BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/2001/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2001 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ;
Căn cứ vào Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dung, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dung;
Căn cứ quyết định số 11/2001/QĐ-BNN ngày 19/02/2001 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT về Quy chế quản lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ NN & PTNT;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm, ông vụ trưởng Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này "Quy định quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi".
Điều 2. Tiêu chuẩn này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan chức năng thuộc Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
(Ban hành kèm theo quyết định số 91/ 2001/QĐ-BNN ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn)
Điều 1: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh.
1. Văn bản này quy định công tác quản lý chất lượng trong công tác khảo sát, thiết kế, xây lắp, nghiệm thu bàn giao, bảo hành xây lắp, bảo trì các công trình thuỷ lợi thuộc các dự án xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp thuộc ngành NN & PTNT quản lý. Các công trình thuỷ lợi do các ngành hoặc tổ chức khác quản lý thì vận dụng quy định này cho phù hợp.
2. Việc quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi ngoài việc thực hiện các quy định ở văn bản này còn phải tuân thủ các quy định trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 và Nghị định số 12 /2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ; Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành tại Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 2/8/2000 của Bộ Xây dựng.
3. Trong quy định này các từ ngữ được hiểu theo các quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12 /2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (viết tắt Quy chế QLĐTXD) và Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 2/8/2000 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng (Viết tắt Quy định QLCLCT số 17).
Ngoài ra, thuật ngữ "công trình thuỷ lợi" được hiểu là công trình thuộc kết cấu hạ tầng nhằm khai thác mặt lợi của nước, phòng chống tác hại của nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, bao gồm: hồ chứa nước, đập, cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh, đê kè và bờ bao các loại.
Điều 2: Quản lý Nhà nước về chất lượng công trình thuỷ lợi.
1. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (viết tắt Bộ NN&PTNT) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình thuỷ lợi trong phạm vi cả nước có trách nhiệm:
a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng trong khảo sát, thiết kế, thi công xây lắp, nghiệm thu bàn giao, bảo hành xây lắp, bảo trì các công trình thuỷ lợi;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý chất lượng các công trình thuỷ lợi trên phạm vi cả nước. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác bảo đảm chất lượng xây dựng công trình thuỷ lợi. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình thuỷ lợi trong cả nước;
c) Tổng hợp báo cáo về chất lượng công trình thuỷ lợi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Các Vụ Đầu tư Xây dựng cơ bản (ĐTXDCB), Vụ Khoa học công nghệ & Chất lượng sản phẩm (KHCN&CLSP) và các Cơ quan khác có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao giúp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thực hiện quản lý Nhà nước về xây dựng chuyên Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) thực hiện theo quy định tại Điều 8, Quyết định số 11/2001/QĐ/BNN-XDCB ngày 19/2/2001 của Bộ NN & PTNT; Thực hiện giám định chất lượng công trình thuỷ lợi trên cơ sở Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật và kết quả kiểm định chất lượng để đánh giá, kết luận về chất lượng công trình thuỷ lợi; theo dõi, đề xuất các biện pháp xử lý các vi phạm về chất lượng công trình. Đối với công trình thuỷ lợi nhóm A, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, Ngành có liên quan để thực hiện các quy định trên.
2. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt Sở NN&PTNT) là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố (viết tắt UBND cấp tỉnh) về quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi, theo dõi phát hiện, đề xuất với cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý các vi phạm về chất lượng công trình và giám định chất lượng công trình thuỷ lợi do địa phương mình quản lý;
b) Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng công trình thuỷ lợi của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, Nhà thầu xây lắp do địa phương quản lý;
c) Báo cáo tình hình chất lượng các công trình thuỷ lợi của địa phương về UBND cấp tỉnh và Bộ NN&PTNT theo quy định hiện hành của Nhà nước (theo mẫu phụ lục số 11) để Bộ NN&PTNT tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ .
Điều 3: Trách nhiệm của Ban quản lý dự án và các Nhà thầu về chất lượng công trình thuỷ lợi
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý dự án:
a) Ban quản lý dự án đựợc cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm trực tiếp quản lý sử dụng vốn của Nhà nước thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi (Viết tắt Ban QLDA) có trách nhiệm quản lý chất lượng các công trình thuỷ lợi theo các nhiệm vụ được quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Quy định QLCLCT số 17 và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định về quản chất lượng công trình thuỷ lợi được giao theo Quy định này;
b) Các Ban QLDA có trách nhiệm tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ NN&PTNT hoặc Sở NN & PTNT kiểm tra công tác bảo đảm chất lượng xây dựng công trình của các Ban, đơn vị tư vấn thiết kế và Nhà thầu xây lắp;
c) Theo định kỳ hoặc đột xuất, các Ban QLDA phải báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp về chất lượng công trình, mẫu báo cáo theo phụ lục số 11 của quy định này.
2. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn khảo sát thiết kế công trình thuỷ lợi:
Tổ chức tư vấn khảo sát thiết kế công trình thuỷ lợi chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về chất lượng của hồ sơ khảo sát thiết kế và tổng dự toán công trình thuỷ lợi. Chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm thiết kế chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị tư vấn và trước pháp luật về chất lượng sản phẩm khảo sát thiết kế của mình.
3. Trách nhiệm của Nhà thầu xây lắp về chất lượng công trình thuỷ lợi:
a) Nhà thầu xây lắp công trình thuỷ lợi chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về chất lượng công trình, an toàn của công trình trong thi công, an toàn cho các khu dân cư, khu kinh tế thuộc thượng - hạ lưu của công trình và những công trình lân cận;
b) Giám đốc công trường, Chủ nhiệm thi công các công trình chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị xây lắp và trước pháp luật về chất lượng công trình mà mình phụ trách.
4. Trách nhiệm của đơn vị kiểm định chất lượng công trình thuỷ lợi:
Đơn vị được giao kiểm định chất lượng công trình thuỷ lợi phải chịu trách nhiệm trước Ban QLDA và trước pháp luật về kết quả kiểm định và các kết luận của mình theo các nội dung kiểm định đã ký kết. Đơn vị kiểm định chất lượng công trình thuỷ lợi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đăng ký kinh doanh kiểm định chất lượng được cơ quan có thẩm quyền cấp, có đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác kiểm định;
b) Có đủ cán bộ chuyên môn để thực hiện công tác kiểm định như: lấy mẫu, gia công mẫu, thí nghiệm, phân tích kết quả các chỉ tiêu thí nghiệm v.v... được cấp chứng chỉ kiểm định viên của cơ quan có thẩm quyền;
c) Có phòng thí nghiệm thoả mãn một trong các điều kiện sau:
- Được Bộ KHCN-MT (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) công nhận và được cấp dấu VILAS (kèm theo danh mục các phép được thử nghiệm);
- Được Bộ Xây dựng công nhận và được cấp dấu phòng thử nghiệm xây dựng mã số LAS (kèm theo danh mục các phép được thử nghiệm);
- Được công nhận theo tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp 10 TCN 382-1999 và được cấp dấu phòng thử nghiệm Nông nghiệp (kèm theo danh mục các phép được thử nghiệm).
KHẢO SÁT, THIẾT KẾ, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT-TỔNG DỰ TOÁN
Điều 4: Khảo sát và nghiệm thu sản phẩm khảo sát.
Công tác khảo sát xây dựng công trình thuỷ lợi ngoài việc phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của Nhà nước còn phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Thành phần kỹ thuật, nội dung, khối lượng công tác khảo sát phải theo đúng đề cương do Chủ nhiệm thiết kế lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các giai đoạn thiết kế;
2. Khảo sát xây dựng các công trình thuỷ lợi phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật hiện hành của Nhà nước và của Bộ (Ngành). Trong trường hợp không có tiêu chuẩn trong nước có thể áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài theo quy định của Bộ Xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
3. Thành phần, nội dung, khối lượng và hồ sơ khảo sát địa hình và địa chất thực hiện theo tiêu chuẩn Ngành số 14-TCN 115-2000 và số 14-TCN 116-1999 của Bộ NN&PTNT. Đề cương khảo sát địa hình, địa chất do Chủ nhiệm thiết kế công trình lập và phải được thủ trưởng đơn vị tư vấn thiết kế thông qua, Ban QLDA thẩm tra trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
4. Đơn vị tư vấn khảo sát phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính chính xác của hồ sơ khảo sát. Trước khi nghiệm thu bàn giao cho Ban QLDA đơn vị tư vấn khảo sát phải bảo vệ và lưu trữ đầy đủ các mốc đo đạc, các hồ sơ tài liệu khảo sát đo đạc, không được làm giảm độ chính xác ban đầu, nếu mất thì đơn vị khảo sát phải có trách nhiệm khôi phục lại;
5. Đơn vị tư vấn khảo sát phải có đầy đủ các điều kiện pháp lý và năng lực khảo sát xây dựng quy định tại mục I của Quyết định 27/2000/QĐ-BXD ngày 8/12/2000 của Bộ Xây dựng. Đơn vị tư vấn khảo sát phải có quyết định cử Chủ nhiệm khảo sát địa hình và địa chất khi tiến hành khảo sát xây dựng thuỷ lợi. Chủ nhiệm khảo sát phải căn cứ vào đề cương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành khảo sát và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị, trước Ban QLDA và trước pháp luật về chất lượng hồ sơ khảo sát;
6. Nghiệm thu hồ sơ khảo sát:
a) Đơn vị tư vấn khảo sát tổ chức nghiệm thu nội bộ hồ sơ khảo sát trước khi tiến hành nghiệm thu với Ban QLDA với sự có mặt của Chủ nhiệm thiết kế công trình. Căn cứ để nghiệm thu là đề cương khảo sát đã được phê duyệt và khối lượng thực tế đã thực hiện và các văn bản bổ sung (nếu có).
b) Nghiệm thu các hồ sơ khảo sát giữa Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn khảo sát.
Căn cứ để nghiệm thu hồ sơ khảo sát là đề cương khảo sát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng giữa ban quản lý dự án thuỷ lợi với đơn vị khảo sát và đánh giá về chất lượng của Chủ nhiệm thiết kế.
Điều 5: Thiết kế và nghiệm thu sản phẩm thiết kế công trình thuỷ lợi.
1. Thiết kế công trình thuỷ lợi.
Đơn vị tư vấn thiết kế phải có hệ thống đảm bảo chất lượng và thực hiện nghiêm ngặt chế độ kiểm tra chất lượng sản phẩm và nghiệm thu nội bộ; Có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa hoặc lập lại thiết kế khi cấp có thẩm quyền yêu cầu; Chịu trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật khi công trình có sự cố kỹ thuật hoặc lãng phí nguyên vật liệu do nguyên nhân thiết kế gây nên. Chất lượng sản phẩm thiết kế phải tuân thủ các quy định của Nhà nước và của Bộ NN & PTNT.
a) Sản phẩm thiết kế các công trình thủy lợi phải phù hợp với tiêu chuẩn và quy phạm hiện hành của Nhà nước và của Ngành. Trong trường hợp không có tiêu chuẩn trong nước có thể áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài theo quy định của Bộ Xây dựng và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với những công trình quan trọng chưa có tiêu chuẩn thiết kế thì báo cáo Bộ NN & PTNT quyết định riêng .
b) Sản phẩm thiết kế phải căn cứ vào các phương án thiết kế xây dựng, phương án kỹ thuật-công nghệ đã được phê duyệt tại báo cáo nghiên cứu khả thi. Đơn vị thiết kế lựa chọn phương án thiết kế xây dựng hoặc phương án kỹ thuật-công nghệ phù hợp với đặc điểm, quy mô dự án. Ban QLDA có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các phương án trên.
c) Thành phần, nội dung, khối lượng thiết kế công trình thuỷ lợi gồm thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán (viết tắt TKKT-TDT), thiết kế bản vẽ thi công (viết tắt TKBVTC) hoặc thiết kế kỹ thuật - thi công (viết tắt TKKT-TC) được quy định trong Tiêu chuẩn ngành 14 TCN 119-2001 của Bộ NN&PTNT và phải thực hiện đúng trình tự thiết kế. Đối với các công trình thiết kế 2 bước thì thiết kế bản vẽ thi công phải được Ban QLDA phê duyệt trước khi tổ chức chỉ định thầu hoặc đấu thầu. Đối với công trình hoặc hạng mục công trình quan trọng, có tính phức tạp kỹ thuật cao thì bản vẽ thi công phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Đơn vị tư vấn thiết kế phải quyết định cử Chủ nhiệm thiết kế công trình. Người được giao làm Chủ nhiệm đồ án thiết kế phải có tối thiểu 5 năm công tác liên tục trở lên thuộc lĩnh vực chuyên môn có liên quan đến dự án và phải bảo đảm các tiêu chuẩn khác do Bộ NN & PTNT quy định. Một người không được giao làm Chủ nhiệm đồ án thiết kế một lúc quá một công trình thuộc các dự án nhóm A hoặc hai công trình thuộc các dự án nhóm B hoặc 4 công trình thuộc các dự án nhóm C. Chủ nhiệm đồ án thiết kế phải được chỉ định rõ trong hồ sơ dự thầu và không được thay đổi trong quá trình thực hiện thiết kế. Trường hợp đặc biệt phải thay đổi Chủ nhiệm đồ án thiết kế, đơn vị thiết kế phải báo cáo Ban QLDA bằng văn bản nêu rõ lý do, đề cử người có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm tương đương để thay thế và được cấp có thẩm quyền đồng ý (bằng văn bản).
e) Đơn vị tư vấn phải tổ chức hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm thiết kế. Nhà nước khuyến khích các đơn vị thiết kế quản lý chất lượng theo hệ thống chất lượng tiên tiến (như ISO 9000).
Đối với các công trình thuỷ lợi do Bộ NN&PTNT quản lý, Bộ có điểm ưu tiên khi chấm thầu hoặc giao thầu tư vấn thiết kế cho những đơn vị tư vấn có sản phẩm thiết kế đạt chất lượng cao, có tổ chức quản lý chất lượng hoạt động có hiệu quả.
2. Nghiệm thu sản phẩm thiết kế:
a) Việc nghiệm thu sản phẩm thiết kế được tiến hành giữa Ban QLDA và đơn vị tư vấn thiết kế.
Đối với dự án có vốn vay của các tổ chức Quốc tế và có Nhà thầu tư vấn nước ngoài thiết kế, Ban quản lý dự án thuỷ lợi được Bộ giao và Nhà thầu tư vấn nước ngoài tổ chức nghiệm thu.
b) Những căn cứ để tiến hành nghiệm thu:
- Hồ sơ dự thầu của đơn vị tư vấn (nếu đấu thầu);
- Hợp đồng giao nhận thiết kế;
- Đề cương thiết kế, phương án kỹ thuật-công nghệ đã được duyệt;
- Văn bản thẩm định của cơ quan thẩm định và Quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế của Bộ NN & PTNT;
- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán theo quy định trong Tiêu chuẩn ngành 14TCN- 119-2001 của Bộ NN&PTNT;
- Các biên bản nghiệm thu các giai đoạn thiết kế giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế;
- Biên bản bàn giao hồ sơ thiết kế cho Ban QLDA.
Biên bản nghiệm thu sản phẩm thiết kế phải nêu rõ những sai sót của đồ án thiết kế (nếu có), đánh giá chất lượng hồ sơ thiết kế, điều kiện sử dụng của đồ án thiết kế và kết luận nêu rõ việc đồng ý nghiệm thu, thanh quyết toán, yêu cầu phải sửa chữa các sai sót của đồ án TK. Biên bản nghiệm thu sản phẩm thiết kế là căn cứ để Ban QLDA thanh, quyết toán tiền thiết kế cho đơn vị tư vấn thiết kế. Hồ sơ thiết kế xuất xưưởng phải tuân thủ các quy định về hệ thống tài liệu thiết kế, bản vẽ theo tiêu chuẩn hiện hành và phải đủ số lượng theo quy định tại phụ lục 1 trong quy định này.
Điều 6: Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuỷ lợi.
1. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình thuỷ lợi.
Hồ sơ thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán do Ban QLDA trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời gửi tới cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán, hồ sơ bao gồm:
a) Tờ trình xin phê duyệt thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán của Ban QLDA (theo phụ lục 2);
b) Báo cáo thẩm định của cơ quan thẩm định (theo phụ lục số 2);
c) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư kèm theo hồ sơ thiết kế sơ bộ đã được duyệt cùng dự án;
d) Hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế (theo phụ lục số 1);
e) Các quyết định phê duyệt đề cương khảo sát, phương án thiết kế xây dựng, phương án kỹ thuật-công nghệ của các cấp có thẩm quyền và biên bản nghiệm thu nội bộ sản phẩm khảo sát, thiết kế của đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế;
g) Các văn bản chấp thuận thiết kế của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về: an toàn phòng chống cháy, nổ, an toàn môi trường, tài nguyên khoáng sản, giao thông thuỷ bộ, đê điều, đền bù tái định cư và các yêu cầu có liên quan (nếu có).
2. Yêu cầu về chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.
Chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán phải đảm bảo các quy định tại Điều 9 trong Quy định QLCLCT số 17 và các tiêu chuẩn, qui phạm của Ngành NN & PTNT.
Điều 7: Thẩm định thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán.
1. Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán.
a) Đối với các công trình do Bộ NN & PTNT quản lý.
Các cơ quan chức năng được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao trách nhiệm thẩm định thiết kế KTKT-TDT theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 11/2001/QĐ-BNN-XDCB ngày 19/2/2001 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT bao gồm :
- Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản chủ trì thẩm định TKKT-TDT các công trình thuộc dự án nhóm A, B, C trừ các công trình thuộc các quy định dưới đây:
+ Cục Quản lý nước & Công trình thuỷ lợi chủ trì thẩm định TKKT-TDT đối với các công trình thuỷ lợi được cải tạo sửa chữa nâng cấp trong hệ thống thuỷ nông thuộc phạm vi Cục quản lý.
+ Cục Phòng phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều chủ trì thẩm định TKKT-TDT đối với các công trình đê điều thuộc phạm vi Cục quản lý.
Các cơ quan được giao chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định và lấy ý kiến của các cơ quan đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành.
Đối với những công trình thuỷ lợi có kỹ thuật phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thành lập Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện của các Cục, Vụ chức năng và một số chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thuỷ lợi và các vấn đề khác có liên quan. Vụ Đầu tư XDCB là cơ quan thường trực tổ chức công tác thẩm định trước khi trình Hội đồng thẩm định của Bộ.
b) Đối với các công trình thuỷ lợi do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.
Đối với các công trình thuỷ lợi do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan lý, Cơ quan thẩm định TKKT-TDT do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
2. Nội dung thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán.
Nội dung thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán bao gồm:
a) Tư cách pháp lý của đơn vị tư vấn thiết kế;
b) Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với nội dung đã được phê duyệt trong quyết định đầu tư về quy mô, công suất công nghệ, khả năng đáp ứng yêu cầu về nước cho các ngành kinh tế, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quy phạm hiện hành;
c) Các tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật, kết cấu công trình hợp lý hoặc tối ưu cụ thể là:
- Hợp lý về các tiêu chuẩn thiết kế;
- Tối ưu về tuyến đập, tràn, cống và các công trình đầu mối khác, kênh dẫn nước;
- Lựa chọn hợp lý về giải pháp kết cấu công trình, dung trọng đất đắp đập, xử lý nền, tiêu năng phòng xói v.v... của các công trình đầu mối và các công trình trên hệ thống tưới tiêu;
- Tối ưu về công suất, cột nước, lưu lượng của các máy bơm và tuốc bin thuỷ lực;
- Hợp lý về bố trí tổng thể tạo thuận lợi cho quản lý vận hành và về yêu cầu mỹ thuật của công trình.
d. Tính đúng đắn của việc tính đơn giá, khối lượng và giá thành công trình, hiệu quả của dự án.
3. Thời gian thẩm định.
Thời gian thẩm định TKKT và tổng dự toán thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 37 Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, cụ thể như sau:
a) Đối với dự án nhóm A: Không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Đối với dự án nhóm B: Không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
c) Đối với dự án nhóm C: Không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định, cơ quan thẩm định phải kiểm tra hồ sơ cụ thể. Trường hợp hồ sơ trình còn thiếu thì cơ quan thẩm định phải thông báo và hướng dẫn ngay cho Ban QLDA để bổ sung.
4. Văn bản thẩm định.
Kết thúc thẩm định, cơ quan thẩm định lập văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phụ lục 3).
Điều 8: Thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.
1. Căn cứ để phê duyệt TKKT và tổng dự toán.
a) Thuyết minh và các bản vẽ tổng thể của TKKT (thành phần, nội dung, khối lượng theo quy định của cấp có thẩm quyền);
b) Tổng dự toán và tổng tiến độ (đối với dự án phải phê duyệt tổng tiến độ);
c) Văn bản thẩm định TKKT - TDTcủa cơ quan thẩm định (theo phụ lục số 3).
2. Nội dung quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.
Nội dung quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 trong Quy chế QLDTXD. Mẫu quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán (theo phụ lục số 4).
3. Thẩm quyền phê duyệt TKKT và tổng dự toán.
a) Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt TKKT - TDT các công trình thuỷ lợi do Bộ quản lý.
b) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt TKKT - TDT các công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý.
GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
Điều 9: Yêu cầu của công tác giám sát kỹ thuật trong quá trình thi công.
1. Công tác giám sát chất lượng thi công xây lắp các công trình thuỷ lợi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hệ thống từ lúc chuẩn bị thi công cho đến khi hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng nhằm ngăn ngừa các sai phạm kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật và khối lượng của công trình theo đúng thiết kế đã được duyệt, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của Nhà nước và của ngành, đảm bảo các quy định về an toàn lao động, đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng giao nhận thầu đã ký kết.
2. Tổ chức thực hiện giám sát chất lượng thi công các công trình thuỷ lợi phải có tư cách pháp nhân, được phép hoạt động trong lĩnh vực giám sát chất lượng công trình thuỷ lợi, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm và phải có đủ trang thiết bị tối thiểu cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra giám sát tại hiện trường, được quy định như sau:
a) Kiểm tra công tác đất thi công đất: Bộ dao vòng phù hợp, cân tiểu ly, đèn cồn, dụng cụ thí nghiệm đầm chặt dung trọng đất tại hịên trường v.v...;
b) Kiểm tra công tác bê tông: Sàng kiểm tra thành phần hạt, khuôn đúc mẫu, phễu đo độ sụt, đo hàm lượng hữu cơ, nhiệt kế, súng kiểm tra cường độ v.v...;
c) Kiểm tra công tác xây lát: Thước, ni vô, dụng cụ đo phân tầng của vữa, dụng cụ đo độ dẻo của vữa v.v...;
d) Kiểm tra công tác đo đạc địa hình: Máy kinh vĩ, hoặc thuỷ chuẩn v.v...;
e) Kiểm tra công tác lắp máy: Dụng cụ đo điện áp, dòng điện, cân bằng, đồng tâm v.v...;
g) Một số thiết bị khác như máy chụp ảnh, quay phim v.v...
3. Yêu cầu đối với cán bộ giám sát chất lượng thi công công trình thuỷ lợi:
a) Phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung học kỹ thuật, có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc được giao và phải qua ít nhất một khoá đào tạo nghiệp vụ giám sát chất lượng thi công xây dựng do các cơ quan Nhà nước tổ chức và được cấp chứng chỉ. Đối với những công trình, hạng mục công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, sẽ có yêu cầu riêng cho cán bộ giám sát, có thể tổ chức tuyển chọn hoặc thi tuyển cán bộ giám sát;
b) Thực hiện đầy đủ giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy phạm, có am hiểu và có khả năng về quản lý xây dựng cơ bản của Nhà nước và của Bộ NN&PTNT. Đọc và hiểu được đồ án thiết kế và yêu cầu trọng tâm của từng hạng mục, bộ phận công trình yêu cầu giám sát chất lượng nghiêm ngặt;
c) Đã chủ trì hoặc tham gia công tác giám sát chất lượng thi công ít nhất một công trình tương tự hoặc đã từng tham gia thiết kế, thi công hay đã làm công tác quản lý kỹ thuật chuyên ngành phù hợp với công việc được giao từ 3 năm trở lên;
d) Biết cách lấy mẫu, phương pháp và trình tự thí nghiệm đối với từng loại công việc, hạng mục. Khi cần thiết có thể trực tiếp lấy mầu, thí nghiệm nhanh một số chỉ tiêu thông thường để kiểm tra đánh giá sơ bộ;
e) Tận tâm, trung thực trong công việc.
Điều 10: Công tác giám sát chất lượng thi công
1. Đối với dự án thuỷ lợi đầu tư bằng nguồn vốn trong nước.
a) Ban QLDA với chức trách Chủ nhiệm điều hành dự án tổ chức thực hiện giám sát chất lượng thi công hoặc thuê tổ chức tư vấn giám sát.
b) Đơn vị tư vấn thiết kế (giám sát tác giả).
c) Nhà thầu xây lắp (tự kiểm tra chất lượng).
2. Đối với dự án thuỷ lợi đầu tư bằng vốn vay của các tổ chức Quốc tế.
Đối với những dự án thuỷ lợi đầu tư bằng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế (ADB, WB...), trách nhiệm gián sát thi công được thực hiện theo hiệp định đã ký kết.
Điều 11: Công tác tự kiểm tra chất lượng thi công, tiến độ của Nhà thầu xây dựng.
1. Tất cả Nhà thầu xây lắp đều phải có bộ phận chuyên trách kiểm tra chất lượng độc lập với bộ phận trực tiếp thi công. Tuỳ theo mức độ phức tạp và khối lượng của công trình mà bố trí số lượng người và thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm thích hợp, đáp ứng quy phạm và yêu cầu thiết kế.
2. Yêu cầu đối với công tác tự kiểm tra chất lượng của Nhà thầu xây lắp:
a) Kiểm tra phải theo đúng các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành của Nhà nước và của ngành. Trong trường hợp không có tiêu chuẩn, quy phạm của Việt Nam, được sử dụng các tiêu chuẩn của các nước theo quy định của Bộ Xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Kiểm tra phải theo đúng các chỉ tiêu thiết kế đã được ghi trên đồ án được phê duyệt;
c) Trong trường hợp có những thay đổi các chỉ tiêu thiết kế ở những hạng mục hoặc bộ phận công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận thì phải kiểm tra theo đúng các chỉ tiêu đã thay đổi;
d) Số liệu đo đạc kiểm tra phải báo cáo trung thực, không được tự ý thay đổi, chỉnh lý. Các phương pháp đo đạc, thí nghiệm phải đúng theo tiêu chuẩn, quy định hiện hành và sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn;
e) Tất cả các số liệu kiểm tra phải có chữ ký của người kiểm tra và Giám đốc công trường;
g) Bộ phận kiểm tra thi công của Nhà thầu phải thực hiện đầy đủ các công việc cần kiểm tra tại hiện trường như sau:
- Quy cách, chủng loại và chất lượng nguyên vật liệu hoặc thiết bị lắp đặt có phù hợp với yêu cầu thiết kế được phê duyệt, được nêu trong hợp đồng và hồ sơ dự thầu;
- Trước khi đưa các loại nguyên vật liệu vào sử dụng tại công trình, Nhà thầu xây lắp phải kiểm tra nguồn gốc vật liệu. Đối với các thiết bị, trước khi lắp đặt phải kiểm tra lý lịch, nguồn gốc xuất xứ của thiết bị;
- Việc thay đổi qui cách chủng loại vật liệu, thiết bị phải được sự đồng ý của cơ quan thiết kế và chấp thuận của Ban QLDA;
- Khi Ban QLDA hoặc các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm nghiệm bất kỳ một loại vật tư thiết bị nào thì Nhà thầu phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện;
- Trước khi thi công, Nhà thầu phải kiểm tra lại tiến độ thi công, phương án và biện pháp thi công đã lập trong hồ sơ dự thầu và đã được Ban QLDA thông qua đặc biệt là các công trình vượt lũ. Biện pháp thi công phải đảm bảo quy trình, quy phạm, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của Nhà nước và của chuyên Ngành thuỷ lợi.
h) Bố trí nhân lực, thiết bị thi công: Nhà thầu phải kiểm tra việc bố trí cán bộ công nhân có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm và trang thiết bị, xe máy phù hợp với tính chất quy mô và đặc điểm của từng công trình, hạng mục công trình bảo đảm thi công đúng tiến độ và đạt yêu cầu chất lượng.
Điều 12: Giám sát chất lượng thi công của Ban QLDA hoặc đơn vị tư vấn giám sát.
1. Những yêu cầu đối với Ban QLDA trong công tác giám sát chất lượng thi công.
a) Ban QLDA trực tiếp làm công tác giám sát chất lượng thi công các công trình thuỷ lợi hoặc thuê đơn vị tư vấn giám sát phải thực hiện theo Khoản 2 Điều 9 của Qui định này.
b) Các đơn vị tư vấn giám sát do Ban QLDA hợp đồng giám sát chất lượng thi công công trình thuỷ lợi phải có tư cách pháp nhân, có đăng ký hành nghề tư vấn giám sát và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
2. Các căn cứ để thực hiện công tác giám sát chất lượng thi công.
a) Các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật hiện hành của Nhà nước và của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Hồ sơ thiết kế thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Hợp đồng xây lắp giữa Ban QLDA với Nhà thầu xây lắp;
d) Các chế độ, chính sách xây dựng cơ bản hiện hành của Nhà nước.
3. Nhiệm vụ giám sát chất lượng thi công được quy định theo các giai đoạn trong quá trình thi công.
a) Giai đoạn chuẩn bị thi công:
- Nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu pháp lý về công trình như Quyết định phê duyệt nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán .v.v... để nắm được tổng quát về nhiệm vụ, quy mô, khối lượng, vốn, các giải pháp kỹ thuật toàn bộ công trình. Trên cơ sở đó đi sâu tìm hiểu các bộ phận, hạng mục công trình được phân công giám sát. Đối chiếu đồ án thiết kế với tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật và thực tế hiện trường, phát hiện những sai sót và sự bất hợp lý để đề nghị với cấp có thẩm quyền điều chỉnh sửa đổi cho phù hợp;
- Kiểm tra, bàn giao tim, tuyến, mốc cao độ, bãi vật liệu (nếu có), mặt bằng thi công v.v... giữa Ban QLDA, thiết kế và Nhà thầu xây lắp và các tài liệu thiết kế công trình. Việc bàn giao các công tác trên phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên;
- Kiểm tra danh mục, quy cách, chủng loại và tính năng của vật liệu, cấu kiện (dầm cầu, các tấm bê tông đúc sẵn, cọc dùng cho xử lý nền v.v...), thiết bị sẽ sử dụng trong công trình do nhà thẫu xây lắp lập;
- Kiểm tra điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn thi công cho công trình và an toàn cho các công trình lân cận, an toàn cho thượng - hạ lưu khi ngăn sông suối;
- Kiểm tra điều kiện, biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư sống ở thượng - hạ lưu sông suối, đảm bảo giao thông thuỷ khi tiến hành ngăn sông suối.
Do có tính đặc thù một số loại công trình thuỷ lợi cần tiến hành kiểm tra các công việc như sau:
+ Đối với hồ chứa: Kiểm tra việc di dân, di dời mồ mả, các công trình văn hoá, di tích lịch sử, các mỏ khoáng sản, xử lý những chỗ mất nước v.v...;
+ Đối với đập đất: Kiểm tra thực trạng của các mỏ đất dùng để đắp đập về tính chất cơ lý hoá và trử lượng khai thác của các mỏ đất;
+ Đối với kè bờ, mỏ hàn, cống dưới đê và các công trình chỉnh trị sông: Kiểm tra thực trạng địa hình (độ dốc bờ sông, độ sâu chân kè), vận tốc dòng chảy v.v... tại công trình.
- Nghiên cứu bản vẽ thi công, các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật. Nắm vững các chi tiết kết cấu bộ phận công trình được phân công theo dõi, đặc biệt là các phần việc có ảnh hưưởng lớn chất lượng của toàn bộ công trình;
- Nghiên cứu nắm vững nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây lắp.
b) Giai đoạn thi công xây lắp:
- Giám sát thường xuyên công việc thi công xây đúc và lắp đặt thiết bị của Nhà thầu, kiểm tra hệ thống đảm bảo chất lượng, kế hoạch đảm bảo chất lượng của Nhà thầu;
- Kiểm tra vật liệu xây dựng và cấu kiện đưa đến hiện trường sẽ sử dụng vào từng hạng mục của công trình về chủng loại, quy cách, nguồn gốc, khối lượng, chất lượng, cấp phối đã được xác định qua các Phòng thí nghiệm (được công nhận về pháp lý). Nếu phát hiện thấy vật liệu và cấu kiện không đạt yêu cầu chất lượng thì không cho phép đưa vào sử dụng và yều cầu nhà thầu vận chuyển ngay ra khỏi hiện trường;
- Kiểm tra công tác xử lý nền theo các tiêu chuẩn và các chỉ tiêu thiết kế đã được phê duyệt (độ chặt của đất, cường độ chịu nén của đất đá, các chỉ tiêu về khoan phụt chống thấm, chống mất nước của nền và của màn chống thấm v.v...);
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng thi công các hạng mục công trình của nhà thầu, đặc biệt là các hạng mục quan trọng như đắp đất, đăp các tầng lọc, thiết bị tiêu nước trong đập đất, thi công các lớp bảo vệ mái đập đất, mái kênh, công nghệ thi công bê tông, đặc biệt là các kết cấu bê tông có những yêu cầu kỹ thuật cao như mặt cong đập tràn, dốc nước, ống hút của các trạm bơm, nhà máy thuỷ điện, ống áp lực, cống dưới đập, các khớp nối, khe co dãn v.v... Các hạng mục công trình bị che khuất nhất thiết phải được nghiệm thu đánh giá chất lượng trước khi lấp hoặc thi công hạng mục tiếp theo;
- Phải theo dõi quá trình lấy mẫu và kiểm tra kết quả của nhà thầu như thí nghiệm dung trọng đất, độ sụt của bê tông, đúc mẫu bê tông. Trường hợp nghi ngờ phải tự tổ chức lấy mẫu thí nghiệm để kiểm tra;
- Kiểm tra việc thực hiện tiến độ các hạng mục công trình, chú trọng tới tiến độ các công trình vượt lũ, tích nước, các điểm dừng kỹ thuật. Góp ý với nhà thầu về biện pháp thi công để bảo đảm chất lượng công trình, bảo đảm tiến độ;
- Tham gia thẩm tra các kiến nghị của nhà thầu và đề xuất ý kiến xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công như thay đổi về thiết kế, thay đổi qui cách chủng loại vật liệu v.v. .. Xác nhận những phần việc phát sinh ngoài thiết kế như tăng giảm khối lượng, thay đổi địa chất, các thiệt hai do thiên tai gây ra v.v... làm cơ sở cho việc lập thủ tục xử lý tiếp theo;
-Thông báo kịp thời và yêu cầu nhà thầu những thay đổi về thiết kế hoặc các ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền;
- Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động của Nhà thầu xây lắp và các đơn vị thi công, công tác đảm bảo và sinh thái môi trường cho dân cư ở thượng - hạ lưu các sông suối khi chặn dòng, kiểm tra giấy phép hoạt động của Nhà thầu, bảo hiểm, các cam kết về lao động;
- Kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trong công trường, lập và kiểm tra danh sách cán bộ và nhân viên nước ngoài;
- Lập và quản lý hệ thống tài liệu thi công như các bản vẽ thiết kế thi công, thí nghiệm, các tài liệu đệ trình của Nhà thầu, các biên bản, các lệnh hoặc chỉ thị công việc, các loại nhật ký, các loại báo cáo giám sát hàng ngày, hàng tuần, thư từ giao dịch v.v...
c) Giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng:
- Theo dõi công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh, thử nghiệm thiết bị và hệ thống công nghệ;
- Theo dõi quá trình vận hành thử để kiểm tra tình trạng hoạt động của công trình;
- Kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình (theo phụ lục số 10);
- Viết báo cáo đánh giá chất lượng toàn diện của công trình gửi Ban QLDA trước khi nghiêm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng;
- Tham gia nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng.
4. Tổ chức thực hiện giám sát chất lượng thi công.
a) Mỗi công trình bố trí một hoặc một tổ giám sát do một kỹ sư có đủ tiêu chuẩn làm giám sát trưởng, một hạng mục công trình bố trí một cán bộ giám sát chuyên trách;
b) Tổ chức tư vấn giám sát chất lượng thi công phải có quyết định phân công giám sát trưởng, giám sát chuyên trách từng hạng mục kèm theo lý lịch của từng người gửi Ban QLDA (lý lịch phải nêu rõ trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác giám sát thi công hoặc đã từng tham gia thiết kế, thi công các công trình tương tự vv...) và phải được Ban QLDA chấp thuận.
5. Trách nhiệm của cán bộ giám sát chất lượng thi công.
a) Phải luôn có mặt tại hiện trường để giám sát chất lượng thi công các công việc, hạng mục công trình theo nhiệm vụ được giao như đã quy định tại Khoản 3 Điều 12 của quy định này. Thông báo kịp thời cho giám đốc Ban QLDA và Ban chỉ huy công trường các sai phạm về chất lượng thi công của nhà thầu;
b) Cùng với giám sát tác giả của đơn vị tư vấn thiết kế lập biên bản báo cáo Ban QLDA giải quyết những phát sinh, thay đổi trong quá trình thi công cho phù hợp với thực tế hiện trường (trong trường hợp những thay đổi liên quan đến kết cấu công trình, tăng - giảm khối lượng giá thành v.v... phải lập văn bản báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền giải quyết);
c) Ghi chép và quản lý nhật ký giám sát chất lượng thi công và hồ sơ thiết kế công trình hàng ngày theo quy định; phân tích, tổng kết, viết báo cáo về chất lượng các công việc thi công theo định kỳ hàng tháng, quí, năm gửi Ban QLDA. Tập hợp, thu thập và bảo quản các tư liệu về các công việc giám sát chất lượng, chỉnh lý, lưu trữ chúng và gửi cho Ban QLDA;
d) Chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật khi ký xác nhận khối lượng, chất lượng, tiến độ của Nhà thầu và các báo cáo, quyết định của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát;
e) Giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công bảo đảm chất lượng tốt.
6. Quyền hạn của cán bộ giám sát chất lượng thi công.
a) Yêu cầu nhà thầu phải chấp hành đầy đủ chế độ, chính sách, quy định hiện hành về quản lý đầu tư XDCB và các yêu cầu kỷ thuật trong hợp đồng. Không cho phép nhà thầu đưa vào công trường các loại vật liệu, cấu kiện, thiết bị v.v... không đúng chủng loại và chất lượng;
b) Được tham gia và ký biên bản nghiệm thu các loại công việc đã được giao giám sát;
c) Được quyền từ chối không nghiệm thu, xác nhận các khối lượng thi công không bảo đảm chất lượng;
d) Khi thấy nghi ngờ về chất lượng, được quyền yêu cầu nhà thầu kiểm tra, thí nghiệm lại. Nếu công việc phức tạp, vượt quá quyền hạn thì báo cáo Ban QLDA đề nghị cho phép kiểm định hoặc giám định chất lượng;
e) Đề xuất Ban QLDA tạm đình chỉ thi công nếu phát hiện nhà thầu thi công không bảo đảm chất lương hoặc sử dụng các vật liệu, cấu kiện không đúng quy định. Nếu thấy cấp trên trực tiếp có biểu hiện bao che cho Nhà thầu thì được quyền báo cáo vượt cấp. Trong trường hợp, nếu xét thấy có nguy cơ xẩy ra sự cố công trình hoặc công trình có biểu hiện mất an toàn hay mất an toàn cho công trình bên cạnh thì được quyền tạm đình chỉ thi công và báo cáo ngay với Ban BQLA để xin ý kiến chỉ đạo.
Điều 13: Giám sát tác giả của đơn vị tư vấn thiết kế.
1. Nhiệm vụ của giám sát tác giả của đơn vị tư vấn thiết kế.
Nhiệm vụ của giám sát tác giả của tư vấn thiết kế là giám sát đơn vị xây lắp thực hiện đúng nội dung, hình thức công trình đã được thể hiện trong hồ sơ thiết kế. Để thực hiện nhiệm vụ giám sát tác giả, đơn vị tư vấn thiết kế phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ quyền hạn của cả nhóm và cá nhân phụ trách; Thông báo cho chủ đầu tư, Nhà thầu xây lắp biết để theo dõi và phối hợp thực hiện.
2. Căn cứ để giám sát tác giả.
a) Hồ sơ thiết kế (bản vẽ thi công ) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các quy định hiện hành liên quan;
c) Tiến độ thi công công trình; Biện pháp thi công đã được Ban QLDA chấp nhận.
3. Nội dung giám sát.
a) Kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu kỹ thuật của công trình, bộ phận công trình, kết cấu đã được thi công so với yêu cầu của bản vẽ thiết kế;
b) Kiểm tra, giám sát thực hiện các điểm dừng kỹ thuật đã thực hiện so với yêu cầu của thiết kế;
c) Lập và ghi đầy đủ nhật ký giám sát tác giả; Lập đầy đủ hồ sơ về việc xử lý các sai khác so với đồ án thiết kế đã được phê duyệt báo cáo Ban QLDA và làm căn cứ để trình duyệt sửa đổi, bổ sung (nếu có).
4. Trách nhiệm của giám sát tác giả.
a) Giải thích những nội dung của bản vẽ thiết kế khi có yêu cầu của Ban QLDA và Nhà thầu xây dựng;
b) Giải quyết những sai sót hoặc thay đổi thiết kế cho phù hợp với tình hình thực tế khi Ban QLDA yêu cầu;
c) Thông báo kịp thời cho Đơn vị tư vấn thiết kế, Chủ nhiệm thiết kế về những sai khác giữa đồ án thiết kế và thực tế, ý kiến của Ban QLDA, những giải pháp dự kiến xử lý tại hiện trường để xin quyết định của đơn vị tư vấn thiết kế. Chỉ giải quyết tại hiện trường khi có đủ căn cứ chứng minh giải pháp thay đổi bảo đảm an toàn, không ảnh hưưởng đến kết cấu công trình chung và vốn đầu tư;
d) Tham gia nghiệm thu các bộ phận quan trọng của công trình trong các giai đoạn xây lắp, nghiệm thu chạy thử thiết bị, nghiệm thu hoàn thành hạng mục và toàn bộ công trình theo quy định tại
5. Chế độ giám sát tác giả thiết kế.
Chế độ giám sát tác giả thiết kế là không thường xuyên, trừ những hạng mục quan trọng, hạng mục dễ bị che khuất thì cán bộ giám sát tác giả phải thực hiện chế độ giám sát thường xuyên và chỉ khi các bên đồng ý nghiệm thu mới cho phép Nhà thầu thi công các hạng mục tiếp theo.
1. Công tác nghiệm thu công trình phải được tiến hành từng đợt ngay sau khi hoàn thành từng hạng mục công trình và toàn bộ công trình hoặc các bộ phận quan trọng, bị che khuất, những kết cấu chịu lực như xử lý nền, hố móng, chân khay, bản móng, trụ pin v.v...;
2. Việc nghiệm thu giai đoạn xây lắp, các cấu kiện kết cấu và bộ phận quan trọng, nghiệm thu thiết bị chạy thử tổng hợp, nghiệm thu hoàn thành hạng mục hoặc công trình do Giám đốc Ban QLDA tổ chức thực hiện nghiệm thu theo mẫu ở Phụ lục số 5, 6, 7 ,8;
3. Cơ quan quản lý khai thác công trình (nếu có), cơ quan chức năng ở địa phương (nếu cần) tham gia nghiệm thu các hạng mục, giai đoạn quan trọng của công trình, thiết bị chạy thử tổng hợp;
4. Các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình thuỷ lợi kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các hạng mục và giai đoạn quan trọng, thiết bị chạy thử tổng hợp của công trình và giai đoạn hoàn thành công trình;
5. Đối với những công trình quan trọng hoặc có những điều kiện kỹ thuật phức tạp thuộc dự án nhóm A thì Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT như đã quy định tại điểm 3 Điều 19, Quy định QLCLCT số 17. Mẫu biên bản nghiệm thu theo phụ lục số 9;
6. Việc nghiệm thu bàn giao đưa công trình thuỷ lợi vào sử dụng sẽ được tiến hành ngay sau khi hoàn thành các thủ tục nghiệm thu hoàn thành công trình giữa Ban QLDA, tư vấn thiết kế và các Nhà thầu xây lắp. Trước khi tổ chức nghiệm thu bàn giao Ban QLDA yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn chỉnh đầy đủ Hồ sơ hoàn công, Hồ sơ lưu trữ và các hồ sơ khác có liên quan theo quy định.
Đối với các công trình thuỷ lợi do Bộ NN & PTNT quản lý, Bộ giao Cục Quản lý nước & Công trình thuỷ lợi, Cục Phòng chống lụt bão & Quản lý đê điều (đối với công trình đê điều, phòng chống lụt bão) chủ trì phối hợp với Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Vụ Khoa học công nghệ & Chất lượng sản phẩm và Vụ Tài chính Kế toán thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu bàn giao ở cơ sở và hồ sơ tài liệu do các Ban QLDA trình Bộ phê duyệt biên bản nghiệm thu bàn giao công trình cho địa phương quản lý sử dụng.
Điều 15: Trường hợp có các tư vấn thiết kế và giám sát của nước ngoài.
a) Giám sát tác giả của đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài thực hiện như quy định tại Điều 13 của Quy định này;
b) Đơn vị tư vấn giám sát nước ngoài do Ban QLDA thuê thì thực hiện theo hợp đồng với Giám đốc Ban QLDA;
Mọi hoạt động tư vấn giám sát và giám sát tác giả của Nhà thầu nước ngoài đều phải tuân thủ các luật lệ của Việt nam.
BẢO HÀNH XÂY LẮP CÔNG TRÌNH VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH
Điều 16: Bảo hành xây lắp công trình.
1. Bảo hành xây lắp công trình là yêu cầu bắt buộc theo pháp luật đối với Nhà thầu xây lắp về chất lượng công trình trong một thời gian tối thiểu nhất định (gọi là thời hạn bảo hành). Việc bảo hành công trình thực hiện theo quy định tại Điều 54, Quy chế QLĐTXD. Nhà thầu xây lắp có nghĩa vụ sửa chữa các hư hỏng do mình gây ra trong thời hạn bảo hành.
Do tính chất đặc thù của công trình thuỷ lợi, thời gian bảo hành được quy định cụ thể cho các loại công trình như sau:
a) Bảo hành 24 tháng đối với:
- Các công trình thuỷ lợi thuộc dự án nhóm A.
- Các loại đập (đập đất, đập hỗn hợp, đập đá đổ, đập bê tông, đập đá xây) có chiều cao lớn hơn 15 m và các cống dưới đập.
- Các cống đồng bằng và ven biển có chiều cao lớn hơn 5m (từ mặt móng tới đỉnh trụ pin) và có tổng bề rộng thông nước lớn hơn 15m.
- Các xi phông, cống luồn, cầu máng có lưu lượng lớn hơn 5 m3/s.
- Các trạm bơm có lưu lượng mỗi máy ( 8000 m3/h.
- Các kênh nổi có chiều cao đắp ( 3 m và chuyển lưu lượng ( 10 m3/s.
- Đê cấp I, II và cống dưới đê (lấy nước và tiêu nước) và các công trình bảo vệ như: kè hộ bờ và mỏ hàn v.v...
b) Bảo hành 12 tháng đối với các công trình còn lại.
Thời gian bảo hành được tính từ khi ký văn bản nghiệm thu bàn giao công trình hoặc hạng mục công trình xây dựng xong đưa vào khai thác sử dụng.
2. Mức tiền bảo hành công trình thực hiện theo quy định tại Điều 54 Quy chế QLĐTXD, nếu cao hơn quy định trên, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận..
3. Nhà thầu không chịu trách nhiệm bảo hành xây lắp công trình thuỷ lợi trong các trường hợp sau:
a) Khi các hư hỏng công trình thuỷ lợi trong thời hạn bảo hành không phải do lỗi của Nhà thầu gây ra;
b) Trường hợp trong thời hạn bảo hành xây lắp công trình mà bộ phận, hạng mục hoặc công trình bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc tháo dỡ do Ban QLDA vi phạm pháp luật về xây dựng thì Nhà thầu xây lắp không có trách nhiệm bảo hành, mặc dù trong đó có sai sót về kỹ thuật xây dựng.
1. Bảo trì công trình: là sự yêu cầu bắt buộc theo luật pháp về chất lượng nhằm duy trì khả năng làm việc của công trình theo thời gian do thiết kế và nhà chế tạo quy định. Các Công ty quản lý khai thác công trình có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo trì (duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn) bảo đảm công trình vận hành an toàn và đạt tuổi thọ theo quy định của thiết kế và nhà chế tạo.
Hàng năm, cơ quan quản lý chất lượng công trình theo phân cấp tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác bảo trì ở các công trình thuỷ lợi quan trọng như các cống đập lớn, hồ chứa v.v... đặc biệt là trước mùa mưa bão.
2. Thời hạn bảo trì công trình:
Thời hạn bảo trì công trình được tính từ ngày nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Do có sự khác nhau về cấu tạo, tính chất làm việc nên trong một công trình thuỷ lợi, các bộ phận có tuổi thọ khác nhau, vì vậy thời hạn bảo trì của các bộ phận này cũng khác nhau. Khi một công trình, một bộ phận công trình đã hết niên hạn sử dụng, thì đơn vị quản lý khai thác cùng cơ quan tư vấn đánh giá khả năng hoạt động của công trình hoặc bộ phận công trình đó để có cơ sở quyết định việc sửa chữa hoặc thay thế.
3. Cấp bảo trì công trình.
a) Bảo trì công trình thuỷ lợi được quy định theo 04 cấp:
- Duy tu, bảo dưỡng.
- Sửa chữa nhỏ.
- Sửa chữa vừa.
- Sửa chữa lớn.
b) Đối với cấp duy tu bảo dưỡng và cấp sửa chữa nhỏ, Công ty quản lý khai thác công trình chịu trách nhiệm bảo trì theo định kỳ hàng năm.
c) Đối với cấp sửa chữa vừa và lớn thì tuỳ theo quy mô của công việc và tính chất phức tạp của công trình, Công ty quản lý khai thác công trình lập dự án đầu tư hoặc báo cáo đầu tư theo quy định của Quy chế QLĐTXD trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
XỬ LÝ SỰ CỐ VÀ NHỮNG HƯ HỎNG NHỎ CỦA CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
Ghi chú: Sự cố công trình xây dựng được giải thích ở Khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 52/1999/NĐ-CP .
Điều 19: Khi có những hư hỏng nhỏ của công trình thì cần tiến hành như sau:
1. Báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để có phương án giải quyết.
a) Đối với những công trình thuỷ lợi đang thi công thì Giám đốc Ban QLDA phải báo cáo ngay về cơ quan có thẩm quyền để có có phương án giải quyết chậm nhất 2 giờ đối với đập và hồ chứa, 24 giờ đối với các loại công trình khác (sau khi xảy ra hư hỏng);
b) Đối với những công trình thủy lợi đã bàn giao sử dụng thì Giám đốc công ty quản lý khai thác công trình phải báo cáo ngay về UBND tỉnh, thành phố và Bộ NN & PTNT để có phương án giải quyết.
Trong khi chờ phương án giải quyết, các cơ quan liên quan trực tiếp phải tổ chức hạn chế các hư hỏng và các hư hỏng khác có thể xây ra tiếp theo.
2. Tổ chức khắc phục.
a) Đối với các công trình thuỷ lợi do Bộ NN & PTNT quản lý.
Tuỳ mức độ nghiêm trọng của hư hỏng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT quyết định thành lập tổ chuyên gia tư vấn giúp Bộ xử lý hoặc giao cho Giám đốc Ban QLDA, Giám đốc công ty quản lý khai thác công trình xử lý.
- Nhiệm vụ của tổ chuyên gia tư vấn là:
+ Quan sát hiện trường, quay phim, chụp ảnh những hư hỏng;
+ Tổ chức đo đạc khảo sát địa hình, địa chất, lấy mẫu thí nghiệm phân tích về đất đá, bê tông, nước và các vật liệu các kết cấu có liên quan đến việc hư hỏng;
+ Nghiên cứu xác định nguyên nhân của hư hỏng;
+ Đề xuất các biện pháp và tiến độ xử lý;
+ Tổ chức Lập hồ sơ hư hỏng công trình.
- Thành phần của tổ chuyên gia gồm:
+ Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm;
+ Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản (đối với công trình đang thi công), Cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi (đối với công trình được giao), Cục Phòng chống lụt bão & quản lý đê điều (đối với công trình Phòng chống lụt bão và Đê điều);
+ Đơn vị tư vấn thiết kế;
+ Nhà thầu xây lắp;
+ Giám đốc Ban QLDA thuỷ lợi (đối với công trình đang thi công), Giám đốc công ty quản lý khai thác công trình (đối với công trình đã bàn giao sử dụng);
+ Có thể mời một số chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài ngành (nếu cần).
- Quyết định về việc xử lý hư hỏng.
Dựa trên các tài liệu thực tế, báo cáo của Giám đốc Ban QLDA hoặc của Giám đốc công ty quản lý khai thác công trình. Hồ sơ hư hỏng công trình của tổ chuyên gia tư vấn, Bộ quyết định giải pháp xử lý sự cố, giao trách nhiệm cho đơn vị tư vấn thiết kế biện pháp xử lý và giao cho Nhà thầu xử lý sự cố.
- Chi phí cho việc khắc phục hư hỏng.
+ Chi phí cho việc khắc phục hư hỏng do đơn vị hoặc cá nhân gây ra hư hỏng chịu;
+ Trường hợp hư hỏng do thiên tai hoặc các nguyên nhân bất khả kháng thì sử dụng tiền bảo hiểm công trình hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định;
+ Trường hợp gây ra hậu quả nghiệm trọng (gây tai nạn chết người hoặc thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và của Nhân dân) người mắc sai phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
b) Đối với các công trình thuỷ lợi do UBND các tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương quản lý: thì việc tổ chức khắc phục sự cố do UBND các tỉnh và Thành phố quy định .
KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
Điều 20: Kiểm tra thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng.
1. Mục đích của công tác kiểm tra việc thực hiện quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi nhằm đảm bảo chất lượng thi công, an toàn và tuổi thọ công trình, kịp thời đề ra biện pháp phòng ngừa, khắc phục và loại trừ các hành vi vi phạm về chất lượng công trình thuỷ lợi.
2. Công tác kiểm tra phải được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất trong suốt thời gian xây dựng và sử dụng công trình.
3. Phân công trách nhiệm kiểm tra thực hiện quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi của Bộ NN & PTNT như sau:
- Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm, Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản kiểm tra các công trình đang xây dựng.
- Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm, Cục Quản lý nước và Công trình thủy lợi kiểm tra các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng.
- Vụ Khoa học công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều kiểm tra các công trình đê điều, phòng chống lũ lụt.
3. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT và địa phương kiểm tra thực hiện quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý.
Điều 21: Xử lý vi phạm về chất lượng công trình thủy lợi.
1. Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý chất lượng trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành các công trình thuỷ lợi nếu vi phạm quy định này thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Các Cục, Vụ chức năng của Bộ NN&PTNT và các Cơ quan chức năng của địa phương, cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng công trình thuỷ lợi mà không làm đầy đủ nhiệm vụ được giao thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
THÀNH PHẦN, NỘI DUNG, SỐ LƯỢNG HỒ SƠ THIẾT KẾ.
I. THÀNH PHẦN, NỘI DUNG HỒ SƠ THIẾT KẾ.
A. Thành phần, Nội dung hồ sơ thiết kế sơ bộ.
1. Phần thuyết minh:
1.1. Căn cứ để lập thiết kế sơ bộ:
- Các nội dung chủ yếu của lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
- Danh mục Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng;
- Yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ;
- Điều kiện tự nhiên và kỹ thuật: địa hình, địa chất công trình, khí tượng, thuỷ văn, động đất tại khu vực xây dựng, tác động của môi trường, hiện trạng chất lượng công trình (trường hợp cải tạo, sửa chữa), công trình kỹ thuật hạ tầng v.v...
1.2. Thuyết minh thiết kế công nghệ:
- Phương án công nghệ, dây chuyền công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu;
- Phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành v.v...
1.3. Thuyết minh thiết kế xây dựng:
- Phương án kiến trúc phù hợp với quy hoạch, công nghệ, yêu cầu sử dụng, cảnh quan môi trường v.v...;
- Phương án xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, hệ thống kĩ thuật công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng v.v...;
- Khối lượng sơ bộ các công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, máy móc thiết bị v.v... chủ yếu của công trình.
1.4. Phân tích kinh tế - kỹ thuật:
- Các căn cứ xác định tổng mức đầu tư;
- Tổng mức đầu tư;
- So sánh, lựa chọn phương án công nghệ và xây dựng.
2. Phần bản vẽ:
- Mặt bằng (bình đồ) hiện trạng khu vực và vị trí công trình trên bản đồ hành chính tỷ lệ 1.250.000;
- Bố trí tổng mặt bằng (xác định vị trí xây dựng, diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng, cao độ xây dựng);
- Phương án kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng và các mặt cắt chính của công trình; phối cảnh công trình; mô hình (nếu cần thiết);
- Phương án xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng;
- Phương án bố trí dây chuyền công nghệ;
- Phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành v.v...;
B. Thành phần, Nội dung hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán.
1. Phần thuyết minh:
1.1. Căn cứ để lập thiết kế kỹ thuật:
- Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc giấy phép đầu tư);
- Thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt;
- Tóm tắt nội dung thiết kế sơ bộ (quy hoạch, kiến trúc, phương án xây dựng, công nghệ v.v...);
- Danh mục quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế mẫu được áp dụng.
- Yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, công nghệ;
- Điều kiện tự nhiên và kỹ thuật: địa hình, địa chất công trình, khí tượng, thuỷ văn, động đất tại khu vực xây dựng, tác động của môi trường, hiện trạng chất lượng công trình (trường hợp cải tạo, sửa chữa), công trình kỹ thuật hạ tầng v.v...
1.2. Thuyết minh thiết kế công nghệ:
- Giải pháp công nghệ, dây chuyền công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu;
- Danh mục máy móc thiết bị công nghệ;
- Hệ thống kỹ thuật đi kèm công nghệ;
- Giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành v.v...
- Quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.
1.3. Thuyết minh thiết kế xây dựng:
- Giải pháp kiến trúc phù hợp với quy hoạch, công nghệ, yêu cầu sử dụng, cảnh quan môi trường v.v...;
- Giải pháp xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng v.v...;
- Danh mục phần mềm sử dụng, diễn giải các bước tính toán chủ yếu;
- Tổng hợp khối lượng các công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, máy móc thiết bị... chủ yếu của từng hạng mục và toàn bộ công trình;
- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp v.v...);
- Quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.
2. Phần bản vẽ:
- Triển khai mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình trên bản đồ;
- Triển khai tổng mặt bằng (xác định vị trí xây dựng, diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng, cao độ xây dựng v.v...);
- Giải pháp kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chính của các hạng mục và toàn bộ công trình, phối cảnh công trình;
- Giải pháp xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng v.v... (chưa yêu cầu triển khai vật liệu);
- Chi tiết các liên kết điển hình, các chi tiết phức tạp (nút khung, mắt dàn, neo cốt thép đối với các kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước v.v...);
- Bố trí dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị v.v...;
- Bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành v.v...;
- Phần bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các chi tiết cần thiết để không bị nhầm lẫn khi lập bản vẽ thi công.
3. Phần tổng dự toán:
- Các căn cứ để lập dự toán;
- Diễn giải tiên lượng và các phụ lục cần thiết;
- Tổng hợp khối lượng xây lắp, máy móc thiết bị v.v... của các hạng mục và toàn bộ công trình (đủ điều kiện để lập hồ sơ mời thầu);
- Tổng dự toán công trình.
C. Thành phần, Nội dung hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
1. Phần bản vẽ:
- Bản vẽ phối cảnh bố trí tổng thể cụm công trình đầu mối (đối với công trình quan trọng do chủ đầu tư yêu cầu);
- Chi tiết mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình trên bản đồ;
- Chi tiết tổng mặt bằng (xác định vị trí xây dựng, diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, cao độ xây dựng v.v...);
- Chi tiết kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chính của các hạng mục công trình và toàn bộ công trình, phối cảnh công trình;
- Chi tiết xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật công trình, công trình kỹ thuật hạ tầng v.v... (yêu cầu triển khai vật liệu);
- Chi tiết các liên kết điển hình, các chi tiết phức tạp (nút khung, mắt dàn, neo cốt thép đối với các kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước v.v...), các chi tiết xây dựng khác;
- Chi tiết bố trí dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị v.v...;
- Bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành v.v...;
- Liệt kê khối lượng các công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, máy móc thiết bị v.v... của các hạng mục và toàn bộ công trình;
- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp v.v...);
- Quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.
2. Phần dự toán:
- Các căn cứ để lập dự toán;
- Diễn giải tiên lượng và các phụ lục cần thiết;
- Dự toán của các hạng mục công trình và tổng hợp dự toán của toàn bộ công trình.
D. Thành phần, Nội dung hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công.
- Phần thuyết minh và tổng dự toán: theo mục B phần I của phụ lục này;
- Phần bản vẽ: theo mục C phần I của phụ lục này.
II. SỐ LƯỢNG HỒ SƠ THIẾT KẾ.
1. Đối với thiết kế sơ bộ:
Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư (Ban QLDA) 08 bộ để gửi đến:
- Cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (05 bộ kèm báo cáo nghiên cứu khả thi);
- Chủ đầu tư (02 bộ kèm báo cáo nghiên cứu khả thi trong đó 01 bộ gửi cơ quan thẩm định TKKT - TDT);
- Cơ quan cấp phép xây dựng (01 bộ - thành phần hồ sơ cụ thể theo quy định rút gọn của cơ quan cấp phép).
2. Đối với thiết kế kỹ thuật:
Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư 07 bộ để gửi đến:
- Cơ quan phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (01 bộ);
- Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (10 bộ);
- Chủ đầu tư (02 bộ, trong đó 01 bộ gửi cơ quan Phòng cháy chữa cháy để thẩm định về Phòng chống cháy);
- Cơ quan cấp phép xây dựng (01 bộ);
- Nhà thầu xây lắp (01 bộ);
- Cơ quan lưu trữ theo quy định của Nhà nước về lưu trữ hồ sơ tài liệu (01 bộ).
3. Đối với thiết kế kỹ thuật thi công:
Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư 09 bộ để gửi đến:
- Cơ quan phê duyệt thiết kế kỹ thuật - thi công và tổng dự toán (01 bộ);
- Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật - thi công và tổng dự toán (01 bộ);
- Chủ đầu tư (03 bộ, trong đó 01 bộ gửi cơ quan PCCC để thẩm định về PCCC);
- Cơ quan cấp giấy phép xây dựng (01 bộ);
- Nhà thầu xây lắp (02 bộ);
- Cơ quan lưu trữ theo quy định của Nhà nước về lưu trữ hồ sơ tài liệu (01 bộ).
4. Đối với thiết kế bản vẽ thi công:
Đơn vị thiết kế giao cho chủ đầu tư 05 bộ để gửi đến:
- Chủ đầu tư (02 bộ);
- Nhà thầu xây lắp (03 bộ).
Ghi chú:
- Chi phí lập hồ sơ theo số lượng nêu trên được tính trong giá thiết kế.
- Căn cứ vào yêu cầu thực tế của từng công trình, chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt số lượng hồ sơ cần thiết và được cụ thể trong hợp đồng tư vấn thiết kế.
Chủ đầu tư Số: | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ******* ......., ngày... tháng... năm 200... |
THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH
Kính gửi: ................................................................................................
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08-7-1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lí đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05-5-2000 của Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quy chế quản lý đầu tư xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD , ngày 02-8-2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số: /2001/QĐ-BNN-KHCN ngày... tháng ... năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi;
- Căn cứ thông tư hướng dẫn...;
- Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư)...;
Chủ đầu tư trình thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình ... thuộc dự án đầu tư ... do đơn vị tư vấn xây dựng ... lập với các nội dung sau:
1. Tên công trình .................................... Thuộc dự án đầu tư.....
- Tổng mức đầu tư theo dự án đã được phê duyệt.
- Địa điểm xây dựng, diện tích chiếm đất.
2. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình:
- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình được lập phù hợp với thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, tuân thủ Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng (kèm theo danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng), cấp công trình, đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng và sử dụng công trình. Các thông số kỹ thuật chủ yếu (có phân tích so sánh với thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt) v.v...
- Biên bản và nghiệm thu hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế.
- Có phụ lục kèm theo nêu rõ danh mục các hạng mục công trình, số lượng bản vẽ của từng hạng mục công trình.
3. Hồ sơ tổng dự toán trình:
- Hồ sơ tổng dự toán công trình được lập trên cơ sở các định mức, đơn giá, chế độ, chính sách tại thời điểm tổng trình dự toán; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu (có phân tích so sánh với tổng mức đầu tư trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt)...
- Biên bản nghiệm thu hồ sơ tổng dự toán giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập tổng dự toán.
- Có phụ lục kèm theo nêu rõ danh mục các hạng mục công trình, diễn giải tổng dự toán công trình.
Chủ đầu tư trình ............ thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình.
Nơi nhận: | Chủ đầu tư (Kí tên, đóng dấu)
|
Cơ quan thẩm định | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: | Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| ............., ngày......, tháng......, năm 200..... |
THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH.....
Kính gửi:.............................................................................................
Cơ quan thẩm định ........ đã nhận tờ trình số... ngày... của... trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình... thuộc dự án đầu tư... kèm theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán công trình.
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD , ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số: /2001/QĐ-BNN-KHCN ngày... tháng ... năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi;
- Căn cứ thông tư hướng dẫn ...;
- Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư)...;
- Căn cứ tờ trình số ... ngày ... của ...;
Sau khi xem xét, Cơ quan thẩm định báo cáo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật
- tổng dự toán công trình như sau:
- Tên công trình ... thuộc dự án đầu tư ...
- Chủ đầu tư.
- Theo Quyết định phê duyệt đầu tư số ... ngày ... của ...
- Tổng mức đầu tư theo dự án đã được phê duyệt.
- Địa điểm xây dựng, diện tích chiếm đất.
- Đơn vị tư vấn thiết kế và lập tổng dự toán.
1. Nội dung và chất lượng hồ sơ thiết kế kĩ thuật:
2. Kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật:
- Tư cách pháp lý của đơn vị, cá nhân thiết kế.
- Sự tuân thủ các nội dung được duyệt về quy mô xây dựng, công nghệ, công suất thiết kế, cấp công trình, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế sơ bộ đã được phê duyệt về quy hoạch, kiến trúc (đặc biệt là vị trí xây dựng, chỉ giới xây dựng, cao độ xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất); sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng.
- Bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ, an toàn lao động, an toàn đê điều, an toàn giao thông và các yêu cầu có liên quan.
- Sự hợp lý của các giải pháp thiết kế kỹ thuật so với yêu cầu về an toàn quy định theo Quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng; yêu cầu sử dụng công trình; yêu cầu an toàn trong thi công; những thay đổi so với thiết kế sơ bộ (nếu có).
3. Nội dung và chất lượng hồ sơ tổng dự toán công trình:
4. Kết quả thẩm định tổng dự toán công trình:
- Tính đúng đắn của việc áp dụng các định mức, đơn giá, chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến các chi phí trong tổng dự toán.
- Sự phù hợp giữa khối lượng công tác xây lắp tính từ thiết kế kỹ thuật với khối lượng công tác xây lắp tính trong tổng dự toán.
- Giá trị tổng dự toán bao gồm cả thiết bị và so sánh với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
5. Kết luận:
- Cơ quan thẩm định đề nghị ... xem xét và quyết định.
- Trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn thiên thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán.
Nơi nhận: Thủ trưởng
CƠ QUAN THẨM ĐỊNH
(ký tên, đóng dấu)
Cơ quan phê duyệt | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: | Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| ......., ngày ...... tháng,...... năm....... |
PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH....... .
Thủ trưởng cơ quan phê duyệt ........
- Căn cứ Nghị định số ... ngày ... của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của ...;
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD , ngày 02/08/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số: /2001/QĐ-BNN-KHCN ngày... tháng ... năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi;
- Căn cứ Thông tư hướng dẫn ...;
- Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư) ......;
- Căn cứ kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của .....;
- Xét tờ trình số .... ngày ..... của.......,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán cong trình ...... thuộc dự án đầu tư ....
- Chủ đầu tư.
- Đơn vị tư vấn thiết kế và lập tổng dự toán.
- Địa điểm xây dựng, diện tích chiếm đất.
- Các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu.
- Quy mô (từng hạng mục và toàn bộ công trình), công suất, cấp công trình.
- Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng.
- Các giải pháp thiết kế (từng hạng mục và toàn bộ công trình):
+ Công nghệ;
+ Quy hoạch, kiến trúc;
+ Gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính;
+ Hệ thống kỹ thuật công trình;
+ Công trình kỹ thuật hạ tầng (cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông...);
+ Bảo vệ môi trường; phòng chống cháy, nổ, an toàn trong quá trình xây dựng; an toàn sử dụng công trình; an toàn đê điều; an toàn giao thông và các yêu cầu có liên quan.
- Những sửa đổi so với thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt.
- Tổng dự toán (tại thời điểm trình tổng dự toán)....
Trong đó:
...........................................................................................................................................
Tổng dự toán là căn cứ để quản lý chi phí xây dựng (có phụ lục chi tiết kèm theo);
- Tổng tiến độ (đối với những dự án phải phê duyệt tổng tiến độ).
Điều 2: Trách nhiệm của chủ đầu tư và của đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán (nếu có).
Điều 3: Trách nhiệm của cơ quan liên quan thi hành quyết định.
Nơi nhận: Thủ trưởng
CƠ QUAN PHÊ DUYÊT
(Ký tên, đóng dấu)
Chủ đầu tư | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| ............, ngày........., tháng........., năm......... |
BIÊN BẢN NGHIỆM THU CÔNG TÁC XÂY LẮP
(Công việc, cấu kiện, bộ phận, lắp đặt từng phần thiết bị....)
Công trình:
Hạng mục công trình:
Địa điểm xây dựng:
Tên công tác xây lắp (công việc, cấu kiện, bộ phận, lắp đặt từng phần thiết bị...) được nghiệm thu:
Thời gian nghiệm thu:
Bắt đầu: .................. ngày....... tháng.... năm.....
Kết thúc: ................. ngày....... tháng.... năm.....
Tại công trình.
Các bên tham gia nghiệm thu:
- Đại diện chủ đầu tư (hoặc giám sát thi công xây lắp của chủ đầu tư):
- Đại diện nhà thầu xây lắp:
Các bên đã tiến hành:
1. Xem xét các hồ sơ tài liệu sau:
- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;
- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi thi công, kiểm tra và nghiệm thu;
- Các tài liệu kiểm tra chất lượng.
2. Kiểm tra tại hiện trường:
Thứ tự | Đối tượng kiểm tra | Nội dung kiểm tra | Bản vẽ th công số | Phương pháp kiểm tra | Kết quả kiểm tra |
..... ..... | ................ ................ | ................. .................. | .................................... | .......................................... | ................................ |
3. Nhận xét về chất lượng:
- Thời gian thi công (bắt đầu, hoàn thành);
- Chất lượng thi công.
4. Những sửa đổi so với thiết kế đã được phê duyệt (nếu có):
5. Kiến nghị:
6. Kết luận:
- Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu để triển khai các công việc tiếp theo.
- Yêu cầu và thời hạn sửa chữa xong những khiếm khuyết mới triển khai các công việc tiếp theo.
Các phụ lục kèm theo:
Các bên tham gia nghiệm thu: (Kí tên, ghi rõ họ tên và chức vụ)
- Đại diện chủ đầu tư (hoặc giám sát thi công xây lắp của chủ đầu tư):
- Đại diên nhà thầu xây lắp:
ĐẠI DIỆN CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký tên, đóng dấu)
Chủ đầu tư | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| ........, ngày......., tháng........, năm...... |
Biên bản : số.......
NGHIỆM THU HOÀN THÀNH GIAI ĐOẠN XÂY LẮP
(Nền móng, kết cấu phần thân công trình, hệ thống kỹ thuật công trình....)
Công trình:
Hạng mục công trình:
Địa điểm xây dựng:
Tên giai đoạn xây lắp được nghiệm thu (nền móng, kết cấu phần thân công trình, hệ thống kỹ thuật công trình...)
Thời gian nghiệm thu:
Bắt đầu: ................ ngày........ tháng........ năm........
Kết thúc: ................ ngày........ tháng........ năm........
Tại công trình.
Các bên tham gia nghiệm thu:
- Đại diện chủ đầu tư:
- Đại diện đơn vị giám sát thi công xây lắp:
- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:
- Đại diện nhà thầu xây lắp:
- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):
- Đại diện cơ quan chức năng của địa phương (nếu cần);
- Đại diện cơ quan quản lý khai thác công trình (nếu có);
- Đại diện cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu (đối với các công trình thuộc dự án nhóm A,B; các công trình thuộc dự án nhóm C: đê, đập nước và công trình đầu mối hồ chứa nước:
Các bên đã tiến hành:
1. Xem xét các hồ sơ, tài liệu sau:
- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;
- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi thi công, kiểm tra và nghiệm thu;
- Các biên bản nghiệm thu từng phần của chủ đầu tư (nghiệm thu công tác xây lắp, nghiệm thu giai đoạn xây lắp liên quan...);
- Các tài liệu kiểm tra chất lượng, khối lượng;
- Hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng.
2. Kiểm tra tại hiện trường:
3. Nhận xét về chất lượng, khối lượng:
- Thời gian thi công (bắt đầu, hoàn thành);
- Chất lượng thi công so với thiết kế đã được phê duyệt;
- Khối lượng theo thiết kế đã được phê duyệt;
- Khối lượng đã thực hiện (căn cứ báo cáo quyết toán của chủ đầu tư).
4. Những sửa đổi so với thiết kế đã được phê duyệt (nêu những sửa đổi lớn):
5. Kiến nghị:
6. Kết luận:
- Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu để triển khai các công việc tiếp theo.
- Yêu cầu và thời hạn sửa chữa xong những khiếm khuyết mới triển khai các công việc tiếp theo.
Các phụ lục kèm theo:
ĐẠI DIỆN CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký tên, đóng dấu)
Các bên tham gia nghiệm thu: (Kí tên, ghi rõ họ tên và chức vụ):
- Đại diện đơn vị giám sát thi công xây lắp:
- Đại diên đơn vị tư vấn thiết kế:
- Đại diện nhà thầu xây lắp:
- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):
- Đại diện cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu; cụ thể là:
1. Đối với các dự án do Bộ NN & PTNT quản lý: Vụ Khoa học công nghệ & Chất lượng sản phẩm, Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Cục Quản lý nước & Công trình thuỷ lợi hoặc Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều (theo phạm vị quản lý được giao) cử đại diện tham nghiệm thu .
2. Đối với các dự án do địa phương quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (theo phạm vị quản lý được giao) cử đại diện tham gia nghiệm thu.
Chủ đầu tư | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| ........, ngày......., tháng........, năm..... |
Công trình:
Hạng mục công trình:
Địa điểm xây dựng:
Thiết bị được nghiệm thu:
Lắp đặt tại:
Do................. chế tạo, xuất xưưởng ngày..................
Do................. lắp đặt.
Thời gian nghiệm thu:
- Đại diện chủ đầu tư.
- Đại diện đơn vị giám sát lắp đặt thiết bị:
- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:
- Đại diện nhà thầu lắp đặt thiết bị:
- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):
- Đại diện cơ quan chức năng của địa phương (nếu cần);
- Đại diện cơ quan quản lý khai thác công trình (nếu có);
- Đại diện cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu (nếu có):
Các bên đã tiến hành:
1. Xem xét các hồ sơ, tài liệu sau:
- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;
- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi lắp đặt, kiểm tra và nghiệm thu;
- Các biên bản nghiệm thu từng phần của chủ đầu tư (nghiệm thu lắp đặt thiết bị, nghiệm thu thiết bị chạy thử không tải...);
- Các tài liệu kiểm tra chất lượng, khối lượng;
- Hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng.
2. Kiểm tra tại hiện trường các thiết bị đã lắp đặt xong:
3. Nhận xét về chất lượng, khối lượng:
- Thời gian thi công (bắt đầu, hoàn thành);
- Chất lượng thi công so với thiết kế đã được phê duyệt;
- Khối lượng theo thiết kế đã được phê duyệt;
- Khối lượng đã thực hiện (căn cứ báo cáo quyết toán của chủ đầu tư).
4. Công suất đưa vào vận hành:
- Công suất theo thiết kế đã được phê duyệt;
- Công suất theo thực tế đạt được.
5. Những sửa đổi so với thiết kế đã được phê duyệt (nêu những sửa đổi lớn):
6. Kiến nghị:
7. Kết luận:
- Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu để triển khai các công việc tiếp theo.
- Yêu cầu và thời hạn phải sửa chữa xong những khiếm khuyết mới triển khai các công việc tiếp theo.
Các phụ lục kèm theo:
ĐẠI DIỆN CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký tên, đóng dấu)
Các bên tham gia nghiệm thu: (Kí tên, ghi rõ họ tên và chức vụ)
- Đại diện chủ đầu tư.
- Đại diện đơn vị giám sát lắp đặt thiết bị:
- Đại diên đơn vị tư vấn thiết kế:
- Đại diện nhà thầu lắp đặt thiết bị:
- Đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị (nếu có):
- Đại diện cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu; cụ thể là:
1. Đối với các dự án do Bộ NN & PTNT quản lý: Vụ Khoa học công nghệ & Chất lượng sản phẩm, Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Cục Quản lý nước & Công trình thuỷ lợi hoặc Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều (theo phạm vị quản lý được giao) cử đại diện tham nghiệm thu .
2. Đối với các dự án do địa phương quản lý: Sở NN & PTNT và cơ quan quản lý trực thuộc sở NN & PTNT (theo phạm vị quản lý được giao) cử đại diện tham gia nghiệm thu.
Chủ đầu tư | CỘNG HOÀ XÃ HỘ CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| .........., ngày ......tháng.....năm...... |
BIÊN BẢN NGHIỆM THU HOÀN THÀNH
HOẶC CÔNG TRÌNH ĐỂ ĐƯA VÀO SỬ DỤNG
Công trình:
Hạng mục công trình:
Địa điểm xây dựng:
Chủ đầu tư công trình:
Các đơn vị tư vấn thiết kế (nêu rõ các công việc và số, ngày, tháng của hợp đồng thực hiện):
- Thầu chính thiết kế.
- Các thầu phụ thiết kế.
Cơ quan thẩm định và phê duyệt thiết kế, tổng dự toán (nêu rõ số ngày, tháng của văn bản thẩm định và quyết định phê duyệt):
Các nhà thầu xây lắp (nêu rõ các công việc và số, ngày tháng của hợp đồng thực hiện):
- Nhà thầu chính xây lắp.
- Các nhà thầu phụ xây lắp.
Các đơn vị giám sát thi công xây lắp (nêu rõ các công việc và số của hợp đồng thực hiện):
Thời gian tiến hành nghiệm thu:
Bắt đầu: .................... ngày ...... tháng...... năm.......
Kết thúc: .................... ngày ...... tháng...... năm.......
Tại công trình.
Các bên tham gia nghiệm thu:
- Đại diện chủ đầu tư:
- Đại diện đơn vị giám sát thi công xây lắp:
- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:
- Đại diện nhà thầu chính xây lắp:
- Đại diện đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng hoặc vận hành khai thác công trình:
- Đại diện cơ quan chức năng của địa phương (nếu cần);
- Đại diện cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Các bên lập biên bản này về những nội dung sau:
1. Tên công trình (giới thiệu chung về kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật công trình, công nghệ, các thông số kỹ thuật chủ yếu, công trình kỹ thuật hạ tầng v.v....).
2. Công tác xây lắp công trình (nêu tóm tắt quá trình thi công xây lắp các hạng mục và toàn bộ công trình).
3. Các bên đã xem xét hồ sơ, tài liệu sau:
- Hồ sơ, tài liệu thiết kế;
- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng khi thi công, kiểm tra và nghiệm thu;
- Các biên bản nghiệm thu từng phần của chủ đầu tư (nghiệm thu công tác xây lắp, nghiệm thu giai đoạn xây lắp, nghiệm thu thiết bị chạy thử không tải, nghiệm thu thiết bị chạy thử tổng hợp...);
- Các tài liệu kiểm tra chất lượng, khối lượng;
- Hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng.
4. Kiểm tra hiện trường:
Trên cơ sở xem xét các hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình và kiểm tra công trình tại hiện trường, các bên xác nhận những điểm sau đây:
1. Thời gan thi công xây dựng công trình:
- Ngày khởi công;
- Ngày hoàn thành.
2. Quy mô đưa vào sử dụng của hạng mục công trình hoặc công trình (quy mô xây dựng, công suất, công nghệ, các thông số kỹ thuật chủ yếu...):
- Theo thiết kế đã được phê duyệt;
- Theo thực tế đạt được.
3. Khối lượng đã thực hiện (nêu khối lượng chính của các công tác xây dựng lắp đặt thiết bị chủ yếu):
- Theo thiết kế đã được phê duyệt;
- Theo thực tế đã thực hiện (căn cứ báo cáo quyết toán của chủ đầu tư).
4. Các biện pháp phòng chống cháy, nổ, an toàn lao động, an toàn vận hành, bảo vệ môi trường, an toàn đê điều, an toàn giao thông v.v.... (nêu tóm tắt).
5. Chất lượng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các hạng mục và toàn bộ công trình so với yêu cầu của thiết kế đã được phê duyệt.
6. Những sửa đổi trong quá trình thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị so với thiết kế đã được phê duyệt (nêu những sửa đổi lớn).
7. Kiến nghị:
8. Kết luận:
- Chấp nhận (hay không chấp nhận) nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng.
- Yêu cầu và thời hạn phải sửa chữa xong các khiếm khuyết mới đưa hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng.
Các phụ lục kèm theo:
| ĐẠI DIỆN CHỦ ĐẦU TƯ (Ký tên, đóng dấu) |
Các bên tham gia nghiệm thu: (Kí tên, ghi rõ họ tên và chức vụ)
- Đại diện chủ đầu tư:
- Đại diện đơn vị giám sát thi công xây lắp:
- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế:
- Đại diện nhà thầu chính xây lắp:
- Đại diện đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng hoặc vận hành khai Đại diện cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (theo phân cấp tại Quy định này) kiểm tra công tác nghiệm thu; cụ thể là:
1. Đối với các dự án do Bộ NN & PTNT quản lý: Vụ Khoa học công nghệ & Chất lượng sản phẩm, Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Cục Quản lý nước & Công trình thuỷ lợi hoặc Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều (theo phạm vị quản lý được giao) cử đại diện tham nghiệm thu .
2. Đối với các dự án do địa phương quản lý: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý trực thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (theo phạm vị quản lý được giao) cử đại diện tham gia nghiệm thu.
Hội đồng nghiệm thu | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nhà nước công trình | Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| ..............., ngày......, tháng....., năm.... |
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình..... được thành lập theo Quyết định số... ngày.... của Thủ tướng Chính phủ, đã tiến hành kiểm tra, xem xét công tác nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở và đánh giá chất lượng công trình.....
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã họp ngày ..... tại ..... và lập biên bản theo những nội dung sau:
1. Tiến trình làm việc của Hội đồng: (nêu tóm tắt những công việc đã thực hiện)
2. Đánh giá của Hội đồng:
Trên cơ sở đồ án thiết kế công trình được duyệt, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được chấp thuận sử dụng..., hồ sơ hoàn thành công trình do chủ đầu tư cung cấp, kết quả kiểm tra hoàn thành công trình do chủ đầu tư cấp, kết quả phúc tra của các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Hội đồng đánh giá:
- Về hiện trạng công trình đã hoàn thành.
- Về kết quả nghiệm thu công trình của Hội đồng nghiệm thu cơ sở.
- Về chất lượng công trình; khối lượng theo thiết kế đã được phê duyệt và theo thực tế đã được thực hiện (căn cứ báo cáo quyết toán của chủ đầu tư):
+ Phần xây dựng;
+ Phần thiết bị công nghệ.
- Về những ảnh hưưởng của công trình (khi sử dụng hoặc vận hành, khai thác) đến môi trường, môi sinh; các biện pháp khắc phục.
- Về các biện pháp phòng chống cháy nổ an toàn lao động, an toàn vận hành, an toàn đê điều, an toàn giao thông....
- Về những vấn đề có liên quan khác.
- Về chất lượng hồ sơ hoàn thành công trình do chủ đầu tư trình.
3. Kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước:
(Kết luận và quyết định của Hội đồng về việc nghiệm thu công trình và đề nghị của Hội đồng nghiệm thu cơ sở, đánh giá tổng quát).
4. Những yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước:
(Những yêu cầu của Hội đồng đối với chủ đầu tư, Hội đồng nghiệm thu cơ sở và các cơ quan liên quan đến công trình).
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU NHÀ NƯỚC
CÔNG TRÌNH ........
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước:
(Ký tên, ghi rõ họ tên và chức vụ)
Tên chủ đầu tư
DANH MỤC HỒ SƠ, TÀI LIỆU HOÀN THÀNH
A. Hồ sơ pháp lý.
1. Quyết định phê duyệt đầu tư của cấp có thẩm quyền.
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền về:
- Quy hoạch, kiến trúc;
- Thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán;
- Thiết kế và thiết bị phòng cháy chữa cháy;
- Bảo vệ môi trường;
- Đấu nối với công trình kỹ thuật hạ tầng (cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông ....);
- An toàn đê điều (nếu có), an toàn giao thông (nếu có).
4. Giấy phép kinh doanh của các đơn vị tư vấn xây dựng trong nước và chứng chỉ hành nghề của các cá nhân phù hợp với công việc thực hiện:
- Tư vấn xây dựng (khảo sát, thiết kế kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật công trình, công nghệ, phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc....);
- Giám sát thi công xây lắp;
- Kiểm định chất lượng xây dựng.
5. Giấy phép kinh doanh của các nhà thầu xây lắp trong nước (nhà thầu chính, phụ).
6. Giấy phép thầu xây dựng tại Việt Nam của các nhà thầu nước ngoài (thầu tư vấn xây dựng, thầu xây lắp...).
7. Hợp đồng thi công công trình giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính xây lắp (ghi số, ngày, tháng của hợp đồng).
8. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
9. Báo cáo khảo sát địa chất công trình do .... lập.......
10. Biên bản kiểm tra (nghiệm thu hoàn thành) của cấp có thẩm quyền về:
- Thực hiện giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng);
- Chỉ giới đất xây dựng;
- Phòng cháy, chữa cháy, chống sét;
- Bảo vệ môi trường;
- An toàn lao động, an toàn vận hành;
- Đấu nối với công trình kỹ thuật hạ tầng (cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông...);
- An toàn đê điều (nếu có), an toàn giao thông (nếu có);
- Thông tin liên lạc (nếu có).
B. Tài liệu quản lý chất lượng.
1. Bản vẽ hoàn công các hạng mục và toàn bộ công trình về kiến trúc, kết cấu, lắp đặt thiết bị, hệ thống kỹ thuật công trình, hoàn thiện... (có danh mục bản vẽ hoàn công kèm theo).
2. Các chứng chỉ kỹ thuật và các phiếu kiểm tra xác nhận chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng và máy móc thiết bị sử dụng trong công trình:
- Chứng chỉ kỹ thuật xác nhận chất lượng của nơi sản xuất đối với: bê tông, cốt thép, kết cấu thép, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng khác, thiết bị...
- Phiếu kiểm tra chất lượng thông qua mẫu lấy tại hiện trường do một tổ chức chuyên môn có tư cách pháp nhân và năng lực thực hiện đối với: bê tông, cốt thép, kết cấu thép, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng khác, thiết bị...
- Phiếu kiểm tra chất lượng thiết bị....
3. Các tài liệu đo đạc, quan trắc lún và biến dạng của công trình và các công trình lân cận trong thời gian xây dựng.
4. Báo cáo kết quả các thí nghiệm hiện trường (gia cố nền, sức chịu tải của cọc móng, điện trở nối đất...).
5. Biên bản thí nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành thiết bị chạy thử không tải và có tải.
6. Biên bản thử các thiết bị thông tin liên lạc, các thiết bị bảo vệ.
7. Biên bản thử các thiết bị phòng cháy chữa cháy.
8. Biên bản kiểm định môi trường, môi sinh (đối với các công trình thuộc dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường).
9. Nhật kí theo dõi thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư (hoặc đơn vị giám sát của chủ đầu tư), nhà thầu xây lắp (tự giám sát) và tư vấn thiết kế (giám sát tác giả).
10. Biên bản nghiệm thu công tác xây lắp, nghiệm thu giai đoạn xây lắp, nghiệm thu thiết bị chạy thử không tải, nghiệm thu thiết bị chạy thử tổng hợp, nghiệm thu hạng mục công trình, nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng.
11. Tài liệu hướng dẫn hoặc quy trình vận hành, bảo trì thiết bị và công trình.
12. Báo cáo của chủ đầu tư về quá trình thi công xây dựng và chất lượng công trình (nội dung báo cáo theo phụ lục 11 của Quy định này).
Báo cáo của nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế, đơn vị giám sát của chủ đầu tư về kết quả công việc thực hiện.
........, ngày...... tháng......năm........
CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký tên, đóng dấu)
Ghi chú: Căn cứ vào quy mô công trình và giai đoạn nghiệm thu công trình (nền móng, kết cấu phần thân công trình, hệ thống kỹ thuật công trình ...) để xác định danh mục hồ sơ tài liệu trên cho phù hợp.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
......., ngày.......tháng...... năm...........
BÁO CÁO CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN VỀ CHẤT LƯỢNG
(Báo cáo định kỳ 6 tháng một lần và khi hoàn thành công trình )
Từ ngày... tháng... năm... đến ngày... tháng ... năm...
Kính gửi:............................................
1. Ban quản lý dự án:
2. Địa điểm xây dựng.
3. Quy mô công trình (nêu tóm tắt về kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật, công nghệ, công suất...).
4. Danh sách các đơn vị tư vấn xây dựng: khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây lắp, kiểm định xây dựng (nếu có); những phần việc do các đơn vị đó thực hiện.
5. Cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (ghi số, ngày, tháng của văn bản thẩm định).
6. Cơ quan phê duyệt đối với:
- Dự án đầu tư (ghi số, ngày, tháng của Quyết định phê duyệt hoặc Giấy phép đầu tư).
- Thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán (ghi số, ngày, tháng của Quyết định phê duyệt).
7. Danh sách các nhà thầu xây lắp (chính, phụ ); những phần viẹc do các đơn vị đó thực hiện.
8. Những sửa đổi trong quá trình thi công so với thiết kế đã được phê duyệt (nêu những sửa đổi lớn, lý do sửa đổi, ý kiến của cấp có thẩm quyền về những sửa đổi đó).
9. Về thời hạn lthi công xây dựng công trình:
- Ngày khởi công;
- Ngày hoàn thành.
10. Khối lượng chính của các loại công tác xây lắp chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn báo cáo (nền, móng, bê tông, cốt thép, kết cấu thép, khối xây hoàn thiện, hệ thống kỹ thuật công trình...) của các hạng mục và toàn bộ công trình (so sánh khối lượng đã thực hiện với khối lượng theo thiết kế đã được phê, duyệt).
11. Hệ thống kiểm tra, giám sát và các biện pháp bảo đảm chất lượng công trình của chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công xây lắp do chủ đầu tư thuê, nhà thầu xây lắp (tự giám sát), tư vấn thiết kế (giám sát tác giả).
12. Công tác nnghiệm thu, thành phần tham gia nghiệm thu, thời điểm nghiệm thu: nghiệm thu công tác xây lắp, nghiệm thu giai đoạn xây lắp, nghiệm thu thiết bị chạy thử không tải, nghiệm thu thiết bị chạy thử tổng hợp, nghiệm thu hoàn thành từng hạng mục và toàn bộ công trình, bàn giao đưa công trình vào sử dụng...
13. Các quan trắc và thí nghiệm hiện trường đã thực hiện (gia cố nền, sức chịu tải của cọc móng; điện trở nối đất...). Đánh giá kết quả quan trắc và các thí nghiệm hiện trường so với yêu cầu của thiết kế đã được phê duyệt.
14. Sự cố và khiếm khuyết về chất lượng (nếu có): thời điểm xảy ra, vị trí, thiệt hại, nguyên nhân, tình hình khắc phục.
15. Quy mô đưa vào sử dụng của công trình (quy mô xây dựng, công suất, công nghệ, các thông số kỹ thuật chủ yếu ...):
- Theo thiết kế đã được phê duyệt;
- Theo thực tế đạt được.
16. Kết luận về chất lượng công việc thực hiện, các hạng mục và toàn bộ công trình (trong giai đoạn báo cáo).
17. Kiến nghị (nếu có).
Nơi nhận: Giám đốc ban QLDA
(Ký tên, đóng dấu)
Ghi chú: Nội dung các mục yêu cầu tại phụ lục này chỉ báo cáo một lần, trừ trường hợp có thay đổi.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
.........., ngày...., tháng....., năm.......
(Báo cáo định kỳ 6 tháng một lần)
Kính gửi: - UBND tỉnh.........
- Bộ trưởng Bộ NN & PTNT
1. Tổng số các công trình đang được thi công xây dựng tại địa phương trong giai đoạn báo cáo, trong đó:
- Các công trình của các Bộ, ngành (phân theo nhóm A, B, C).
- Các công trình của địa phương (phân theo nhóm A, B, C).
Phân theo nguồn vốn:
- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước.
- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.
2. Số lượng các công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng tại địa phương trong giai đoạn báo cáo, trong đó:
- Các công trình của các Bộ, ngành (phân theo nhóm A, B, C).
Phân theo nguồn vốn:
- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước.
- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.
Đánh giá chất lượng các công trình của địa phương đã đưa vào sư dụng trong giai đoạn báo cáo.
Việc sử lý các vi phạm Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn báo cáo.
3. Số lượng các công trình bắt đầu triển khai thi công xây dựng tại địa phương trong giai đoạn báo cáo, trong đó:
- Các công trình của các Bộ, ngành (phân theo nhóm A, B, C)
- Các công trình của địa phương (phân theo nhóm A, B, C).
Phân theo nguồn vốn:
- Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước.
- Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
- Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.
4. Việc thực hiện Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình chung cư, công trình kỹ thuật hạ tầng (cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông đô thị, xử lý nước thải và chất thải...), khu công nghiệp.
5. Các công trình đã được Sở Xây dựng và các Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán trong giai đoạn báo cáo, trong đó:
- Phân theo nhóm A, B, C.
- Phân theo nguồn vốn:
+ Đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước.
+ Có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
+ Đầu tư bằng các nguồn vốn khác.
Đánh giá chất lượng thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán các công trình do địa phương quản lý.
6. Các công trình đã được Sở Xây dựng và các Sở NN & PTNT kiểm tra công tác nghiệm thu trong giai đoạn báo cáo.
7. Các sự cố công trình xây dựng xảy ra tại địa phương trong giai đoạn báo cáo (phân theo nhóm và theo nguồn vốn):
- Tên công trình xảy ra sự cố;
- Chủ đầu tư;
- Thời điểm xảy ra sự cố (giờ, ngày, tháng);
- Tình hình thiệt hại (thiệt hại về người, về vật chất...);
- Nguyên nhân sự cố;
- Biện pháp và tình hình khắc phục.
8. Những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương.
Nơi nhận: | Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ký tên, đóng dấu)
|
- 1 Tiêu chuẩn ngành 14 TCN 20:2004 về đập đất - Yêu cầu kỹ thuật thi công bằng phương pháp đầm nén
- 2 Tiêu chuẩn ngành 14TCN 9:2003 về công trình thuỷ lợi - Kênh đất - Yêu cầu kỹ thuật thi công và nghiệm thu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 11/2001/QĐ-BNN-XDCB ban hành Quy chế quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Quyết định 17/2000/QĐ-BXD về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5 Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 6 Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 7 Nghị định 73-CP năm 1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn