Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 873/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 873/QĐ-TTG NGÀY 23 THÁNG 7 NĂM 2001 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN PHÁT TRIỂN CHÈ VÀ CÂY ĂN QUẢ SỬ DỤNG VỐN VAY CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ;
Căn cứ Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ;
Căn cứ Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tờ trình số 630 BNN/DANN ngày 12 tháng 3 năm 2001 và tờ trình số 1510 BNN/DANN ngày 28 tháng 5 năm 2001), của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 3908/BKH-VPTĐ ngày 12 tháng 6 năm 2001).

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt dự án phát triển chè và cây ăn quả ở Việt Nam với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên dự án: Dự án phát triển chè và cây ăn quả.

2. Cơ quan điều hành dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3. Quy mô và địa điểm thực hiện dự án

a) Quy mô dự án:

- Cây chè: trồng phục hồi khoảng 1.500 ha chè, trồng mới và tái trồng khoảng 2.300 ha chè.

- Cây ăn quả: trồng mới khoảng 23.000 ha, trong đó bao gồm cả tái trồng lại 7.500 ha đất rừng bị phá.

- Đầu tư các cơ sở chế biến chè và cây ăn quả.

b) Địa điểm thực hiện: gồm 13 tỉnh trong đó:

- Cây chè: Gồm 6 tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lâm Đồng, Tuyên Quang và Hà Giang.

Cây ăn quả: gồm 7 tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hoá, Hoà Bình, Bình Định, Khánh Hoà, Tiền Giang và Bến Tre.

4. Mục tiêu dự án:

Mục tiêu chung của dự án là tăng thu nhập cho nông dân và tăng giá trị hàng nông sản thông qua việc phát triển sản xuất chè và cây ăn quả, tăng cường việc bảo vệ môi trường thông qua việc trồng chè và cây ăn quả trên những vùng đất đồi, đất đã bị mất rừng và thông qua các biện pháp bảo vệ đất.

5. Nội dung đầu tư.

a) Hợp phần tín dụng:

Cung cấp tín dụng cho nông dân thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển trồng chè và cây ăn quả; đầu tư cho các cơ sở chế biến và bảo quản sau thu hoạch.

b) Hợp phần phi tín dụng gồm các nội dung sau:

Cung cấp hệ thống thông tin thị trường, phát triển và cung cấp công nghệ trọn gói đến người dân: sổ tay kỹ thuật, cấp chứng chỉ vườn ươm cây giống, phân vùng quy hoạch vùng trồng chè và cây ăn quả, dịch vụ thông tin thị trường; đảm bảo chất lượng.

Tăng cường công tác nghiên cứu; hỗ trợ trang thiết bị và kinh phí cho Viện nghiên cứu chè, Viện nghiên cứu rau quả, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Viện công nghệ sau thu hoạch để đạt được sự bền vững về tài chính, có khả năng tự quản và hình thành cơ cấu quản lý hiệu quả; hỗ trợ cho việc hình thành các vườn cây mẹ.

- Quản lý dự án: cung cấp tài chính và trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của các Ban Quản lý dự án từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh để quản lý và giám sát các hoạt động tín dụng và phi tín dụng của dự án (bao gồm 19 xe tô 2 cầu đến 9 chỗ ngồi).

- Đào tạo: Tiến hành công tác đào tạo cho các Ban Quản lý dự án (Trung ương và các tỉnh) về quản lý, kiểm tra, giám sát đánh giá dự án và các ứng dụng kỹ thuật; đào tạo giảng viên, các cán bộ khuyến nông các cấp, các cán bộ của các định chế tài chính và những người tham gia dự án về những vấn đề kỹ thuật nông nghiệp bao gồm quản lý môi trường và dịch hại tổng hợp.

- Tư vấn trợ giúp kỹ thuật để phát triển công nghệ đóng gói, quản lý dự án và tăng cường năng lực nghiên cứu của Viện nghiên cứu chè, Viện nghiên cứu rau quả, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Viện công nghệ sau thu hoạch.

6. Tổng vốn đầu tư 57.600.000 USD (tương đương 835.200 triệu đồng)

7. Nguồn vốn đầu tư

a) Nguồn vốn vay ưu đãi của ADB: 40.200.000 USD, thời hạn vay 32 năm, ân hạn 8 năm, lãi suất 1%/năm trong thời gian ân hạn và 1,5%/năm trong thời gian thanh toán.

b) Nguồn vốn đóng góp của các tổ chức tài chính tham gia dự án 4.900.000 USD.

c) Nguồn đóng góp của những người hưởng lợi: 9.800.000 USD.

d) Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ: 2.700.000 USD.

8. Thời gian thực hiện dự án: 6 năm kể từ ngày ký Hiệp định vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu á.

9. Về cơ chế đầu tư.

Đầu tư dự án phát triển cây chè và cây ăn quả phải thực hiện theo các quy định nêu tại Nghị định số 17/CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ ban hành Quy chế vay và trả nợ nước ngoài.

Điều 2.

a) Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đàm phán với ADB để điều chỉnh những nội dung liên quan nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh tham gia dự án căn cứ quyết định đầu tư và điều kiện cụ thể của từng địa phương lập dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

Điều 3.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả dự án Phát triển chè và cây ăn quả, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các tỉnh tham gia dự án và Ngân hàng Phát triển Châu á để điều hành việc giám sát đánh giá thực hiện mục tiêu và kỹ thuật của dự án theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Các Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hoá, Hoà Bình, Bình Định, Khánh Hoà, Tiền Giang, Bến Tre chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)