Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 871/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đến 2025 và định hướng đến 2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 291/TTr-SNN ngày 28 tháng 12 năm 2022 (kèm theo hồ sơ).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến 2030 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm: Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm các vùng trồng dược liệu gắn với ngành công nghiệp chế biến, với chủ thể nòng cốt tham gia là người dân và các thành phần kinh tế trong mối liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra cơ cấu sản phẩm đa dạng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu chung: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu; sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển sản phẩm đặc hữu Sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu đến năm 2025:

- Hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây) và các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha đối với các loại cây dược liệu lâu năm(1) và khoảng 8.000 ha cây trồng dược liệu hàng năm, ngắn ngày(2) (1.600 ha đất qua các lượt trồng).

- Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 01 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống.

- Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu.

- Khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Phấn đấu đến 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại; trong đó, khai thác khoảng 700 tấn dược liệu tự nhiên (Cu ly, Huyết đằng, Cốt toái bổ, Mật nhân, chè dây...), khai thác khoảng 300 tấn dược liệu trồng (Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngǜ vị tử, Giảo cổ lam...).

- Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phấn đấu mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu để tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.

b) Định hướng đến năm 2030:

- Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha, diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

- Hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu.

- Đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại vùng trồng dược liệu và thúc đẩy dịch vụ logistics(3); gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm dược liệu. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu

- Quán triệt, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; thay đổi tư duy từ việc trồng, phát triển dược liệu tự phát sang phát triển vùng dược liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn để sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.

- Xây dựng các phóng sự, bài viết, tin đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả thực hiện chủ trương phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tạo sinh thái để phát triển dược liệu dưới tán rừng.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, thuốc, các sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh và y dược cổ truyền, nhất là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum.

2.2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu

- Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là các cơ quan chuyên ngành và các địa phương có tiềm năng, lợi thế về dược liệu phải đưa chủ trương về đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu vào Chương trình công tác và Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm sát, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để tạo sự đột phá, sớm đưa dược liệu trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho địa phương.

- Củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý về dược liệu; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển dược liệu cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về dược liệu theo hướng bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

- Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhất là các dự án có thuê rừng, đất rừng để trồng các loại dược liệu theo quy định của pháp luật. Quản lý, bảo tồn hiệu quả các nguồn giống dược liệu địa phương có giá trị. Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội dược liệu tỉnh, Hội Đông y tỉnh trong công tác tư vấn, phản biện, giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các quy định, chính sách về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu. Rà soát, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong phát triển, chế biến dược liệu do thành viên, hội viên, đoàn viên thực hiện.

2.3. Đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ

- Điều tra, xác định số loài, hiện trạng, trữ lượng tại các vùng có khả năng phát triển dược liệu. Trên cơ sở đó, quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung tích hợp trong Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với cơ cấu từng loại dược liệu để thu hút đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung đối với các loài dược liệu đặc hữu, có thế mạnh, giá trị cao và sức tiêu thụ lớn trên thị trường (như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sa Nhân tím, Giảo cổ lam...), trọng tâm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để bảo vệ, khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên.

- Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum; đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống dược liệu nhằm cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sâm Ngọc Linh. Sớm hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum.

- Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn; dồn đổi đất đai để trồng dược liệu thâm canh quy mô lớn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tạo điều kiện người dân và các mô hình kinh tế tập thể áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản các loại dược liệu. Nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm dược liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn của OCOP thứ hạng cao và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

- Thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín thực hiện liên doanh, liên kết với người dân và các mô hình kinh tế tập thể để trồng và tiêu thụ dược liệu. Thúc đẩy hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến dược liệu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm và những nơi có lợi thế kết nối liên vùng; đẩy mạnh đa dạng hóa và thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ dược liệu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại… Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại thị trường nước ngoài để phục vụ xuất khẩu.

- Tăng cường xúc tiến đầu tư, tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm dược liệu. Đẩy mạnh truyền thông, nhất là tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu dược liệu của tỉnh. Đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch của địa phương; trong đó, xây dựng các tour trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại vùng sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của các loài dược liệu trong các lễ hội văn hóa - du lịch của địa phương.

- Tăng cường liên kết, phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu; nghiên cứu chọn giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh, sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dược liệu.

2.4. Thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu

- Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu như: Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính sách hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025...

- Xây dựng và trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành một số chính sách riêng, đặc thù của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; trong đó chú trọng chính sách hỗ trợ giống một số loài dược liệu cho tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ; chính sách về đầu tư cơ sở sản xuất, hỗ trợ pháp lý về hành chính, đất đai… Tổ chức thực hiện tốt các chính sách riêng, đặc thù về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu của tỉnh được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.

 (Chi tiết các chính sách có phụ lục kèm theo)

2.5. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu

- Thu hút đội ngũ chuyên gia tư vấn và nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển dược liệu của tỉnh trong thời gian tới. Quan tâm chú trọng đào tạo kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản dược liệu cho người đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đủ khả năng tham gia liên kết vào các dự án dược liệu quy mô lớn.

- Đa dạng nguồn vốn huy động để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dược liệu, nhất là hạ tầng giao thông, khu sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kho bãi… nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu.

2.6. Giải pháp về khoa học và công nghệ

- Chú trọng triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh, phục vụ sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám, chữa bệnh có chất lượng, giá trị kinh tế cao; tận dụng các điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nuôi trồng, chế biến phát triển sản phẩm Sâm Ngọc Linh, tạo bước đột phá và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sự phát triển của ngành dược liệu, thực phẩm chức năng với các nước tiên tiến trên thế giới.

- Khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc.

Làm việc với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét; xây dựng các dự án bảo tồn, phát triển dược liệu, sản phẩm từ dược liệu và sản phẩm quốc gia; dự án nhập nội giống cây dược liệu có chất lượng cao; xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đối với Sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei và các loài dược liệu khác, phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu, nhân giống các loài dược liệu địa phương và tuyển chọn các loài dược liệu nhập nội để phát triển vùng nguyên liệu dược liệu.

- Đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu phát triển giống dược liệu, các trường dạy nghề theo hướng đồng bộ, hiện đại.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, trong sản xuất, chế biến dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, hạ giá thành, có sức cạnh tranh trên thị trường, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và các nhu cầu khác trong và ngoài tỉnh. Sử dụng các công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường.

- Ưu tiên bố trí kinh phí để nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, sơ chế và chế biến dược liệu.

- Phối hợp, kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu như Viện Dược liệu, Viện nông hoá thổ nhưỡng và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu thử nghiệm các loài cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như cây Đàn hương, Việt quất ... để đưa vào sản xuất.

2.7. Giải pháp về hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu; nghiên cứu ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện tỉnh Kon Tum, thân thiện môi trường để tạo đột phá trong phát triển dược liệu và tạo ra các sản phẩm có giá trị điều trị cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

- Hợp tác đào tạo nguồn lực phục vụ công tác quản lý, kỹ thuật viên dược cổ truyền, kỹ thuật viên nuôi trồng dược liệu và đào tạo nghề lao động trồng dược liệu cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh dược liệu.

- Thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, dự án khởi nghiệp có liên kết “5 nhà”, ứng dụng hoặc nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các công trình, đề tài nghiên cứu về canh tác, sơ chế, chế biến dược liệu trong nước và thế giới thân thiện với môi trường được công bố.

- Hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học công nghệ về bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học.

2.8. Giải pháp tiêu thụ sản phẩm

Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm cây dược liệu. Xây dựng thương hiệu, cấp chỉ dẫn địa lý các loài cây dược liệu đặc trưng của địa phương. Đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu cây dược liệu của tỉnh. Đưa dược liệu trở thành sản phẩm du lịch của địa phương; trong đó, xây dựng các tour trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại vùng sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của các loài dược liệu trong các lễ hội văn hóa - du lịch của địa phương.

2.9. Tổ chức giám sát và đánh giá

Xây dựng, triển khai kế hoạch giám sát và đánh giá trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin. Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá các chương trình, dự án, đề án đầu tư chế biến dược liệu đảm bảo hiệu quả, thường xuyên, định kỳ.

3. Dự kiến nguồn vốn thực hiện Đề án:

Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xác định nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án khoảng 27.500 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 240 tỷ đồng.

- Vốn của các doanh nghiệp, vốn vay tín dụng, huy động nguồn vốn xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn khác khoảng 27.260 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương được bố trí hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án. Định kỳ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát các nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hàng năm, gắn với theo dõi, giám sát, kiểm tra và đôn đốc triển khai thực đạt kết quả; hoàn thành trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, tổng hợp nhu cầu kinh phí hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân xem xét phân bổ thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan quản lý, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định.

2. Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (chi tiết có phụ lục kèm theo).

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng ĐĐQH và HĐND tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Các phòng: NC, KGVX, HTKT, KTTH;
- Lưu: VT, NNTN.NTT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

ĐỀ ÁN

ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

 

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum xác định: Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh, như Hồng đẳng sâm, Đương quy, Đinh lăng, ... Tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Tập trung thư hút đầu tư các cơ sở sơ chế, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Kon Tum có điều kiện khí hậu, thời tiết, sinh thái, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển kinh tế về nuôi trồng, phát triển dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Rừng và Đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% đất tự nhiên, là nơi dự trữ nguồn dược liệu phong phú, nơi có môi trường thuận lợi cho nhiều loài dược liệu quý phát triển đặc biệt là cây Sâm Ngọc linh (Panax vietnamensis).

Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc linh (Panax vietnamensis); Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus); Hồng Đẳng Sâm...

Trong những năm gần đây, việc khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược cổ truyền kết hợp với y dược hiện đại đã được sử dụng rộng rãi và đạt được kết quả trong điều trị người bệnh góp phần vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏa nhân dân. Nhu cầu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật làm thuốc ngày càng nhiều. Hiện nay, nhu cầu về dược liệu đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thuốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền là rất lớn để bảo đảm nguồn cung ứng dược liệu, thuốc dược liệu và vị thuốc cổ truyền cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phục vụ cho công tác phòng bệnh, điều trị người bệnh an toàn, chất lượng, hiệu quả điều trị, góp phần vào việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đồng thời là nguồn nguyên liệu chính để các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, mặt khác dược liệu nuôi trồng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ manh mún. Trữ lượng dược liệu trong tự nhiên ngày càng giảm do khai thác thiếu bền vững, không có kế hoạch bảo tồn nguồn dược liệu.

Đầu tư, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong tự nhiên và duy trì tài nguyên dược liệu đang là vấn đề cấp bách. Bảo vệ nguồn dược liệu tự nhiên là bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học, môi trường và bảo vệ sức khỏe, kinh tế, văn hóa của cộng đồng... Hơn nữa, phát triển dược liệu trong giai đoạn tới mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường trong nước và quốc tế để sản xuất dược phẩm và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ dược liệu.

Chính phủ đã có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị theo chuỗi sản phẩm hàng hóa. Để thực hiện được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng của nguồn nguyên liệu từ dược liệu đạt tiêu chuẩn làm thuốc ở nước ta, trước yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, việc xây dựng “Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là cần thiết và cấp bách, đây chương trình hành động có tính chiến lược lâu dài và bền vững.

2. Cơ sở/căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

2.1. Văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương

- Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017;

- Luật Trồng trọt năm 2018;

- Luật Dược số 105/2016/QH13 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 06/4/2016.

- Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật dược.

- Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

- Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025;

- Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025

- Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tỉnh Kon Tum tại Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 24/9/2018.

2.2. Văn bản của địa phương

- Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI;

- Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 02/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế -xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2021;

- Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đến 2025 và định hướng đến 2030.

- Kết luận số 02-KL/TU, ngày 02/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025;

- Nghị Quyết số 56/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

- Các văn bản liên quan khác.

2.3. Các tài liệu được sử dụng.

- Báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 và năm 2022.

- Niên giám thống kê 2021 tỉnh Kon Tum.

- Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá khả năng thích nghi và đề xuất các giải pháp sử dụng đất hợp lý trên các dạng lập địa trồng cây dược liệu chỉnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum”;

- Sách cây thuốc và động vật làm thuốc tỉnh Kon Tum do Viện Dược Liệu - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum thực hiện điều tra năm 2003-2005.

- Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của tác giả Giáo sư, tiến sỹ khoa học Đỗ Tất lợi;

- Sách Kỹ thuật trồng, sử dụng và chế biến cây thuốc của tác giả tiến sỹ Nguyễn Bá Hoạt và tiến sỹ dược sỹ Nguyễn Duy Thuần - Viện Dược liệu;

- Cây thuốc Đông y - Viện Y học cổ tmyền Tuệ Tĩnh.

2.4. Cơ sở thực tiễn.

Chính phủ Việt Nam chú trọng đầu tư Nông nghiệp cao, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị hàng hóa theo chuỗi sản phẩm.

Tỉnh Kon Tum có nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu và thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược liệu.

Nguồn dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nguồn dược liệu đang bị thu hẹp hoặc việc nuôi trồng dược liệu tự phát mất cân đối. Trữ lượng dược liệu ngày càng giảm do khai thác thiếu kiểm soát, không có chiến lược phát triển cây dược liệu.

3. Mục tiêu xây dựng của Đề án

- Cụ thể hóa chủ trương Chính sách của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và chủ trương của Tỉnh Đảng bộ theo Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI.

- Đề án hình thành nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược liệu; nuôi trồng, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học và xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền được sản xuất, chế biến, bào chế từ nguồn dược liệu trồng, khai thác trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân tại các vùng khó khăn; từng bước và chủ động đáp ứng đủ nhu cầu dược liệu cung cấp cho công nghiệp dược và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh và trong nước.

- Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các hạt động đầu tư phát triển và chế biến dược liệu phù hợp với định hướng phát triển sản xuất ngành nông nghiệp của Chính phủ, đặc thù của địa phương; là cơ sở để giám sát, đánh hiệu quả trong công tác đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

4. Đối tượng nghiên cứu của Đề án.

Thực trạng đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ, giải pháp đầu tư phát triển dược liệu trong thời gian đến; Tài nguyên dược liệu dưới tán rừng tự nhiên; Ủy ban Nhân dân các huyện, xã có tiềm năng về dược liệu, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có sản xuất, kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh.

5. Phạm vi xây dựng của Đề án.

- Phạm vi không gian:Trên địa bàn tỉnh Kon Tum

- Phạm vi thời gian: Đánh giá giai đoạn 2018-2021 Xây dựng đề án Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.

6. Phương pháp xây dựng Đề án

- Phương pháp xây dựng Đề án: Làm việc với chính quyền địa phương; các chủ rừng trên địa bàn tỉnh thu thập số liệu về dược liệu; thảo luận thống nhất kế hoạch 5 năm phát triển lâm nghiệp trên địa bàn; khảo sát thu thập số liệu đất trồng dược liệu, đất rừng trồng dược liệu... tổng hợp phân tích dữ liệu viết thuyết minh đề án.

- Phương pháp thu thập số liệu: Thiết kế mẫu biểu thu thập số liệu trực tiếp với các đơn vị có liên quan. Sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp điều tra theo mẫu, phương pháp phỏng vấn, phương pháp tham vấn chuyên gia.

7. Kết cấu của Đề án: Gồm 7 phần

- Phần mở đầu

- Phần I: Đặc điểm tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum;

- Phần II: Thực trạng đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh;

- Phần III: Đầu tư phát triển dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Phần IV: Hiệu quả thực hiện Đề án;

- Phần V: Tổ chức thực hiện.

- Phần Phụ lục, bảng biểu

Phần I

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lý, hành chính

Tỉnh Kon Tum nằm ở cực bắc Tây Nguyên, có đường biên giới chung với hai nước Lào và Campuchia, tọa độ địa lý từ 13055’30” đến 15°25’30” vĩ độ Bắc, từ 107°20’15” đến 108°33’00” kinh độ Đông.

Giới cận hành chính: phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km), phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (chiều dài ranh giới 203 km), phía Đông giáp Quảng Ngãi (chiều dài ranh giới 74 km), phía Tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có đường biên giới trên bộ dài khoảng 292,913 km, giáp với Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào 154,222 km và Vương quốc Campuchia 138,691 km).

Về hành chính, tỉnh Kon Tum có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn. Vị trí địa lý nằm ở ngã ba Đông Dương và là nơi hội tụ của các tuyến Quốc lộ: 40, 40B, 14 (Đường Hồ Chí Minh), 14C, 24; đường Đông Trường Sơn, đây là điều kiện để tỉnh Kon Tum trở thành khu vực quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế và thương mại quốc tế nối từ Myanma - Đông bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, một trong các tuyến hành lang kinh tế và thương mại Đông - Tây ngắn nhất thông qua cửa khẩu Bờ Y.

TỈNH KON TUM

2. Địa hình

Địa hình của Kon Tum có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, rất dốc ở phía Bắc và thấp dần ở phía nam. Địa hình đa dạng, gò đồi núi cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp. Phía bắc có đỉnh Ngọc Linh cao nhất khu vực, với độ cao 2.596 m. Độ cao trung bình ở phía bắc 800 - 1.200 m, ở phía nam từ 500 - 530 m. Có thể phân chia thành 4 kiểu địa hình chính:

Kiểu địa hình núi cao: Kiểu địa hình này chiếm 0,7% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Địa hình chia cắt mạnh, độ dốc bình quân từ 25°- 30°. Độ cao bình quân 1.500 m. Tỷ lệ che phủ rừng lớn, tập trung diện tích rừng có trữ lượng cao, có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm.

Kiểu địa hình núi trung bình: Kiểu địa hình này chiếm 61,6% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Hà. Địa hình khá phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc bình quân từ 20°- 25°. Độ cao bình quân 1.200 m. Tỷ lệ che phủ rừng cao, là nơi tập trung diện tích rừng có trữ lượng cao.

Kiểu địa hình núi thấp: Kiểu địa hình này chiếm 20,4% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô và phía nam các huyện Đăk Hà, Kon Plông. Đây là vùng chuyển tiếp giữa kiểu địa hình núi trung bình và vùng thung lũng, độ dốc bình quân từ 15°- 20°, độ cao trung bình từ 600 - 800 m. Độ che phủ của rừng không cao, rừng tự nhiên còn ít, rừng trồng manh mún.

Kiểu địa hình thung lũng và máng trũng: Kiểu địa hình này chiếm 17,3% diện tích tự nhiên, phân bố ở thành phố Kon Tum, Huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi và Sa Thầy, nằm dọc theo các triển sông Pô Kô, Đăk PXi và Đăk Bla. Vùng này có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 400 - 600 m, độ dốc trung bình từ 5° - 10°.

Hình 2. Mô hình không gian ba chiều địa hình tỉnh Kon Tum

3. Khí hậu, thủy văn

3.1. Khí hậu

Tỉnh Kon Tum có kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa Cao nguyên, một năm có hai mùa rõ rệt:

- Mùa mua từ tháng 5-10 hàng năm, lượng mua chủ yếu tập trung từ tháng 6-9 hàng năm (chiếm trên 80% lượng mưa trong năm). Độ ẩm không khí cao >80%, nhất là những ngày mua liên tục độ ẩm không khí đạt tới độ bão hoà.

- Mùa khô từ tháng 11-4 năm sau. Vào mùa khô độ ẩm không khí, độ ẩm vật liệu cháy thấp, khí hậu khô hanh và gió nên vào mùa này nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

* Nhiệt độ: Do ảnh hưởng của vĩ độ địa lý nên nhiệt độ tương đối cao, nhiệt độ bình quân năm 24,9°C, nhiệt độ cao nhất 27,4°C (tháng 5), nhiệt độ thấp nhất 21,8°C (tháng 12). số ngày có nhiệt độ lớn hơn 20°C khoảng 220 ngày, tổng nhiệt lượng trong năm từ 7.700-8.700°C.

* Mưa: Mưa tập trung theo mùa, lượng mưa trung bình hàng năm 1.600 mm, lượng mưa tháng cao nhất 379,6 mm, lượng mưa tháng thấp nhất 1-2 mm. Hàng năm, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4-6 và kết thúc vào tháng 10-11, mưa tập trung vào tháng 7-8(1).

* Gió: Có hai loại gió chính thịnh hành:

- Gió Tây Nam hoạt động từ tháng 4 đến tháng 10, tần suất cao nhất 32% (tháng 5), tần suất thấp nhất 13% (tháng 9).

- Gió Đông Bắc hoạt động từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, tần suất cao nhất 24% (tháng 3, 4), tần suất thấp nhất 7% (tháng 11).

Hình 3. Biểu đồ phân bố lượng mưa và nhiệt độ bình quân theo tháng

3.2. Thủy văn

a. Nguồn nước mặt

Kon Tum có nguồn nước mặt khá dồi dào, được dự trữ từ 4 hệ thống sông lớn và các hồ chứa nước.

- Hệ thống sông Sê San có lưu vực chiếm phần lớn diện tích của tỉnh, do chảy qua nhiều bậc thềm địa hình nên độ dốc dòng chảy lớn, nhiều thác ghềnh, do vậy hệ thống sông này có tiềm năng tiềm năng thủy điện lớn. Tổng lượng dòng chảy của sông từ 10-11 tỷ m3 nước.

- Phía Đông bắc là đầu nguồn sông Trà Khúc, phía Bắc là đầu nguồn sông Thu Bồn và sông Vu Gia. Các sông này đều chảy về các tỉnh Duyên Hải và đổ ra biển Đông, diện tích lưu vực của 3 con sông này chỉ chiếm 1/4 diện tích của toàn tỉnh.

- Ngoài nguồn nước mặt từ các hệ thống sông suối, Kon Tum còn có nguồn nước mặt khá dồi dào được chứa từ các hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện như hồ thủy điện Plei Krông, các hồ thủy lợi: Đăk Hniêng, Mùa xuân (Đăk Uy).

b. Nguồn nước ngầm

Tài nguyên nước ngầm ở Kon Tum chủ yếu tồn tại dưới 2 dạng là tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước khe nứt. Kon Tum có tiềm năng nguồn nước ngầm tương đối lớn và trữ lượng công nghiệp cấp C2: 100 nghìn m3/ngày, đặc biệt ở độ sâu 60 - 300 m. Ngoài ra, huyện Đăk Tô, Kon Plông còn có 9 điểm có nước khoáng nóng, có khả năng khai thác, sử dụng làm nước giải khát và chữa bệnh. Với trữ lượng nước ngầm như vậy có thể đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

Hiện nay, tại một số vùng trọng điểm như thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi, Kon Plông, Sa Thầy đã tiến hành điều tra chi tiết để đánh giá trữ lượng, chất lượng và thành lập bản đồ địa chất thủy văn để khoanh vùng khu vực khai thác nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt và các mục tiêu kinh tế trên địa bàn.

4. Địa chất thổ nhưỡng

4.1. Địa chất

Kon Tum nằm trong địa khối cổ phía Nam hay gọi là địa khối cổ Kon Tum. Nền địa chất được cấu tạo từ 4 nhóm đá mẹ chủ yếu: nhóm đá magma axít; nhóm đá sét - biến chất; nhóm đá magma kiềm; nhóm nền địa chất bồi, dốc tụ. Kon Tum nằm trên khối puli Kon Tum, do đó rất đa dạng trong cấu trúc địa chất và khoáng sản. Có 21 phân vị địa tầng và 19 magma phức hợp đã được nghiên cứu và thành lập bởi các nhà địa chất cho nhiều loại khoáng sản các loại như: sắt, crom, vàng, vật liệu chịu lửa, đá quý và đá bán quý, kim loại phóng xạ, đất hiếm, nguyên liệu sản xuất xây dựng vật liệu,... đã được phát hiện.

4.2. Thổ nhưỡng

Đất đai tỉnh Kon Tum có 5 nhóm đất gồm 16 đơn vị đất, trong đó nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi chiếm khoảng 96% tổng diện tích, phân bố theo các nhóm đất sau:

- Nhóm đất phù sa: gồm 4 đơn vị đất (đất phù sa được bồi chua Pbc, đất phù sa không được bồi chua Pc, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng Pf, đất phù sa ngòi suối Py) với tổng diện tích 16.663 ha chiếm tỷ lệ 1,73%.

- Nhóm đất xám bạc màu: gồm 2 đơn vị đất (đất xám trên phù sa cổ X và đất xám trên đá Macma axit Xa) với tổng diện tích là 5.066 ha chiếm 0,53%.

- Nhóm đất đỏ vàng: gồm 6 đơn vị đất (đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính Fk, đất nâu vàng trên đá macma bazơ và trung tính Fu, đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất Fs, đất vàng đỏ trên đá macma axit Fa, đất vàng nhạt trên đá cát Fq, đất nâu vàng trên phù sa cổ Fp) với tổng diện tích 579.788 ha chiếm 60,3%.

- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi: gồm 3 đơn vị đất (đất mùn nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tỉnh Hk, đất mùn đỏ vàng trên đá sét và biến chất Hs, đất mùn vàng đỏ trên đá macma axit Ha) với tổng diện tích 343.288 ha chiếm 35,7%.

- Nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ: gồm 1 đơn vị đất là đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ D, với tổng diện tích 1.679 ha chiếm 0,17%.

5. Tài nguyên thiên nhiên:

5.1. Tài Nguyên rừng: Rừng là nơi dự trữ một lượng lớn cây thuốc, theo số liệu kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn Tỉnh Kon Tum năm 2021, tổng diện tích có rừng: 609.666,41 ha (độ che phủ rừng đạt 63,02%), cụ thể: (i) Rừng tự nhiên là 547.776 ha. Rừng tự nhiên hiện có ở Kon Tum chủ yếu là rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng lá với diện tích 441.788,7 ha (chiếm 80,9%), rừng gỗ lá rộng rụng lá với diện tích 481,4 ha (chiếm 0,1%), rừng gỗ lá kim là 13.366,9 ha (chiếm 2,4%), rừng hỗn giao gỗ lá rộng và lá kim là 15.903,79 ha (chiếm 2,9%), rừng hỗn giao gỗ và tre nứa là 52.620,7 ha (9,6%) và rừng tre nứa là 21.714,5 ha (chiếm 4%); (ii) Rừng trồng là 61.890,46 ha (trong đó tổng diện tích cây Cao su là 39.018,88 ha; diện tích cây đặc sản là 7,45 ha); (iii) Diện tích chưa thành rừng là 171.126,86 ha.

5.2. Tài nguyên sinh vật: Thực vật ở Tỉnh Kon Tum rất phong phú có nhiều loài dùng để làm thuốc để điều trị bệnh, theo số liệu điều tra, Kon Tum có 2.488 loài thuộc 204 họ, 6 ngành thực vật bậc cao ở cạn, trong đó có một số lâm sản dưới tán rừng có giá trị kinh tế và dược liệu cao. Đặc biệt, có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) cần được bảo vệ và phát triển như: Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến, Vàng đắng, Pơmu, Gió bầu (trầm hương), Sa nhân, Hoàng đằng, Ngũ gia bì, Hà thủ ô,.... Cụ thể bao gồm: Ngành Ngọc lan chiếm ưu thế với 2.228 loài và 167 họ; Ngành Dương xỉ có 208 loài và 26 họ; Ngành Thông đất có 26 loài và 2 họ; Ngành Thông có 23 loài và 7 họ; Ngành Khuyết lá thông có 1 loài và 1 họ.

5.3. Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản Tỉnh Kon Tum được đánh giá là phong phú và đa dạng. Trên địa bàn có 21 phân vị địa tầng và 19 phức hệ mắc ma, hàng loạt các loại hình khoáng sản từ khoáng sản nguyên liệu (nguyên liệu hóa, gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ...) đến khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc,..), một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (wolfram, molipden, sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm...), công nghiệp điện hạt nhân (uran, thori, đất hiếm...), tuy nhiên đa phần các loại khoáng sản trên còn ở dưới dạng tiềm ẩn, công tác điều tra cơ bản chưa được phủ kín, còn sơ lược.

5.4. Tài nguyên năng lượng: Kon Tum là Tỉnh có tiềm năng phát triển thủy điện lớn nhất vùng Tây nguyên vì ở đầu nguồn sông Sê San - một nhánh của sông Mê kông và được hợp thành bởi hai nhánh sông lớn là Pô Kô và ĐăkBla. Tiềm năng thủy điện trên sông Sê San đứng thứ 3 trong hệ thống sông của Việt Nam (sau sông Đà và sông Đồng Nai). Tổng công suất 1.740MW, tổng sản lượng điện trung bình đạt 10.450 tỷ KWh /năm. Hiện nay Tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MV.

6. Đánh giá điều kiện tự nhiên Tỉnh Kon Tum

6.1. Thế mạnh:

Kon Tum có địa hình phong phú, đa dạng sinh học, các yếu tố nổi trội có tính cạnh tranh cao là địa hình và khí hậu cao nguyên, đất đai phì nhiêu, giầu khoáng sản quý, hệ thống hồ, thác, giầu tiềm năng phát triển thủy điện, hệ sinh thái rừng đa dạng và nhiều chủng loại quý hiếm. Quỹ đất khá phong phú, có khả năng thiết lập các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, các khu công nghiệp có quy mô vừa và lớn; tương đối thuận lợi để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, đặc biệt là nông, lâm nghiệp và dược liệu.

6.2. Hạn chế:

- Vị trí địa lý của Tỉnh ít thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế do nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, xa các cảng biển, các đầu mối giao thông lớn, ít thuận lợi để xây dựng và phát triển giao thông vận tải bằng đường sắt.

- Địa hình nhiều khu vực bị chia cắt mạnh do núi cao và sông suối vì vậy giao thông đi lại khó khăn. Mật độ sông suối của Tỉnh khá dày đặc nhưng nguồn nước phân bổ không đều trong năm, có sự chênh lệch lớn theo mùa, lượng nước mặt và nước ngầm suy giảm gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Kinh tế

1.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thời kỳ 2011-2020, kinh tế Kon Tum có tốc độ tăng trưởng 8,71%/năm. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng GRDP đạt 9,13%/năm cao hơn 0,84 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 8,29%. Năm 2022 Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá so sánh 2010) ước đạt 17.725 tỷ đồng, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Nông - Lâm - Thủy sản tăng 4,71%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 14,17%; Dịch vụ tăng 11,06%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,81%; GRDP bình quân đầu người tăng từ 46,78 triệu đồng năm 2021 lên 52,02 triệu đồng năm 2022, đạt 100,03% kế hoạch. Đây là dấu hiệu cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Về huyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh Kon Tum đã theo hướng tích cực, các ngành phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm trong cơ cấu kinh tế. Tuy vậy các chỉ tiêu phát triển cũng cho thấy những nét đặc thù so với xu thế chung của cả nước.

- Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có tỷ trọng giảm trong cơ cấu kinh tế nhưng với tốc độ chậm. Năm 2010 đạt 25,72 %, năm 2015 đạt 22,32% và năm 2022 đạt 21,73%. Sự chuyển dịch này theo xu thế chuyển dịch chung của cả nước, tuy nhiên vai trò của ngành nông nghiệp đối với phát triển kinh tế Kon Tum là rất quan trọng. Trong đó có sự đóng góp của các ngành chủ lực như: cà phê, cao su, cây ăn quả, lúa,...

- Ngành Công nghiệp - Xây dựng mặc dù có tỷ trọng tăng nhưng khá chậm. Từ 17,32% năm 2010 lên 25,18% năm 2020. Tỷ trọng này còn thấp hơn đáng kể so với mức chung của cả nước cũng thời kỳ (33,70%). Sự phát triển của ngành công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào khu vực xây dựng.

- Ngành thương mại dịch vụ chuyển dịch chậm về tỷ trọng và có xu thế tăng giảm trong cả thời kì 2011- 2020. Tuy vậy vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, năm 2010 đạt 48,75% và năm 2020 là 44,5%. Trong đó có vai trò quan trọng của Thương mại và Du lịch với một số sản phẩm chủ lực phục vụ có thị trường trong và ngoài nước như: dịch vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đời sống du lịch sinh thái.

1.2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

1.2.1. Lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Trong 10 năm qua, sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đã đạt được kết quả to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất của ngành (giá so sánh năm 2010) tăng từ 2.407 tỷ đồng (2015) lên tới 3.285 tỷ đồng (2020). Tốc độ tăng tưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 5,91%. Cơ cấu trong những năm gần đây chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp, thủy sản, giảm dần tỷ trọng của ngành lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp vẫn chiếm trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp thủy sản. Năm 2015, cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản là nông nghiệp 95,51% (trong đó trồng trọt là 83,57%, chăn nuôi 14,95%) -lâm nghiệp 2,81% - thủy sản 1,69%. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh) ngành nông lâm ngư nghiệp đến năm 2020 đạt 3.047,3 tỷ đồng, về cơ cấu, giá trị tổng sản phẩm ngành nông, lâm ngư nghiệp đến năm 2020 chiếm 25,1% tổng giá trị sản phẩm toàn Tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016- 2020 là 8%/năm, trong đó nông nghiệp tăng khoảng 8,1 %/năm, lâm nghiệp tăng 4,4%/năm, thủy sản tăng 8%/năm.

1.2.2. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.

Ngành công nghiệp của Tỉnh đã khai thác các lợi thế của địa phương và đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: cà phê, cao su, tinh bột sắn... Phát triển công nghiệp đã góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Ngành công nghiệp và xây dựng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh ở mức hai con số. Đặc biệt ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có tốc độ tăng trưởng cao nhất và không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid là tiền đề vững chắc cho việc phát triển bền vững Tỉnh Kon Tum. Cơ cấu ngành công nghiệp chế biến tương đối đa dạng với các ngành sản xuất và chế biến nông lâm sản, cao su.... Kon Tum có ngành thủy điện có quy mô lớn, có thị trường cung cấp ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Việc phát triển khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp. Các cụm công nghiệp, làng nghề đã và đang đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các làng nghề và giải quyết được mục tiêu. Hình thành khu vực sản xuất tập trung ở khu vực làng nghề; tạo mặt bằng cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện để phát triển; tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.

1.2.3. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại được mở rộng với sự tham gia chủ yếu của khu vực kinh tế tư nhân, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống, góp phần ổn định giá cả thị trường tăng cường, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm, phân công lại lao động trong Tỉnh. Do đó đã đáp ứng được nhu cầu của sản xuất, phục vụ tiêu dùng, phát triển xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục được mở rộng. Đã hình thành hệ thống doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ với số doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh nghiệp toàn Tỉnh và hệ thống các cơ sở cá thể trong ngành thương mại rộng khắp, phát triển theo nhu cầu thị trường. Hệ thống đáp ứng được về cơ bản nhu cầu bán buôn, bán lẻ trên địa bàn. Tỉnh duy trì thặng dư thương mại trong nhiều năm, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, góp phần tăng thu nhập và dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Thị trường xuất khẩu được mở rộng tới nhiều đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và một số nước châu Âu. Các mặt hàng xuất khẩu đang phát huy theo lợi thế riêng của Tỉnh trong ngành nông sản. Hệ thống hạ tầng thương mại của Tỉnh đang ngày càng hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Cơ sở hạ tầng thương mại được phát triển, có sự xuất hiện của các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại như cửa hàng chuyên doanh, siêu thị. Hoạt động xúc tiến thương mại với các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng kết hợp quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch của Tỉnh được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu; mang lại hiệu quả rõ nét.

1.3. Thu, chi ngân sách

- Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 được Hội đồng nhân dân tỉnh giao 4.000 tỷ đồng; thực hiện thu 9 tháng đầu năm là 3.003,21 tỷ đồng, đạt 107,7% dự toán Trung ương giao, đạt 75,1% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và bằng 143,0% cùng kỳ năm trước; ước thực hiện cả năm 4.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán giao. Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022 (tính cả chuyển nguồn và nguồn bổ sung trong năm) là 11.743,42 tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đầu năm là 5.879,86 tỷ đồng, đạt 50,1% nhiệm vụ chi và bằng 107,6% so cùng kỳ năm trước; ước thực hiện cả năm 10.140 tỷ đồng, đạt 86,35% nhiệm vụ chi và bằng 131,40% so cùng kỳ năm trước.

1.4. Thu hút đầu tư xã hội

Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì ổn định, tăng so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 16.845 tỷ đồng, đạt 73,24% kế hoạch; ước thực hiện cả năm khoảng 23.250 tỷ đồng, đạt 101,09% kế hoạch và tăng 16,24% so với cùng kỳ, trong đó: vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 17.550 tỷ đồng, đạt 107,01% kế hoạch và tăng 18,18% so với cùng kỳ. Công tác phân bổ và đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm: tổng kế hoạch vốn năm 2022 và kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022) đã được địa phương giao 3.928,16 tỷ đồng(2), tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, tổng kế hoạch vốn năm 2022 đã giải ngân là 1.420,45 tỷ đồng, đạt khoảng 49% kế hoạch so với trung ương giao. Nếu không tính nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia vừa được bổ sung trong năm là 672,41 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 64% so với kế hoạch ngân sách trung ương giao từ đầu năm. Ước thực hiện đến hết niên độ, giải ngân đạt khoảng 92% trên tổng số kế hoạch địa phương giao.

1.5. Hoạt động xuất nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2011- 2020 trên địa bàn Tỉnh đạt 1.179 triệu USD, trong đó giai đoạn 2016-2020 đạt 817,447 triệu USD tăng gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2011-2015 đạt 362 triệu USD. Bước đầu hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu đã phát huy hiệu quả thiết thực góp phần quan trọng đưa số mặt hàng nông sản của Tỉnh tham gia xuất khẩu với 16 mặt hàng vào thị trường 12 nước, từng bước tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2020 đạt 150 triệu USD, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 160 triệu USD/năm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Cao su (sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ); Cà phê (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức,...); Tinh bột sắn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan,...); Các sản phẩm từ gỗ (Hoa Kỳ, EU); tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng cao, theo đó giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 2,7%/năm, nhưng giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 16,5%/năm. Giá trị hàng hóa nhập khẩu thời kì 2011 - 2020 là 98,434 triệu USD. Trong đó giao đoạn 2011 - 2015 đạt 61 triệu USD, 2016 - 2020 đạt 37,466 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hóa chất, chất dẻo nguyên liệu.

1.6. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu

1.6.1. Giao thông

- Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp và mở mới; các tuyến nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thông suốt, cùng với nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị, đường liên xã, giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp tạo nên mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và phục vụ đời sống của Nhân dân. Phong trào "Toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn" được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh; các đường, ngõ nhỏ ở đô thị và các tuyến đường ở những khu vực khó khăn được tập trung xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực.

- Toàn tỉnh hiện có 6.082 km đường giao thông, trong đó: Quốc lộ: 444 km; Tỉnh lộ: 495 km; Đường huyện: 714,62 km; Đường đô thị: 448 km; Đường xã: 948 km; Đường thôn, xóm, trục nội đồng: 2.517 km; Đường chuyên dùng: 28 km; Đường Tuần tra Biên giới: 435 km; Đường Trường Sơn Đông: 52km. Kết cấu đường: Mặt đường bê tông nhựa chiếm 17%; mặt đường bê tông xi măng chiếm 35%; mặt đường nhựa chiếm 12%; còn lại là đường cấp phối và đường đất vẫn chiếm tỷ lệ lớn 36%. Tỷ lệ đường tốt chiếm 40%; tình trạng đường trung bình chiếm 36%.

1.6.2. Thủy lợi

Nhiều công trình thủy lợi lớn đã và đang được tu bổ, nâng cấp và xây mới, như: Hồ chứa nước Đăk Pokei; Hồ chứa nước phục vụ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen; Sửa chữa, nâng cấp Đập Bà Tri; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8)... Trên địa bàn tỉnh hiện có 543 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất với tổng diện tích tưới theo thiết kế là 17.250 ha (trong đó: cây lúa 11.734 ha, cây công nghiệp và hoa màu 5.516 ha). Tổng diện tích tưới năm 2019 đạt 20.042,34 ha, tăng 4.011,92 ha so với năm 2015. Đã lồng ghép các chương trình, dự án, tận dụng sự hỗ trợ của nhà nước, vận động khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả với hình thức tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt áp dụng công nghệ Israel, kết quả hiện nay diện tích cây trồng trên cạn áp dụng mô hình tưới nước tiên tiến trên địa bàn tỉnh khoảng 6.451 ha, chủ yếu tập trung vào các loại cây trồng như: Cà phê (5.825,91 ha), chanh dây (180,2 ha), rau, đậu các loại (191,43 ha). Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi và công tác ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy để bảo vệ diện tích rừng hiện có và đảm bảo nguồn nước ngầm ổn định.

1.6.3. Điện

Việc cấp điện cho các thôn làng chưa có điện từ lưới điện quốc gia được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, đã cấp điện đến 10 thôn, làng trắng điện thuộc khu vực gần biên giới, vùng sâu, vùng xa cần tăng cường về an ninh, quốc phòng, nâng tỷ lệ số thôn, làng, tổ dân phố có lưới điện quốc gia lên 100% vào năm 2020 (năm 2015 là 97,35%). Hệ thống truyền tải lưới điện được chú trọng đầu tư đưa vào vận hành, góp phần nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đạt 99,3% (năm 2015 là 98,13%). Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt thiết kế điển hình dự án "Hệ thống lưới điện nông thôn" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 theo Nghị quyết số 161/2016/NQ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ để các ngành, địa phương căn cứ thực hiện.

2. Xã hội

2.1. Dân số, dân tộc, lao động, đời sống

Dân số trung bình năm 2021 ước đạt 555 nghìn người, tốc độ tăng dân số bình quân 2,25%/năm (trong đó tăng tự nhiên 1,2%); Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tích cực, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,42% năm 2015 xuống còn 1,2% vào năm 2020. Dân tộc thiểu số 292.373 người chiếm 53,65% với 43 dân tộc cùng sinh sống(3), trong đó có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm.

Lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo; hệ thống cơ sở giáo dục - nghề nghiệp từng bước được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập được cải thiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và số lao động được tạo việc làm thông qua các chương trình ngày càng tăng, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 4.600 lao động. Việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học được chú trọng giải quyết. Đã thực hiện tư vấn cho 9.886 lao động có nhu cầu học nghề và tìm việc làm, trong đó lao động là dân tộc thiểu số 3.537 người; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nâng lên.

2.2. Giáo dục và đào tạo

- Hệ thống trường, lớp học ngày càng được đầu tư xây dựng(4) theo hướng đồng bộ và hiện đại; công tác sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn được tổ chức thực hiện, đến nay đã có 47 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, giảm 03 trường mầm non công lập, 46 trường tiểu học và 01 trường trung học cơ sở; tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố các cấp học đạt 98,3%, tăng 1,1% so với năm học 2015-2016; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và đồng bộ. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả khả quan. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực; kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở được duy trì và nâng cao; tỷ lệ huy động học sinh các cấp trong độ tuổi hàng năm tăng. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh góp phần thức đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

- Nguồn nhân lực tiếp tục được chú trọng phát triển. Đội ngũ giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn được kiện toàn, sắp xếp lại, năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, chất lượng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

2.3. Y tế và chăm sóc sức khỏe

- Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp; mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, sau khi sắp xếp lại đã giảm được 08 đơn vị tuyến tỉnh, 29 đơn vị tuyến huyện và 03 đơn vị tuyến xã. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế bước đầu đã có kết quả, thu hút được 02 phòng khám đa khoa tư nhân có chất lượng đã đi vào hoạt động. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Tuổi thọ trung bình tăng từ 66,2 tuổi năm 2015 lên 66,8 tuổi năm 2020; tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế ngày một tốt hơn, góp phần làm tăng niềm tin và sự hài lòng của người dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,2%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2020 là 36,0% (giảm 3,3% so với năm 2015); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 23,7% năm 2015 xuống 20,9% năm 2020. Đã có 97 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 100%. Y tế dự phòng được đẩy mạnh, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được kiểm soát.

- Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; triển khai thực hiện công tác truyền thông báo đảm an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức và thực hành cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng và giúp cho người dân phòng tránh được ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (nấm, cóc,...).

2.4. Văn hóa, thể thao

Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao chuyển biến tích cực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh với chuỗi các hoạt động thiết thực, đổi mới thu hút sự tham gia hưởng ứng đông đảo của các nghệ nhân trong, ngoài tỉnh và được người dân đón nhận nồng nhiệt. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nhất là cấp xã. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa và danh thắng tiếp tục được bảo tồn, khôi phục. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đạt kết quả, có 587/1.045 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 56%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 81%; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 77%. Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư; phong trào thể dục thể thao quần chúng được đông đảo Nhân dân hưởng ứng, tham gia; thể thao thành tích cao có bước phát triển.

2.5. An sinh xã hội và giảm nghèo

Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đảm bảo 100% đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng các chính sách xã hội theo quy định. Công tác giảm nghèo được các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ, phát huy hiệu quả; hoạt động trong quản lý, điều hành, có các giải pháp chỉ đạo kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu kế hoạch đề ra(5). Giải pháp quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực lồng ghép thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm của chương trình nâng cao kết quả giảm nghèo bền vững; kết quả tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3,12%/năm, đạt mục tiêu đề ra(6). Đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, thu nhập của nhóm hộ nghèo ở nông thôn đang dần được cải thiện, ổn định nâng cao đời sống. Công tác đào tạo, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững được quan tâm, với nhiều phương thức mới; người dân được tham gia bày tỏ ý kiến trong các buổi họp dân về nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo được nhân rộng, tham gia giám sát bình xét kết quả điều ra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; tham gia góp ngày công lao động, giám sát xây dựng các công trình tại cơ sở; tham gia các mô hình giảm nghèo... so với giai đoạn trước đã có sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp thoát nghèo và cũng ý thức được các chính sách, chương trình giảm nghèo của Nhà nước chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giảm nghèo bền vững.

Chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo: Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, người cận nghèo tương ứng với 360.805 lượt người nghèo, người cận nghèo. Ngoài ra ngành Y tế đã thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho 276.607 lượt người nghèo với tổng chi phí khám chữa bệnh là 48.052 triệu đồng.

2.6. Khoa học, công nghệ

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống đã có chuyển biến tích cực. Tiềm lực khoa học và công nghệ đã được tăng cường. Nhiều kết quả nghiên cứu, các công nghệ mới đã được ứng dụng thành công; góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường. Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được đẩy mạnh. Một số công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bước đầu đã được tiếp cận và ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Hợp tác trong và ngoài nước về khoa học và công nghệ đã được chú trọng.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những thuận lợi

- Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm sâu sắc đến công tác bảo tồn phát triển cây dược liệu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong việc khám chữa bệnh bằng Đông y.

- Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết hệt chỉ đạo các ngành, các địa phương quan tâm đến công tác bảo tồn và phát triển dược liệu của tỉnh, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời về công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa rừng, các tụ điểm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, dược liệu trái pháp luật; đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn dược liệu.

- Điều kiện thiên nhiên ưu đãi, khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, thuận lợi cho việc nuôi trồng và phát triển, có tiềm năng và khả năng phát triển nuôi trồng nhiều loại cây thuốc bản địa.

- Cùng với quá trình công nghiệp hóa của đất nước, rất nhiều dược liệu đã trở thành nguyên liệu đầu vào của Công nghiệp dược Việt Nam và còn có nhu cầu xuất khẩu cao.

- Luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật triển khai những tiến bộ của nền Y- Dược học hiện đại, sử dụng trang bị máy móc hiện đại để sản xuất, bào chế loại thuốc có hiệu quả điều trị và kinh tế cao.

2. Những hạn chế, khó khăn

- Tổ chức quản lý về bảo tồn, khai thác và phát triển dược liệu còn nhiều hạn chế, khai thác dược liệu tự nhiên chưa bền vững, khai thác chưa đi đối với bảo tồn và phát triển dẫn đến tình trạng nguồn cây thuốc ngày càng cạn kiệt. Giá dược liệu không phụ thuộc vào chất lượng hay loại dược liệu mà phụ thuộc vào nguồn dược liệu nhiều hay hiếm. Việc thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ, tuổi và bộ phận dùng của dược liệu nhằm bảo đảm sử dụng dược liệu hiệu quả nhất. Thu hái dược liệu chỉ quan tâm đến khối lượng, thị hiếu dân gian, chưa quan tâm đến chất lượng và hiệu quả kinh tế của dược liệu.

- Chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu giống, kỹ thuật và thổ nhưỡng nuôi trồng dược liệu để việc bảo tồn, phát triển và sản xuất dược liệu có hiệu suất cao nhất.

- Chưa đầu tư xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc của dược liệu có tại địa phương, chưa áp dụng kỹ thuật thời điểm thu hái, bộ phận dùng, công dụng chính,... và thành phần chính để hiệu quả điều trị của dược liệu cao nhất.

- Việc triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, bảo tồn và sản xuất đại trà cây thuốc còn nhiều hạn chế. Hạn chế việc đầu tư nghiên cứu dạng thương phẩm thích hợp cho từng dược liệu.

- Cơ chế chính sách chưa đồng bộ và phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và địa phương nhằm đẩy mạnh, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn, nuôi trồng, sơ chế, chế biến sản xuất thành phẩm từ dược liệu trong tỉnh.

- Cơ chế và giải pháp đảm bảo đầu ra ổn định cho nguồn dược liệu chưa được thúc đẩy và hoàn thiện.

Phần II

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2018-2020 ĐỊNH HƯỚNG 2025

I. TỔNG QUAN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2018-2020

1. Bối cảnh hình thành Đề án

1.1. Bối cảnh quốc tế.

- Toàn cầu hóa và khu vực hóa đang là xu thế tất yếu khách quan của nền kinh tế thế giới. Các liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động, hình thành mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt.

- Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung trong khu vực và quốc tế.

1.2. Bối cảnh quốc gia

Sau 30 năm đổi mới (1986 - 2017), nước ta đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều chính sách được ban hành hoặc sửa đổi để phù hợp hơn với các cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, từng bước tạo ra môi trường pháp lý đầy đủ, an toàn và thuận lợi hơn cho các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh tế còn chưa đầy đủ và đồng bộ.

1.3. Bối cảnh tỉnh Kon Tum

- Nền kinh tế tỉnh Kon Tum vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng phát triển đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Đảng Nhà nước có nhiều chính sách đặc thù với miền núi vùng cao. Quan hệ hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các tỉnh thành phố trong khu vực và cả nước đang trở thành một xu thế tất yếu.

- Tỉnh Kon Tum vẫn còn là tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế, nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn nhưng khả năng đáp ứng có hạn. Qui mô kinh tế còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực cạnh tranh thấp. Tình hình lạm phát và giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vật tư thiết yếu có xu hướng gia tăng; thiên tai dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

2. Mục tiêu của Đề án

2.1. Mục tiêu chung

Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên; chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm, phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế. ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển dược liệu và tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dược liệu trong tổng sản phẩm của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.

2.2. Mục tiêu cụ thể

2.2.1. Giai đoạn năm 2018-2020

- Bảo tồn và phát triển phát triển nguồn gen cây thuốc Quốc gia Sâm Ngọc Linh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông; khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn và đầu tư phát triển trồng diện tích tổng số đạt 2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu có lợi thế so sánh của tỉnh (gồm Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, Lan kim tuyến, Nghệ vàng, Đinh lăng, Sa nhân tím, Ý dĩ, nấm dược liệu) và các loài dược liệu giá trị kinh tế cao7, sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên địa bàn các huyện, thành phố, trọng điểm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển diện tích trồng đối với 04 loài dược liệu gồm 1.000 ha Sâm Ngọc Linh, 300 ha Đảng sâm, 150 ha Đương quy, 100 ha Nghệ vàng. Sản lượng nguyên liệu dược liệu ước đạt trên 8.000 tấn.

- Phát triển các cơ sở sản xuất giống gốc, giống thương phẩm đối với các loài dược liệu tập trung, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu sản xuất dược liệu. Trong đó, hình thành ít nhất 02 cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, 01 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác tại Kon Plông để đáp ứng 100% nguồn giống dược liệu đảm bảo phẩm cấp phục vụ cho phát triển vùng trồng dược liệu tập trung.

- Thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quy mô từ nhỏ đến lớn, từ sơ chế, chế biến truyền thống đến ứng dụng công nghệ cao chế biến sâu để cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

2.2.2. Giai đoạn năm 2021-2030

- Phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia với diện tích tổng số 25.000 ha các loài dược liệu. Trong đó, 10.000 ha Sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei; 4.900 ha Đảng sâm, 500 ha Ngũ vị tử, 1.000 ha Đương quy tại Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei và Đăk Tô; 500 ha Lan kim tuyến tại Tu Mơ Rông, Kon PLông và Đăk Glei; 1.700 ha Sa nhân tím tại Tu Mơ Rông, la Hdrai, Sa Thầy, Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Glei; 500 ha Ý dĩ tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei; 3.000 ha Nghệ vàng tại Thành phố Kon Tum, Sa Thầy, la Hdrai và Kon Rẫy; 1.400 ha Đinh lăng tại Thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy; 120 ha nấm dược liệu tại Thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Đăk Hà và Kon Plông; 1.380 ha các loài dược liệu khác tại các huyện, thành phố. Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 131.750 tấn.

- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng vùng trồng và hình thành các cụm công nghiệp chế biến dược liệu công nghệ cao trên địa bàn các huyện, thành phố theo qui hoạch phục vụ sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; hình thành mới 05 cơ sở sản xuất giống gốc, giống thương phẩm đối với các loài dược liệu tập trung, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu; phấn đấu mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.

II. KẾT QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2018-2020

1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương phát triển và chế biến dược liệu

- Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương, văn bản liên quan về phát triển, chế biến dược liệu đến toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức. Nhiều phóng sự, tin bài về các mô hình trồng dược liệu điển hình, hiệu quả kinh tế cao, thông tin về tiềm năng, thế mạnh về phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện và giới thiệu đến các nhà đầu tư và người dân để biết, tham gia hưởng ứng.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng và chế biến dược liệu, tiêu biểu là Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có những mô hình thiết thực, hiệu quả để người dân làm theo.

- Công tác giới thiệu sản phẩm dược liệu địa phương được quan tâm và triển khai thông qua các buổi triển lãm, hội chợ, hội thảo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, công thương... nhiều Hội nghị, Hội thảo chuyên đề về dược liệu đã được thực hiện và nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước và đông đảo người dân.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dược liệu

2.1 Kiện toàn bộ máy, nhân lực, cán bộ chuyên trách quản lý Nhà nước về dược liệu; Tổ chức lại công tác quản lý Nhà nước đối với dược liệu và Phân định chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về dược liệu.

Việc kiện toàn bộ máy, nhân lực, cán bộ chuyên trách quản lý Nhà nước về dược liệu chưa được thực hiện, cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dược liệu đa số là kiêm nhiệm (ngoại trừ Sở Y tế). Sở Y tế đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch làm việc với Bộ Y tế về bộ máy, nhân lực, cán bộ chuyên trách, tuy nhiên đến nay tỉnh Kon Tum chưa nhận được văn bản của Bộ Y tế nên chưa có cơ sở thực hiện.

- Trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương (phụ lục 3 Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh), theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Sở, ban ngành hên quan đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, phòng ban trực thuộc để theo dõi, tổng hợp, tham mưu xử lý các vấn đề liên quan việc phát triển dược liệu do ngành, địa phương phụ trách(8).

2.2 Rà soát xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật về quản lý, khai thác bền vững nguồn dược liệu

Việc khai thác các loại dược liệu dưới tán rừng (Cu ly, Máu chó) đều được khai thác bền vững theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và các văn bản có hên quan, như vậy văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác bền vững nguồn dược liệu đã có và chưa phát sinh bất cập nên chưa cần thiết phải xây dựng văn bản qui phạm pháp luật mới.

2.3 Công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, Tỉnh ủy đã tổ chức các đợt kiểm tra giám sát việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết tại các đơn vị, địa phương; Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức 02 đợt giám sát quá trình tổ chức thực hiện đề án; Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập đoàn công tác Liên ngành của tỉnh, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Thành lập đoàn kiểm tra thực tế các sản phẩm thuộc 06 ngành hàng theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; Thành lập đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất Sâm và Giống Sâm Ngọc Linh, qua đó đã chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Công tác xử lý vi phạm cũng được thực hiện nghiêm minh qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 34 hũ rượu (100 lít); 58 hũ thực phẩm được cho là chiết xuất từ sâm Ngọc Linh; 14 kg củ và lá giả Sâm Ngọc Linh, các cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định. Hội đồng xử lý tang vật tỉnh Kon Tum đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ tang vật nói trên.

2.4 Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai thực hiện 03 dự án do Trung ương quản lý thuộc Chương trình Nông thôn miền núi(9). Bộ Khoa học và Công nghệ có Quyết định số 4025/QĐ-BKHCN, ngày 28 tháng 12 năm 2018 phê duyệt danh mục dự án xây dựng sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh với các nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ trồng, chăm sóc, chế biến Sâm Ngọc Linh(10).

- Giai đoạn 2018-2020 Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 10 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến dược từng bước củng cố cơ sở khoa học cho việc đầu tư và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh(11).

- Đã đăng bảo hộ ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 02 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó mở rộng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của Kon Tum lên 9 khu vực địa lý12; ban hành Quy chế phối hợp quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam13; xây dựng logo chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum và ban ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum14.

- Đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các loài dược liệu khác và đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh Kon Tum15 và 09 sản phẩm dược liệu16, gồm: Đảng sâm Kon Tum (Sâm dây); Đương quy Kon Tum; Ngũ vị tử Kon Tum; Lan kim tuyến Kon Tum; Nghệ vàng Kon Tum; Đinh lăng Kon Tum; Sa nhân tím Kon Tum; Ý dĩ Kon Tum; Nấm linh chi Kon Tum. Ban hành Quy chế17 quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận: Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đảng sâm Kon Tum (Sâm dây); Đương quy Kon Tum; Ngũ vị tử Kon Tum; Lan kim tuyến Kon Tum; Nghệ vàng Kon Tum; Đinh lăng Kon Tum; Sa nhân tím Kon Tum; Ý dĩ Kon Tum; Nấm linh chi Kon Tum.

2.5 Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư và chế biến dược liệu

- Làm việc với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu tiềm năng cây thuốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nghiên cứu cách sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng từ nguồn dược liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh.

- Ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Viện nghiên cứu Sâm Jinan, Hàn Quốc về hợp tác nâng cao xếp hạng quốc tế về việc công nghiệp hóa Sâm và nâng cao giá trị cùng hiệu quả của Sâm thông qua việc phát triển và nghiên cứu song phương; tổ chức Đoàn đi công tác tại Hàn Quốc về hợp tác nghiên cứu các dược liệu của tỉnh Kon Tum, qua đó đã ký kết định hướng hợp tác với Viện nghiên cứu Sâm Jinan, Hàn Quốc, theo đó hai bên sẽ thiết lập một kế hoạch chi tiết cho hợp tác kinh doanh và kế hoạch chi tiết các nội dung, công việc hợp tác.

3. Công tác quy hoạch bảo tồn, đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung.

3.1 Công tác lập quy hoạch; Công tác giao đất giao rừng cho thuê đất, thuê môi trường rừng và bố trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp để quy hoạch phát triển dược liệu

- Vấn đề lập quy hoạch phát triển từng loại dược liệu cho phù hợp, nhất là các huyện trọng điểm phát triển dược liệu như Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, tuy nhiên đến nay đã có quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh18, đối với các loài dược liệu khác chưa ban hành. Nguyên nhân là do Luật Quy hoạch năm 2019 không cho phép xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm do đó không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Riêng đối với Sâm Ngọc Linh đã được ban hành trước thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực.

- Xây dựng Phương án thí điểm trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo vệ rừng bền vững, theo đó quy hoạch 1.220 ha trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh để phát triển các loài dược liệu.

- Xây dựng Phương án giao rừng, cho thuê rừng với tổng diện tích hơn 102.000 ha19, trong đó có 10.000 ha rừng để phát triển Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Theo đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố đã tổ chức rà soát quỹ đất nông nghiệp, diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với phát triển dược liệu để định hướng và giới thiệu cho các nhà đầu tư, người dân tham gia trồng và phát triển dược liệu trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã rà soát xác định danh sách các loài dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn và có giá trị kinh tế cao có khả năng phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu tỉnh Kon Tum để trồng thực nghiệm, thí điểm trước khi trồng theo quy mô công nghiệp tại vùng trọng điểm ở 03 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông20.

- Công tác giao đất giao rừng để phát triển dược liệu được quan tâm, đến nay đã giao đất, giao rừng cho 35 cộng đồng với tổng diện tích 6.391,15 ha (giao theo Dự án của Viện CODE và KfW10). Rừng sau khi giao được hỗ trợ của dự án để người dân trồng bổ sung các loài dược liệu như Sa nhân tím, Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm (Sâm dây). Thông qua các hoạt động hỗ trợ sau giao đất giao rừng đã huy động được các nguồn lực của các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư buôn làng tham gia phát triển dược liệu gắn với công tác bảo vệ rừng.

- Cho thuê rừng: Đến nay đã cho các tổ chức kinh tế thuê rừng với tổng diện tích 7.461,29 ha để thực hiện các dự án trồng dược liệu, nông nghiệp...

3.2 Xây dựng kế hoạch khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên

Việc khai thác lâm sản ngoài gỗ có tính dược liệu (Cu ly, Máu chó) được thực hiện theo phương án khai thác bền vững theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Các loại dược liệu khác như Chè dây, chuối rừng, cốt toái bổ, nấm cổ cò, rễ na... được khai thác một cách tự phát chưa có kế hoạch hay phương án cụ thể.

3.3 Công tác đầu tư phát triển vùng dược liệu tập trung đối với 10 loại dược liệu có thể mạnh (Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, Lan kim tuyến, Nghệ vàng, Đinh lăng, Sa nhân tím, Ý dĩ, nấm dược liệu)

Qua 4 năm triển khai thực hiện đề án trên địa bàn toàn tỉnh đã có khoảng 3.602,1 ha dược liệu, trong đó tiêu biểu nhất là diện tích rừng đã được trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 1.240,7 ha, sản lượng ước đạt khoảng 213,6 tấn21; Đảng Sâm 861 ha; Đương qui 64,2 ha; Nghệ vàng 168,1 ha; Sa nhân 117,8 ha,... Hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung, điển hình như: vùng trồng Sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng Sâm dây tại tại huyện Tu Mơ Rông; Đăk Glei; vùng trồng Sa nhân tím tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum

(chi tiết kết quả thực hiện có biểu 01 kèm theo).

3.4 Công tác đầu tư cơ sở bảo tồn và sản xuất giống dược liệu; Hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia

- Tỉnh đã đầu tư xây dựng 03 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu cây giống dược liệu trên địa bàn.

- Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông xây dựng vườn ươm giống gốc, hàng năm ươm khoảng 1 triệu cây con, trong đó ngũ vị tử khoảng 500.000 cây và Sâm Ngọc linh ươm 50.000 cây, các loài dược liệu khác 450.000 cây. Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum thiết lập vườn ươm Sâm Ngọc Linh với công suất 3,7 triệu cây/năm; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô xây dựng vườn ươm với công suất hơn 300.000 cây/năm.

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu tại Đăk Tô và thành lập Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ.

- Sở Khoa học và Công nghệ đã thúc đẩy hình thành khu nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ về dược liệu nhưng do vướng quy định về giao đất giao rừng nên chưa thực hiện được, Ủy ban nhân dân tỉnh đã được giao cho Sở Y tế chủ trì triển khai thực hiện việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia.

3.5 Công tác quản lý nguồn giống dược liệu tại địa phương, đăng ký cấp giấy chứng nhận nguồn giống; xây dựng chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu

- Đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình sản xuất Sâm Ngọc Linh và giống Sâm Ngọc Linh qua đó xác định được 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 9 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh; có khoảng 881 ha Sâm có cho thu hoạch quả; khoảng 5,745 triệu cây cho hạt; thu 8,618 triệu hạt mỗi năm và 6,205 triệu cây giống mỗi năm. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tổ chức quản lý giống Sâm Ngọc Linh, thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước đối với các hoạt động trao đổi, sản xuất, kinh doanh giống Sâm Ngọc Linh.

- Về cách thức thực hiện, hàng năm vào thời điểm thu hoạch quả các tổ chức/cá nhân có gieo ươm cây giống báo cáo về cơ quan chức năng số lượng hạt giống thu hái. Cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế và xác nhận số lượng hạt giống để tổ chức, cá nhân gieo ươm. Khi cây giống xuất vườn đem đi trồng các tổ chức/cá nhân báo cáo cơ quan chức năng để được kiểm tra xác nhận lô cây con. Cây giống được xác nhận đem đi trồng là hợp pháp, có nguồn gốc và đảm bảo chất lượng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chứng nhận nguồn giống cho 02 chủ nguồn giống theo quy định22 và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương tạm thời đối với Sâm Ngọc Linh để làm cơ sở quản lý nhà nước về giống cây trồng, chất lượng các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh theo quy định.

- Đã hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu đối với Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử bước đầu các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước23.

3.6 Tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn WHO-GACP

Sở Y tế đã tổ chức được 01 lớp tập huấn về “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” cho 40 học viên là cán bộ của Trung tâm giống thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO.

4. Chế biến và tiêu thụ dược liệu

4.1 Huy động nguồn lực đầu tư khu sản xuất chế biến dược liệu công nghệ cao

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (giai đoạn 1)24 Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 60.800 triệu đồng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khoảng 30 ha. Dự án hiện đang được triển khai thực hiện với tổng kế hoạch đã bố trí đến năm 2021 đạt 54.920 triệu đồng.

- Dự án Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại thành phố Kon Tum25 với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư26. Dự án hiện đang được triển khai thực hiện với tổng kế hoạch đã bố trí đến năm 2021 là 22.700 triệu đồng.

4.2 Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến dược liệu

Về công tác kêu gọi thu hút đầu tư, tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, các dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, dự án trồng, chế biến dược liệu thân thiện với môi trường, đảm bảo các dự án phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư, phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 6/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 24 dự án phát triển dược liệu với tổng vốn đăng ký đạt 13.213 tỷ đồng. Đến nay đã có một số dự án lớn đi vào triển khai hoạt động đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ chức Hội nghị đầu tư, phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác năm 2018 và việc trung bày, triễn lãm chuyên đề “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

4.3 Hỗ trợ thiết bị, công nghệ chế biến nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Ứng dụng thương mại điện tử trong mua bán dược liệu, hỗ trợ website thương mại điện tử. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến sản phẩm về dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum như: hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất tinh dầu tiêu rừng cho HTX nông nhiệp Tuyết Sơn; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế biến Curcuminoid cho Công ty cổ phần thương mại nông nghiệp và dược liệu Đồng Xanh Kon Tum; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất thực phẩm tiêu dùng từ Đảng Sâm cho Công ty cổ phần Kora; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ cao trong chế biến và bảo quảng dược liệu cho HTX Dược liệu Hữu cơ Tu Mơ Rông; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ cao sản xuất chế biến các loại dược liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế cho Công ty TNHH Biophap; Hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến dược liệu sau thu hoạch cho Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm từ sâm cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen.

4.4 Hướng dẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược liệu

Từ năm 2018 đến nay, đã hướng dẫn về hồ sơ thủ tục và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế cho 34 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác.

4.5 Hình thành hiệp hội dược liệu tỉnh Kon Tum và tổ chức kiểm nghiệm dược liệu

Hội dược liệu tỉnh Kon Tum được thành lập tại Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc cho phép thành lập Hội Dược liệu tỉnh Kon Tum.

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế định kỳ lấy mẫu và kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, sản phẩm được chế biến từ 3 nguồn dược liệu của tỉnh; hỗ trợ, tư vấn về chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp, cá nhân nuôi trồng chế biến dược liệu tại địa phương, cụ thể: 32 mẫu của các cơ sở Phòng chẩn trị y học cổ truyền; hướng dẫn 01 Hợp tác xã sản xuất kinh doanh tinh dầu sả về xây dựng Hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng tinh dầu sả và các bước đăng ký sản phẩm; kiểm tra chất lượng 6 mẫu mỹ phẩm là nước rửa tay sát khuẩn do Trường Cao đẳng y tế cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ và Công ty CP dịch vụ và thiết bị y tế An Sinh - Hà Nội sản xuất tại tỉnh Kon Tum; Hướng dẫn Công ty TNHH Thuận Thảo - Kon Tum xây dựng hồ sơ về tiêu chuẩn cơ sở và công bố chất lượng sản phẩm mỹ phẩm do Công ty sản xuất gồm (01 Mẫu muối thảo dược quấn bụng, 01 Mẫu thảo dược tắm bé và 01 Mẫu mỹ phẩm dưỡng da Toner Thuận Thảo). Ngoài ra đơn vị Hướng dẫn cho các cơ sở hộ cá thể về hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm; kiểm nghiệm 02 mẫu mỹ phẩm làm trắng da sản xuất từ sâm dây Kon Tum.

5. Thực hiện Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ dược liệu

- Các chính sách của Trung ương như: ưu tiên công nhận giống dược liệu địa phương; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chi phí sản xuất giống; chi phí tập huấn hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tiền thuê đất; miễn, giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất... hầu như chưa được thực hiện vì số lượng dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế.

- Chính sách của Địa phương hỗ trợ giống trồng Đảng sâm, Đương quy đã được thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả. Năm 2019, hỗ trợ 1,120 tỷ đồng để các huyện Kon Plông; Tu Mơ Rông; Đăk Glei xây dựng vườn ươm các loại dược liệu. Năm 2020 hỗ trợ 585 triệu đồng cho 30 hộ trồng 2,4 ha Sâm dây. Ngoài ra Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng hỗ trợ 30 triệu đồng cho Hội phụ nữ xã Mường Hoong, Ngọc Linh trồng Sâm dây trên địa bàn huyện Đăk Glei.

- Chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất giống cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh27, không còn phù hợp với thực tế, nhà đầu tư không mong muốn được hỗ trợ, người dân cũng tự sản xuất được không mong muốn liên kết, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết chính sách này không thực hiện.

- Tổng vốn ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ dược liệu giai đoạn 2017-2020 là: 11,441 tỷ đồng.

6. Kết quả đạt được các mục tiêu, giải pháp cụ thể của đề án

6.1 Mục tiêu đến năm 2020

a) Phát triển khoảng 2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (trong đó có ít nhất 1.000 ha Sâm Ngọc Linh)

- Theo số liệu thống kê đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có 2.416,5 ha (đạt 120,8%) dược liệu gồm: Sâm Ngọc Linh khoảng 907,2 ha (90,1%); Đảng Sâm 628,9 ha; Đương quy 57,5 ha; Ngũ vị tử 6 ha; Nghệ vàng 168,1 ha; Đinh lăng 47,9 ha; Sa nhân 122,8 ha; Giảo cổ lam 20 ha....

Đánh giá kết quả thực hiện: cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

b) Hình thành ít nhất 02 cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh, 01 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác

Đến năm 2020 đã có 02 cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống Sâm Ngọc Linh ra thị trường được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận nguồn gốc giống đó là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; Hình thành cơ sở sản xuất giống dược liệu tại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông.

Đánh giá kết quả thực hiện: đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

c) Thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong nước và hưởng đến xuất khẩu

Hình thành được 03 cơ sở chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết, ngoài ra thu hút được 07 đơn vị28 đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến dược liệu.

Đánh giá kết quả thực hiện: đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

6.2 Mục tiêu đến 2030: (1) Nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha (trong đó có khoảng 10.000 ha Sâm Ngọc Lỉnh); (2) Hình thành mới ít nhất 05 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh; (3) Mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; (4) Hoàn thành công tác điều tra, thống kê dược liệu và tổ chức bảo tồn, khai thác bền vững dược liệu.

- Giai đoạn 2018 - 2021, diện tích dược liệu tăng từ 600ha lên 2400ha, tăng gấp 04 lần so với năm 2018, bình quân mỗi năm tăng 600ha, tốc độ gia tăng bình quân hàng năm là 45%29. Với tốc độ gia tăng này thì đến năm 2030 dự kiến diện tích dược liệu đạt 24.850 ha30.

- Đối với Sâm Ngọc Linh, giai đoạn 2018 - 2021, diện tích trồng Sâm Ngọc Ngọc Linh tăng từ 500 ha lên 907 ha, từ đó xác định tốc độ gia tăng bình quân hàng năm là 16%31. Với tốc độ gia tăng này thì khả năng đến năm 2030 dự kiến diện tích Sâm Ngọc Linh sẽ đạt 4.000 ha32. Tuy nhiên với tính đặc biệt của Sâm Ngọc Linh và nhu cầu phát triển không giới hạn, cộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì khả năng dự kiến đến năm 2030 đạt 9.900 ha là khả thi (tốc độ gia tăng trong giai đoạn 2021-2030 dự báo 27%).

- Số lượng cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh hiện đã có 02 đơn vị, khả năng đến năm 2030 phát triển thêm 03 cơ sở là có thể thực hiện được.

- Trong giai đoạn hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ mới bước đầu hình thành các vùng trồng dược liệu, đang trong quá trình đầu tư cơ sở vật chất, chế biến, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, với nhu cầu sử dụng các sản phẩm dược liệu hiện nay và sự quan tâm của các nhà đầu tư sản xuất, trồng và chế biến dược liệu sẽ phấn đấu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

6.3 Kết quả thực hiện một số giải pháp cụ thể

a) Đến năm 2020 phải hình thành 01 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Kon Plông; duy trì công tác nghiên cứu, sản xuất giống dược liệu tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển 02 vườn ươm giống sâm Ngọc Linh trên cơ sở vườn giống hiện có của doanh nghiệp.

Hiện nay đã hình thành 01 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Tu Mơ Rông và 01 cơ sở sản xuất giống tại huyện Kon Plông (Trung tâm ứng dụng công nghệ cao). 02 vườn ươm giống Sâm Ngọc Linh tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã đi vào hoạt động, mỗi năm sản xuất khoảng 4 triệu cây giống.

Đánh giá kết quả thực hiện: đạt giải pháp của Nghị quyết đề ra.

b) Cung ứng 50% đến năm 2020 và phấn đấu đạt 100% vào năm 2030 nhu cầu giống các loại dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, việc sản xuất giống chỉ phục vụ nhu cầu trồng mới của các đơn vị chưa cung ứng ra thị trường hoặc cung ứng rất ít.

Đánh giá kết quả thực hiện: Chưa đạt giải pháp của Nghị quyết đề ra.

c) Phấn đấu sớm hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum

Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư xây dựng dự án tổng thể “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh”. Theo dự án, hiện nay Trung tâm ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ (đơn vị chủ đầu tư) đã đầu tư xây dựng “Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh” tại huyện Đăk Tô, gồm khu làm việc, gồm: Nhà làm việc; Nhà nghiên cứu thí nghiệm; Nhà giới thiệu trưng bày sản phẩm và các công trình phụ trợ trên diện tích 2,5 ha được giao và vườn giống gốc sâm Ngọc Linh với quy mô diện tích 20 ha đã được giao với các hạng mục: nhà điều hành sản xuất, vườn ươm cây giống (02 nhà lưới ươm cây), vườn giống gốc và hạ tầng phục vụ cho chăm sóc, bảo vệ vườn giống gốc tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Hiện đang triển khai: “Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, nâng cao hệ thống phân tích và kiểm định dược liệu cho Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.

Đánh giá kết quả thực hiện: Chưa đạt giải pháp của Nghị quyết đề ra.

d) Xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu

Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng, khai thác và chế biến và phân phối các sản phẩm từ củ, lá Sâm Ngọc Linh cho ra các sản phẩm rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5; Mật ong sâm SK5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 Sói đêm; Nước giải khác dưỡng da NoLiKo; Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum khai thác, chế biến Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm ra các sản phẩm Trà Sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen Sâm Ngọc Linh, Viên nang mềm sinh lý Sâm Ngọc Linh, Rượu sâm ngọc linh, Cà phê Sâm Ngọc Linh, Mật Sâm Ngọc Linh, 7 Dầu gió Tinh Nhân Sâm...; Công ty Thái Hòa liên kết, thu mua các sản phẩm cây Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử chế biến các loại sản phẩm rượu sâm, trà hòa tan.

Đánh giá kết quả thực hiện: Đạt giải pháp của Nghị quyết đề ra.

(5) Phấn đấu đến năm 2020 thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 10 nhà máy chế biến các sản phẩm từ dược liệu

Hiện nay đã hình thành được 03 cơ sở chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết, ngoài ra thu hút được 07 đơn vị33 đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến dược liệu.

Đánh giá kết quả thực hiện: Đạt giải pháp của Nghị quyết đề ra.

III. Đánh giá chung

1. Ưu điểm

- Qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án, bước đầu đã có sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dược liệu; công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu gắn với ứng dụng công nghệ cao có sự tăng lên về số lượng và chất lượng doanh nghiệp đầu tư, nguồn vốn cam kết đầu tư ngày càng tăng. Công nghệ ứng dụng vào sản xuất bước đầu cũng được doanh nghiệp, hộ dân chú trọng đầu tư; một số sản phẩm đã có chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ được triển khai thực hiện. Các vùng trồng dược liệu tập trung dần được hình thành và phát triển về quy mô, nhất là ở 03 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông; việc đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm dược liệu đã được địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện.

- Kinh nghiệm, nền tảng phát triển kinh tế tập thể, trang trại, tổ hợp tác và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được áp dụng cho phát triển dược liệu; doanh nghiệp và nông dân có cơ hội hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

- Bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, hình thành được vùng trồng Sâm Ngọc linh tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa.

2. Khuyết điểm, hạn chế

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TU có lúc có nơi chưa chặt chẽ.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, đầu tư, phát triển về dược liệu tại các vùng trọng điểm có mặt còn hạn chế; trong đó: (i) Công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng dược liệu, gắn với giảm nghèo bền vững chưa đáp ứng yêu cầu; (ii) Diện tích trồng dược liệu chưa tương xứng với lợi thế của địa phương; (iii) Chưa chủ động về nguồn giống các loài dược liệu; (iv) Việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán dược liệu giả chưa hiệu quả; (v) Chưa chủ động, năng động trong công tác thu hút đầu tư các dự án trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn...

- Đội ngũ thực hiện công tác quản lý nhà nước về dược liệu còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu là kiêm nhiệm dẫn đến công tác xử lý các vấn đề về dược liệu còn lúng túng, chậm và kém hiệu quả.

- Việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay có xu hướng tập trung vào các loài thực phẩm chức năng và chưa có sự quan tâm, chú trọng đến phát triển các cây dược liệu làm thuốc khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế. Đồng thời các nguyên liệu dược liệu hiện nay chủ yếu được các doanh nghiệp, thương lái thu mua nhưng không thông qua chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ; sản phẩm chế biến từ dược liệu còn kém phong phú và đang dừng lại ở mức độ xử lý thô như: ngâm rượu, phơi khô, chế biến một số loại trà... chưa có quy mô sản xuất, chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao như: thuốc trị bệnh sản xuất từ dược liệu, vị thuốc cổ truyền, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...; chưa kiểm soát chặt chẽ các công ty chế biến dược liệu vẫn còn tình trạng mua hương liệu để sản xuất nước giải khát mạo danh thương hiệu Sâm dây.

- Chưa đa dạng các hình thức tiếp cận thị trường nhất là qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương chưa được quảng bá rộng rãi, người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến chưa nhiều, do đó chưa thúc đẩy được việc đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng.

- Việc kiểm soát, quản lý nguồn giống dược liệu đặc biệt là giống Sâm Ngọc linh còn lúng túng chưa chặt chẽ vẫn còn tình trạng giống Sâm Ngọc Linh giả thâm nhập thị trường; công tác gieo ươm và cung cấp giống dược liệu đặc biệt là Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tại; việc quản lý bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh chưa hiệu quả, công tác xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm dược liệu còn yếu và hạn chế. Việc cấp mã số chứng nhận cơ sở nuôi trồng Sâm Ngọc Linh, Lan Kim Tuyến do cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp còn gặp nhiều khó khăn do không chứng minh được nguồn giống hợp pháp khi thiết lập vườn giống hiện hành.

- Việc lồng ghép triển khai và áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực khác có liên quan công tác phát triển dược liệu như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế, khoa học và công nghệ để hỗ trợ cho các dự án đầu tư, phát hiển và chế biến dược liệu được quan tâm chưa đầy đủ, do đó việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu gắn với chế biến trên địa bàn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GACP) chưa được áp dụng rộng rãi dẫn đến hạn chế các doanh nghiệp thu mua sản phẩm.

- Ngoài một số dược liệu trồng tập trung như Sâm Ngọc Linh, Sâm dây, Sa Nhân tím còn các loại dược liệu ngắn ngày khác trồng phân tán và thu hoạch theo thời vụ nên việc xác định chính xác diện tích các loài dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được.

- Việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chưa đạt được kết quả như yêu cầu Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể: công tác điều tra, thống kê dược liệu và tổ chức bảo tồn, khai thác bền vững dược liệu; cung ứng nhu cầu giống các loại dược liệu; Lập quy hoạch phát triển từng loại dược liệu.

3. Nguyên nhân

3.1 Nguyên nhân khách quan

- Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư phát triển và chế biến dược liệu còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất (giao thông, thủy lợi, khoa học công nghệ) chưa đáp ứng được yêu cầu để thu hút nhà đầu tư.

- Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm hạn chế việc đầu tư của các doanh nghiệp hiện có, không thu hút được nhà đầu tư mới.

- Công tác phát triển và chế biến dược liệu là vấn đề mới, dẫn đến sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian đầu của một số Sở, ban ngành, một số cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp còn lúng túng trong triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

3.2 Nguyên nhân chủ quan

- Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, đội ngũ thực hiện công tác quản lý nhà nước về dược liệu còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu là kiêm nhiệm dẫn đến công tác xử lý các vấn đề về dược liệu còn lúng túng, chậm và kém hiệu quả.

- Nhận thức về đầu tư phát triển dược liệu của một số người dân chưa đầy đủ, chưa thay đổi nếp nghĩ cách làm còn sản xuất theo hướng nhỏ lẻ manh mún. Giá thành của Sâm Ngọc Linh quá cao nên thương lái vì mục đích lợi nhuận bất chấp quy định bằng mọi cách đưa các loại Sâm giả qua mặt cơ quan quản lý nhà nước thâm nhập vào thị trường.

- Cơ sở hạ tầng cơ sở kỹ thuật từng bước hoàn thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu của sản xuất dược liệu, nhất là việc phát triển dược liệu dưới tán rừng tại các vùng núi cao.

- Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển và chế biến dược liệu lớn, chủ yếu dựa vào tiềm lực của doanh nghiệp, nguồn vốn hỗ trợ người dân trồng dược liệu từ ngân sách còn hạn chế, định hướng chưa rõ ràng, dẫn đến diện tích trồng và phát triển dược liệu còn khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, quy mô sản xuất dược liệu nhỏ lẻ, manh mún, tự phát chạy theo phong trào và thiếu bền vững. Các địa phương, các ngành chức năng còn lúng túng trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sản xuất chưa gắn với thị trường; chưa tận dụng được thế mạnh của thị trường dẫn đến các doanh nghiệp, người dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất.

- Nguồn nhân lực trong lĩnh vực trồng, phát triển và chế biến dược liệu ở các địa phương chưa được đào tạo nên chưa đáp ứng nhu cầu về trình độ, tay nghề... nên không có tính chuyên nghiệp trong sản xuất; ứng dụng và nhận chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chưa sát với thực tế, còn ở mức độ rất thấp.

Phần III

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. BỐI CẢNH, TÌNH HÌNH (các nhân tố tác động)

1. Quốc tế

Trong 10 năm tới tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra phức tạp và gay gắt hơn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Các dòng vốn ODA sẽ giảm đi, vốn FDI sẽ tăng lên, hướng tới những vùng lãnh thổ có môi trường đầu tư thuận lợi và các ngành sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều vấn đề toàn cầu liên quan đến tài nguyên rừng và lâm nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp như biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên: hơn 50% dân số toàn cầu vào năm 2030 sẽ thiếu nước liên tục, độ đa dạng loài sẽ giảm 10% vào năm 2050 và các khu rừng già sẽ bị giảm 13% trên toàn cầu; Phát thải khí nhà kính tăng 50% và nhiệt độ trái đất có thể tăng từ 3°-6°C vào năm 2050, nguy cơ cháy rừng và dịch bệnh lan rộng; Năng lượng sinh học sẽ phát triển mạnh trước nhu cầu thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thị trường carbon thế giới và nội địa có khả năng sẽ tăng nhanh và vận hành trên diện rộng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ làm giảm chi phí đo đếm, thẩm định và giao dịch thương mại. Một số xu thế mới về phát triển kinh tế trên cơ sở sử dụng một cách thông minh các tài nguyên sinh học có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường được chú ý, đặc biệt là Châu Âu như: Kinh tế sinh học; Kinh tế tuần hoàn và Kinh tế chiếc bánh vòng.

Đến năm 2030, dân số thế giới có thể đạt 9 tỉ người; nhu cầu thực phẩm an toàn và môi trường sống xanh, sạch, đẹp, cải thiện sức khỏe con người ngày càng tăng, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp đô thị và nâng cao vai trò của ngành lâm nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội, y tế và nghỉ dưỡng.

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học và cách mạng công nghiệp 4.0 tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại thời cơ và thách thức cho mọi ngành, lĩnh vực ở tất cả các quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội chuyển từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào khoa học công nghệ như: Công nghệ thông tin, 5G, công nghệ tự động hóa,... Trong một bối cảnh thay đổi nhanh chóng và đa dạng, ngành lâm nghiệp sẽ phải xây dựng các giải pháp tối ưu hóa, đầu tư công nghệ, đầu tư nhân lực và chất xám, phát triển các giá trị gia tăng và các sản phẩm mới, các vật liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế gỗ hay kết hợp gỗ với các loại vật liệu khác như nhựa, giấy, kim loại,... Các doanh nghiệp lâm nghiệp sẽ hướng vào phát triển thương mại giá trị cao, chuyển từ tập trung vào khối lượng sang tập trung vào giá trị sản phẩm tạo ra để tăng thu nhập từ giá trị gia tăng. Nhu cầu số hóa, các phần mềm ứng dụng và tự động hóa cho ngành lâm nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ, logistic, chăm sóc khách hàng trong lâm nghiệp sẽ gia tăng.

Một số vấn đề đặt ra cần giải quyết từ năm 2020: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc sẽ tác động mạnh đến các ngành năng lượng, gỗ và giấy. Nhu cầu sản xuất giấy sẽ giảm do phát triển truyền thông điện tử, nhu cầu gỗ xẻ, gỗ xây dựng tăng do xây dựng nhà cửa ngày càng tăng. Cùng với sự thay thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và thị trường sản phẩm gỗ, một số xu hướng phát triển lâm nghiệp trên thế giới cần chú ý là: Lâm nghiệp đô thị; lâm sản ngoài gỗ; đa dạng hóa sản phẩm với tỷ lệ ngày càng tăng các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao; thị trường và Thương mại phát thải; phát triển thuế và thuế giá trị gia tăng của hệ sinh thái rừng; phát triển thị trường chứng khoán, cổ phiếu và trái phiếu rừng; đặc biệt, vai trò Lâm nghiệp ngày càng gia tăng đối với an sinh xã hội, y tế, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Việt Nam

Sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định; mức sống của người dân được cải thiện; chất lượng nguồn nhân lực có những chuyển biến tích cực; hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện; thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao. Trong giai đoạn tới, Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn với nhiều thuận lợi đồng thời với những khó khăn thách thức mới đan xen và khó dự báo.

Nền kinh tế phát triển tuy khá nhanh nhưng chưa bền vững, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng còn thấp; năng lực cạnh tranh yếu; hiệu quả sử dụng đất đai còn thấp; chuyển dịch cơ cấu sản xuất chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, khoa học và công nghệ chưa thành động lực cho phát triển.

Dân số Việt Nam năm 2020 hơn 97 triệu người, chiếm 1,25% dân số thế giới và đứng thứ 15 trên thế giới với mật độ 313 người/km2 và tuổi trung bình 32,5 tuổi. Đến năm 2030 dự kiến tăng lên 104 triệu người, tuổi thọ trung bình là 75 tuổi; xu hướng biến đổi cơ cấu dân số theo hướng già đi; dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là 4 người dân có một người cao tuổi.

3. Tỉnh Kon Tum

Nền kinh tế tỉnh Kon Tum vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng có nhiều tiến bộ và đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Đảng Nhà nước có nhiều chính sách đặc thù với miền núi vùng cao. Quan hệ hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các tỉnh thành phố trong khu vực và cả nước đang trở thành một xu thế tất yếu. Thời gian qua việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng ngày càng hiệu quả, diện tích rừng tự nhiên được đảm bảo, khả năng phòng hộ đầu nguồn được tăng cường; môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học được bảo về tốt; tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 63%. Ngành lâm nghiệp có bước chuyển biến và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Tuy nhiên tỉnh Kon Tum vẫn còn là tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế, nhu cầu về vốn đầu tư lớn nhưng khả năng đáp ứng có hạn. Qui mô kinh tế còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực cạnh tranh thấp. Tình hình lạm phát và giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vật tư thiết yếu có xu hướng gia tăng; thiên tai dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đóng góp vào GRDP của tỉnh còn hạn chế.

II. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Quan điểm, định hướng phát triển

Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, nòng cốt là sự tham gia của người dân, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP).

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu; sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển sản phẩm đặc hữu Sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá, nâng tầm vị thế và khẳng định thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025 sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp vào GRDP của tỉnh 5%.

2.2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung; trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây dược liệu hằng năm (1.600 ha đất qua các lượt trồng) các loại cây dược liệu ngắn ngày.

- Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thể mạnh tại địa phương với quy mô trên 01 ha, công suất 1- 2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống.

- Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu.

- Khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Phấn đấu đến 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại; trong đó, khai thác khoảng 700 tấn dược liệu tự nhiên (Cu ly, Huyết đằng, Cốt toái bổ, Mật nhân, chè dây...), khai thác khoảng 300 tấn dược liệu trồng (Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam...).

- Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phấn đấu mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu để tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.

b) Đến năm 2030

- Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha; trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

- Hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng trồng dược liệu, thúc đẩy dịch vụ logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến dược liệu.

(Chi tiết có phụ lục I thuyết minh các mục tiêu kèm theo)

3. Danh mục các loài dược liệu ưu tiên phát triển theo đề án.

Trên cơ sở Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế về công bố Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030; Đề án đầu tư phát triển dược liệu đến năm 2020 định hướng đến 2030 được ban hành tại Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn bản số 2448/UBND-KGVX ngày 19 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bổ sung danh mục một số loài dược liệu trên địa bàn tỉnh đề án xác định danh mục các loài dược liệu ưu tiên phát triển theo đề án gồm: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, Lan kim tuyến, Nghệ vàng, Đinh lăng, Sa nhân tím, nấm dược liệu; Độc hoạt, Giảo cổ lam, Bách bệnh, bảy lá một hoa, Dịp hạ châu, Sâm cau, Gấc, Vàng đắng, Nhân trần, Dây khỉ, Ba Kích, Sơn tra, Cốt toái bổ, Thạch hộc tía, Hà thủ ô, Cẩu tích, Kê huyết đằng.

(Đặc điểm sinh thái, phân bổ, dược lý và công dụng của từng loài xem phụ lục II kèm theo)

- Quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung đảm bảo tính thích nghi của loài và có tính khả thi, trên cơ sở kết quả nghiên cứu đất đai của viện Nông hoá thổ nhường, qui hoạch vùng trồng các loài cây có thể mạnh của tỉnh, cụ thể:

Tiểu vùng khí hậu núi cao Ngọc Linh khu vực Đông Trường sơn và giao thoa Đông Tây Trường sơn ( Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông) trồng các loài dược liệu như: Sâm Ngọc Linh; Đang Sâm, Lan Kim Tuyến, Giảo cổ lam, Đương qui, Thất dịp nhất chi hoa, Sơn tra...

Tiểu vùng khí hậu núi thấp, máng trũng Kon Tum ( Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy, la H'Drai, thành phố Kon Tum) trồng các loài dược liệu như: Sa Nhân, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sả java, Sâm cau, Vàng đắng...

- Khuyến cáo trồng dược liệu theo từng địa phương như sau:

Huyện Đăk Glei: khuyến cáo trồng các loại dược liệu như: Sâm Ngọc Linh; Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Thất dịp nhất chi hoa, Sơn tra, Thạch hộc tía, Cẩu tích, Kê huyết đằng...

Huyện Ngọc Hồi: Sa Nhân, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sả java, Sâm cau, Vàng đắng...

Huyện Đăk Tô: Sa Nhân, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sả java, Sâm cau, Vàng đắng, Bách bệnh...

Huyện Tu Mơ Rông: Sâm Ngọc Linh; Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Thất dịp nhất chi hoa, Sơn tra, Thạch hộc tía, Cẩu tích, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Đương qui...

Huyện Đăk Hà: Sa Nhân, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sả java, Bách bệnh, Nấm dược liệu...

Thành phố Kon Tum: Sa Nhân, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sả java, Bách bệnh, Nấm dược liệu...

Huyện Kon Plông: Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Thất dịp nhất chi hoa, Giảo cổ lam, Đương qui, Sơn tra, Cẩu tích, Kê huyết đằng, Chè dây ...

Huyện Kon Rẫy: Đinh lăng, Mật nhân, Nghệ vàng, Sả java, Sâm cau ...

Huyện Sa Thầy: Sa Nhân, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sả java, Sâm cau, Vàng đắng, Gấc, Dịp hạ châu, Nhân trần...

Huyện la H'Drai: Sa Nhân, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sả java, Sâm cau, Vàng đắng, Gấc, Dịp hạ châu, Nhân trần...

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu

Quán triệt, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; thay đổi tư duy từ việc trồng, phát triển dược liệu tự phát sang phát triển vùng dược liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn để sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Xây dựng các phóng sự, bài viết, tin đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả thực hiện chủ trương phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tạo sinh thái để phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, thuốc, các sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh và y dược cổ truyền, nhất là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu

- Chính quyền các cấp, nhất là các cơ quan chuyên ngành và các địa phương có tiềm năng, lợi thế về dược liệu phải đưa chủ trương về đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu vào Chương trình công tác và Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm sát, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để tạo sự đột phá, sớm đưa dược liệu trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho địa phương.

- Củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý về dược liệu; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển dược liệu cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về dược liệu theo hướng bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

- Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhất là các dự án có thuê rừng, đất rừng để trồng các loại dược liệu theo quy định của pháp luật. Quản lý, bảo tồn hiệu quả các nguồn giống dược liệu địa phương có giá trị. Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, Hội dược liệu tỉnh, Hội đồng y tỉnh trong công tác tư vấn, phản biện, giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các quy định, chính sách về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu. Rà soát, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong phát triển, chế biến dược liệu do thành viên, hội viên, đoàn viên thực hiện.

3. Đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ

- Điều tra, xác định số loài, hiện trạng, trữ lượng tại các vùng có khả năng phát triển dược liệu. Trên cơ sở đó, quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung tích hợp trong Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với cơ cấu từng loại dược liệu để thu hút đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung đối với các loài dược liệu đặc hữu, có thể mạnh, giá trị cao và sức tiêu thụ lớn trên thị trường (như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sa Nhân tím, Giảo cổ lam...), trọng tâm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để bảo vệ, khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên.

- Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum; đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống dược liệu nhằm cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sâm Ngọc Linh. Sớm hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum.

- Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn; dồn đổi đất đai để trồng dược liệu thâm canh quy mô lớn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tạo điều kiện người dân và các mô hình kinh tế tập thể áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản các loại dược liệu. Nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm dược liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn của OCOP thứ hạng cao và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

- Thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín thực hiện liên doanh, liên kết với người dân và các mô hình kinh tế tập thể để trồng và tiêu thụ dược liệu. Thúc đẩy hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến dược liệu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm và những nơi có lợi thế kết nối liên vùng; đẩy mạnh đa dạng hóa và thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ dược liệu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại... Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại thị trường nước ngoài để phục vụ xuất khẩu.

- Tăng cường xúc tiến đầu tư, tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm dược liệu. Đẩy mạnh truyền thông, nhất là tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu dược liệu của tỉnh. Đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch của địa phương; trong đó, xây dựng các tour trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại vùng sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của các loài dược liệu trong các lễ hội văn hóa-du lịch của địa phương.

- Tăng cường liên kết, phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu; nghiên cứu chọn giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh, sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dược liệu.

4. Thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu

Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu được quy định tại Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về hình sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính sách hỗ trợ phts triển vùng trồng dược liệu quý quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025...

Thực hiện tốt một số chính sách riêng, đặc thù của tỉnh trong đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum khi được cấp có thẩm quyền thông qua.

(Chi tiết các chính sách xem phụ lục III kèm theo)

5. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu

- Thu hút đội ngũ chuyên gia tư vấn và nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển dược liệu của tỉnh trong thời gian tới. Quan tâm chú trọng đào tạo kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản dược liệu cho người đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đủ khả năng tham gia liên kết vào các dự án dược liệu quy mô lớn.

- Đa dạng nguồn vốn huy động để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dược liệu, nhất là hạ tầng giao thông, khu sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kho bãi... nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu.

6. Giải pháp về khoa học và Công nghệ

- Chú trọng triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh, phục vụ sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám, chữa bệnh có chất lượng, giá trị kinh tế cao; tận dụng các điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nuôi trồng, chế biến phát triển sản phẩm Sâm Ngọc Linh, tạo bước đột phá và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sự phát triển của ngành dược liệu, thực phẩm chức năng với các nước trên thế tiên tiến trên thế giới.

- Khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc.

- Xúc tiến làm việc với các bộ ngành nghiên cứu xây dựng Đề án nghiên cứu hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các dự án bảo tồn, phát triển dược liệu, sản phẩm từ dược liệu và sản phẩm quốc gia; dự án nhập nội giống cây dược liệu có chất lượng cao; xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đối với Sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei và các loài dược liệu khác, phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu, nhân nhanh giống các loài dược liệu địa phương và tuyển chọn các loài dược liệu nhập nội để phát triển vùng nguyên liệu dược liệu.

- Đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu phát triển giống dược liệu, các trường dạy nghề theo hướng đồng bộ, hiện đại.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, trong sản xuất, chế biến dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, hạ giá thành, có sức cạnh tranh trên thị trường, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và các nhu cầu khác trong và ngoài tỉnh. Sử dụng các công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường.

- Ưu tiên bố trí kinh phí để nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, sơ chế và chế biến dược liệu.

- Phối hợp, kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu như Viện Dược liệu, Viện nông hoá thổ nhưỡng và các Bộ, Ngành Trung ương; nghiên cứu thử nghiệm các loài cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như cây Đàn hương, Việt quất... để đưa vào sản xuất.

7. Giải pháp về Hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược liệu; nghiên cứu ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện tỉnh Kon Tum, thân thiện môi trường để tạo đột phá trong phát triển dược liệu và tạo ra các sản phẩm có giá trị điều trị cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

- Hợp tác đào tạo nguồn lực phục vụ công tác quản lý, kỹ thuật viên dược cổ truyền, kỹ thuật viên nuôi trồng dược liệu và đào tạo nghề lao động trồng dược liệu cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh dược liệu

- Thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, dự án khởi nghiệp có liên kết “5 nhà”, ứng dụng hoặc nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các công trình, đề tài nghiên cứu về canh tác, sơ chế, chế biến dược liệu trong nước và thế giới thân thiện với môi trường được công bố.

- Hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học công nghệ về bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh học.

8. Giải pháp tiêu thụ sản phẩm

Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm cây dược liệu. Xây dựng thương hiệu, cấp chỉ dẫn địa lý các loài cây dược liệu đặt trưng của địa phương. Đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu cây dược liệu của tỉnh. Đưa dược liệu trở thành sản phẩm du lịch của địa phương; trong đó, xây dựng các tour trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại vùng sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của các loài dược liệu trong các lễ hội văn hóa-du lịch của địa phương.

9. Tổ chức giám sát và đánh giá

Xây dựng, triển khai kế hoạch giám sát và đánh giá trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin. Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá các chương trình, dự án, đề án đầu tư chế biến dược liệu đảm bảo hiệu quả, thường xuyên, định kỳ.

IV. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Dự toán kinh phí thực hiện đề án

Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xác định nhu cầu kinh phí thực hiện đề án 27.500 tỷ đồng, trong đó

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ước tính 240 tỷ đồng.

- Vốn của các doanh nghiệp, vốn vay tín dụng, huy động nguồn vốn xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn khác ước khoảng 27.260 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương được bố trí hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

(Chi tiết có biểu 05 kèm theo)

2. Huy động nguồn vốn:

Đa dạng nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định, gồm: vốn ngân sách nhà nước; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác; vốn tín dụng.

3. Định hướng sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.

- Vốn ngân sách nhà nước: Tập trung cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quí; đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho trồng và chế biến dược liệu.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực dược liệu; huy động các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, các thành phần kinh tế.

Phần IV

HIỆU QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Thực hiện Đề án nếu không phát sinh những rủi ro như khủng hoảng tài chính toàn cầu, dịch bệnh sẽ mang lại hiệu quả về nhiều mặt, cụ thể:

I. Về kinh tế

Giả định nền kinh tế quốc gia ổn định về mặt vĩ mô, lạm phát dưới 01 con số, giá cả các mặt hàng nông sản ổn định như hiện nay, thực hiện tốt các chỉ tiêu của đề án thì dự kiến đến năm 2025 tổng giá trị sản xuất cây dược liệu đạt 95.422,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng, hiệu quả đem lại 67.919,2 tỷ đồng. Tuy nhiên giá trị sản xuất Sâm Ngọc Linh giai đoạn này chưa thu được bằng tiền do chưa đủ tuổi khai thác nên chưa tính vào đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh. Các giá trị sản xuất của sâm Ngọc linh khai thác giai đoạn trước và các dược khác đóng góp vào GRDP của tỉnh đến 2025 ước khoảng hơn 2.669 tỷ đồng chiếm tỷ trọng khoản 25% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất của dược liệu đóng góp vào GRDP của tỉnh đến năm 2025 ước khoảng 5% (2.669tỷ/39.457tỷ) chưa bao gồm giá trị sản xuất Sâm Ngọc Linh. Dự kiến nguồn thu nộp ngân sách Nhà nước đến 2025 đạt 270 tỷ đồng.

Dự báo đến năm 2030 tổng giá trị sản xuất cây dược liệu đạt 204.457 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 57.020 tỷ đồng, hiệu quả đem lại 147.436 tỷ đồng. Giá trị sản xuất của dược liệu đóng góp vào GRDP của tỉnh đến năm 2025 ước khoảng 10%

(Chi tiết có biểu 05 kèm theo)

2. Về xã hội

- Tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, thu hút người dân sống gần rừng tham gia vào sản xuất dược liệu, tạo thêm thu nhập, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa. Ngoài ra còn góp phần cùng các chương trình của Nhà nước để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và quốc phòng - an ninh.

- Xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, phát triển cây thuốc, góp phần phát triển kinh tế -xã hội từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

3. Về Môi trường và đa dạng sinh học

- Góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ tại Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

- Việc bảo tồn và phát triển dược liệu của tỉnh là góp phần bảo vệ rừng nâng tỷ lệ che phủ rừng, ngoài ra còn có ý nghĩa trong bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn các con sông trong vùng, đảm bảo an ninh môi trường và phát triển bền vững.

- Dược liệu nói chung, dược liệu có nguồn gốc thực vật nói riêng tồn tại cùng với thế hệ sinh thái rừng, nông nghiệp và nông thôn, lại có mối tương quan chặt chẽ giữa đa dạng sinh học cây thuốc và đa dạng văn hóa, y học cổ truyền, gắn với tri thức y dược học của các dân tộc tỉnh Kon Tum, là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

- Là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ, việc sản xuất dược liệu sạch có luôn có những đặc trưng là bảo vệ độ phì nhiêu lâu dài của đất, duy trì mức các chất hữu cơ, phát triển các hoạt động sinh học của đất; Cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng bằng cách dùng các loại dinh dưỡng không tan được biến đổi nhờ các vi sinh vật trong đất; Tự tạo nitơ nhờ việc dùng các loại vi sinh vật cố định Nitơ cùng các loại cây họ Đậu (Fabaceae); Thế kỷ 21 là thế kỷ sinh học và công nghệ sinh học. Dược liệu là tài nguyên di truyền - tài nguyên tái tạo. Dùng thế mạnh dược liệu đẩy mạnh công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, làm cho nhân dân ta có đủ thuốc tốt, khỏe mạnh và giàu có, đất nước ta kinh tế - xã hội phát triển, tạo nên hình ảnh Việt Nam - một cường quốc về dược liệu.

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan cấp tỉnh.

Các cơ quan tham mưu giúp việc của Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao (theo phụ lục kèm theo), xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện tốt đề án này, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và các bộ, ngành Trung ương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung đề án này; định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chỉ tiêu phát triển dược liệu của các địa phương ngay từ cấp cơ sở.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tham mưu Ban Thường vụ Huyện Ủy ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đến 2025 và định hướng đến 2030 đồng thời xây dựng Kế hoạch đầu tư, phát triển, chế biến và tiêu thụ dược liệu chủ lực của địa phương trên địa bàn huyện để tập trung nguồn lực thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển dược liệu của Trung ương, của tỉnh đến tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư phát triển dược liệu. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động người dân bảo vệ nguồn tài nguyên cây dược liệu; hướng dẫn thu hái dược liệu hợp lý đi đối với tái sinh phát triển trồng mới cây dược liệu và phổ biến kinh nghiệm sử dụng dược liệu làm thuốc phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân; hướng dẫn trồng và phát triển các loài dược liệu đảm bảo chất lượng, không tự ý liên kết với các doanh nghiệp đưa các nguồn giống dược liệu không rõ nguồn gốc vào phát triển trên địa bàn, nhất là đối với Sâm Ngọc Linh.

- Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn; dồn đổi đất đai để trồng dược liệu thâm canh quy mô lớn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc nghiên cứu khoanh vùng rừng phát triển dược liệu tự nhiên, vùng trồng phát triển dược liệu; ưu tiên quỹ đất cho xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu; ưu tiên bố trí giao đất, giao rừng cho các dự án, đề án phát triển dược liệu thế mạnh của địa phương, đặc biệt vùng nuôi trồng bảo tồn, phát triển dược liệu quý hiếm.

- Trên cơ sở hiện trạng trồng, phân bố dược liệu của địa phương, xác định vùng phát triển dược liệu; rà soát, bố trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp phù hợp để đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp phù hợp sang trồng dược liệu để khuyến khích người dân phát triển dược liệu theo quy hoạch và làm cơ sở giới thiệu, thu hút các tổ chức kinh tế có nhu cầu đầu tư, phát triển dược liệu trên địa bàn. Đồng thời bổ sung, điều chỉnh các vùng phát triển dược liệu trên địa bàn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để làm cơ sở triển khai thực hiện.

- Chủ động tìm kiếm, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất, chế biến, bào chế và tiêu thụ các loài dược liệu dưới dạng thực phẩm, các vị thuốc cổ truyền để tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị Co.opmart, Vinamart, các hội chợ sản phẩm đặc trưng địa phương trong và ngoài tỉnh; tiêu thụ trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và trên thị trường. Đồng thời rà soát, thống kê các loài dược liệu tự nhiên có khả năng dùng làm thực phẩm để có kết hoạch bảo tồn, sản xuất theo hướng hàng hóa và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

- Phối hợp với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm các mô hình liên kết phát triển dược liệu để nhân rộng các mô hình hiệu quả, trong đó ưu tiên thành lập các Tổ hợp tác, nhóm hộ để liên kết với doanh nghiệp phát triển dược liệu như mô hình của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc, các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động đề xuất gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

II. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

1. KẾT LUẬN

Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các tài liệu đã có và kết quả làm việc với lãnh đạo các huyện thành phố. Đề án đã xác định được quy mô diện tích và đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để bảo tồn chủ động và phát triển 10 loài cây dược liệu ưu tiên; đồng thời nêu một số giải pháp chính để triển khai thực hiện Đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng hiện trạng dược liệu tự nhiên hiện có, đất đai, lao động, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng trên từng tiểu vùng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dược liệu, mỹ phẩm, hướng tới đưa dược liệu trở thành thế mạnh của tỉnh nhà.

2. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

- Các Sở, Ban ngành chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tăng cường nghiên cứu phát hiện dược liệu mới, bảo tồn dược liệu, xây dựng công nghệ chọn, tạo giống, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm và tiêu chuẩn hóa.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, đào tạo lại và sử dụng nguồn nhân đúng trình độ chuyên môn để triển khai nhiệm vụ hiệu quả.

- Xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động phát triển dược liệu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước và hội nhập quốc tế.

- Các Sở ngành liên quan tham gia một cách chủ động vào “chuỗi giá trị” từ khâu phát hiện dược liệu mới, bảo tồn, nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm đến tìm đầu ra cho sản phẩm từ dược liệu của địa phương.

- Củng cố, phát triển mạnh và bền vững năng lực cạnh tranh của dược liệu địa phương là thế mạnh của dược liệu Việt Nam đồng thời phục vụ tốt sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

 

PHỤ LỤC 1:

THUYẾT MINH CÁC CHỈ TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích các các cây dược liệu khoảng 10.000 ha.

- Chỉ tiêu này đã được ấn định trong Nghị quyết số 06/NQ-ĐH ngày 30/9/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Giai đoạn 2018 - 2021, diện tích dược liệu tăng từ 600 ha lên 2.400 ha, tăng gấp 04 lần so với năm 2018, bình quân mỗi năm tăng 600 ha, tốc độ gia tăng bình quân hàng năm là 45%34 thì dự báo đến 2025 diện tích dược liệu có thể đạt 15.000 ha, cộng với chính sách phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030) thì mục tiêu đến 2025 trồng mới được 10.000 ha dược liệu là khả thi.

2. Đến 2025 diện tích rừng tự nhiên có Sâm Ngọc Linh đạt 4.500 ha (45 triệu cây).

- Chỉ tiêu này đã được ấn định trong Nghị quyết số 06/NQ-ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Với diện tích Sâm Ngọc linh hiện nay có 907,2 ha trong đó có 881 ha Sâm có cho thu hoạch quả; có khoảng 5,745 triệu cây cho hạt; thu 8,618 triệu hạt mỗi năm và ươm 6,205 triệu cây/năm; với mật độ trồng như hiện nay 10.000 cây/ha thì mỗi năm trồng được khoảng 620 ha thì đến năm 2025 diện tích rừng có trồng Sâm khoảng 4.000 ha. Ngoài ra lũy kế diện tích Sâm chưa cho quả giai đoạn này (26 ha) và giai đoạn 2021-2025 cho quả đủ giống để trồng thêm 500 ha.

3. Đến năm 2030, tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha, diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây);.

Chỉ tiêu này đã được ấn định trong Nghị quyết số 06/NQ-ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình số 03-CTr/TU ngày ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Giai đoạn 2018 - 2021, diện tích dược liệu tăng từ 600ha lên 2400ha, tăng gấp 04 lần so với năm 2018, bình quân mỗi năm tăng 600ha, tốc độ gia tăng bình quân hàng năm là 45%35. Với tốc độ gia tăng này thì đến năm 2030 dự kiến diện tích dược liệu đạt 24.850 ha36.

- Đối với Sâm Ngọc Linh, giai đoạn 2018 - 2021, diện tích trồng Sâm Ngọc Ngọc Linh tăng từ 500 ha lên 907 ha, từ đó xác định tốc độ gia tăng bình quân hàng năm là 16%37. Với tốc độ gia tăng này thì khả năng đến năm 2030 dự kiến diện tích Sâm Ngọc Linh sẽ đạt 4.000 ha38. Tuy nhiên với tính đặc biệt của Sâm Ngọc Linh và nhu cầu phát triển không giới hạn, cộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì khả năng dự kiến đến năm 2030 đạt 9.900 ha là khả thi (tốc độ gia tăng trong giai đoạn 2021-2030 dự báo 27%).

4. Phấn đấu đến 2025 mỗi huyện thành phố có ít nhất 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn.

Hiện nay có 6 cơ sở sản xuất giống dược liệu (Huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông; Đăk Glei; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô; Công ty cổ phần Sâm Ngọc linh Kon Tum; Công ty cổ phần Sâm Ngọc linh Tu Mơ Rông).

Với nhu cầu phát triển dược liệu khi có nhà đầu tư chế biến thì việc mỗi huyện hình thành 1 cơ sở sản xuất giống phục vụ nhu cầu trồng dược liệu là khả thi.

5. Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu

Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã hiện nay trên địa bàn tỉnh có 124 hợp tác xã nông nghiệp trong đó có khoảng 41 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Phấn đấu đến năm 2025 có 40% số hợp tác xã (tương đương 50 hợp tác xã) tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu là khả thi.

6. Phấn đấu 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống.

Một khi hình thành được các cơ sở sản xuất giống dược liệu thì việc kiểm soát về nguồn giống dược liệu cung ứng ra thị trường thì thực hiện được.

7. Phấn đấu đến năm 2025 khai thác 1.000 tấn dược liệu các loại.

Giai đoạn 2016-2020 khai thác dược liệu từ nhiên dưới tán rừng 700 tấn (cu ly, máu chó, rễ na...) các loại dược liệu trồng ( Sâm Ngọc linh, Sâm dây, nghệ, gừng, đương quy) khoảng 300 tấn.

Giai đoạn 2021-2025 dự kiến khai thác bằng giai đoạn 2016-2020 dự kiến là 1.000 tấn là khả thi.

8. Giá tri đóng góp của sản xuất dược liệu vào tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP)

- Theo báo cáo chính trị và Nghị quyết số 06/NQ-ĐH ngày 30-9-2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum thì đến năm 2020 tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh ước đạt 25.400 tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2025 xác định tốc độ tăng GRDP của tỉnh khoảng 10% năm, từ đó xác định tổng GRDP tỉnh Kon Tum đến 2025 là 39.457 tỷ đồng39.

- Nghị quyết số 06/NQ-ĐH ngày 30-9-2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum cũng xác định tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 19-20% như vậy tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp chiếm 7.890 tỷ đồng.

- Dự thảo nghị quyết về dược liệu đề xuất giá trị sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh có nghĩa là đến năm 2025 giá trị sản xuất dược liệu 789 tỷ đồng.

- Nếu tính toán đầy đủ giá trị sản xuất dược liệu đến 2025 ước đạt 97.733 tỷ đồng. Tuy nhiên giá trị sản xuất Sâm Ngọc Linh giai đoạn này chưa thu được bằng tiền do chưa đủ tuổi khai thác nên chưa tính vào đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh. Các giá trị sản xuất của sâm ngọc linh của giai đoạn trước và các loại dược liệu dược khác đóng trong giai đoạn này góp vào GRDP của tỉnh đến 2025 ước khoảng 2.669 tỷ đồng chiếm tỷ trọng khoản 25% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, như vậy giả sử có biến động giá cả thị trường thì khả năng đóng góp 10% vào tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh là khả thi.

- Giá trị sản xuất của dược liệu đóng góp vào GRDP của tỉnh đến năm 2025 ước khoảng 5% (2.669 tỷ/39.457tỷ) chưa bao gồm giá trị sản xuất Sâm Ngọc Linh.

9. Sản lượng các loại dược liệu đến năm 2030 đạt trên 130.000 tấn được thuyết minh như biểu sau:

STT

Diện tích/NSuất/S Lượng

ĐVT

Tổng cộng

Sâm Ngọc Linh

Đảng sâm

Ngũ vị tử

Sa nhân tím

Lan Kim Tuyến

Xả java

Nghệ vàng

Đinh lăng

Đương quy

Nấm dược liệu

Loài dược liệu khác

1

Giai đoạn 2021-2025

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Diện tích

ha

14.500

4.500

2.760

250

850

250

250

2.712

700

500

60

1.668

 

Năng suất

tạ/ha

 

2,5

36,0

5,0

5,0

92,4

30,0

270,0

50,0

60,0

0,4

20,0

 

Sản lượng

tấn

97.733

1.125

9.936

125

425

2.310

750

73.224

3.500

3.000

2

3.336

2

Đến 2030

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Diện tích

ha

25.000

10.000

5.000

500

1.000

100

500

4.000

1.000

500

100

2.300

 

Năng suất

Tạ/ha

 

2,5

36,0

5,0

5,0

92,4

30,0

270,0

50,0

60,0

0,4

20,0

 

Sản lượng

tấn

144.278

2.500

18.000

250

500

924

1.500

108.000

5.000

3.000

4

4.600

 

PHỤ LỤC II:

DANH MỤC CÁC LOÀI DƯỢC LIỆU ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN THEO ĐỀ ÁN

1. Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.)

Được phát hiện xung quanh núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk glei, huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và huyện Trà My, huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam, sâm sinh trưởng ở độ cao từ 1.500 m trở lên40, kiểu rừng lá rộng thường xanh có độ tàn che trên 70%, với độ ẩm tương đối cao, khí hậu mát quanh năm, sâm mọc ở dưới tán rừng nơi đất có nhiều mùn.

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học Sâm Ngọc Linh có dạng thân khí sinh thẳng đứng, đường kính thân từ 4-8mm, thường ngủ đông hàng năm. Thân rễ có đường kính 1-2 cm, mọc bò ngang trên hoặc dưới mặt đất mang nhiều rễ nhánh. Trên đỉnh của thân mang lá kép hình chân vịt, mọc vòng với 3-5 nhánh lá; cây 4-5 năm tuổi ra hoa kết quả. Hoa có hình tán đơn mọc dưới các lá, cuống tán hoa dài 10-20 cm có thể kèm 1-4 tán phụ hay một hoa riêng lẻ ở phía dưới tán chính. Quả mọc tập trung ở trung tâm của tán lá, dài độ 0,8 cm-1 cm và rộng khoảng 0,5 cm-0,6 cm, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả. Mỗi quả chứa một hạt, một số quả chứa 2 hạt và số quả trên cây bình quân khoảng 10 đến 30 quả.

Sâm Ngọc Linh sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20°C-25°C, ban đêm 15°C-18°C, Sâm Ngọc Linh có thể sống rất lâu, thậm chí trên 100 năm, sinh trưởng khá chậm. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ, củ và ngoài ra cũng có thể dùng lá và rễ con. Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông, thân khí sinh lớn dần lên thành cây sâm trưởng thành có 1 tán hoa. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây nở hoa và kết quả. Tháng 7 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 9. Cuối tháng 10, phần thân khí sinh tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông hết tháng 12. Theo kết quả trồng thực nghiệm của các vườn Sâm Ngọc Linh hiện nay thì cây sâm trồng từ 3-4 năm đã ra hoa kết quả, có thể thu hoạch hạt giống.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Võ Duy Huấn thì từ Sâm Ngọc Linh đã chiết được 50 hợp chất, xác định cấu trúc hóa học cho thấy 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật) và 24 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới. Sâm Ngọc Linh chứa chủ yếu các saponin triterpen, nhưng cũng là một trong những cây sâm có hàm lượng saponin khung pammaran cao nhất (khoảng 12-15%) và số lượng saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax. Ngoài ra trong Sâm Ngọc Linh còn có 14 axít béo, 16 axít amin (trong đó có 8 axít amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa lượng, vi lượng. Người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh đã truyền nhau một loại dược liệu chữa được rất nhiều bệnh, còn bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, giúp người ta chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi rừng sâu núi thẳm đó là cây thuốc giấu và đã bảo vệ, trân trọng cây thuốc dấu như báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng. Trong kháng chiến chống Pháp, các già làng đã chỉ cho cán bộ cách mạng phương thuốc bí truyền của dân tộc mình để chống lại các cơn đau hành hạ nơi rừng thiêng nước độc. Những cán bộ đã sử dụng như một loại thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng, phù thũng,...

Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy Sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của Sâm Ngọc Linh cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài những tác dụng trên, theo dược sĩ Đào Kim Long, Sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, Sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Những năm gần đây, Sâm Ngọc Linh được biết đến ngày càng nhiều và có giá trị cao trên thị trường. Theo phân tích tài chính của Dự án bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng của Ban quản lý dự án 5 triệu ha rừng thuộc Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Đăk Tô thì trồng 01 ha Sâm sau 8 năm sẽ thu lợi nhuận khoảng 2,7 tỷ đồng/ha. Đây là yếu tố để khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

2. Đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook. F. & Thoms.)

Phân bố khá nhiều ở các xã thuộc Đông Trường Sơn xung quanh vùng núi Ngọc Linh như Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lei, Mường Hoong, Ngọk Linh, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Măng Bút thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Đăkglei, Kon Plông.

Là một cây thuốc quý, dạng dây leo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1,5-2cm, phân nhánh, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của thân cũ, thường chỉ có một rễ trụ mà không có rễ nhánh, càng nhỏ về phía đuôi, lúc tươi màu trắng, sau khô thì rễ có màu vàng, có nếp nhăn. Thân mọc thành từng cụm vào mùa xuân, bò trên mặt đất hay leo vào cây khác, thân màu tím sẫm, có lông thưa, phần ngọn không lông. Lá mọc cách hình trứng hay hình trứng tròn, đuôi lá nhọn, phần gần cuống hình tim, mép nguyên, màu xanh hơi pha vàng, mặt trên có lông nhung, mặt dưới Mẫu trắng xám nhẵn hoặc có lông rải rác, dài 3-8cm, rộng 2-4cm. Quả bổ đôi, hình chùy tròn, 3 tâm bì, đầu hơi bằng, có đài ngắn, lúc chín thì nứt ra. Có nhiều hạt màu nâu nhẵn bóng. Thành phần của đẳng sâm gồm có saponin, alkaloits, sucrose, glucose, insulin. Đảng sâm là vị thuốc giúp tăng cường sức khỏe, chống mệt mỏi và tăng sự thích nghi của cơ thể, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.

3. Đương quy

Có nguồn gốc từ Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản Tại Trung Quốc nó được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Cam Túc, Vân Nam, Tứ Xuyên, Thiển Tây. Ở Việt Nam nó được di thực từ Triều Tiên và được trồng ở Sa Pa (Hoàng Liên Sơn), nhiều nhất là ở Thanh Trì - Hà Nội và ở Mỹ Văn - Hưng Yên. Ở Kon Tum đang được gây trồng tại các xã Ngọc Lây, Măng Ri, Tê xăng mức độ sinh trưởng khá tốt.

Đương quy là thân thảo sống lâu năm, cây cao khoảng 40 - 80cm, khi ra hoa thân cây cao lm, thân có màu tím. Rễ cọc có rễ phụ, rễ chất thịt màu vàng hoặc vàng đất. Đây là bộ phận dung để làm thuốc. Lá lá kép, có răng của không có lông. Cuống lá phát triển thành bẹ bao bọc lấy thân, Hoa thuộc loại hoa tán, tán kép gồm từ 12 - 40 hoa, hoa có màu trắng nở tập trung vào tháng 7-8. Quả bẻ đôi hình dẹt, có vân màu trắng, màu vàng hay màu vàng đất. Là cây mọc ở độ cao 2000 - 3000 m so với mặt nước biển. Nó thích hợp với nơi có lượng mua nhiều và phân bố đồng đều. Lượng mua cả năm đạt trung bình khoảng 1034mm. Đương quy là cây yêu cầu về nhiệt độ tương đối mát mẻ vì nó có nguồn gốc ở vùng ôn đới, nhiệt độ thích hợp nhất cho nó sinh trưởng và phát triển từ 18 - 30 °C, nhiệt độ tối thấp mà nó có thể chịu đựng được là -7 °C. Lúc còn non: ua sống nơi đất xốp, tầng đất dày, nhiều mùn và ít ánh sang. Khi lớn: nó ua trồng nơi khuất gió đủ ánh sang, tiện lợi cho việc tưới nước, đất thoát nước tốt, thuận lợi nhất là đất pha cát, pH đất thích hợp là từ 5.5 - 6.5. Cây Đương quy là loại thuốc bổ có vị ngọt cay tính ôn, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt đường điều huyết thống kinh, là vị thuốc rất phổ biến trong đông y, nó là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời dùngg trong thuốc bổ và trị bệnh khác.

4. Ngũ Vị tử (Schisandra ghinensis Baill)

Phân bố tự nhiên ở vùng có khí hậu ẩm mát, núi cao từ 1.100 đến 1.900m gồm các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, trong đó tập trung nhất là ở vùng núi Ngọc Linh. Cây thường mọc trùm lên các loại cây bụi hoặc cây nhỏ ở ven rừng, vùng ẩm, bờ nương rẫy hoặc mọc lẫn ở các kiểu rừng non đang tái sinh. Ngũ vị tử là loại dây leo gỗ, cây rụng lá vào mùa khô (tháng 10 - tháng 11). Toàn cây không có lông, rất ít gặp trên gân mặt dưới lá non có lông mềm thưa thớt. Khi cây đâm chồi (tháng 2) vẩy chồi có lông mềm. Cành nhỏ có Mẫu hồng cánh dán (màu hồng xỉn), bì khổng nhiều và rõ, cành già có bì khổng không rõ và có lớp bần thô sần sùi. Lá ngũ vị tử Ngọc Linh hình trứng đảo, rộng hơn về phía cuống lá, dạng e líp tròn, gốc hình nêm, đỉnh nhọn, kích thước lá trung bình dài từ 5 đến 11 cm, rộng từ 3 đến 7 cm. Mặt trên lá xanh đậm, mặt dưới lá nhạt Mẫu hơn. Mép lá có răng cưa thô về phía cuống lá. Hoa đơn tính khác gốc. Hoa mọc ở nách lá, cuống hoa dài từ 2 đến 4 cm, gốc có phiến bao (vẩy) dài từ 3 đến 4 mm. Bao hoa nhiều, không phân biệt. Quả mọng dạng hạch, khi chín có màu sau đỏ, hình cầu dạng trứng. Hạt hình thận dài 4 mm, rộng 3,8mm, rốn hạt hình chữ V, vỏ hạt lưng có vân sần sùi.

Về tác dụng dược lý có độc tính cấp đường uống thấp với LD50 là 13,4g cao chiết/kg thể trọng (tương đương với 140g dược liệu/kg thể trọng). Cao Ngũ vị tử Ngọc Linh khi sử dụng một liều duy nhất có tác dụng kéo dài giấc ngủ gây bởi pentobarbital, thể hiện tác động an thần (liều càng cao thì tác dụng gây an thần càng rõ), tác động phục hồi chức năng giải độc của gan, chữa bệnh và dự phòng bảo vệ tế bào gan.

5. Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus)

Là một loài thực vật điển hình của chi cùng tên (Anoectochilus). Đây là một loài lan đất có mặt ở Vân Nam, Lào và Việt Nam. Chúng sinh sống trên các triển núi đá vôi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm ở độ cao 500-1.600 mét. Cây ưa độ ẩm cao và ưa bóng râm, kỵ ánh sáng, yêu cầu đất nhiều mùn, tơi xốp, thoáng khí. Cây cao 10-20 cm, thân màu tím, mọng nước, phần cây non có nhiều lông mềm, mang 2-6 lá mọc cách, xòe trên mặt đất. Lá hình trái xoan hoặc hình trứng, gần tròn ở gốc và nhọn ở đầu, dài 3-4 cm và rộng 2-3 cm, trên mỗi chiếc lá có 3-5 sọc gân dọc. Mặt trên màu nâu sậm có vệt vàng ở giữa và mạng gân màu hồng nhạt, mặt dưới màu nâu nhạt. Cuống lá dài 2-3 cm, gốc cuống tạo thành bẹ lá ôm lấy thân. Hoa mọc thành từng cụm, với cụm hoa dài 10-15 cm, mang 5-10 hoa màu hồng phủ lông đỏ, dài 2,5 cm với cánh môi dài 1,5 cm mang 6-8 ria mỗi bên, đầu môi chẻ thành 2 thùy thuôn đầu tròn. Bầu dài 13 mm, có lông thưa. Cây ra hoa vào tháng 10-12 và mùa quả chín vào tháng 12 tới tháng 3 năm sau. Có thể sinh sản vô tính chủ yếu bằng chồi và thân rễ.

Trong y học, Lan Kim tuyến được sử dụng làm thuốc trị lao phổi, ho do phế nhiệt, phong thấp, đau nhức khớp xương, chấn thương, viêm dạ dày mãn tính, viêm khí quản, viêm gan mãn tính, suy nhược thần kinh; giúp tăng cường sức khoẻ, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn. Với đặc tính quý giá về dược liệu, lan kim tuyến được thị trường thu mua với giá khá cao. Do số lượng ít, mọc rải rác và còn bị khai thác quá nhiều nên cây đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại.

6. Nghệ vàng (Curcuma longa L., thuộc họ Gừng - Zingiberaceae)

Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng lm. Thân rễ phát triển thành củ hình khối, trên đó sinh ra nhiều rễ trụ có màu vàng cam. Rễ to, mọc từ rễ củ, đoạn cuối luôn phình to ra thành hình thoi. Lá mọc so le, có bẹ, hình dải rộng. Hoa màu vàng xếp thành bông hình trụ ở ngọn thân; lá bắc màu lục hay màu trắng nhạt pha hồng ở chóp lá. Quả hình cầu, có 3 ô.

- Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Curcumae Longae, thường gọi là Khương hoàng.

- Nơi sống và thu hái: Gốc ở Ấn Độ, được trồng lấy thân rễ làm gia vị và làm thuốc. Thân rễ thường được thu hái tháng 8, tháng 9, cắt bỏ hết rễ để riêng. Muốn để lâu, phải hấp trong 6-12 giờ, sau đó để ráo nước đem phơi nắng hay sấy khô.

- Thành phần hoá học: Củ Nghệ chứa 4-6% tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm (ở Nghệ tươi 2,24%) mà thành phần gồm 25% carbur terpenic, zingiberen và 65% ceton sesquiterpenic, các chất turmeron, arturmeron; còn có các chất curcuminoid trong đó có curcumin (0,3- 1,5%) desmethoxycurcumin. Curcumin là dạng tinh thể màu đỏ ánh tím không tan trong nước, tan trong acid, trong kiềm.

- Tính vị, tác dụng: Nghệ có vị đắng, cay, mùi thơm hắc, tính ấm; có tác dụng hành khí phá ứ, thông kinh chỉ thống. Người ta cũng biết được là curcumin có tác dụng tiêu mủ, lên da non, tác dụng thông mật, làm tăng sự bài tiết mật của tế bào gan, phá cholesterol trong máu. Tinh dầu Nghệ có tác dụng diệt nấm ngoài da và cũng như curcumin có tác dụng kháng khuẩn.

- Công dụng: Thường dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, vùng ngực bụng khí trướng đau nhức, đau liên sườn dưới khó thở, sau khi đẻ máu xấu không ra, kết hòn cục trong bụng, bị đòn ngã tổn thương ứ huyết, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức

7. Đinh lăng (Polyscìas Fruticosa (L.) Harms,

- Mô tả: Cây nhỏ dạng bụi, cao 1,5-2m. Thân nhẵn, ít phân nhánh, các nhánh non có nhiều lỗ bì lồi. Lá kép mọc so le, có bẹ, phiến lá xẻ 3 lần lông chim, mép có răng cưa không đều, chóp nhọn, lá chét và các đoạn đều có cuống. Cụm hoa chuỳ ở ngọn, gồm nhiều tán. Hoa nhỏ, màu trắng xám. Quả hình trứng, dẹt, màu trắng bạc. Cây ra hoa tháng 4-7.

- Bộ phận dùng: Rễ, thân và lá - Radix, Caulis et Folium Polysciatis.

- Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc từ các đảo Thái bình dương (Polynêdi) được trồng chủ yếu để làm cảnh ở các đình chùa, các vườn gia đình. Từ năm 1961, do biết tác dụng bổ dưỡng của rễ Đinh lăng, người ta trồng nhiều ở các bệnh viện, trạm xá, vườn thuốc. Cây có khả năng tái sinh dinh dưỡng cao. Người ta thường trồng chủ yếu bằng cách giâm cành; chọn những cành già, chặt thành đoạn ngắn 15- 20cm, cắm nghiêng xuống đất. Trồng vào tháng 2-4 hoặc tháng 8-10. Đinh lăng ưa đất cao ráo, hơi ẩm nhiều màu. Thu hoạch rễ của những cây đã trồng từ 3 năm trở lên (cây trồng càng lâu năm càng tốt), đem rửa sạch phơi khô ở chỗ mát, thoáng gió để đảm bảo mùi thơm và phẩm chất. Khi dùng, đem rễ tẩm nước gừng tươi 5% sao qua, rồi tẩm 5% mật ong hoặc mật mía. Lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

-Thành phần hoá học: Trong rễ có glucosid, alcaloid, saponin triterpen, tanin, 13 loại acid amin, vitamin B1. Trong thân và lá cũng có nhưng ít hơn. Tính vị, tác dụng: Rễ Đinh lăng có vị ngọt, tính bình; lá vị nhạt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng bổ năm tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng viêm. Đinh lăng là thuốc tăng lực. Nó làm tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với các yếu tố bất lợi như kiệt sức, gia tốc, nóng. Đối với người, Đinh lăng làm cho nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi chạy dai sức và làm cho cơ thể chịu được nóng. Người bệnh bị suy mòn uống Đinh lăng chóng phục hồi cơ thể, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân. Nó cũng làm tử cung co bóp mạnh hơn. Đinh lăng ít độc hơn cá nhân sâm và khác với Nhân sâm, nó không làm tăng huyết áp.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Đinh lăng dùng làm thuốc bổ, trị suy nhược cơ thể, tiêu hoá kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, sản hậu huyết xông nhức mỏi. Còn dùng làm thuốc chữa ho, ho ra máu, thông tiểu tiện, chữa kiết lỵ. Thân và cành dùng chữa phong thấp, đau lưng. Lá dùng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú. Ở Ấn Độ, người ta cho là cây có tính làm se, dùng trong điều trị sốt.

8. Sa nhân tím (Amomum Longiligulare T.L.Wu)

- Mô tả: Cây thảo cao 2-2,5m, có thân rễ bò ngang mang vẩy và rễ phụ, tạo ra những thân khí sinh, loại mang lá, loại mang hoa. Lá mọc so le, xếp 2 dãy; có bẹ dài, phiến trải ra, hình xoan thon, dài đến 40cm, rộng 8cm, hai mặt không lông; cuống ngắn. Cụm hoa cao 6-8cm, trải ra trên mặt đất, ở gốc có vẩy và có những lá bắc mọc so le; hoa thưa; 5-10, màu vàng vàng; đài 17mm, có 3 răng; tràng hoa hình ống, có phiến chia 3 thuỳ thuôn và dài 13mm; nhị có chỉ nhị dài bằng bao phấn; cánh môi dạng mo, đầu lõm, có 2 nhị lép ở gốc. Quả hình trái xoan dài 1,5-cm, rộng 1,2- 1,5cm phủ gai nhỏ cong queo. Hoa tháng 5-6, quả tháng 7-8.

- Bộ phận dùng: Quả - Fructus Amomi Villosi.

- Nơi sống và thu hái: Loài của Trung Quốc, Việt Nam. Cây mọc hoang ở rừng núi Hà Tây, Hải Hưng qua Thanh Hoá, Phú Yên đến Đồng Nai. Thu hái quả lúc gần chín (mùa hè - thu), bóc vỏ lấy khối hạt màu trắng đem phơi khô.

- Thành phần hoá học: Trong quả sa nhân có tinh dầu mà thành phần chủ yếu có D-camphor, D-borneol, D-formylacetat, D-limonen, phellandren, β-pinen, paramethoxy etyl cinnamat, nerolidol, linalol.

- Tính vị, tác dụng: Vị cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng hoá thấp khai vị, ôn tỳ chỉ tả, lý khí an thai.

- Công dụng: Sa nhân được dùng làm thuốc chữa bụng và dạ dày trướng đau, ăn uống không tiêu, nôn mửa, viêm một ỉa chảy, lỵ, động thai. Liều dùng 3- 6g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

9. Độc hoạt (Angelica pubescens Maxim f. biserrata Shan et Yuan), thuộc họ Hoa tán -Apiaceae.

- Mô tả: Cây sống nhiều năm, cao 60-100m, toàn thân màu tía, không có lông, có rãnh dọc. Lá kép 2-3 lần lông chim; lá chét nguyên hoặc chia thuỳ, mép có răng cưa tù; cuống lá nhỏ phình thành bẹ ở gốc, trên gân lá có lông ngắn và thưa. Cụm hoa hình tán kép, gồm 10-25 cuống tán nhỏ; mỗi tán nhỏ có 15-30 hoa. Hoa màu trắng. Quả bế đôi, hình thoi dẹt, trên lưng có ống đầu. Hoa tháng 7-9, quả tháng 9-10.

- Bộ phận dùng: Rễ - Radix Angelicae;

- Nơi sống và thu hái: Cây của Trung Quốc, được nhập trồng ở vùng núi Lào Cai, phát triển tốt. Vào tháng 2 tháng 8, người ta đào rễ, rửa sạch phơi khô. Rễ lúc tươi màu trắng, mùi thơm hắc; khi phơi khô ngoài vỏ biến màu xám, trong một màu vàng, chất nhẹ xốp, vị cay.

- Thành phần hoá học: Trong rễ có bergapten, columbianadin, columbianetin, umbelliferon, angelol A-ll

- Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính hơi ấm; có tác dụng khư phong thấp, thông tê, giảm đau.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị phong thấp đau khớp, trúng phong co quắp, lưng gối đau mỏi, chân tay tế cứng.

10. Giảo cổ lam (Cổ yếm) - Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino, thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae.

- Mô tả: Cây thảo mọc leo yếu, không lông; vòi đơn. Lá kép có cuống chung dài 3-4cm; phiến do 5-7 lá chét với mép có răng, dài 3-9 cm, rộng 1,5- 3cm. Cây khác gốc; chuỳ hoa thòng. Hoa nhỏ, hình sao; ống bao hoa rất ngắn; cánh hoa rời nhau, cao 2,5mm; nhị 5, bao phấn đính thành đĩa; bầu có 3 vòi nhuỵ. Quả khô, tròn, đường kính 5-9mm, màu đen; hạt 2-3, treo, to 4mm. Hoa tháng 7-8. Quả tháng 9-10.

- Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Gynostemmae Pentaphylli.

- Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng, rừng thưa, lùm bụi từ vùng đồng bằng tới độ cao 2000m ở nhiều nơi khắp nước ta. Thu hái dây lá vào mùa thu, phơi khô.

- Thành phần hoá học: Có gypenoside 1-52 trong đó có 3, 4, 8, 12; còn có Havone, các loại đường.

- Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính hàn; có tác dụng tiêu viêm, giải độc, ngừng ho và long đờm.

- Công dụng, người ta dùng làm thuốc tu bổ cường tráng.

11. Bách bệnh (Mật nhân, mật thơm) - Eurycoma longifolia jack subsp longifolia, thuộc họ Thanh thất -Sinaroubaceae.

- Mô tả: Cây nhỡ, cao 2-8m, có lông ở nhiều bộ phận. Lá kép gồm 10-36 đôi lá chét, không cuống, mọc đối, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng xoá; cuống lá màu nâu đỏ. Cụm hoa hình chùm kép hoặc chùm tán mọc ở ngọn, cuống có lông màu gỉ sắt. Hoa màu đỏ nâu. Quả hình trứng, hơi dẹt, có rãnh giữa, khi chín màu vàng đỏ, chứa một hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn. Mùa hoa quả tháng 3 đến tháng 11.

- Bộ phận dùng: Toàn cây, chủ yếu là rễ - Herba Radix Eurycomae. Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ - Mailaixia, mọc hoang ở vùng núi, trong các rừng thưa, dưới tán các cây gỗ lớn. Phổ biến nhất là miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Có thể thu hái rễ quanh năm, phơi khô hay sấy khô.

- Thành phần hoá học: vỏ Bách bệnh ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam đã được phân tích thành phần hoá học vào năm 1964. Người ta đã chiết được một hydro-xyceton, b-sitosterol, campesterol, hai chất đắng là curycomalacton và 2,6 dimetoxybenzoquinon (một sắc tố màu vàng) Eurycomalacton có vị đắng. Trong hạt có dầu béo màu vàng nhạt.

- Tính vị, tác dụng: Trong Y học cổ truyền, người ta dùng rễ thái nhỏ tẩm rượu sao, cho là có vị đắng, tính mát.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cây chữa được nhiều chứng bệnh (nên có tên là Bách - Nghĩa là 100). Rễ thường dùng nhất là để chữa khí hư, huyết kém, ăn uống không tiêu, trong ngực có cục tích, gân đờ, xương yếu, chân tay tế đau, nôn mửa, tả lỵ; còn dùng chữa tứ thời cảm mạo. Nhân dân thường dùng rễ chữa sốt, sốt rét, chữa ngộ độc và say rượu; cũng dùng tẩy giun, vỏ thân làm thuốc bổ, chữa ăn uống không tiêu, nôn, đầy, ỉa chảy, gần như vị Hậu phác và còn được dùng giải độc do tích rượu, vỏ cùng với rễ dùng chữa nhức mỏi, đau lưng, đau bụng kinh của phụ nữ. Quả dùng chữa lỵ và ỉa chảy. Quả chín ăn được. Lá dùng nấu nước tắm trị ghẻ, lở ngứa.

12. Bảy lá một hoa (Thất dịp nhất chi hoa) - Paris polyphylla Sm var chinensis (Franch) Hara thuộc họ Bảy lá một hoa - Trilliaceae.

- Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, cao 30-100cm, thường có 5-8 lá ở 2/3 trên. Lá có phiến hình trái xoan ngược dài 7-17 cm, rộng 2,5-5cm hay hơn, gốc tròn, chóp có mũi; cuống lá 5-6cm. Hoa mọc đơn độc ở ngọn thân trên một trục cao 70-80 cm. Lá đài màu xanh nom như lá; cánh hoa dạng sợi dài bằng đài, màu vàng. Quả mọng, cao 3cm, hạt to màu vàng. Ra hoa tháng 3-7, quả tháng 8-12.

- Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Paridis Chinensis, thường gọi là Tảo hưu hay Thất diệp nhất chi hoa.

- Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở những vực khe ẩm tối, gần suối ở độ cao trên 600m. Gặp nhiều ở Lào Cai (Sapa), Ninh Bình (Cúc Phương), Bắc Thái (Đại Từ), Lạng Sơn, Hoà Bình, Hà Bắc. Cũng mọc nhiều ở Trung Quốc với nhiều thứ khác nhau. Thu hái rễ quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu đông, rửa sạch phơi khô.

- Thành phần hoá học: Có diosgenin, pennogenin.

- Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng viêm.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Rắn độc cắn và sâu bọ đốt; 2. Viêm não truyền nhiễm; 3. Viêm mủ da; 4. Lao màng não; 5. Hen suyễn. Còn dùng trị yết hầu, bạch hầu, trẻ em lên sởi có viêm phổi, quai bị, lòi dom. Ở Trung Quốc, dân gian cho là thuốc chỉ đau, giải nhiệt và giải độc, có khả năng trị kinh phong, lắc đầu, lè lưỡi. Cũng có thể trị bệnh phổi và độc giang mai. Dân gian thường dùng làm mát khi bị sưng đau và hen suyễn.

13. Sâm cau (Ngải cau, Cồ nốc lan) - Curculigo orchioides Gaertn., thuộc họ Tỏi voi lùn - Hypoxidaceae.

Mô tả: Cây thảo sống lâu năm cao 30cm hay hơn. Lá 3-6, hình mũi mác xếp nếp tựa như lá Cau, phiến thon hẹp, dài đến 40cm, rộng 2-3,5cm, cuống dài 10cm. Thân rễ hình trụ cao, dạng củ to bằng ngón tay út, có rễ phụ nhỏ, vỏ thô màu nâu, trong nạc màu vàng ngà. Hoa màu vàng xếp 3-5 cái thành cụm, trên một trục ngắn nằm trong những lá bắc lợp lên nhau. Quả nang thuôn dài 1,5cm, chứa 1-4 hạt. Hoa mùa hè thu.

- Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Curculiginis, thường gọi là Tiên mao

- Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, có ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Philippin và Đông dương. Cây mọc hoang trên các đồi cỏ ven rừng núi nhiều nơi ở miền Bắc. Ở vùng đồi núi Lang Bian cũng có gặp. Đào củ về, rửa sạch, ngâm nước vo gạo để khử độc rồi phơi khô.

- Thành phần hoá học: Trong thân rễ có 5,7-dimethoxymricetin-3-0-β-L-xylopyranosyl-4-0-β-D-glycopyranoside.

- Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm, hơi có độc; có tác dụng bổ thận tráng dương, ôn trung táo thấp, tán ứ trừ tê, tráng gân cốt. Công dụng: Thường được dùng chữa: nam giới tinh lạnh, liệt dương; phụ nữ đái đục, bạch đới, người già đái són lạnh dạ; thần kinh suy nhược, phong thấp, lưng gối lạnh đau, vận động khó khăn. Ở Ấn Độ, người ta xem cây này có tính chất nhầy dịu, lợi tiểu, bổ, kích dục, được dùng chữa trĩ, vàng da, hen suyễn, ỉa chảy, lậu. Dùng ngoài giã đắp chữa ngứa và bệnh ngoài da.

14. Gấc (Momordica cochinesis) thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae

- Mô tả: Cây sống nhiều năm, leo cao nhờ tua cuốn ở nách lá. Lá mọc so le, phiến xẻ 3-5 thuỳ sâu. Hoa mọc riêng rẽ ở nách lá. Hoa đực có lá bắc to, tràng hoa màu vàng. Hoa cái có lá bắc nhỏ. Quả to, có nhiều gai, khi chín có màu gạch đến đỏ thẫm; hạt dẹt cứng, màu đen. Người ta còn dựa vào độ sai của quả (nhiều hay ít) kích thước của quả (to hay nhỏ) gai quả (mau hay thưa) màu sắc của ruột quả (đỏ hay vàng gạch), đầu béo (ít hay nhiều), số lượng hạt (nhiều hay ít) để chia ra Gấc tẻ (hay gấc Giun) và Gấc nếp (hay Gấc gạch). Mùa hoa tháng 6-8, mùa quả tháng 8-11.

- Bộ phận dùng: Hạt - Semen Momordicae, thường gọi là Mộc miết tử. Dầu Gấc ép từ màng đỏ bao xung quanh hạt đã phơi hay sấy khô cũng thường được dùng.

- Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, thường được trồng nhiều để lấy quả đồ xôi. Cây ưa đất tơi xốp, cao ráo, nhiều mùn, ẩm mát. Trồng bằng hạt hoặc bằng đoạn dây bánh tẻ vào tháng 2-3 âm lịch. Thu hoạch quả vào tháng 9-12. Bóc lấy lớp màng hạt để chế dầu, còn hạt đem phơi hay sấy khô. Rễ có thể thu hái quanh năm.

- Thành phần hoá học: Nhân hạt Gấc có khoảng 6% nước, 8,9% chất vô cơ 55,3% acid béo 16,5% protein, 2,9% đường. 1,8% tanin, 2,8% cellulose và một số enzym. Hạt gấc chứa acid momordic, gypsogenin, acid oleanolic, acid β- elacostearic, còn có acid amin, alcol. Dầu gấc chứa acid oleic 44,4%, acid linoleic 14,7%, acid stearic 7,89%, acid palmatic 33,8%. Màng hạt Gấc chứa một chất dầu màu đỏ mà thành phần chủ yếu là β-caroten và lycopen là những tiền sinh tố A khi vào cơ thể sẽ biến thành vitamin A, lượng β-caroten của Gấc cao gấp đôi của Cà rốt. Thân củ chứa chondrillasterol, cucurbitadienol, 1 glycoprotein và 2 glycosid có tác dụng hạ huyết áp. Rễ chứa momordin một saponin triterpenoid; các chiết xuất cồn có sterol, bessisterol tương đương với spinasterol.

- Tính vị, tác dụng: Hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có độc, có tác dụng tiêu tích lợi trường, tiêu thũng, sinh cơ; dùng ngoài có tác dụng tiêu sung. Rễ Gấc có vị hơi đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu. Dầu Gấc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, làm sáng mắt.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ta thường dùng cùi đỏ của Gấc trộn lẫn với gạo nếp đồ thành xôi Gấc, đó là một món ăn cổ truyền rất bổ, rất ngon. Dầu Gấc dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể (cho trẻ em và phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú), chữa bệnh khô mắt, dùng bôi lên các vết thương, vết loét, vết bỏng và các ổ loét dãn tĩnh mạch đỡ được mùi hôi, chóng lên da non và liền sẹo. Còn dùng chữa các bệnh viêm hậu môn và trực tràng có loét, cao huyết áp, rối loạn thần kinh. Nhân hạt Gấc thường được dùng trị mụn nhọt sung tấy, tràng nhạc, lở loét, sung vú, tắc tia sữa, chấn thương ứ huyết. Rễ Gấc thường được dùng để chữa tê thấp, đau nhức gân xương sung chân tay, ngủ hay giật tay chân và đau lưng.

15. Vàng đắng - Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr., thuộc họ Tiết dê -Menispermaceae.

- Mô tả: Dây leo to, thân rộng 5-7cm, có thể tới 15-20cm ở những gốc già; gỗ màu vàng, vỏ thân nứt nẻ màu xám trắng; các nhánh, mặt dưới lá, cụm hoa và quả có lông màu trắng bạc. Lá mọc so le, phiến to đến 25cm, gân gốc 5; màu trắng mốc ở mặt dưới; cuống phình và cong ở gốc, hơi đính vào trong phiến lá. Hoa nhỏ mọc thành chụm tán trên thân già; hoa đực có 5 nhị, hoa cái có nhị lép; 3 lá noãn có lông. Quả hạch tròn, đường kính cỡ 2,5cm. Mùa hoa tháng 12-3, quả tháng 5.

- Bộ phận dùng: Thân và rễ - Caulis et Radix Coscinii Fenestrati.

- Nơi sống và thu hái: Loài của miền Ấn Độ, Malaixia, phân bố ở Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam nước ta. Có thể thu hái thân, rễ quanh năm, thái nhỏ phơi hoặc sấy khô.

- Thành phần hóa học: Chủ yếu là berberin, saponin, thân chứa berberin có tỷ lệ tới 3,5%, ceryl alcohol, hentriacontane, sitosterol, acid palmitic và oleic, glucosid sitosterol, saponin và vài chất nhựa. Ở nước ta trong thân và rễ cây có alcaloid berberin với tỷ lệ 1,5-3%.

- Tính vị, tác dụng: Rễ và thân đều có vị đắng, tính mát, có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm và bổ đắng. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Là nguồn nguyên liệu chiết xuất berberin. Thường dùng chữa ỉa chảy, lỵ trực khuẩn, viêm một, vàng da, sốt, sốt rét, kém tiêu hóa. Ngày dùng 10-16g dạng thuốc sắc, thuốc bột hay viên. Hoặc dùng berberin Chlorid dạng viên nén 0,05g, ngày 6-10 viên, chia hai lần. Dung dịch 0,5-1% berberin Chlorid dùng chữa đau mắt. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ trị lỵ và dùng ngoài rửa mụn nhọt và vết thương. Nước sắc vỏ dùng chữa sốt gián cách, nước sắc thân dùng trị rắn cắn.

16. Cốt toái bổ (Drynaria fortunei (Kunze) J.Sm., thuộc họ Ráng - Polypodiaceae.)

- Mô tả: Dương xỉ mọc bò, có thân rễ dẹp, mọng nước, phủ lông dạng vẩy màu nâu sét. Lá có 2 loại: lá hứng mùn, xoan, gốc hình tim, mép có răng nhọn, dài 3-5cm, không cuống, phủ kín thân rễ; lá thường sinh sản, có cuống ngắn 4- 7cm, phiến dài 10-30cm, xẻ thuỳ sâu, thành 7-13 cặp thuỳ lông chim, dày, dai, không lông. Các túi bào tử xếp hai hàng giữa gân phụ mặt dưới lá; bào tử vàng nhạt, hình trái xoan.

- Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Drynariae, thường gọi là cốt toái bổ

- Nơi sống và thu hái: Cây mọc phụ sinh trên cây gỗ và đá, ở vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội tới Nghệ An. Thu hái thân rễ quanh năm, cắt bỏ rễ con, phần lá sót lại và cạo sạch lông, rửa sạch, cắt thành từng miếng theo kích thước quy định, phơi hay sấy khô.

- Thành phần hoá học: Thân rễ chứa glucos, tinh bột 25-34,98%, hesperidin và naringenin.

- Tính vị, tác dụng: cốt toái bổ có vị đắng, tính ấm; có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, hành huyết, phá huyết ứ, cầm máu, khu phong thấp, sát trùng, giảm đau.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp Dùng chữa thận hư (suy giảm chức năng nội tiết), ỉa chảy kéo dài, đòn ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, phong thấp đau nhức xương, sưng đau khớp, ù tai và đau răng, chảy máu chân răng. Ngày dùng 6-12g thân rễ khô, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, lấy thân rễ tươi giã nát đắp lên vết thương, chỗ sưng đau hoặc dùng dược liệu khô sao cháy, tán bột rắc.

17. Ba kích tím (Morinda officinalis How), tên gọi khác là Dây ruột gà, ba kích thiên, liên châu ba kích,...

Mô tả: Dây leo, sống nhiều năm, thân non màu tím, có lông, sau nhẵn, cành non có cạnh. Lá mọc đối hình ngọn giáo hay bầu dục dài 6-14cm, rộng 2,5- 6cm, lúc non có lông dài ở mặt dưới, sau đó ít lông và màu trắng mốc; lá kèm hình ống. Hoa nhỏ màu trắng, sau hơi vàng, mọc thành tán ở nách lá, đầu cành. Quả tròn, khi chín màu đỏ. Hoa tháng 5-6, quả tháng 7-10.

- Bộ phận dùng: Rễ phơi hay sấy khô - Radix Morindae Officinalis, được gọi là Ba kích, Ba kích thiên. Nơi sống và thu hái: Mọc hoang ở ven rừng thứ sinh, trung du và miền núi. Gặp nhiều ở Quảng Ninh, Hà Tây, Ninh Bình, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Lạng Sơn, Hà Giang, Hoà Bình, Có nhiều nơi như ở Quảng Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phú trồng để đảm bảo nhu cầu trong nước. Trồng bằng những đoạn rễ trên đất nhiều màu, ẩm, mát, được che bóng, có giá tựa cho cây leo. Sau 3 năm có thể thu hoạch. Có thể đào rễ quanh năm tốt nhất là vào mùa thu- đông, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy cho gần khô, đập dẹt rồi phơi, sấy tiếp đến khô hẳn.

- Thành phần hoá học: Rễ tươi chứa chất đường, nhựa acid hữu cơ, tinh dầu, anthraglucosid, phytosterol. Rễ tươi chứa vitamin C.

- Tính vị, tác dụng: Ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, trừ phong thấp. Nước sắc Ba kích làm tăng sức dẻo dai, tăng cường sức đề kháng chung cho cơ thể, chống viêm, làm tăng sự co bóp của ruột và giảm huyết áp.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ba kích được dùng chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu, mềm, lưng gối mỏi đau. Trong nhân dân. Ba kích là vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng chữa xuất tinh sớm, di mộng tinh, liệt dương, kinh nguyệt chậm hoặc bí kinh, phong thấp, huyết áp cao.

18. Tam thất

Tam thất phân bố nhiều ở các quốc gia Đông bắc á như: Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cây thảo sống nhiều năm, thân cao 30-50cm. Lá kép chân vịt, mọc vòng 3-4 cái một; cuống lá chung dài 3-6cm, mang 3-7 lá chét hình mác dài, mép khía răng, có lông cứng ở gân trên cả hai mặt; cuống lá chét dài 0,6- 1,2cm. Cây mọc một năm chỉ ra một lá kép, cây 2 tuổi trở lên thì có 2 - 6 lá kép mọc vòng xung quanh ngọn cây. Cây chỉ có một thân mang một chùm lá cố định, sống qua suốt năm và từ tháng 12 đến tháng 1 tàn lụi, sau đó cây lại mọc ra thân mới. Hoa tự hình tán mọc đầu ngọn cây, gồm nhiều hoa đơn (từ 20 - 90 hoa). Cuống hoa trơn bóng không có lông. Hoa lưỡng tính cùng lẫn với hoa đơn tính, có 5 cánh màu xanh, phần lớn là 2 tâm bì. Quả mọng hình cầu dẹt khi chín có màu đỏ. Quả chín vào khoảng tháng 10, tháng 11 dương lịch. Quả mọng lúc chín màu đỏ. Mỗi quả có từ 1 - 3 hạt hình cầu, vỏ trắng. Cây tam thất trồng tại thành phố Đà Lạt năm thứ 2 có hoa nhưng hạt lép. Tam thất đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng; mọc rải rác trên đất có nhiều mùn, dưới tán rừng kín thường xanh núi cao, ở vùng khí hậu lạnh mát, độ cao từ 1.600-2.300m. Không thích hợp phát triển ở vùng nắng nóng, nếu đem về vùng nắng nóng nhiệt độ cao cây chết sau 2 - 3 ngày trồng.

Cây tam thất có tác dụng chỉ huyết, phá huyết tán ứ, cầm máu, giảm đau, tiêu thũng định thống và tư bổ cường tráng. Theo Dược điển Việt Nam, tam thất dùng hỗ trợ trị thổ huyết, băng huyết, rong kinh, sau khi đẻ huyết hôi không ra, ứ trệ đau bụng, kiết lỵ ra máu, lưu huyết, tan ứ huyết, sưng tấy, thiếu máu nặng, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ. Theo tài liệu nước ngoài, tam thất có tác dụng giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm lượng Cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, ức chế vi khuẩn và siêu vi khuẩn, chống viêm tấy giảm đau... được dùng trong các trường hợp huyết áp cao, viêm động mạch vành, đau nhói vùng ngực, đái tháo đường, các chấn thương sưng tấy đau nhức, viêm khớp xương đau loét dạ dày tá tràng, trước và sau phẫu thuật để chống nhiễm khuẩn và chóng lành vết thương, cho những người kém trí nhớ, ăn uống kém, ra mồ hôi trộm, lao động quá sức.

19. Bách bộ (Stemona tuberosa Lour.), Stemonaceae:

- Phân bố tập trung ở Kon Plông (xã Hiếu, Mang Cành); Sa Thầy (Sa Sơn, Rờ Kơi); Ngọc Hồi (Đắk Nông, Đắk Dục); Đắk Plei (Đắk Kroong).

- Mô tả: Dây leo có thân mảnh, nhẵn, dài đến 6-8m, ở gốc có nhiều rễ củ mọc thành chùm, 10-20 hoặc 30 củ (Củ ba mươi), có khi tới gần một trăm củ, dài 15-20cm, rộng 1,5-2cm. Lá mọc đối hay so le, giống lá Củ nâu, nhưng đặc biệt có hệ gân ngang dày song song với các gân chính hình cung, dài 10-15cm, rộng 4mm, mặt ngoài màu vàng lục, mặt trong màu đỏ tươi, có mùi thối; 4 nhị dài 4-5cm. Quả nang chứa nhiều hạt. Cây ra hoa tháng 3-6 có quả tháng 6-8 .

- Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Stemonae, thường được gọi là Bách bộ.

- Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ, Malaixia, mọc hoang ở vùng đồi núi, trên sườn núi, ven suối. Có thể thu hoạch củ vào mùa xuân hoặc mùa thu. Cắt bỏ rễ con, rửa sạch, nhúng trong nước sôi, hoặc đồ vừa chín. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ dọc dài, phơi nắng hoặc sấy khô.

- Thành phần hoá học: Trong rễ củ có các alcaloid, chủ yếu là stemonin, tuberostemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin, oxytuberostemonin, stemin, stenin; glucid 2,3%, lipid 0,83%; protid 9,0%; acid hữu cơ (citric, formic, malic, suecinic...).

- Tính vị, tác dụng: Củ có vị đắng, tính hơi ấm, hơi có độc, có tác dụng nhuận phế, sát trùng, diệt sâu, trừ ngứa. Người ta đã biết intemonin có tác dụng làm giảm tính chất hưng phấn của trung khu hô hấp của động vật, có tác dụng ức chế phản xạ của ho, còn làm cho giun bị tê liệt, làm chết rận rệp và có bệnh lỵ, bệnh phó thương hàn.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Viêm khí quản, lao phổi, ho gà; 2. lỵ amip; 3. Bệnh giun móc, giun đũa, giun kim; 4. Tình trạng ngứa ngáy da, eczema, viêm da. Còn dùng diệt bọ chét, rệp, chấy rận và sâu bọ.

20. Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J. S m.), Dicksoniaceae: Phân bố tập trung ở Đắk Glei (Đắk Man, Đắk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh); Tu Mơ Rông (Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Glei); Ngọc Hồi (Đắk Dục, Đắk Nông)... có tên khác là Cẩu tích, Kim Mao Cẩu tích, Nhung Nô, Xích Tiết. Tên khoa học: Cibotium barometz J. Sm. = Dicksonia barometz L.), họ Kim mao (Dicksoniaceae). Cây có thân thường yếu, nhưng cũng có thể cao 2,5-3m. Lá lớn có cuống dài l-2m, màu nâu nâu, ở phía gốc có vẩy hình dải rất dài màu vàng và bóng phủ dày đặc. Phiến dài tới 3m, rộng 60-80cm. Các lá lông chim ở phía dưới hình trái xoan ngọn giáo dài 30-60cm. Lá lông chim bậc hai hình dải - ngọn giáo, nhọn lại chia thành nhiều đoạn thuôn, hẹp; mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục lơ; trục lá không lông; các gân của các lá chét bậc hai có lông len. Ổ túi bào tử 1 hay 2, có khi 3 hay 4 ở về mỗi bên của gân giữa bậc 3; các túi màu nâu nâu, có 2 môi không đều nhau; cái ở ngoài hình cầu, cái ở trong hẹp hơn, thuôn.

- Thu hái: Thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa thu- đông, cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo hết lông, rửa sạch, thái phiến hay cắt từng đoạn dài 4-10mm, phơi hay sấy khô. Cần bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.

- Thành phần hóa học: Thân rễ Cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ở thân rễ có tanin và sắc tố.

- Dược liệu: Đoạn thân rễ đã loại bỏ lớp lông màu vàng nâu bên ngoài, mặt ngoài rất gồ ghề, khúc khủyu, có những chỗ lồi lên thành mấu, màu nâu hoặc nâu hơi hồng, đường kính 2-5 cm, dài 4 - 10 cm, rất cứng, khó cắt, khó bẻ gẫy; đôi khi còn sót lại ít lông màu vàng nâu. Dược liệu khi dùng thường đã thái thành phiến mỏng hình dạng thay đổi, mặt cắt ngang nhẵn, màu nâu hồng hay nâu nhạt, có vân.

- Bộ phận dùng: Thân rễ đã cạo sạch lông, phơi hay sấy khô của cây Lông culi

- Công năng: Bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Công dụng: Chữa đau khớp, đau lưng, phong thấp, tay chân nhức mỏi, đau dây thần kinh toạ, người già thận yếu đi tiểu nhiều. Lông vàng quanh thân rễ dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu. Người ta thường để nguyên thân rễ với 4 gốc cuống lá tạo hình con vật 4 chân có lông vàng (Kim mao Cẩu tích) rồi phun rượu vào tạo ẩm cho lông mọc nhiều để lấy lông dùng cầm máu. Hoặc lấy đoạn thân rễ có lông đem treo lên, thỉnh thoảng lại phun rượu để lông mọc tiếp.

21. Chè dây (Ampelopsis cantoniensis (Hook, et Arn.) Planch.), Vitaceae: Phân bố tập trung ở Kon Plông (Pờ Ê, xã Hiếu, Mang Cành); Ngọc Hồi (Bờ Y); Đắk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Đắk Man); Tu Mơ Rông (Tê Xăng).

- Chè dây - Ampelopsis cantoniensis (Hook, et Am) Planch., thuộc họ Nho - Vitaceae.

Mô tả: Dây leo, cành hình trụ mảnh; tua cuốn đối diện với lá, chia 2-3 nhánh. Lá hai lần kép, mang 7-12 lá chét mỏng giòn, mép có răng thấp; gân bên 4-5 đôi; lá kèm gần tròn, dạng vẩy. Ngù hoa đối diện với lá có 3-4 nhánh; nụ hoa hình trứng; hoa mẫu 5. Quả mọng hình trái xoan to 6 x 5mm, màu đen, chứa 3-4 hạt. Ra hoa tháng 6, có quả tháng 10. Bộ phận dùng: Dây lá - Ramulus Ampélopsis.

- Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Tmng Quốc, Lào, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc dại theo bờ bụi ở nhiều nơi: Lào Cai, Hoà Bình, Hà Tây, Bắc Thái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An... tới Lâm Đồng, Đồng Nai. Người ta thu hái dây lá tươi quanh năm.

- Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, đắng, tính mát, có tác dụng giảm đau, làm liền sẹo, diệt khuẩn Helicobacter pylori, giảm viêm dạ dày.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá cũng dùng nấu nước uống thay chè. Gần đây, Viện Y học cổ truyền Dân tộc đã sử dụng Chè dây dạng cao khô để điều trị bệnh loét dạ dày - hành tá tràng.

22. Hà thủ ô - Polygonum multiflorum Thumby thuộc họ Rau răm - Polygonaceae.

Mô tả: Cây thảo leo bằng thân quấn, sống nhiều năm, thân dài tới 5-7m, mọc xoắn vào nhau, màu xanh tía, không lông. Rễ phình thành củ, ngoài nâu, trong đỏ. Lá mọc so le, có cuống dài, phiến lá giống lá rau muống, có gốc hình tim hẹp, chóp nhọn dài, mép nguyên. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm nhiều chuỳ ở nách lá hay ở ngọn. Quả bế hình ba cạnh, màu đen. Hoa tháng 8-10. Quả tháng 9-11

- Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Polygoni Multiflori; thường dùng với tên Hà thủ ô. Nơi sống và thu hái: Cây của châu á, mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, có nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình có số lượng ít hơn. Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều nơi vùng ở phía Bắc (Vĩnh Phú) và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định. Có thể tái sinh bằng hạt nhưng thường được trồng dễ dàng bằng những đoạn thân hay cành bánh tẻ dài 30-40cm hoặc bằng củ có đường kính 3-5cm. Sau 2-3 năm thì thu hoạch. Lấy củ rửa sạch cắt bỏ rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ thành miếng phơi khô làm thuốc. Thu hoạch vào mùa đông khi cây đã tàn lụi. Lá có thể dùng làm rau ăn; dây lá cũng có thể dùng làm thuốc. Củ Hà thủ ô có thể dùng tươi, không chế hoặc chế với đậu đen.

- Thành phần hóa học: Củ Hà thủ ô chứa 1,7% antraglucosid, trong đó có emodin, chrysophanol, rhein, physcion; 1,1% protid, 45,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ, 26,4% các chất tan trong nước, lecitin, rhaponticin (rhapontin, ponticin). 2,3,5,4 tetrahydroxytibene -2-O-β-Dglucoside. Lúc chưa chế, Hà thủ ô chứa 7,68% tanin, 0,25% dẫn chất anthraquinon tự do, 0,8058% dẫn chất anthraquinon toàn phần. Sau khi chế, còn 3,82% tanin. 0,1127%, dẫn chất anthraquinon tự do và 0,2496% dẫn chất anthraquinon toàn phần.

- Tính vị, tác dụng: Hà thủ ô có vị đắng chát, hơi ngọt, tính bình; có tác dụng bổ huyết giữ tinh, hoà khí huyết, bổ gan thận, mạnh gân xương, nhuận tràng. Thử trên động vật thí nghiệm, người ta nhận thấy nước sắc Hà thủ ô có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, có tác dụng tốt đối với các trường hợp suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh, làm tăng hoạt động của tim, giúp sinh huyết dịch, làm tăng sự co bóp của ruột, giúp ích cho sự tiêu hoá, lại có tác dụng chống viêm.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô khát, táo bón, bệnh ngoài da. Uống lâu làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng

23. Nấm Linh chi Ganoderma lucidum (Leyss ex Fr) Karst, thuộc họ Nấm lim - Ganodermataceae.

Mô tả: Nấm một năm hoặc nhiều năm có thể có dạng mũ với một vài cuống dài đính lệch về phía bên. Các tầng ống tròn. Lớp vỏ trên của mũ và cuống có màu sơn bóng đỏ hoặc vàng, xám đỏ hay đen. Bào tử hình trứng, có hai lớp vỏ (lớp ngoài nhẵn, lớp trong sần sùi) với một đầu tù.

Bộ phận dùng: Thể quả - Ganoderma Lucidum, thường gọi là Linh chi.

Nơi sống và thu hái: Nấm mọc ở rừng thường xanh, sống hoại sinh trên thân gỗ, trên thân cây mục chết của nhiều loài cây lá rộng và trên gốc cây và rễ cây phù nổi trên mặt đất ở rừng Lạng Sơn, Bắc Thái, Hoà Bình, Quảng Ninh cho tới Lâm Đồng. Nấm linh chi phát triển mạnh vào mùa hè. Người ta thu hái nấm tự nhiên, và hiện nay đã gây trồng tạo nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu trồng nước. Đã có nấm khô và các chế phẩm từ nấm linh chi lưu hành trên thị trường.

Thành phần hoá học: Trong nấm có các thành phần tính theo %: Nước 12-13; lignin 13-14, hợp chất có nitơ 1,6-2,1; họp chất phenol 0,08-0,1; tro 0,022, cellulose 54-56; chất béo 1,9-2; chất khử 4-5 họp chất steroid 0,14-0,16. Còn có các acid amin, protein, saponin, steroid dầu béo và nhiều men. Trong nấm, có germanium mà hàm lượng cao hơn trong nhâm sâm đến 5-8 lần. Tính vị, tác dụng: Nấm linh chi vị nhạt, tính ấm, có tác dụng tu bổ cường tráng. Người ta biết là germanium giúp khí huyết lưu thông, làm tăng sức cho tế bào hấp thụ ô xy tốt hơn. Lượng polysacharit cao có trong Linh chi làm tăng sự miễn dịch của cơ thể, làm mạnh gân, cô lập và diệt các tế bào ung thư. Acid ganodermic có tác dụng chống dị ứng và chống viêm.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được chỉ định dùng trị: Suy nhược thần kinh, chóng mặt, mất ngủ; Viêm khí quản mạn tính, bệnh ho lao do nhiễm bụi silic; Viêm gan, huyết áp cao; Đau mạch vành tim, tăng cholesterol huyết; Đau dạ dày, chán ăn; Thấp khóp, thống phong.

24. Thạch hộc tía (Hoàng thảo cẳng gà; Phi điệp kép, Kim thoa thạch hộc) - Dendrobium nobile - Lindl., thuộc họ Lan - Orchidaceae.

Mô tả: Cây biểu sinh trên cây gỗ hay vách đá, cao 30-60cm, đường kính 1,3cm, thường mọc thành khóm. Thân hơi dẹt, có rãnh dọc, khi khô có màu vàng rơm. Lá mọc so le hai bên thân, dài 6-12cm, rộng 1-3cm, không lông, dễ rụng. Hoa to xếp thành bó 1-4 cái ở sát nách lá, hoa dài 4-4,5cm, rộng 3-3,5cm, màu nền là hồng tía ở đầu chót của cánh hoa nhung chuyển sang trắng vào phía trung tâm; ở hông của cánh môi có một chấm to màu hạt dẻ. Quả nang hơi hình thoi, khi khô tự mở theo các rãnh dọc. Hạt nhiều. Cây ra hoa tháng 3-4, có quả tháng 5-6.

- Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Dentrobii Nobilis, thường gọi là Thạch hộc - Kim thoa thạch hộc.

- Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Nêpan, Bhutan, Nam Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào. Cây mọc hoang bám trên thân cây gỗ trong các rừng ẩm và cũng được trồng tương đối phổ biến, chủ yếu làm cây cảnh. Thu hái toàn cây vào mùa đông, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, tẩm rượu đồ chín, thái nhỏ.

- Thành phần hóa học: Cây chứa chất nhầy, alcaloid dendrobin, nobilonin và Ghydroxydendrobin.

- Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính bình; có tác dụng tư âm bổ thận, trừ phiền chỉ khát, ích vị sinh tân, thanh nhiệt. Cũng có sách ghi là Thạch hộc trừ hư nhiệt, bổ khí, ích tinh, cường âm, tráng dương, mạnh dạ dày, bổ hư hao, cứng gân cốt. Người ta cũng biết được là dendrobin có tác dụng gây mê và giảm sốt, có tác dụng tăng lượng glucose trong máu, với liều cao làm yếu hoạt động của tim, làm giảm huyết áp, gây khó thở.

- Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa miệng khô táo khát, phổi kết hạch, đau dạ dày ợ chua, không muốn ăn, di tinh, sau khi khỏi bệnh bị hư nhược, đổ mồ hôi trộm, lưng gối đau mỏi, nhiệt bệnh thương tổn đến tân dịch. Thạch hộc thường dùng trong các bệnh như ho khan, khô cổ, háo người, dùng cho các bệnh nhân nam giới sinh hoạt không điều độ bị đau lưng mỏi gối, bệnh nhân bị thiểu năng sinh dục.

25. Sả Java - Cymbopogon nardus (L.) Rendle (C. winterianus Jowitt), thuộc họ Lúa - Poaceae.

- Mô tả: Cây thảo sống dai, mọc thành bụi, có thân mọc thẳng, cao 0,8- 1,5m. Lá phẳng, hình dải, rất dài, có mép sắc. Chuỳ hoa gồm nhiều chùm mọc đứng.

- Bộ phận dùng: Lá và thân rễ - Folium et Rhizoma Cymbopogonis Nardi.

- Nơi sống và thu hái: Loài của các nước Đông dương, Ấn Độ, Inđônêxia, Trung Quốc. Cũng được trồng ở nhiều nơi: Java, Đài Loan, Goatemala, Ghinê, Madagascar, Thái Lan. Nước ta cũng có nhập trồng một thứ có nguồn gốc ở Java có năng suất hàng năm là 100 lít tinh dầu mỗi hecta.

- Thành phần hoá học: Tinh dầu sả này có từ 20-40% geraniol và citronellol, 40-60% citronellal.

- Tính vị, tác dụng: Vị cay, mùi thơm, tính ấm; lá có tác dụng trừ ho; thân rễ có tác dụng lợi tiểu, hạ sốt, điều kinh, trợ đẻ.

- Công dụng: Ở Campuchia, lá Sả Java phối hợp với các vị thuốc khác để điều trị bệnh ho và làm thuốc xông. Rễ cây lợi tiểu và hạ nhiệt cũng được dùng làm các chế phẩm để điều trị bệnh ho, đau gan và sốt rét. Lá có khi được hãm làm thuốc uống lợi tiêu hoá được dùng sau các bữa ăn. Ở Thái Lan, thân rễ dùng trị bạch đới; thân rễ và chồi lá dùng diệt muỗi. Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây được dùng làm thuốc khử trùng, dùng trong các loại thuốc trị giun.

 

PHỤ LỤC III:

CÁC CHÍNH SÁCH ÁP DỤNG TRONG ĐỀ ÁN

1. Chính sách của Trung ương.

- Chính sách ưu tiên công nhận giống dược liệu địa phương được xem xét bổ sung vào Danh mục giống dược liệu được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; công nhận đặc cách theo quy định Giống dược liệu mới do các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chọn tạo theo điều 4, chương II, Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;

- Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chi phí sản xuất giống gốc, chi phí sản xuất giống thương phẩm; chi phí tập huấn kỹ thuật cho người trực tiếp sản xuất giống để sản xuất giống dược liệu theo điều 5, chương II, Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

- Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ Thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt; chi phí cấp chứng nhận nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ Thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt; chi phí tập huấn kỹ thuật cho người trực tiếp nuôi trồng và khai thác dược liệu theo điều 6, chương II, Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

- Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và mua giống dược liệu cho dự án trồng cây dược liệu tập trung theo điều 7, chương II, Nghị định 65/2017-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

- Chính sách hỗ trợ, miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước để nuôi trồng, xây dựng nhà xưởng, kho chứa dược liệu; hỗ trợ tối tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với trường hợp thuê lại đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; miễn, giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân theo điều 8, chương II, Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

- Chính sách hỗ trợ, miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi theo điều 5, chương III, Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách hỗ trợ ưu đãi, miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, khuyến khích đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập theo điều 6, chương III, Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách hỗ trợ cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đong lạnh, bảo quản sinh học), chế biến nông sản để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án theo điều 11, chương III, Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường theo điều 7, chương III, Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về hình sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Chính sách hỗ trợ vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo điều 8, chương III, Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về hình sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Chính sách hỗ trợ vay vốn cho cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn; chủ trang trại; tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025:

Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, ưu tiên hỗ trợ các dự án nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn thực hiện dự án để hình thành vùng nguyên liệu.

Hỗ trợ đầu tư các khu, vùng nuôi trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.

Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông kết nối đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án phát triển vùng nguyên liệu.

Hỗ trợ kinh phí đầu tư để cải tạo xây dựng cơ sở chế biến dược liệu quý để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.

Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản dược liệu quý gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học, hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và thiết bị.

Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ.

Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng.

Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm.

Nhà nước hỗ trợ chi phí sản xuất giống gốc và chi phí sản xuất giống thương phẩm đối với các dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

2. Chính sách của địa phương.

Thực hiện theo chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum khi được cấp có thẩm quyền ban hành.


PHỤ LỤC IV:

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

TT

Nội dung công việc

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện, hoàn thành

1

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

 

 

 

1.1

Quán triệt, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc đầu tư, phát hiển và chế biến dược liệu.

Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Hội và các cơ quan thông tin đại chúng

 

Thường xuyên

1.2

Xây dựng các phóng sự, bài viết, tin đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả thực hiện chủ trương phát triển dược liệu hên địa bàn tỉnh, gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tạo sinh thái để phát triển dược liệu dưới tán rừng

Sở Thông tin Truyền thông Sở Thông tin Truyền thông

Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình Kon Tum, các cơ quan thông tin đại chúng

Thường xuyên

2

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

 

 

 

2.1

Xây dựng Chương hình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm phải đưa nội dung về đầu tư, phát hiển, chế biến dược liệu với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể.

Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Hội; các đơn vị chủ rừng được giao rừng, cho thuê rừng để phát triển dược liệu

 

Hàng năm

2.2

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các đơn vị có liên quan

Thường xuyên

2.3

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển dược liệu cấp tỉnh, cấp huyện; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý về dược liệu; tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về dược liệu theo hướng bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cấp tỉnh);

UBND các huyện, thành phố (cấp huyện)

Sở Nội vụ

Quý IV năm 2022

2.4

Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển dược liệu nhất là các dự án có thuê rừng, đất rừng để trồng các loại dược liệu theo quy định của pháp luật. Quản lý, bảo tồn hiệu quả các nguồn giống dược liệu địa phương có giá trị.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đối với các dự án chế biến dược liệu giao Sở Y tế chủ trì)

Sở Kế hoạch và đầu tư và các đơn vị có liên quan.

Thường xuyên

2.5

Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.

Sở Công Thương, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan

Thường xuyên

2.6

Tăng cường công tác tư vấn, phản biện, giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan quá trình xây dựng, ban hành các quy định, chính sách về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu

Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh

Các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội dược liệu tỉnh, Hội đồng y

Thường xuyên

 

3. Đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

 

 

3.1

Điều tra, xác định số loài, hiện trạng, trữ lượng tại các vùng có khả năng phát triển dược liệu

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Y tế và các đơn vị có liên quan

Tháng 7 năm 2023

3.2

Tích hợp vùng trồng dược liệu tập trung vào trong Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030

Sở Kế hoạch và đầu tư

Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan

Trong năm 2022

3.3

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung đối với các loài dược liệu đặc hữu, có thể mạnh, giá trị cao và sức tiêu thụ lớn trên thị trường.

Sở Kế hoạch và đầu tư

Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Hàng năm

3.4

Xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ, khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên. Tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống dược liệu nhằm cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các đơn vị có liên quan

Hàng năm

3.5

Hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum.

Sở Y tế

Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan

2023-2025

3.6

Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn; dồn đổi đất đai để trồng dược liệu thâm canh quy mô lớn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan

Thường xuyên

3.7

Nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm dược liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn của OCOP thứ hạng cao và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan

Thường xuyên

3.8

Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín thực hiện liên doanh, liên kết với người dân và các mô hình kinh tế tập thể để trồng và tiêu thụ dược liệu

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan

Thường xuyên

3.9

Thúc đẩy hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến dược liệu

Ban quản lý khu kinh tế tỉnh

Các đơn vị có liên quan

Thường xuyên

3.10

Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu {nhất là đối với Sâm Ngọc Linh Kon Tum) công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại... Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại thị trường nước ngoài để phục vụ xuất khẩu.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Công thương và các đơn vị liên quan

Thường xuyên

3.11

Tăng cường tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm dược liệu. Đẩy mạnh truyền thông, nhất là tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu dược liệu của tỉnh. Đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch của địa phương; trong đó, xây dựng các tour trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại vùng sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của các loài dược liệu trong các lễ hội văn hóa - du lịch của địa phương.

Sở Công thương

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan

Thường xuyên

3.12

Tăng cường liên kết, phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu; nghiên cứu chọn giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và Các đơn vị liên quan

Thường xuyên

4

Thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu

 

 

 

4.1

Nghiên cứu lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất và nguồn tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trồng và phát triển dược liệu.

Ban Dân tộc tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan

Thường xuyên

4.2

Nghiên cứu xây dựng và ban hành một số chính sách riêng, đặc thù của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan

Năm 2023

4.3

Thu hút đội ngũ chuyên gia tư vấn và nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển dược liệu.

Sở Nội vụ

Sở Nông nghiệp và các đơn vị liên quan

Thường xuyên

4.4

Quan tâm đào tạo kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản dược liệu cho người đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đủ khả năng tham gia liên kết vào các dự án dược liệu quy mô lớn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Trường cao đẳng cộng đồng và các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề

Thường xuyên

5

Đánh giá giám sát

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các đơn vị có liên quan

Hàng năm

 

 

 

 



(1) Có chu kỳ khai thác trên 01 năm như: Đinh lăng, Ngủ vị tử, Sa nhân, Táo mèo (Sơn Tra)…

(2) Chu kỳ dưới 01 năm hoặc theo thời vụ như: Nghệ vàng, Đảng sâm; Đương quy; Lan Kim tuyến; Giảo cổ lam...

(3) Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chăc thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng ...

(1) Nguồn: Trung tâm khí tượng thủy văn Kon Tum.

(2) Trong đó: ngân sách địa phương là 1.873.234 triệu đồng và ngân sách trung ương là 2.054.926 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay kế hoạch năm 2022 đa phân bổ chi tiết là 3.919.661 triệu đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ là 8.499 triệu đồng (thuộc các nguồn vốn ngân sách địa phương).

(3) Theo số liệu kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

(4) Đến nay, tổng số trường mầm non, phổ thông trên toàn tỉnh là 376 trường: Mầm non 138 trường; Tiểu học 99 trường; THCS 111 trường; 28 trường THPT-PTDTNT.

(5) Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,11% (năm 2015) xuống còn 13,62% (năm 2019) và ước năm 2020 là 10,12%.

(6) Giảm từ 3-4%/năm.

7 Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

(8) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Trồng ượt và Bảo vệ thực vật quản lý về hoạt động ưồng trọt, kiểm soát nguồn giống và quản lý dịch hại dược liệu; giao Chi cục Kiểm lâm quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp để quản lý các vấn đề về giao rừng, cho thuê rừng để trồng và phát triển dược liệu dưới tán rừng; Sở Y tế chỉ đạo và phân công cụ thể đến toàn ngành y tế từ cấp tình, huyện đến các Bệnh viện, Trung tâm trực thuộc quản lý nhà nước về nguồn gốc, chất lượng dược liệu và phân phối lưu thông dược liệu trên thị trường; quản lý việc sử dụng dược liệu/vị thuốc cổ truyền và các sản phẩm khác từ dược liệu trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tình là đơn vị đầu mối, tổng hợp. cấp huyện giao Phồng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu quản lý Nhà nước về đầu tư và phát triển cây dược liệu, Phòng Y tế quản lý sản phẩm dược liệu đã được cấp chứng nhận lưu thông trên thị trường; Phòng Kinh tế - Hạ tầng quản lý nhãn hiệu, logo sản phẩm.

(9) (1) Xây dựng mô hình nhân giống, trồng và sơ chế Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphylllum (Thunnb) Makino) và độc hoạt (Angelica Pubescens ait) theo Gacp; (2) ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ Sa nhân tím, Ngũ vị tử, Đảng sâm theo GACP-WHO tại huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum (3) Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến cây dược liệu Đương quy Nhật bản và Đang sâm.

(10) Dự án có 03 hợp phần: (1) Hoàn thiện các giải pháp trong sản xuất cây giống từ hạt và trồng Sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp; (2) Hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống Sâm Ngọc Linh trong vườn ươm thông minh phục vụ sản xuất tại tỉnh Kon Tum; (3) Hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, bảo quản Sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp.

(11) (1) Đề tài “Nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh trên cây Sâm Ngọc Linh”; (2) Đề tài “Khảo sát thành phần hóa học, xây dựng quy trình định lượng saponin trên thân, lá Sâm Ngọc Linh làm cơ sở khoa học cho các sản phẩm ứng dụng”; (3) Đề tài “Hoàn thiện quy trình chiết xuất dịch chiết từ Đảng sâm, nấm Đông trùng hạ thảo và đề xuất các sản phẩm ứng dụng trong chế biến Nghiên cứu hoàn thiện các điều kiện chiết xuất dịch chiết từ Đảng sâm”; (4) Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây Lan Kim tuyến (Anoectochilus sp.) dưới tán rừng tại 02 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông, tỉnh Kon Tum”; (5) Đề tài “Trồng thực nghiệm Sâm cau (Cuculigo orchioides Gaertn) dưới tán rừng trên một số tiểu vùng sinh thái của tỉnh Kon Tum”; (6) Đề tài “Đánh giá khả năng thích nghi và đề xuất các giải pháp sử dụng đất hợp lý trên các dạng lập địa trồng cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; (7) Dự án: “Xây dựng mô hình nhân giống, ttồng và sơ chế gấc (Momordica cochinchinensis (Lour.) Speng) theo tiêu chuẩn GACP-WHO trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; (8) Đề tài “Xây dựng quy trình bảo quản tươi dược liệu dạng củ (Sâm Ngọc Linh) trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; (9) Dự án “ứng dụng công nghệ sinh học hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng nấm mối đen (Xerula radicata) tại tỉnh Kon Tum”; (10) Dự án “Sản xuất thử nghiệm cao từ rễ Đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba)”.

12 Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 16-8-2016 và Quyết định số 2465/QĐ-SHTT ngày 30-7-2018 của Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

13 Quy chế số 376/QCPH-UBND ngày 05-5-2017 và Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 22-6-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum

14 Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum

15 Quyết định số 44142/QĐ-SHTT, ngay 31/5/2021

16 Quyết định số 39788/QĐ-SHTT; Quyết định số 39789/QĐ-SHTT; Quyết định số 39790/QĐ-SHTT; Quyết định số 39791/QĐ-SHTT; Quyết định số 39792/QĐ-SHTT; Quyết định số 39793/QĐ-SHTT; Quyết định số 39794/QĐ-SHTT; Quyết định số 39795/QĐ-SHTT; Quyết định số 39796/QĐ-SHTT.

17 Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 23/7/2021; Quyết định số 472/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 477/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 13/5/2020; Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 13/5/2020

18 Quyết định số 269/QĐ-UBND, ngày 17-4-2013 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tam nhìn đến năm 2025.

19 Quyết định số 1006/QĐ-UBND, ngày 24-9-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh với tồng diện tích 92.643,97 ha; Quyết định số 79/QĐ-UBND, ngày 22-01-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát hiển cây Sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông với tồng diện tích 10.000 ha.

20 Như: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, Đinh lăng, Ba kích tím, Sa nhân tím, Giảo cổ lam, Lan kim tuyến, Chè dây, Hòe, Hà thủ ô, Diệp Hạ châu, Trinh nữ hoàng cung, Cẩu tích, nghệ vàng...

21 Nguồn: sản lượng khai thác tại c.ty lâm nghiệp Đăk Tô 0,7 ha được 164,92 kg sản lượng bình quân 235,5 kg/ha từ đó suy ra sản lượng ước tính 213,6 tấn.

22 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

23 (1) Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng, khai thác và chế biến và phân phối các sản phẩm từ củ, lá Sâm Ngọc Linh cho ra các sản phẩm rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5; Mật ong sâm SK5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 Sói đêm; Nước giải khác dưỡng da NoLiKo ...(2) Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum khai thác, chế biến Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm ra các sản phẩm Trà Sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen Sâm Ngọc Linh, Viên nang mềm sinh lý Sâm Ngọc Linh, Rượu Sâm Ngọc Linh, Cà phê Sâm Ngọc Linh, Mật ong Sâm Ngọc Linh, 7 Dầu gió Tinh nhân sâm; (3) Công ty Thái Hòa liên kết, thu mua các sản phẩm cây Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử chế biến các loại sản phẩm rượu sâm, trà hòa tan.

24 Tại Thông báo số 66b/TB-HĐND, ngày 28-11-2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

25 Tại Quyết định số 1217/QĐ-UBND, ngày 31-10-2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh và điều chỉnh tại Quyết định số 546/QĐ-UBND, ngày 23-6-2021.

26 Với mục tiêu đầu tư: Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hoá về năng lực công nghệ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu cơ bản phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng lực của tổ chức khoa học công nghệ; tạo cơ sở để tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến; góp phần xây dựng nền nông nghiệp, công nghệ sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được một số sản phẩm cố giá trị tại địa phương. Thông qua việc đầu tư dự án làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, cây dược liệu; các sản phẩm sinh học phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; là nơi triển khai các nội dung hợp tác giữa tỉnh Kon Tum và các doanh nghiệp Hàn Quốc về phát triển chế biến dược liệu, cũng như triển khai thực nghiệm các đề tài nghiên cứu của các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, ... trước khi chuyển giao cho tổ chức và Nhân dân trong tỉnh.

27 mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết; diện tích hỗ trợ không quá 10ha/01 nhà đầu tư. Số lượng giống Sâm Ngọc Linh thương phẩm được Nhà đầu tư hỗ trợ lại là 500 cây/ha, mỗi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ một lần không quá 100 cây giống Sâm Ngọc Linh thương phẩm

28 HXT nông nlúệp Tuyết Sơn; Công ty CP thương mại nông nghiệp và dược liệu Đồng Xanh Kon Tum; Công ty cổ phần Kora; HTX Dược liệu Hữu cơ Tu Mơ Rông; Công ty TNHH Biophap; Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên; Hợp tác xã Nông nglúệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen.

29 Xác định tốc độ gia tăng theo công thức: i = [S(f)/S(p)]^1/n - 1 ; trong đó (S (f): dự báo diện tích trong tương lai; S (p): Diện tích ở hiện tại; i: tốc độ gia tăng; n: số năm.); i = (2.400/600)^1/4 - 1 = 0,45.

30 Phương pháp tính lũy kế theo công thức: S(f )= s (p) x (1 i)^n (Trong đó: S (f): dự báo diện tích trong tương lai; S (p): Diện tích ở hiện tại; i: tốc độ gia tăng; n: số năm; S(f) = 605 x (1 0,45)^10 = 24.850

31 i = (907/500)^1/4 -1 =0,16

32 S(f) = 907 x (1 0,16)^10 = 4.001

33 HXT nông nhiệp Tuyết Sơn; Công ty CP thương mại nông nghiệp và dược liệu Đồng Xanh Kon Tum; Công ty cổ phần Kora; HTX Dược liệu Hữu cơ Tu Mơ Rông; Công ty TNHH Biophap; Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên; Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen.

34 Xác định tốc độ gia tăng theo công thức: i = [S(f)/S(p)]^1/n - 1 ; trong đó (S (f): dự báo diện tích trong tương lai; S (p): Diện tích ở hiện tại; i: tốc độ gia tăng; n: số năm.); i = (2.400/600)^1/4 - 1 = 0,45.

35 Xác định tốc độ gia tăng theo công thức: i = [S(f)/S(p)]^1/n - 1 ; trong đó (S (f): dự báo diện tích trong tương lai; S (p): Diện tích ở hiện tại; i: tốc độ gia tăng; n: số năm.); i = (2.400/600)^1/4 - 1 = 0,45.

36 Phương pháp thủi lũy kế theo công thức: S(f )= S (p) x (1 i)^n (Trong đó: S (f): dự báo diện tích trong tương lai; S (p): Diện tích ở hiện tại; i: tốc độ gia tăng; n: số năm; S(f) = 605 x (1 0,45)^10 = 24.850

37 i = (907/500)^1/4 -1=0,16

38 S(f) = 907 X (1 0,16)^10 = 4.001

39 GRDP (2025) = 24.500 x (1 0,1)^5 = 39.457

40 Kết quả nghiên cứu về sinh học và trồng trọt của Dược sỹ Phan Văn Đệ, trung tâm Sâm và dược học Thành phố Hồ Chí Minh - Viện Dược liệu. Kết quả nghiên cứu phát triển cây Sâm Ngọc linh định hướng và giải pháp của tiến sỹ Nguyễn Bá Hoạt- Phó viện trưởng Viện Dược liệu