Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

số 89/2005/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG AN NHÂN DÂN THÔI PHỤC VỤ TẠI NGŨ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999;
Căn cứ Pháp lệnh về Lực lượng An ninh nhân dân và Pháp lệnh về Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

1. Quyết định này quy định chi tiết việc thực hiện một số chế độ, chính sách và các bước giải quyết việc làm cho quân nhân, công an nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật, có đủ sức khoẻ, có nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm, gồm:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;

b) Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân.

2. Quyết định này không áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Quân nhân, công an nhân dân không hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ;

b) Quân nhân, công an nhân dân đã thôi phục vụ tại ngũ từ đủ 12 tháng trở lên (kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định cho xuất ngũ);

c) Những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thi hành kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, tước danh hiệu công an nhân dân.

Điều 2. Quản lý, tuyển chọn

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nơi quân nhân, công an nhân dân cư trú có trách nhiệm tuyển chọn đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy nghề và giới thiệu việc làm theo quy định của Quyết định này.

Điều 3. Yêu cầu của việc dạy nghề

Việc đào tạo nghề cho quân nhân, công an nhân dân thôi phục vụ tại ngũ quy định tại Quyết định này phải theo đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đa dạng về ngành nghề, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp với từng vùng dân cư nơi quân nhân, công an nhân dân cư trú.

Điều 4. Chương trình và thời gian đào tạo nghề

1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng danh mục ngành, nghề phù hợp yêu cầu đào tạo nghề cho quân nhân, công an nhân dân thôi phục vụ tại ngũ.

2. Tuỳ theo ngành hoặc nhóm ngành đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định chương trình, thời gian đào tạo của các cơ sở dạy nghề quân đội, công an bảo đảm hiệu quả, chất lượng cao.

Điều 5. Quyền lợi của quân nhân, công an nhân dân khi được tuyển chọn đi đào tạo nghề

1. Được hưởng trợ cấp xuất ngũ và trợ cấp tạo việc làm theo quy định của Chính phủ.

2. Được cấp có thẩm quyền giới thiệu đến các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm, trong và ngoài quân đội, công an để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

3. Được học tập, rèn luyện theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của kế hoạch hoặc hợp đồng đào tạo nghề.

4. Được sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở dạy nghề vào mục đích học tập và rèn luyện theo kế hoạch.

5. Được bảo đảm về an toàn lao động và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

6. Được đề đạt nguyện vọng trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình lên chỉ huy, lãnh đạo cơ sở dạy nghề để giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình học tập.

7. Được ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã được đào tạo và bồi dưỡng.

8. Khi chuyển ngành hoặc xuất ngũ về cơ quan cũ hoặc chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được sắp xếp việc làm phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ hoặc được đào tạo lại nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

9. Được ưu tiên tuyển chọn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

10. Quân nhân, công an nhân dân thôi phục vụ tại ngũ về địa phương không quá 12 tháng, kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định cho xuất ngũ, có nhu cầu đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thì cơ quan quân sự cấp quận (huyện) nơi quân nhân, công an nhân dân cư trú có trách nhiệm giới thiệu đến các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm để học tập hoặc được giới thiệu việc làm.

11. Được cấp bằng sau khi tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề sau khi kết thúc khoá học.

Điều 6. Nghĩa vụ của quân nhân, công an nhân dân khi được tuyển chọn đi đào tạo nghề

1. Chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân địa phương nơi cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm đóng quân.

2. Thực hiện đầy đủ hợp đồng học nghề, bổ túc nghề và bồi dưỡng nghề đã ký với cơ sở dạy nghề.

3. Chấp hành nghiêm quy chế, nội quy của cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm.

4. Tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở dạy nghề.

5. Nộp học phí đầy đủ, đúng kỳ hạn theo quy định hoặc theo hợp đồng học nghề.

Điều 7. Giới thiệu việc làm

1. Quân nhân, công an nhân dân sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở dạy nghề được ưu tiên giới thiệu, tuyển chọn vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước và các cơ sở của các tổ chức kinh tế - xã hội khác.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, ủy ban nhân dân các địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác giới thiệu việc làm cho quân nhân, công an nhân dân thôi phục vụ tại ngũ  tốt nghiệp ở các cơ sở dạy nghề đến làm việc.

Điều 8. Hệ thống tổ chức cơ sở dạy nghề giới thiệu việc của làm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

1. Các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm trong hệ thống trường nghề của Nhà nước, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sự quản lý trực tiếp của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống  cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 9. Ngân sách bảo đảm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn kinh phí chủ yếu cho các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoạt động; bảo đảm trợ cấp tạo việc làm cho quân nhân, công an nhân dân xuất ngũ.

2. Hàng năm căn cứ kế hoạch cho quân nhân, công an nhân dân xuất ngũ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập kế hoạch hỗ trợ ngân sách cho chương trình việc làm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ kế hoạch đề nghị hỗ trợ ngân sách dạy nghề, giới thiệu việc làm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bố trí ngân sách bảo đảm cho chương trình dạy nghề và giới thiệu việc làm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao  động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương,
- Hội đồng Dân tộc và các UB của QH,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Tòa án nhân dân tối cao,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể,
- Học viện Hành chính Quốc gia,
- Công báo,
- VPCP: BTCN, TBNC các PCN, BNC, BĐH 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
- Lưu: NC (5b), VT.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phan Văn Khải