Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 17 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “PHẦN MỀM QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ CÁC HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH LIÊN QUAN ĐẾN BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Thông tư số 11/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý Nhà nước về công chứng;

Thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1748/TTr-STP ngày 31 tháng 10 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Đại

 

ĐỀ ÁN

“PHẦN MỀM QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ CÁC HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH LIÊN QUAN ĐẾN BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 83/2014/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

I. Sự cần thiết ban hành Đề án và căn cứ pháp lý

1. Sự cần thiết ban hành Đề án:

Qua 06 năm thi hành Luật Công chứng và 04 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1417/2010/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt “Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”; 02 năm thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”;

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 07 tổ chức hành nghề công chứng (01 Phòng Công chứng, 06 Văn phòng công chứng) với 08 Công chứng viên; nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch ngày càng tăng; đa dạng, phức tạp và yếu tố mới trong các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hành nghề công chứng và Công chứng viên phải có sự đầu tư nhiều hơn cho hoạt động này. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng có mặt còn hạn chế, nhất là con người, trang thiết bị còn thiếu, chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; việc tra cứu, trao đổi thông tin giữa các Công chứng viên chưa được cập nhật thường xuyên, dẫn đến tình trạng một tài sản được công chứng nhiều lần ở nhiều tổ chức hành nghề công chứng khác nhau trên cùng một địa bàn, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc thiết lập phần mềm cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là cần thiết, bảo đảm hoạt động công chứng đúng quy định của pháp luật, khắc phục các hạn chế nêu trên; đảm bảo theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng: “Các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng phải được xây dựng thành cơ sở dữ liệu tin học hoá tập trung thống nhất tại Sở Tư pháp để phục vụ cho việc cung cấp thông tin trong hoạt động công chứng”; phù hợp với nội dung “Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020” của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Quy hoạch tổng thể của Chính phủ và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Căn cứ pháp lý:

a) Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

b) Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

c) Thông tư số 11/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý Nhà nước về công chứng;

d) Quyết định số 1417/2010/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”;

đ) Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”.

II. Mục tiêu của Đề án

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Thiết lập phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng (viết tắt là Module dữ liệu công chứng) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp của việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng;

b) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng, nhất là đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Thiết lập Module dữ liệu công chứng liên kết trên Trang thông tin điện tử (website) của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận nhằm cung cấp kịp thời cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh về tình trạng, hiện trạng bất động sản bị ngăn chặn, phong toả, tranh chấp hoặc hợp đồng, giao dịch đã thực hiện xong nhưng chưa đăng ký quyền sở hữu, hạn chế thiệt hại cho tổ chức, cá nhân liên quan;

b) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động công chứng;

c) Nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng và các Công chứng viên; đảm bảo 100% cán bộ, công chức theo dõi công tác này và các Công chứng viên trên địa bàn được bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin theo định kỳ và từng năm, trong suốt giai đoạn từ năm 2014 - 2020;

d) Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho hoạt động của Module dữ liệu công chứng.

III. Nội dung Đề án

1. Kỹ thuật thiết lập phần mềm quản lý và địa điểm đặt máy:

a) Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu công chứng Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận được thiết lập dựa trên cơ sở công nghệ web-base, hoạt động trên cả hai môi trường mạng cục bộ (LAN) và mạng Internet, được thiết lập theo kỹ thuật như sau:

- MS Windows 2003-2008 Server: hệ điều hành máy chủ.

- MS IIS (Microsoft Internet Information Server): Web server

- Công cụ lập trình: Microsoft .NET.

- Ngôn ngữ lập trình: C#.

- Hệ quản trị CSDL: Microsoft SQL Server phiên bản 2005 trở lên.

- Net framework 4 trở lên;

b) Địa điểm đặt máy: Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Tính năng, tác dụng:

a) Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu công chứng đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu giúp cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hành nghề công chứng cập nhật nhanh thông tin khách hàng công chứng tại điểm giao dịch của mình trên hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu công chứng Sở Tư pháp, tạo hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng chung của các tổ chức hành nghề công chứng, từ đó các tổ chức hành nghề công chứng có thể:

- Truy cập vào hệ thống bất cứ thời điểm nào với yêu cầu máy tính được kết nối Internet và quyền truy cập vào hệ thống công chứng.

- Cập nhật, chỉnh sửa các dữ liệu của từng tổ chức hành nghề công chứng trực tuyến 24/24.

- Tìm kiếm, sắp xếp, phân loại nhanh các hồ sơ công chứng trên toàn hệ thống;

b) Hệ thống dữ liệu công chứng bao gồm các trường dữ liệu sau:

- Tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng) nhận hồ sơ.

- Ngày tháng năm: thời gian nhận hồ sơ công chứng.

- Loại tài sản: phân theo loại tài sản đã được công chứng (theo quy định của Luật Công chứng).

- Mã hồ sơ: mã hồ sơ (theo cách đánh mã hồ sơ quy định của tổ chức hành nghề công chứng).

- Địa bàn: phân loại theo địa bàn (thành phố, huyện, …).

- Địa chỉ: của chủ hồ sơ công chứng (gồm số nhà, tên đường, phường, xã…).

- Số giấy chứng nhận tài sản: các vấn đề liên quan đến giấy tờ pháp lý của tài sản công chứng.

- Tên chủ tài sản: tên của chủ tài sản theo giấy tờ pháp lý.

- Địa chỉ tài sản: địa chỉ của tài sản theo giấy tờ pháp lý.

- Ghi chú tài sản: các vấn đề ghi chú liên quan đến tài sản.

- Nội dung xử lý: các nội dung xử lý của nơi tiếp nhận hồ sơ công chứng;

c) Hệ thống dữ liệu quản lý tài sản bị phong toả gồm các trường dữ liệu sau:

- Tên chủ tài sản: tên của chủ tài sản theo giấy tờ pháp lý.

- Địa bàn: phân loại theo địa bàn (thành phố, huyện, …).

- Địa chỉ tài sản: địa chỉ của tài sản theo giấy tờ pháp lý.

- Loại tài sản: phân theo loại tài sản.

- Ghi chú tài sản: các vấn đề ghi chú liên quan đến tài sản.

- Tài sản bị phong toả: thông tin liên quan đến tranh chấp, phong toả tài sản.

- Tên tổ chức, số công văn: số công văn của các cơ quan chức năng gửi đến các tổ chức hành nghề công chứng liên quan đến hồ sơ tài sản bị phong toả.

- Nơi gửi: nơi gửi công văn đến.

- Ngày công văn đến.

3. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng và chia sẻ thông tin trên Module dữ liệu công chứng:

a) Quản lý quyền truy cập:

- Hệ thống sẽ ẩn với toàn bộ các User không được phép cập nhật và xem thông tin công chứng.

- Cấp quyền cho từng tổ chức hành nghề công chứng: khi các tổ chức hành nghề công chứng được cấp quyền (Username và Password) thì có thể cập nhật, chỉnh sửa thông tin của chính tổ chức hành nghề công chứng của mình.

- Tìm kiếm, phân loại hồ sơ công chứng trên toàn hệ thống (kể cả các dữ liệu công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng khác).

- Có khả năng tạo các User được quyền tìm kiếm, phân loại hồ sơ trên toàn hệ thống (sử dụng cho người kiểm soát chung và lãnh đạo)

- Cấp quyền riêng cho 01 đơn vị chịu trách nhiệm cập nhật thông tin tài sản bị phong toả;

b) Hiển thị thông tin:

Khi các User truy cập vào hệ thống, hệ thống sẽ hiển thị các thông tin sau:

- Chọn hiển thị danh sách thông tin tài sản bị phong toả nếu cần.

- Chỉnh sửa, thêm, bớt thông tin trong phần quyền hạn của User các tổ chức hành nghề công chứng.

- Khung tìm kiếm nhanh: sẽ mặc định 01 ô tìm kiếm, nhập các thông tin cần thiết bất kỳ để tìm các thông tin trên toàn hệ thống bao gồm dữ liệu công chứng được cập nhật và tài sản bị phong toả.

- Phần tìm kiếm mở rộng: không hiển thị mặc định, chỉ xuất hiện khi chọn cách tìm kiếm mở rộng. Có tác dụng tìm kiếm theo yêu cầu chi tiết hoặc phân loại các hồ sơ theo các tiêu chí cụ thể như sau: tìm, phân loại theo: khoảng thời điểm làm hồ sơ; loại tài sản; địa bàn.

- Hiển thị khoảng 20 tên hồ sơ mới nhất của tổ chức hành nghề công chứng (tùy theo tên đăng nhập sẽ hiển thị của chính đơn vị đó), có thể cập nhật mới, xoá, sửa các hồ sơ chưa kết thúc (các hồ sơ đã kết thúc sẽ không được xoá, sửa). Mặc định hiển thị các thông tin sau cho mỗi hồ sơ: mã hồ sơ; tên chủ tài sản; địa chỉ tài sản; loại tài sản; địa bàn.

IV. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công chứng:

a) Sở Tư pháp (thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) tiếp tục phổ biến, quán triệt Luật Công chứng, các văn bản hướng dẫn có liên quan, nhất là các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức hành nghề công chứng và cán bộ, người dân ở địa phương về vai trò, lợi ích của công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng như: chia sẻ thông tin, hạn chế rủi ro, tiết kiệm thời gian, chi phí;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp; các Công chứng viên, nhân viên thuộc các tổ chức hành nghề công chứng được tham gia sử dụng và cung cấp thông tin trên Module dữ liệu công chứng; đồng thời tăng cường ngăn chặn những hành vi lợi dụng gây ảnh hưởng đến an ninh mạng internet, vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động thông tin trên mạng internet.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc quản lý, vận hành Module dữ liệu công chứng:

a) Các hoạt động của Module dữ liệu công chứng phải tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý thông tin trên mạng Internet; các quy định khác của pháp luật có liên quan về công nghệ thông tin; Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Module dữ liệu công chứng do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;

b) Thành lập Ban biên tập Trang thông tin điện tử (Ban biên tập Website), hoạt động theo Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Module dữ liệu công chứng; Ban biên tập Website có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Tư pháp quản lý, vận hành, bảo đảm hoạt động thường xuyên của Module dữ liệu công chứng.

3. Nâng cao trình độ tin học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho công chức, viên chức trực tiếp quản lý, vận hành, sử dụng Module dữ liệu công chứng:

a) Thường xuyên cử cán bộ, công chức theo dõi công tác này và các Công chứng viên trên địa bàn đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp do Bộ Tư pháp tổ chức; đảm bảo 100% cán bộ, công chức, Công chứng viên được đào tạo, bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin;

b) Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn cho công chức, viên chức thuộc Sở (người trực tiếp quản lý, vận hành) và các Công chứng viên, nhân viên của các tổ chức hành nghề công chứng về kỹ năng quản lý, vận hành khai thác, sử dụng Module dữ liệu công chứng.

4. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho việc cài đặt, vận hành Module dữ liệu công chứng:

a) Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện cài đặt, kết nối mạng internet và yêu cầu trang bị cho cơ quan trực tiếp quản lý Module dữ liệu công chứng (Sở Tư pháp) và các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, Sở Tư pháp lập dự toán đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt trang bị cho cơ quan trực tiếp quản lý Module dữ liệu công chứng;

b) Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh chủ động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị (theo kết quả khảo sát và yêu cầu trang bị), đáp ứng yêu cầu cài đặt Module dữ liệu công chứng, liên kết với Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận.

V. Kinh phí thực hiện Đề án: kinh phí triển khai thực hiện Đề án từ nguồn xã hội hoá (huy động từ sự đóng góp của các tổ chức hành nghề công chứng).

VI. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan, đơn vị liên quan thiết lập “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trên địa bàn tỉnh” tập trung, thống nhất tại Sở Tư pháp để phục vụ cho việc quản lý Nhà nước và cung cấp kịp thời thông tin trong hoạt động công chứng;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật;

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện chức năng thu thập, nhập và chia sẻ dữ liệu về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng; thông tin tài sản bị phong toả, tranh chấp trên địa bàn tỉnh;

d) Chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan huy động sự đóng góp về kinh phí của các tổ chức hành nghề công chứng để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo theo quy định. Trường hợp phát sinh kinh phí cần phải bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh, kịp thời lập dự toán, gửi Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, xử lý đảm bảo theo quy định pháp luật;

đ) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức hành nghề công chứng triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, định kỳ, hàng năm sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

2. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Phối hợp Sở Tư pháp thiết lập “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trên địa bàn tỉnh” đảm bảo hoạt động hiệu quả;

b) Rà soát, tích hợp Module dữ liệu công chứng vào Trung tâm công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận và vận hành vào Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp (Website);

c) Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, vận hành, cung cấp, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về báo chí, xuất bản và các quy định quản lý Trang thông tin điện tử (Website).

3. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với Sở Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Đề án, chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc cập nhật, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến hiện trạng của bất động sản trên địa bàn tỉnh theo Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ban hành theo Quyết định số 52/2012/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh (Quy chế phối hợp) và Quy chế vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin về các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản đã được công chứng trên địa bàn tỉnh (Quy chế vận hành).

4. Trách nhiệm của Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh phí bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh (trường hợp phát sinh) nhằm đảm bảo triển khai thực hiện Đề án hiệu quả theo yêu cầu.

5. Trách nhiệm của Cục Thi hành án dân sự tỉnh: triển khai đến các phòng nghiệp vụ và Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố phối hợp thực hiện cung cấp thông tin các trường hợp bất động sản đã bị phong toả, tranh chấp theo Quy chế phối hợp và Quy chế vận hành.

6. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Các sở, ban, ngành liên quan: phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan trong Đề án;

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về hoạt động công chứng, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đến cán bộ và người dân ở địa phương; chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc cập nhật, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến hiện trạng của bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố theo Quy chế phối hợp và Quy chế vận hành./.