Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 902/QĐ-UBND .HC

Đồng Tháp, ngày 01 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/1/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1437/SKHĐT-TH ngày 25 tháng 8 năm 2015 về việc đề nghị phê duyệt Đề cương và Dự toán kinh phí điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương và Dự toán kinh phí điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (kèm theo Đề cương và Dự toán kinh phí), với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên dự án: Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Cơ quan lập Quy hoạch: Sở Công Thương.

3. Mục tiêu, yêu cầu của dự án:

a) Mục tiêu:

- Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020: về quan điểm, mục tiêu, phương hướng, tính toán quy mô, tiến độ theo lĩnh vực, ngành hàng, theo phân bố không gian lãnh thổ; xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện khả thi quy hoạch trong khung quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Bổ sung mục tiêu và phương hướng phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

b) Yêu cầu:

- Rà soát, đối chiếu các chỉ tiêu Quy hoạch với hiện trạng phát triển công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015; đánh giá và phân tích tình hình thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020; đánh giá, phân tích, dự báo các bối cảnh mới có tác động đến phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; rà soát, đánh giá các mặt thực hiện được, các mặt tồn tại, nguyên nhân khách quan và chủ quan.

- Điều chỉnh quy hoạch dựa trên các cơ sở sau:

+ Các kết quả đã thực hiện;

+ Bối cảnh kinh tế xã hội hiện trạng và các dự báo mới;

+ Khung phát triển của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp đến 2020 và quy hoạch các ngành, phân ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cấp cả nước , cấp vùng có liên quan đến địa bàn;

+ Bám sát các cơ sở pháp lý;

+ Căn cứ vào tiềm năng về vị trí địa lý kinh tế, tài nguyên tự nhiên, quỹ đất đai, nhân lực;

- Các giai đoạn điều chỉnh quy hoạch: 2016-2020; 2021-2025; tầm nhìn đến 2030.

- Số hóa các bản đồ có liên quan.

4. Phạm vi, thời kỳ lập quy hoạch:

a) Phạm vi: Ranh giới hành chính tỉnh Đồng Tháp;

b) Thời kỳ lập điều chỉnh quy hoạch: Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

5. Nội dung điều chỉnh Quy hoạch: thực hiện theo Đề cương điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

6. Sản phẩm của dự án quy hoạch:

- Báo cáo tổng hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch: 10 bộ.

- Báo cáo tóm tắt rà soát, điều chỉnh quy hoạch: 20 bộ.

- Các loại bản đồ tỷ lệ 1/100.000.

- Đĩa CD chứa báo cáo và bản đồ: 05 đĩa.

7. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện:

- Kinh phí điều chỉnh Quy hoạch: 446.000.000 đồng (Bốn trăm bốn mươi sáu triệu đồng chẵn).

- Nguồn vốn thực hiện: vốn sự nghiệp kinh tế.

8. Thời gian lập hoàn chỉnh điều chỉnh Quy hoạch: 08 (tám) tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 2. Sở Công Thương (Chủ đầu tư) có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch theo Đề cương được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Tháp và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- Lưu VT+NC/KTN.nhthu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng

 

ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐIỀU CHỈNH

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 902/QĐ-UBND.HC ngày 01 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Phần Mở đầu

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

1. Trong giai đoạn 2001-2005, tuy còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế (9,5% năm 2000 và 12,7% năm 2005), ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tăng trưởng nhanh với tốc độ 19,0%/năm nhờ vào phát triển đột phá của lĩnh vực chế biến thủy sản, thức ăn gia súc và quá trình hình thành các khu cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong giai đoạn 2006-2010, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rất nhanh (28,4%/năm) và đến 2010 chiếm tỷ trọng 20,0% trong cơ cấu kinh tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng khả quan của lĩnh vực công nghiệp thời kỳ 2001-2010 như trên, các định hướng tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã dự báo GRDP tăng bình quân 14,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 13,3%/năm trong giai đoạn 2016-2020, trong đó khu vực II tăng bình quân 22,8%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 17,0%/năm trong giai đoạn 2016-2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp - dịch vụ và công nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp (26%-39%-35%). Trên cơ sở đó, vào năm 2009, Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 đã được xây dựng với mục tiêu phấn đấu đóng góp vào 39-42% GDP tăng thêm của nền kinh tế tỉnh và 80-83% VA (Giá trị tăng thêm) tăng thêm của khu vực II; công nghiệp đến năm 2020 trở thành ngành kinh tế chủ lực chiếm 30-33% GRDP.

Ngày 22 tháng 3 năm 2010, Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 220/QĐ-UBND.HC của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp với các chỉ tiêu chính như sau:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm từ 19% đến 22%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và từ 15% đến 17%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

- Nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo lên >90% giá trị sản xuất vào năm 2020, trong đó 2 nhóm ngành chủ lực là công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống và công nghiệp hóa chất - các sản phẩm hóa chất chiếm trên 65% giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến.

- Tỷ lệ VA/GO từ 36% hiện trạng lên trên 40% năm 2020.

- Phấn đấu nâng giá trị tăng thêm bình quân/lao động công nghiệp từ 1.623 USD năm 2005 lên đến trên 9.500 USD năm 2020.

- Đến năm 2020, tổng diện tích đất quy hoạch cho khu, cụm công nghiệp trong khoảng 3.700 ha (nếu tính thêm các khu nguyên liệu và khu đô thị, các trung tâm thương mại dịch vụ vệ tinh, tổng diện tích đất khoảng trên 4.300 ha), trong đó phấn đấu xây dựng hoàn tất hạ tầng và lấp đầy 70%, giá trị tăng thêm công nghiệp/ha đất khu công nghiệp vào khoảng 18 tỷ đồng giá hiện hành/năm 2020.

- Đạt trên 95% lao động công nghiệp qua đào tạo và 75% lao động qua đào tạo nghề.

- Đạt tỷ lệ đổi mới công nghệ và trang thiết bị 18-20%/năm.

2. Sau khi Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 được phê duyệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 bắt đầu tác động sâu rộng đến kinh tế - tài chính cả nước, dẫn đến suy giảm về phát triển kinh tế nói chung và hiệu quả, khả năng thu hút đầu tư công nghiệp nói riêng, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 đã được cập nhật, điều chỉnh và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 năm 2011 với các chỉ tiêu chính như sau: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,0% năm giai đoạn 2011-2015 và 12,4%/năm giai đoạn 2016 - 2020; đến năm 2015, cơ cấu ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 37,0%-30,0%-33,0%; đến năm 2020 là 28,5%-36,5%-35,0%.

Như vậy so với Quy hoạch được phê duyệt theo Quyết định số 220/QĐ-UBND.HC, các chỉ tiêu phát triển công nghiệp đã giảm thấp hơn. Nhiệm vụ của ngành công nghiệp được xác định như sau:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,5%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 15,2%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; phát triển các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế.

- Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch; sản xuất hàng tư liệu phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp và hàng tiêu dùng, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và các sản phẩm khác mà địa phương có lợi thế. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: gạo xay xát và lau bóng, bánh phồng tôm, trái cây sơ chế, rau quả đóng hộp, thủy sản đông lạnh, thức ăn cho gia súc, thủy sản, hàng may mặc, giày xuất khẩu, sản phẩm cơ khí, máy móc các loại, sản phẩm điện tử…

- Tập trung phát triển nhanh, hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Đến năm 2020 có khoảng 07 khu công nghiệp tập trung và 32 cụm, tuyến công nghiệp được xây dựng với tổng diện tích đất quy hoạch trên 4.626 ha

3. Trong giai đoạn 2011-2013, công nghiệp phát triển chựng lại dưới tác động của suy thoái kinh tế và đã tiếp cận ngưỡng trên về phát triển theo số lượng; tốc độ tăng trưởng giảm còn 13,3%/năm (chỉ bằng 47% giai đoạn 2006-2010); các khu công nghiệp được quy hoạch mới không thể khởi động (ngoại trừ 03 khu đã khởi động trước 2010 là khu công nghiệp Sa Đéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu). Trong giai đoạn này, theo tính toán chưa chính thức của Tổng Cục Thống kê khi tính lại GRDP các tỉnh thành theo khung thống nhất chung cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trong 03 năm 2011-2013 là 7,5%/năm, trong đó công nghiệp tăng 14,7%/năm; như vậy tốc độ tăng trưởng công nghiệp thực tế chỉ bằng khoảng 72-80% quy hoạch.

Trên cơ sở đó, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Tháp ước tính tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2011-2015 chung quanh 12%/năm và dự báo mức tăng trưởng chung quanh 11%/năm.

Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả với các nội dung: định hướng lại mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và phân ngành; củng cố, nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển các sản phẩm chủ lực. Trong năm 2014-2015, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đã được điều chỉnh lại phù hợp và đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016-2020.

4. Như vậy, dựa trên các cơ sở sau:

- Dưới tác động của suy thoái kinh tế, tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2011-2015 sụt giảm nhiều so với kỳ vọng (12,0%/năm so với 19,5%/năm).

- Do có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh phát triển mới, các chỉ tiêu liên quan phát triển đến công nghiệp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 2016-2020 đều thấp hơn so với các chỉ tiêu trong Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 (Quyết định số 220/QĐ-UBND.HC ngày 22/3/2010).

- Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và điều chỉnh các khu công nghiệp đến năm 2020 đang được thực hiện đã đặt ra các tiền đề tái cấu trúc phát triển của khu vực kinh tế công nghiệp; cần được cụ thể hóa bằng điều chỉnh Quy hoạch.

- Kinh tế sau thời kỳ suy thoái bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đồng thời cần dự báo các khả năng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh đón đầu TPP và tái cấu trúc công nghiệp toàn cầu trong những năm cuối giai đoạn 2016-2020, định hướng đế 2025, 2030.

Từ các cơ sở trên, cần thiết phải Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và dự kiến tầm nhìn đến 2030, nhằm:

- Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 (Quyết định số 220/QĐ-UBND.HC ngày 22/3/2010);

- Điều chỉnh quy hoạch phù hợp với hợp với bối cảnh phát triển mới, các chỉ tiêu liên quan phát triển đến công nghiệp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 2016-2020 và Nghị quyết đảng bộ nhiệm kỳ 2016-2020;

- Điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở cập nhật hiện trạng phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cơ hội, thách thức, dự báo mới;

- Bổ sung định hướng, mục tiêu phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

- Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

- Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về việc quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ;

- Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;

- Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;

- Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

- Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

- Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp;

- Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến 2020;

- Quyết định số 1092/QĐ-BCT ngày 12/3/2012 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Thông tư số 05/2013/TT-BKH ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

- Thông tư số 03/2008/TT-BKHĐT ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , Nghị định số 92/2006/NĐ-CP và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKHĐT;

- Thông tư số 02/2012/TT-BKHĐT ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Quy định năm 2010 làm năm gốc thay cho năm gốc 1994 để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh;

- Quyết định số 220/QĐ-UBND.HC ngày 22/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;

- Quyết định số 620/QĐ-UBND.HC ngày 04/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 2016-2020;

- Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;

III. MỤC ĐÍCH

1. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020: quan điểm, mục tiêu, phương hướng, tính toán quy mô, tiến độ theo lãnh vực, ngành hàng, theo phân bố không gian lãnh thổ; xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện khả thi quy hoạch trong khung quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Bổ sung mục tiêu và phương hướng phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2030.

IV. YÊU CẦU

1. Rà soát, đối chiếu các chỉ tiêu quy hoạch với hiện trạng phát triển công nghiệp từ 2010 đến ước 2015. Đánh giá và phân tích các tình hình thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020; Đánh giá, phân tích, dự báo các bối cảnh mới có tác động đến phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Rà soát, đánh giá các mặt thực hiện được, các mặt tồn tại, nguyên nhân khách quan và chủ quan

3. Điều chỉnh quy hoạch dựa trên các cơ sở sau:

- Các kết quả đã thực hiện;

- Bối cảnh kinh tế xã hội hiện trạng và các dự báo mới;

- Khung phát triển của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp đến 2020 và quy hoạch các ngành, phân ngành công nghiệp - TTCN cấp cả nước , cấp vùng có liên quan đến địa bàn;

- Bám sát các cơ sở pháp lý;

- Căn cứ vào tiềm năng về vị trí địa lý kinh tế, tài nguyên tự nhiên, quỹ đất đai, nhân lực;

4. Các giai đoạn điều chỉnh quy hoạch: 2016-2020; 2021-2025; tầm nhìn đến 2030.

5. Số hóa các bản đồ có liên quan.

Phần 1

TỔNG QUAN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỔNG THÁP

I. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Tổng lược về các điều kiện nội sinh

- Diện tích - vị trí địa lý

- Tài nguyên thiên nhiên

- Tiềm năng kinh tế có liên quan đến phát triển công nghiệp

- Hiện trạng dân số và nguồn nhân lực

2. Tổng quan về hiện trạng kinh tế - xã hội có liên quan

- Tổng sản phẩm nội địa (GRDP): tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng VA 3 khu vực kinh tế, (GRDP/người) từ 2010 đến ước 2015.

- Cơ cấu kinh tế, đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

3. Vị trí kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong bối cảnh phát triển mới

Phân tích, nhận định về vị trí của tỉnh Đồng Tháp đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020

Khái quát về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 qua các chỉ tiêu có liên quan sau:

- Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và 2016-2020, toàn thời kỳ 2011-2020; GDP, cơ cấu kinh tế 3 khu vực, GRDP/người.

- Thu chi ngân sách. Vốn đầu tư toàn xã hội, hiệu quả đầu tư.

- Dân số, lao động.

- Kết cấu hạ tầng: hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước - thải rác và thông tin liên lạc. Phát triển mạng lưới đô thị.

- Đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường

Phần 2

TỔNG QUAN VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỔNG THÁP

I. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Tổng quan về phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

- Nhận định tổng quan về tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn

- Tổng quan về không gian và tiến độ phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung.

2. Các cơ sở sản xuất công nghiệp

Các cơ sở công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn phân theo thành phần kinh tế; phân ngành công nghiệp (khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối …).

3. Lực lượng lao động công nghiệp

Lao động làm việc trong các cơ sở công nghiệp phân theo thành phần kinh tế, phân ngành công nghiệp; trình độ lao động

4. Tình hình đầu tư cho công nghiệp

- Vốn đầu tư phát triển công nghiệp và phân nguồn

- Phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghiệp.

5. Kết quả hoạt động của ngành công nghiệp

- Giá trị sản xuất công nghiệp (GO) và tăng trưởng; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế và phân ngành công nghiệp.

- Giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp; tỷ trọng VA/GO công nghiệp trên địa bàn.

- Sản phẩm ngành công nghiệp phân theo phân ngành công nghiệp và hình thức sản xuất: doanh nghiệp nhà nước, dân doanh, có vốn đầu tư nước ngoài.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp.

- Nhận định về trình độ công nghệ, thiết bị.

- Phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp phân theo vùng lãnh thổ và phân theo cơ cấu ngành. Nhận xét sự ảnh hưởng xu thế phát triển các ngành hàng mới; sự thay đổi và suy thoái các ngành hàng cũ.

6. Thực trạng phát triển của các phân ngành công nghiệp và khu cụm công nghiệp

- Hiện trạng phát triển các phân ngành công nghiệp chủ lực: năng lực sản xuất chung, giá trị sản xuất, sản lượng và các sản phẩm chủ yếu.

- Hiện trạng phát triển các khu cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề. Phân tích nguyên nhân chậm phát triển thêm khu, cụm công nghiệp, làng nghề mới.

7. Đánh giá chung về hiện trạng phát triển công nghiệp

Đánh giá về các mặt quy mô sản xuất, tăng trưởng, cơ cấu trong toàn nền kinh tế, cơ cấu nội bộ, hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển, tạo sản phẩm xã hội và việc làm, xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ và đời sống xã hội

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY HOẠCH CÔNG NGHIỆP

1. Đối chiếu giữa thực hiện và quy hoạch giai đoạn 2011 - 2015

Đối chiếu các chỉ tiêu về sản lượng, giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm, tăng trưởng, cơ cấu trong toàn nền kinh tế và cơ cấu nội bộ, các sản phẩm chủ lực giữa hiện trạng và quy hoạch

2. Nguyên nhân ảnh hưởng đến quy hoạch

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực hiện đạt - vượt - không vượt so với kế hoạch; nguyên nhân thực hiện phát triển hiện trạng đúng hướng hoặc lệch hướng so với quy hoạch

3. Bài học kinh nghiệm

Phân tích và rút ra những bài học kinh nghiệm cần xem xét và áp dụng trong kỳ quy hoạch sắp tới.

Phần 3

DỰ BÁO PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG THÁP

I. ĐÁNH GIÁ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

1. Phân tích cung, cầu và tình hình cạnh tranh trên thế giới và khu vực; Tác động của hội nhập kinh tế.

- Phân tích và đánh giá bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, tác động và những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức

- Phân tích khuynh hướng phát triển, chuyển giao, cạnh tranh công nghiệp và công nghệ trong và ngoài nước, trong và ngoài vùng, trong và ngoài tỉnh

- Phân tích khả năng cung cầu một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh trong bối cảnh phát triển chung.

2. Đánh giá thế mạnh và tính liên kết của công nghiệp tỉnh Đồng Tháp với cả nước và vùng

- Đánh giá những thuận lợi và thách thức về công nghiệp của tỉnh

- Đánh giá khả năng liên kết phát triển công nghiệp trong phạm vi vùng, liên vùng và cả nước. Đề xuất các ngành và phân ngành có khả năng liên kết theo hướng cụm liên ngành.

II. DỰ BÁO PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP

1. Các phương pháp dự báo

- Phương pháp ma trận định tính

- Phương pháp phân tích, so sánh, ngoại suy

- Phương pháp chuyên gia để tính cây quyết định

- Phương pháp mô hình toán để tính kịch bản

- Phương pháp tương cận

- Phương pháp ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS)

2. Dự báo nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu

- Dự báo những ảnh hưởng của phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh.

- Dự báo về cơ cấu, tỷ trọng của các chuyên ngành phân theo vùng, theo lĩnh vực.

- Dự báo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh theo các kênh tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.

3. Dự báo về khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Phân tích và dự báo các lợi thế, tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

Phần 4

CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN NĂM 2030

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

1. Quan điểm phát triển

- Quan điểm phát triển hệ thống trong tổng thể phát triển công nghiệp của cả nước, vùng và tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Đồng Tháp.

- Quan điểm về phát triển các lĩnh vực chủ lực; tính đồng bộ, hiệu quả, bền vững, đa dạng trong phát triển;

- Quan điểm về thu hút và phát huy các nguồn lực, công nghệ.

- Quan điểm về bảo vệ môi trường và phát triển cụm liên ngành

2. Định hướng phát triển

a. Định hướng tổng quát tầm nhìn đến 2030

- Hướng phát triển chủ đạo và định hướng cơ cấu.

- Cơ cấu ngành

- Nhiệm vụ trọng tâm

- Thu hút và vận dụng các nguồn lực phát triển

- Phát triển đồng bộ với các ngành khác

b. Định hướng cụ thể đến năm 2020, 2025

- Các ngành và lĩnh vực chủ lực

- Phát triển khu, cụm công nghiệp

- Nâng cao hiệu quả sản xuất .

- Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, hoạt động khuyến công, tổ chức thị trường

- Phát triển các làng nghề

- Phát triển khoa học công nghệ.

- Đào tạo nguồn nhân lực.

- Huy động các nguồn lực.

3. Mục tiêu phát triển

a. Mục tiêu chung đến 2030

- Đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh

- Góp phần nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các ngành khác phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư các kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội

- Góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và quản lý kinh tế - xã hội

- Hướng đến phát triển bền vững, tăng dần hàm lượng công nghệ và bảo vệ môi trường, hạn chế phân hóa xã hội

b. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 2025

- Tốc độ tăng trưởng ngành trong từng giai đoạn

- Cơ cấu công nghiệp

- Hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất: chỉ số ICOR, tỷ lệ VA/GO

- Năng suất lao động công nghiệp

- Diện tích và số lượng khu cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy, giá trị tăng thêm công nghiệp/ha đất khu công nghiệp

- Quy mô xây dựng đô thị công nghiệp và kết cấu hạ tầng khu cụm công nghiệp.

- Tỷ lệ lao động công nghiệp qua đào tạo và lao động qua đào tạo nghề.

- Tỷ lệ đổi mới công nghệ và trang thiết bị triển.

- Phân bố không gian và quy mô phát triển

II. CÁC PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

1. Các phương án phát triển

Căn cứ vào các mục tiêu, sử dụng các hàm và mô hình tính toán cho 2-3 phương án phát

2. Luận chứng các phương án và lựa chọn phương án

Mỗi phương án sẽ luận chứng về: tính hợp lý của phương hướng phát triển toàn ngành, phát triển các ngành hàng chủ lực, mối tương quan phân bố không gian, nhu cầu và khả năng huy động vốn, thu hút - đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động, tác động môi trường. Lập luận chọn phương án

III. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC CHUYÊN NGÀNH CÔNG NGHIỆP

1. Các phương hướng và chỉ tiêu phát triển ngành đến năm 2020 theo phương án chọn

Phân tích theo các lĩnh vực công nghiệp:

- Chế biến lương thực thực phẩm và đồ uống

- Hóa chất và các sản phẩm hóa chất

- Trang phục

- Da và giả da

- Cơ khí, điện, điện tử

- Sản phẩm khoáng, phi kim loại và vật liệu xây dựng

- Gỗ và lâm sản

- Nhựa

- Sản xuất và phân phối điện

- Sản xuất và phân phối nước

- Các ngành khác.....

Trong mỗi lĩnh vực, phân tích chi tiết theo các ngành và phân ngành, với các nội dung cụ thể sau:

- Phân tích khả năng nguyên liệu và thị trường

- Mục tiêu phát triển

- Định hướng phát triển: quy mô các sản phẩm chủ lực và giá trị sản xuất công nghiệp

- Nhu cầu đầu tư

Tổng hợp toàn ngành công nghiệp theo các chỉ tiêu: giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm, số cơ sở, lao động, cơ cấu theo phân ngành và thành phần kinh tế, nhu cầu lao động và vốn đầu tư

2. Quy hoạch phân bố công nghiệp trên địa bàn

- Xác định các khu cụm công nghiệp (quy mô, vị trí, tiến độ triển khai).

- Phân bố các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm

3. Phát triển tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn và làng nghề

- Hỗ trợ, đầu tư và phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn.

- Duy trì, sắp xếp, tổ chức mô hình hoạt động làng nghề tại địa bàn; định hướng hỗ trợ cho ngành nghề nông thôn và làng nghề.

4. Nhu cầu lao động cho phát triển ngành

Nhu cầu, cân đối và đào tạo về lao động

IV. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

1. Danh mục các công trình chủ yếu xây dựng trong thời kỳ quy hoạch

Liệt kê danh mục các công trình dự kiến xây dựng trong thời kỳ quy hoạch:

- Các khu cụm công nghiệp

- Các cơ sở, dự án công nghiệp

Trong danh mục trên, ghi thời gian xây dựng, công suất hoạt động dự kiến và định hướng quy mô mở rộng

2. Nhu cầu vốn đầu tư

- Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành công nghiệp thời kỳ 2016 – 2025; tỷ lệ vốn phân bổ theo thành phần vốn quốc doanh (trung ương, địa phương), vốn ngoài quốc doanh và vốn nước ngoài.

- Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành công nghiệp phân ra 2 giai đoạn 2016 – 2020 và

2021 - 2025; tỷ lệ vốn phân bổ theo thành phần vốn quốc doanh (trung ương, địa phương), vốn ngoài quốc doanh và vốn nước ngoài.

- Chỉ số ICOR toàn ngành phân thành 2 giai đoạn: 2016 – 2020 và 2021 - 2025.

V. ĐÁNH GIÁ CÁC TÁC ĐỘNG

1. Tác động dân số

- Tăng dân số cơ học

- Chuyển dịch cơ cấu dân số giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp; dân số thành thị và nông thôn.

- Chuyển dịch lao động giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

2. Hiệu quả kinh tế - xã hội

- Đóng góp của ngành công nghiệp vào tổng giá trị sản xuất của tỉnh thông qua các chỉ tiêu: tổng GRDP tăng thêm; tổng VA khu vực II tăng thêm; tổng VA công nghiệp tăng thêm; tỷ trọng đóng góp của công nghiệp trong GDP tăng thêm; tỷ trọng đóng góp của công nghiệp trong VA khu vực II tăng thêm.

- Góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong toàn nền kinh tế và cơ cấu trong nội bộ ngành.

- Giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh và khu vực lân cận.

3. Đánh giá môi trường chiến lược

3.1. Đánh giá khái quát về hiện trạng môi trường

- Môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí, đất, nước thải, rác thải tại địa bàn có các cơ sở công nghiệp hỗ trợ hoạt động

- Đánh giá tác động của nguồn gây ô nhiễm.

3.2. Dự báo tác động ảnh hưởng

- Dự báo tổng lượng ô nhiễm đối với nước thải, rác thải, khí thải theo định hướng quy hoạch.

- Phân tích, đánh giá đối tượng và quy mô bị tác động môi trường, xu hướng biến đổi của các thành phần môi trường.

- Dự báo các điểm nóng về môi trường.

3.3. Định hướng các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ môi trường

- Các mục tiêu, chỉ tiêu về chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí, đất, nước thải, rác thải.

- Các mục tiêu về xử lý kiểm soát môi trường và xử lý phát thải.

3.4. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường

- Phương hướng, nhiệm vụ: gắn kết các vấn đề môi trường vào các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ; kiểm soát phát thải ngay từ nguồn; phát triển công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường hậu kiểm, tích cực tuyên truyền về môi trường.

- Giải pháp: di dời và kiểm soát phát thải các cơ sở sản xuất, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại các khu cụm công nghiệp, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, thẩm định và cải tiến công nghệ, xây dựng quota môi trường.

Phần 5

CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

I. CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ

- Giải pháp huy động vốn và đầu tư

- Giải pháp về chuẩn bị quỹ đất đai

- Giải pháp về thu hút và đào tạo nguồn lao động

- Giải pháp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu

- Giải pháp về thị trường

- Giải pháp về công nghệ

- Các giải pháp về tổ chức quản lý

- Giải pháp về quản lý môi trường

- Các giải pháp có liên quan đến cơ chế, chính sách.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Cơ chế chỉ đạo và phối hợp triển khai quy hoạch

- Hợp tác phát triển giữa các ngành, địa phương.

Phần 6

KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ DỰ TOÁN KINH PHÍ

I. CƠ SỞ TÍNH TOÁN

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức các khoản mục của dự án quy hoạch và chỉnh quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

Theo đó, giá dự toán quy hoạch ngành:

GiáQHN = Gchuẩn x H1 x H2 x H3 x QN x K (1)

Trong đó:

GiáQHN là tổng mức chi phí cho dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu (đơn vị triệu đồng) .

Gchuẩn là mức chi phí cho dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu (đơn vị triệu đồng).

H1 là hệ số cấp độ địa bàn quy hoạch (cả nước, vùng hoặc tỉnh).

H2 là hệ số điều kiện làm việc và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn quy hoạch.

H3 là hệ số về quy mô diện tích tự nhiên của địa bàn quy hoạch.

Qn là hệ số khác biệt giữa quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

K là hệ số điều chỉnh lương tối thiểu và mặt bằng giá tiêu dùng.

Giá dự toán của điều chỉnh ngành công nghiệp được tính theo công thức:

GiáDC = GiáQHN x 65% (2)

II. CHI TIẾT DỰ TOÁN

1. Tính (1) có làm tròn

Gchuẩn = 850.000.000 đ

H1 = 1 (quy hoạch cấp tỉnh)

H2 = 1,65 (vùng đồng bằng sông Cửu Long)

H3 = 1,12 (diện tích tỉnh: 3.374 km2)

QN = 0.31

K = (1,1131x30%)+(1,3855x70%) = 1,3

GiáQHN = 850.000.000 x 1,0 x 1,65 x 1,12 x 0.31 x 1,3 = 633.000.000 đ

2. Tính (2) có làm tròn

GiáĐC = 633.000.000 x 65%  = 411.000.000 đ

3. Tính tổng trị giá kể cả thuế VAT 10% cho đơn vị tư vấn có làm tròn

GiáQHN (VAT) = 411.000.000 + (411.000. 000 x 84% x 10%) = 446.000.000 đ

(Bồn trăm bốn mươi sáu triệu đồng chẵn)

Căn cứ quyết định đã dẫn, kinh phí trên bao gồm các hạng mục sau:

TT

Khoản mục chi phí

Mức chi phí tối đa (%)

Chi phí (đ)

I

Chi phí xây dựng nhiệm vụ và dự toán

2,50

10 287 000

1

Chi phí xây dựng đề cương, nhiệm vụ

1,50

6 172 000

2

Chi phí lập dự toán theo đề cương, nhiệm vụ

1,00

4 115 000

II

Chi phí xây dựng quy hoạch

84,00

345 605 000

1

Chi phí thu thập, xử lý số liệu, dữ liệu ban đầu

7,00

28 803 000

2

Chi phí thu thập bổ sung về số liệu, tư liệu theo yêu cầu quy hoạch

4,00

16 459 000

3

Chi phí khảo sát thực địa

20,00

82 294 000

4

Chi phí thiết kế quy hoạch

53,00

218 049 000

4.1

Phân tích, đánh giá vai trò và vị trí của ngành

1,00

4 115 000

4.2

Phân tích, dự báo các tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển ngành của khu vực, của cả nước tác động tới phát triển ngành của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch

3,00

12 344 000

4.3

phân tích đánh giá hiện trạng phát triển ngành của tỉnh

4,00

16 459 000

4.4

Nghiên cứu mục tiêu và quan điểm phát triển ngành của tỉnh

3,00

12 344 000

4.5

Nghiên cứu, đề xuất các phương án phát triển

6,00

24 688 000

4.6

Nghiên cứu các giải pháp thực hiện mục tiêu

20,00

82 295 000

 

a) Luận chứng các phương án phát triển

5,00

20 574 000

 

b) Xây dựng phương án phát triển, đào tạo nguồn nhân lực

1,00

4 115 000

 

c) Xây dựng các phương án và giải pháp phát triển khoa học công nghệ

1,00

4 115 000

 

d) Xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ môi trường

1,50

6 172 000

 

đ) Xây dựng các phương án, tính toán nhu cầu và đảm bảo vốn đầu tư

4,00

16 459 000

 

e) Xây dựng các chương trình dự án đầu tư trọng điểm

1,50

6 172 000

 

g) Xây dựng phương án tổ chức lãnh thổ

3,00

12 344 000

 

h) Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách và đề xuất các phương án thực hiện

3,00

12 344 000

4.7

Xây dựng báo cáo tổng hợp và hệ thống các báo cáo liên quan

8,00

32 918 000

 

a) Xây dựng báo cáo đề dẫn

1,00

4 115 000

 

b) Xây dựng báo cáo tổng hợp

6,00

24 688 000

 

c) Xây dựng các báo cáo tóm tắt

0,60

2 469 000

 

d) Xây dựng văn bản trình thẩm định

0,20

823 000

 

đ) Xây dựng văn bản trình phê duyệt dự án quy hoạch

0,20

823 000

4.8

Xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch

8,00

32 886 000

III

Chi phí khác

13,50

55 548 000

1

Chi phí quản lý dự án quy hoạch

4,00

16 459 000

2

Chi phí thẩm định đề cương, nhiệm vụ và dự toán

1,50

6 172 000

3

Chi phí thẩm định quy hoạch

4,50

18 516 000

4

Chi phí công bố quy hoạch

3,50

14 401 000

IV

VAT (chỉ tính trên phần I và II)

 

34 560 000

V

Cộng

 

446 000 000