biển và đường thủy nội địa.
e) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Y tế, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Khoa học và Công nghệ, các sở - ngành liên quan ứng phó, xử lý sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại và sự cố bức xạ.
g) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam, các sở - ngành liên quan tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn máy bay xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
h) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Giao thông vận tải, các sở - ngành liên quan và quận - huyện tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong tình huống tai nạn tàu, thuyền ven biển và trên đường thủy nội địa.
i) Phối hợp với Tổng Công ty Dầu khí Miền Nam, Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các sở - ngành liên quan ứng phó sự cố cháy, nổ đường ống dẫn khí, các kho xăng dầu…
k) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Y tế và các sở - ngành có liên quan tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hầm…
l) Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ thành phố và các sở - ngành có liên quan thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp xảy ra các sự cố tai nạn nguy hiểm trong hoạt động sản xuất, đời sống hàng ngày.
Điều 15. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các sở - ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra trên địa bàn thành phố.
2. Chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Điều 16. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
1. Chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ thành phố, các sở - ngành liên quan và quận - huyện thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn nguy hiểm trong hoạt động sản xuất, đời sống hàng ngày.
2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cùng các sở - ngành liên quan và quận - huyện thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống khác như: thiên tai, cháy rừng, các sự cố cháy nổ lớn ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, sập đổ nhà cao tầng, các công trình ngầm, công trình xây dựng, ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ phát tán chất độc hại, sự cố bức xạ, sự cố cháy nổ đường ống dẫn khí, các tổng kho xăng dầu, các sự cố tai nạn đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hầm…
Điều 17. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy và các sở - ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố tai nạn xảy ra trên đường thủy nội địa và ven biển thành phố.
2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy và các sở - ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống khác như: thiên tai, ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu; sự cố rò rỉ phát tán chất độc hại, sự cố bức xạ; các sự cố, tai nạn nguy hiểm trong hoạt động sản xuất, đời sống hàng ngày…
3. Chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức điều tra khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của sự cố tai nạn xảy ra; phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc trưng cầu giám định mẫu ADN theo quy định khi có các nạn nhân vô danh, chưa được gia đình nhận dạng do sự cố tai nạn chết người xảy ra trước khi mai táng.
2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy và các sở - ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống khác như: thiên tai, các sự cố cháy, nổ lớn ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp; sập đổ nhà cao tầng, các công trình ngầm, công trình xây dựng, ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu; sự cố rò rỉ phát tán chất độc hại, sự cố bức xạ; sự cố cháy, nổ đường ống dẫn khí, các tổng kho xăng dầu; các sự cố tai nạn đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hầm…
3. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Điều 19. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các sở - ngành liên quan thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các trường hợp xảy ra cháy rừng.
2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cùng các sở - ngành liên quan và quận - huyện thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai.
3. Chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Điều 20. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan, quận - huyện, các tổ chức đơn vị xử lý, ứng phó, làm sạch môi trường khi xảy ra thiên tai, cháy rừng, các sự cố cháy, nổ lớn ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp; sập đổ nhà cao tầng, các công trình ngầm, công trình xây dựng; ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu; sự cố rò rỉ phát tán chất độc hại, sự cố bức xạ; cháy nổ đường ống dẫn khí, các tổng kho xăng dầu… trên địa bàn thành phố.
Điều 21. Sở Giao thông vận tải
1. Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan, quận - huyện xử lý các sự cố sạt lở, tai nạn đường bộ, đường sắt nội đô, đường thủy nội địa, đường hầm, ngã đổ cây xanh, ngã đổ cột đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông, công trình ngầm trên địa bàn thành phố.
2. Tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên sông, ven biển và trên các luồng tuyến hàng hải, các công trình cầu, cống, đường, bến phà, tại các công viên, vườn thú…; kịp thời khắc phục hậu quả do các sự cố tai nạn gây ra.
3. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các bến phà khách ngang sông và bến thủy nội địa.
1. Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố thực hiện việc trưng cầu giám định mẫu ADN theo quy định khi có các nạn nhân vô danh, chưa được gia đình nhận dạng do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra trước khi mai táng; bảo quản và xác định danh tính nạn nhân bị thiệt mạng do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra theo đúng quy định để bàn giao cho gia đình nạn nhân lo hậu sự. Huy động lực lượng y bác sỹ, phương tiện cấp cứu, cơ số máu, cơ số thuốc cần thiết, đảm bảo việc sơ cứu ban đầu và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc mai táng các nạn nhân vô danh bị thiệt mạng do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra và có giải pháp vệ sinh làm sạch môi trường ở nơi xảy ra sự cố.
Điều 23. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì phối hợp với các sở - ngành, quận - huyện liên quan tham mưu, đề xuất chính sách, chế độ cho người tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và người bị nạn.
Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan và quận - huyện kiểm tra, đề xuất hướng xử lý các công trình xây dựng, nhà xưởng, chung cư có nguy cơ xảy ra sự cố sập đổ. Giám định chất lượng công trình thuộc phạm vi quản lý để phục vụ cho công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của sự cố tai nạn.
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện lập kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu trợ giúp, tổ chức cung ứng hàng hóa cứu trợ cho người dân ở khu vực xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng việc xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa để đầu cơ, nâng giá gây ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân.
Điều 26. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với sở - ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố cho các dự án, kế hoạch trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Tài chính đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở - ngành liên quan thẩm định và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Theo dõi và đôn đốc việc thực hiện thanh quyết toán các nguồn kinh phí tại các địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Điều 28. Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, thiết lập và đảm bảo mạng thông tin liên lạc thông suốt nhằm phục vụ kịp thời hoạt động chỉ đạo, xử lý tình huống trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
2. Đảm bảo thực hiện công tác truyền tin, thông báo chính xác kịp thời các thông tin về các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; các chủ trương, chính sách, mệnh lệnh, chỉ thị về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của Trung ương và thành phố.
Điều 29. Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố
1. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả khi có sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.
2. Phối hợp với Công an thành phố đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt khi có sự cố xảy ra tại các bến phà, cầu, tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố.
Điều 30. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố
Tổ chức lực lượng thanh niên xung kích, tình nguyện viên để tham gia hỗ trợ các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả khi có sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.
Điều 31. Hội Chữ thập đỏ thành phố
1. Chỉ đạo Trung tâm Sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả khi có sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.
2. Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các sở - ngành liên quan và quận - huyện thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các trường hợp xảy ra sự cố tai nạn nguy hiểm trong hoạt động sản xuất, đời sống hàng ngày.
Điều 32. Tổng Công ty Điện lực thành phố
1. Đảm bảo an toàn điện cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và người dân khu vực xảy ra sự cố; khẩn trương khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra.
2. Đảm bảo nguồn điện phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 và Quyết định số 44/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Điều 34. Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn
1. Kiện toàn và xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn quận - huyện, phường - xã, thị trấn.
2. Xây dựng phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
3. Chỉ đạo các đơn vị, phường - xã, thị trấn trực thuộc chủ động tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa; tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá thiệt hại theo đúng quy định, kịp thời báo cáo và đề xuất cấp trên các biện pháp xử lý, khắc phục.
NGUỒN TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH VÀ ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 35. Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ
1. Ngân sách (Trung ương, thành phố, quận - huyện, phường - xã, thị trấn) cấp theo quy định của pháp luật.
2. Các khoản hỗ trợ, viện trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
3. Các khoản thu thông qua các hợp đồng dịch vụ, đền bù của cơ quan bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
4. Nguồn kinh phí từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão (thành phố, quận - huyện).
Điều 36. Chế độ chính sách cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ
1. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Tài chính, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện thống nhất các chế độ về bồi dưỡng, phụ cấp độc hại, áp dụng theo danh mục ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm theo quy định của Nhà nước cho lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và các đơn vị thuộc sở - ngành trong thời gian trực ban và trực tiếp tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
2. Người trực tiếp tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
3. Ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Điều 37. Đầu tư trang bị cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ
1. Việc đầu tư đảm bảo các hoạt động của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác thụ hưởng từ ngân sách thành phố, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Hàng năm, ngân sách thành phố đảm bảo và bố trí riêng kinh phí cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập kế hoạch đầu tư cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
3. Công tác đầu tư cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các sở - ngành và quận - huyện, phường - xã, thị trấn được sử dụng cho các nội dung sau:
a) Các hoạt động phục vụ việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
b) Trang bị, đổi mới và hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
c) Đào tạo, huấn luyện, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp lý, diễn tập về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng chuyên nghiệp trực tiếp và kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
4. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, đóng góp trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trang bị vật tư, phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong nước; xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước.
Điều 38. Dự toán kinh phí cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ
Hàng năm, kết hợp với việc lập dự toán chi ngân sách theo kế hoạch, các sở - ngành, quận - huyện lập dự toán chi cho việc đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác điều hành, chỉ huy và hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của sở - ngành, quận - huyện; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy lập dự toán chi cho công tác đào tạo, huấn luyện, tập huấn, diễn tập phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thông qua Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 39. Khen thưởng - xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng, các nghị định, thông tư hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật.
2. Người nào có hành vi, vi phạm quy định về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cản trở các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hoặc lợi dụng công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để xâm hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung quy chế, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
- 1 Quyết định 30/2015/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 332/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2015
- 3 Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1 Quyết định 803/QĐ-UBND năm 2013 về đổi tên Ban chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy thành Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và kiện toàn Ban Chỉ đạo do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2 Nghị định 14/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương
- 3 Quyết định 44/2009/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 04/2008/QĐ-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Thông tư 92/2009/TT-BTC hướng dẫn thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm hoạ do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Quyết định 76/2009/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành trung ương và địa phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 118/2008/QĐ-TTg về Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 04/2008/QĐ-UBND quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 8 Quyết định 33/2007/QĐ-UBND quy chế về tổ chức và hoạt động của Đội Tàu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Cà Mau
- 9 Luật Đê điều 2006
- 10 Quyết định 46/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 12 Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 13 Luật Thống kê 2003
- 14 Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 15 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 16 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000
- 17 Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993
- 1 Quyết định 803/QĐ-UBND năm 2013 về đổi tên Ban chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy thành Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và kiện toàn Ban Chỉ đạo do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2 Quyết định 33/2007/QĐ-UBND quy chế về tổ chức và hoạt động của Đội Tàu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Cà Mau