Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 879/QĐ-UBND

An Giang, ngày 20 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NUÔI TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2017-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản”;

Căn cứ Quyết định số 4995/QĐ-BNN-TY ngày 20/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt “Kế hoạch Quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên cá tra giai đoạn 2015-2020”;

Căn cứ Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính về việc Quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật;

Thực hiện yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Công văn số 8528-BNN-TY ngày 07/10/2016 về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2017;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 46/TTr-SNN&PTNT ngày 15/3/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và người nuôi trồng thủy sản.

2. Chủ động phát hiện và cảnh báo kịp thời các bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản nuôi, không để dịch bệnh bệnh lây lan trên diện rộng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại kinh tế cho người nuôi, góp phần phát triển nuôi thủy sản ổn định và bền vững.

3. Phát hiện, xác định mức độ lưu hành bệnh và các yếu tố nguy cơ nhằm triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cá tra và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu cá tra, sản phẩm cá tra của Việt Nam.

II. NỘI DUNG:

A. Tổng quan về tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi

1. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi năm 2014: Diện tích thủy sản nuôi

bị bệnh trong năm 2014 là 592,9 ha, trong đó:

- Diện tích bị bệnh trên cá tra nuôi là 522,9 ha: bệnh đốm trắng gan thận (gan thận mủ) 101,5 ha, bệnh xuất huyết đốm đỏ 365,7 ha, bệnh trắng mang, trắng gan 52,7 ha, bệnh vàng da 3 ha. Tỷ lệ diện tích bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng từ 3-4%.

- Diện tích bị bệnh trên các đối tượng nuôi khác (cá lóc, rô phi, điêu hồng…) là 70 ha, bệnh chủ yếu là bệnh xuất huyết. Tỷ lệ diện tích bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng từ 3-4 %.

2. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi năm 2015: Diện tích thủy sản nuôi bị bệnh trong năm 2015 là 317,1 ha, trong đó:

- Diện tích bị bệnh trên cá tra nuôi là 290,7 ha: Bệnh đốm trắng gan thận (gan thận mủ) 69,4 ha, bệnh xuất huyết đốm đỏ 217,6 ha, bệnh trắng mang, trắng gan 3,7 ha. Tỷ lệ diện tích bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng từ 2-3%.

- Trên tôm càng xanh: 1,6 ha bệnh đục thân.

- Trên một số đối tượng nuôi khác: Trên cá lóc: 24,8 ha bệnh xuất huyết; trên cá rô phi-điêu hồng: 425 lồng bè bị bệnh xuất huyết.

3. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi năm 2016: Diện tích thủy sản nuôi bị bệnh trong năm 2016 là 259,9 ha, trong đó:

- Diện tích bị bệnh trên cá tra nuôi là 202,6 ha: bệnh đốm trắng gan thận (gan thận mủ) 63,1 ha, bệnh xuất huyết đốm đỏ 133,3 ha, bệnh trắng man, trắng gan 6,2 ha. Tỷ lệ diện tích bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng từ 2-3%.

- Trên một số đối tượng nuôi khác: Trên cá lóc: 37,5 ha bệnh xuất huyết; trên cá thác lác cườm: 18,8 ha bệnh xuất huyết; trên cá sặc rằn: 1 ha bệnh xuất huyết; trên cá rô phi - điêu hồng: 297 lồng bè bệnh xuất huyết; trên cá lóc bông - cá chình: 35 lồng bè bệnh xuất huyết và 123 lồng bè cá các loại bị chết do thiếu oxy.

4. Nhận xét, đánh giá.

- Trong năm 2016 diện tích thủy sản nuôi bị bệnh giảm hơn so với năm 2015, bệnh xuất hiện hầu như rải rác quanh năm, tỷ lệ diện tích bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng từ 2-3%. Bệnh xảy ra chủ yếu trong giai đoạn cá giống và cá nhỏ (cá dưới 300gram), tỷ lệ hao hụt trung bình trong một vụ nuôi do bệnh gây ra từ 15-25%, có một số trường hợp tỷ lệ hao hụt trên 50% (chủ yếu hao hụt trong giai đoạn cá nhỏ).

- Bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện nhiều vào một số thời điểm trong năm như: Thời điểm đầu mùa nước lũ (từ tháng 6 đến tháng 7) và thời điểm nước lũ rút kết hợp với gió mùa Đông Bắc (từ tháng 10 đến tháng 12), vào các thời điểm này thì tỷ lệ diện tích thủy sản bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng cao hơn các thời điểm khác trong năm (tỷ lệ diện tích bị bệnh trung bình trên diện tích nuôi từ 3-4%).

B. Kế hoạch thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi giai đoạn 2017-2020

1. Công tác tuyên truyền

Hàng năm thực hiện tuyên truyền về phương pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá tra, cá lóc, cá rô phi-điêu hồng; biện pháp phòng chống bệnh trắng đuôi trên tôm càng xanh; danh mục hóa chất kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cho các hộ nuôi trên địa bàn toàn tỉnh qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tuyên truyền 6 đợt/năm tại 9 huyện, thị, thành có phát triển nuôi trồng thủy sản. Thực hiện vào các thời điểm bệnh dễ phát sinh trên thủy sản nuôi, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm (bình quân thực hiện tuyên truyền 8 xã/huyện/đợt).

2. Công tác tập huấn

a) Nội dung

- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại các Trạm Chăn nuôi và Thú y và nhân viên chăn nuôi và thú y 11 huyện, thị xã, thành về một số nội dung như: Quản lý nuôi cá tra an toàn dịch bệnh; Một số bệnh thường gặp trên cá tra nuôi và phương pháp phòng trị bệnh; Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản; Cách ghi chép, thu thập, phân tích số liệu, báo cáo dịch bệnh và vẽ bản đồ dịch tễ và một số nội dung khác có liên quan.

- Tập huấn phòng chống dịch bệnh cho người nuôi, nhằm nâng cao kiến thức cho người nuôi về việc phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản.

b) Đối tượng, địa điểm và thời gian thực hiện

- Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y: Thực hiện 01 lớp/năm (45 người/lớp, 3 ngày/lớp); Thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2018 và năm 2020.

- Nhân viên Chăn nuôi và Thú y các xã, phường, thị trấn: Thực hiện 03 lớp/năm (55 người/lớp, 1 ngày/lớp); Thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2018 và năm 2020.

- Các hộ nuôi cá tra, cá lóc, cá rô phi - điêu hồng, tôm càng xanh và các đối tượng thủy sản nuôi khác: Thực hiện 11 lớp/năm (30 người/lớp, 1 ngày/lớp); Thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.

3. Quan trắc môi trường nước trong ao nuôi:

Hàng năm trang bị bộ test nhanh các chỉ tiêu Ôxy hòa tan, pH, độ kiềm, NH3, H2S, NO2 cho Trạm Chăn nuôi và Thú y để thực hiện quan trắc môi trường nước trong ao nuôi. Trang bị 2 bộ test/năm cho Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện: Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, An Phú, Thành phố Long Xuyên, Tp Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Hàng tháng mỗi huyện thực hiện quan trắc môi trường nước tại 20 ao nuôi, từ kết quả quan trắc tổ chức đánh giá và khuyến cáo các biện pháp xử lý nếu phát hiện các chỉ tiêu vượt mức giới hạn cho phép, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

4. Công tác giám sát dịch bệnh

a) Giám sát chủ động

- Trên cá tra: Thực hiện thu mẫu giám sát dịch bệnh chủ động như sau: Mỗi tháng chọn ngẫu nhiên 30 cơ sở nuôi thương phẩm và 10 cơ sở sản xuất giống trên các vùng nuôi trọng điểm toàn tỉnh, mỗi cơ sở chọn 1 ao thu mẫu, thực hiện thu mẫu liên tục từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm (9 đợt thu với tổng số mẫu là 360 mẫu/năm). Chỉ tiêu xét nghiệm:

+ Bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri

* Phân lập và định danh vi khuẩn Edwardsiella ictaluri.

* Làm kháng sinh đồ cho mẫu đầu tiên phân lập được đối với các loại kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

+ Bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila

* Phân lập và định danh vi khuẩn Aeromonas hydrophila.

* Làm kháng sinh đồ cho mẫu đầu tiên phân lập được đối với các loại kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

- Trên tôm càng xanh: Hàng năm tổ chức thu mẫu tôm để giám sát bệnh trắng đuôi do virus MrNV (Macrobrachium rosenbergii nodavirus) và XSV (Extra small virus) gây ra, thực hiện thu mẫu trong giai đoạn 1-2 tháng đầu của vụ nuôi nhằm phát hiện sớm tôm bị nhiễm bệnh để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thực hiện thu 30 mẫu/năm trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân và An Phú.

b) Giám sát bị động

- Trên cá tra: Để kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, trên cá tra nuôi sẽ tổ chức thực hiện thu mẫu cá bệnh hàng năm vào trước thời điểm bệnh có khả năng xảy ra nhiều, gửi mẫu đến Cơ quan Thú y vùng VII để thực hiện phân tích nhanh tác nhân gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Từ kết quả phân tích mẫu sẽ khuyến cáo các biện pháp phòng trị bệnh phù hợp cho người nuôi. Thực hiện thu mẫu 2 đợt/năm, mỗi đợt thu 30 mẫu tại: Tp Long Xuyên, huyện An Phú, huyện Thoại Sơn, huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc.

Đợt 1: Từ tháng 6 đến tháng 7 hàng năm. Đợt 2: Từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm.

- Trên tôm càng xanh: Tăng cường giám sát trong giai đoạn 1-2 tháng đầu vụ nuôi, trong quá trình giám sát nếu phát hiện bệnh sẽ tổ chức thu mẫu gửi đến đơn vị có đầy đủ trang thiết bị gần nhất để phân tích nhanh, chẩn đoán tác nhân gây bệnh. Từ kết quả phân tích sẽ cảnh báo kịp thời cho người nuôi về việc phòng ngừa dịch bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

- Trên các đối tượng nuôi khác (cá lóc, cá rô phi - điêu hồng…): Mùa vụ phát sinh bệnh trên các đối tượng nuôi này thường là từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 6 đến tháng 7, mỗi năm thực hiện thu mẫu cá bệnh 2 đợt với số lượng như sau: Cá lóc 20 mẫu, cá rô phi - điêu hồng 30 mẫu.

5. Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật thủy sản

- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản giống, không để động vật thủy sản giống chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán xuất nhập tỉnh.

- Tổ chức xử lý động vật thủy sản mang mầm bệnh nguy hiểm. Nếu động vật thủy sản vận chuyển vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc vượt quá số lượng đã kiểm dịch theo quy định thì phải tổ chức kiểm tra lại và xử lý theo các quy định hiện hành.

6. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản:

Tăng cường thực hiện kiểm tra, kiểm tra định kỳ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung (thâm canh, bán thâm canh) đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 41/2010/TT-BNNPTNT ngày 5/7/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản.

7. Công tác chống dịch bệnh

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ phụ trách thú y thủy sản ở Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố và nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn bám sát địa bàn quản lý, theo dõi thường xuyên tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi. Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất, báo cáo định kỳ về tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản đúng theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

- Trong quá trình giám sát nếu phát hiện thủy sản nuôi bị bệnh hoặc nhận được thông báo từ chủ cơ sở nuôi, nhân viên chăn nuôi và thú y phải xuống ngay địa điểm tiếp nhận thông tin để xác minh và báo cáo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y. Trạm Chăn nuôi và Thú y cử cán bộ phụ trách thú y thủy sản xuống cơ sở nuôi bị bệnh thực hiện kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp xử lý (tham khảo các kết quả phân tích mẫu cá bệnh định kỳ để hướng dẫn phòng trị bệnh phù hợp). Trong trường hợp nhận thấy bệnh có khả năng lây lan nhanh và gây thiệt hại cao, Trạm Chăn nuôi và Thú y phải báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phải cử nhanh cán bộ phụ trách thú y thủy sản tại Chi cục xuống phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y thực hiện các giải pháp khống chế và xử lý dịch bệnh. Nếu cần thiết Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thu mẫu bệnh bổ sung để thực hiện xét nghiệm bệnh nhằm tìm phát đồ điều trị phù hợp để hướng dẫn điều trị bệnh, không để dịch bệnh lây lan và giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho người nuôi.

8. Trang bị dụng cụ và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh: Hàng năm trang bị bộ dụng cụ sử dụng với kính hiển vi để kiểm tra bệnh ký sinh trùng trên động vật thủy sản và bộ test nhanh các chỉ tiêu môi trường nước cho

Trạm Chăn nuôi và Thú y 11 huyện, thị xã, thành để phục vụ cho công tác quan trắc môi trường nước trong ao nuôi và kiểm tra bệnh ký sinh trùng trên động vật thủy sản.

III. DỰ TRÙ KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Tổng dự toán kinh phí thực hiện là 4.164.540.000 đồng (Bốn tỷ, một trăm, sáu mươi bốn triệu, năm trăm, bốn chục ngàn đồng), cụ thể:

ĐVT: đồng.

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Kinh phí 2017

Kinh phí 2018

Kinh phí 2019

Kinh phí 2020

1

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý

Lớp

1

 

23.705.000

 

23.705.000

Tập huấn  nâng cao năng lực cho nhân viên CN&TY

Lớp

2

 

40.125.000

 

40.125.000

Tập huấn phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi

Lớp

11

61.490.000

61.490.000

61.490.000

61.490.000

2

Tuyên truyền trên phương tiện truyền thông

Đợt

6

64.800.000

64.800.000

64.800.000

64.800.000

3

Thu mẫu giám sát dịch bệnh chủ động

Đợt

10

357.820.000

357.820.000

357.820.000

357.820.000

4

Thu mẫu giám sát dịch bệnh bị động

Đợt

3

210.250.000

210.250.000

210.250.000

210.250.000

5

Kiểm tra công tác GSDB tại các huyện

Đợt

6

18.000.000

18.000.000

18.000.000

18.000.000

6

Trang bị trang thiết bị, dụng cụ

Đợt

2

26.000.000

26.000.000

26.000.000

26.000.000

7

Công tác chống dịch

Đợt

2

270.860.000

270.860.000

270.860.000

270.860.000

 

Tổng cộng

 

 

1.009.220.000

1.073.050.000

1.009.220.000

1.073.050.000

2. Nguồn kinh phí thực hiện: Bố trí từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản hàng năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan thường trực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi trên địa bàn toàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện một số nội dung sau:

a) Chi cục Chăn nuôi và Thú y

- Chủ trì, là đầu mối tổng hợp thống nhất số liệu báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình dịch bệnh, diện tích thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên động vật thủy sản nuôi theo định kỳ và đột xuất.

- Hướng dẫn các Trạm Chăn nuôi và Thú y triển khai các nội dung giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường nước trong ao nuôi; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương trong tỉnh; chủ động đối phó khi dịch bệnh trên động vật thủy sản có nguy cơ lây lan nhanh và gây thiệt hại cao.

- Tăng cường quản lý con giống thông qua việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ kiểm dịch đầu vào, hạn chế tối đa việc nhập thủy sản giống bị nhiễm bệnh vào địa bàn tỉnh.

- Định kỳ kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc, hóa chất, nhất là các hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, phổ biến các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong nuôi trồng thủy sản.

- Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ phụ trách công tác thú y thủy sản của Trạm Chăn nuôi và Thú y, tập huấn cho người nuôi về phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản. Xây dựng tài liệu bướm hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi.

- Trang bị các trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản cho Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành (bộ dụng cụ sử dụng với kính hiển vi, bộ test nhanh các chỉ tiêu môi trường). Rà soát đề nghị bổ sung tăng cường thiết bị cần thiết và nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm cho cán bộ thú y thủy sản.

- Tổ chức thu mẫu giám sát dịch bệnh chủ động và bị động để xét nghiệm bệnh, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm.

- Định kỳ tổ chức họp tổng kết, phân tích và nhận định về tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản, đánh giá các biện pháp phòng trị bệnh đã triển khai.

b) Chi cục Thủy sản

- Chủ trì, là đầu mối tổng hợp thống nhất số liệu báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình thả giống, diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh theo định kỳ và đột xuất.

- Tổ chức theo dõi diễn biến khí hậu, thời tiết, thu thập phân tích mẫu nước, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm. Thông tin các chỉ tiêu quan trắc môi trường, tình hình thả giống, diện tích nuôi cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để dự báo tình hình dịch bệnh và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp với các địa phương hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường ao nuôi và hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy trình kỹ thuật nuôi tốt.

c) Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thu mẫu kiểm tra thủy sản nuôi tại các vùng nuôi có dịch bệnh để đánh giá chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đề xuất biện pháp kiểm soát, xử lý sản phẩm thu hoạch tại vùng dịch bệnh trước khi đưa ra tiêu thụ hoặc chế biến xuất khẩu.

d) Thanh tra Sở

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan và Chính quyền địa phương tổ chức thanh tra chất lượng vật tư nông nghiệp (giống, thức ăn thủy sản, hóa chất, thuốc thú y và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản), xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kiểm dịch thủy sản giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh. Không để động vật thủy sản giống chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán xuất nhập tỉnh. Kiểm tra, xử lý nghiêm việc vận chuyển động vật thủy sản vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

2. Sở Tài Chính

Căn cứ Kế hoạch được phê duyệt và dự toán chi tiết lập hàng năm, Sở Tài chính xem xét thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản trên cơ sở lồng ghép với kinh phí chương trình, dự án và theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình về công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

- Chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng con giống đưa về địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp con giống từ tỉnh khác đưa về địa phương chưa được kiểm dịch.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường giám sát và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh thủy sản.

- Hàng năm thực hiện tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương.

4. Trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống

Cung cấp nguồn thủy sản giống đảm bảo chất lượng. Thủy sản giống phải được kiểm dịch theo quy định trước khi xuất bán ra khỏi cơ sở sản xuất, kinh doanh cho người nuôi thương phẩm.

5. Trách nhiệm của người nuôi

Tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản và thực hiện đúng lịch thả nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản địa phương. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về chuẩn bị cơ sở nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe động vật thủy sản. Khi phát hiện thủy sản nuôi bị bệnh phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn biện pháp xử lý. Tuyệt đối không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc thủy sản chết ra môi trường, đồng thời chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT; Cục Thú y;
- TT.UBND tỉnh;
- Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp & PTNT;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở NN, Chi cục QLCLNLS&TS;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Đài PTTH An Giang, Báo An Giang;
- P.KTN, P.HCTC;

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi