Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 956/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 13 tháng 4 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, CÁC HỘI ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG THEO SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC CỦA TỈNH HƯNG YÊN, GIAI ĐOẠN 2015-2021

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20/11/2014;

Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;

Căn cứ Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;

Căn cứ Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 19/8/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 174/TTr-SNV ngày 13/3/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc của tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021 (sau đây gọi tắt là Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thời gian thực hiện Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021 tính kể từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021.

2. Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện

a) Các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc; các công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh làm chủ sở hữu:

- Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, các quy định của pháp luật có liên quan và nội dung Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021 đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được biết để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021; xây dựng và thực hiện nghiêm túc lộ trình, phương án, giải pháp, tỷ lệ tinh giản biên chế, số lượng biên chế công chức và số lượng người làm việc cắt giảm từng năm theo quy định.

- Thành lập Hội đồng thẩm định chính sách tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện theo quy định.

- Trên cơ sở Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thuộc đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo định kỳ 02 lần/năm (06 tháng 01 lần) gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính phê duyệt.

- Ban hành quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thực hiện tinh giản biên chế và giải quyết chế độ, chính sách đối với từng đối tượng tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế.

- Định kỳ vào ngày 15/12 hàng năm, báo cáo tổng hợp kết quả và đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021, gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

- Thực hiện nghiêm việc tuyển dụng, tiếp nhận, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong phạm vi số lượng biên chế, số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm.

- Trong quá trình thực hiện, trường hợp có những vướng mắc, phát sinh hoặc có văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, nếu thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021, các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất ý kiến bằng văn bản, gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

b) Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh - truyền hình của tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách tinh giản biên chế đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021.

c) Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021 theo đúng quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị giai đoạn 2015-2021, Kế hoạch tinh giản biên chế của từng năm và lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế, dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị.

- Thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị theo định kỳ 02 lần/năm (6 tháng 01 lần).

- Lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của tỉnh định kỳ 02 lần/năm (6 tháng 01 lần) trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính phê duyệt.

- Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, sử dụng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và số biên chế đã thực hiện tinh giản, nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định. Theo dõi, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm và đề xuất phương án sắp xếp, cắt giảm số biên chế thực hiện vượt số biên chế được giao đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện vượt số biên chế được giao.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện và tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

- Định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

d) Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021 theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc cấp phát, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

- Xây dựng phương án bố trí kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Dự toán kinh phí tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị; thẩm định và cấp kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

- Phối hợp với Sở Nội vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, các quy định của pháp luật có liên quan và nội dung Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021.

- Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo về kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, gửi Sở Nội vụ tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế của tỉnh.

- Hướng dẫn các tổ chức hội xã hội, xã hội nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng định mức khoán kinh phí đối với các hội thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

đ) Bảo hiểm xã hội tỉnh:

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021 theo quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố tổ chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan; tính thời gian công tác và xác nhận thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội đến thời điểm thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp thực hiện tinh giản biên chế.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phóng

 

ĐỀ ÁN

TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, CÁC HỘI ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG THEO SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC CỦA TỈNH HƯNG YÊN, GIAI ĐOẠN 2015-2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN TINH GIẢN BIÊN CHẾ TỈNH HƯNG YÊN, GIAI ĐOẠN 2015-2021

I. SỰ CẦN THIẾT

Cùng với đổi mới kinh tế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết về đổi mới hệ thống chính trị: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 09/02/2007 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Hưng Yên đã tập trung triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc và đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn nhiều đầu mối, tổ chức bên trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã được sắp xếp, tổ chức lại nhưng vẫn chưa thực sự tinh gọn; một số cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ còn diễn ra ở một số cấp, một số ngành. Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa hiệu quả; trách nhiệm người đứng đầu một số cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đề cao; quản lý và sử dụng biên chế chưa hiệu quả; ngân sách chi lương và chi thường xuyên cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi của tỉnh.

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, thực tiễn nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với tổ chức bộ máy nhà nước của tỉnh Hưng Yên cần phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện để xây dựng chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong tỉnh.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 đòi hỏi phải được sự quan tâm, phối hợp thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nhằm đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tuyển chọn những người có trình độ, năng lực tham gia vào bộ máy nhà nước, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, tiết kiệm ngân sách nhà nước, cải cách chính sách tiền lương, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 được xây dựng theo lộ trình thời gian với những mục tiêu, kế hoạch và giải pháp cụ thể để các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ, Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 19/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015.

2. Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008.

3. Luật Viên chức ngày 15/11/2010.

4. Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20/11/2014.

5. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

6. Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

7. Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

8. Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức.

9. Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

10. Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

11. Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

12. Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

13. Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

14. Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

15. Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

16. Công văn số 2591/BNV-TCBC ngày 10/6/2016 của Bộ Nội vụ về việc quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp và tinh giản biên chế.

17. Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 19/8/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do UBND tỉnh làm chủ sở hữu; cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội có tính chất đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao.

IV. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Mục đích, yêu cầu

a) Tinh giản biên chế nhằm rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, bảo đảm tính chuyên nghiệp về hoạt động chuyên môn; góp phần đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; góp phần quan trọng đổi mới hệ thống chính trị, hành chính, sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

b) Bố trí đúng người, đúng việc theo vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, khung năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.

c) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số biên chế của cơ quan, tổ chức được giao năm 2015. Đối với các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, địa phương chưa thực hiện tinh giản biên chế thì phải xác định tỷ lệ tinh giản trong 04 năm còn lại bình quân giảm ít nhất 2,5%/năm số biên chế được giao năm 2015.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 nhưng chưa bảo đảm tỷ lệ tinh giản biên chế theo quy định thì phải xây dựng Đề án tinh giản biên chế (điều chỉnh) cho phù hợp và đề xuất những giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 và Kế hoạch tinh giản biên chế theo từng năm từ nay đến năm 2021.

2. Nguyên tắc tinh giản biên chế

a) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của nhà nước và việc chấp hành nghiêm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.

b) Tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và thực hiện rà soát, bố trí, sắp xếp, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định hiện hành của Nhà nước.

c) Thực hiện theo đúng nguyên tắc và trình tự thực hiện tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 và danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.

d) Bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách. Không áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với những người vì lý do cá nhân hoặc không thuộc đối tượng tinh giản biên chế xin được vận dụng chính sách tinh giản biên chế. Việc chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế phải kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

đ) Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

e) Tinh giản biên chế được thực hiện trong 07 năm (2015-2021), trong đó mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến hết năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2015. Việc quản lý và sử dụng số biên chế đã tinh giản thực hiện nghiêm theo đúng quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

g) Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ, ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

I. TỔ CHỨC BỘ MÁY

1. Về số lượng, cơ cấu tổ chức bộ máy

1.1. Cơ quan hành chính các cấp

a) Các cơ quan hành chính cấp tỉnh:

Tỉnh Hưng Yên hiện có 20 cơ quan hành chính cấp tỉnh, gồm: 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP; 01 cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh (Văn phòng HĐND tỉnh) và 02 cơ quan hành chính cấp tỉnh khác thuộc UBND tỉnh (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu Đại học Phố Hiến). Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan hành chính cấp tỉnh có 138 phòng và tương đương (văn phòng, thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ), 17 chi cục, 02 Ban trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

b) Các cơ quan hành chính cấp huyện:

Tỉnh Hưng Yên hiện có 09 huyện và 01 thành phố trực thuộc tỉnh. Theo quy định tại Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, Quyết định số 952/QĐ-UBND ngày 19/6/2014 của UBND tỉnh quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hưng Yên và Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 19/6/2014 của UBND tỉnh quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện thì toàn tỉnh có 120 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trong đó mỗi cấp huyện có 10 phòng được tổ chức thống nhất; ngoài ra, đối với UBND thành phố Hưng Yên có phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị; đối với UBND các huyện có phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và hạ tầng.

c) Các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã):

Tỉnh Hưng Yên hiện có 161 xã, phường, thị trấn (gồm 145 xã, 07 phường, 09 thị trấn), trong đó có 09 đơn vị hành chính cấp xã loại I, 83 đơn vị hành chính cấp xã loại II và 69 đơn vị hành chính cấp xã loại III.

1.2. Đơn vị sự nghiệp công lập

Tính đến tháng 4/2015, tỉnh Hưng Yên có 832 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:

- 05 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh.

- 268 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

- 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

- 11 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục thuộc Sở.

- 547 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, gồm:

+ Sự nghiệp giáo dục và đào tạo: 515 đơn vị (166 trường mầm non; 169 trường tiểu học; 171 trường trung học cơ sở; 09 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thành phố).

+ Sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch, phát thanh và truyền hình: 20 đơn vị (10 Đài truyền thanh huyện, thành phố; 10 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện, thành phố).

+ Sự nghiệp khác: 12 đơn vị (01 Ban Quản lý dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; 10 Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; 01 Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố.

1.3. Các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc

Toàn tỉnh có 09 tổ chức hội có tính chất đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao, bao gồm: Liên minh các hợp tác xã tỉnh Hưng Yên, Hội Luật gia tỉnh Hưng Yên, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên, Hội Chữ thập đỏ (cấp tỉnh, cấp huyện); Hội Đông y tỉnh Hưng Yên; Hội Người mù (cấp tỉnh, cấp huyện); Hội khuyến học tỉnh Hưng Yên; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hưng Yên.

2. Đánh giá chung

2.1. Ưu điểm

- Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện kịp thời, cơ bản theo đúng quy định của Bộ Chính trị, Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong từng thời điểm cụ thể.

- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; bước đầu khắc phục sự chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ hoặc buông lỏng quản lý. Cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị đã có bước điều chỉnh giảm đầu mối, khắc phục một phần tình trạng phân tán và nhiều tầng nấc trung gian. Một số cơ quan quản lý nhà nước đơn ngành, đơn lĩnh vực được sắp xếp lại theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tạo sự liên thông, thống nhất trong giải quyết công việc. Từ khi thực hiện các Nghị định của Chính phủ: Số 13/2008/NĐ-CP và số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008; số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014, tỉnh đã sắp xếp, thu gọn đầu mối đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh từ 21 sở, ngành xuống còn 17 sở, ngành; các cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 13 phòng xuống còn 12 phòng. Khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn cùng cấp theo nguyên tắc mỗi việc chỉ do một cơ quan chủ trì, đảm nhiệm, làm rõ hơn trách nhiệm của tổ chức và cá nhân người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý các đơn vị sự nghiệp, từng bước tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sự nghiệp dịch vụ công.

- Các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển sinh đảm bảo theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chú trọng đổi mới công tác dạy và học, từng bước áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Các trường chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề của tỉnh từng bước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo để tuyển sinh, đa dạng ngành nghề đào tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người học.

- Tỉnh đã kịp thời ban hành các quy chế, quy định phân cấp, ủy quyền đối với các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức nhằm tăng tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cấp trên.

2.2. Tồn tại, hạn chế

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã chưa đồng bộ, quyết liệt, chưa tập trung vào những khâu yếu kém để tập trung giải quyết. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện của các sở, ngành, địa phương chưa được chú trọng, chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân làm chưa tốt.

- Các cơ quan, đơn vị cơ bản bố trí tối đa số lượng phòng, ban, đơn vị trực thuộc theo quy định của Trung ương, chưa thực sự quan tâm đến điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, dẫn đến tăng đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị, tăng biên chế, tăng kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ.

- Tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập ở một số lĩnh vực chưa hợp lý, chưa theo kịp nhu cầu phát triển và đặc điểm của địa phương; có đơn vị đã bộc lộ nhiều bất cập nhưng chưa đề xuất đổi mới. Thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập ở hầu hết các lĩnh vực còn chậm, chưa đạt yêu cầu.

- Trong mỗi cơ quan, đơn vị, mô hình tổ chức cũng có xu hướng ngày càng chia ra làm nhiều bộ phận, phòng, ban để tạo thêm các chức vụ, vị trí. Cơ cấu tổ chức chưa xuất phát từ công việc, mà từ ý chí chủ quan của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chủ động trong việc nghiên cứu, tìm các giải pháp đột phá để đẩy mạnh cải cách hành chính theo lĩnh vực, ngành phụ trách.

- Vẫn còn có cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực hiện cải cách hành chính mà mình phụ trách, từ đó thiếu sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện thủ tục hành chính, chưa có biện pháp quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

2.3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Quy định của Nhà nước về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức chậm được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung; một số văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương có nội dung chưa phù hợp với quy định của Chính phủ.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có quyết tâm chính trị trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do nhiệm vụ này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cơ quan, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương đó.

- Đơn vị sự nghiệp công lập có thu đủ điều kiện chuyển sang đơn vị tự chủ nhưng chậm thực hiện do tâm lý trông chờ vào ngân sách, biên chế của Nhà nước, sợ rủi ro.

II. BIÊN CHẾ, SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC; CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

1. Biên chế công chức, số lượng người làm việc và lao động hợp đồng

a) Về biên chế, số lượng người làm việc

- Biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế cán bộ, công chức cấp xã (sau đây gọi chung là biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp, biên chế cán bộ, công chức cấp xã) được giao năm 2015 là 27.628 biên chế (bao gồm cả 557 người được Bộ Nội vụ bổ sung cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Hưng Yên năm 2016: mầm non 418 người, tiểu học 139 người), cụ thể như sau:

+ Biên chế hành chính: 1.894 biên chế (các sở, ban, ngành tỉnh 996; các huyện, thành phố 889; dự phòng 09);

+ Biên chế sự nghiệp: 22.230 biên chế (các đơn vị sự nghiệp công lập 22.229; các hội đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao 86; dự phòng 15).

+ Biên chế cán bộ, công chức cấp xã: 3.404 biên chế (theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/5/2010 của UBND tỉnh về việc quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên).

- Tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã có mặt đến thời điểm 30/6/2016 là 26.885 người, gồm:

+ Cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện: 1.855 người (cấp tỉnh 975 người; cấp huyện 880 người), chiếm tỷ lệ 6,90% so với tổng biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp và biên chế cán bộ, công chức cấp xã.

+ Cán bộ, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện: 21.652 người (cấp tỉnh 7.540 người; cấp huyện 14.112 người), chiếm tỷ lệ 80,54% so với tổng biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp và biên chế cán bộ, công chức cấp xã.

+ Cán bộ, công chức cấp xã: 3.378 người (cán bộ cấp xã 1.610 người; công chức cấp xã 1.768 người), chiếm tỷ lệ 12,56% so với tổng biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp và biên chế cán bộ, công chức cấp xã.

b) Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP

Tổng số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh hiện có mặt đến thời điểm 01/3/2017 là 407 người, trong đó:

- Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố: 164 người;

- Các đơn vị sự nghiệp công lập: 243 người.

2. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập toàn tỉnh có mặt đến thời điểm 30/6/2016 là 26.885 người.

a) Về trình độ chuyên môn

- Trình độ cán bộ, công chức hiện có mặt trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện: Tiến sỹ 07 người, chiếm tỷ lệ 0,03%; thạc sỹ 294 người, chiếm tỷ lệ 1,09%; đại học 1.453 người, chiếm tỷ lệ 5,40%; cao đẳng 25 người, chiếm tỷ lệ 0,09%; trung cấp 59 người, chiếm tỷ lệ 0,22%; sơ cấp và chưa có bằng chuyên môn 17 người, chiếm tỷ lệ 0,06%.

- Trình độ cán bộ, viên chức hiện có mặt trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Tiến sỹ 30 người, chiếm tỷ lệ 0,11%; thạc sỹ 766 người, chiếm tỷ lệ 2,85%; đại học 9.012 người, chiếm tỷ lệ 33,52%; cao đẳng 4.442 người, chiếm tỷ lệ 16,52%; trung cấp 6.556 người, chiếm tỷ lệ 24,39%; sơ cấp và chưa có bằng chuyên môn 846 người, chiếm tỷ lệ 3,15%.

- Trình độ cán bộ, công chức cấp xã hiện có mặt: Thạc sỹ 17 người, chiếm tỷ lệ 0,06%; đại học 1.489 người, chiếm tỷ lệ 5,54%; cao đẳng 117 người, chiếm tỷ lệ 0,44%; trung cấp 1.581 người, chiếm tỷ lệ 5,88%; sơ cấp và chưa có bằng chuyên môn 174 người, chiếm tỷ lệ 0,65%.

b) Về trình độ lý luận chính trị

- Cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện 1.326 người, gồm: 46 cử nhân, chiếm tỷ lệ 0,17%; 281 cao cấp, chiếm tỷ lệ 1,04%; 309 trung cấp, chiếm tỷ lệ 1,15%; 690 sơ cấp, chiếm tỷ lệ 2,57%;

- Cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện 16.974 người, gồm: 312 cử nhân, chiếm tỷ lệ 1,16%; 312 cao cấp, chiếm tỷ lệ 1,16%; 6.556 trung cấp, chiếm tỷ lệ 24,38%; 9.794 sơ cấp, chiếm tỷ lệ 36,43%;

- Cán bộ, công chức cấp xã 2.818 người, gồm: 42 cao cấp, chiếm tỷ lệ 0,16%; 1.857 trung cấp, chiếm tỷ lệ 6,90%; 9.794 sơ cấp, chiếm tỷ lệ 3,42%.

c) Về trình độ quản lý nhà nước

- Cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện: Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương 13 người, chiếm tỷ lệ 0,04%; ngạch chuyên viên chính và tương đương 151 người, chiếm tỷ lệ 0,57%; ngạch chuyên viên và tương đương 1.588 người, chiếm tỷ lệ 5,91%; ngạch cán sự và tương đương 78 người, chiếm tỷ lệ 0,29%; còn lại 25 người, chiếm tỷ lệ 0,09%;

- Cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện: Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương 01 người, chiếm tỷ lệ 0,01%; ngạch chuyên viên chính và tương đương 116 người, chiếm tỷ lệ 0,43%; ngạch chuyên viên và tương đương 14.070 người, chiếm tỷ lệ 52,33%; ngạch cán sự và tương đương 6.614 người, chiếm tỷ lệ 24,60%; còn lại 851 người, chiếm tỷ lệ 3,16%;

- Cán bộ, công chức cấp xã: Ngạch chuyên viên chính và tương đương 12 người, chiếm tỷ lệ 0,05%; ngạch chuyên viên và tương đương 1.548 người, chiếm tỷ lệ 45,83%; ngạch cán sự và tương đương 1.559 người, chiếm tỷ lệ 1,09%; còn lại 3.074 người, chiếm tỷ lệ 11,44%.

d) Về trình độ ngoại ngữ

- Cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện: 1.471 người có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh từ trình độ A trở lên, chiếm tỷ lệ 5,47%; 49 người có trình độ ngoại ngữ khác từ trình độ A trở lên, chiếm tỷ lệ 0,18%;

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện: 8.439 người có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh từ trình độ A trở lên, chiếm tỷ lệ 31,38%; 1.102 người có trình độ ngoại ngữ khác từ trình độ A trở lên, chiếm tỷ lệ 4,10%.

- Cán bộ, công chức cấp xã: 793 người có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh từ trình độ A trở lên, chiếm tỷ lệ 2,95%.

đ) Về trình độ tin học

- Cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện: 37 người có trình độ cử nhân, chiếm tỷ lệ 0,14%; 05 người có trình độ cao đẳng, chiếm tỷ lệ 0,02%; 74 người có trình độ trung cấp, chiếm tỷ lệ 0,28%; 1.428 người có chứng chỉ, chiếm tỷ lệ 5,31%;

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện: 665 người có trình độ cử nhân, chiếm tỷ lệ 2,47%; 194 người có trình độ cao đẳng, chiếm tỷ lệ 0,72%; 136 người có trình độ trung cấp, chiếm tỷ lệ 0,50%; 9.038 người có chứng chỉ, chiếm tỷ lệ 33,62%.

- Cán bộ, công chức cấp xã: 15 người có trình độ trung cấp trở lên, chiếm tỷ lệ 0,06%; 1.038 người có chứng chỉ, chiếm tỷ lệ 3,86%.

e) Về cơ cấu độ tuổi, giới tính

- Độ tuổi của cán bộ, công chức trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện: Từ 30 tuổi trở xuống có 526 người, chiếm tỷ lệ 1,95%; từ 31 tuổi đến 40 tuổi có 734 người, chiếm tỷ lệ 2,73%; từ 41 tuổi đến 50 tuổi có 399 người, chiếm tỷ lệ 1,48%; từ 51 tuổi đến 60 tuổi có 196 người, chiếm tỷ lệ 0,73%;

- Độ tuổi của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện: Từ 30 tuổi trở xuống có 6.167 người, chiếm tỷ lệ 22,93%; từ 31 tuổi đến 40 tuổi có 9.964 người, chiếm tỷ lệ 37,06%; từ 41 tuổi đến 50 tuổi có 3.908 người, chiếm tỷ lệ 14,53%; từ 51 tuổi đến 60 tuổi có 1.613 người, chiếm tỷ lệ 5,99%;

- Độ tuổi của cán bộ, công chức cấp xã: Dưới 30 tuổi có 446 người, chiếm tỷ lệ 1,66%; từ 30 tuổi đến dưới 45 tuổi có 1.194 người, chiếm tỷ lệ 4,44%; từ 45 tuổi đến dưới 55 tuổi có 1.093 người, chiếm tỷ lệ 4,06%; từ 56 tuổi đến 60 tuổi có 595 người, chiếm tỷ lệ 2,21%; trên 60 tuổi có 50 người, chiếm 0,19%.

g) Về giới tính

Có 19.383 nữ, chiếm 72,09%, trong đó:

- Nữ cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện có 678 người, chiếm tỷ lệ 2,52%;

- Nữ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện có 17.886 người chiếm tỷ lệ 66,53%;

- Nữ cán bộ, công chức cấp xã có 819 người, chiếm tỷ lệ 3,04%.

3. Đánh giá chung

a) Ưu điểm

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Đến nay, cơ bản cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn theo quy định; tinh thần, thái độ phục vụ, đạo đức công vụ, các kỹ năng nghiệp vụ, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Công tác tuyển dụng công chức, viên chức cơ bản thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, khách quan, đúng quy định của Nhà nước và quy định của tỉnh. Người được tuyển dụng cơ bản đảm bảo đúng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

- Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh, trong đó tập trung đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học ở những lĩnh vực tỉnh cần và thu hút, ưu đãi những người có trình độ cao về tỉnh công tác.

- Công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức, viên chức được triển khai, thực hiện định kỳ, thường xuyên, bảo đảm khách quan, dân chủ; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, UBND các cấp; các cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ có triển vọng, trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết, khắc phục từng bước tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho từng giai đoạn.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy định. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những vấn đề vướng mắc, yếu kém, sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

b) Tồn tại, hạn chế

- Quản lý, sử dụng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm túc, còn lãng phí, chưa phù hợp với vị trí việc làm; thiếu giải pháp và chưa quyết liệt trong sắp xếp, tinh giản cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ; cơ cấu biên chế chưa cân đối ở một số ngành, lĩnh vực.

- Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hạn chế về trình độ chuyên môn; chưa nhiệt tình, thân thiện, vẫn còn có biểu hiện tiêu cực khi giải quyết công việc của các tổ chức và công dân. Chất lượng tham mưu, đề xuất của một số cán bộ, công chức chuyên môn khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính chưa đảm bảo về chất lượng và thời gian theo yêu cầu.

- Việc xây dựng và xác định vị trí việc làm là vấn đề mới và khó do trong nhiều năm việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu dựa vào thâm niên, kinh nghiệm công tác. Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức vào quy hoạch còn chung chung, chưa được cụ thể hóa trong từng ngành, lĩnh vực. Tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm cán bộ có những điểm chưa phù hợp. Chưa có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chiến lược đào tạo chuyên gia giỏi cho các lĩnh vực tỉnh cần.

- Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính hình thức, nể nang, chưa sát với kết quả thực tế.

- Trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời các sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Còn có cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.

- Công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị chưa thường xuyên; hầu hết các sai phạm được phát hiện qua giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, qua thanh tra kiểm tra của cơ quan cấp trên.

Phần thứ ba

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TINH GIẢN BIÊN CHẾ

I. QUAN ĐIỂM

1. Phải có quyết tâm chính trị cao, giữ vững và phát huy hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước.

2. Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và phân cấp quản lý hiện hành. Vừa bám sát chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa mạnh dạn đổi mới, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương.

3. Xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn để điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp với xu thế xã hội. Lấy ổn định, phát triển, công khai, minh bạch, công bằng làm mục tiêu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; quyết liệt nhưng phải thận trọng, không nóng vội, duy ý chí trong triển khai thực hiện.

4. Kiện toàn tổ chức bộ máy phải đảm bảo khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến hành đồng bộ đổi mới tổ chức bộ máy với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; cải cách khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

II. MỤC TIÊU

1. Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế toàn tỉnh theo lộ trình giảm dần đến năm 2021 đạt tối thiểu 10% biên chế được giao năm 2015 là 2.466 biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp, trong đó: các cơ quan, tổ chức hành chính 208 biên chế; các đơn vị sự nghiệp công lập 2.258 biên chế.

3. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu từ sự nghiệp.

4. Từ năm 2018 trở đi, các cơ quan, đơn vị chấm dứt lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn. Trường hợp cần thiết, các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh để xem xét cho hợp đồng lao động trong số chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng đã được cơ quan có thẩm quyền giao.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng thuộc quyền quản lý về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế để nâng cao trách nhiệm, thống nhất trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh và của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ để xác định những nhiệm vụ không còn phù hợp cần loại bỏ, những nhiệm vụ trùng lắp cần chuyển giao sang các cơ quan, đơn vị khác đảm nhiệm.

3. Thực hiện nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giữ ổn định về cơ cấu tổ chức; nghiên cứu sắp xếp một số tổ chức có khối lượng công việc thực tế ít, chức năng, phạm vi, đối tượng quản lý có nhiều giao thoa với các đơn vị khác của tỉnh.

4. Tiếp tục hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, khung năng lực cho từng vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh để làm căn cứ xác định biên chế, số lượng người làm việc đúng, đủ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

5. Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất. Xây dựng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và năng lực, trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ một cách hợp lý.

6. Không tăng biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Trường hợp thành lập mới cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc bổ sung nhiệm vụ mới thì tỉnh sẽ cân đối, điều chỉnh giảm biên chế của những cơ quan, đơn vị có khối lượng công việc ít, chưa sử dụng hết số biên chế công chức, số lượng người làm việc được giao để bổ sung cho những tổ chức thành lập mới hoặc bổ sung nhiệm vụ mới hoặc các cơ quan, tổ chức đơn vị đang có khối lượng công việc được giao lớn.

7. Thực hiện tinh giản biên chế ở các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh

a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tiến hành rà soát trình độ đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thuộc quyền quản lý theo tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn đối với ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm để có kế hoạch sắp xếp, bố trí cho phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ.

- Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo kết quả công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn đối với ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức để lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất giữ lại làm việc ổn định lâu dài và những cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong diện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

- Tổng hợp số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật từ năm 2015 đến năm 2021.

- Phối hợp với cấp ủy, tổ chức công đoàn cùng cấp xây dựng, hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trong đó xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 07 năm (từ 2015-2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế được giao năm 2015, trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, đối với đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% sang cơ chế tự chủ trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

b) Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giao quản lý. Kết quả tổ chức triển khai thực hiện tinh giản biên chế được gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; không đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không hoàn thành tinh giản biên chế.

c) Chỉ sử dụng tối đa không quá 50% số công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế do thực hiện tinh giản biên chế và giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật để tuyển dụng mới công chức, viên chức thay thế (trừ cán bộ, công chức cấp xã).

d) Thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách về hưu đúng tuổi đối với công chức, viên chức theo đúng quy định của pháp luật.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình giao, quản lý sử dụng biên chế và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phần thứ tư

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ GIAI ĐOẠN 2015-2021

I. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

1. Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

- Tiếp tục tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đó điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.

- Không ngừng đổi mới lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị.

- Từng bước hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý hành chính giữa cấp tỉnh và cấp huyện, đề cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm và năng lực của từng cấp, từng ngành; đồng thời, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra.

- Phân loại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công các nhu cầu cơ bản thiết yếu phục vụ nhân dân.

- Xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2021 chuyển đổi cơ chế hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ sang tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn hoặc chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công như các đơn vị lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ và sự nghiệp khác.

2. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

- Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, vị trí việc làm và năng lực, trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ công chức theo quy định pháp luật. Việc đánh giá, phân loại, khen thưởng kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức phải theo các tiêu chí cụ thể, gắn với chất lượng, hiệu quả công việc; đồng thời, thực hiện chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

3. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được bố trí đủ theo các chức danh được quy định theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao, chất lượng có những chuyển biến tích cực. Để tiếp tục sử dụng và quản lý tốt đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo tinh gọn biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với thực tiễn, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Tiếp tục sắp xếp, bố trí cán bộ, tuyển dụng công chức cấp xã để bố trí các chức danh theo quy định; rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có chất lượng; quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế đối với những công chức cấp xã không đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng hạn chế về năng lực, về sức khỏe.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã gắn với công tác quy hoạch cán bộ, công chức. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo các chức danh, vị trí việc làm. Đối với cán bộ trẻ, cán bộ tạo nguồn, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hành chính để đáp ứng yêu cầu lâu dài.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có phẩm chất, trình độ và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, đồng bộ về chất lượng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công vụ; kiên quyết xử lý đối với những cán bộ, công chức cấp xã có ý thức tổ chức kỷ luật kém, không hoàn thành nhiệm vụ, nhũng nhiễu, hách dịch, gây khó khăn, cửa quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn cho công dân; để kịp thời thay thế, luân chuyển và đề bạt công chức trẻ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

II. PHƯƠNG ÁN ĐỔI MỚI, HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH

1. Đối với các cơ quan hành chính

- Thực hiện nghiêm cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thực hiện nghiêm chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình trong quản lý, sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính được giao. Thực hiện các biện pháp tiết kiệm trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ theo từng giai đoạn, tổ chức thảo luận dân chủ, công khai các khoản chi, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; thực hiện chi đúng định mức các chế độ, chính sách đối với công chức theo quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức hành chính được tham gia thực hiện và giám sát thực hiện phương án sử dụng biên chế, kinh phí theo quy định của Nhà nước.

- Đẩy mạnh việc xác định vị trí việc làm để có thể xác định được số lượng người làm việc hợp lý trong cơ quan, tổ chức; đồng thời, không thực hiện ký hợp đồng lao động mới tại các cơ quan hành chính, tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

- Tiếp tục nghiên cứu, quy định lại chức danh để giảm số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khuyến khích kiêm nhiệm; đồng thời, thực hiện khoán quỹ phụ cấp để giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn và tăng thu nhập cho đối tượng này.

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp

- Triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Triển khai thực hiện Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

- Triển khai thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

- Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được thành lập, giao các nhiệm vụ mà các tổ chức tư nhân không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Thực hiện giảm dần các dịch vụ sự nghiệp công lập mà tổ chức tư nhân đang thực hiện nhiều, hiệu quả. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế việc trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

- Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (cơ sở dạy nghề, bệnh viện,...) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học.

- Xây dựng và triển khai lộ trình hàng năm từ nay đến năm 2021 để chuyển đổi cơ chế tự chủ của một số đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ sang tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn hoặc chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để giảm biên chế sự nghiệp.

III. PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị để có phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, bảo đảm chất lượng; xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, khung năng lực cho từng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

2. Đề xuất số lượng biên chế có thể giảm so với số lượng biên chế được giao trên cơ sở phân công công việc hợp lý; tăng cường kiêm nhiệm; giảm bộ phận trung gian, hành chính, phục vụ; cho thôi việc đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoàn thành nhưng còn hạn chế về năng lực theo quy định, 02 năm liên tiếp có số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định,...

3. Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hàng năm theo quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở rà soát, tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

4. Lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất giữ lại làm việc ổn định, lâu dài.

IV. DỰ KIẾN THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ GIAI ĐOẠN 2015-2021

1. Các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện

Biên chế công chức trong các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố dự kiến thực hiện tinh giản (cắt giảm) giai đoạn 2015-2021 là 208 biên chế, đạt 10,98%, trong đó:

- Các sở, ban, ngành: 107 biên chế;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: 92 biên chế;

- Dự phòng: 09 biên chế.

(Chi tiết tại Phụ lục số 02 kèm theo)

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc của tỉnh dự kiến tinh giản (cắt giảm) giai đoạn 2015-2021 là 2.258 người, đạt 10,11%, trong đó:

- Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, ban, ngành; các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc: 812 người;

- Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện, thành phố: 1.431 người;

- Dự phòng: 15 người.

(Chi tiết tại Phụ lục số 03 kèm theo)

3. Cấp xã

Biên chế công chức cấp xã của tỉnh dự kiến thực hiện tinh giản (không cắt giảm) giai đoạn 2015-2021 là 341 người, đạt 10,02%.

(Chi tiết tại Phụ lục số 04 kèm theo)

V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nguồn kinh phí xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 thực hiện theo quy định của pháp luật.

Phần thứ năm

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Thời gian thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 tính kể từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc, các công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh làm chủ sở hữu

- Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, các quy định của pháp luật có liên quan và nội dung Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị được biết để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021; xây dựng và thực hiện nghiêm túc lộ trình, phương án, giải pháp, tỷ lệ tinh giản biên chế, số lượng biên chế công chức và số lượng người làm việc cắt giảm từng năm theo quy định.

- Thành lập Hội đồng thẩm định chính sách tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện theo quy định.

- Trên cơ sở Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thuộc đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo định kỳ 02 lần/năm (06 tháng 01 lần) gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính phê duyệt.

- Ban hành quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thực hiện tinh giản biên chế và giải quyết chế độ, chính sách đối với từng đối tượng tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế.

- Định kỳ vào ngày 15/12 hàng năm, báo cáo tổng hợp kết quả và đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị theo Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021, gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

- Thực hiện nghiêm việc tuyển dụng, tiếp nhận, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong phạm vi số lượng biên chế, số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của cơ quan, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm.

- Trong quá trình thực hiện, trường hợp có những vướng mắc, phát sinh hoặc có văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, nếu thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021, các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất ý kiến bằng văn bản, gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh - truyền hình của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách tinh giản biên chế đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021.

3. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 theo đúng quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị giai đoạn 2015-2021, Kế hoạch tinh giản biên chế của từng năm và lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế, dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị.

- Thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị theo định kỳ 02 lần/năm (6 tháng 01 lần).

- Lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của tỉnh theo định kỳ 02 lần/năm (6 tháng 01 lần) trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính phê duyệt.

- Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, sử dụng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và số biên chế đã thực hiện tinh giản, nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định. Theo dõi, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm và đề xuất phương án sắp xếp, cắt giảm số biên chế vượt số biên chế được giao đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện vượt số biên chế được giao.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện và tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

- Định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

4. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc cấp phát, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

- Xây dựng phương án bố trí kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Dự toán kinh phí tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị; thẩm định và cấp kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

- Phối hợp với Sở Nội vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, các quy định của pháp luật có liên quan và nội dung Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021.

- Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo về kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, gửi Sở Nội vụ tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế của tỉnh.

- Hướng dẫn các tổ chức hội xã hội, xã hội nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng định mức khoán kinh phí đối với các hội thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015-2021 theo quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố tổ chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan; tính thời gian công tác và xác nhận thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội đến thời điểm thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp thực hiện tinh giản biên chế.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Phần thứ sáu

ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Để kịp thời thực hiện chế độ, chính sách cho người nghỉ hưu trước tuổi và tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện Đề án tinh giản biên chế, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP theo hướng thường xuyên thực hiện việc thẩm tra các đối tượng tinh giản biên chế theo đề nghị của bộ, ngành, địa phương; đồng thời sửa đổi, bổ sung, mở rộng thêm đối tượng tinh giản biên chế đối với các trường hợp không đủ điều kiện thực hiện tinh giản biên chế nhưng có đơn tự nguyện xin nghỉ hoặc được Hội đồng Giám định y khoa thẩm định không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định nhằm thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế.

2. Đề nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ cho phép tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù từ nguồn ngân sách tự cân đối của tỉnh để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đủ điều kiện thực hiện tinh giản biên chế nhưng có đơn tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế.

Trên đây là Đề án tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội được nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2021. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các hội có tính chất đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

PHỤ LỤC SỐ 01

DANH SÁCH ĐỀ ÁN TINH GIẢN BIÊN CHẾ CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ CÁC HỘI ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG THEO SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC, GIAI ĐOẠN 2015-2021
(Kèm theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh Hưng Yên)

STT

Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị

Ký hiệu văn bản

I

CẤP TỈNH

 

1

Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh

Đề án số 39/VP-HCTCQT ngày 12/4/2016 về việc xây dựng đề án tinh giản biên chế công chức giai đoạn 2015-2021

2

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Đề án số 56/ĐA-VPUB ngày 06/4/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 67/VP-HCTC ngày 29/3/2017

3

Sở Nội vụ

Đề án số 982/ĐA-SNV ngày 30/12/2016 của Sở Nội vụ về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ- CP

4

Sở Tài chính

Đề án số 01/ĐA-STC ngày 17/3/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 275/STC-VP ngày 24/4/2017 về hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021

5

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo Tờ trình số 1058/TTr-SKHĐT ngày 30/9/2015

6

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Đề án số 356/ĐA-SLĐTBXH ngày 14/4/2016 về đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021

7

Sở Nông nghiệp & PTNT

Đề án số 36/SNN-ĐATCBC ngày 11/4/2016 về tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021

8

Sở Tài nguyên và Môi trường

Đề án số 01/ĐA-STNMT ngày 7/3/2016 về tinh giản biên chế tổng thể giai đoạn 2015-2021 Sở Tài nguyên và Môi trường; Công văn số 308/STNMT-VP ngày 27/3/2017 về thực hiện Kế hoạch số 178/KH- UBND của UBND tỉnh

9

Sở Giao thông vận tải

Đề án số 693/ĐA-SGTVT ngày 11/4/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

10

Sở Công Thương

Đề án số 265/ĐA-SCT ngày 09/3/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 443/SCT-VP ngày 24/3/2017 về việc hoàn thiện đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021

11

Sở Xây dựng

Đề án số 70/ĐA-SXD ngày 29/02/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

12

Sở Y tế

Đề án số 93/ĐA-SYT ngày 28/1/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 408/SYT-TCCB ngày 04/5/2017 về hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021

13

Sở Giáo dục và Đào tạo

Đề án 446/ĐA-TCBC-SGDĐT ngày 03/4/2017 về Đề án điều chỉnh kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

14

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Đề án số 39/ĐA-SVHTTDL ngày 29/3/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

15

Sở Khoa học và Công nghệ

Đề án 03/ĐA-SKHCN ngày 04/4/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

16

Sở Thông tin và Truyền thông

Đề án số 163/DA-STTTT ngày 23/3/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 256/STTTT-VP ngày 24/4/2017 thực hiện lộ trình tinh giản

17

Sở Tư pháp

Đề án số 201/ĐA-ST ngày 31/3/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

18

Thanh tra tỉnh

Đề án số 01/ĐA-TTT ngày 23/5/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

19

Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến

Đề án số 02/ĐA-QBL ngày 05/5/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

20

Ban Quản lý các khu công nghiệp

Đề án số 104/ĐA-BQL ngày 26/02/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 183/BQL-VP ngày 22/3/2017 về triển khai kế hoạch tinh giản biên chế

21

Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên

Đề án số 84/ĐA-PTTH ngày 10/5/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 137/PTTH-TCHC ngày 24/3/3017 về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế

22

Trường Cao đẳng Y tế

Đề án số 68/ĐA-CĐY ngày 25/4/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

23

Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên

Đề án số 329/ĐA-CĐSP-TCCB ngày 11/7/2017 về đề nghị phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 của Trường CĐSP Hưng Yên

24

Trường Cao đẳng KT-KT Tô Hiệu

Đề án số 170/ĐA-CĐTH ngày 28/3/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

25

Quỹ Phát triển đất tỉnh

Đề án số 25 ngày 01/02/2016 tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

26

Hội Chữ thập đỏ tỉnh

Đề án số 01/ĐA-CTĐ ngày 10/12/2015 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

27

Hội Đông y tỉnh Hưng Yên

Đề án số 133/ĐA-HĐY ngày 06/11/2015 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

28

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh

Đề án số 01/ĐA-HVHNT ngày 20/01/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

29

Hội Người mù tỉnh

Báo cáo số 40/BC-HNM ngày 01/4/2016 về tinh giản biên chế

30

Hội Luật gia tỉnh

Đề án số 01/ĐA-HLG ngày 22/02/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

31

Hội Khuyến học

Công văn số 22/CV-HKH ngày 13/4/2016 về thực hiện tinh giản biên chế

32

Liên minh các hợp tác xã tỉnh (Liên minh các HTX và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX)

Đề án số 54A/ĐA-LMHTX ngày 07/6/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

II

CẤP HUYỆN

 

1

UBND thành phố Hưng Yên

Đề án số 22/ĐA-UBND về tinh giản biên chế khối nhà nước giai đoạn 2015-2021; 23/ĐA-UBND ngày 24/02/2016 về tinh giản biên chế khối các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2015-2021; 24/ĐA-UBND về tinh giản biên chế khối xã, thị trấn giai đoạn 2015-2021; Công văn số 271/UBND-NV ngày 23/3/2017 về việc hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế

2

UBND huyện Tiên Lữ

Đề án số 01/ĐA-UBND tháng 4/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 148/UBND-NV ngày 14/4/2017 về triển khai thực hiện tinh giản biên chế

3

UBND huyện Phù Cừ

Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 10/4/2017 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

4

UBND huyện Ân Thi

Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 02/10/2015 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Báo cáo số 169/BC-UBND ngày 25/3/2017 về việc hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế

5

UBND huyện Kim Động

Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 15/3/2016 về tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

6

UBND huyện Khoái Châu

Đề án ngày 29/4/2016 số 44B/ĐA-UBND về tinh giản biên chế khối nhà nước giai đoạn 2015-2021; 44A/ĐA-UBND về tinh giản biên chế khối các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2015-2021; 44C/ĐA-UBND về tinh giản biên chế khối xã, thị trấn giai đoạn 2015-2021

7

UBND huyện Văn Giang

Đề án số 43/ĐA-UBND ngày 07/4/2017 về tinh giản biên chế khối nhà nước giai đoạn 2015-2021; 44/ĐA-UBND về tinh giản biên chế khối các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2015-2021; 45/ĐA-UBND về tinh giản biên chế khối xã, thị trấn giai đoạn 2017-2021

8

UBND huyện Văn Lâm

Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 30/12/2015 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Công văn số 215/UBND-NV ngày 24/4/2017 về triển khai chính sách tinh giản biên chế

9

UBND huyện Mỹ Hào

Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 04/2/2016 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; Báo cáo số 31/BC-UBND ngày 24/3/2017 về điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

10

UBND huyện Yên Mỹ

Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 19/11/2015 về việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP

 

PHỤ LỤC SỐ 02

KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH TINH GIẢN BIÊN CHẾ GIAI ĐOẠN 2015-2021 TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH THUỘC TỈNH QUẢN LÝ
(Kèm theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Stt

Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị

Biên chế được giao năm 2015

Số biên chế thực hiện tinh giản (cắt giảm) đến năm 2021 tối thiểu 10%

Tỷ lệ % tinh giản biên chế đến năm 2021

Số biên chế thực hiện tinh giản (cắt giảm) của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo từng năm

Ghi chú

Tổng số

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

 

TỔNG CỘNG

1.894

204

10,98

208

-

33

41

49

29

37

19

 

A

Cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước

1.885

195

10,56

199

-

24

41

49

29

37

19

 

I

CẤP TỈNH

996

103

10,74

107

-

12

27

28

15

15

10

 

1

Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh

21

2

9,52

2

 

 

 

1

1

 

 

 

2

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

51

5

9,80

5

 

2

2

 

1

 

 

 

3

Sở Nội vụ

73

7

9,59

7

 

1

1

1

3

1

-

 

 

Cơ quan Sở

40

4

10,00

4

 

 

 

1

2

1

 

 

 

Ban Thi đua khen thưởng

13

1

7,69

1

 

 

 

 

1

 

 

 

 

Ban Tôn giáo

10

1

10,00

1

 

1

 

 

 

 

 

 

 

Chi cục Văn thư Lưu trữ

10

1

10,00

1

 

 

1

 

 

 

 

 

4

Sở Tài chính

48

5

10,42

5

 

 

1

3

 

1

 

 

5

Sở Kế hoạch và Đầu tư

44

4

11,36

5

 

 

 

3

1

1

 

 

6

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

55

6

10,91

6

 

1

3

1

-

-

1

 

 

Cơ quan Sở

47

5

10,64

5

 

1

3

1

 

 

 

 

 

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội

8

1

12,50

1

 

 

 

 

 

 

1

 

7

Sở Nông nghiệp & PTNT

158

16

10,13

16

-

1

5

3

3

3

1

 

 

Cơ quan Sở

43

 

9,30

4

 

1

 

 

2

1

 

 

 

Chi cục Thú y

11

 

9,09

1

 

 

 

 

 

 

1

 

 

Chi cục Bảo vệ thực vật

13

 

7,69

1

 

 

1

 

 

 

 

 

 

Chi cục Kiểm lâm

12

 

8,33

1

 

 

 

1

 

 

 

 

 

Chi cục Thủy lợi

11

 

18,18

2

 

 

1

1

 

 

 

 

 

Chi cục Thủy sản

8

 

12,50

1

 

 

 

1

 

 

 

 

 

Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản

13

 

7,69

1

 

 

1

 

 

 

 

 

 

Chi cục PTNT

23

 

13,04

3

 

 

1

 

1

1

 

 

 

Chi cục PCLB và QL đê điều

17

 

11,76

2

 

 

1

 

 

1

 

 

 

Văn phòng ĐPCTMTQG xây dựng nông thôn mới

7

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Sở Tài nguyên và Môi trường

54

6

11,11

6

-

1

 

1

-

2

2

 

 

Cơ quan Sở

28

 

14,29

4

 

1

 

 

 

2

1

 

 

Chi cục Quản lý đất đai

12

 

8,33

1

 

 

 

1

 

 

 

 

 

Chi cục Bảo vệ môi trường

14

 

7,14

1

 

 

 

 

 

 

1

 

9

Sở Giao thông vận tải

37

4

10,81

4

 

 

1

1

1

 

1

 

10

Sở Công Thương

96

10

10,42

10

 

1

2

2

2

2

1

 

 

Cơ quan Sở

40

 

10,00

4

 

1

2

1

 

 

 

 

 

Chi cục Quản lý thị trường

56

 

10,71

6

 

 

 

1

2

2

1

 

11

Sở Xây dựng

35

4

11,43

4

 

 

1

2

 

 

1

 

12

Sở Y tế

66

7

10,61

7

-

1

2

1

-

2

1

 

 

Cơ quan Sở

31

 

12,90

4

 

1

2

1

 

 

 

 

 

Chi cục DS-KHHGĐ

15

 

13,33

2

 

 

 

 

 

1

1

 

 

Chi cục ATVSTP

10

 

10,00

1

 

 

 

 

 

1

 

 

13

Sở Giáo dục và Đào tạo

49

5

10,20

5

 

1

1

1

1

1

 

 

14

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

34

4

11,76

4

 

 

 

3

 

1

 

 

15

Sở Khoa học và Công nghệ

43

5

11,63

5

-

1

2

1

1

-

-

 

 

Cơ quan Sở

30

 

10,00

3

 

1

2

 

 

 

 

 

 

Chi cục TC-ĐL-CL

13

 

15,38

2

 

 

 

1

1

 

 

 

16

Sở Thông tin và Truyền thông

24

2

8,33

2

 

 

2

 

 

 

 

 

17

Sở Tư pháp

33

3

15,15

5

 

 

1

3

 

1

 

Năm 2018 điều chỉnh giảm 02 do chuyển giao Phòng KSTTHC từ Sở Tư pháp về VPUBND tỉnh và cắt giảm 01

18

Thanh tra tỉnh

35

3

8,57

3

 

 

1

 

1

 

1

 

19

Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến

15

2

20,00

3

 

1

2

 

 

 

 

 

20

Ban Quản lý các khu công nghiệp

25

3

12,00

3

 

1

 

1

 

 

1

 

II

CẤP HUYỆN

889

92

10,35

92

-

12

14

21

14

22

9

 

1

UBND thành phố Hưng Yên

90

9

10,00

9

 

2

2

2

1

2

 

 

2

UBND huyện Tiên Lữ

88

9

10,23

9

 

1

1

2

 

3

2

 

3

UBND huyện Phù Cừ

86

9

10,47

9

 

1

1

4

 

1

2

 

4

UBND huyện Ân Thi

95

10

10,53

10

 

2

3

2

1

2

 

 

5

UBND huyện Kim Động

90

9

10,00

9

 

1

1

2

2

2

1

 

6

UBND huyện Khoái Châu

100

10

10,00

10

 

1

3

3

1

1

1

 

7

UBND huyện Văn Giang

82

9

10,98

9

 

1

 

 

4

4

 

 

8

UBND huyện Văn Lâm

82

9

10,98

9

 

1

1

2

1

3

1

 

9

UBND huyện Mỹ Hào

85

9

10,59

9

 

1

1

2

2

2

1

 

10

UBND huyện Yên Mỹ

91

9

9,89

9

 

1

1

2

2

2

1

 

B

Dự phòng

9

9

100

9

 

9

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ 03

KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH TINH GIẢN BIÊN CHẾ GIAI ĐOẠN 2015 -2021 CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, CÁC HỘI ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG THEO SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM VIỆC THUỘC TỈNH QUẢN LÝ
(Kèm theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Stt

Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị

Tổng số lượng người làm việc được giao năm 2015, 2016

Số lượng người làm việc được giao năm 2015

Số lượng người làm việc được giao bổ sung năm 2016

Số lượng người làm việc thực hiện tinh giản đến năm 2021 tối thiểu 10%

Tỷ lệ tinh giản số lượng người làm việc đến năm 2021

Số lượng người làm việc thực hiện tinh giản (cắt giảm) của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc theo từng năm

Tổng số

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

 

TỔNG CỘNG

22.330

21.773

557

2.199

10,11

2.258

-

165

188

670

421

411

403

A

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; các hội được hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc

22.315

21.758

557

2.184

10,05

2.243

-

150

188

670

421

411

403

I

CẤP TỈNH

7.720

7.720

 

777

10,52

812

-

61

67

244

148

143

149

1

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

12

12

 

2

16,67

2

 

 

 

2

 

 

 

 

Trung tâm Tin học Công báo

7

7

 

1

14,29

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Trung tâm Hội nghị tỉnh (Nhà khách)

5

5

 

1

20,00

1

 

 

 

1

 

 

 

2

Sở Nội vụ

10

10

 

1

10,00

1

 

 

 

-

 

 

1

 

Trung tâm Lưu trữ lịch sử

10

10

 

1

10,00

1

 

 

 

 

 

 

1

3

Sở Kế hoạch và Đầu tư

13

13

 

1

7,69

1

 

 

 

1

-

-

-

 

Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN

13

13

 

1

7,69

1

 

 

 

1

 

 

 

4

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

302

302

 

31

10,26

31

 

 

-

16

4

6

5

 

Cơ sở Điều trị nghiện ma túy

41

41

 

 

7,32

3

 

 

 

3

 

 

 

 

Trường Phục hồi CN và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ

51

51

 

 

9,80

5

 

 

 

1

1

1

2

 

Trường Phục hồi CN và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu

51

51

 

 

9,80

5

 

 

 

 

2

2

1

 

Trung tâm Giới thiệu việc làm

32

32

 

 

15,63

5

 

 

 

3

 

2

 

 

Trung tâm Điều dưỡng chăm sóc người có công

25

25

 

 

12,00

3

 

 

 

1

 

 

2

 

Trung tâm Bảo trợ xã hội

26

26

 

 

7,69

2

 

 

 

2

 

 

 

 

Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh

76

76

 

 

10,53

8

 

 

 

6

1

1

 

5

Sở Nông nghiệp & PTNT

227

227

 

23

10,13

23

-

-

3

6

4

2

8

 

Trung tâm Khuyến nông

55

55

 

 

9,09

5

 

 

 

2

 

1

2

 

Trung tâm Nước SH và VSMT

16

16

 

 

12,50

2

 

 

 

 

 

1

1

 

Các Trạm thú y (10 trạm)

65

65

 

 

9,23

6

 

 

1

2

2

 

1

 

Các Trạm bảo vệ thực vật (11 trạm)

55

55

 

 

10,91

6

 

 

1

1

1

 

3

 

Các Đội quản lý đê

36

36

 

 

11,11

4

 

 

1

1

1

 

1

 

Trung tâm Giống nông nghiệp

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Sở Tài nguyên và Môi trường

103

103

 

9

25,24

26

-

6

-

13

-

1

6

 

Văn phòng Đăng ký đất đai

74

74

 

 

10,81

8

 

 

 

1

 

1

6

 

Trung tâm CNTT tài nguyên và môi trường

7

7

 

 

14,29

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Quỹ Bảo vệ môi trường

5

5

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm Quan trắc TN&MT

17

17

 

 

100

17

 

6

 

11

 

 

 

7

Sở Giao thông vận tải

31

31

 

3

9,68

3

 

 

 

 

 

1

2

 

Thanh tra sở

20

20

 

 

10,00

2

 

 

 

 

 

1

1

 

Ban QL bến xe, bến thủy

8

8

 

 

12,50

1

 

 

 

 

 

 

1

 

Văn phòng Quỹ BTĐB

3

3

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

8

Sở Công Thương

12

12

 

2

16,67

2

 

 

 

1

 

 

1

 

Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại

12

12

 

2

16,67

2

 

 

 

1

 

 

1

9

Sở Xây dựng

10

10

 

1

10,00

1

 

 

 

 

 

1

 

10

Sở Y tế

4.217

4.217

 

422

10,15

428

-

40

45

128

83

78

54

a

Khu vực có giường bệnh

3.043

3.043

 

304

10,12

308

-

39

33

84

58

54

40

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh

665

665

 

 

10,08

67

 

13

12

16

11

10

5

 

Bệnh viện YHCT

172

172

 

 

9,88

17

 

 

 

5

4

4

4

 

Bệnh viện Lao & BP

143

143

 

 

10,49

15

 

1

 

4

4

3

3

 

Bệnh viện Mắt

57

57

 

 

8,77

5

 

 

 

2

1

1

1

 

Bệnh viện Tâm thần kinh

131

131

 

 

10,69

14

 

 

 

4

4

3

3

 

Bệnh viện Đa khoa phố Nối

444

444

 

 

10,14

45

 

 

 

12

11

11

11

 

Bệnh viện Sản - Nhi

190

190

 

 

10,00

19

 

 

1

4

5

5

4

 

TTYT huyện Phù Cừ

115

115

 

 

9,57

11

 

3

 

2

2

2

2

 

TTYT huyện Yên Mỹ

97

97

 

 

10,31

10

 

3

3

3

1

 

 

 

TTYT huyện Văn Lâm

119

119

 

 

10,08

12

 

3

3

3

1

1

1

 

TTYT huyện Mỹ Hào

84

84

 

 

11,90

10

 

3

2

5

 

 

 

 

TTYT huyện Ân Thi

125

125

 

 

10,40

13

 

3

2

4

2

2

 

 

TTYT huyện Khoái Châu

204

204

 

 

9,80

20

 

3

2

6

4

4

1

 

TTYT huyện Văn Giang

119

119

 

 

10,08

12

 

2

1

3

2

2

2

 

TTYT huyện Tiên Lữ

152

152

 

 

9,87

15

 

1

1

4

4

3

2

 

TTYT huyện Kim Động

125

125

 

 

9,60

12

 

3

4

3

1

1

 

 

TTYT TP Hưng Yên

75

75

 

 

10,67

8

 

1

2

3

 

1

1

 

Trung tâm HIV/AIDS

26

26

 

 

11,54

3

 

 

 

1

1

1

 

b

Khu vực không có giường bệnh

175

175

 

17

9,71

17

-

1

1

8

4

2

1

 

TTYT Dự phòng

62

62

 

 

9,68

6

 

1

 

2

1

1

1

 

TT CSSK sinh sản

30

30

 

 

10,00

3

 

 

 

2

1

 

 

 

Trung tâm TTGDSK

14

14

 

 

14,29

2

 

 

1

1

 

 

 

 

Trung tâm KN DP MP TP

21

21

 

 

9,52

2

 

 

 

1

1

 

 

 

Trung tâm HIV/AIDS

36

36

 

 

8,33

3

 

 

 

1

1

1

 

 

Trung tâm GĐYK

12

12

 

 

8,33

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Trung tâm Pháp Y

-

 

 

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

c

TT DS-KHHGĐ huyện, TP

76

76

 

8

10,53

8

 

 

 

2

2

2

2

 

Thành phố Hưng Yên

7

7

 

 

14,29

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Huyện Phù Cừ

7

7

 

 

14,29

1

 

 

 

 

 

 

1

 

Huyện Tiên Lữ

8

8

 

 

12,50

1

 

 

 

 

1

 

 

 

Huyện Kim Động

8

8

 

 

12,50

1

 

 

 

 

 

1

 

 

Huyện Ân Thi

8

8

 

 

12,50

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Huyện Khoái Châu

9

9

 

 

11,11

1

 

 

 

 

1

 

 

 

Huyện Văn Giang

7

7

 

 

14,29

1

 

 

 

 

 

 

1

 

Huyện Yên Mỹ

8

8

 

 

12,50

1

 

 

 

 

 

1

 

 

Huyện Mỹ Hào

7

7

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Huyện Văn Lâm

7

7

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

d

Trạm Y tế xã

923

923

 

93

10,29

95

-

-

11

34

19

20

11

 

Thành phố Hưng Yên

88

88

 

 

10,23

9

 

 

1

3

2

2

1

 

Huyện Phù Cừ

74

74

 

 

9,46

7

 

 

1

3

1

1

1

 

Huyện Tiên Lữ

79

79

 

 

10,13

8

 

 

2

3

2

1

 

 

Huyện Kim Động

93

93

 

 

10,75

10

 

 

2

2

2

2

2

 

Huyện Ân Thi

111

111

 

 

10,81

12

 

 

1

6

2

3

 

 

Huyện Khoái Châu

150

150

 

 

10,67

16

 

 

1

6

3

4

2

 

Huyện Văn Giang

75

75

 

 

10,67

8

 

 

1

3

2

2

 

 

Huyện Yên Mỹ

102

102

 

 

9,80

10

 

 

1

4

1

2

2

 

Huyện Mỹ Hào

75

75

 

 

10,67

8

 

 

 

2

2

2

2

 

Huyện Văn Lâm

76

76

 

 

9,21

7

 

 

1

2

2

1

1

11

Viện Điều dưỡng

21

21

 

2

9,52

2

 

 

 

1

 

1

 

12

Sở Giáo dục và Đào tạo

1.914

1.914

 

192

10,03

192

-

10

9

23

44

44

62

 

26 Trường THPT

1.854

1.854

 

186

10,03

186

 

10

9

20

44

43

60

 

02 Trung tâm Giáo dục thường xuyên

60

60

 

6

10,00

6

 

 

 

3

 

1

2

13

Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch

256

256

 

26

10,16

26

-

-

1

21

2

1

1

 

Thư viện tỉnh

17

17

 

 

11,76

2

 

 

 

2

 

 

 

 

Bảo tàng tỉnh

20

20

 

 

10,00

2

 

 

 

2

 

 

 

 

Trung tâm văn hóa tỉnh

19

19

 

 

10,53

2

 

 

 

2

 

 

 

 

Nhà hát Chèo

76

76

 

 

10,53

8

 

 

1

6

1

 

 

 

Ban Quản lý di tích

16

16

 

 

31,25

5

 

 

 

5

 

 

 

 

Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch

13

13

 

 

7,69

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Trung tâm Phát hành phim và CB

16

16

 

 

12,50

2

 

 

 

1

1

 

 

 

Sự nghiệp thể dục thể thao

1

1

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Trường Trung cấp Văn hóa NTDL

40

40

 

 

5,00

2

 

 

 

1

 

 

1

 

Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT

38

38

 

 

5,26

2

 

 

 

1

 

1

 

14

Sở Khoa học và Công nghệ

14

14

 

2

21,43

3

-

-

3

-

-

-

-

 

Trung tâm Kĩ thuật TCĐLCL

9

9

 

 

22,22

2

 

 

2

 

 

 

 

 

Trung tâm Ứng dụng TBKH&KT

5

5

 

 

20,00

1

 

 

1

 

 

 

 

 

Trung tâm Thông tin và TK KH&CN

-

 

 

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

15

Sở Thông tin và Truyền thông

12

12

 

2

16,67

2

 

 

 

2

 

 

 

 

Trung tâm Công nghệ TT và TT

12

12

 

2

16,67

2

 

 

 

2

 

 

 

16

Sở Tư pháp

27

27

 

3

29,63

8

 

 

 

6

1

1

-

 

Trung tâm TGPLNN

21

21

 

2

9,52

2

 

 

 

 

1

1

 

 

Phòng công chứng số 1

6

6

 

1

100,00

6

 

 

 

6

 

 

 

17

Đài Phát thanh và Truyền hình

96

96

 

10

10,42

10

 

 

 

4

2

2

2

18

Trường Cao đẳng Y tế

63

63

 

7

11,11

7

 

 

1

4

1

 

1

19

Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên

150

150

 

15

14,00

21

 

5

2

8

3

1

2

20

Trường Cao đẳng KT-KT Tô Hiệu

164

164

 

17

10,37

17

 

 

3

4

4

4

2

21

Quỹ Phát triển đất tỉnh

11

11

 

1

9,09

1

 

 

 

 

 

 

1

22

Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật

5

5

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

23

Hội Chữ thập đỏ tỉnh

12

12

 

1

8,33

1

 

 

 

1

 

 

 

24

Hội Đông y tỉnh

7

7

 

1

14,29

1

 

 

 

 

 

 

1

25

Hội Nhà báo tỉnh

5

5

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

26

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh

7

7

 

1

14,29

1

 

 

 

1

 

 

 

27

Hội Người mù tỉnh

3

3

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

28

Hội Luật gia

3

3

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

29

Hội Khuyến học

1

1

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

30

Liên minh các hợp tác xã (Liên minh các HTX và Quỹ hỗ trợ PT HTX)

12

12

 

2

16,67

2

 

 

 

2

 

 

 

II

CẤP HUYỆN

14.595

14.038

557

1.407

9,80

1.431

-

89

121

426

273

268

254

1

UBND thành phố Hưng Yên

1.446

1.407

39

141

9,89

143

-

10

19

50

23

25

16

 

Trung tâm VH-TT-DL

15

15

 

 

20,00

3

 

 

 

3

 

 

 

 

Đài truyền thanh

10

10

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Đội trật tự đô thị

10

10

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM,

3

3

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

33

33

 

 

12,12

4

 

 

 

4

 

 

 

 

Khối Mầm non

362

337

25

 

8,01

29

 

 

5

5

6

8

5

 

Khối Tiểu học

544

530

14

 

9,01

49

 

 

5

16

12

11

5

 

Khối THCS

469

469

 

 

12,37

58

 

10

9

22

5

6

6

2

Huyện Tiên Lữ

1.308

1.262

46

126

9,86

129

-

5

13

42

17

29

23

 

Trung tâm VH-TT-DL

10

10

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM,BVMT

8

8

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

42

42

 

 

11,90

5

 

 

 

4

 

 

1

 

Khối Mầm non

396

361

35

 

8,59

34

 

 

4

11

4

7

8

 

Khối Tiểu học

447

436

11

 

11,41

51

 

 

5

13

9

18

6

 

Khối THCS

398

398

 

 

9,80

39

 

5

4

14

4

4

8

3

Huyện Phù Cừ

1.109

1.070

39

107

9,83

109

-

6

9

38

23

14

19

 

Trung tâm VH-TT-DL

10

10

 

 

10,00

1

 

 

 

 

 

 

1

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM,BVMT

8

8

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

21

21

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Khối Mầm non

351

320

31

 

6,27

22

 

 

2

11

2

4

3

 

Khối Tiểu học

356

348

8

 

11,52

41

 

 

4

10

15

4

8

 

Khối THCS

356

356

 

 

12,64

45

 

6

3

17

6

6

7

4

Huyện Ân Thi

1.729

1.667

62

167

9,83

170

-

7

16

45

34

37

31

 

Trung tâm VH-TT-DL

10

10

 

 

10,00

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM,BVMT

8

8

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

42

42

 

 

9,52

4

 

 

 

2

1

1

 

 

Khối Mầm non

508

461

47

 

10,63

54

 

 

5

14

13

10

12

 

Khối Tiểu học

578

563

15

 

9,34

54

 

 

1

16

13

11

13

 

Khối THCS

576

576

 

 

9,90

57

 

7

10

12

7

15

6

5

Huyện Kim Động

1.347

1.299

48

130

9,80

132

-

16

14

29

20

19

34

 

Trung tâm VH-TT-DL

10

10

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM, VSMT

8

8

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

27

27

 

 

11,11

3

 

 

1

1

 

1

 

 

Khối Mầm non

402

366

36

 

7,96

32

 

 

4

8

7

8

5

 

Khối Tiểu học

482

470

12

 

9,13

44

 

 

4

12

10

8

10

 

Khối THCS

411

411

 

 

12,90

53

 

16

5

8

3

2

19

6

Huyện Khoái Châu

2.136

2.054

82

206

9,78

209

-

10

15

69

38

39

38

 

Trung tâm VH-TT-DL

12

12

 

 

16,67

2

 

 

 

1

 

1

 

 

Đài truyền thanh

8

8

 

 

12,50

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM,VSMT

9

9

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

44

44

 

 

9,09

4

 

 

1

3

 

 

 

 

Khối Mầm non

619

556

63

 

9,85

61

 

 

6

17

16

11

11

 

Khối Tiểu học

744

725

19

 

9,14

68

 

 

2

22

14

12

18

 

Khối THCS

700

700

 

 

10,43

73

 

10

6

25

8

15

9

7

Huyện Văn Giang

1.322

1.257

65

126

9,68

128

-

5

7

52

24

18

22

 

Trung tâm VH-TT-DL

10

10

 

 

10,00

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM

3

3

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

21

21

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đội VSMT

5

5

 

 

-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khối Mầm non

430

377

53

 

7,67

33

 

 

 

11

8

5

9

 

Khối Tiểu học

439

427

12

 

10,25

45

 

 

2

24

5

6

8

 

Khối THCS

407

407

 

 

12,04

49

 

5

5

16

11

7

5

8

Huyện Văn Lâm

1.295

1.238

57

124

9,73

126

-

8

8

25

36

26

23

 

Trung tâm VH-TT-DL

10

10

 

 

10,00

1

 

 

 

 

 

1

 

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM

3

3

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

21

21

 

 

9,52

2

 

 

1

 

 

1

 

 

Đội VSMT

5

5

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Khối Mầm non

417

373

44

 

8,39

35

 

 

 

7

10

10

8

 

Khối Tiểu học

444

431

13

 

11,26

50

 

 

1

11

15

11

12

 

Khối THCS

388

388

 

 

9,79

38

 

8

6

7

11

3

3

9

Huyện Mỹ Hào

1.265

1.212

53

122

9,80

124

-

7

11

43

20

24

19

 

Trung tâm VH-TT-DL

10

10

 

 

10,00

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

14,29

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM,BVMT

8

8

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm GDNN-GDTX

32

32

 

 

12,50

4

 

 

1

3

 

 

 

 

Khối Mầm non

378

341

37

 

8,99

34

 

 

3

8

7

8

8

 

Khối Tiểu học

457

441

16

 

10,50

48

 

 

3

17

10

9

9

 

Khối THCS

373

373

 

 

9,65

36

 

7

4

13

3

7

2

10

Huyện Yên Mỹ

1.638

1.572

66

158

9,83

161

 

15

9

33

38

37

29

 

Trung tâm VH-TT-DL

11

11

 

 

9,09

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Đài truyền thanh

7

7

 

 

14,29

1

 

 

 

1

 

 

 

 

Hội CTĐ, HNM,BVMT

8

8

 

 

-

-

 

 

 

 

 

 

 

 

Khối Mầm non

488

441

47

 

9,63

47

 

 

3

7

13

14

10

 

Khối Tiểu học

612

593

19

 

9,48

58

 

 

1

12

16

15

14

 

Khối THCS

512

512

 

 

10,55

54

 

15

5

12

9

8

5

B

Dự phòng

15

15

 

15

100

15

 

15

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ 04

KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH TINH GIẢN BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC CẤP XÃ CỦA CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH QUẢN LÝ GIAI ĐOẠN 2015-2021
(Kèm theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Stt

Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị

Biên chế được giao năm 2015

Số biên chế thực hiện tinh giản theo quy định đến năm 2021 tối thiểu 10%

Tỷ lệ % tinh giản biên chế đến năm 2021

Số biên chế thực hiện tinh giản (không cắt giảm) của các xã, phường, thị trấn theo từng năm

Ghi chú

Tổng số

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

 

TỔNG SỐ

3.404

341

10,02

341

-

4

22

58

91

140

26

 

1

Thành phố Hưng Yên

351

35

9,97

35

 

 

 

9

12

13

1

17 xã, phường, trong đó: Loại II: 10; loại III: 7

2

Huyện Tiên Lữ

310

31

10,00

31

 

3

2

6

9

9

2

15 xã, thị trấn, trong đó: Loại II: 5; Loại III: 10

3

Huyện Phù Cừ

290

29

10,00

29

 

1

6

5

8

6

3

14 xã, thị trấn, trong đó: Loại II: 5; Loại III: 9

4

Huyện Ân Thi

432

43

9,95

43

 

 

1

8

14

17

3

21 xã, thị trấn, trong đó: Loại II: 6; Loại III: 15

5

Huyện Kim Động

356

36

10,11

36

 

 

 

5

7

20

4

17 xã, thị trấn, trong đó: Loại II: 8; Loại III: 9

6

Huyện Khoái Châu

542

54

9,96

54

 

 

2

7

14

26

5

25 xã, thị trấn, trong đó: Loại I: 2; Loại II: 18; Loại III: 5

7

Huyện Văn Giang

239

24

10,04

24

 

 

 

5

7

10

2

11 xã, thị trấn, trong đó: Loại I: 3; Loại II: 5; Loại III: 3

8

Huyện Văn Lâm

246

25

10,16

25

 

 

1

3

7

12

2

11 xã, thị trấn, trong đó: Loại I: 4; Loại II: 7

9

Huyện Mỹ Hào

276

28

10,14

28

 

 

 

5

5

16

2

13 xã, thị trấn, trong đó: Loại II: 8; Loại III: 5

10

Huyện Yên Mỹ

362

36

9,94

36

 

 

10

5

8

11

2

17 xã, thị trấn, trong đó: Loại II: 11; Loại III: 6